Tính trang trí trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ

Nghệ thuật hội họa và nghệ thuật trang trí đều thuộc nghệ thuật tạo hình. Những hình thái nghệ thuật nằm cùng một nhóm thì có  nhiều điểm tương đồng, có những yếu tố cấu thành của hình thái này cũng chính là một phần của hình thái kia. Chính vì thế, việc hình thái nghệ thuật này xuất hiện trong hình thái nghệ thuật kia là lẽ tự nhiên. Sự giao thoa này giúp cho tác phẩm tăng tiếng nói thẩm mỹ, phong phú, gợi cảm và dễ đi vào lòng người hơn… Việc này trong nhiều trường hợp giống như là người đầu bếp thêm bớt gia vị khiến cho các món ăn ngon trên bàn tiệc được đầy đủ vị, hương, sắc… Các hình thái nghệ thuật càng gần nhau thì sự giao thoa càng nhiều và càng có mối liên hệ mật thiết. Vì đều thuộc nghệ thuật tạo hình nên nghệ thuật trang trí xuất hiện trong hội họa cũng là một điều dễ hiểu. Henri Matisse: “Trang trí trong tác phẩm hội họa là phẩm chất quý báu. Không có gì xấu khi nói rằng tranh của một số họa sĩ có tính trang trí”.

Trong các sáng tác tranh lụa của mình, họa sĩ Nguyễn Thụ đã sử dụng nhiều ưu thế của yếu tố trang trí nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất về tạo hình. Điều đó được thể hiện qua các nội dung sau: Bố cục mang tính trang trí; hình thể, họa tiết trang trí và màu sắc mang tính trang trí. 

* Bố cục mang tính trang trí:

Xét về cơ bản, bố cục đóng vai trò cốt lõi của một tác phẩm, từ đó nghệ sĩ tiếp tục triển khai các vấn đề tạo hình còn lại. Họa sĩ Nguyễn Thụ cũng giống như nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa khác, ông chọn lối bố cục ước lệ. Bố cục ước lệ sử dụng sử dụng phép tam viễn phương Đông, các hình tượng có xu hướng dàn đều lên mặt tranh; tận dụng triệt để ưu thế của nét và mảng… Thức lối bố cục này khiến cho hình tượng không chỉ vừa biểu cảm mà còn thỏa mãn tiêu chí đẹp về duy mỹ giống như trong nghệ thuật trang trí. Nhiều tranh của Nguyễn Thụ chỉ có hình và nền để trống. Trên nền ấy, các hình mảng hiện lên nhịp nhàng, chặt chẽ, có chính phụ, có điểm nhấn như các bức tranh: Sàng sẩy, Cô gái Thái, Cô gái Thuận Châu, Bên bếp lửa, Tình mẹ… Điển hình nhất về lối bố cục ước lệ này là trong tác phẩm Sàng sẩy

tranh lua 1

Nguyễn Thụ - Sàng sẩy (1987) - Lụa - 70 x75 cm

Sàng sẩy là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Thái trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyễn Thụ sử dụng lối bố cục dọc, mảng chính là hình ảnh ba người phụ nữ đang sàng, sẩy gạo. Ông khai thác, khái quát dáng hình đang trong tư thế khom mình, cúi người, bố trí ba người thành một đường cong hướng sang bên phải, có điểm nhìn từ trên cao. Người thứ nhất cắt góc theo hướng nghiêng người, người ở giữa hơi xoay người về hướng người xem, người thứ ba chỉ nhìn thấy ba phần tư phía sau lưng. Cả ba đang khom lưng về một hướng nhưng vẫn có những nét riêng. Các chi tiết rườm rà của nếp gấp áo váy hay đường bao đều được lược bỏ, chỉ còn lại hình chung mang tính khái quát nhất. Mảng phụ là những chiếc bồ đựng gạo được bố trí theo nhóm, gần sát mép tranh bên dưới. Tác giả chọn gam màu be có điểm trắng và đen để thể hiện ý tưởng. Điều đặc biệt ở đây chính là việc Nguyễn Thụ đặt các hình ảnh này trên nền trống, không có đường chân trời, không  gợi xa gần, các mảng đều là mảng bẹt như trong nghệ thuật trang trí, nhưng vẫn tạo nên cảm giác không gian nhờ vào sự thay đổi tinh tế các thế dáng, cấu tạo mảng, chạy nhịp đen trên tóc, áo, váy của những người phụ nữ, nhịp màu trắng của gạo bố trí trong mấy chiếc sàng, bồ đựng thóc và một vài chi tiết trang trí ở các đồ vật phía gần nền tranh. Bố cục này gợi này liên tưởng tới bức tranh Hứng dừa của tranh dân gian Đông Hồ, cũng được sắp xếp trên mặt phẳng không có bất kỳ yếu tố gợi khối theo lối thấu thị nào nhưng vẫn mang lại hiệu quả không gian. 

