Đề tài nông nghiệp trong tranh khắc gỗ Việt Nam (Phần 1)
1. Nội dung:
Nội dung nghệ thuật chính là hiện thực đã được người nghệ sĩ nghiền ngẫm về mặt tư tưởng trong quá trình sáng tác và phản ánh vào tác phẩm nghệ thuật có sự chọn lọc, dưới tác động của những lý tưởng xã hội thẩm mỹ trong một thế giới quan nhất định. Nội dung của tác phẩm nghệ thuật không chỉ bao gồm những hiện tượng, những phiến đoạn của cuộc sống muôn màu mà còn bao gồm cả thế giới nội tâm, cái nhìn chủ quan đã được khách quan hóa của nghệ sĩ hay nói cách khác có hai yếu tố đan xen nhau hòa quyện không tách rời: yếu tố khách quan từ cuộc sống và yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ.
* Chủ đề về cấy cày:
Từ năm 1955-1960, tức là sáu năm kháng chiến chống Pháp, được coi là giai đoạn phục hồi sau chiến tranh và cải cách ruộng đất. Đất nước bị chia cắt làm hai miền, cuộc chiến tạm ngưng trong vài năm và miền Bắc bắt đầu cải tạo, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Người nông dân “vững tay súng, chắc tay cày”, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm hiện lên trong tranh mang vẻ đẹp rắn rỏi, tự chủ được các nghệ sĩ thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đơn giản, trong sáng. Hình tượng người lao động ruộng đồng được đề cập một cách sâu sắc và hầu hết các tác phẩm biểu hiện rõ sự say mê trong niềm vui lao động, xây dựng đất nước, phải kể đến như: Đi cấy – 1967 (Trần Nguyên Đán) là tác phẩm khắc gỗ thuộc những giai đoạn đầu sự nghiệp của họa sỹ khi đang tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Trong tranh, một nhóm gồm năm người đang lom khom cúi xuống cấy lúa, phía bên kia cách đó không xa là hình ảnh người đàn ông cùng con trâu của mình đang làm nhiệm vụ cày xới đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới gieo sạ hoặc trồng cây và tiếp đó bên phải là hai nhân vật đang gánh những gánh mạ non để tiếp viện; ngoài ra còn có Đôi bạn – 1968 (Trịnh Thiệp) với cái đẹp lao động êm ả trong một ngày đất trời bình yên, tình cảm con người và con vật thật thân thiết, âu yếm. Người phụ nữ ngồi trong xe, dáng nghiêng người cúi xuống trò chuyện thật gần gũi với em bé cùng chú bê con của mình đang ngẩng cổ lên. Ra đồng – 1968 (Huy Oánh) với dáng cô nông dân khỏe khoắn quần xắn lên cao trong tư thế ngoảnh cổ nhìn với ánh mắt trìu mến đang dắt đàn trâu – người bạn quen thuộc của mình ra đồng mỗi buổi. Cấy hết diện tích – 1969 (Trịnh Phòng) là những cô gái thật nữ tính với dáng người nhỏ nhắn người đứng cầm bó mạ non, người cúi xuống làm nhiệm vụ cấy lúa với gương mặt hồ hởi làm nhiệm vụ như ra sức đạt chỉ tiêu cấy hết ruộng đồng. Nước bạc, cơm vàng – 1970 (Phùng Phẩm) thật kiên cường với hình ảnh người nông dân đang “chỉ huy” những chú trâu khỏe khoắn của mình cày bừa trên thửa ruộng rộng lớn. Tà áo bay phấp phới trong gió, quần xắn đến đầu gối hiện lên thật đẹp như thể người anh hùng trên cánh đồng đang chinh phục, bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên; Một buổi cấy – 1978 (Hà Mỹ Lý) … cũng là những buổi lao động quen thuộc bình dị. Thật đẹp với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị người cúi, người đứng xếp thẳng hàng vô vàn tư thế quay trái, phải khác nhau đang cắm những mạ non xuống đất như gieo một mầm non mới, một hy vọng mới thật vui mắt. Hình ảnh các cô gái, những dáng người rất sinh động như múa trong Buổi sớm – 1977 của Nguyễn Nghĩa Duyện với tay cầm cuốc, tay vẫy chào một cách rất vui vẻ, thắm thiết đậm đà như thể hứa hẹn ngày làm việc mới hiệu quả. Có thể dễ dàng cảm nhận được niềm vui, niềm phấn khởi và lạc quan tin tưởng ở những thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên khuôn mặt mọi người không thấy lo lắng, chịu đựng, hy sinh mà họ đang vươn lên làm chủ cuộc đời, làm chủ vận mệnh chính mình. Những cô thợ cấy Định Công – 1978 (Văn Bình) với năm cô gái là năm dáng người trong giờ nghỉ giải lao rất khác nhau, người đứng, người ngồi, người chỉnh lại trang phục, người chải tóc trông thật có duyên, đó là hình ảnh cô nông dân chất phác, đôn hậu trong ngày vụ… Nhìn vào bảng biểu thống kê tác phẩm khắc gỗ theo chủ đề, có thể thấy chủ đề cấy cày được chú ý và phản ánh nhiều nhất ở thời gian này. Mỗi tác phẩm thời kỳ này giống như một thanh âm trong trẻo, bình yên đến kỳ diệu, thanh khiết giữa xã hội đầy chao đảo, biến động.
