Đề tài nông nghiệp trong tranh khắc gỗ Việt Nam (Phần cuối)

2. Hình thức:

Hình thức là cơ cấu tổ chức bên trong được xác định bởi một hệ thống những phương tiện tạo hình, biểu hiện của một loại hình nghệ thuật, thể hiện một nội dung nhất định. Ngôn ngữ tạo hình chỉ trở thành hình thức nghệ thuật khi ngôn ngữ được tổ chức lại thành một hệ thống, một kết cấu nhiều mặt của hình tượng nghệ thuật, một kết cấu vật chất biểu hiện một nội dung nhất định. Ngôn ngữ mỹ thuật tạo hình bao gồm các yếu tố: hình khối, đường nét, màu sắc, sự sắp xếp bố cục, nhịp điệu… Mỗi loại hình có cách biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào đặc trưng ngôn ngữ của từng loại. Ngày nay, cách nhìn trong ngôn ngữ không bị rập khuôn, cách miêu tả hiện thực đã sang giai đoạn phát triển nhiều phong cách thể hiện khác nhau.

* Bố cục trong tác phẩm:

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông” có khái niệm về bố cục như sau: “Là sự sắp xếp kích thước và tương quan của những đường nét, hình dáng, màu sắc các vật thể trong một tác phẩm. Nói cách khác, bố cục chính là sự sắp xếp tất cả các yếu tố ngôn ngữ tạo hình để xây dựng nên một tác phẩm, làm nổi rõ ý đồ sáng tác của nghệ sỹ”. Vẻ đẹp trong bố cục của một tác phẩm nghệ thuật thường được xây dựng bởi sự sắp xếp các mảng, hình một cách hài hòa tạo nên sự cân bằng và nhịp điệu, nhằm gây ấn tượng thị giác cho người thưởng thức. Tùy theo nội dung, chủ đề, các yếu tố ngôn ngữ đồ họa được người họa sỹ bố trí, sắp đặt sao cho phù hợp để tạo bố cục cho tác phẩm. Trong tranh vẽ có bố cục về hình thể, bố cục màu sắc, bố cục không gian… tất cả phải đạt sự hài hòa, nhịp nhàng, đôi khi có sự lặp lại nhưng tất thảy đều phải dựa trên các loại bố cục chính như sau: bố cục hình tam giác – hình chóp; bố cục hình tròn – elip; bố cục hình chữ nhật – hình vuông; bố cục theo nhịp điệu, phối cảnh, đông người.

tranh khac go 1
Đôi bạn (1968) – Trịnh Thiệp

tranh khac go 2
Cấy hết diện tích (1969) – Trịnh Phòng

Tác phẩm khắc gỗ đen trắng Đôi bạn (1968) của Trịnh Thiệp với lối bố cục cơ bản đã tái hiện lại một khung cảnh có thực có sự gần to, xa nhỏ của cảnh vật tuân thủ theo luật xa gần. Nhân vật chính, hình ảnh người phụ nữ ngồi trong chiếc máy cày của mình cúi xuốn phía dưới thật thân thiện khi nói chuyện với em bé và chú bê con đang ngẩng cổ lên ngước nhìn chiếm 2/3 diện tích. Không gian còn lại là khoảng trời rọng bao la tít tắp, phía xa cột điện mang điện đi khắp nơi tới mọi miền tổ quốc; xa hơn nữa những khóm đặc nhấp nhô báo hiệu có sự sống chiếm 1/3 bức tranh. Xét về tính chất chính phụ thì đây là tỷ lệ chuẩn mực về bố cục. Ngoài ra tác giả còn khéo léo khi đưa hai hướng chuyển động: dọc hướng lên trên của cây cột điện, và xiên ngang của đường rãnh dẫn nước vào đồng ải nhằm cân bằng lại bố cục, tạo nhiều chuyển hướng giúp mở rộng tầm mắt cho người xem. Người nông dân thời bấy giờ đã làm chủ được ruộng đồng trong sự bình yên đến quý giá. Cùng với sự thành công chủ đề cấy cày, tác phẩm với nhan đề Cấy hết diện tích (1969) của Trịnh Phòng cũng nổi bật không kém, là một trong số tác phẩm không thể kể đến về đề tài nông nghiệp. Hình ảnh chân thực khi miêu tả lại ba cô gái với bố cục dàn hàng ngang quần xắn đến đầu gối, đang cúi xuống làm công việc cấy lúa mở màn cho vụ mùa mới. Người đứng hai tay cầm hai bó lúa, chân đang bước lên; người cúi đang cấy những cây lúa trên thửa ruộng bạt ngàn. Xa xa là cây cầu, những khóm cây hiên ngang còn lại giữa đời như thể nó là chứng nhân của lịch sử chứng kiến sự thay đổi phát triển từng ngày nơi đây. Không gian xung quanh dành cho cảnh vật cũng như không gian dành cho nhân vật chính cân bằng nhau một cách hợp lý. Có thể nói sau năm 1925 với sự đánh dấu xuất hiện của trường Mỹ thuật Đông Dương, tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam ra đời. Một số họa sỹ được đào tạo chuyên nghiệp đã nhanh chóng tiếp thu những kiến thức tạo hình phương Tây, mà cụ thể là luật thấu thị xa gần đã giúp tranh có hình thức giống cái nhìn thực hơn. Với cây bút tài hoa của mình, họ đã chắt lọc, tái tạo lại hình ảnh của thực tế không gian ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao hoặc chiều sâu) lên mặt phẳng hai chiều (chiều dài, chiều rộng) bằng những hình ảnh cô đọng, điển hình nhất, giúp người xem vẫn có thể tưởng tượng ra không gian thực ngoài đời. Để làm điều này, người họa sỹ phải vững vàng về kiến thức thực tế cũng như những nguyên tắc trong sáng tác hội họa để tái tạo lại không gian, phong cảnh hay con người thực vào tranh.

