Biến dạng hình thể trong hội họa
Lịch sử nhân loại phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nghệ thuật tạo hình là một loại nghệ thuật ra đời sớm và có một ý nghĩa không nhỏ là để lại dấu vết sự phát triển của từng giai đoạn lịch sử. Nghệ thuật là sự phản ánh trung thực cuộc sống ở tất cả các góc độ, người nghệ sĩ phải trăn trở làm sao không chỉ ghi được hình ảnh, diện mạo bên ngoài mà phải lột tả được tâm hồn, suy nghĩ, sự vận động, cuộc sống bên trong của sự vật.
Biến dạng hình thể là một trong những thủ pháp sáng tạo độc đáo của nghệ thuật tạo hình, nó đem lại cho con người sự thưởng thức nghệ thuật không phải theo các ảnh thị giác thông thường mà là một cảm giác mới mẻ. Sự hiện hữu của đối tượng rất khác thường, nó không giống thực nhưng lại thực hơn tất cả những cái ta nhìn thấy. Những tác phẩm biến dạng hình thể thực sự đã gây cho người thưởng thức một ấn tượng mạnh mẽ về cái đẹp độc đáo, riêng biệt, nội dung mang tính thời đại và đi kèm với những hình thức mới, tất cả hòa quyện lại đem đến cho người xem một sự ngưỡng mộ và tìm tòi.
Mỗi dân tộc khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, mỗi người họa sỹ đều có một hình thức phản ánh trong tác phẩm rất khác nhau. Họ luôn tìm tòi cách thể hiện, làm sao để diễn tả nội dung hiệu quả nhất bằng một hình thức phù hợp nhất. Vì vậy biến dạng hình thể rất đa dạng và nó cũng là một thủ pháp hữu hiệu trong tạo hình.
Từ nguồn gốc đến khái niệm của biến dạng hình thể:
Hêraclit- Nhà triết học cổ Hy Lạp có nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, điều đó cho thấy rằng mọi sự vật và hiện tượng luôn vận động và biến đổi không ngừng, chuyển động là biểu hiện sự sống của vạn vật. Khi chiêm ngưỡng một đối tượng, người vẽ đã cảm nhận ở một góc độ nào đó theo cảm xúc của mình, sự phát hiện không chỉ dừng lại ở diện mạo đơn thuần bên ngoài mà còn diễn tả cái động bên trong của đối tượng; con vật đang làm gì: đói bụng, ăn, chạy…Con người đang suy nghĩ gì? Ước mơ gì?... Đó là điều không dễ thể hiện nếu chỉ mô phỏng đơn thuần cho giống với đối tượng, vì vậy nên họ phải: ghi nhận đối tượng, chuyển thể sự vật từ không gian ba chiều sang mặt phẳng hai chiều, dùng chất liệu hội họa để diễn tả mọi chất liệu của sự vật có trong thiên nhiên, sự sống động đang diễn ra trong bản thân của sự vật, và họ phải thể hiện được tất cả những suy nghĩ, cảm xúc của mình để gửi gắm vào đó. Thể hiện như thế nào- đó là một việc khó.
Sự tìm tòi sáng tạo là bản chất nằm sâu trong tầng vô thức của người nghệ sỹ. Mỗi họa sỹ có một cách thể hiện riêng biệt, mỗi thời đại lại có một xu hướng, trào lưu khác nhau về cách thể hiện, biến dạng hình thể- một thủ pháp trong nghệ thuật tạo hình đã ra đời như vậy. Nó phản ánh ước mơ cuộc sống, phản ánh bản chất vận động từ thấp đến cao…cái bên trong của sự vật hiện tượng. Biến dạng hình thể không phải là một biện pháp duy nhất nhưng lại là một thủ pháp hữu hiệu trong nghệ thuật tạo hình.
Có nhiều quan niệm, ý kiến khác nhau về phép vẽ biến dạng; xuất phát từ những góc nhìn, những bình diện và cách tiếp cận khác nhau về vấn đề. Rất khó có một khái niệm biến dạng hình thể mang tính đơn nghĩa. Câu hỏi biến dạng hình thể luôn được đặt ra cho cả người vẽ và những nhà nghiên cứu lý luận mỹ thuật tìm hiểu.
Theo từ điển thuật ngữ mỹ thuật phổ thông, thì hình dáng (hoặc hình thể) được dùng để chỉ một vật, đường nét hay mảng màu tương đương với dáng vẻ cấu trúc của vật đó trên tranh hoặc tượng. Thuật ngữ “hình dáng” còn được dùng để chỉ hình thức của vật thể, đường nét hay mảng màu, hình khối trong không gian hoặc trong tranh, tượng. Theo từ điển Việt Nam thì nghĩa của biến hình là sự thay đổi về hình dáng. Ở đây cũng có thể hiểu nghĩa của biến dạng hình thể là được căng ra, vặn lại, phóng to…hay nói cách khác là bóp méo hình dạng bình thường của vật. Biến dạng kết hợp với biến cải của màu sắc, ánh sáng, tăng cường tương phản giữa sáng, tối…
Ở góc độ hội họa, biến dạng hình thể được coi là tạo trên mặt tranh những hình vẽ đã được biến thể. Đối tượng được thể hiện không theo ảnh thị giác thông thường mà nó được thể hiện dưới nhiều hình thức như đơn giản hóa, cách điệu hóa, ước lệ hóa, trừu tượng hóa, thậm xưng, châm biếm, hoạt kê, cường điệu, bóp méo…
Tóm lại, biến dạng hình thể là một thủ pháp hữu hiệu và là biểu hiện của tính sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình.
Các kiểu thức biến dạng hình thể:
Kiểu thức đơn giản hóa:
Đây là kiểu thức vẽ giản lược, tự nhiên ở dạng thức đơn giản hóa, kiểu thức này giữ lấy nét đặc trưng lớn mà không câu nệ chi tiết nhỏ, chú trọng hình thức ý tưởng mà không câu nệ bộ mặt tự nhiên, thường thể hiện rõ nhất ở giai đoạn sơ khai, khởi đầu của mỹ thuật. Tác phẩm điển hình cho phong cách này là dấu tích chạm khắc trên vách hang động của mỹ thuật nguyên thủy như tranh “Sahara”, tranh dân gian làng Sình của Việt Nam, tranh trẻ em. Hình thức này hoàn toàn phù hợp với quy luật sự phát triển tự nhiên của con người, sự phát triển của tri thức, nhận thức hội họa ở giai đoạn sơ khởi, nhưng hiệu quả lại khá độc đáo là đơn giản nhưng không sơ sài mà hết sức cô đọng, tượng trưng, khái quát cao.
Kiểu thức quy chuẩn hóa:
Văn minh Ai Cập với kim tự tháp khổng lồ. Do tính chất phong bế về địa lý làm cho nền mỹ thuật Ai Cập lạ lùng, độc đáo và riêng biệt. Đứng trước các bức chạm nổi của Ai Cập xưa, ta ngạc nhiên trước một kiểu vẽ người hết sức độc đáo. Đây là phương pháp vẽ biến dạng hình thể được quy chuẩn hóa, mặt nhân vật nhìn nghiêng, con mắt thì chính diện trên khuôn mặt đó, ngực đối diện với người xem, hai chân lại xoay ngang. Chuẩn thức gây hiệu quả lạ nhưng vẫn thuận mắt, nó tạo ra sự động trong thế tĩnh.
Kiểu thức cường điệu hóa:
Họa sỹ El Greco vẽ người kéo dài ra, đưa những hình ảnh thánh cao vút lên tận bầu trời như những thiên thần, chúng ta thấy rõ nhất ở bức “Thánh Martin và người ăn mày”. Trái ngược với Greco thì họa sỹ Fernando Botero lại ấn lùn và thổi phồng người như bong bóng, tạo ra hiệu quả hết sức dí dỏm nhưng rất mặn mà. Kiểu thức này cho thấy rõ nội dung tư tưởng quy định hình thức thể hiện.
Bức tranh "Thánh Martin và người ăn mày"
Kiểu thức ước lệ hóa:
Kiểu thức tạo ra sự lạ mắt bằng cách giữ nguyên hình, nhưng thay đổi tương quan, kích thước, tỉ lệ, tạo ra một trật tự khác. Trong các tác phẩm mỹ thuật Ai Cập cổ đại, để ca tụng công đức và uy quyền các vị vua nên hình ảnh các vị vua bao giờ cũng được vẽ chính giữa và to nhất bức tranh, tỉ lệ hình thu nhỏ dần theo các thứ bậc địa vị trong xã hội. Tranh dân gian Việt Nam cũng có hình thức thể hiện như thế, điển hình ở bức “Chân dung của Lý Nam Đế và Hoàng hậu”, “Bà Chúa thượng ngàn”, “Ông Hoàng Ba”… Trong các tác phẩm, thể hiện bằng phương pháp trực giác chứ không trực họa, cường điệu cao, diễn đạt hình mảng bẹt, có vẻ giản đơn nhưng khiến cho người xem một cảm giác thú vị về tính biểu đạt của nó.
Bức tranh "Chân dung của Lý Nam Đế"
Bức "Bà chúa thượng ngàn"
Kiểu thức nhấn mạnh những đặc điểm cần thiết:
Một số họa sỹ có cách xây dựng hình tượng cơ bản mang tỉ lệ thực, song được cải biến cục bộ một số bộ phận, để nhấn mạnh những đặc điểm cần thiết. Họa sỹ Amedeo Clemente Modigliani luôn thích vẽ phụ nữ có một phần thân thể kéo dài hơn tỉ lệ để tạo sự thanh thoát. Họa sỹ Paul Gauguin thì luôn tăng thêm bề dày của tay, vai để diễn tả sự mập chắc của con người sống ở nơi thiên nhiên hoang dã, sơ khai.
Kiểu thức biến dạng hình thể khác lạ hoàn toàn:
Không chỉ dừng lại ở những mức độ trên, nghệ thuật hiện đại phương Tây với rất nhiều kiểu biến dạng hình thể đã tạo ra sự khác lạ hoàn toàn trên tranh so với các chuẩn sẵn có trong tự nhiên.
Kiểu thức trừu tượng hóa: Họa sỹ Wassily Kandinsky đưa ra một loạt ký hiệu và ngôn ngữ tạo hình mới. Ông đưa ra ba loại trừu tượng: Cảm hứng, ngẫu hứng đột phát, bố cục. Trong đó cảm hứng và ngẫu hứng đột phát được xây dựng từ những hình cụ thể bị biến dạng đến mức không còn nhận ra được nữa. Còn các yếu tố nét, màu, hình tự nó đã có ngữ nghĩa, đã hình thành bố cục rồi.
Kiểu thức lập thể hóa:
Hội họa lập thể hóa là sự đơn giản hóa tột độ về hình, chỉ giữ lại khối, góc cạnh, người xem cảm đoán hết sức mơ hồ về hình, người, cảnh vật…tất cả được quy vào hình, khối, sơ đồ, hình kỷ hà. Hình nền được giải thể làm cho không gian trong tranh bị đảo lộn nhiều chiều, các bộ phận bị tách rời, kết hợp lại với nhiều chiều nhìn khác nhau, điển hình là bức “Đàn ghi ta”, “Guernica” của Pablo Picasso.
Bức tranh "Đàn ghi ta"
Kiểu thức có tính chất chuyển động:
Tốc độ, sức mạnh, năng lượng là bản chất của thời đại công nghiệp. Hội họa vị lai với chủ trương thể hiện sự bùng nổ, sự chuyển động gấp gáp, sự bứt phá… điển hình ở bức “Đánh cờ”, “Khỏa thân bước xuống cầu thang” của Marcel Duchamp.
Bức "Khỏa thân bước xuống cầu thang"
Kiểu thức liên quan tới vô thức:
Điển hình cho phong cách này là Salvador Dali, cách tạo hình với tỉ lệ khác thường, mô típ gán ghép kỳ lạ, chi tiết tượng trưng nhưng lại thực đến mức khó tin nhằm diễn tả những tầng sâu trong vô thức, ở bức “Sự dai dẳng của kí ức” cho ta thấy rõ điều này.
Bức "Sự dai dẳng của ký ức"
Kiểu thức châm biếm, thậm xưng:
Một nhóm họa sỹ Đức vẽ theo kiểu biến dạng hình thể đến mức thậm xưng để diễn tả sự thật rất sâu ở bản chất của con người bộc lộ ra hình, sự biểu hiện nội tâm ở trạng thái cao độ đến cực điểm như sự tàn ác, sự kệch cỡm, xa hoa, sự quằn quại của những kiếp người lầm than khốn cùng…Tác phẩm “Đêm” của họa sỹ Beckmann cho thấy rõ điều này.
Một số kiểu thức biến dạng khác:
Biến dạng méo hình: Là sự biến dạng không thay đổi kết cấu vốn có mà chỉ thay đổi lượng do tọa độ. Sự kéo dài hoặc ép ngắn tọa độ tương đương với sự co giãn không gian, biến dạng này có thể gọi là biến chiều. Tác phẩm nổi tiếng của họa sỹ Otakami thiết kế là: “Cười mỉm của 37180 con chữ”. Ông đã dùng bức tranh nổi tiếng Nàng Mona Lida của Leonardo da Vinci làm méo hình bằng máy tính.
Biến dạng động lợi dụng bóng ngả tự nhiên, không gian một chính một phản, tốc độ chuyển động cao, hoặc giống như hình thể chữ viết bị run, thêm vào một số xử lý mới khiến cho đối tượng như tĩnh mà thành động.
Trong bước đường sáng tạo tìm tòi cái mới để thay thế thói quen thị giác thông thường, các họa sỹ phải chọn một hoặc nhiều phương cách thể hiện. Biến dạng hình thể rất đa dạng, nhiều kiểu thức phong phú. Có thể nó gây cảm giác không bình thường vì đối tượng mô tả quá khác thường, nhưng hiệu quả đem lại là sự hấp dẫn, khác lạ, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Kiểu thức biến dạng hình thể có liên quan đến nội dung tư tưởng:
Biến dạng hình thể - một thủ pháp hữu hiệu trong nghệ thuật tạo hình, nhằm phản ánh thực chất tư tưởng con người mỗi thời đại qua các hình tượng, phản ánh những ước mơ của con người, những quan điểm về lý tưởng một cái đẹp chuẩn mực. Vì vậy biến dạng hình thể phản ánh rõ nét cái tôi của họa sỹ, nó mang tính thời sự, tính lịch sử, về cái đẹp điển hình, có thể thấy rõ qua một số tác phẩm.
Tác phẩm “Guernica” của Pablo Picasso là tiếng thét căm thù chiến tranh nhân loại. Thảm họa chiến tranh được thể hiện trên những khuôn mặt căm hờn, hình tượng người với thân thể gãy rời từng bộ phận, không gian hỗn độn…
Tác phẩm “Khỏa thân bước xuống cầu thang” của họa sỹ Marcel Duchamp thể hiện rõ nội dung với hình ảnh tượng trưng cao, nó như một lời cảnh báo bằng hình ảnh. Ông dùng hình tượng cỗ máy để chỉ con người trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh, cỗ máy này có thể bị cuốn trôi trong guồng quay sôi động, có thể biến thành vật vô tri, vô giác bởi sự vật chất hóa của bề trái cuộc sống công nghiệp.
Tác phẩm “Khỏa thân lớn” của Họa sỹ Amedeo Clemente Modigliani, diễn tả một phần thân thể kéo dài, tạo sự tao nhã hơn mức bình thường, những tác phẩm nổi rõ cái đẹp của sự giản dị, không cầu kỳ mà hết sức trong sáng của tâm hồn…
Gíá trị của biến dạng hình thể:
- Tạo ra cái đẹp độc đáo, đa dạng, thể hiện ở các mặt:
- Tạo hiệu quả rõ rệt về nội dung của tác phẩm, thể hiện qua sự tìm tòi, chắt lọc được hình ảnh điển hình để xây dựng hình tượng.
- Tạo ra phong cách nghệ thuật cá nhân hết sức độc đáo và đa dạng. Ở trong mỗi thời đoạn lịch sử, phong cách cá nhân có ảnh hưởng đến phong cách thời đại.
- Tạo ra hiệu quả thị giác mới, gây ấn tượng mạnh về sự chuyển động không gian, thời gian trên bề mặt phẳng tranh.
Lịch sử mỹ thuật cho chúng ta thấy vai trò to lớn của biến dạng hình thể, qua nhiều kiểu thức, nhiều trường phái, nhiều phong cách vô cùng đa dạng và phong phú. Nó là một thủ pháp hữu hiệu trong tạo hình gây ấn tượng về thị giác, tác động sâu vào tâm hồn người thưởng thức bởi cách chọn lọc hình tượng đặc sắc, phản ánh rõ nét nội dung chủ đề, đó là quan điểm về chuẩn mực cái đẹp trong tiềm thức con người, trong lý tưởng thời đại vươn tới.
Biến dạng hình thể là cái cầu nối giúp người học từ căn bản vững bước sang con đường sáng tạo. Ở Việt Nam các hình thức vẽ biến dạng đã ra đời rất sớm, hình thành nhiều phong cách. Với những người đang học mỹ thuật thì việc học tập kỹ năng, bút pháp, phong cách xây dựng hình tượng luôn là điều mà họ hướng tới. Tác phẩm vẽ theo cách biến dạng hình thể luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những sáng tác mới, là những gợi ý về bút pháp thể hiện, cách xây dựng hình tượng điển hình…Biến dạng hình thể luôn hướng ta đến một chân trời mới, dẫn chúng ta đến sự tìm tòi, sáng tạo và làm việc nghiêm túc để đạt được điều mình yêu thích.