Đi cấy – 1967 (Trần Nguyên Đán)
Đôi bạn – 1968 (Trịnh Thiệp)
Ra đồng – 1968 (Huy Oánh)
Cấy hết diện tích – 1969 (Trịnh Phòng)
Nước bạc, cơm vàng – 1970 (Phùng phẩm)
Buổi sớm – 1977 (Nguyễn Nghĩa Duyện)
Những cô thợ cấy Định Công – 1978 (Văn Bình)
Nếu như thời kỳ trước năm 1945 các tác phẩm thường phản ánh đời sống thị dân lãng mạn, u hoài thì sau đó nhất là giai đoạn 1955 – 1975 là bước chuyển đổi quan trọng cách nhìn về nghệ thuật cũng như thế giới quan của người nghệ sĩ. Bắt đầu từ thời gian này, hình thành nên một đội ngũ tạo hình đông đảo đi vào mọi mặt của cuộc sống sôi động. Có thể thấy không khí hào hùng, sôi động niềm vui chiến thắng của dân tộc đã lan tỏa đến nhiều họa sỹ, họ thấy mình phải có trách nhiệm cống hiến hết mình cho đất nước, họ khao khát ca ngợi hình ảnh người nông dân gần gũi, chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm, hàng ngày hiện diện trên cánh đồng. Họ hòa nhập với người nông dân, ban ngày đi làm cùng nông dân, gắn bó ăn ở làm việc cùng nông dân, họ thực sự trải nghiệm và cảm nhận được sâu sắc nhất công việc nặng nhọc ấy. Khi xem tranh mới thấy tất cả đều bắt nguồn từ cuộc sống đích thực của người lao động. Tinh thần thời đại dường như đã ngấm vào máu thịt, hơi thở cuộc sống của những vị họa sỹ tài hoa này. Đó là những tác phẩm quý về đề tài nông nghiệp mà hiện nay vẫn là những bài học vô giá cho lớp họa sỹ trẻ noi theo mà nói không quá lời dường như các họa sỹ thế hệ sau vẽ về đề tài nông nghiệp chưa có ai qua được.
* Chủ đề về trồng trọt:
Trồng trọt là lĩnh vực sản xuất quan trọng của nông nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người; thức ăn cho chăn nuôi; ngoài ra rộng hơn có thể là nguyên liệu cho công nghiệp; nông sản để xuất khẩu… Quan trọng không kém gì cấy cày, đã nhắc đến nông nghiệp là nhắc đến trồng trọt. Sau khi hòa bình, tinh thần phấn khởi hẳn, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, chăm sóc, vun xới cây trồng. Có thể bắt gặp hình ảnh này ở bất cứ đâu, nơi vùng cao miền núi hay đồng bằng. Rủ nhau đi nương – 1959 (Đường Ngọc Cảnh) là khắc gỗ đen trắng với hình ảnh đoàn người cùng chú ngựa, trong trang phục dân tộc tay cầm cuốc đặt trên vai, lưng đeo đụi nối đuôi nhau đi lên nương đang vượt qua suối gồ ghề đất đá, xung quanh là nhà cửa và cây cối mang đặc trưng của địa hình rừng núi. Trong tranh ta như cảm nhận sự khắc nghiệt của thời thiết, sự cản trở của địa hình, vậy mà đoàn người với gương mặt nói cười vẫn hồ hởi chuyện trò vui vẻ trên đường trong sự đoàn kết, như thể thâm tâm họ có sự đồng lòng hứa với nhau hứa hẹn một vụ mùa bội thu trong sự cố gắng không biết mệt mỏi.