tranh khac go 3
Phơi thóc (Mạnh Hào)

tranh khac go 4

Cấy (Trần Nguyên Đán)

tranh khac go 5
Chống hạn (Phùng Phẩm)

Đến với một dạng khác bố cục, ta có thêm lối bố cục nhịp điệu. Để chiêm ngưỡng tận mắt, hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ tác phẩm gỗ màu Một buổi cấy của Hà Mỹ Lý sáng tác năm 1978. Có thể thấy sự chuyển động của đường nét, hình khối, màu sắc đã tạo nên nhịp điệu trong tranh. Không khí toàn dân hăng say bắt tay ngay vào lao động sản xuất đã len lỏi đến khắp nơi mọi vùng mà nơi miền xa xôi núi non cách trở cũng không làm khó với những người nông dân nơi đây. Trong tranh là cảnh những người phụ nữ dàn hàng ngang gần như chính giữa tranh với người cúi, người đứng, người nghiêng trái phải với vô vàn tư thế khác nhau đang cấy lúa tạo nên một nhịp điệu vô cùng vui mắt cho tác phẩm. Trong không gian nhấp nhô trùng điệp của núi rừng, con người hiện lên thật nhỏ bé nhưng ta tin rằng những con người hợp sức lại với nhau sẽ chẳng có điều gì là không thể cải tạo thiên nhiên. Ngoài ra có thể kể đến những tác phẩm khác tương tự khác có nhịp điệu rất rõ ràng cùng phản ánh hiện thực thời kỳ đó như Cấy – Trần Nguyên Đán; Phơi thóc – Mạnh Hào; Chống hạn – Phùng Phẩm…

Tác phẩm Hái cà phê của danh họa Lương Xuân Nhị sáng tác năm 1964 với bố cục dọc là hai nhân vật chính đang hái cà phê được thể hiện bằng những mảng màu bẹt kết hợp vài nét cong gợi nếp gấp của áo quần đang đứng quay lưng về phía mặt tranh. Khuôn mặt và mái tóc cũng được tạo hình bằng những mảng màu đen, hồng nhạt không vờn khối vẫn mang lại cho ta một cảm nhận êm ái, dịu dàng. Màu xanh mát mẻ của lá cà phê chiếm 2/3 diện tích tác phẩm gợi một cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng. Không gian còn lại được bao trùm bởi một màu nâu nhẹ rất ăn nhập với màu xanh của lá. Với cách phối cảnh ước lệ của tranh dân gian mang hơi hướng từ dòng tranh Đông Hồ, lối bố cục đơn giản, không câu nệ, gò bó, tác giả đã cho người xem thấy được một cảnh yên bình nơi thôn dã trong không gian tượng trưng và khái quát, chắt lọc về đường nét, màu sắc. Vẫn đề cao ý đồ trong tư duy tạo hình khi xây dựng hình tượng nhân vật; diện hình, mảng bẹt, bỏ qua vờn khối, tác phẩm của Phạm Đoàn Thanh Hái quả lại thêm một minh chứng cho sự thành công phù hợp với lối bố cục dọc. Tranh đen trắng với mảng đậm bẹt hiện lên chiếm 2/3 diện tích tranh đủ đậm nhạt khác nhau cho ta thấy rõ hai cô gái đang đưa tay hái những trái quả trên cây. Nền – khoảng không không còn lại là giấy trắng, là không gian được diễn tả càng độc tôn lên hai nhân vật với hình dáng và hành động cụ thể. Bố cục tranh đã gần như thoát ly hẳn với những kiến thức bố cục thường thấy. Không phải bố cục tròn, tam giác hay dàn ngang mà ở đây bố cục dọc rất chặt chẽ, hai nhân vật duy nhất đều nằm trong nhóm bố cục chính, không hề có thêm chi tiết gì phân biệt chính – phụ ở đây.

