Kết cấu, vật liệu và tính bền vững của bao bì (Phần 2)
Các loại giấy bìa phổ biến nhất gồm có:
+ Giấy SBS (Solidbleached sulfate) được cấu thành với tỷ lệ sợi tẩy trắng nguyên thủy cao nhất. Giấy thành phẩm ở giai đoạn đầu tiên được phủ đất sét để tạo một bề mặt in trắng và rắn hơn. Giấy này thường được sử dụng cho bao bì thực phẩm, các sản phẩm bơ sữa, mỹ phẩm và sản phẩm y dược.
+ Giấy SUS (Solid unbleached sulfate) được cấu thành với tỷ lệ sợi không tẩy trắng nguyên thủy cao nhất. Loại giấy này còn được gọi là giấy kraft tự nhiên (sở dĩ gọi là giấy kraft vì chúng được trộn thêm bột kraft – bôt thường được nấu từ bã mìa – để tăng thêm độ cứng), trên bề mặt có thể có hoặc không có lớp phủ hoàn thiện. Với độ cứng như vậy, loại giấy này rất thích hợp để đựng các sản phẩm đồ uống, phần cứng / linh kiện máy tính hay văn phòng phẩm.
+ Giấy bìa tái chế (Recycled paperbroad) là nguyên vật liệu đa lớp, được sản xuất từ giấy và giấy bìa tái chế trước hoặc sau tiêu thụ với các tỷ lệ khác nhau. Giấy thải ở giai đoạn trước tiêu thụ (pre-consumer waste) là giấy loại từ máy nghiền hoặc giấy chưa đưa ra thị trường. Giấy thải ở giai đoạn sau tiêu thụ (post-consumer waste) là giấy đã qua sử dụng rồi bị thải loại. Giấy và giấy bìa tái chế có thể có hoặc không có lớp tráng phủ. Các công nghệ sản xuất ngày nay có thể đạt được tỷ lệ 100% giấy bìa tái chế có bề mặt phù hợp hơn cho việc in ấn. Giấy không tráng phủ được dùng làm lon giấy (lon hình trụ có thân bằng giấy), hộp nhỏ và thùng giấy hình trống. Giấy tráng phủ (coated board) được dùng làm bao bì đựng thực phẩm khô như các loại bánh, sản phẩm gia dụng và bột giặt.
+ Giấy chipboard (Plain chipboard) hay còn gọi là giấy bìa thô (Shirt board) được làm từ giấy Thái, thường có màu xám hoặc nâu. Loại giấy này thường được dùng để làm hộp dành cho những sản phẩm riêng biệt (set-up box) (thường là một lớp hộp cứng được bọc giấy trang trí ở ngoài, để làm hộp đừng quà tặng như nước hoa, kính), hộp carton gập, lớp lót cho bao bì dạng vỉ, bao bì thông thường, hoặc kết cấu khuất bên trong (không nhìn thấy được trên kệ). Giấy chipboard thường không thích hợp để in trực tiếp.
Việc sử dụng 100% giấy tái chế và giấy bìa giúp các công ty sản xuất đồ tiêu dùng đạt được cam kết của mình về tính bền vững của bao bì, đồng thời cân đối được lợi ích của công ty. Logo giấy tái chế do một tổ chức phi lợi nhuận là Liên minh Giấy tái chế 100% (100% Recycled Paperboard Alliance – RPA – 100%) cấp giấy phép, sẽ được gắn trên các loại giấy tái chế đáp ứng tiêu chuẩn do Phòng Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission) ban hành. Logo này giúp người tiêu dùng nhận biết được bao bì có “xanh” (vô hại với môi trường) hay không. Sử dụng 100% vật liệu tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, cây cối và giảm sự phát thải của khí hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas emission).
+ Giấy bìa dạng sóng (Corrugated paperboard) còn gọi là giấy bìa carton, được làm từ giấy bìa ép thành các gợn sóng đều nhau. Giấy bìa dạng sóng một mặt gồm một lớp sóng gắn vào một lớp lưng. Giấy bìa dạng sóng hai mặt gồm một lớp sóng nằm giữa hai lớp lưng. Phần sóng giấy không có lưng thường được dùng để đóng gói sản phẩm dễ vỡ hoặc để bọc sản phẩm bên trong. Giấy dạng sóng cấu trục một, hai hay ba lớp cũng thường được dùng để bọc ngoài, như các hộp chứa và hộp carton vận chuyển hàng hóa. Kết cấu giấy một mặt với lớp sóng nhỏ còn có tác dụng trang trí mặt ngoài của bao bì. Giấy bìa in có thể ép vào giấy dạng sóng để tạo thành bao bì chính cho các sản phẩm khối lượng lớn như dụng cụ, đồ nấu ăn, đồ gia dụng (bàn là, máy nướng bánh, bát đĩa, đồ thủy tinh,…) và độ điện tử (máy tính, camera,…) (Hình 3.73 và Hình 3.74).
