Kết cấu, vật liệu và tính bền vững của bao bì (Phần 1)

Trong tâm trí người tiêu dùng, bao bì (package) chính là sản phẩm (product). Với nhiều sản phẩm, hình dạng bao bì là một phần trong bộ nhận diện trực quan của thương hiệu. Kết cấu cũng như vật liệu của bao bì giúp chứa đựng, bảo vệ và vận chuyển sản phẩm dễ dàng. Thiết kế của thương hiệu cũng sẽ được thực hiện trên bề mặt vật lý đó.

Người tiêu dùng thường xem xét kỹ chất liệu của bao bì để đánh giá mức độ thân thiện của môi trường, cụ thể là việc sử dụng vật liệu tái chế cho bao bì và các vấn đề về “kết thúc vòng đời sản phẩm” (“end-of-life”), như khả năng được tái sử dụng và / hoặc tái chế.

Trong môi trường bán lẻ, kết cấu bao bì hỗ trợ cho sự hiện diện và tuổi bền / thời hạn sử dụng của sản phẩm (shelf life), cảm nhận về chất lượng khi cầm nắm sản phẩm (chất lượng tiếp xúc) cũng như cung cấp tính năng bao bọc để bảo vệ sản phẩm. Đây cũng chính là những thành phần đầu tiên tác động tới cảm nhận của người tiêu dùng về sản phẩm. Theo thời gian, bao bì chính là thứ tồn tại song hành trên tay người tiêu dùng, khi họ thực hiện các chức năng công thái học như đóng, mở, sử dụng và lưu trữ sản phẩm (Hình 3.62). Do đó, cần cân nhắc tính bền vững của vật liệu bao bì khi tiến hành thiết kế.

Các câu hỏi dưới đây sẽ định hướng cho nhà thiết kế khi lựa chọn kết cấu và vật liệu cho bao bì:

- Đó là sản phẩm gì?

- Sản phẩm cần được bảo vệ ra sao?

- Kết cấu và vật liệu nào phù hợp với sản phẩm?

- Sản phẩm sẽ được vận chuyển thế nào?

- Sản phẩm sẽ được lưu trữ ra sao, ở đâu?

- Sản phẩm sẽ được bày biện như thế nào?

- Sản phẩm sẽ được bán ở đâu?

- Sản phẩm nhắm tới đối tượng tiêu dùng mục tiêu nào?

- Ngành hàng cạnh tranh là gì?

- Các giới hạn chi phí ra sao?

- Số lượng sản phẩm được sản xuất?

- Lịch trình sản xuất?

- Có thể thiết kế lại một kết cấu mẫu sẵn có để tạo ra kết cấu mới không?

- Có thể thiết kế dựa trên một thư viện mẫu (stock source) không? (Thư viện mẫu này bao gồm những hình ảnh, sản phẩm đồ họa… sẵn có, được sử dụng, phát triển thành những thiết kế riêng).

- Nên phát triển kết cấu độc quyền như thế nào?

- Kết cấu chính là gì?

- Kết cấu phụ là gì?

- Các thành phần tạo nên kết cấu chính?

- Yêu cầu về bộ phận đóng mở (closure) của sản phẩm? (Nắp, van, dấu niêm phong để bảo vệ, mở ra, gắn lại, tái sử dụng hoặc để đảm bảo an toàn)?

bao bi 362

Hình 3.62: Sản phẩm Almay Pure Blends
Hãng thiết kế: ANTHEM - Khách hàng: Almay Pure Blends/Revion

1. Lựa chọn kết cấu:

Cùng với việc đánh giá tình trạng cạnh tranh thị trường và tiến bộ khoa học công nghệ mạnh mẽ, việc thiết lập một thiết kế liên quan đến các vấn đề về kết cấu cũng ngày càng phức tạp hơn – như yêu cầu thiết kế kết cấu độc quyền, mẫu kết cấu có sẵn lấy từ thư viện mẫu, các thành phần tạo nên kết cấu chính… Phạm vi dự án kiểu này có thể bao gồm việc thiết kế bao bì chính (bao bì chứa sản phẩm), bao bì phụ (như túi dùng để đựng và bán sản phẩm) và bao bì, bổ trợ (thường dùng để vận chuyển sản phẩm, đôi khi loại bao bì này được làm từ vật liệu dạng sóng hoặc vật liệu nặng, khó di dời để bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển). Các khía cạnh của kết cấu bao bì – như vật liệu và các thuộc tính của vật liệu; các thành phần cấu tạo nên kết cấu chính (nắp, bộ phận đóng mở, hộp, ống…) ; dán nhãn; việc sản xuất; quy trình sản xuất; ảnh hưởng từ không gian bày bán – khiến mục tiêu thiết kế các sản phẩm bao bì hiệu quả càng thêm khó khăn, phức tạp.