Nằm trong bộ sưu tập của người Thái Lan có tên Tira, có thể nhiều người không được biế nhưng bức tranh khắc gỗ màu không thể không nhắc đến có tên Khai hoang – 1973 của họa sỹ Tôn Đức Lượng. Thật phóng khoáng và thoáng đãng khi khắc họa một điểm nhìn từ đằng sau khóm cọ và phóng tầm mắt ra xa ta bắt gặp một cảnh trên nương rẫy bao la rộng lớn, đoàn người đông vui đang khai hoang, báo hiệu công cuộc mở mang, khai phá miền đất mới. Không gian bao la rộng lớn với khóm cọ chiếm ½ tranh cho ta thấy sức của con người khi chinh phục và cải tạo thiên nhiên thật phi thường như thế nào. Sứ mệnh lịch sử cao cả của nghệ thuật nói chung, một tác phẩm mỹ thuật nói riêng phải đề cập đúng, trúng và giải quyết những vấn đề hiện thực của thời đại.
Trở về vùng đồng bằng, ta thấy em bé miền xuôi với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn trong Bé yêu lao động – 1965 của Vi Kiến Minh. Là bức tranh độc nhất chỉ có một nhân vật là một em bé trạc tuổi đến trường đội nón, nghiêng người, một tay đỡ, một tay cầm bình hoa tưới cây. Bố cục dọc chặt chẽ khi xây dựng hình ảnh em học sinh chăm chỉ, chịu khó điển hình thật sinh động, khỏe khoắn trong buổi lao động hăng say, hòa chung vào không khí lao động đất nước, của dân tộc. Sau này, sau ngày đất nước thống nhất 1975, khi phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi cả nước đang sôi nổi, tác phẩm khắc gỗ trên lại càng giúp ta liên tưởng ngay đến bài hát “Đội em làm kế hoạch nhỏ” sáng tác năm 1977 của Nhạc sỹ Phong Nhã vang lên trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Rủ nhau đi nương – 1959 (Đường Ngọc Cảnh)
Khai hoang – 1973 (Tôn Đức Lượng)
Bé yêu lao động – 1965 (Vi Kiến Minh)
Nội dung chủ đề nghệ thuật trong tác phẩm phải toát ra từ hiện thực, từ cuộc sống trước mắt, và họa sỹ có nhiệm vụ chọn lọc, tái hiện nó sao cho có sức thuyết phục. Mỗi tác phẩm thời kỳ này giống như một thanh âm trong trẻo, bình yên đến kỳ diệu, thanh khiết giữa xã hội đầy chao đảo, biến động. Có gì đó thật đáng quý và trân trọng biết bao những giây phút khiến mọi thứ trở nên thân thương, ấm áp.
* Chủ đề về chăn nuôi:
Chăn nuôi là một ngành quan trọng của nông nghiệp, sản phẩm từ chăn nuôi nhằm cung cấp lợi nhuận và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người. Ở thời kỳ này chăn nuôi trong nông nghiệp chủ yếu là trâu và lợn. Trâu để tạo sức kéo, phục vụ nhà nông việc cày cấy, còn lợn để cung cấp thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Trong nông nghiệp, con trâu luôn là vật nuôi tình cảm, là người bạn thân thiết, không thể thiếu của người nông dân, cho dù ở giai đoạn nào đi nữa thì máy móc cũng không thể thay thế. Bức tranh đen trắng Bé chăn trâu – 1957 của Anh Thường khắc họa nên hình ảnh em bé trạc tuổi nhi đồng đang đứng chăn trâu thổi sáo trong một cánh đồng không gian rộng bao la, rộng lớn. Chưa cầm súng đánh được giặc được nhưng ở tuổi ăn, tuổi chơi như em làm những công việc nhỏ giúp gia đình là một điều đáng khen. Mọi hình hài nhân vật cũng như cảnh vật được khắc bằng nét to, dày cho ta thấy mọi thứ thật khỏe khoắn. Cảnh thanh bình này thật êm ấm, sự dễ thương của nó làm ấm lòng khi con người nơi đây đang dần tìm lại được sự yên ả trên chính mảnh đất mà cơn bão “chiến tranh” vừa quét qua. Chăn nuôi của Ngô Duyên là một trong số những bức tranh màu hiếm hoi có được ở giai đoạn này. Không gian hiện thực tái hiện lại cảnh chăn nuôi trong nhà của nhà nông với công việc bận rộn, góp phần xây dựng và phục hồi đất nước sau chiến tranh. Ba người phụ nữ trong tranh như đại diện cho phụ nữ Việt Nam thời điểm đó “Đảm việc nước, giỏi việc nhà, trung hậu đảm đang”. Hai người phụ nữ bên phải góc tranh một người đang băm bèo, một người đang nấu cám cho lợn và phía bên trái phòng bên cạnh là người phụ nữ đang đổ những máng thức ăn cho lợn… Tất cả cho ta thấy sự lạc quan, niềm hạnh phúc nơi đây báo hiệu sự đủ đầy dần hồi sinh. Một điểm mà ta chú ý khi nhìn bên phải góc tranh là mũ tai bèo và súng – đồ vật quen thuộc của chiến tranh treo trên tường đánh dấu cho người xem biết tại thời điểm đó xã hội đang ở giai đoạn nào, tuy việc nhà bận rộn nhưng các chị vẫn không quên nhiệm vụ chiến đấu vì việc chung của Tổ quốc. Ruộng đồng – 1962 của Quang Phòng là bức in khắc gỗ màu công phu vẽ hình ảnh những người nông dân chăn dắt trâu bên cánh đồng xanh ngắt với gam màu thật ấn tượng khi cả đồng ruộng, trâu và người được diễn tả khá kỹ về sắc độ như tranh vẽ thuốc nước.