Hình 3.73: Giấy bìa dáng sóng
Hình 3.74: Sản phẩm Sleeman Fine Porter and India Pale Ale
Hãng thiết kế: Dossier Creative - Khách hàng: Sinemart
+ Hộp carton gấp (Folding carton) được làm từ giấy bìa, giấy bìa dạng sóng, giấy dạng gấp (dạng có những đường gấp nếp sẵn), được thiết kế thành một mảnh duy nhất, sau đó được gấp, gắn hoặc dán hồ lại thành hộp. Các đường họa tiết hay đường bể của hộp carton bao gồm những đường nét bao ngoài hình dạng và tất cả các đường cắt, đường vạch giúp phân định từng mảnh của hộp, cũng như phần nắp dính hồ (glue flap) tương ứng để gắn kết chúng thành vỏ hộp hoàn chỉnh. Khi thiết kế, có thể bổ sung các đường bế (die cut) bên trong thân, hoặc cắt một phần thân để tạo những chức năng riêng biệt cho vỏ carton (Hình 3.75).
Hình 3.75: Sản phẩm Yardley
Hãng thiết kế: Little Big Brands - Khách hàng: Lornamead, Yardley
+ Các kiểu hộp carton gấp: Có hai kiểu hộp carton gấp phổ biến nhất, đó là :
Hộp nắp trái chiều (reverse-tuck): Nắp trên và nắp dưới mở ra ở hai hướng ngược nhau; theo đó, phần nắp trên có thể mở từ trước ra sau, còn phần nắp dưới mở từ sau ra trước. Rãnh gấp của nắp trên nằm ở sau lưng hộp.
Hộp nắp cùng chiều (straight-tuck): Nắp trên và nắp dưới mở ra cùng hướng nhau, thường theo hướng từ sau ra trước (xem hình 3.92).
Hai loại bộ phận đóng mở phổ biến nhất của hộp carton gấp:
Nắp có mép cắt (slit-lock): Phần mép gấp của nắp hộp được cắt sâu thành các nắp cứng(dust flap) bên trên.
Nắp không mép cắt (friction-lock): Phần mép gấp của nắp hộp đơn thuần được gấp lại. Mép gấp này thường ở cạnh của nắp trên và nắp dưới.
Đối với hộp carton gấp có nắp trái chiều, nắp trên của bộ phận đóng mở không có mép cắt và thường mở từ sau ra trước, bộ phận đóng mở phía dưới có mép cắt và thường mở từ trước ra sau. Đường cắt này được vận dụng linh hoạt để làm thành hộp ở mọi kích cỡ. Các “cửa sổ” (phần trong suốt của bao bì, giúp nhìn thấu được sản phẩm bên trong bao bì từ bên ngoài) có đường bế và trang trí được bổ sung, giúp hộp trông đẹp mắt và nổi bật hơn, đồng thời dễ gây ấn tượng khi được bày trên kệ.
Hộp dành cho những sản phẩm riêng biệt (Set-up box): Đây là dạng hộp có hai phần nắp và thân hộp được lắp đặt sẵn thành khối cứng. Loại hộp này thường được làm từ giấy bìa hoặc giấy chipboard nặng, sau đó người ta dùng giấy trang trí, vài hoặc các vật liệu bao phủ khác để ép quanh hộp. Các sản phẩm như nước hoa, bánh kẹo, đồ trang sức thường được dùng loại hộp này để làm tăng độ sang trọng và sự uy tín. Người dùng cũng có thể tái sử dụng các hộp này bởi trông chúng khá vừa vặn và đẹp mắt. Kỹ thuật sản xuất hộp carton gấp sử dụng kết cấu một hoặc hai mảnh với những đường gấp gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp hộp có bề ngoài ưa nhìn, song vẫn đảm bảo giá thành hợp lý (Hình 3.76).