Thông qua các thumbnail (bản phác thảo thô, quy mô nhỏ) và hình vẽ phác thảo (sketch) – thường là một bản phác thảo với nhiều ô nhỏ, vẽ những góc cạnh khác nhau của kết cấu bao bì, nhà thiết kế truyền tai ý tưởng về kết cấu, đồng thời thảo luận với các kỹ sư và nhà thiết kế công nghiệp để hoàn thiện ý tưởng đó. Các nhà thiết kế công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế bao bì sẽ đưa ra một kết cấu độc quyền, đồng thời tạo một mẫu thử (prototype) ba chiều cho kết cấu đó. Các chuyên gia tạo mẫu và hãng thiết kế công nghiệp chuyên về mảng vật liệu đặc biệt (như bột, gỗ, nhựa trong, kim loại) cũng như sản phẩm công nghiệp (như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng) có thể là địa chỉ lý tưởng giúp hoàn thiện một kết cấu bao bì.

Tạo một mẫu thử (prototype) sẽ giúp ích cho việc định hình concept của thiết kế. Tạo mẫu thử nhanh là công cụ có thể hỗ trợ và thúc đẩy tiến độ trong giai đoạn thiết kế kết cấu bao bì. Đây là một công cụ tự động hóa, tạo ra mẫu in 3D cho kết cấu bao bì thông qua quá trình mà tại đó, việc render thiết kế có sự trợ giúp của máy tính (Computer Aided Design – CAD) được chụp quét bằng máy in ba chiều. Với sự hỗ trợ của các công nghệ sản xuất, một mẫu vật thể ở không gian ba chiều được tạo ra bằng phương thức xếp lớp liên tiếp các vật liệu – như chất lỏng, bột, nhựa polymer – cho ra kết quả là một mẫu thử (nguyên mẫu) với đầy đủ màu sắc. Quá trình tiết kiệm thời gian và chi phí này giúp khai thác các phương án thiết kế thay thế khả thi hơn bằng cách tạo ra nhiều mẫu thử nghiệm nhanh.

* Thiết kế kết cấu độc quyền: Tính độc quyền của kết cấu thể hiện ở việc kết cấu đó không chỉ phù hợp với thương hiệu hay sản phẩm, mà còn được bảo hộ về mặt pháp lý dưới dạng kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu ba chiều theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ). Kết cấu bao bì độc quyền có thể tạo ra một thị trường ngách, thiết lập những đặc tính độc nhất và có thể nhận diện, đồng thời tạo ra giá trị thị trường cho sản phẩm tiêu dùng. Dù được làm từ giấy bìa, nhựa, kim loại, thủy tinh hay gỗ, thì mục tiêu của thiết kế kết cấu độc quyền cũng là nhằm phân biệt chính nó với đối thủ cạnh tranh (Hình 3.63). Đáp ứng được yêu cầu của khách hàng chính là hiểu và thực hiện hiệu quả yêu cầu đó trong phạm vi của dự án thiết kế. Nếu phạm vi đó không bao gồm thiết kế kết cấu độc quyền, bạn có thể cân nhắc sử dụng mẫu bao bì phổ thông đã có sẵn, nhằm lựa chọn phương án thiết kế khả thi nhất để tạo ra kết cấu đặc biệt.

thiet ke 363

Hình 3.63: Vỏ chai độc quyền mang thương hiệu Dewar
Hãng thiết kế: Spring Design Partners - Khách hàng: Dewar’s

* Mẫu bao bì phổ thông (Stock packaging) là thuật ngữ chỉ các vật liệu cũng như kết cấu không mang tính độc quyền và sẵn có để mọi người đều có thể sử dụng. Thủy tinh, nhựa và kim loại là những vật liệu được dùng để tạo ra kết cấu cho mẫu bao bì phổ thông có sẵn hoặc bộ phận đóng mở (nắp, van hay các phụ kiện khác để đóng gắn, phân phối và bảo vệ sản phẩm bên trong bao bì). Kết cấu và bao đóng ngày càng đổi mới, không ngừng được thiết kế và sản xuất ra thị trường do đó lựa chọn mẫu bao bì phổ thông có sẵn trong thư viện mẫu cũng ngày càng phong phú hơn.