tranh khac go 6
Hái quả (Phạm Đoàn Thanh)

tranh khac go 6

Trục lúa (Vũ Duy Nghĩa) 

Có thể nói tranh Trục lúa  của Vũ Duy Nghĩa là tác phẩm thành công của người họa sỹ bởi bố cục tròn đơn giản được ông đưa vào tranh một cách khá lạ mắt. Tranh khắc trạng thái chuyển động nhanh gấp, khẩn trương với những nét khắc ngắn và nhiều tạo quỹ đạo đường đi xoay tròn của những trục đá, hai người nông dân với ba con trâu đang cho ra hạt thóc vàng ươm. Nếu tranh vẫn từng ấy nhân vật xếp thành hàng ngang thì có lẽ không ra tính chất cũng như không khí buổi làm việc. Nhân vật chính xếp với nhau liên kết chặt chẽ tạo thành bố cục tròn giúp người xem cảm nhận được vòng quay hối hả, sự ăn nhập giữa người với vật cũng như tinh thần lao động một cách rõ ràng. Cũng cùng tên Trục lúa, Phạm Văn Đôn cũng khai thác một nhóm nhân vật chính trong sự chuyển động của hình elip tương tự. Dường như hình tròn hay hình elip đều tạo sự cân bằng cho tác phẩm, báo hiệu sự đoàn kết ăn nhập giữa các nhân vật cũng như sự hối hả khẩn trương đến vui mắt. Cách đặt vấn đề này tạo không khí sôi động, ấn tượng trực tiếp với cái nhìn thị giác.

tranh khac go 7
Trục lúa (Phạm Văn Đôn)

* Đường nét trong tác phẩm:

Nét là một tập hợp các điểm thành các đường (đường nét) hay là quỹ đạo của một điểm di động trong không gian. Trong đồ họa, nét là một quy ước để phân định ranh giới giữa các hình thể của sự vật và giữa hình thể sự vật với không gian xung quanh trên mặt phẳng. Các đường nét gợi lên sự duy trì của chuyển động: đường xiên, đường cong, đường gấp khúc, nét thô, vung vẩy, nét chân thực, nét bay bướm, nét đóng, nét mở, nét trơn, nét gai. Nét không những diễn tả được khối nặng – nhẹ, không gian xa – gần, tạo chất đặc – rỗng mà cao hơn còn biểu đạt những trạng thái, tình cảm của con người, thái độ của con người đối với sự vật đó. Qua đường nét có thể thấy được tình cảm, phong cách tâm hồn, hay quan niệm nghệ thuật của từng vùng, từng dân tộc, từng cá nhân tác giả. Những cảm giác về nét trong mỹ thuật: Hướng chéo chỉ sự dao động, chéo cho cảm giác vui khỏe. Phối hợp nét cong và thẳng gây nên cảm giác niềm vui được nhân lên cho sự thỏa mãn thị giác mắt nhìn. Nét dài, nét ngắn kết hợp với nhau với tỷ lệ phù hợp nhất định tạo nên sự bền vững chặt chẽ và thỏa mãn tâm lý thị giác tốt nhất. Nét to, nét nhỏ phối hợp với tỷ lệ tương ứng vừa phải cho cảm giác linh hoạt.

Đến với họa sỹ Phạm Văn Đôn không thể không nhắc tới đến tác phẩm Trục lúa sáng tác năm 1970. Tác giả vẽ một khung cảnh trục lúa có thực, trước ngôi đình – là nơi sinh hoạt của người dân nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, những con người đang cùng nhau thực hiện công việc trục lúa thật đông. Ấn tượng đầu tiên của người xem khi tiếp xúc chắc hẳn là nét, nét khắc thật tinh tế cho ta cảm nhận rõ rệt không khí vui tươi của hoạt động những con người trong tranh. Nét khắc vòng cung ngắn dài khác nhau, uốn lượn mềm mại bao quanh dưới chân các nhân vật tạo sự chuyển động xoay tròn của đường đi trên nhịp độ thật khẩn trương, sôi động. Phạm Văn Đôn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Ở bức tranh này, nghiêng về Đông Hồ với hiệu quả mộc mạc, giản dị với những nét đen “đơn tuyến bình đồ” bao quanh chặt chẽ hình tượng. Để tạo không gian nơi thôn quê, tác giả khắc những nét khỏe khoắn với sự vững chãi cho kiến trúc ngôi đình với những cột kèo, tường hào bao quanh, mái ngói cong đều tăm tắp… Đường nét tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng, khỏe khoắn của tranh.

