Tiếp biến văn hóa trên nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam

Việc nhận định tiếp biến văn hóa trong nghiên cứu cụ thể của nghệ thuật tranh kính ở Việt Nam với các nội dung chi tiết sau:

Sự tiếp nhận, tiếp biến văn hóa ở loại hình tranh kính nhà thờ:

Trên thế giới, tranh kính được hình thành từ kính ghép màu, đây là loại hình có từ rất sớm và là loại hình nghệ thuật phổ biến ở các nước phương Tây. Hình thức ban đầu của cửa sổ kính màu là những tấm thủy tinh phẳng. Về sau, bằng sự sáng tạo của những họa sỹ, nghệ sỹ, kính ghép màu đã được sử dụng để tạo nên rất nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, lạ mắt và ấn tượng phục vụ con người. Kính ghép màu đã tạo nên các tác phẩm trang trí trên cửa sổ được xem là một loại hình nghệ thuật, những cửa sổ kính màu trong các công trình nhà thờ, công trình tôn giáo vẫn tồn tại nguyên vẹn và uy nghi đến nay. Nội dung mô tả trên các cửa sổ kính màu có thể được kết hợp từ những câu chuyện trong Kinh thánh, lịch sử hoặc văn học, miêu tả các thiên thần, thần thánh. Tranh kính màu là yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc của các nhà thờ Công giáo ở phương Tây. Và tranh kính nhà thờ Công giáo phương Tây này đã theo chân những người truyền giáo để du nhập vào Việt Nam và góp mặt trong các công trình kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Việt Nam.

Việc truyền đạo vào Việt Nam có từ sớm, nhưng việc truyền đạo này cũng trải qua nhiều giai đoạn, nhiều khó khăn khác nhau, và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chính vì vậy, giai đoạn đầu các linh mục người phương Tây chưa có đủ điều kiện về mọi mặt để xây dựng công trình nhà thờ có quy mô như ở các nước phương Tây. Mãi đến thế kỷ thứ XIX, một số nhà thờ có quy mô mới được xây dựng ở Việt Nam, và đa phần đều do người Pháp xây dựng. Thế kỷ thứ XIX, người Pháp cho xây dựng nhiều nhà thờ nằm rải rác đất nước và với mục đích hành lễ, truyền đạo của người Pháp và những người theo Pháp. Trong những công trình kiến trúc nhà thờ đó, bắt đầu có sự xuất hiện của các bức tranh cửa sổ kính màu. Nội dung của các bức tranh đó vẫn giữ nguyên về các chủ đề liên quan đến Kinh thánh, đến Đức Mẹ… Do được người Pháp xây dựng tại Việt Nam, cho nên các bức tranh cửa sổ kính màu ngoài các chủ đề về Chúa, về Đức Mẹ, về thế giới rộng lớn cao cả của Chúa, về các Thánh, còn có các bức tranh về chủ đề những người có công với nước Pháp, và về các Thánh tử vì đạo là người Pháp hoặc người Việt Nam. Tranh kính trong nhà thờ thế kỷ thứ XIX ở Việt Nam thường có các đề tài như:

Đề tài về Đức Mẹ Đồng Trinh: Ở phương Tây, tranh kính về Đức Mẹ thường có các nội dung như: Chân dung Đức Mẹ, Tranh toàn thân Đức Mẹ, Đức Mẹ đang bế chúa Hài đồng… Với phương Tây, có lẽ biểu tượng Đức Mẹ Đồng Trinh là biểu tượng được tôn sùng nhất trong chính thống giáo. Sự tôn sùng Đức Mẹ của người phương Tây có lẽ cũng giống như sự tôn sùng của người phương Đông với biểu tượng Quan Thế Âm bồ tát. Các vị đều là người biểu tượng được người đời tôn sùng, kính bái. Khi các họa sỹ thể hiện hình tượng hai biểu tượng này, họ đều cố gắng thể hiện một sự hoàn mỹ nhất từ vóc dáng, trang phục tới dung mạo, thần thái để toát lên vẻ nhân từ, hiền hậu và tình yêu bao la với giáo dân với dân chúng.