Các nhà sản xuất giấy bìa có thể cung cấp hộp carton gấp (folding carton), hộp gấp rãnh (corrugated box), hộp dành cho những sản phẩm riêng biệt (setup box), hộp đựng quà (gift box) thiết kế từ thư viện mẫu bao bì phổ thông. Những kết cấu như vậy luôn có sẵn trong các thành phẩm và giấy trang trí với các nhiều loại kích cỡ tiêu chuẩn, đồng thời có thể được mua với số lượng lớn, nhỏ tùy ý. Túi giấy hoặc túi nhựa, hộp sắt, hộp nhựa với đủ loại hình dáng, kích cỡ và kết cấu đều có sẵn giống như kết cấu bao bì từ thư viện mẫu.

2. Tính bền vững

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tính bền vững (sustainability). Định nghĩa thông dụng nhất được trích từ cuốn sách Our Common Future (tạm dịch: Tương lai chung của chúng ta), hay còn gọi là The Brundtland Report (tạm dịch: Báo cáo Brundtland), do Cao ủy Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (United Nation’s World Commission on Environment and Development) ấn hành năm 1987. Báo cáo đề xưởng việc phát triển tính bền vững “nhằm đáp ứng nhu cầu thời cuộc mà không làm ảnh hưởng tới thế hệ tương lai”. Người lập báo cáo hiểu rằng, khả năng đáp ứng nhu cầu về mọi mặt ngày một tăng của xã hội sẽ dựa chủ yếu vào việc bảo vệ môi trường. Việc khai thác nguyên vật liệu và tài nguyên thiên nhiên cần được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở bền vững và tác động của những hành động này tới sức khỏe con người. Bởi vậy, tính bền vững là kết quả của quá trình cân nhắc tính hợp lý xã hội (cân nhắc tương quan các cơ hội nhằm phát triển một môi trường lành mạnh, an toàn), cân nhắc yếu tố môi trường và tính kinh tế - hay còn gọi là cân nhắc theo vòng 3P: People (Con người) – Planet (Trái đất) – Profit (Lợi ích). Điều này rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tương lai của thế giới.

Các nhà thiết kế và kỹ sư kết cấu luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng nguyên vật liệu, để cho ra đời những bao bì đột phá về tính bền vững. Ngày nay, công nghệ nguyên vật liệu tiếp tục thu được những thành tựu mới thông qua việc phát triển giấy tái chế và gỗ tái chế, cũng như bột giấy làm từ sợi nhân tạo (không dùng gỗ), bã mía, cây gai dầu hay cây cọ. Một vật liệu nữa là nhựa sinh học (bioplastic) được sản xuất bằng cách làm nhuyễn ngô, khoai tây, đậu nành hoặc các nông sản có thể tái chế khác, có đặc điểm là dễ bị phân hủy và / hoặc mục nát. Loại nhựa này giúp giảm bớt nhu cầu sử dụng các loại giấy làm từ dầu. Có thể nói, quá trình tìm kiếm những vật liệu mới cho bao bì để đáp ứng chức năng, tính kinh tế và tính bền vững vẫn đang tiếp diễn.

Trong mối tương quan với thiết kế bao bì, tính bền vững đặt ra yêu cầu phải sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên được yêu cầu để tạo vật liệu cho một sản phẩm cụ thể. Điều này bao hàm tất cả các yếu tố từ sử dụng năng lượng, quy trình sản xuất vật liệu, cho tới khi ra được kết cấu hoặc sản phẩm hoàn thiện để phục marketing. Các nhà thiết kế bao bì ngày càng quan ngại khi phải làm việc với những vật liệu vốn tưởng bền vững song lại tỏ ra bấp bênh không ổn định, đồng thời phải đưa ra tư vấn cho khách hàng để lựa chọn những giải pháp bền vững. Sử dụng nhãn mác (label) phù hợp chính là cách để truyền thông rằng một sản phẩm hoặc bao bì được sản xuất bền vững là trách nhiệm mà nhà thiết kế cần chia sẻ với khách hàng, công ty và nhà cung ứng nguyên vật liệu (Hình 3.64).

thiet ke 364

Hình 3.64: Các symbol biểu thị sự tái chế

thiet ke 365

Hình 3.65: Rác thải bao bì
Rác thải bao bì - Ảnh: Design Source Production, Inc.

