Ánh sáng quan trọng trong các tác phẩm nghệ thuật
“Nói về điểm cốt lõi thì sử dụng ánh sáng chính là khả năng kiểm soát được thế nào là sáng và thế nào là tối, từ đó khiến cho các tác phẩm nghệ thuật có khả năng truyền tải được câu chuyện của chính nó.” – HannaH Crowell
Nếu coi nghệ thuật là ngôn ngữ giao tiếp thì ánh sáng là một trong những phương tiện để ta trao đổi ngôn ngữ ấy. Không có ánh sáng mọi thứ chìm trong màu đen, và mọi vật sẽ chỉ như nằm trên mặt phẳng 2D. Có thể nói ánh sáng chính là khởi nguyên cho tất cả. Với nghệ thuật, ánh sáng là nguồn cội cho màu sắc và hình khối xuất hiện. Mặc dù ánh sáng luôn hiện hữu xung quanh ta nhưng để hiêu rõ về nó thì không phải ai cũng tường tận. Như nghệ sĩ James Turrell chia sẻ “Ánh sáng luôn ẩn chứa những bí ẩn, bởi vì nó đem đến rất nhiều bất ngờ cho chúng ta khám phá”
Nhắc đến nghệ thuật là chúng ta nhắc đến các yếu tố thị giác, chúng tác động vào cảm xúc người xem tạo nên những trạng thái tâm lí khác nhau. Nhờ điều này mà nghệ thuật luôn lôi cuốn người thưởng ngoạn cũng như chính nghệ sĩ tạo nên tác phẩm. Vậy nên nếu muốn bảo toàn tính chân thực trong tác phẩm thì người nghệ sĩ cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về ánh sáng.
Bên trong bảo tàng Louvre Abu Dhabi với thiết kế sử dụng ánh sáng tự nhiên làm điểm nhấn
Hành trình của ánh sáng theo dòng thời gian
Hội họa là bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời sử dụng ánh sáng, vừa là chủ thể vừa là công cụ để tạo nên những hiệu ứng nhất định khơi gợi cảm xúc. Ánh sáng quyết định màu sắc, bóng tối và cấu trúc vật thể. Vậy nên nó không chỉ giới hạn trong trường phái hiện thực, trừu tượng mà còn cần thiết trong mọi phong cách trong hội họa. Vẻ đẹp của ánh sáng được sử dụng như công cụ để xây dựng biểu tượng. Bằng cách chiếu sáng vào một yếu tố trong tranh như bàn tay, bông hoa hoặc vật dụng cũng đã tạo nên câu chuyện đằng sau đó.
Thời trung cổ, ánh sáng là hình ảnh ẩn dụ cho thần thánh. Với những lá vàng được dát trên bề mặt tranh trong kinh thánh có lẽ là phổ biến nhất để biểu tượng cho sự linh thiêng. Quầng sáng bằng vàng khiến độ tương phản giữa ánh sáng với bóng tối rõ ràng, biểu thị sự đối lập của thiện và ác. Ngoài ra việc sử dụng vàng cũng tạo nên hiệu ứng lật trang với người xem, và cho họ cảm giác trân trọng và sùng kính hơn.
Trích đoạn tác phẩm “The Branchini Madonna” – 1427
Đến thời kì phục hưng, Leonardo Da Vinci là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về đặc tính của ánh sáng. Ông quan sát những ảnh hưởng của mức độ sáng khác nhau lên các vật thể và ảnh hưởng của khoảng cách đến cách cảm nhận ánh sáng và bóng tối trong phong cảnh. Nhờ những phát hiện đó, ông sử dụng để tạo ra phối cảnh, không gian và xây dựng cảm giác nhạy bén về vị trí, xa gần dựa trên ánh sáng.
‘Sfumato’ là kỹ thuật đặc biệt mà Da Vinci sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm nổi tiếng của mình. Kỹ thuật này được hiểu là người họa sĩ làm mờ đường viền giữa các đối tượng, từ đó tạo nên cảm giác không gian cho bức tranh.
Sau thời kì phục hưng, ánh sáng trong các tác phẩm hội họa đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và có những đột phá nhất định ở thế kỷ 16 và thế kỷ 17. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, và phát kiến vĩ đại của Isaac Newton về ánh sáng, các bức tranh có chiều sâu và hình khối rõ ràng hơn, nổi bật nhất đó là danh họa Caravaggio (1571 – 1610). Với ông, ánh sáng là phương tiện để khơi gợi cảm xúc của con người, hướng tâm trí người xem đến những trạng thái khác nhau. Mức độ sáng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và bầu không khí của không gian, thay đổi cách chúng ta phản ứng với môi trường và cả con người. Bằng kỹ thuật Chiaroscuro, sử dụng sự tương phản mạnh mẽ giữa sáng và tối để mang đến hiệu ứng thị giác cực kì hiệu quả cho người xem. Với kĩ thuật này, Caravaggio không chỉ phô diễn được kỹ năng sử dụng màu sắc của mình, mà chúng còn mang đến rất nhiều cảm xúc từ ngạc nhiên, mong đợi cho tới run sợ, lo âu tới người xem.
