Hình thể tương phản trong hội họa
1. Đồng điệu:
Tương đương hoặc tương ứng tạm gọi là ăn ý. Người xưa nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đại ý là cùng giống tiếng thì ứng hợp với nhau, cùng giống hơi thở thì tìm đến với nhau. Ta dễ dàng cảm nhận điều đó khi nghe một bản giao hưởng, khi thấy một nhóm bạn bè đồng trang lứa chơi thân với nhau, hoặc khi thấy một cặp vợ chồng tốt đời sống thuận hòa, hạnh phúc. Tranh đồ họa đơn tuyến, tranh thủy mặc, tranh có hòa sắc êm dịu… cho thấy hiệu quả của sự đồng điệu. Đồng điệu là tương phản chỉ được xét bằng cách so sánh giữa những yếu tố “đồng” như đồng chủng, đồng loại, đồng dạng, đồng chất… Ví dụ như giữa nét với nét, giữa màu với màu, giữa mảng với mảng, đậm và nhạt… Đó là sự chênh lệch ở mức độ giới hạn đã vượt qua ngưỡng của sự phân biệt.
2. Hài hòa:
Sự chênh lệch rõ rệt hơn khi đã có sự tương phản về bản chất như: xanh – đỏ, tím – vàng, lam – da cam, đậm – nhạt. Đương nhiên rằng tương phản là để nhằm tới hài hòa, muốn vậy phải xét đến nhiều quan hệ khác trong mối tương quan về lượng, chất và vị trí. Hài hòa là hiệu quả tốt đẹp của sự phân bố cân bằng và hợp lý thuận tình những quan hệ tương phản trên toàn cục, không có tranh chấp gay gắt cũng không có mập mờ khiên cưỡng.
3. Tương phản:
Mức độ đối lập bằng nhau, ví dụ hai màu bổ túc bằng nhau, đậm nhạt bằng nhau, vuông tròn bằng nhau. Tương phản mạnh như giấy trắng mức đen, nhìn vào thấy tách biệt rõ ràng, tuy nhiên vẫn có chừng mực, nếu quá giới hạn đó thì hiệu quả lại giảm, độ rõ không phát huy được, gọi là bị lóa hoặc chối. Để khắc phục tình trạng mãnh liệt của đối chọi, cần gia thêm một yếu tố trung gian, ví dụ nét đen hoặc trắng xen giữa hai mảng màu xung khắc như trong tranh khắc gỗ Đông Hồ.
4. Chuyển hóa:
Tương phản của hai mảng màu nếu chỉ giải quyết ở chỗ giáp ranh sẽ chuyển hóa khắp bề mặt của mỗi mảng không cần bôi kín các mảng. Cứ như vậy cục diện của bức vẽ có thể thay đổi theo hướng chủ động của tác giả.
Bốn yếu tố trên chính là quy luật giải quyết các mâu thuẫn. Thực tế trong mỗi bức tranh khó mà tách bạch các quy luật nói trên ra từng khu vực để diễn đạt. Ở đây nói “tách bạch” như vậy chỉ để phân biệt các cấp độ từ đơn giản cho đến phức tạp, từ mờ ảo cho đến rõ ràng, từ yếu cho tới mạnh, chính là từ đồng điệu đến tương phản rồi chuyển hóa. Thông qua một số tác phẩm hội họa, phân tích để chứng minh 4 quy luật trên (đồng điệu – hài hòa – tương phản – chuyển hóa).
Tranh “Chân dung tự họa” của Van Gogh
Nếu ta tách bỏ các nét viền đậm chỉ còn mảng xếp liền nhau, các màu dương như chênh nhau rất ít, thậm chí như chìm vào nhau. Sắc độ đồng điệu. Trước thời điểm có những khám phá vĩ đại của Monet về màu sắc, bản thân Monet và các họa sỹ Ấn tượng đều vẽ đơn sắc. Có nghĩa là mặc dù vẽ bằng màu nhưng họ không để cho các màu sắc tương phản nhau. Các bức tranh chỉ phụ thuộc vào tương phản giữa sáng và tối.