tranh lua 2

Nguyễn Thụ - Bên bếp lửa (1994) - Lụa - 55 x75 cm

Một tác phẩm khác cũng thấy rất rõ thức lối bố cục ước lệ của ông chính là Bên bếp lửa. Ở bức tranh này, họa sĩ khai thác vẻ đẹp của người phụ nữ đang địu con, ngồi bên bếp lửa, đứa con thơ ngủ say sưa trên lưng mẹ. Khác với Sàng sẩy, Nguyễn Thụ chọn bố cục nằm ngang chắc khỏe, như hầu hết các tác phẩm của mình. Mảng chính người mẹ địu con chiếm phần lớn diện tích so với hình bếp lửa và chõ đồ xôi. Người mẹ ngồi trên ghế mây, góc cắt nhìn nghiêng, hai tay nắm lấy nhau, khủy tay đặt trên đầu gối, mặt hướng về phía người xem. Dáng ngồi tĩnh tại, bình thản. Toàn bức tranh toát lên cảm giác ấm áp từ màu cam nhạt của bếp lửa, của áo, chõ xôi, đổ tràn ra nền và một vài chi tiết trang trí nhấn nháy trên trang phục đứa con. Mảng đậm của tranh là những mảng màu đen, đậm ở váy, nồi đồng, ghế mây, khăn trùm đầu, vòng tay của mẹ và chiếc địu của đứa con… Các mảng hình gần như không được gợi khối. Nền để trống hoàn toàn nhưng vẫn mang đến cảm giác không gian, không phải là dạng hình cắt dán… Cảm giác ấy đang tạo ra nhờ vào sự thay đổi và bố trí nhịp nhàng của mảng to nhỏ đan xen với các chi tiết trang trí ở khăn piêu, địu của em bé, hoa văn trên áo người mẹ; và nhịp điệu của màu có, những màu đậm, trung tính trên mảng chính đủ sức cân bằng với màu sáng của nền. Chính điều đó cũng góp phần tạo nên sự cân bằng trong bố cục. Nét nổi bật của bố cục này chính là ở điểm đó. Điều này cũng thỏa mãn một trong những tiêu chí của nghệ thuật trang  trí là bố trí, sắp xếp các mảng, hình, chi tiết phẳng sao cho hợp mắt và tạo hiệu quả thị giác… 

tranh lua 3

Nguyễn Thụ - Thung lũng vào xuân (1994) - Lụa - 67 x 55 cm

Có tác phẩm không thể hiện lối bố cục mang tính trang trí bằng cách để trống nền mà sử dụng cách bài trí, sắp xếp các mảng hình trên một không gian có gợi khối nhẹ. Đó là bức Thung lũng vào xuân. Tranh có cảnh rộng, miêu tả vẻ đẹp của thung lũng vào những ngày xuân. Mảng chính là nhóm những mái nhà sàn  xen lẫn các gốc cây mai nở bung trắng xóa được sắp xếp nhịp nhàng, xử lý thành các mảng bẹt (mái nhà, thân nhà… ) và điểm chấm trắng (hoa mai, hoa mận…) giống như một thủ pháp trong nghệ thuật trang trí… tạo thành một đường lượn từ dưới lên chạy tít mãi về phía cuối thung lũng. Ở nền tranh, gần là những thửa ruộng được sắp xếp, bố trí  đan xen nhịp nhàng, cũng có tạo hình giống mảng bẹt, xa là những ngọn núi cao, sừng sững bao bọc lấy toàn bộ thung lung (có gợi khối nhẹ ). Bức tranh được vẽ với gam màu ghi, trên nền ghi ấy, nhịp điệu chính của màu là sự bố trí xen kẽ của đen trắng trên đường lượn. Tất cả những điều này khiến cho người viết có liên tưởng Nguyễn Thụ  đang mải miết chăm chút dệt tấm thảm mùa xuân sinh động, đầy sức sống và ngập tràn sắc xuân.  