Dự án Liên minh Thiết kế bao bì bền vững (Sustainable Packaging Coalition – SPC) do Tổ chức phi chính phủ GreenBlue thực hiện, đã thiết lập một hướng dẫn trên phạm vi quốc tế về việc áp dụng một hệ thống kiến tạo tính bền vững cho bao bì. Dự án SPC định nghĩa tính bền vững của bao bì là chuẩn mực của ngành công nghiệp, đồng thời cung cấp một danh sách những tiêu chuẩn xác định vòng đời của mỗi bao bì.

Theo SPC, nhà thiết kế cần tham vấn khách hàng các câu hỏi dưới đây (và cùng họ tìm ra đáp án / giải pháp hợp lý nhất):

- Bao bì có hữu dụng, an toàn và lành mạnh với cá nhân người tiêu dùng cũng như với cộng đồng xuyên suốt vòng đời của nó không?

- Bao bì có đáp ứng tiêu chí thị trường về mặt hiệu quả và chi phí không?

- Bao bì có được sản xuất, vận chuyển và tái chế bằng năng lượng có thể phục hồi không?

- Bao bì có tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vật liệu được tái chế hoặc có thể phục hồi không?

- Bao bì có được sản xuất từ công nghệ sản xuất sạch với phương pháp tốt nhất không?

- Bao bì có được sản xuất từ vật liệu sạch xuyên suốt vòng đời của nó không?

- Bao bì có được thiết kế để tối ưu hóa vật liệu và năng lượng không?

- Bao bì có được tái chế, tận dụng hiệu quả về mặt sinh học và / hoặc chu trình công nghiệp khép kín (closed-loop cycle) không?

Mỗi năm, ngành công nghiệp bao bì đem lại hơn 100 tỷ USD, chỉ tính riêng ở Mỹ - và 500 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Nói một cách trực diện thì có đến hàng triệu bao bì được thiết kế, sản xuất, phân phối và sử dụng mỗi năm (Hình 3.65).

thiet ke 366

Hình 3.66: Rác thải bao bì
Ảnh: Design and Source Product Generation - Thiết kế bao bì có tính bền vững

thiet ke 367

Hình 3.67: Sản phẩm kem đánh răng Preserve
Thiết kế bao bì có tính bền vững

Các mối quan ngại về xã hội ngày một tăng khiến các công ty chuyên về sản phẩm tiêu dùng và ngành công nghiệp bao bì phải liêu tục đánh giá lại ảnh hưởng từ các hoạt động của họ đối với môi trường. Để đáp lại, họ tiếp tục phát triển những sản phẩm và bao bì sạch, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng lên môi trường. Các sản phẩm và bao bì mới này cần được xem xét liên tục để tạo ra một hệ thống vòng lặp khép kín (Hình 3.66 và 3.67).

* Suy nghĩ một cách hệ thống: Một cái nhìn toàn cảnh – tức tiếp cận một cách có hệ thống – là việc làm cần thiết để đánh giá tổng thể quá trình thiết kế bao bì. Cách tiếp cận này bao gồm cả việc hiểu được phương án thiết kế bạn chọn sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế. Trong thiết kế bao bì, suy nghĩ một cách có hệ thống bao gồm cả việc thực thi một cách có trách nhiệm khi khai thác nguồn nguyên vật liệu thô; sản xuất vật liệu, kết cấu và các bộ phận cấu thành bao bì; vận chuyển và phân phối sản phẩm tới các đại lý; kết thúc vòng đời và tái chế bao bì. Việc đánh giá tổng quan quá trình thiết kế bao bì nên theo một hệ thống thay vì theo từng giai đoạn đơn lẻ, sẽ tạo ra một hệ thống vận hành nhịp nhàng, giúp mọi bao bì đều có cơ hội được tái chế.