- Hộp nhỏ (Canister): thường là các hộp hình trụ được làm bằng giấy bìa với những độ dài và khối lượng khác nhau. Phần lồi hình trụ bên trong cuộn giấy vệ sinh là một ví dụ điển hình về loại hộp trọng lượng nhẹ này. Các hộp thông thường được làm từ giấy bìa, còn các hộp cao cấp hơn được dùng cho mỹ phẩm, đồ lót, phụ kiện thời trang, đồ sang trọng, thực phẩm và hộp đựng quà tặng dạng lỏng. Hộp loại nhỏ còn được gắn thêm những lớp nhựa bảo vệ, màng kim loại, các lớp phôi bảo vệ làm từ kim loại để đựng các sản phẩm như snack, cháo bột, nước hoa quả đông lạnh và bột nhão kết đông. Các nhà sản xuất hộp nhỏ vẫn đang liên tục cải tiến cả về mẫu mã hộp (cụ thể là hình dạng, như dạng oval, hình không đối xứng), lẫn các đường cắt hay kỹ thuật tráng phủ lên bề mặt hộp.
Các loại kết cấu bao bì bằng giấy và giấy bìa khác:
Khay, túi bọc, túi và túi thắt nút đều được sử dụng cho những thiết kế bao bì chính, cho các kết cấu bao bì bên trong, hoặc kết hợp với những bao bì khác thành một tổng thể. Túi bọc (sleeve) được cắt tỉa và mang kết cấu đa dạng để tạo bề ngoài riêng biệt. Giấy và giấy bìa loại nhẹ có thể được dùng dể làm túi (bag) hay túi thắt nút (pouch). Loại túi giấy đáy hình vuông thông thường đã xuất hiện cách đây hơn hai thế kỷ, song hiện vẫn được áp dụng rộng rãi. Vì là bao bì thứ cấp, loại túi giấy này thường được dùng khi mua sắm và là nơi lý tưởng để đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm, thương hiệu hay cửa hiệu. Túi giấy và túi thắt nút có thể được ép thêm lớp màng hoặc phôi nhựa để bảo vệ sản phẩm bên trong.
Giấy bìa có thể được gấp, đổ khuôn, tạo hình thành những hình dạng khác nhau hoặc được kết hợp với nhiều nguyên vật liệu khác, và chính khả năng thích ứng linh hoạt này của giấy bìa đã giúp nhà thiết kế được tự do sáng tạo. Sự đa dạng trong khả năng biến đổi của loại giấy này (định hình từ giấy bìa ban đầu cho tới sản phẩm vỏ bao hoàn chỉnh cuối cùng), cũng như sự hoàn thiện về in ấn sẽ đem đến đặc trưng riêng cho bao bì. Bề mặt vật lý của giấy bìa khi in lên sẽ rất đẹp. Áp dụng kỹ thuật dập nổi, ép hoặc cán thêm lớp kim loại, làm mờ hoặc đánh bóng bằng vécni, tráng nhuộm và nhiều kỹ thuật khác sẽ góp phần đáng kể tạo nên tính năng dễ phân biệt của bao bì.
Giấy không làm từ nguyên liệu gỗ (“tree-tree” paper) là loại giấy được làm từ các loại cây và nông sản, như cây gai dầu, bã mía. Giấy đá (stone paper), chẳng hạn như giấy TerraSkin, được làm từ hỗn hợp bột vô cơ (canxin cacbon) và nhựa polyethylene không độc chiết xuất từ cây. Bột vô cơ là chất thải của rất nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành xây dựng. Loại giấy bền vững này không chứa độc tố, khi sản xuất không tiêu tốn nước hay quá nhiều năng lượng, mà chỉ cần một lượng vừa phải năng lượng bền vững. Bột vô cơ giúp giấy có màu trắng tự nhiê. Giấy đá có khả năng chống thấm nước, chống xé, khi cầm đem lại cảm giác sang trọng, đồng thời khi in tốn ít mực hơn so với giấy thường. Chúng còn có ưu điểm là có thể đem nung hoặc tái chế khi đã sử dụng xong. Nhìn từ khía cạnh tái chế, thành phần tốn kém nhất để làm loại giấy này là nhựa polyethylene. Những đổi mới trong công nghệ làm giấy vẫn đang góp phần cải thiện các đặc tính dễ phân hủy và / hoặc mục nát của giấy (Hình 3.77, 3.78 và 3.79).