The Calling of Saint Matthew – Caravaggo (1599-1600 )
Sang thế kỷ 20, khi mà ánh sáng nhân tạo xuất hiện, những sáng tạo đã vượt xa khỏi khuôn khổ trong hội họa. Điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh,… coi ánh sáng là con đường để nghệ sĩ dẫn dắt người xem vào câu chuyện của mình. Từ đây ánh sáng trong nghệ thuật bước sang thời kì mới, đóng vai trò là nguồn cảm hứng trong công việc của chúng ta. Con người sáng tạo thêm những nguồn sáng mới và dùng chính những nguồn sáng ấy để tạo nên tác phẩm kì vĩ, ngỡ ngàng cho người xem.
Ánh sáng đã trải qua nhiều thời kì khác nhau và luôn là dấu ấn đậm nét đối với nghệ thuật. Đây cũng là miền đất sáng tạo cho những con người đam mê khám phá.
Nghệ thuật là một cách để chúng ta trò chuyện với nhau. Việc sử dụng ánh sáng tốt không chỉ gây hiệu ứng ấn tượng với người xem mà còn thêm cả ngữ cảnh cho câu chuyện mà tác phẩm muốn truyền tải.
Kỹ thuật làm chủ ánh sáng
Có 2 điều quan trọng chúng ta cần phải quan tâm nếu muốn làm chủ công cụ hữu hiệu này, đó là nguồn sáng và góc chiếu.
Nguồn sáng
Nguồn sáng chủ yếu mà ta thường biết đến là nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhân tạo. Với nguồn sáng nhân tạo, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể tùy chỉnh và điều khiển được nó theo ý muốn của mình. Còn với nguồn sáng tự nhiên thì rất khó nắm bắt, vì nó luôn thay đổi và rất đa dạng. Để nắm bắt được điều này, phương pháp hữu ích nhất đó là Sketch màu. Nhiều người cho rằng khi chụp ảnh lại là mình đã có toàn bộ thông tin cần có, tuy nhiên nó chỉ giúp ích về mặt hình khối, còn cảm xúc thì chỉ có cảm nhận của người họa sĩ mới đem đến điều thu hút và nổi bật cho các tác phẩm.
Góc chiếu
Rất nhiều cách chiếu khác nhau được sử dụng trong nghệ thuật và mỗi một phương pháp sẽ tọa nên hiệu ứng đặc biệt riêng. Góc chiếu chính diện với nguồn sáng nhẹ giúp che đi khuyết điểm bề mặt khi thực hiện một bức chân dung. Góc chiếu phía sau tạo nên sự kịch tính trong những tác phẩm điện ảnh. Góc chiếu một phù hợp với không gian 3D. Ánh sáng từ trên xuống hay từ dưới lên cũng làm nên những hình ảnh kinh điển trong các tác phẩm có yếu tố kinh dị.
Johannes Vermeer
Johannes Vermeer hay được biết đến Jan Vermeer (1632 – 1675) là họa sĩ người Hà Lan thời Baroque, nổi tiếng với những tác phẩm theo trường phái hiện thực. Ông cùng với Rembrant là những họa sĩ thời hoàng kim nghệ thuật Hà Lan. Nhắc đến Vermeer, chúng ta không thể không nhắc đến bức tranh “Girl with a Pearl Earring” nổi tiếng. Hầu hết trong các tác phẩm của ông luôn có 1 kiểu bố cục ánh sáng chủ đạo. Mẫu được xếp ở trong phòng khép kín gần với cửa sổ và ánh sáng theo hướng từ trái qua phải. Vậy tại sao Vermeer lại bố cục ánh sáng như vậy?
Điều đầu tiên dễ dàng nhận ra đó là góc chiếu này luôn là góc đẹp nhất cho một tác phẩm. Xu hướng người xem luôn hướng mắt từ trái qua phải và ánh sáng 1 bên là lựa chọn hoàn hảo để thể hiện tính hiện thực của không gian ba chiều. Độ tương phản rõ ràng tuy nhiên không quá gắt, cùng với đó là các nếp gấp giữa ánh sáng và bóng tối, bóng đổ lên các bề mặt tường, nền khiến bố cục toàn tranh vô cùng hút mắt.