Thiết kế bao bì phải giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa mục tiêu của nhà sản xuất, nhà marketing, nhà bán lẻ và khách hàng. Cần có sự thỏa hiệp giữa nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng, nhà sản xuất bao bì và nhà bán lẻ, vốn đều mong muốn đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hiệu quả và kinh tế. Cũng cần cân nhắc về kiểu dáng lẫn số lượng bao bì cần thiết giúp đảm bảo sự an toàn của sản phẩm, song song với việc dự tính thứ gì sẽ trở thành rác thải sau khi sản phẩm được đưa vào tiêu thụ hoặc sử dụng.

Những mâu thuẫn ảnh hưởng tới tính bền vững của bao bì:

- Yêu cầu của sản phẩm;

- Yêu cầu của quá trình sản xuất;

- Hệ thống phân phối / vận chuyển sản phẩm;

- Lưu trữ sản phẩm (kho bãi, điểm bán lẻ, tại nhà);

- Phối kết hợp trách nhiệm: Chính sách chung của nhà sản xuất sản phẩm và nhà sản xuất bao bì, vật liệu bao bì;

- Quy định pháp lý;

- Chiến lược marketing;

- Yêu cầu của nhà bán lẻ;

- Nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

* Đánh giá vòng đời: Ngành công nghiệp bao bì đang dần tìm cách thích nghi với những sức ép đến từ vấn đề môi trường. Đánh giá vòng đời (Life-Cycle Assessment – LCA) là một trong những thủ tục được dùng để đánh giá sức ép về vấn đề môi trường lên sản phẩm, quy trình sản xuất hay các hoạt động liên quan. Sức mạnh của LCA nằm ở việc nghiên cứu tổng thể hệ thống bằng cách dùng các công cụ so sánh giúp xác định năng lượng và nguyên vật liệu đã được sử dụng (đầu vào), cho tơi tính toán lượng phế thải vào môi trường (đầu ra), sau đó đánh giá và thực thi những giải pháp củng cố quy trình giúp đem lại sự bền vững tốt hơn. Cũng cần xác định các phương án đánh đổi khác nhau để hỗ trợ cải tiến chiến lược thiết kế tổng thể. LCA giúp đưa ra những quyết định gây ít tác động tiêu cực tới môi trường nhất, trong khi vẫn đạt được tính hiệu quả và chi phí của bao bì. Quá trình LCA giúp tránh được những vấn đề về môi trường ảnh hưởng từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác (Hình 3.68).

* Tái sinh lần nữa: Thuật ngữ sinh-lão-bệnh-tử (cradle-to-grave) đề cập đến mô hình đánh giá vòng đời của nhiều sản phẩm cũng như bao bì. Một vòng “sinh-lão-bệnh-tử” bắt đầu từ việc sử dụng các nguyên vật liệu thô trong tự nhiên (khai thác tự nhiên) để tạo ra sản phẩm hoặc bao bì, và kết thúc khi các nguyên vật liệu đó bị thải trở lại vào tự nhiên (đào thải dưới hình thức chôn hoặc thiêu hủy). Trong khi đó, tái-sinh-lần-nữa (cradle-to-cradle) là thuật ngữ được nhà hóa học Michael Braungart và kiến trúc sư William McDonough6 đưa ra, giới thiệu hệ thống vòng lặp khép kín không có “rác thải” trong vòng đời của bao bì. Theo đó, khi đến giai đoạn kết thúc vòng đời, bao bì sẽ được tái chế hoặc tái sử dụng, có thể để làm dưỡng chất công nghệ cho hệ thống sản xuất hay dưỡng chất sinh học để khử khuẩn an toàn. Braungart thuyết phục các nhà thiết kế cân nhắc tái tạo và lên kế hoạch cho việc tái sử dụng nguyên vật liệu ngay khi mới bắt tay vào thiết kế bao bì đầu tiên.

thiet ke 368

Hình 3.68: Quá trình đánh giá vòng đời

* Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR): là biện pháp bảo vệ môi trường thông qua việc đặt ra trách nhiệm cho các nhà thiết kế, phân phối, sản xuất, cung cấp, bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị tái chế và thải loại về vấn đề môi trường cũng như toàn bô vòng đời của một sản phẩm hay bao bì. Họ đều là những người đóng góp ít nhiều chi phí liên quan tới quá trình tái chế (thu thập, tái chế và xử lý cuối cùng). (Hình 3.69 và Hình 3.70). Biện pháp EPR này bao gồm cả các chương trình thu hồi, tái chế, hoàn quỹ và thuế tiêu dùng.