Phùng Phẩm là họa sỹ luôn được người ta nhắc đến thành công ở dòng tranh khắc gỗ mà một trong yếu tố đó là nét. Ông đã tạo cho mình một lối đi riêng thật gần gũi với tranh khắc gỗ Nhật Bản. Chống hạn tranh khắc gỗ cùng bố cục  với Chống hạn cùng tên trong tranh sơn mài là một minh chứng tiêu biểu cho nét trong tranh khắc gỗ. Toàn bộ tranh chỉ toàn là nét. Nét trắng nổi bật trên nền màu đen. Ở đây, tác giả đã thật chỉn chu và tỉ mỉ khi khắc họa thật rõ nét một nhóm người nông dân xưa đội nón, quần xắn gấu đang làm nhiệm vụ khiêng những đòn nước nặng gánh về đồng để chống hạn. Từng ấy người là từng ấy dáng vẻ, từng hành động khác nhau với những nếp gấp áo quần đã được nghiên cứu kỹ chỗ ôm sát cơ thể, chỗ tung bay trong gió, gợi cảm giác vừa mềm mại nhưng cũng đầy vẻ khỏe khoắn. Xem tranh của Phùng Phẩm luôn có luồng cảm hứng mới, và dễ dàng phân biệt được tranh của ông với những phong cách họa sỹ khác. Nước bạc, cơm vàng của ông cũng mang lại cho người xem một buổi lao động cấy cày miệt mài, sung sức của người nông dân và con trâu trên cánh đồng đầy gió và nắng. Nét thẳng, kết hợp đôi chỗ xiên tạo đường hướng rõ ràng của đường cày, nơi con trâu và mũi cày vừa đi qua. Bóng đổ dưới các chân nhân vật đôi chỗ xuất hiện nét ngắn diễn tả ánh sáng trên cánh đồng. Hình ảnh người nông dân bước lên thật khỏe, kiên cường, vạt áo mềm mại tốc bay là sự hiên ngang của con người khi làm chủ ruộng đồng và chinh phục thiên nhiên.

tranh khac go 8

Chống hạn (Phùng Phẩm)

tranh khac go 9

Nước bạc, cơm vàng (Phùng Phẩm)

Có thể thấy rằng việc tả chất hoàn toàn dựa trên sự tương phản của nét. Điều này một lần nữa lại minh chứng trong các tác phẩm: Rủ nhau đi nương của Đường Ngọc Cảnh với không gian gồ ghề, đường đi gập ghềnh miền núi được họa sỹ diễn tả bằng những nét ngắn – dài, thưa – đặc, cùng các hướng của nét xiên chéo, ngang, dọc, uốn lượn… khác nhau; khi thì mềm mại, khi thì cứng thẳng của bầu trời, núi đá, mái ngói, liếp nhà, nước, cây cối…; hay đầy nữ tính với công việc thật đỗi nhẹ nhàng của hai cô gái trong Hái cà phê của Lương Xuân Nhị chủ yếu là những nét dài và mềm; những nét chắc nịch và chặt chẽ, thống nhất không thể thêm cũng không thể bớt trong Con trâu là đầu cơ nghiệpChăm học chăm làm của họa sỹ Trần Nguyên Đán…

Đối với nghệ thuật hội họa các yếu tố tạo hình như màu sắc, đường nét, ánh sáng, không gian, bút pháp thường gắn với nhau thành một khối thống nhất, có như vậy mới tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, hài hòa về hình thức. Nhưng trong nghệ thuật đồ họa, có những tác phẩm thành công mà người họa sỹ chỉ cần sử dụng riêng lẻ từng yếu tố nét, chấm, mảng, hoặc kết hợp ba yếu tố trên. Điều này phụ thuộc vào tài năng và sự nhạy cảm đối với từng nét khắc của họa sỹ qua đó thấy tâm tư, tình cảm hoặc thậm chí là thông điệp ý đồ tác giả muốn gửi gắm. Trong nghệ thuật khắc gỗ, đường nét và những tính chất biểu cảm của đường nét là phương tiện biểu đạt chính yếu. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để thể hiện sự riêng biệt trong phong cách cá nhân của từng họa sỹ, cũng như loại hình nghệ thuật đồ họa này so với các loại hình nghệ thuật khác.

* Hình thể trong tác phẩm:

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông” của Đặng Bích Ngân chủ biên có khái niệm về hình thể, hình dáng như sau: “hình thể được dùng để chỉ một vật, đường nét hay mảng màu tương đương với dáng vẻ cấu trúc của vật đó trên tranh hoặc tượng. Thuật ngữ “hình dáng” còn được dùng chỉ hình thức của vật thể, đường nét hay mảng màu, khối hình trong không gian hoặc trong tranh, tượng… Đối với Mỹ thuật, hình dáng đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi hình chiếm một vị trí, một thể trong không gian và có tiếng nói tạo hình nhất định. Vị trí của các hình trong tác phẩm tạo nên sự vững chãi, chặt chẽ cho bố cục, mô tả được sự vận động của nhân vật theo chủ đề và ý định của tác giả. Dù vẽ theo mẫu hay theo đề tài, tác giả cũng phải lưu ý đến hình dáng của vật hoặc người và sự sắp xếp các hình dáng đó trong một bố cục chung trên mặt phẳng tranh, trong một không gian tạo hình. Từ “hình dáng” nhiều lúc đồng nghĩa với “hình thể”.