Một chi tiết có thể mọi người ít để ý đó là Vermeer sử dụng “ánh sáng phương bắc”. Ngày xưa khi con người chưa có 1 nguồn sáng nhân tạo ổn định trong phòng, họ luôn có một cửa sổ hướng về phương bắc để lấy ánh sáng ổn định. Nếu đặt cửa sổ ở hướng đông hoặc tây, nó sẽ thiếu ổn định và tạo độ gắt cho mắt. Vậy nên các studio nghệ thuật lấy ánh sáng phương bắc vì mặt trời nằm ở phía nam – ánh sáng chiếu vào phòng sẽ là ánh sáng đã khuếch tán, tạo độ dịu. Từ đó ánh sáng trong tranh cũng dễ chịu với người xem hơn.
The Art of Painting – Vermeer (1666)
Ở 3 bức tranh trên có thể nhận thấy 1 điều, ánh sáng và bóng tối được Vermeer sử dụng có mục đích và tiết chế nhất định. Cả 2 thứ đều cân bằng với nhau, không cái nào lấn át hơn cái nào. Trong mảng sáng sẽ có một vài chi tiết cho phần tối và ngược lại, điều này tạo nên sự liên kết cho chủ thể ông miêu tả. Bên cạnh đó, Vermeer cũng cường điệu hơn 1 chút ánh sáng, tông màu ấm của tranh giúp người xem cảm giác gần gũi hơn. Bút pháp trau chuốt cẩn thận góp phần tạo nên tính chân thực cho các tác phẩm của ông.
Paul Strand
Paul Strand (1890-1976) là một nhiếp ảnh gia, nhà làm phim người Mỹ. Ông cùng với Alfred Stieglitz, Edward Weston đã giúp nhiếp ảnh được công nhận là một trong những loại hình nghệ thuật trong thế kỉ 20. Đa phần các bức ảnh ông chụp là đơn sắc, vậy nên ánh sáng chính là yếu tố chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Độ tương phản sáng tối đậm nét luôn đem đến cho ông cảm hứng để sáng tạo.
Wall Street – Paul Strand (1915)
Bức ảnh nổi tiếng Phố Wall được Paul Strand chụp vào năm 1915, mô tả khung cảnh cuộc sống hằng ngày của những người dân Manhattan. Bức ảnh là sự kết hợp của độ sắc nét và tương phản cao tạo ra bởi tòa nhà và những người dân. Ánh sáng thẳng có góc chiếu sáng từ trái sang, với hình ảnh con người là màu tối không rõ mặt, bóng đổ kéo dài trên mặt đường. Nổi bật là tòa nhà, những hình khối mạnh mẽ cùng các ô cửa lớn màu đen tạo nên bức ảnh đầy tính trừu tượng nhưng cũng rất thẩm mỹ. Một số tác phẩm của ông là sự đan xen giữa hình ảnh của nắng và bóng tối có tính biểu tượng cao trong nghệ thuật.
James Turrell
James Turrell là nghệ sĩ theo trường phái sắp đặt người Mỹ, ông được coi là người cách mạng, mang đến hơi thở mới cho những công trình ánh sáng hiện đại. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông coi ánh sáng là phương tiện để thay đổi cảm xúc người xem về không gian. Đến với thế giới của James Turrell, ta như bước chân đến một thế giới khác tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Ánh sáng ông sử dụng gây ấn tượng mạnh đối với người xem, kết hợp với những công trình kiến trúc độc đáo như bảo tháp bazan, miệng núi lửa hình nón ở Arizona,… tạo nên những trải nghiệm chưa từng có.
Cách James Turrell kể chuyện bằng ánh sáng vô cùng độc đáo, ông biến không gian nghệ thuật thành nơi điều khiển nhận thức mọi người. Mỗi một màu ánh sáng ông sử dụng đều mang đến một trạng thái cảm xúc khác nhau, và khi kết hợp chúng lại, những giao thoa về mặt thị giác khiến ta phải ngỡ ngàng. Luôn có cảm giác, người xem sẽ được ông đưa từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ vũ trụ bao la bất tận cho tới công trình kiến trúc ánh sáng kì vĩ. Chất liệu ánh sáng ông sử dụng có tính tương tác với không gian, vậy nên không chỉ tác động vào thị giác mà còn chạm đến cả những giác quan khác.
Mời các bạn cùng ngắm nhìn những công trình kiến trúc ánh sáng của nghệ sĩ huyền thoại James Turrell.
Lời kết
Ánh sáng là cách nghệ sĩ thể hiện bản sắc, quan điểm và sáng tạo cá nhân. Với mỗi người sẽ có cách đặt vấn đề và khai thác khác nhau, nhưng tựu chung lại, ánh sáng chính là điểm khởi đầu quan trọng nhất để có được thành công cho một tác phẩm.
- Người viết: Hoàng -
>>> Mối quan hệ giữa màu sắc và ánh sáng
>>> Bóng tối và ánh sáng trong tranh