Tranh “Cô gái và sọ người” của Goerge de la Tour
Nếu tách phần ánh sáng tập trung ở giữa thì xung quanh bức tranh toàn một màu đơn sắc. Chân bàn, thân người và các vật dụng xung quanh đều lẫn chìm vào không gian, các màu sắc được pha nhòa lẫn với nhau không có tương phản để tạo hiệu ứng. Hình ảnh ông già, em bé gặm chiếc bánh nhỏ, đôi mắt như hoảng sợ, tiếng đàn của ông già mù như văng vẳng bên tai được thể hiện với màu xanh lam đơn sắc. Picasso đã cho chúng ta cảm thấy sự lạnh lẽo và cô đơn trong tranh “Người già” “Nhạc công guitar già” của Picasso.
Tranh “Nhạc công guitar già” của Picasso
Ở cấp độ hài hòa, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, nguyên lý hài hòa luôn được các nhà nghệ thuật nói chung và họa sỹ nói riêng thể hiện, bởi lẽ nó phù hợp với cảm thức của con người trước hiện thực khách quan. Con người luôn mong muốn và khao khát sự hài hòa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với bức họa của mình, họa sỹ luôn muốn đem đến cho người xem những cảm xúc dễ chịu êm ái, cho dù là đề tài nào đi chăng nữa: một phong cảnh hiền hòa hay một cảnh bạo loạn… Một bản nhạc hay luôn đưa đến cho người nghe những giai điệu thuận tai thậm chí ru ngủ cho dù có lúc đã bùng lên cao trào rồi lắng xuống. Các bức tranh của Vermeer ánh sáng luôn lung linh, chan hòa, tràn khắp không gian và len lỏi vào từng sự vật thậm chí cả trong bóng tối. Ánh sáng và bóng tối chuyển dần, lan tỏa rồi hòa vào nhau, mảng đậm và nhạt dung hòa, màu sắc ấm áp gợi ra một cuộc sống thanh bình yên ả. Trong bức tranh “Cô gái thêu đăng ten” và một số nhân vật trong các bức tranh khác của Vermeer. Nhịp lao động khoan thai, sắc vàng óng ả của chiếc áo cô gái quyện vào với gam ghi tím của nền. Sắc vàng ấy như ẩn như hiện trên nền ghi và sắc ghi cũng hòa với sắc vàng. Cô gái lặng lẽ làm việc trong trạng thái cũng như suy nghĩ ổn định và chăm chú mà không căng thẳng. Nhân vật, nền và các vật dụng cũng rất hiền hòa. Từ đầu tóc đến chân tay đều ở tư thế chậm rãi với các đường hướng ngang dọc và màu sắc có tương phản nhưng hài hòa cân xứng. Sự hài hòa vàng – lam trong bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan, không khí mùa thu trong sáng, gần gũi. Bức tranh như một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu nước Nga làm xao xuyến lay động người xem.
Tranh vẽ “Mùa thu vàng” của Levitan
Bức tranh “Bài học giải phẫu của bác sỹ Tulp” của RemBrandt
Ở cấp độ tương phản sự thay đổi về cảm xúc rất mạnh mẽ về cường độ cũng như âm hưởng, nó dễ thực hiện cho một sự bứt phá tạo ra một không gian mới. Bức tranh “Bài học giải phẫu của bác sỹ Tulp” của RemBrandt, ánh sáng và bóng tối tương phản mạnh, tập trung, cái xác cứng đờ trong một thứ ánh sáng sắc nét tạo ra vẻ khô cứng, sự sống tắt lặng cùng với những ánh sáng mạnh nhấp nhô trên tuyến nhân vật. Các khuôn mặt đang chăm chú tò mò, ngạc nhiên, thậm chí bàng hoàng trước cái xác không còn khả năng vận động. Mọi suy nghĩ đang muốn dồn về với nhiều băn khoăn đang hiện trước mắt họ. Những nhịp sáng trên đầu của tuyến nhân vật chuyển động có nhịp điệu tương phản với thế nằm ngang tĩnh tại, bất động của cái xác. Ánh sáng trắng chói lọi đối lập với cái tối rất đậm và mạnh của vị giáo sư đáng kính. Không khí tập trung khá căng thẳng theo dõi những điều chỉ dẫn và hành động của đôi tay. Hơn nữa người thầy là một mảng đậm mạnh lẫn trong một không gian tối đồng điệu cùng với cột nhà