Trong khái niệm trên, từ việc hiểu nội dung thế nào là “hình dáng”, ta có thể hiểu được sang nghĩa của “hình thể” bởi đôi khi chúng đồng nghĩa nhau. Có thể nói trong một bức tranh, hình thể được dùng để chỉ hình dáng, dáng điệu, cấu trúc của con người hay vật thể. Hình thể còn là sự biểu đạt hình thức bên ngoài và bản chất bên trong của sự vật, đối tượng người họa sỹ muốn miêu tả. Dáng vẻ bên ngoài hay nội tâm bên trong của đối tượng nhân vật sẽ được mỗi họa sĩ cảm nhận và thể hiện theo mức độ nhận thức khác nhau. Nhìn chung đề tài nông nghiệp là đề tài khá đa dạng để tác giả có thể thỏa sức khai thác ở những khía cạnh, phương diện như cử chỉ, tư thế, dáng điệu, gương mặt, động tác, trang phục của người dân lao động ngày ngày hiện diện trên cánh đồng; cũng như những chi tiết, hình ảnh phụ trợ kèm theo (công cụ lao động, phụ cảnh phía sau..) góp phần làm tôn vinh nội dung tác phẩm. Có thể nói tác phẩm Ruộng đồng của Quang Phòng là một tác phẩm đẹp mà phải kể đến về hình thể. Tác giả đã diễn tả rất đắt về cử chỉ cũng như dáng điệu của nhân vật người phụ nữ cùng con trâu. Người phụ nữ trong trang phục đi làm đồng quần xắn tới đầu gối, khăn vấn đội trên đầu, mặc chiếc áo màu nâu đậm đang cầm dây nghiêng người về phía con trâu, mặt nghiêm lại như thể ra hiệu cho con vật của mình quay đầu về. Đây là đặc trưng cho hình ảnh người phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ đảm đang đầy nữ tính. Con trâu được tác giả khắc họa rất đúng và kỹ từ dáng điệu, màu sắc diễn tả khối người cũng như đặc điểm đường nét từng sợi lông trên thân. Dáng nhân vật tác giả chọn không độc nhưng lạ. Liên kết bởi con trâu và người nông dân là sợi dây rất căng tạo đường vòng biểu hiện cho thấy sự “ương bướng” của con vật, đồng thời còn thể hiện tình cảm gần gũi giữa người nông dân cùng “người bạn” hàng ngày của mình. Ta có thể bắt gặp hình ảnh này ở ngoài đời thực nhiều nhưng không phải ai cũng khắc họa dáng điệu này vào tranh như Quang Phòng.

tranh khac go 10
Ruộng đồng (Quang Phòng)

Bức tranh Trục lúa của Phạm Văn Đôn lại thêm ví dụ tiêu biểu cho hình thể trong tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói trong tác phẩm nổi rõ hai vấn đề ngoài những người đang làm nhiệm vụ trục lúa được xếp theo lối bố cục hình elip ra, còn thấy sự xuất hiện của những yếu tố phụ trợ bên cạnh tạo quang cảnh không gian ngày mùa thu hoạch rộn ràng như nhà cửa, cây cối. Nói đến nhóm nhân vật chính, các dáng người rất đa dạng và sinh động thể hiện rõ qua động tác, cử chỉ lẫn trang phục mà cụ thể phía xa người đang đội nón cúi xuống cào lúa, phía gần người đang ngồi trên tấm gỗ để chỉ huy chú trâu của mình làm nhiệm vụ chạy vòng quanh sao cho những hạt thóc vàng ươm được nuốt ra. Tuy các nhân vật với khuôn mặt là không rõ nhưng chỉ qua từng ấy dáng vẻ ta thấy được sự khẩn trương nhộn nhịp mà dường như không điều gì có thể làm họ dừng lại trong một không gian làng quê yên ả đến thanh bình. Điều này có được là do những yếu tố phuj trợ góp phần làm nổi bật thêm ý đồ nội dung tác giả đánh dấu phản ánh thời kỳ lịch sử đất nước sau khi thống nhất toàn dân hăng hái tham gia sản xuất trong sự hồi hởi, vui tươi.

tranh khac go 11
Phơi thóc (Mạnh Hào)

tranh khac go 12

Những cô thợ cấy Định Công (Văn Bình)