Trần Nguyến Đán là một trong số những tên tuổi không thể nào quên khi nhắc đến dòng tranh khắc gỗ Việt Nam hiện đại. Ông luôn góp mặt những tác phẩm khắc gỗ đen trắng khỏe khoắn cũng như khắc gỗ màu thật đẹp mắt, lung linh. Người tốt việc tốt được sáng tác năm 1967 với hình ảnh em bé đang tuổi đến trường tay cầm sách, sau lưng móc trên đòn gánh chiếc cặp, mũ đang làm nhiệm vụ cho trâu, nghé con ăn và uống nước. Hình ảnh chắt lọc đến tối giản mang tính hiện đại, ước lệ trên nền cam cùng màu sắc ấn tượng mang tính trang trí đã mang cho người xem cảm giác nồng ấm, thanh tâm. Cũng chủ đề về chăn trâu và trẻ em, vài năm sau đó người họa sỹ tài ba này lại cho ra đời những bức tranh khắc gỗ đen trắng tuyệt đẹp trong đó phải kể đến như:
Bé chăn trâu – 1957 (Anh Thường)
Chăn nuôi (Ngô Duyên)
Ruộng đồng (Quang Phòng)
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Chăm học chăm làm (1971)
Vẫn sự vững vàng về tạo hình, trong cái nền buồng tối giản nhất có thể, Trần Nguyên Đán đã khắc lên hình ảnh những em bé đang vui đùa thật gần gũi, e ấp bên con trâu – người bạn thân thuộc của mình. Đầu nón đội nghiêng nghiêng, tay cầm sách chăm chú đứng chụm làm hai, ba cùng nhau; bên cạnh đó có em nhỏ với sự thân thiện của mình đứng tựa vào trâu cặm cụi đọc bài. Hình ảnh con trâu cũng thật đơn giản mà đáng yêu và họa sỹ phải nắm vững hình ảnh con trâu ngoài đời thực lắm mới có thể làm được những con trâu đơn giản và chuẩn xác thế. Có cảm giác xem tranh của Trần Nguyên Đán thật mang đậm tính dân tộc, tính thời đại và truyền thống. Phong cảnh miền núi của họa sỹ Cửu Cooc Khìn lại đưa đến cho người xem cảm xúc về sự hùng vĩ, hoành tráng của thiên nhiên. Con người hiện lên nhỏ bé nhưng sao ta lại thấy sức mạnh và vẻ đẹp của con người chinh phục thiên nhiên. Bởi cái đẹp vẻ đẹp trầm hùng, tĩnh mịch, yên bình của phong cảnh kết hợp với sự hăng say lao động của con người đã tạo nên nhịp điệu và chiều sâu của tác phẩm.