Hình 3.76: Sản phẩm Peak của Rocky Mountain Chocolate Factory
Hãng thiết kế: Dossier Creative - Khách hàng: Rocky Mountain Chocolate Factory
Hình 3.77: Sản phẩm Xà phòng Burt’s Bees (đầu tiên)
Lớp giấy lót bên trong được tráng phủ để bảo vệ sản phẩm, còn lớp giấy ngoài là nơi in thương hiệu sản phẩm
Hình ảnh do Design and Source Productions cung cấp - Khách hàng: Burt’s Bee
Hình 3.78: Hãng Burt’s Bee đã cắt giảm vật liệu bao bì bằng cách chỉ sử dụng một lớp
giấy TerraSkin bọc sản phẩm, có khả năng chống thấm nước và chống xé
Hãng thiết kế: Design and Source Productions - Khách hàng: Burt’s Bee
Hình 3.79: Túi mua sắm TerraSkin của hãng MoMA
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art) ở New York đã sản xuất loại túi và hộp quà này từ giấy TerraSkin.
Hãng thiết kế: Design and Source - Khách hàng: MoMA
- Nhựa: Rất nhiều loại nhựa (Plastic) với chất lượng và thuộc tính khác nhau đã và đang đáp ứng các yêu cầu thiết kế cũng như bao chứa. Nhựa có thể ở dạng rắn hoặc dẻo; trắng hoặc có màu; trong suốt hoặc đục; và cũng có thể được đổ khuôn thành những hình dạng và kích cỡ khác nhau. Nhựa được ép nhiệt để làm mềm, sau đó được định hình bằng cách đúc khuôn (mold), ép trồi (extrusion) hoặc ép cán láng (calendering). Với khả năng dễ tạo hình, nhựa đem lại cho nhà thiết kế cơ hội để sáng tạo những hình dáng cách tân mới mẻ. Chẳng hạn, chai và các kết cấu bao bì khác có thể sử dụng dán nhãn nilon, có nhiều tùy chọn về màu sắc (kể cả tô màu lẫn hiệu ứng kim loại đặc biệt), dập nổi và công nghệ phủ bề mặt như in lụa và dập nóng bằng phôi nhũ nhiệt (hot stamping foil).
Kết cấu bao bì nhựa cứng bảo toàn được hình dạng ngay cả khi bao bọc sản phẩm. Chai, lọ, tuýp hay bao bì dạng thùng có thể được tạo ra hoặc lựa chọn theo yêu cầu của khách hàng, dựa vào mẫu bao bì phổ thông (nguồn hộp đựng sẵn có cho các mục đích sử dụng) với nhiều đường viền và kích cỡ khác nhau. Kết cấu bao bì làm tự nhựa thường được dùng cho đa số ngành hàng, chẳng hạn như bình sữa, chai soda, hộp bơ, bát đựng thức ăn dùng cho lò vi sóng, chai dầu gội đầu, chai sữa dưỡng thể, chai thuốc, chai thuốc tẩy, chai nước rửa bát. Bao bì nhựa với các đường nét và hình dạng khác nhau thường dễ dàng tạo sự khác biệt và thiết lập đặc tính cho một ngành hàng.
Tuýp nhựa (thậm chí tuýp kim loại hay thiếc) thường được gắn van vặn hoặc nắp xoáy ở đầu. Chúng có thể được dốc ngược lại, với phần nắp chuyển xuống dưới để tiện cho việc vận chuyển và phân phối. Sự đổi mới nguyên vật liệu và quy trình sản xuất nhựa đem lại cho các nhà thiết kế khả năng phát triển sản phẩm dạng tuýp với đường viền khít. Có thể in lên tuýp trước hoặc sau khi định dạng chúng, nhưng do phần diện tích trên tuýp để bố trí thông tin sản phẩm không nhiều, nên việc ứng dụng đồ họa vào thiết kế bao bì cho sản phẩm dạng tuýp trở thành một thách thức. Tương tự các nguyên vật liệu khác, thiết kế phức tạp hay không phức tạp phụ thuộc cả vào quy trình sản xuất lẫn in ấn.
Hệ thống mã số phân loại nhựa (The resin identification code – RIC) được Hiệp hội ngành Nhựa (Society of the Plastics Industry – SPI) giới thiệu năm 1988, nhằm phân loại các loại nhựa khác nhau. Người ta đánh số vào từng loại nhựa để phục vụ cho quá trình tái chế. Việc đánh số này được đặt trong một tam giác cách điệu tạo thành tư ba mũi tên quay vòng và nằm trên bao bì, nhằm xác định loại nhựa được sử dụng cho bao bì. Trái với quan niệm truyền thống, những con số này không nói lên độ phức tạp khi tái chế nhựa, cũng không cho biết nhựa đã được tái chế bao nhiêu lần (Hình 3.80 và Hình 3.81).