Đề tài về Chúa: Các bức tranh về Chúa đều rất đẹp, được các nghệ nhân dùng các thủ pháp về đường nét, màu sắc để phản ánh rõ đặc điểm, tính cách của Chúa. Tranh kính màu về Chúa được đánh giá là loại tranh rất khó thực hiện. Bởi ngoài sự đặc tả về mặt hình thức, ngoại hình, vẻ đẹp bên ngoài, các nghệ nhân còn phải bộc lộ được tâm thái sâu xa của Chúa, bộc lộ được thần thái của Chúa, và điểm nhấn chính là đôi mắt. Một đặc điểm rất nổi bật, là trong tất cả các bức tranh, Chúa luôn xuất hiện với vẻ ngoài gầy gò, râu tóc dài. Hình tượng về Chúa với tín ngưỡng Kito giáo là hình tượng của Đấng tối cao, xuất hiện để cứu rỗi các linh hồn, cứ rỗi nhân loại. Sự tôn sùng hình tượng Chúa của người phương Tây có lẽ cũng giống như sự tôn sùng của người Á Đông với Đức Phật. Họ đều là những Đấng tối cao, là người cứu nhân độ thế, cứu rỗi nhân loại khỏi áp bức, lầm than, để đưa con người đến sự thánh thiện.

Đề tài về chân dung các Thánh: Đề tài về chân dung các Thánh này gồm có các vị Thánh môn đệ của Chúa, Thánh truyền tin, các Thánh tử vì đạo. Đề tài về chân dung các vị Thánh này cũng có sự tương tự như chân dung về Chúa, là một đề tài cũng khá phức tạp bởi ngoài việc diễn tả về hình thức các vị Thánh, các nghệ nhân còn phải miêu tả nội tâm của nhân vật. Các vị Thánh có trong tranh kính nhà thờ đều là những người phương Tây có công hoặc tử vì đạo. Nhưng cũng có một số nhà thờ có bức tranh về Thánh được thể hiện theo tuýp người Á Đông, và mang trang phục thuần dân bản địa như: hai bức tranh thánh ở nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội (xây dựng năm 1925).

Đề tài về kể lại các điển tích có trong Kinh thánh: Các bức tranh kính về đề tài này phản ánh về những sự kiện trọng đại có liên quan đến Chúa, và được xây dựng dưới dạng tranh sinh hoạt, nhưng là sinh hoạt đời thường của các vị Thánh, Chúa trong Kinh thánh. Như câu chuyện từ khi Chúa bị bắt đến khi Chúa bị đóng đinh câu rút và hạ thánh thể xuống, hay những hoạt cảnh Đức Mẹ và Chúa Hài đồng, Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Joocdan… ở mỗi hoạt cảnh lại có bối cảnh khác nhau về các mô típ trang trí, về cỏ cây hoa lá…

Thời gian về sau, Công giáo ngày càng phát triển, các công trình nhà thờ được xây dựng nhiều hơn, rải rác khắp đất nước Việt Nam, tranh kính màu trong các nhà thờ dần dần có sự Việt hóa hơn. Lúc này, tranh kính đã do các họa sỹ, nghệ nhân người Việt sáng tác. Phong cách tạo hình trên tranh kính màu nhà thờ của các họa sỹ Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ nét hơn. Chủ đề, nội dung vẫn về chúa, Đức Mẹ, về các vị Thánh, nhưng trong các bức tranh kính ở nhà thờ Đa Minh, Huyện Sĩ, hình tượng Đức Mẹ, hình tượng Chúa Hài Đồng, Thánh Giêsu được miêu tả đã có sự gần gũi với người Việt hơn. Ta sẽ bắt gặp bầu trời đêm qua rặng tre, mái chòi tranh. Bên dưới bức tranh là hình ảnh con gà, ao sen nở, gợi nhớ về hình ảnh nông thôn Việt Nam. Hoa văn phía sau bức tranh họa sỹ không sử dụng hoa văn của phương Tây mà là hoa văn của người Việt. Giai đoạn về sau, bối cảnh và con người trong tranh kính nhà thờ đã một phần được Việt hóa.

Có thể nói, dù tranh kính dùng trong nhà thờ tại Việt Nam, nhưng nội dung, đề tài, chủ đề của các bức tranh kính nhà thờ vẫn mang đúng theo nội dung, chủ đề của tranh kính nhà thờ phương Tây. Đây là một trong những yếu tố khẳng định về sự tiếp nhận văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Sự tiếp nhận này trải qua nhiều quá trình khác nhau, trong góc độ nào đó, một thời điểm, sự tiếp nhận là sự tiếp biến văn hóa khi du nhập vào Việt Nam. Qua sự tiếp nhận văn hóa Công giáo của phương Tây, ngoài việc gìn giữ những giá trị vốn có, tranh kính nhà thờ đã có sự tiếp biến văn hóa trong việc thể hiện trong bức tranh kính Thánh Ane. Sự tiếp biến văn hóa trong tranh kính nhà thờ thời gian về sau còn dược thể hiện rõ nét hơn. Hình tượng nhân vật, bối cảnh trong tranh đã gắn với người Việt, mang bối cảnh của đất nước Việt Nam.