Không quá cầu kỳ về bố cục hay hình thể các nhân vật, hai bức tranh Phơi thóc của Mạnh Hào và Những cô thợ cấy Định Công của Văn Bình thật đơn giản với những dáng người gần gũi thường gặp trong công việc nhà nông cho ta thấy như bắt gặp cảnh này ở đâu đó trên bất cứ làng quê nào. Những gương mặt cô gái dịu dàng, đầy nữ tính đang đổ những bồ thóc ra phơi, vừa làm vừa trò chuyện với đủ các dáng người quay mặt, thân nghiêng trái phải, động tác lao động thật đúng mà đẹp. Tưởng như tác giả phải am hiểu, phải sống lâu năm lắm ở làng quê Bắc Bộ lắm mới có thể thuộc chuẩn xác đến từng nhân vật, động tác cũng như nếp gấp quần áo trong trang phục đến vậy. Quần áo rộng, không quá ôm sát cơ thể phù hợp trong lao động nông nghiệp. Những chiếc nón không thể thiếu trong sự khai thác, nghiên cứu tìm tòi trang phục của phụ nữ vùng xứ Bắc xưa. Bên cạnh đó còn có thể xem thêm sự biểu cảm guonwg mặt, động tác tiêu biểu đồng điệu trong Những cô thợ cấy Định Công  của Văn Bình với dáng đứng khoanh tay, ngồi chải tóc trong giờ nghỉ giải lao của những cô thợ cấy mang vẻ thật gần gũi, đáng yêu.

tranh khac go 13
Buổi sớm (Nguyễn Diệu)

Buổi sớm của Nguyễn Diệu cho ta bắt gặp sự phấn khởi, hồ hởi vui vẻ trên từng khuôn mặt mà biểu thị rõ nhất ở động tác nhân vật của tác giả. Tuy không gian trời mây cũng như công cụ sản xuất là chiếc máy cày, những ống cống của chiếc cầu đá, bờ đất… có phần rộng lớn nhưng tất cả đều là yếu tố bổ trợ cho nội dung ý đồ tác giả. Con người hiện lên khi ra đồng buổi sớm trong một không gian bao la, rộng lớn cho thấy người và cảnh hòa hợp với nhau liên kết không tách rời. Tác giả diễn tả những chiếc bóng của nhân vật nhưng tập trung khai thác cử chỉ, dáng điệu cho ta thấy sự khỏe khoắn, vui tươi. Người đi trong gió, trong sương sớm của buổi ánh bình minh, đầu đội nón, tay cầm cuốc xẻng vẫy chào như hứa hẹn một ngày làm việc đầy hiệu quả. Ngoài ra, ta có thể tham khảo thêm với bức: Rủ nhau đi nương – Đường Ngọc Cảnh; Bé yêu lao động – Vi Kiến Minh; Ra đồng – Huy Oánh; Cấy hết diện tích – Trịnh Phòng; Nước bạc cơm vàng – Phùng Phẩm, Chống hạn – Phùng Phẩm … cũng cùng nổi bật lên đồng điệu ý đồ trên.

Bất cứ đề tài nào trong Mỹ thuật đều cần làm rõ hành động, cử chỉ, đặc điểm mang tính cách các nhân vật thì đến với đề tài nông nghiệp, việc thể hiện hình thể nhân vật rõ nét lại cần thiết hơn bao giờ hết.

* Màu sắc trong tác phẩm:

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông” có định nghĩa về màu sắc như sau: “Màu sắc dùng để vẽ do hóa chất, khoáng vật và động thực vật pha trộn lẫn mà ra”. Ở nước ta, từ “màu” và “sắc” thường được sử dụng đồng nghĩa với nhau (chỉ màu sắc nào đó). Giới mỹ thuật dùng thuật ngữ màu sắc đúng chỗ và hợp lý hơn. Trên thế giới, người ta phân biệt màu là những màu  nguyên chất, chưa có sự biến đổi do ánh sáng hay cách pha trộn làm khác đi, ví dụ như màu gốc: đỏ, cô ban, vàng; còn sắc là những màu đã biến đổi theo ánh sáng hoặc đã pha trộn thành những sắc thái khác nhau, ví dụ: sắc hồng đỏ do đỏ pha với trắng hoặc cho ánh sáng mạnh chiếu vào màu đỏ; sắc da trời do cô ban pha trắng… Màu sắc phối hợp với nhau trên tranh tạo thành hòa sắc. Khoa học phân tích màu sắc và ánh sáng do Newton khám phá ra và được phát triển vào thế kỷ XVIII đã giúp cho nghệ thuật dùng màu miêu tả tự nhiên rất phong phú. Ngày nay khoa học phân tích màu sắc vẫn đang được nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học đã thấy được bản chất của một số màu. Tuy thế, khái niệm màu sắc chưa được xác định rõ về nội dung và ranh giới của nó. Vì vậy, thuật ngữ “màu sắc” chỉ được mang ý nghĩa tương đối mà thôi.