Hình 3.80: Bảng hệ thống phân loại nhựa
Hình 3.81: Sản phẩm Plum Baby Organic Super Puffs
+ Nhựa sinh học (Bioplastic) được làm từ nguyên vật liệu thô có thể tái chế như tinh bột (ngô, khoai tây, sắn hột), đường cellulose, đạm tương, vi sinh, phụ phẩm nông nghiệp; tất cả đều không chứa thành phần dầu hóa. Một số nguyên vật liệu dễ bị phân hủy và / hoặc mục nát. Nhựa sinh học nguồn gốc tinh bột được sử dụng rộng rãi vì khả năng hấp thu độ ẩm cao. Axit polylactic (PLA) chiết xuất từ mía hoặc glucose là một trong những loại nhựa sinh học đầu tiên được dùng cho bao bì. Độ trong suốt của nhựa sinh học không thua kém so với nhựa PET và các loại nhựa khác. Nhựa sinh học nhẹ và bền, trông tương tự, đồng thời có độ ấm tương đương và cũng mang thuộc tính kháng khí gas như một số loại nhựa khác (Hình 3.82). Chúng được sử dụng chủ yếu để làm vỏ chai nước khoáng và đồ uống, thực phẩm từ sữa, bao bì đựng thực phẩm (dạng khay và hộp đồ ăn mang đi), túi và màng bọc. Trở ngại lớn nhất khi sử dụng loại nhựa này là thiếu thiết bị tái chế dùng để tách chúng khỏi loại nhựa chứa dầu khác, bởi chúng sẽ làm ô nhiễm hệ thống tái chế đó.
Hình 3.82: Nhựa sinh học bọc ngoài sản phẩm TWIST bày trên kệ
+ Bao bì dạng vỉ (Blister pack) thường được làm từ nhựa PVC, được ép nhiệt quanh mặt trước sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhìn thấy sản phẩm qua lớp nhựa trong suốt. Phần vì thường bám chặt vào phần lưng bằng giấy bìa và các hình vẽ đồ họa của bao bì sẽ được in lên vỉ. Có hai dạng vỉ: Dạng đơn với phần thân có khớp gập, hoặc dạng đôi gồm hai mảnh úp vào nhau như con sò (clamshell). Hai dạng này đều dễ dàng bao quanh mọi phía của sản phẩm để có thể nhìn được sản phẩm xuyên qua vỉ. Các hình vẽ đồ họa có thể được in trực tiếp lên vỉ.
Kết cấu vỉ thường được ghim hoặc dính cố định lên một phần bìa hoặc thân khác của bao bì. Đồ chơi, phụ kiện kèm theo mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cơ thể, thuốc không kê đơn, pin, đồ điện tử, phần cứng như đinh, tuốc nơ vít hay các phụ kiện nhỏ khác là những sản phẩm dùng tới bao bì dạng vỉ này.
Trước đây, bao bì dạng vỉ thường dễ mở, khiến nảy sinh tình trạng trộm vặt. Ngày nay, các bao bì dạng vỉ khó mở hơn (để hạn chế tính táy máy của người tiêu dùng), song có tác dụng ngăn chặn nạn trộm vặt tốt hơn.
Một đổi mới của bao bì dạng vỉ là lớp vỏ nhựa trong suốt được uốn mềm bao khắp sản phẩm rồi gắn chặt vào bìa giấy. Lớp nhựa trong suốt dược làm mềm bằng nhiệt rồi ôm sát quanh sản phẩm. Lớp nhựa dạng này tạo ra sự linh hoạt, kinh tế hơn so với bao bì dạng vỉ truyền thống, bởi chúng có thể bao sát mọi hình dáng sản phẩm, thay vì chỉ phù hợp với một vài kiểu dáng sản phẩm nhất định. Chúng cũng giúp tiết kiệm nhựa hơn, trong khi vẫn tạo được ấn tượng thị giác cho sản phẩm.