Rõ ràng với cách đặt vấn đề về bố cục ở trên đã khiến cho những bức tranh lụa của Nguyễn Thụ trở nên giàu sắc thái biểu cảm, thỏa mãn thị giác người xem và  dần hé lộ những điều hấp dẫn riêng. 

* Hình thể và họa tiết trang trí:

Trang trí là sự bày ra, sắp xếp, bố trí nhằm làm cho sự vật đẹp lên, gây nên sự cuốn hút, nhằm phục vụ đời sống con người… Hình thể mang tính trang trí là hình đã có chọn lọc, sắp xếp sao cho phù hợp với mục đích tạo nên cái đẹp. 

Trong rất nhiều sáng tác, họa sĩ Nguyễn Thụ đã thể hiện một thụ cảm tinh tế, sâu sắc khi chọn lọc, đưa vào tác phẩm rất nhiều hình ảnh giàu giá trị biểu cảm như các cô gái dân tộc miền núi, các em bé trong trang phục áo váy truyền thống, những đồ dùng sinh hoạt như khăn, áo, gùi, giỏ, ghế mây, nong nia… gắn liền với cuộc sống thường ngày nhưng được tạo tác rất khéo léo, những khoảnh khắc lao động hay những giây phút nghỉ ngơi, tâm tình với vẻ đẹp mộc mạc thân thương nhưng đầy duyên dáng Cô gái Thuận Châu, Tình mẹ, Người mẹ hai con…những ngôi nhà sàn xinh xắn Miền Tây, Trên nhà sàn… những cây mai, cây mận nở bung sắc xuân núi rừng Mùa xuân lại đến,

Mùa hoa ban…

Không chỉ chọn lọc các hình ảnh, hình tượng nghệ thuật đẹp về tạo hình mà họa sĩ còn tập trung khai thác các chi tiết trang trí một cách khéo léo và tinh tế ngay trong các hình ảnh, hình tượng đó.

 Ông đã sử dụng nhiều nét kết hợp các hình thể mang tính trang trí để thể hiện rất rõ các cấu trúc của nhà sàn, vẽ lại chi tiết trang trí kiến trúc nóc nhà Miền Tây, đầu hồi Trên nhà sàn, chi tiết ngói máng lợp mái nhà sàn Bắc Sơn, các tấm liếp ở vách nhà Bác Hồ, các chi tiết ở bậc cầu thang, lan can trước nhà Miền Tây, lớp gỗ lát sàn, sàn phía sau hồi Người mẹ hai con…Ở những tác phẩm này, họa sĩ sử dụng nhiều nét để đặc tả các chi tiết đặc trưng, những phần còn lại hầu như là các mảng lớn hoặc để trống nền. Chính vì cách vẽ đó đã giúp người vẽ thể hiện rất rõ ý đồ nghệ thuật của mình. 

Chính đời sống gần gũi, cảm thông, chia sẻ và một tình yêu tha thiết với con người, cảnh sắc vùng miền núi đã giúp ông có rất nhiều trải nghiệm.

Đối với ông, dường như nghệ thuật đến từ những điều giản dị nhất, thể hiện nó một cách chân thành nhất là chìa khóa cho sự thành công. Ông sống, gắn bó, yêu, nâng niu và biết ơn chính những đồng bào đã đùm bọc, chia sẻ với mình. Tình cảm đó được thể hiện khá rõ thông qua các hình ảnh, chi tiết trang trí mà ông đã thể hiện. Dường như ông không bỏ qua bất kỳ một đồ vật, một chi tiết nào gắn bó mật thiết với đời sống người dân miền rừng núi. Ông tập trung khai thác các chi tiết trang trí ở những đồ dùng sinh hoạt. Đối với ông, những vật dụng ấy không đơn thuần là cái áo, cái váy, là cái khăn đội đầu, cái địu mang con, cái gùi xuống chợ, cái ghế để ngồi, cái chõ đồ xôi hay cái giỏ đựng kim chỉ, bông, sợi… mà cao hơn chính là những điểm nhấn của cuộc sống tưởng như đơn sơ, mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình, là nơi thể hiện sự cần cù, khéo léo, tình yêu cái đẹp, yêu cuộc sống của những người dân ở những nơi còn nghèo nàn, thiếu thốn… Rất nhiều tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, cuộc sống của người dân, của chính họa sĩ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên nhìn vào tác phẩm, chúng ta luôn thấy được tình yêu cuộc sống, tình yêu giữa con người với con người. 