tranh kinh 0

Sự tiếp nhận, tiếp biến văn hòa ở loại hình tranh gương cung đình Huế:

Tranh gương là loại tranh được các nghệ nhân, các họa sỹ dùng chất liệu vẽ là từ bột màu pha với keo, hoặc với sơn, hoặc xà cừ vẽ hay khảm vào mặt sau của gương, sau đó lật lại để nhìn mặt trước trở thành tranh gương. Đây là cách vẽ âm bản để nhìn mặt trước của tranh thành dương bản. Lối vẽ tranh này khá giống với một số loại tranh đã có của Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Cố đô Huế (cùng lời truyền của một số người cao tuổi ở Huế) nhận định rằng: Tranh gương cung đình Nguyễn đa phần được các Vua triều Nguyễn đặt hàng vẽ từ Trung Quốc, và vị vua cho rằng đã du nhập loại hình tranh này nguyên là vua Thiệu Trị (1841-1847) – đời vua thứ 3 của triều đình nhà Nguyễn nước Đại Nam.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, tranh gương xứ Huế có 3 nguồn xuất xứ ứng vời 3 dòng tranh gương, đó là: Dòng tranh gương minh họa 20 bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị; Dòng tranh gương có chủ đề, thể hiện các điển tích lịch sử; Và dòng tranh gương tĩnh vật. Tuy ba dòng tranh với ba chủ đề khác nhau, nhưng cách phối màu trong tranh gương, kỹ thuật thể hiện tranh về cơ bản đều mang nét giống nhau.

Dòng tranh gương với các bài thơ ngự chế - tranh thi họa: Loại tranh gương này được vua Thiệu Trị đặt hàng từ Trung Quốc, để miêu tả lại các danh lam thắng cảnh trong 20 bài thơ vịnh cảnh của nhà vua. Từ năm 1844 đến năm 1845, vua Thiệu Trị đã ra lệnh cho Nội Các phải cố định hóa chùm thơ của ông bằng nhiều hình thức: In ấn thành sách có minh họa (bộ Ngự đề Đồ hội Thi tập), hoặc vẽ tranh treo tại các cung điện. Đây cũng là dòng tranh gương cao cấp nhất, chỉ sử dụng trong chốn cung đình triều nhà Nguyễn.

Về giá trị lịch sử, trên phương tiện thưởng ngoạn, những bức bích họa trên gương có thể đơn thuần nói lên cảnh đẹp của thiên nhiên, phong cảnh non nước hữu tình của xứ Huế, tài hoa của người nghệ nhân vẽ hoặc khảm tranh, sự chi li tỉ mỉ của người làm khung, và sự xuất chúng của người ngự chế. Nhưng với nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, ở mỗi tác phẩm tranh gương lại mang trong mình những dữ liệu lịch sử quan trọng. Ở các tác phẩm bích họa đề vịnh 20 cảnh đẹp của xứ Huế, đó là những nguồn tư liệu căn cứ quý giá trong việc trùng tu phục dựng các di tích có trong thơ.

Dù tác phẩm bích họa ngự chế hay vịnh cảnh, vịnh màu đều mang phong cách vẽ, cách sử dụng màu tương đối giống nhau: “Hầu hết những tranh này thiên về bảng màu lạnh, cảnh sắc và cả mái nhà đều là màu xanh, mây trời cũng trắng xanh, chỉ có cột nhà đỏ và viền nét vàng. Tất cả được vẽ rất chi tiết, mảng màu vờn chuyển sắc độ tinh tế, các nhân vật được tỉa tót tỉ mỉ, bố cục dựa trên viễn cận xã hội theo tâm lý ngược với chiều nhìn tự nhiên. Họa gia tưởng tượng những cảnh trong thơ của vua Thiệu Trị theo thiên nhiên xứ lạnh mà họ đang sống và thể hiện theo lối “công bút” rất cẩn thận. Những tranh này vẽ trực tiếp lên mặt sau của kính, vẽ và viết theo lối “bản âm” để khi nhìn mặt trước trở thành bản dương, màu ngoài vẽ trước, màu trong vẽ sau và cuối cùng mới vẽ màu nền. Màu tốt bền, ngày nay vẫn giữ nguyên”. Bố cục các tác phẩm dựa trên cái nhìn xa trông rộng về xã hội phong kiến, lối vẽ, lối chạm khắc tự nhiên nhưng phóng khoáng, nhiều chi tiết cầu kỳ, sinh động và bắt mắt. Tất cả các thiên nhiên tự nhiên hay nhân tạo trong tranh đều được ôm trọn và được bảo vệ dưới bầu trời có những đám mây uốn khúc mạnh mẽ. Điều đó chứng tỏ sức mạnh và sự ca tụng triều đình nhà Nguyễn, ca tụng sự trị vì, sự bao bọc ngự trị cao cả nhằm đem lại một cuộc sống tươi đẹp, ấm no cho người dân Đại Nam của các vua chúa nhà Nguyễn thời bấy giờ.