Hình 3.83: Bao bì dạng vỉ của sản phẩm Vitamin Water
- Thủy tinh (Glass) cũng có thể tạo ra vô số mẫu mã đa dạng về kích cỡ, hình dạng, màu sắc và có thể được sử dụng cho hầu hết các ngành hàng tiêu dùng. Thủy tinh được đúc khuôn thành những hình dạng riêng biệt với kích cỡ và đường nét phong phú, tô điểm thêm cho tổng thể bao bì. Những cách tân trong thiết kế lọ thủy tinh gồm có việc sử dụng các công nghệ in và dán nhãn khác biệt, qua đó đem lại một thiết kế bao bì phù hợp. Thủy tinh có tính trơ, nghĩa là không có phản ứng gì với chất liệu chứa bên trong. Bởi vậy, thủy tinh là nguyên vật liệu lý tưởng, bên cạnh nhựa và các nguyên vật liệu khác vốn hay xuất hiện phản ứng phụ, gây ảnh hưởng tới một số loại thức ăn, thuốc và sản phẩm nhất định.
Cùng với nhựa, thủy tinh là một lựa chọn thích hợp cho vấn đề nguyên vật liệu sản xuất bao bì. Khối lượng và đặc tính dễ vỡ của thủy tinh có thể làm phát sinh chi phí sản xuất và vận chuyển; nhưng về mặt thị giác và chất lượng tiếp xúc, thủy tinh dễ dàng truyền tải giá trị, độ tin cậy và sự khác biệt (Hình 3.84 và Hình 3.85). Thủy tinh là loại vật liệu thường được dùng cho bao bì sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm, dược phẩm, đồ uống, đồ ăn và sản phẩm đắt tiền. Với nhận thức rằng sản phẩm sẽ được nhìn thấy, ngửi thấy và có vị tốt hơn khi đựng trong lọ thủy tinh, nhiều loại đồ uống có cồn và đồ uống không gas, như nước tăng lực cho vận động viên, trà, nước hoa quả, thậm chí là nước khoáng đều được đóng trong chai thủy tinh. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại chai lọ bằng nhựa chất lượng cao “trông giống thủy tinh” cho những sản phẩm như vậy cũng là một sự cạnh tranh đối với hoạt động sản xuất bao bì thủy tinh.
Hình 3.84 và Hình 3.85: Sản phẩm Bassano Hard Soda
Hãng thiết kế: Dossier Creative - Khách hàng: Bassano Hard Soda
- Kim loại (Metal package) được làm từ thiếc, nhôm hoặc thép. Nhờ sự sẵn có của những vật liệu thô này mà chi phí sản xuất không bị đội lên. Thực phẩm đã qua chế biến, hóa chất, sơn và sản phẩm tự động hóa là những mặt hàng tiêu dùng sử dụng bao bì dạng lon hoặc chai bằng thép. Trong khi đó, nhôm thường được dùng làm vỏ lon đồ uống có gas, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; khay nhôm mỏng được dùng đựng sản phẩm bánh, thịt và đồ ăn đã qua chế biến.
- Lon (Can) làm từ kim loại được chế tạo từ đầu thập niên 1800 để đựng thức ăn cho quân đội Anh. Chúng được du nhập sang Mỹ dưới dạng hộp bắng sắt tây hoặc bi đông sắt.
Lon kim loại thường nhẹ và được sơn phủ bằng vật liệu giúp ngăn ngừa các phản ứng hóa học với sản phẩm bên trong. Lon có thể được thiết kế thành hai hoặc ba mảnh. Lon hai mảnh (two-piêc can) có đáy và thân hình trụ liền nhau; phần trên là nắp rời. Những lon này không có đường nổi bên cạnh, nên người ta dễ dàng in lên khắp bề mặt hình trụ của chúng. Lon đồ uống có gas là ví dụ điển hình về loại lon hai mảnh. Lon ba mảnh (three-piece can) là kết cấu hình trụ có phần đầu và đáy rời nhau. Một số loại lon ba mảnh được dán nhãn bằng giấy in thông tin sản phẩm, như lon đựng rau và súp. Một số lon ba mảnh được in hình vẽ đồ họa trực tiếp lên bề mặt. Lon là bao bì kín khí và có độ bền/ thời hạn sử dụng lâu dài giống thủy tinh, tạo điều kiện bảo vệ sản phẩm tốt nhất. Lon cũng có tính bền vững, thể tích hợp lý, tái chế được. Trên thực tế, có nhiều loại lon được sản xuất với hình dạng và kích cỡ đa dạng (Hình 3.86).
Hình 3.86: Chai Coca-Coca Zero
Chai nhôm mang kết cấu y hệt chai thủy tinh vốn đã là thương hiệu đầy tính biểu tượng của hãng này.