Một lượng màu nào đó chiếm diện tích nhất định trên mặt tranh, tạo thành một mảng riêng, phân biệt rõ rệt với các mảng màu xung quanh nó… thì đó được gọi là mảng màu. Sự phân biệt này có thể do độ đậm nhạt, nóng lạnh của màu sắc hoặc về nội dung hình thể trong tranh. Trong tranh đen trắng đó là những màu mang các sắc độ khác nhau của đen và trắng… Quay lại với Trần Nguyên Đán cùng hai tác phẩm: Con trâu là đầu cơ nghiệp Chăm học chăm làm. Khi chiêm ngưỡng tác phẩm, nhìn vào người xem có ấn tượng ngay đến hình. Đây là hai bức tranh đen trắng nên duy chỉ có hai màu đen và trắng được họa sỹ khéo léo đan cài nhau mang sự hợp lý và dễ chịu cho thị giác. Con trâu – bạn của nhà nông và là người bạn thân thiết gần gũi với các em nhỏ mỗi khi ngoài giờ đến trường được tác giả lựa chọn để đặt màu đen đậm, bởi màu đen thể hiện sự vững chãi, chắc nịch. Trong bảng màu vô sắc, để đi từ đen đến trắng, ta phải qua màu trung gian là xám (ghi xám), từ đó có khả năng diễn tả hình khối đậm nhạt và cảm giác về màu sắc của vật thể trong không gian. Để minh chứng cho điều này ta cùng đến với bức Phơi thóc Những cô thợ cấy Định Công khi cả hai họa sỹ Mạnh Hào và Văn Bình đã tận dụng tính chất biểu cảm này để diễn tả khối, độ sáng - tối được nằm gọn trong sự bao quanh của nét, cho ta cảm giác về màu sắc ngoài đời thực. Phạm Đoàn Thanh với bức Hái quả cũng tạo ấn tượng cho người xem với màu đen đậm bao trùm toàn bộ tác phẩm khi tả hai cô gái dân tộc là nhân vật chính cùng cây trồng với mục đích nổi bật trên mảng màu trắng nền. Tuy màu đen chiếm khá nhiều trong tác phẩm nhưng hình thể nhân vật vẫn giúp ta nhận rõ là bởi sự tài tình khéo léo sắp xếp các mảng màu đậm nhạt một cách hợp lý. Màu đen ắt cạnh bên phải là màu trắng hoặc ghi để tôn nhau lên; hay nói cách khác hình tối thì nền sáng và ngược lại (Mối quan hệ hình - nền).

Nhắc đến tranh khắc gỗ, màu không thể không nhắc đến màu sắc. Khắc gỗ màu có một bảng màu tươi tắn và dung dị, đó là nhờ quá trình in tranh, màu thấm vào bảng gỗ rồi được in lên giấy tạo cho màu sắc của tranh hòa quyện vào nhau hài hòa, đằm thắm. Trần Nguyên Đán là một tác giả không thể không nhắc đến bởi ông có công rất lớn khi mang lại hơi hướng mới lạ cho dòng tranh khắc gỗ Việt Nam với những màu sắc độc đáo. Tác phẩm mang tên Người tốt việc tốt nằm trong đề tài nông nghiệp, chủ đề chăn nuôi sáng tác năm 1968 thật tươi sáng, ấn tượng. Nổi bật đầu tiên cho thị giác là một màu vàng ấm rực của nền bao trùm lên khoảng không gian. Tiếp đó các nhân vật chính lần lượt hiện lên là một bé gái còn đang tuổi đến trường bé nhỏ vẻ tháo vát đang cho trâu ăn, tay cầm cành cây móc chiếc cặp sách màu xanh và chiếc nón màu vàng. Chú trâu to khỏe được tác giả chủ động dùng màu đen đậm để miêu tả sự chắc nịch đang cắm cúi uống nước, cạnh bên là chú nghé con màu trắng như đang nhởn nhơ, đùa giỡn quanh trâu mẹ trên khóm cỏ xanh mát tươi non. Ở tác phẩm dễ dàng nhận thấy màu nguyên chất, các cặp màu bổ túc được tác giả lựa chọn khi diễn tả về con trẻ, cũng như sự ngây thơ, trong trắng của chúng: vàng thì vàng hẳn, lam thì lam hẳn… cũng như đỏ bổ túc cho xanh và ngược lại, lam bổ túc cho cam và ngược lại, tím bổ túc cho vàng và ngược lại…Chúng được đặt cạnh nhau với mục đích hỗ trợ và tôn nhau lên mà không hề gây nhức mắt. Cứ thế, tuy bản chất các màu đó là tương phản như khi nằm trong một khối tổng thể thống nhất thì hoàn toàn hợp lý mà gây ấn tượng cho người xem như thể cho ta được ngắm nhìn một buổi bình minh, một luồng sinh khí mới sau khi đất nước đang trong công cuộc xây dựng phát triển ở nông thôn.