thẳng đứng và thế nằm ngang của cái xác tạo sự tĩnh lặng, không gian tràn đầy sự học vấn, những phát minh đang còn trong tiềm thức. Tác phẩm đã thể hiện cái tương phản căng thẳng giữa cái chết và sự sống, giữa sự huyền bí với cái phát lộ của khoa học. Bức tranh của RemBrandt rõ ràng khác với tranh của Vermeer ở không gian chan hòa và không gian tập trung căng thẳng. Tác phẩm nhấn mạnh những diễn biến của suy tư, của dòng chảy liên tưởng mà điều này khó có thể nói ra bằng lời, bằng thơ, bằng văn xuôi hay âm nhạc. Nó chỉ có thể được tạo ra từ những phản ứng gây xúc cảm mạnh của các phương tiện, đó là sự tương phản, sự hài hòa… Ngoài đường chéo ở góc tranh là chiếc ghế cũng muốn khẳng định thêm sự căng thằng trong buổi học trên, đồng thời muốn chốt lại không gian để đưa bố cục về đúng quỹ đạo. Bài học không bị dàn trải, lan man. Cuối cùng bức tranh cũng giải quyết được sự thống nhất, hài hòa nhịp điệu của hình của của ánh sáng. Do vậy, một sự đối lập đưa đến căng thẳng chính là biện pháp giải quyết của hội họa mang tính đặc thù. Tạo ra tương phản tức là cường điệu để nói rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, để thấu hiểu sự sống và cái chết. Tính thống nhất chính là trí tuệ được biểu hiện bằng sự rực sáng.
Tác phẩm “Angélique và The Hermite” của Peter Paul Rubens
Là sự tương phản giữa hai thái cực gần xa, sáng tối giữa sức sống căng tròn của tuổi trẻ với tuổi già xế chiều yếu ớt. Không gian trong tranh thanh bình yên ả. Người phụ nữ đẹp say sưa trong giấc ngủ của tuổi thanh xuân, phô bày sự khỏe mạnh, cơ thể nõn nà, toàn thân toát lên vẻ đẹp nữ tính, một tác phẩm hoàn thiện của tạo hóa. Những sắc màu được chuyển tinh tế để diễn tả cái óng ả và mịn màng của màu da phụ nữ đối lập màu tím đỏ của nhân vật ông già như hòa vào sắc lục trầm làm tăng thêm màu sắc của tuổi thanh xuân.
Trong thời kỳ cổ điển với một nguyên lý tương đối thống nhất, thường được dùng về độ tương phản sáng tối. Các họa sỹ cổ điển có một quan điểm chung là dùng ít màu, nhưng với số lượng đó người ta đủ nói lên những gì họ muốn diễn tả, tạo được những tương phản, cách giải quyết của họ là dùng màu trắng để gia giảm những chỗ sáng, dùng màu đen để gia giảm những chỗ tối như tranh “Người bán nước” của Veslasquez. Họa sỹ cho ta thấy cái đẹp khiêm tốn hàng ngày. Trong một khu chợ khuất trong bóng râm, một tia sáng vương vất trên các đồ vật ở chỗ này chỗ kia, như một đèn chiếu nhỏ soi sáng, một vài góc cạnh nhưng để những chỗ khác có bóng tối. Sức mạnh của tác dụng bóng và ánh sáng trông thấy rõ trên bề mặt của tác phẩm.
Nói đến tương phản màu sắc là nói đến trường phái Dã thú, và chỉ đến Dã thú, màu sắc như đột biến, mạnh mẽ tuôn trào gay gắt hơn… Những con thú mê đắm và đẹp ghê gớm của cánh rừng hoang dại đầy bí ẩn đánh thức khả năng say mồi phấn khích bởi những cơn cuồng nộ. Các họa sỹ Dã thú muôn vượt qua rào cản chuồng cũi, phá bỏ sự chiều theo thói quen và những định kiến cố hữu. Vlamick tự bạch về bản chất trường phái Dã thú “Nếu không có năng khiếu hội họa sáng tạo, cống hiến hẳn tôi đã trở nên thảm hại, cái mà tôi chỉ có thể nói lên trong một bối cảnh xã hội bằng việc tung ra những trái bom thì việc đó đưa tôi lên đoạn đầu đài, tôi thử nói lên trong nghệ thuật của mình bằng việc dùng màu nguyên chất lấy ngay từ ống tuýp ra. Như vậy tôi có thể sử dụng những bản năng dữ dội của mình để tái tạo ra một thế giới cảm quan sống động và tự do”.