* Phân loại nguyên vật liệu:

Nhà thiết kế phải trang bị kiến thức nền tảng về các loại nguyên vật liệu khác nhau, thuộc tính vật lý tương thích với sản phẩm, yếu tố bền vững của nguyên vật liệu, cũng như sự tương thích với kết cấu để đáp ứng yêu cầu thiết kế. Nguyên vật liệu có thể được chia thành một số loại như: Giầy bìa, nhựa, thủy tinh và kim loại. Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều nguyên vật liệu mới và lai tạo (từ sản phẩm sợi, phụ phẩm nông nghiệp, hay từ các nguyên liệu tái chế khác), có thể áp dụng được trên cả kết cấu rắn lẫn dẻo.

thiet ke 369

Hình 3.69: Sữa chua YoBaby
Hộp sữa chua được làm từ Inego, một loại nhựa sinh học có nguồn gốc thực vật.
Nhà sản xuất: NatureWorks, L.L.C - Khách hàng: Stonyfield Farm, Inc.

thiet ke 370

Hình 3.70: Hộp trà Tazo được làm từ tre
Hộp bằng tre - Thiết kế và sản xuất: Design and Source Productions - Khách hàng: Tazo

- Giấy bìa: Trong công nghiệp, giấy bìa (paperboard) là loại giấy được làm từ xơ sợi nguyên thủy (virgin fiber) của gỗ hoặc mẫu giấy tái chế có sẵn. Một thông số kỹ thuật của vật liệu giấy là độ dày của giấy (hay số lớp giấy), tính theo đơn vị 1/1.000 inch. Giấy bìa khác với giấy thường về trọng lượng và chuẩn đo đạc. Giấy thường có độ dày dưới 0,01 inch; giấy bìa có độ dày từ 0,01 tới 0,04 inch. Người ta cũng dùng đơn vị point (điểm) để đo độ dày của giấy (0,01 inch tương đương với 10 point; 0,04 inch tương đương với 40 point,…).

Giấy bìa có ưu điểm là phù hợp để làm bao bì, hiệu quả về mặt kinh tế và có thể tái chế. Các thuộc tính của loại giấy này giúp nhà thiết kế được tự do để sáng tạo ra những kết cấu mới. Ngay cả một hộp carton gấp đơn giản cũng có thể trở thành một giải pháp bao bì hoàn hảo, bởi bề mặt rộng và phẳng của chúng là vị trí phù hợp để đặt bộ nhận diện thương hiệu (Hình 3.71).

thiet ke 371

Hình 3.71: Bao bì sản phẩm của Rocky Mountain Chocolate Factory
Hãng thiết kế: Dussier Creative - Khách hàng: Rocky Mountain Chocolate Factory

Thông số kỹ thuật của giấy bìa tùy thuộc vào kích cỡ và chức năng của một hộp carton, cũng như yêu cầu bao chứa của sản phẩm bên trong. Kích cỡ và trọng lượng của sản phẩm quyết định kết cấu bao bì và tải trọng tương ứng. Kết cấu này cũng phụ thuộc vào các mục tiêu marketing liên quan đến việc thể hiện nét đặc trưng của thương hiệu và sản phẩm trên đó. Thiết kế bao bì có thể phù hợp và bảo vệ được bao bì chính bên trong, như lon hay chai, hoặc một kết cấu bên trong khác như khay nhựa hay màng nhăn bao sản phẩm (Hình 3.72).

thiet ke 372

Hình 3.72: Thùng chứa 12 lon sản phẩm Old Miwaukee
Hãng thiết kế: Dossier Creative - Khách hàng: Old Miwwaukee

Giấy bìa được sản xuất thông qua quá trình cán mỏng và ép các lớp giấy lại với nhau. Có hai loại giấy bìa cơ bản, mỗi loại được sản xuất khác nhau. Giấy bìa sàng dọc (fourdrinier paperload) được tạo thành từ một đến bốn lớp, thường là xơ sợi nguyên thủy. Giấy bìa sàng ống (cylinder paperload) được tạo thành từ bảy tới chín lớp, thường là sợi giấy đã qua nhiều lần tái chế. Chúng còn khác nhau về khối lượng và lớp phủ bề mặt.

>>> Typography trong thiết kế bao bì

>>> Các bước thiết kế bao bì nhãn mác trên giấy

>>> Đồ họa bao bì và quảng cáo thời bao cấp

0976984729