- Tuýp (Tube) làm từ nhựa và kim loại thường được dùng để chứa dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp như kem, gel, mỡ, dầu dưỡng thể, chất rắn, chất dính, keo, chất hàn, sơn, các sản phẩm gia dụng, sửa chữa nhà cửa và sản phẩm công nghiệp khác. Với lớp cán mỏng đặc đặc biệt giúp bảo vệ sản phẩm khỏi các phản ứng hóa học, bao bì dạng tuýp là giải pháp hiệu quả mà lại gọn nhẹ.
- Bao bì linh hoạt (Flexible packing) gồm một loạt kết cấu vỏ bao thường được làm từ giấy hoặc nhựa dễ uốn. Các dạng bao bì linh hoạt thường gặp là túi, túi thắt nút, túi bọc và màng bọc sản phẩm. Bao bì linh hoạt được dùng để đựng sản phẩm (như bánh mỳ) hoặc bọc quanh sản phẩm (như xà phòng).
Các loại túi và túi thắt nút linh hoạt thường được làm từ nhiều lớp màng nhựa cán mỏng. Mỗi lớp nhựa này đều có một chức năng riêng. Lớp ngoài là bề mặt lý tưởng để in ấn và có thể được làm từ phôi hoặc màng co bằng chất liệu nhựa hay kim loại, hoặc bằng giấy. Màng nhựa (màng để in lên bề mặt lớp nhựa) được in ngược nhờ kỹ thuật đảo ngược hình vẽ đồ họa (giống như đảo ngược khi nhìn qua gương), sau đó in lên mặt sau hoặc mặt trong, giúp ngăn chặn hỏng hóc do không phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Các lớp cán bên trong của màng có cung cấp hàng rào bảo vệ sản phẩm. Tùy thuộc vào loại vật liệu và các bộ phận cấu thành sản phẩm, nhiều lớp màng co có thể kéo dài thời hạn sử dụng cho sản phẩm. Mặc dù có thể không tái chế được một số vật liệu linh hoạt, song chúng thường nhẹ hơn, sử dụng ít vật liệu cho bao bì hơn, làm phẳng dễ dàng và ít tạo ra rác thải hơn.
Sự đổi mới nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất và khả năng chứa đựng sản phẩm đã đem lại nhiều lựa chọn về bao bì linh hoạt. Khi nhu cầu bao bì vừa tiện lợi, vừa có thời hạn sử dụng lâu ngày càng tăng cao, bao bì linh hoạt trở thành môt lựa chọn hiệu quả, đảm bảo thu hút về mặt thẩm mỹ (Hình 3.87).
Hình 3.87: Sản phẩm của Rocky Mountain Chocolate Factory
Hãng thiết kế: Dossier Creative - Khách hàng: Rocky Mountain Chocolate Factory
- Dán nhãn (Label) thường được làm từ giấy, giấy cán mỏng, màng nhựa có hoặc không có băng dính ở mặt sau. Nhãn mác có thể bao trọn bao bì hoặc được cắt thành những hình dạng khác nhau để hỗ trợ cho kết cấu bao bì (Hình 3.88). Màng co nhiệt (shrink film) cũng được sử dụng trong quá trình dán nhãn. Dưới tác động của nhiệt, màng này sẽ bao quanh và ôm lấy sản phẩm. Chai nhựa, chai thủy tinh, lon và các loại vỏ bao cứng khác đều sử dụng màng co này. Màng co nhiệt giúp các tác phẩm thiết kế đồ họa có được lớp phủ hoàn thiện bao quanh những đường cong phức tạp hoặc những bề mặt không thể in trở nên dễ dàng hơn (Hình 3.89).
Hình 3.88: Sản phẩm Donovan’s Cellar
Dán nhãn bằng giấy bao quanh sản phẩm
Hãng thiết kế: United* - Khách hàng: Brendan Donovan’s
Hình 3.89: Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Tonic Health Shots
Nhãn sản phẩm sử dụng màng co nhiệt
Hãng thiết kế: Little Big Brands - Khách hàng: PurBlu Brands
- Bộ phận đóng mở (Closure) là một phần của kết cấu bao bì thường xuất hiện ở vỏ chai, lọ, tuýp và thùng carton. Một số bộ phận đóng mở thông dùng bằng nhựa như: Nút xoáy, nút xoáy nhấc, nút liền nắp, nút gắn vòi hút sản phẩm, van. Một số bộ phận đóng mở bằng kim loại như: Nắp, nút xoáy nhấc, nút cổ cao, nắp lon. Bộ phận đóng mở phải đảm bảo khả năng mở ra đóng vào, tái sử dụng và tái chế. Chúng có khả năng chống rò rỉ, làm giả hoặc bảo vệ khỏi tầm tay trẻ em. Một số bộ phận đóng mở được sản xuất từ lá phôi cảm ứng để tạo khả năng bảo vệ lâu dài hơn cho tuổi thọ của sản phẩm.