tranh lua 4

Nguyễn Thụ - Cô gái Thuận Châu - (1991) - Lụa - 55 x 75 cm

Cô gái Thuận Châu  được xem là một tác phẩm có rất nhiều chi tiết trang trí. Tác giả chọn gam màu ghi, vẽ rất thoải mái, với những nét mềm khi diễn tả hình ảnh chính ở trung tâm bức tranh là cô gái trẻ đang ngồi tĩnh lặng, xoay người, mặt hướng về phía người xem, chân phải vắt lên đầu gối trái, hai bàn tay đan trùm lên đầu gối phải, phía bên tay trái cô đặt một chiếc giỏ mây đựng đồ thêu may. Cô khoác áo có vài chi tiết trang trí ở cổ và tay. Chiếc giỏ được vẽ theo lối tượng trưng, diễn tả rất kĩ bằng nét các nong đan một phần  phía dưới của giỏ, còn phần trên bỏ trống và đặt vào đấy là 3 cuộn chỉ màu đỏ, vàng, lam… Hình ảnh rất khái quát, cô đọng và hấp dẫn. Mảng nền nửa dưới bức tranh là một màu đen, phẳng. Điểm nhấn lớn của toàn toàn tác phẩm có lẽ chính là phần hoa văn phía sau cô gái, nửa trên của nền. Tác giả không nói rõ đó là tấm khăn, một phần tấm chăn hay là mảng hình trang trí vách nhà hoặc là đồ vật nào đó. Các hoa văn này là các hình kỉ hà, gồm màu lam, đen, đỏ, trắng, vàng… được bố cục theo lối xen kẽ nhắc lại như đường diềm. Đây chính là một trong những dạng thức bố cục của hoa văn trang trí các khăn, chăn, áo, chân váy…của các dân tộc miền núi thường dùng. Nhìn tổng thể bức tranh có thể thấy, đậm đặc các chi tiết trang trí được thể hiện ở phần nền sau đó nhắc lại ở cổ và cánh tay áo khoác rồi cuối cùng là kết thúc ở cái giỏ đựng đồ may vá. Cách bố trí ở giữa là hình ảnh cô gái vẽ theo lối gợi, sắc ghi, ít chi tiết, nửa trên của nền đậm đặc họa tiết trang trí, nửa dưới là mảng màu đen phẳng có điểm nhấn là chiếc giỏ mây đựng đồ thêu may tạo nên sự cân đối về mảng, nhịp của hình và màu tạo ấn tượng thị giác cho người xem, tăng hiệu quả của ý đồ sử dụng các chi tiết, họa tiết trang trí. 

Các chi tiết này giúp bức tranh gợi cảm, hài hòa, chặt chẽ lên rất nhiều.

tranh lua 5

Nguyễn Thụ - Tình mẹ (1997) - Lụa - 55 x 74 cm

Chúng ta tiếp tục có thể thấy lại rất rõ vẻ đẹp của nhiều chi tiết, họa tiết trang trí được thể hiện trên những đồ dùng sinh hoạt gia đình như bồ đụng thóc, khăn và chăn… được đan, dệt từ bàn tay khéo léo của những người dân mộc mạc, dung dị thông qua tác phẩm Tình mẹ. Tác giả tiếp tục sử dụng hình thức bố cục ước lệ, nền tranh là một mảng phẳng, các hình tượng hầu hết được nhìn theo lối bình viễn. Hình ảnh chính là người mẹ đang cho con bú, ngồi bên bếp lửa. Phía sau người mẹ là hai chiếc bồ đựng thóc được thể hiện bằng hình bao, những họa tiết trang trí trông khá thú vị. Và nơi tập trung nhiều chi tiết, họa tiết trang trí nhất chính là tấm vải (chăn…) được treo cao phía sau. Các họa tiết ở đây đều là những hoa văn trang trí trang phục, đồ dùng đặc trưng của người Thái. Tác giả cũng rất chủ động trong việc bố trí các lớp hoa văn sao cho nhịp nhàng uyển chuyển. Ông tập trung nhiều họa tiết ở mảng hình sau nền rồi chạy xuống hai chiếc giỏ và điểm  hàng cúc áo bằng bạc có hình con bướm “mák pém” ở trên áo cóm của người mẹ và chiếc chăn nhỏ trên người em bé. Dáng hình người mẹ ngồi cho con bú cũng rất duyên dáng  nhờ vào chuyển động nhịp đen trắng và đặc biệt là nếp gấp tạo ra những đường lượn gợi cảm của chiếc váy. Toàn bức tranh là một màu ghi, nâu nhạt Cách khái quát hình tượng, chọn lọc chi tiết trang trí kết hợp với lối bố cục, cách thức bố trí họa tiết và gam màu ghi nâu đã tạo nên sự hài hòa nhịp nhàng trong bố cục, thể hiên cuộc sống thanh bình, tình yêu thương hiền hậu, tha thiết của người mẹ với đứa con của mình. 