Tác phẩm “Âm nhạc” của Matissee
Cặp màu lơ – đỏ cạnh nhau tương phản mạnh, chói chang thể hiện được “niềm vui cuộc sống” đúng như tuyên ngôn của họa sỹ. Nhưng màu sắc nguyên bản không pha trộn bởi tự nhiên hay thị kiến chiếm lĩnh vị trí tồn tại duy nhất trên bức tranh, nó như là bữa tiệc của màu sắc. Tuy chỉ nhấn mạnh đến tương phản nhưng những quy luật điều hòa, đồng điệu và hài hòa luôn là chỗ dựa cho sự tương phản và ngược lại chế hóa nhau, làm dịu đi hoặc nêu bật nội dung mà tác phẩm muốn nói. Ba quy luật đồng thời được thể hiện trong toàn bộ bức tranh là những quy luật rất cần thiết một phần để bố trí cho quá trình giải quyết những tranh chấp để đến thống nhất hài hòa.
Dưới đây là phân tích về phương pháp giải quyết tính thống nhất. Định luật của sự tương phản, đồng thời cũng là định luật của sự tương quan. Nó giúp ta phân biệt được các vật thể trong không gian, được quy theo nhóm, theo mặt phẳng hay theo khối. Mà mặt phẳng và khối hoàn toàn được bố cục và sắp xếp theo định luật và trật tự của các định luật thị giác. Các họa sỹ cần phải khai thác và làm chủ nguyên lý tương phản trong sáng tác. Trong tất cả các hình thức mà người họa sỹ dùng để tôn vinh nét đặc trưng của chủ thể trong tranh. Ta thấy bằng cách so sánh hay tạo ra sự đối lập thì chủ thể mới bộc lộ được nét đặc trưng của mình hoặc diễn đạt được một cách rõ nhất. Nhưng tương phản của nghệ thuật chỉ tạo thành tác phẩm thành công khi ta áp dụng những nguyên tắc về sự thống nhất và biến hóa, cân bằng và ổn định. Tuy tương phản là một đặc tính của nghệ thuật hiện đại nhưng trong nghệ thuật sự hài hòa các yếu tố tạo thành sự thống nhất. Nếu nhìn ở ngoài khách quan ta thấy màu đỏ tươi, khi nhắm mắt ta lại thấy màu đỏ ấy biến thành màu lục nhạt. Nếu nhìn ở khách quan là sự tương phản đen trắng mạnh, khi nhắm mắt lại ta thấy nó hòa với nhau và làm trường độ trong mắt sáng lên một cấp độ trung hòa.
Vì vậy:
* Tương phản nhưng có phần chính và phần phụ: ví dụ Hình (a) và (b)
Ở hình (a) ta thấy vòng tròn và hình vuông có kích thước tương đương, có khác nhau về hình nhưng không chênh lệch về tỷ lệ sẽ không có sự so đối chênh lệch phân biệt để tôn nhau. Trường hợp này là đối nghịch không đem lại hiệu quả thị giác khiến khó chịu. Tương phản làm cho tác phẩm gây ấn tượng và sống động phải ở mức độ nào thích ứng với cảm nhận thị giác của con người tạo ra sự hài hòa thích thú, đưa tôn nhau bởi chính phụ, cũng như tâm lý của con người muốn có sự phân biệt thứ bậc cao thấp trên dưới v.v… Để an lòng tâm trí đó chính là thuộc tính, cũng như bản chất của con người vậy.
Ta có những tương phản như: hình tròn sẽ làm tăng giá trị hình vuông, đường ngoằn nghoèo sẽ làm nổi bật đường thẳng, các đường cong điều hào sẽ là quý hiếm, nếu nó được các hình góc cạnh bao quanh hoặc ngược lại. Chất trơn sẽ làm tăng giá trị cho chất sần sùi, chất thô ráp sẽ làm tăng giá trị của chất nhẵn mịn.
5. Tương phản về tính chất nhưng hài hòa về tỷ lệ:
Nắm được sự biến hóa, độ tương phản mạnh yếu sẽ giúp cho việc xử lý những bộ phận phức tạp cho bức tranh và cũng giúp cho việc điều tiết nhưng yếu tố tạo hình trên mặt tranh, có thể cho cứng nhắc thành nhu hòa, mơ hồ thành sáng sủa.