Bộ phận đóng mở được thiết kế tùy chỉnh từ nhựa hoặc kim loại có thể được sáng chế độc quyền để sử dụng cho một thương hiệu và sản phẩm nhất định. Bộ phận đóng mở giúp tăng thêm tính phân biệt và cải thiện tính năng của kết cấu bao bì. Phối hợp với màu sắc và hình vẽ đồ họa, bộ phận đóng mở sẽ tạo hiệu ứng khi bày trên kệ.
Hình 3.90: Sản phẩm Stop the Water While Using Me! (Hãy tắt nước khi đang sử dụng tôi!)
Hãng thiết kế: Korofe - Khách hàng: T.D.G. Vertriebs GmbH & Co. KG
- Tạo sự thay đổi: Trong những thập kỷ trước, người tiêu dùng chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề rác thải bao bì – tức là phần bao bì bị bỏ lại sau khi sản phẩm đã được sử dụng, do đó yếu tố này đã không tác động đến quyết định của người tiêu dùng khi mua sản phẩm. Ngày nay, các nhà thiết kế bao bì chịu một phần trách nhiệm trong việc truyền tải thông điệp về quy trình và nguyên vật liệu áp dụng cho việc sản xuất bao bì – cũng như cách xử lý chúng sau khi đã dùng sau. Do vậy làm việc với nhà marketing và nhà sản xuất để thực thi nhiệm vụ truyền tải một thiết kế bao bì bền vững đã trở thành một phần quan trọng của quá trình sáng tạo.
Người tiêu dùng cũng tỏ ra thận trọng với thực trạng nhiều nhà marketing thường hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường, song trên thực tế lại không được như vậy. Điều này khiến người tiêu dùng nghi ngờ về thương hiệu. Ở đây, việc lạm dụng các symbol và logo đã được chứng nhận về mức độ thân thiện với môi trường có thể khiến nhà marketing và nhà sản xuất chân chính bị ảnh hưởng. Trước vấn đề này, Chính phủ và các cơ quan chức năng hiện đã đưa ra những tài liệu hướng dẫn về việc yêu cầu bảo vệ môi trường khi tiến hành marketing.
Ngày càng có nhiều đối tượng khách hàng đưa ra quyết định mua sắm dựa trên yếu tố thân thiện với môi trường. Bằng cách làm hài lòng người tiêu dùng về vấn đề giá trị bền vững, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, truyền tải về sự bền vững ấy một cách trung thực và trách nhiệm, nhà thiết kế sẽ tiếp cận được thị trường một cách hiệu quả (Hình 3.90 và Hình 3.91).
Lưu ý quan trọng về vật liệu và kết cấu:
- Cân nhắc về vấn đề tái-sinh-lần-nữa và vòng đời lặp lại, khép kín của bao bì trong quá trình thiết kế.
- Sử dụng nguyên vật liệu có thể làm mới và tái chế.
- Thúc đẩy việc sử dụng bao bì có thể tái sử dụng và tái chế, cũng như loại thải bao bì một cách hợp lý.
- Thúc đẩy việc giảm sử dụng quá nhiều bao bì và lớp bao bì chính phụ.
- Cân nhắc ưu, nhược điểm của một loại nguyên vật liệu của bao bì.
- Sử dụng bao bì ở mức tối thiểu, đảm bảo không ảnh hưởng đến tính an toàn của sản phẩm của sản phẩm càng tốt.
- Cân nhắc lựa chọn nguyên vật liệu cùng hiệu quả của nguyên vật liệu đó trong môi trường bán lẻ cũng như khi đem ra sử dụng.
- Đánh giá vấn đề môi trường trong mối tương quan với nguyên vật liệu và quy trình sản xuất.
>>> Kết cấu, vật liệu và tính bền vững của bao bì (Phần 1)
>>> Góc độ văn hóa của bao bì sản phẩm
>>> Xu hướng sử dụng Typography trong thiết kế bao bì