tranh lua 6

Nguyễn Thụ - Người mẹ hai con (1984) - Lụa - 65 x 85 cm

Người mẹ hai con là một bức tranh khác diễn tả, ca ngợi vẻ đẹp của con người, cuộc sống ở vùng cao, đặc biệt là tình mẫu tử. Ở đây tác giả sử dụng lối bố cục vừa trang trí vừa gợi không gian thấu thị. Mảng chính là hình ảnh người mẹ và hai đứa con ngồi trên sàn phía sau hồi. Bên cạnh có chú mèo con tinh nghịch ngồi chơi. Xa xa tiếp tục là hình ảnh quen thuộc trong rất nhiều tác phẩm của ông: một gốc mai, điểm vài bông trắng xinh xắn. Người mẹ ngồi trên ghế, tay cầm kéo đang tập trung chú ý vào công việc may vá. vai địu đứa con nhỏ, đứa lớn ngồi chơi sát, đối diện mẹ, tay cầm quả cam vàng nhỏ nhắn. Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh mang tính trang trí như khăn đội đầu, địu và khăn choàng cho em bé, áo, váy của mẹ và đứa con lớn, chiếc ghế mây… Ông bố trí các họa tiết trang trí khá nhịp nhàng. Lúc chỉ là vài nét nhấn ở khăn đội đầu, lúc thì bố cục theo lối xen kẽ nhắc lại cả hình và màu như đường diềm ở địu em bé, lúc thì đậm đặc hoa văn ở áo mẹ và con, lúc thì khái quát, cô đọng các chi tiết ở khăn choàng và ghế mây. Xa xa bộ lông chú mèo con cũng được gợi lên từ vài nét nhỏ nhẹ nhàng. Toàn bộ nhóm hình ấy được đặt trên miếng hình đậm, không có chi tiết là sàn nhà sau hồi, không gian xa xa đươc gợi lên nhờ vào hình ảnh gốc mai nhòe mờ và mảng màu loang như một cách khẳng định, tạo sự cân bằng trong bố cục. Cách bố trí ấy khiến cho bức tranh tràn đầy sắc xuân, vui tươi, yên bình, ánh lên niềm hạnh phúc, tình yêu thương dịu dàng, đằm thắm giữa người mẹ và những đứa con thơ.

Trong cuốn Mĩ học đại cương, các tác giả cho rằng nếu nói trong nghệ thuật, hình thức có tính nội dung hay hình thức mang tính quan niệm thì những hình thức trang trí như hình trang trí và hoa văn trang trí ở vô vàn các trường hợp đều chứa đựng nội dung tư tưởng nào đó. Điều này rất đúng với tranh lụa Nguyễn Thụ. 

* Màu sắc mang tính trang trí:       

Màu sắc trong hội họa và trang trí đều xuất phát từ cuộc sống, từ tư duy thẩm mỹ, rung cảm của người nghệ sĩ. Nếu như trong hội họa, dù người nghệ sĩ có phóng khoáng đến đâu thì màu sắc đôi khi vẫn còn lệ thuộc vào hiện thực thì trong trang trí màu sắc được giải phóng, được tự do phát triển hơn. Với trang trí, tiêu chí đầu tiên là phải đẹp, thuận mắt, thu hút sự chú ý của người xem nên người nghệ sĩ muốn lựa chọn màu sắc như thế nào hầu như phụ thuộc hoàn toàn cá nhân tác giả. Cũng do đặc điểm chất liệu nên trong tranh lụa, các họa sĩ ít khi dùng các hòa sắc đối chọi, tương phản mà thường tìm đến các gam màu dịu nhẹ, êm đềm, nếu màu sắc có tươi tắn, rực rỡ thì cũng rất hài hòa.     