Dòng tranh gương có chủ đề: Dòng tranh này thể hiện các tích truyện lịch sử, các điển tích trong lịch sử Nho giáo như: Chuyện Chiêu Nho giảng kinh; Dạ phân giảng kinh; Nhậm dụng tam kiệt… Ở dòng tranh này không cầu kỳ bằng dòng tranh gương ngự chế, nhưng trong đó có nhiều tác phẩm vẫn có độ tỉ mỉ, tỉa tót về đường nét, về màu sắc khi thể hiện tranh. Màu sắc chính của dòng tranh này thường là màu đỏ, màu ấm.

Dòng tranh gương thứ ba: Là dòng tranh gương tĩnh vật với hai chủ đề chính là: tranh bát bửu cổ đồ và tranh về các loại hoa quả. Các bức họa tĩnh vật được triều Nguyễn treo tại lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh. Đây là dòng tranh do người Việt sáng tác, chúng có niên đại vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. “Loại tranh kính thứ 3 có ba bức ở điện Sùng Ân trong lăng Minh Mạng và mười bức ở điện Ngưng Hy trong lăng Đồng Khánh. Những tranh này nhỏ hơn hai loại tranh trên một chút, được lồng trong cái khung gỗ lòng máng trang trí diềm lá sòi hay cuốn thư có hình rồng. Về đề tài, tất cả đều thuộc loại tranh tĩnh vật vẽ các lễ đặt trên “tam sơn” như một bàn thờ (kiểu tranh Chủ dân gian Đông Hồ”.

Dòng tranh gương tĩnh vật mang hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Nếu ông Chu Quang Trứ cho rằng “Tranh kính loại 3 này có đề tài đơn giản, kỹ thuật vẽ còn thô vụng, nghệ thuật hòa sắc còn tùy tiện, mới chỉ ở bước thể nghiệm cho một loại tranh bắt chước tự phát hàng nhập của Trung Quốc. Có thể tin chắc những tranh kính này do người Việt chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nghề nghiệp, vẽ ra ở cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này”. Bên cạnh đó là dòng ý kiến trái chiều với Chu Quang Trứ. Có một số nhà nghiên cứu ở Huế lại đưa ra nhận định rằng chất lượng nghệ thuật của dòng tranh này khá cao. “Sự hiện diện của tranh gương tĩnh vật thời Nguyễn được chứng tỏ qua 10 bức tranh gương cỡ 50 x 60cm, treo trên tường các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh. Họa tiết gồm bình hoa quả phẩm, lư trầm hay nghiên bút… đặt trên những chiếc kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn; màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của ly, màu xanh ngọc của bình hoa… làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm”.

tranh guong 2

tranh guong 3

tranh guong 4

Có thể nói, dù dòng tranh ngự chế cao cấp hay dòng tranh tĩnh vật giản đơn, thì các tác phẩm tranh gương xứ Huế vẫn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Ở loại hình tranh gương này, màu sắc trong tranh trở thành ngôn ngữ độc quyền của mảng nghệ thuật riêng biệt. Ngoài ra, các tác phẩm tranh gương được lồng trong khung sơn thon thếp vàng chạm nổi những chi tiết hoa trái trời mây. Có tác phẩm khi được thếp vàng dùng vàng thật với một chất kết dính đặc biệt, màu vàng của khung không bao giờ phai màu, luôn giữ được sự óng ánh lung linh quyền quý của chất liệu này. Mặc dù trải qua đủ thăng trầm trong dòng chảy lịch sử văn hóa, nhưng sự óng ánh tươi tắn và rực rỡ của các tác phẩm tranh gương sơn son thếp vàng vẫn luôn như mới, có độ phát quang lan tỏa giữa các màu trong tranh. Đồng thời qua các tác phẩm tranh gương còn phản ánh được tình hình, diện mạo của nền mỹ thuật triều Nguyễn và nói lên nhận thức của một thời đại đã qua, là lăng kính để thế hệ sau có thể nhìn lại và học tập.