Hai tác phẩm Ruộng đồng của Quang Phòng và Hái cà phê của Lương Xuân Nhị là hai tác phẩm được xếp cùng nhóm đồng nhất gam màu lạnh. Nếu màu nóng tạo cảm giác ấm áp, sôi nổi thì màu lạnh là màu gần tạo cảm giác trầm lắng, yên tĩnh. Trong loạt tranh về nông thôn thời đó, tác phẩm Ruộng đồng là bức in khắc gỗ màu công phu, có sắc độ. Ông vẽ người nông dân chăn trâu trên cánh đồng bao la xanh ngắt, cả ruộng đồng, trâu và người được diễn tả khá kỹ về sắc độ như tranh vẽ thuốc nước trong veo đến lạ thường. Màu sắc có vẻ đậm, nhạt, nông sâu đã tạo ra ảo giác lung linh của ánh sáng. Trong tranh khắc gỗ để làm dược như vậy đòi hỏi tỉ mỉ và nhiều thời gian, in nhiều lớp màu chuyển nhạt sang đậm khác nhau. Để khắc họa hai cô gái là nhân vật chính trong tác phẩm Hái cà phê, họa sỹ Lương Xuân Nhị đã dùng những mảng màu bẹt kết hợp những đường cong mượt của nếp gấp áo quần đang đứng hái những quả cà phê đỏ tươi quay lưng  về phía mặt tranh. Hai mái tóc dài được thắt buộc lỏng thật thướt tha, mềm mại gợi bằng mảng màu đen càng tôn thêm khuôn mặt màu hồng nhạt thật nữ tính. Màu xanh mát mẻ của lá cà phê thật nhiều, gợi không gian thoáng đãng, thanh bình càng làm nổi bật sắc độ trên nền màu nền nâu nhẹ.

Màu sắc trong tranh khắc thường ít, nó đòi hỏi người nghệ sỹ phải chọn lọc một cách sắc sảo và thường được thể hiện ở những mảng màu trầm sâu lắng, tĩnh tại mà có sắc có nhị. Hà Mỹ Lý có Một buổi cấy cũng minh chứng thêm cho nhận xét trên. Sắc trong tranh thường được thể hiện ở ba cấp độ chính là sáng, tối, trung gian (tông ghi). Màu sắc đơn giản, không có màu chóe, màu rực. Màu đậm trong tranh là màu đen, hoặc xanh đen, nâu… diễn tả núi, bờ ruộng, người… quán xuyến toàn bộ bố cục, hình khối trong tranh. Các tông ghi được bổ trợ làm tăng sự hấp dẫn của sắc độ sáng trên vật thể dưới tác động của ánh sáng phía xa xa. Kết hợp với những nét khắc khác nhau, người họa sỹ đã đem lại cho một buổi cấy trong tranh khắc hiện đại sự khỏe khoắn nhưng cũng tràn đầy tình cảm của mình. Tác phẩm có giá trị ở giai đoạn này được Bảo tàng Mỹ thuật lưu giữ đã chứng minh tình yêu thiên nhiên đất nước, con người, đồng thời phản ánh tinh thần của thời đại với sự đồng cam và trách nhiệm của người nghệ sỹ.

Trong hai yếu tố hình và sắc làm nên diện mạo một bức tranh thì sắc có vai trò đem lại cảm hứng cho cả người sáng tác cũng như người thưởng thức. Dù ở bất kỳ tác phẩm nào thì sắc trong tranh vẫn được thể hiện ở ba cấp độ chính là sáng, tối, trung gian (tông ghi). Màu đậm trong tranh thường là màu đen, hoặc xanh đen, nâu… quán xuyến toàn bộ bố cục, hình khối trong tranh. Các tông ghi được bổ trợ làm tăng sự hấp dẫn của sắc độ sáng trên vật thể dưới tác động của ánh sáng. Có thể nói, màu sắc trên tranh cũng giống như màu sắc trong đời sống và thiên nhiên vì độ chuyển màu của nó vô cùng phong phú. Màu sắc tạo cảm giác trong sự chuyển động của hình ảnh, có thể lùi ra sau hoặc tiến về phía trước trong không gian tạo nên chiều sâu trên mặt phẳng hai chiều của tác phẩm, giúp người xem cảm nhận phần nào dược chất và độ xa gần hay tình hình của sự vật, hiện tượng mà tác giả muốn trình bày.

- Đỗ Thị Thu Thủy -

>>> Đề tài nông nghiệp trong tranh khắc gỗ Việt Nam (Phần 1)

>>> Tranh khắc gỗ Việt Nam từ Truyền thống đến Hiện đại

>>> Ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật lên trường phái Ấn tượng trong hội họa

0976984729