Với tổ hợp nét có mật độ dày đặc và phức tạp, những đường nét đan xen nhau, thay đổi liên tục về chiều hướng không tạo được khoảng trống để nghỉ mắt trên mặt phẳng hai chiều. Như vậy không có sự so đối giữa hình và nền, giữa thưa và mau, sẽ tạo ra sự rối loạn khó chịu, căng thẳng. Chính vì vậy nhờ biến động của mật độ và tương phản mà nghệ thuật hội họa truyền thống Trung hoa được mệnh danh là nghệ thuật bỏ trống. Như tranh minh họa của John Austin trên Bờ hồ Roman u tịch mỹ lệ, hai tiên nữ đnag chồm những đóa hoa. Cành cây hoa lá rậm rạp đan giao nhau dệt thành sắc xám tôn nổi hai tiên nữa trắng ngần. Cả bức tranh là nhu hòa ấm áp, hình như rừng cây, hồ nước cũng chẳng có chút gì lạnh lẽo. Thế nhưng nếu tranh không chừa lại mộ khoảng không gian thoáng để thở nhìn lâu sẽ bị mỏi mắt. Do vậy hãy nhìn lại hình minh họa (b) ta thấy hình vuông lớn, hình tròn nhỏ hoặc hình tròn lớn hình vuông nhỏ nội tiếp cho thấy sự thuận mắt với một tỷ lệ chênh lệch trong giới hạn của các cấp độ cho phép tùy vào sự cảm nhận, cá tính của họa sỹ cũng như ý đồ của tác phẩm đặt ra trước những vấn đề của cuộc sống và xã hội. Từ rất sớm trong hội họa đã có quy luật tương phản phù hợp với trạng thái tâm sinh lý của con người trước tự nhiên. Mặc nhiên cảm thức cảu con người đã tiếp nhận sự bừng tỉnh và hoạt động của buổi bình minh, tắt dần rồi nghri ngơi của buổi hoàng hôn.
Nguyên lý thuyền và nước, đó chính là vẻ đẹp của sự kết hợp giữa nước và thuyền. Nước thì mềm mại, uyển chuyển, vận động tôn nổi con thuyền thì cứng chắc, thô ráp, nặng nề và tĩnh. Vẻ đẹp đó đã được mô tả trong bài thơ “Thuyền và Biển” của Xuân Quỳnh, quan hệ giữa thuyền và biển là quan hệ tình yêu. Biển tượng trưng cho người con gái, thuyền tượng trưng cho người con trai, quan hệ gắn bó thân thiết. Tuy nhiên có lúc biển nổi sóng để xô thuyền cũng như tình yêu có lúc va chạm. Nhưng rồi cuối cùng vẫn là tình yêu hạnh phúc, có va chạm, có xô xát, mâu thuẫn đến cao trào mới biết “Chỉ có thuyền mới hiểu… đi đâu về đâu”. Sự năng động của nước đã làm cho con thuyền rẽ sóng ra khơi giúp cho con người có cuộc sống, tồn tại phá triển. Tương phản về chất này là sự tương phản nảy sinh giữa hai loại vật thể, cả hai tuy mâu thuẫn nhưng lại chứng thực đặc trưng của nhau, tương phản dạng thức sóng cong thuyền thẳng, cũng đồng thời là tương phản trạng thái giữa động và tĩnh. Con thuyền ra khơi, lướt trên sóng lúc êm dịu, lúc nâng lên rồi lại hạ xuống nhịp nhàng đủ để cho sự thăng bằng, cho nhịp sống hài hòa. Có lúc sóng to gió lớn, đầy thách thức, mạo hiểm nhưng nhiều hy vọng. Đó là một trạng thái cân bằng tâm lý, đứng ở góc nhìn tạo hình thấy được sự chuyển động, một không khí phấn khởi tươi vui, bức tranh tràn đầy sức sống, con người như muốn căng ra gồng lên trước những đợt sóng và mẻ lưới đầy ắp cá… Tất cả tùy theo từng cấp độ lớn nhỏ mà đem lại những cảm xúc khác nhau trong trạng thái cân bằng hài hòa phù hợp với nhu cầu của cuộc sống cũng như sự thuận mắt gây cảm xúc thẩm mỹ trong tác phẩm hội họa.
>>> Màu sắc và hình thể trong tranh sơn dầu (75-95)
>>> Biến dạng về hình thể trong hội họa
>>> Hình thể không gian trong thiết kế tạo hình