Sự tiếp nhận, tiếp biến văn hóa ở loại hình tranh kính (người Nam Bộ còn gọi là tranh kiểng) thủ công ở Nam Bộ:

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một bộ phận người Quảng Đông (Trung Quốc) di dân đến mảnh đất Nam Bộ, Việt Nam để sinh sống và lập nghiệp. Khi di dân sang Nam Bô, họ đã mang theo nghề làm kính. Ban đầu họ đã mở các cửa tiệm buôn bán kiếng, với các loại kiếng tráng thủy tinh làm gương soi, kiếng khuôn cửa tủ, khung cửa chớp, ô cửa thoáng, và vẽ tranh đơn giản trên kiếng. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc làm kiếng và vẽ tranh trên kiếng ngày càng phát triển, sau đã ra đời dòng tranh kiếng Nam Bộ. Tranh kiếng Nam Bộ mang trong mình những nét đặc sắc riêng với 4 dòng nổi tiếng, đó là: tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn); tranh kiếng Lái Thiêu (huyện Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); dòng tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) và dòng tranh kiếng Khmer, Nam Bộ. Qua quá trình phát triển, nghề tranh kiếng thủ công đã nuôi sống người dân trong vùng và đem lại cho họ cuộc sống ấm no và có phần sung túc.

Nghề vẽ thủ công trên tranh kiếng của Nam Bộ là nghề thủ công độc đáo, đặc sắc, đặc sắc bởi cách vẽ, bởi chất liệu của tranh. Tranh kiếng Nam Bộ là loại hình tranh được vẽ thủ công từ phía sau mặt kiếng, với đặc điểm khác biệt về kỹ thuật, chúng được vẽ bởi kỹ thuật vẽ ngược, hình ảnh phía trước phải vẽ trước, hình ảnh phía sau thì vẽ sau (từng lớp từng lớp một), chính kỹ thuật này đòi hỏi những người nghệ nhân, người thợ vẽ tranh kiếng phải vô cùng khéo léo và tỉ mỉ mới có thể tạo nên được những bức tranh kiếng sinh động, nét vẽ dứt khoát, sắc sảo, màu sắc phong phú và bắt mắt. Tranh kiếng Nam Bộ thời bấy giờ vẽ về các chủ đề như: Tranh thờ; Tranh trang trí nhà cửa; Tranh chúc Thọ, Tranh mừng Tân gia, khai trương… Đặc điểm nổi bật trong quá trình phát triển của tranh kiếng là ở mỗi giai đoạn phát triển, nó luôn tích hợp những nộ dung mới để phù hợp với tập tục, văn hóa và lối sống của cộng đồng dân cư, dân tộc và từ đó, mỗi dòng tranh kiếng hình thành những sắc thái riêng biệt, độc đáo.

Dòng tranh kiếng Chợ Lớn, Sài Gòn là dòng tranh kiếng thủ công ra đời sớm nhất trong các dòng tranh kiếng thủ công ở Nam Bộ. Tranh Chợ Lớn thường dùng màu đỏ, dán giấy quỳ màu vàng, hoặc giấy quỳ màu bạc, sau đó áp dụng kỹ thuật tráng thủy tạo nên những đường nét hoặc nền tranh ánh nên sắc sáng bạc, thêm phần lung linh cho tranh. Dòng tranh Chợ Lớn rất phong phú, đề tài đa dạng, kỹ thuật thể hiện có sự cải tiến theo thời gian và thị hiếu của người dân Nam Bộ.

Dòng tranh Lái Thiêu: có loại vẽ nhiều màu, tiêu biểu như màu hồng vàng nhẹ, màu xanh lông két, màu trắng, màu vàng, xanh dương… nhưng cũng có loại màu nền đen hoặc đỏ, đặc biệt các hoa văn, hình họa đều dán ốc xà cừ để tạo nên sắc trắng bạc phản quang. Sắc màu phản quang truyền thống là lớp màu điệp trong tranh mộc bản, kế đó là sản phẩm cẩn ốc.

tranh kinh 7

tranh kinh 8

tranh kinh 9

- Nguyễn Thị Bích Liễu, Đỗ Thị Thanh Huyền -

>>> Giai đoạn hình thành và phát triển của tranh kính màu

>>> Tranh kính nghệ thuật

>>> Trang trí - Tranh kính

0976984729