Phong cảnh miền núi (Cửu Cooc Khìn)
* Chủ đề về thu hoạch:
Thu hoạch hay gặt hái là quá trình gom góp, thu thập, tập trung lại hoa lợi của các loại cây trồng sau khi đã đơm hoa kết trái cho những sản phẩm phù hợp với mục đích của người gieo trồng. Lúa là giống cây trồng phổ biến nhất của Việt Nam thời bấy giờ bởi đất nước có tới 95% làm nông nghiệp, và trong thời kỳ khó khăn thì số lượng người gắn bó với công việc nhà nông càng nhiều. Tác phẩm Trục lúa của Phạm Văn Đôn là một tác phẩm khắc gỗ đen trắng tuyệt đẹp không thể không nhắc đến ở thời kỳ này. Sáng tác năm 1970, trong tranh vẽ quang cảnh nhóm người dân lao động đang hăng say làm nhiệm vụ trục lúa trước cửa sân đình. Nhìn những đường nét rõ ràng, mềm mại và dày đặc, biểu thị đường đi vòng quanh của con trâu đang vất vả làm nhiệm vụ kéo trục báo hiệu cho thấy buổi lao động khẩn trương, dường như mọi thứ đang cuốn theo guồng quay làm việc không ngừng nghỉ. Mỗi người một dáng, người quay ra, người quay vào, nhộn nhịp và hẳn phải thấy thán phục vì sự quan sát tinh tế, đa dạng các dáng vẻ rất động của con vật và người nông dân mà tác giả diễn tả. Tất cả những yếu tố đó đã thuyết phục được người thưởng ngoạn và chứng tỏ các họa sỹ đã hết lòng vì nghệ thuật. Cùng với đề tài này, Vũ Duy Nghĩa góp mặt tác phẩm Trục lúa sáng tác năm 1972 với ba con trâu, ba quả lăn, hai người nam, một nữ đang điều khiển vòng quay chiếc trục, ông đã tái hiện cảnh lao đọng ở nông thôn ngày mùa rộn ràng. Nhịp điệu xoay tròn của người, trục và trâu cho ta thấy nhịp điệu khẩn trương dường như không thể ngừng nghỉ của các nhân vật đánh dấu một vụ mùa thu hoạch bội thu.
Đến với tác phẩm Phơi thóc tiếp theo của Mạnh Hào, tuyệt vời khi khắc họa năm cô gái, năm dáng người khác nhau uyển chuyển, duyên dáng đội nón, người tay thoăn thoắt cào bồ những lạt thóc mới, người làm nhiệm vụ đổ những bồ thóc xuống sân phơi trên sân gạch. Một sự vui vẻ, hào hứng trên khuôn mặt sau một vụ mùa bội thu. Bên cạnh đó còn có tác phẩm Trên vùng kinh tế mới – 1972 (Hoàng Lan) với con người hiện lên nhỏ bé, nhưng vẫn đủ cho ta thấy sức mạnh và vẻ đẹp của người lao động ruộng đồng. Bởi cái đẹp trầm hùng, tĩnh mịch, yên bình của phong cảnh kết hợp với sự hăng say lao đọng của con người đã tạo nên nhịp điệu và chiều sâu tác phẩm. Hình tượng ấy hiện lên trong tranh hiện đại mang vẻ rắn ròi, tự chủ được các nghệ sĩ thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đơn giản, trong sáng.
Ngoài thu hoạch lúa, nhà nông còn gắn bó mình với các loại cây ăn quả. Hái cà phê – 1964 (Lương Xuân Nhị) đã vẽ nên hai cô gái đang làm nhiệm vụ hái cà phê nổi lên với hình dáng thanh mảnh bằng những mảng màu bẹt và vài nếp cong gợi nếp gấp của áo quần đang đứng quay lưng về phía mặt tranh, vừa làm việc vừa trò chuyện. Cây cà phê được tạo bằng nét mềm mại của những cành cây nghiêng, cong xuống phía hai thiếu nữ. Bức tranh với vẻ đẹp nhẹ nhàng gần gũi với tranh Hàng Trống của bức "Tố nữ". Với cách nhìn ước lệ của dân gian, họa sỹ đã gợi cho người xem một cảnh lao động bình yên nơi thôn dã. Hái quả - 1976 (Phạm Đoàn Thanh) xuất hiện hai cô gái dân tộc là nhân vật chính ở giữa tranh đeo gùi đang làm nhiệm vụ thu hoạch cây trái trong dáng người rất uyển chuyển trong gió, tà váy bay bay…
Có thể nhận định rằng ngày ấy không khí hào hùng, sôi động, niềm vui chiến thắng của dân tộc đã lan tỏa đến các họa sỹ, họ thấy mình phải có trách nhiêm cống hiến hết mình cho đất nước, họ khao khát ca ngợi hình ảnh người nông dân gần gũi, chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm. Được những điều đó là nhờ vào những rung động hết sức tự nhiên của người họa sỹ và mọi thứ được lan tỏa chạm đến trái tim người xem một cách sâu sắc nhất. Điều đó lý giải được vì sao các họa sỹ thời kỳ đó lại có nhiều tác phẩm xuất sắc đến vậy.
Trục lúa (Phạm Văn Đôn)
Phơi thóc (Mạnh Hào)
Trên vùng kinh tế mới – 1972 (Hoàng Lan)
Hái cà phê – 1964 (Lương Xuân Nhị)
Hái quả - 1976 (Phạm Đoàn Thanh)
- Đỗ Thị Thu Thủy -
>>> Ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật lên trường phái Ấn tượng trong hội họa
>>> Tranh khắc gỗ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại