Cấu trúc của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách
1. Cấu trúc nét:
Tác giả Nguyễn Quân khi định nghĩa về nét có viết: “Nét là quỹ đạo của một điểm trong không gian”. Như vậy dù không đo đếm nhưng mặc định trong ký ức thị giác của chúng ta là nét có chiều rộng rất nhỏ so với chiều dài. Khi bề dày của nét tăng lên sẽ mang lại nhiều thụ cảm khác nhau. Từ khi con người biết chuyển những ý tưởng thẩm mỹ thành các biểu hiện tạo hình thì nét là một phương tiện chủ yếu, hữu hiệu để chuyển tải mọi ý tưởng thẩm mỹ đó. Có thể thấy hiện diện kiểu kỷ hà của chúng trên mặt trống Đông Sơn. Sự đơn giản trong diễn họa từ những con bò rừng ở hang Lascaux, Altamira (Tây Ban Nha). Sự tinh tỉ mỉ đến kinh ngạc trong các tác phẩm khắc kim loại của Albrecht Dürer (1471-1528) hoặc đầy tính biểu tượng dưới bàn tay danh họa nổi tiếng Picasso (1881-1973) trong Chim hòa bình. Ngay cả các họa sỹ đại diện cho trường phái hội họa Phi hình như Jackson Paullock (1912-1956) hay Trừu tượng như Wassily Kandinsky (1866-1944) cũng đã có có thời kỳ dùng nét là yếu tố chủ đạo để truyền tải những thông điệp mang nhiều ý nghĩa thị giác. Trong lĩnh vực thiết kế, đã có lúc nét mang lại sự đặc trưng cho cả một dòng nghệ thuật, được biết tới với cái tên Nghệ thuật mới (Art Nouveau). Ngoài ra có thể gặp nét diễn hình, gợi tả trong hội họa Cổ điển. Nét tức thời ngẫu hứng của hội họa Ấn tượng. Nét trang trí, mô phỏng, nét cấu tạo, nét trong kiến trúc, nét kỷ hà hay uốn lượn… đã được các họa sỹ tận dụng để mở ra một thế giới mới có thể loại và ngôn ngữ riêng. “Chỉ thuần nét không thôi có thể diễn tả được hầu hết các trạng thái của ánh sáng và bóng tối, mưa gió, sương mù, tuyết rơi hay những đồ vật trong suốt, thậm chí vẽ dược cả âm thanh”. Trong nghệ thuật chữ nét bao gồm các nét cơ bản tạo nên kiểu dáng hay nét phụ, nét trang trí… làm đẹp thêm cho chữ.
Trước đây khi các chữ trên bìa được vẽ bằng phương pháp thủ công để in mộc bản, in Typo hoặc kỹ thuật Monophoto, Linophoto điều dễ hiệu nhận thấy ở độ mỏng của các nét là có giới hạn. Chữ thời kỳ này chỉ có khoảng hai cỡ nét, thường chênh nhau không nhiều. Các nét cong nhỏ chồng đè lên nhau hoặc uốn lượn tinh vi hầu như không xuất hiện. Trong bìa Chuyện nỏ thần, Nxb Kim Đồng (1984) các nét trang trí trên thân chữ nỏ thần thoạt trông khá chi tiết nhưng kém về độ sắc sảo và tỉ mỉ. Cỡ nét chỉ có nét vừa và nét thanh.
Chuyện nỏ thần – Nxb Kim Đồng (1984)
Đối với nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách ở Việt Nam, nét được các họa sĩ thiết kế sử dụng và khai thác khá nhiều trong giai đoạn 2005 – 2015. Ở giai đoạn này hầu hết chữ được vẽ và xử lý bằng phần mềm đồ họa nên chúng rất uyển chuyển, sắc sảo, tự nhiên. Thể hiện ở các đặc điểm nhận dạng sau:
Chữ được thiết kế với nét trang trí, nét mỏng, nhỏ nhưng rất rõ, tinh vi và chi tiết.
Nét trang trí là nét thêm vào có tác dụng làm đẹp, tăng tính biểu hiện của hình. Nếu mất, nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa của hình ảnh gốc. Trong lĩnh vực thiết kế chữ, nét được chia làm hai loại: nét chính và nét phụ. Nét chính là nét quan trọng làm nên hình dạng của ký tự. Nét phụ là nét viết thêm vào nét chính hoặc nối liền nét chính với nhau để chữ có sự hài hòa, cân đối về tạo hình thị giác. Người ta thường biến nét phụ trở thành các nét có tính trang trí để làm cho chữ đẹp hơn. Bìa sách Dế mèn phiêu lưu ký, Nxb Kim Đồng (2004), giải Bìa đẹp năm 2005 có toàn bộ tên sách được viền nét mỏng kể cả tên tác giả. Nét cong màu trắng bao quanh chữ chuyển cong ôm lấy chân chữ D được chuyển từ nét chính thành nét trang trí nhỏ dần từ dày đến mỏng rất tinh tế. Trong Truyện cổ Grim, Nxb Phương Đông (2008), giả Bìa đẹp năm 2009, chữ T được cách điệu với những nét trang trí uốn lượn phức tạp, chồng chéo, tuy nhỏ nhưng rất sắc sảo và rõ nét. Nhờ biến nét phụ thành nét trang trí mà tên sách cảu hai bìa nói trên trông nhẹ nhàng, tăng tính nghệ thuật và biểu cảm.
Dế mèn phiêu lưu ký - Nxb Kim Đồng (2004)
Các họa sĩ thiết kế bìa sách thường hướng sự quan tâm sang việc xử lý từng bộ phận nhỏ như chi tiết đầu, chân, mình, nét chính, phụ, trang trí… Ngoài ra hướng dòng, khoảng trống giữa các ký tự cùng với phong cách tạo hình, phối hợp màu cho chữ… đều là mục tiêu thiết kế. Có thể thấy những chỉ dấu này trên bìa truyện Liên hoa yêu cốt, Nxb Thời đại (2014). Ở chân các chữ L, H, Y và đầu chữ U nét được kéo dài, uốn cong như dạng trang trí cành lá khiến cho nhịp điệu chữ mềm mại, bố cục gắn kết nhờ vào việc khai thác cấu trúc đặc tính tự thân của các nét liên tục và vươn dài.
Liên hoa yêu cốt - Nxb Thời Đại (2014)
Sử dụng nét đứt, nét áo, nét liên tưởng… kết hợp với các quy luật thị giác của nghệ thuật tạo hình để bổ sung thêm thông điệp cho nội dung chữ.
Mảng sách có chủ đề vế thiếu nhi, văn học, nghiên cứu văn hóa lịch sử…là những đối tượng hay được áp dụng cách thiết kế nói trên. Bìa sách Cúng giỗ tổ tiên và Chuyện con mèo dạy hải âu bay, có kết hợp đặc tính của nét trong nghệ thuật chữ với Định luật của đường liên tục. Ở bìa Cúng giỗ tổ tiên, chữ được phỏng theo nét viết tay, cong, ngoằn ngoèo. Chân chữ N (Tiên) có thiết kế phá cách kéo dài nối liền vào đầu cây hương trông như làn khói khiến cho tiêu đề sách và hình ảnh bên dưới liền gắn bó. Chuyện con mèo dạy hải âu bay cũng lấy cảm hứng từ kiểu chữ viết tay, nhưng sử dụng nét chữ trang trí khá mảnh uốn lượn tạo thành đường cong mềm mại liên tục. Mật độ chữ được bố trí hợp lý, với nét chuyển lúc dày lúc mỏng. Nhịp điệu và các độ cong mở lớn, có tính toán khiến cho dòng chữ tuy đảo hướng nhưng không bị rối. Tên sách trông như một sợi dây nối từ mặt đất lên cao, liên kết hình ảnh chim hải âu, con mèo và chữ một cách hài hòa. Áp dụng Định luật của đường liên tục giúp các bộ phận chữ gắn kết, định hướng thị giác thông qua nét. Góp phần phụ trợ cho hình ảnh minh họa khiến nhịp điệu chuyển từ hình sang chữ khá tự nhiên không chia tách.
Cúng giỗ tổ tiên - Nxb Kim Đồng (2014)
Chuyện con mèo dạy hải âu bay - Nxb Hội Nhà văn (2014)
Bìa sách còn khai thác sự đa nghĩa của nét cũng như nét ảo… là những phương án thiết kế mà các giai đoạn trước hầu như không áp dụng. Nếu trước đây họa sỹ chủ yếu quan tâm đến kiểu dáng, tỷ lệ nét chính, nét cơ bản thì bây giờ với kiến thức cùng tư duy mới, các đặc tính tạo hình của nét được họ áp dụng, thử nghiệm và đạt những hiệu quả nhất định.
Nét đa nghĩa là nét có thể được hiểu theo nhiều nghĩa tùy thuộc vào sự liên tưởng thị giác, văn hóa cá nhân, quy ước của cộng đồng hoặc các chuyên ngành. Các hình ảnh tượng trưng hay ẩn dụ sẽ được nhà thiết kế cô đọng trong một vài nét để truyền tải thông tin mang tính khơi mở đem lại sự đa nghĩa nhưng tối giản về tín hiệu. Qua đó người xem có được những liên tưởng thị giác thú vị. Với hình ảnh con chim đè lên trên những đường tròn đồng tâm màu đen nằm ở giữa chữ C và N, bìa cuốn Giết chết con chim nhạn, Nxb Văn học gợi liên tưởng kép về chữ O và hồng tâm của kính ngắm. Qua thủ pháp này ấn tượng về thị giác được nhấn mạnh bổ sung thêm sự hấp dẫn cho nội dung ngữ nghĩa. Tương tự như vậy, trong Tắt đèn kể chuyện ma, Nxb Văn học, những chữ T và thân trên chữ Đ được kéo dài hơn bình thường gợi lên hình ảnh cây thập giá. Nền bìa với chất liệu như làm từ đá có khung viền kết hợp màu đen của chúng khiến nó trông giống một tấm bia trên mộ. Thiết kế đã thành công khi tạo nên không khí ám ảnh, lạnh lẽo, liêu trai rất phù hợp với nội dung ấn phẩm. Không đi vào ý nghĩa hình ảnh của từng nét cụ thể, cuốn Trăm năm trong cõi, Nxb Văn học lại tập trung khai thác sự liên tưởng đến từ cả cụm tiêu đề sách. Với ý đồ cho người xem có cảm nhận về hình ảnh dấu triện ngày xưa nên tên sách được thiết kế màu đỏ cùng nét đầu chữ T, đuôi chữ G bẻ góc, kéo dài kết hợp khéo léo tạo thành khung viền hình chữ nhật. Liên tưởng thị giác từ cụm chữ mang lại cho thấy họa sỹ đã thể hiện khá tốt ý tưởng của mình.
Giết chết con chim nhại - Nxb văn học (2013)
Tắt đèn kể chuyện ma - Nxb Văn Học (2012)
Trăm năm trong cõi - Nxb Văn học (2014)
Khác với các ấn phẩm trên, bìa sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, Cánh trái và Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền lại được các nhà thiết kế xử lý bằng việc áp dụng nét ảo vào trong thành phần của chữ. Nét ảo là những nét không xuất hiện trên hình, mắt ta không nhìn thấy mà vẫn nhận ra nó bằng thói quen và kinh nghiệm thị giác. Trong tên sách của những bìa nói trên, họa sỹ đã mạnh dạn bỏ đi một số nét như: Phần dưới nét nghiêng từ trên cao phía bên trái xuống chữ X (xứ sở) chỉ chừa lại một góc nhỏ; một phần nửa trên nét đứng chữ R (cánh trái) và toàn bộ nửa dưới của chữ MINH (thông minh). Điều này khiến cho hình ảnh quen thuộc của chữ bị thay đổi nhưng do đã có kinh nghiệm nhận diện thị giác nên dù bị thiếu nét ta vẫn có thể đọc và hiểu đúng nội dung ngữ nghĩa.
Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - Nxb Thế giới (2012)
Cánh trái - Nxb Văn Nghệ (2009)
Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền - Nxb Thời Đại (2013)
2. Cấu trúc mảng:
Một nét quét ngang hoặc trải dài theo một hướng sẽ cho chúng ta một mảng (diện). Mảng thường phẳng, diễn tả hai chiều ngang, dọc. Người ta dùng mảng để tạo sự đơn giản và làm nơi nghỉ mắt trong thiết kế. Nghệ thuật chữ chủ yếu hay dùng nét để thể hiện nhưng trong một vài trường hợp mảng cũng được áp dụng để phục vụ ý đồ thiết kế. Mảng trong nghệ thuật chữ chính là kiểu chữ có thiết kế diện tích bề mặt rộng (thường được gọi là chữ nét mập hoặc rất mập). Ngoài ra khi kết hợp nhiều cụm chữ với khoảng cách và sắc độ hợp lý, ta cũng đạt được hiệu quả về mảng chữ.
Ở những bìa sách trước, chữ chỉ được thiết kế là mảng phẳng đơn giản, thường có một màu. Nếu sử dụng từ hai đến ba màu thì ranh giới các mảng bị chia khá rõ ràng và không thể chuyển đổi sắc độ trên bề mặt như chữ Sơn Tây trong Vụ tập kích Sơn Tây. Nếu muốn viền nét ở ngoài mảng chữ thì áp dụng đối với kiểu chữ đơn giản trong kỹ thuật in khắc gỗ. Còn tạo nét ở giữa chữ thì hầu như không có, nếu có thì rất hạn chế vì khắc bản phức tạp. Với kỹ thuật Monophoto, Linophoto như trên bìa sách Gò công xưa và nay (1969), có thể in chữ hai màu (Gò Công) và viền ở các chữ nhỏ (xưa và nay) nhưng nhìn bị nhòe và không rõ nét.
Vụ tập kích Sơn Tây - Nxb Công an Nhân dân (1987)
Nghệ thuật chữ với sự trợ giúp của các phần mềm đồ họa, bề mặt mảng chữ được thể hiện đa dạng và phong phú hơn hẳn trước đây. Được nhận biết ở các đặc điểm sau:
Có thể chồng những mảng chữ có độ đậm nhạt khác biệt lên nhau hay được bẻ cong, uốn lượn theo nhiều hướng (hiệu ứng 3D).
Trong bìa sách Họ trở thành nhân vật của tôi, Nxb Trẻ (2012) giải Bìa đẹp 2013 với gam màu chủ đạo là màu trắng và xám. Bố cục bìa chia làm hai mảng chữ lớn. Mảng 1: Tên các nhà văn. Mảng 2: Tên tác giả cùng tít sách. Mảng tên các nhà văn được thiết kế uốn vặn dựa theo hiệu ứng 3D có tác dụng tạo không gian làm lớp nền cho tên sách và tác giả. Sự kết hợp này khiến cho bìa sách vừa mềm mại vừa chắc chắn. Trông tĩnh nhưng lại động. Dấu sắc của chữ Thái màu đỏ nổi bật trên nền trắng xám, khiến nó có tác dụng như một mốc chốt lại sự trôi nổi của thị giác trên bìa sách, tạo nên điểm nhấn mạnh mẽ cho ấn phẩm.
Họ trở thành nhân vật của tôi - Nxb Trẻ (2012)
Chữ được thiết kế tạo không gian theo phối cảnh của châu Âu.
Nghệ thuật chữ từ 2005 trở đi có nhiều thử nghiệm về diễn tả không gian trên mặt phẳng. Để làm điều này, các mảng chữ được thiết kế theo luật viễn cận của châu Âu như trong bìa sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, Nxb Thế giới (2012). Việc các mảng chữ nhỏ dần từ phải sang trái, từ trên xuống dưới kết hợp với quy luật gần rõ xa mờ khiến mảng chữ này có hướng đi sâu vào phía trong nền tạo cho bìa sách có hiệu ứng không gian.
Các mảng chữ được viền một cách dễ dàng, sắc nét, đa dạng
Viền nét cho mảng chữ đã dược sử dụng từ trước năm 2005. Nhưng do hạn chế về kỹ thuật nên hiệu quả mang lại về thẩm mỹ chưa cao như đã trình bày. Sau năm này để nhấn mạnh dáng chữ, thủ pháp viền mảng vẫn được các họa sỹ áp dụng nhưng có thể nói đã có nhiều khác biệt so với trước. Nhờ phần mềm đồ họa việc viền hoặc đi nét vào mảng chữ được thực hiện khá đơn giản. Các nét viền, nét giữa và phần chữ bên ngoài tiếp giáp với nền rất rõ ràng, sắc sảo chứ không bị nhòe mờ. Chữ Bác Ba Phi trong bìa sách cùng tên của Nxb Kim Đồng (2011), giải Khuyến khích Sách đẹp năm 2012 là một ví dụ.
Bác Ba Phi - Nxb Kim Đồng (2011)
3. Cấu trúc “khối”
“Khối” của chữ là cách nói ngắn gọn được sử dụng trong hoạt động chuyên môn liên quan đến lĩnh vực thiết kế chữ. Thực ra cụm từ này nhằm diễn đạt hiệu ứng hay cảm giác “nổi khối” của chữ trên mặt phẳng hai chiều (2D) chứ không phải là khối vật lý trong không gian. Trong các tác phẩm đoạt giải Sách đẹp, Bìa đẹp của Hội xuất bản Việt Nam và hầu hết các ấn phẩm ở giai đoạn mà nghệ thuật chữ có thể tiếp cận, chỉ có hai trường hợp vận dụng nguyên lý không gian trong nghệ thuật tạo hình để gây cảm giác chữ “nổi khối” trên mặt phẳng. Đó là bìa cuốn Bùm và Một ngày của bố.
Bùm - Nxb Hội Nhà văn (2011)
Với cuốn Bùm, Nxb Hội Nhà văn (2011), ba chữ cái tên sách được thiết kế hiệu ứng “nổi khối”. Bố cục các chữ đặt chồng đè lên nhau chiếm hết diện tích bìa tạo ra một không gian chật chội nhưng không ngột ngạt, có phần vui vẻ. Hướng chữ được đặt nghiêng so với trục giấy gợi nên nhịp điệu, tạo sự bung nở cho thiết kế. Xem bìa có cảm giác các chữ này như được văng ra từ vụ nở phóng tàu trong làn khói bụi còn chưa tan hết. Nhờ thiết kế chữ “nổi khối”, bìa sách đã gây được ấn tượng về âm thanh. Thể hiện tốt giữa nội dung ngữ nghĩa và hình ảnh hiển thị.
Một ngày của bố - Nxb Phụ nữ (2013)
Trong Một ngày của bố, Nxb Phụ nữ (2013) với ý tưởng sử dụng các hình ảnh vật dụng, đồ dùng vào minh họa nhằm gây cảm giác bộn bề, lộn xộn, lo toan nhưng vui vẻ của người cha trong sinh hoạt đời thường. Họa sỹ cũng đã cách điệu “nổi khối” tên sách và đưa bánh xe, chai rượu, chiếc ô, cái bơm… vào thay cho một vài chữ cái nhằm đạt được sự thống nhất trong phong cách, thuận mắt về không gian. Tên sách với hiệu ứng nổi khối kết hợp với chiếc đồng hồ và tên tác giả nằm trong biển số xe, đã tạo được nhiều lớp không gian trên mặt phẳng gây cảm giác mới lạ cho độc giả.
Nguyên nhân chữ “nổi khối” ít được xuất hiện trên bìa sách, là do trước đây với công nghệ in typo người ta chú trọng việc xử lý nét chữ trên mặt giấy sao cho đẹp, đều, rõ nét cùng với việc sử dụng hiệu quả nhất về kinh tế các bộ chữ đúc sẵn là chính. Vì vậy bìa sách giai đoạn trước năm 2005 hầu như không thấy xuất hiện các kiểu chữ “nổi khối” do sợ phải xử lý diện tích khuôn và tạo hình phức tạp gây tốn kém (trừ các trường hợp đặc biệt dùng trong quảng cáo). Hạn chế về kỹ thuật này khiến cho việc thiết kế và thưởng thức nghệ thuật chữ trên bìa sách hình thành nên một thói quen thị giác là ưa nhìn chữ ở dạng mảng bẹt. Về sau, khi việc làm “nổi khối” chữ đã trở nên đơn giản nhờ các phần mềm đồ họa thì trong lĩnh vực thiết kế bìa sách thói quen trên vẫn được duy trì.
Ngoài hạn chế kỹ thuật còn có một nguyên nhân khác nữa mang tính đặc thù của mỹ thuật tạo hình. Theo lý thuyết, khối là sự chiếm chỗ của một vật thể trong không gian và dùng đơn vị đo là thể tích. Một khi khối xuất hiện thì không gian chứa nó nghiễm nhiên trở thành không gian ba chiều. Cho nên sử dụng chữ “nổi khối” sẽ làm thay đổi cảm nhận thị giác về lớp và không gian của tờ bìa vốn được mặc định hai chiều. Điều này khiến cho việc minh họa các chữ và hình ảnh khác trở nên phức tạp. Đòi hỏi phải xử lý theo hiệu ứng cùng không gian cho đồng bộ. Vì thế để tránh mất thời gian, hầu như chữ “nổi khối” ít được sử dụng ngoại trừ trường hợp thật đặc biệt cần thiết để thể hiện ý tưởng, nội dung ấn phẩm.
Sử dụng thiết kế nghệ thuật chữ nổi khối thường gây ấn tượng về không gian ba chiều trên mặt phẳng làm thay đổi thói quen thị giác nhìn bẹt của người xem. Đây là hướng thiết kế nên được khuyến khích thử nghiệm nhằm tạo nên sự cảm nhận mới lạ trong thưởng thức thẩm mỹ.
4. Đường của nghệ thuật chữ:
Khi đọc hay viết văn bản chúng ta luôn có tâm lý muốn nhìn các ký tự nằm trên cùng một đường (hàng) để tiện cho hướng đọc và dễ kiểm soát về mặt ngữ nghĩa. Với công nghệ in typo trước dây, chân các con chữ thường được xếp vào cùng một hàng tương ứng. Vì vậy nếu muốn có chữ nào lệch hàng thì rất khó xử lý về kỹ thuật. Ngoài ra còn có rất nhiều đường trên chữ như: Đường chữ hoa, chữ thường; đường trên, đường dưới; đường dấu đơn, dấu kép… Nếu tính toán không khéo thì các đường này dễ bị lỗi khoảng cách dẫn đến kết quả ngoài ý muốn. Trong in khắc gỗ và chế bản bằng phim có thể làm lệch các hàng chữ nhưng mất thời gian tạo khuôn hay ghép ảnh. Điều này làm nên phong cách thiết kế chữ đó là:
Tạo ra sự chồng lấn, xen kẽ trong sự sắp xếp đường chữ khiến bố cục bìa sách đột phá hơn, góp phần thể hiện được nội dung ấn phẩm.
Trên bìa sách Truyện cổ Grim, Nxb Phương Đông (2008), giải Bìa đẹp năm 2009 thay vì chữ Truyện cổ và chữ Grim được tách làm hai hàng rõ rệt thì họa sỹ đã phóng to chữ Grim gấp khoảng 3 lần và đặt chữ G (Grim) cao bằng 2/3 chữ T (Truyện) ở trên. Sự lấn chiếm khoảng cách khiến cho tên truyện hòa với nhau thành một mảng tạo nên một bố cục chặt chẽ. Chữ Grim nổi bật trong bố cục thu hút thị giác của người xem.
Tương tự với cách trên, để tạo điểm nhấn phù hợp với nội dung, bìa sách Bước chân hoàn vũ, Nxb Công an Nhân dân (Giải Bìa đẹp năm 2010) cũng tách tên sách thành hai dòng. Mỗi dòng có hai chữ và đặt chữ B (Bước) chờm xuống không gian của dòng chữ hoàn vũ phía dưới. Thân chữ B có đầu nhọn như lưỡi dao trùng với hướng cổ của người phụ nữ gây cảm giác nguy hiểm cận kề, rình rập trong làn khói sương hư ảo. Bìa sách Suối Nguồn, Nxb Trẻ (2007), giải Bạc Sách đẹp năm 2008. Chữ I có dấu chấm được đưa xuống ngang với đường chữ thường. Chữ G được kéo lên bằng đường nền, trong khi các dấu của chữ Ố và Ồ (Suối nguồn) vẫn giữ nguyên khiến cho ta thấy chữ I và G bị tụt nhỏ lại phá vỡ cái đều của mảng chữ màu đen. Phần chữ Tiếng Anh màu xanh có nét trang trí đầu chữ T, H chờm qua đường nền của phần tiếng Việt đã góp phần giảm bớt vẻ nặng nề, tạo nên một sự tương phản nhưng hòa hợp cho bố cục.
Suối Nguồn - Nxb Trẻ (2007)
Trường hợp bìa cuốn Mẫu Thượng ngàn, Nxb Phụ nữ (2006), giải Vàng Sách đẹp 2007. Để gợi nên một cảm giác rối và chật chội, họa sỹ sử dụng kiểu chữ mang đậm phong cách viết tay ngẫu hứng, nhiều nét uốn lượn. Chữ được ngắt thành hai hàng. Khoảng cách giữa các chữ trong và khác hàng được thiết kế dính vào nhau. Việc di chuyển khoảng cách hàng đã giúp cho chữ tên sách phần nào chuyển tải được hình ảnh của những buổi hầu đồng được nhắc tới trong nội dung tác phẩm.
Mẫu Thượng ngàn - Nxb Phụ nữ (2006)
5. Hướng, nhịp điệu:
Cấu tạo sinh học khiến con người luôn đứng thẳng trên hai chân. Xét trên lý thuyết, trục cân bằng của mỗi chúng ta là một đường đi qua trục thẳng đứng của cơ thể và hướng về tâm trái đất. Đường nằm ngang vuông góc với trục thẳng đứng tạo nên hệ trục cân bằng cho cơ thể. Khi xem một bức tranh hay bất kỳ một thiết kế nào nếu cấu trúc của các đối tượng nhìn không trùng phương với cấu trúc cân bằng của cơ thể thì ta phải nghiêng hướng đầu, cổ để làm cho phương nhìn của mình trùng với phương đối tượng. Các trục cân bằng thị giác này luôn có xu hướng trùng khớp với các trục cân bằng của các đối tượng nhìn. Vì vậy cân bằng thị giác là một trạng thái tâm lý mà người xem luôn luôn muốn có. Trước đây với kỹ thuật in typo dù cho kiểu thẳng hay nghiêng thì mỗi chữ cái đều được đúc trong một ô để tiện lợi trong khâu sắp chữ. Vì vậy trong một hàng chữ thẳng mà chèn vào một chữ nghiêng là rất khó. Chưa kể đến việc khoảng cách giữa hai ký tự có hợp lý hay không, trong in khắc gỗ hay công nghệ Monophoto, Linophoto có thể làm được nhưng có hạn chế là rất mất thời gian để khắc hay ghép chụp ảnh, rửa phim. Chưa kể với cách làm bán thủ công nhiều khi mẫu chữ lại không ăn khớp với nhau và hài hòa về mặt thẩm mỹ như dáng chữ V và chữ A trên bìa Vụ tập kích Sơn Tây. Trở ngại nầy dẫn tới trong một thời gian dài, rất ít các bìa sách có nghệ thuật chữ được thiết kế đảo hướng. Ngược lại, việc thay đổi hướng chữ trên bìa sách giai đoạn này được các họa sỹ thực hiện khá bài bản. Có thể nhận diện cách thiết kế này qua việc:
Đảo hướng, nhịp điệu của chữ nhằm gây hiệu ứng thu hút tạo điểm nhấn cho thị giác.
Theo thói quen, chúng ta thường đọc chữ từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Khi xem văn bản tâm lý chung mặc định các chiều hướng của chữ, độ nghiêng, xiên là như nhau. Trong dòng, nếu chữ nào có hướng khác hoặc to nhỏ, đậm nhạt hơn so với các ký tự bên cạnh thì thị giác phát hiện ra ngay. Khả năng đặc biệt này của mặt người được giới chuyên môn gọi là Lực chú ý của thị giác.
Ba bà đi bán lợn con - Nxb Kim Đồng (2010)
Ba bà đi bán lợn con (2010) là ấn phẩm nằm trong bộ sách của Nxb Kim Đồng cùng đoạt giải Bìa đẹp năm 2011. Trên bìa, các hướng chữ hầu hết được thiết kế lệch so với trục cân bằng của người xem. Kiểu chữ họa sỹ sử dụng có các bộ phận đầu, chân, bụng hất nhọn gây mất ổn định liên tục về thị giác. Tên sách được bố trí hai từ một hàng kết hợp với hình minh họa đậm chất dân gian, khiến cụm tiêu đề tạo nhịp như câu hát đồng dao, con chữ thì nhảy múa gây cảm giác rất động và vui vẻ.
Trong thiết kế các tác phẩm nằm ngoài giải thưởng của Hội xuất bản Việt Nam phải kể đến The Joker, Nxb Trẻ (2010). Trên bìa hệ thống tên sách, tác giả, Nxb, hình minh họa cùng những sợi dây được thiết kế chủ yếu theo phương ngang và dọc so với lề sách. Sẽ không có gì đặc biệt nếu hướng của chữ E (Joker) giống như các ký từ khác trong hàng. Chính sự đổ về bên trái của nó kết hợp với đuôi chữ J cũng nghiêng theo hướng ngày đã tạo ra điểm nhấn, gây chú ý thị giác làm nêu hiệu quả cho tít sách.
The Joker - Nxb Trẻ (2010)
Đảo hướng, nhịp điệu của dòng chữ nhằm tạo sự phá cách trong bố cục, mang lại cảm thụ mới cho người xem.
Nếu các bìa sách trong giai đoạn 2005-2015 thường chọn phương án đổi hướng của một hay nhiều chữ thì Có một phố vừa đi qua phố, Nxb Hội Nhà văn (2013) là một thiết kế lạ với sự bẻ hướng khá táo bạo của dòng tên sách và tên tác giả. Bìa sách bố cục theo kiểu Phi điểu với các mảng nhà và con đường được cách điệu hóa giống bản đồ. Với kiểu chữ thường nhỏ, cụm từ Có một phố vừa đi qua phố và Đinh Vũ Hoàng Nguyên như những dòng xe chậm chạp, lơ đãng, ngoằn ngoèo theo hướng phố phường tạo nên một cách tiếp cận thị giác khá lạ lẫm. Cũng cùng ý tưởng bẻ dòng chữ, bìa sách Xúc xắc xoay, Nxb Trẻ đã thiết kế thông tin giải thưởng mà ấn phẩm đoạt được cùng tên các tác giả như đang xoay tròn cùng những hạt “xí ngầu” ở giữa. Với từ Xoay sử dụng kiểu chữ khá thoải mái, toàn bộ bìa sách tạo nên hình ảnh ẩn dụ về sự đa dạng, phong phú nhiều mặt của cuộc sống. Nó như một vòng xoay hoa mắt nhưng vẫn đầy hấp dẫn và lôi cuốn.
Có một phố vừa đi qua phố - Nxb Hội Nhà văn (2013)
Xúc xắc xoay - Nxb Trẻ (2014)
6. Khoảng cách, tỷ lệ giữa các chữ, từ và dấu, mũ:
Chữ Quốc ngữ của Việt Nam tuy ghi âm bằng ký tự nguồn gốc chữ Latinh, nhưng khác ở chỗ mỗi từ chỉ ghi một âm cho dù có một hay nhiều chữ ghép lại. Đặc điểm này làm cho từ khi đọc, nói tạo âm thanh trầm bổng cũng như vần điệu bằng trắc trong thơ. Vì vậy, có nhiều chữ viết như nhau nhưng chỉ cần đổi dấu, hoặc râu mũ là cách phát âm đã hoàn toàn khác. Chưa kể, do là tín hiệu thị giác quen thuộc được lặp đi lặp lại nên vị trí dấu mũ nếu bị thay đổi, xê dịch quá nhiều sẽ dẫn đến tâm lý khó chịu bởi không thuận mắt.
Khảo sát nghệ thuật chữ trên bìa sách có thể nhận thấy những hạn chế trong việc xử lý khoảng cách giữa các từ và vị trí dấu mũ… thể hiện rõ ở các đặc điểm có thể kể đến như:
Cách đánh, bỏ dấu tiếng Việt không đúng quy định, thiếu thống nhất;
Hướng các dấu nhiều khi chưa hợp lý;
Tỷ lệ, kiểu dáng dấu chưa phù hợp với bộ chữ;
Khoảng cách giữa chữ, từ và dấu còn tùy tiện.
Trên bìa cuốn Lời nguyền, Nxb Phượng Hoàng (1964) và cuốn Nguyễn Đình Chiểu đạo làm người, Sở Văn hóa Thông tin Long An (1983) dấu huyền trong chữ Nguyền và chữ Đình để không đúng vị trí, bị lấn sang khu vực của các chữ Y, N quá nhiều. Ngay trong một kiểu chữ mà kích thước của dấu huyền cũng ngắn dài khác nhau tạo nên sự không đồng bộ và nhất quán (Lời nguyền). Trường hợp bìa Khơi dậy lòng phấn khởi, Nxb Đại Nam, dấu huyền (Lòng) và dấu hỏi) Khởi) bị bỏ sai vị trí. Chưa kể tỷ lệ dấu vừa ngắn, vừa nhỏ so với kiểu chữ đề tên sách trong khi các dấu khác của chữ Ở, Â thì rất mập.
Lời nguyền - Nxb Phượng Hoàng (1964)
Hai thiêng liêng - Nxb Dân ta (1957)
Khơi dậy lòng phấn khởi - Nxb Đại Nam (1972)
Khoảng cách giữa từ và hàng chữ thuộc một số sách xuất bản đôi lúc còn khá thoải mái, chủ yếu dựa vào cảm nhận và sở thích của các cá nhân họa sỹ nên nhiều khi dẫn đến những hiệu ứng thị giác ngoài mong muốn gây khó chịu cho người xem. Ví dụ như tiêu đề cuốn Hai thiêng liêng, Nxb Dân ta (1957) có khoảng cách dòng quá gần khiến cho dấu ^ của chữ thiêng bị dính lên dòng trên. Còn trường hợp cuốn Khơi dậy lòng phấn khởi có tỷ lệ chiều cao các dòng chữ chưa thỏa đáng, khiến cho chữ Lòng bị bé so với hai hàng chữ trên và dưới nó. Cũng trên bìa này khoảng cách giữa các từ có lúc quá gần (phấn khởi), có lúc quá xa (khơi dậy) không theo một quy luật nào khiến cho tiêu đề sách thiếu đồng nhất trong cách xử lý, dẫn tới thẩm mỹ của bìa giảm sút.
- Bùi Quang Tiến -
>>> Nghệ thuật chữ trong quảng cáo
>>> Sự khác biệt giữa Lettering, Calligraphy và Typography