Tranh lụa Nguyễn Thụ ít khi vẽ màu theo thực tế mà chủ yếu là theo quan điểm, cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ. Đó có thể là những mảng màu đỏ rực, tím ngắt, hồng rực, cam thẫm hoặc gam màu trung tính hài hòa  như  ghi, ghi xanh, ghi nâu, ghi vàng… Đó là những mái nhà sàn đỏ rực Miền Tây, Trên nhà sàn, nâu sẫm Mùa xuân lại đến, ghi lạnh Sương chiều… Đó là những điểm nhấn nháy sắc màu trên một số chi tiết trang phục trong Bên gốc mai, Tắm, Làm bông, Ánh mắt, vật dụng sinh hoạt Bên nôi, Xâu kim, Cô gái Thuận Châu, . Đó là cả nền trời tím ngắt, đỏ ối, vàng ghi, xanh xám…trùm lên toàn cảnh rồi bất chợt nhấn nháy một gốc cây, dáng ngựa Mùa xuân Tây Bắc, Hai cô gái dân tộc Dao, Đi chợ trời mua... Đó là dải mây xanh tím thư thả trên nền trời vàng rực Chiều vàng

tranh lua 7

Nguyễn Thụ -  Miền Tây (1978) - Lụa - 60 x 80 cm

Trong tác phẩm Miền Tây, tác giả tập trung thể hiện cảnh sắc miền Tây phía Bắc. Nguyễn Thụ chọn và khái quát hình ảnh đặc trưng là những ngôi nhà sàn, mấy gốc mai, người phụ nữ Thái, chú ngựa và em bé... Điểm nổi bật nhất dễ dàng nhận ra ngay chính là gam màu đỏ rực rỡ, rất giàu tính trang trí. Toàn bức tranh ánh lên sắc đỏ rực rỡ bắt đầu từ mảng chính trong tranh là nhóm hình gồm ba nếp nhà sàn nằm sát nhau, ngôi nhà ở giữa đỏ đậm hơn. Mảng màu đỏ rực ấy được hiện lên trên nền nâu sẫm, dưới khoảng trời ghi vàng. Giữa khung cảnh ấm nóng xuất hiện những điểm nhấn màu đen của cô gái Thái nhẹ nhàng, uyển chuyển đi từ cầu thang xuống, của những dáng cây to nhỏ, xa gần, của chú ngựa và em bé chơi tha thẩn trên hiên nhà. Sắc trắng của hoa mai (hoặc hoa mận- tác giả cho hay ông thường thích vẽ cây mai hoặc mận) điểm xuyết trên những cành cây khẳng khiu khiến cho cảnh sắc thêm đượm đà, duyên dáng. Có thể thấy Nnguyễn Thụ đã hoàn toàn chủ động khi lựa chọn gam màu. Ông không quan tâm đến việc nó có giống thực hay không mà chỉ muốn thể hiện cách nhìn riêng của mình về vùng đất này. Những tín hiệu hoa mai cho thấy bức tranh được vẽ vào mùa xuân. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng trên thực tế, mùa xuân sắc màu rất đa dạng và ở vùng cao, vào những ngày xuân là ngày hội của sắc màu. Cách thể hiện gam màu nóng đỏ trên những ngôi nhà sàn và điểm xuyết sắc đen của người và cây cối cũng được tác giả thể hiện rất thành công ở tác phẩm Trên nhà sàn

tranh lua 8

Nguyễn Thụ - Mùa xuân Tây Bắc (1970) - Lụa - 60 x 70 cm 

Ở bức Mùa xuân Tây Bắc, người viết lại vô cùng ấn tượng bởi sắc tím ngập tràn. Bố cục đơn giản, chỉ vài gốc cây ở tiền cảnh, vài mái nhà phía xa, nền tranh có gợi nhẹ không gian xa gần, vài chi tiết nhỏ, sinh động là chú ngựa và người phụ nữ ở cầu thang báo hiệu cuộc sống vẫn diễn ra thanh bình. Thật đơn giản nhưng cũng rất ấn tượng. Ấn tượng mang lại từ sắc tím, đâu đâu cũng tím. là tím bầm mận chin ở những mái nhà, chạy xuống thân hình con ngựa và một phần hình dáng cô gái Thái. Đó là tím lạnh, tím đen ở những thân cây mai. Và bừng lên trên nền tím ấy là những khóm mai trắng muốt xôn xao cả đất trời. Nguyễn Thụ có cách vẽ màu trắng khá đặc biệt. Thông thường, để có được màu trắng trong tranh lụa, họa sĩ phải xác định ngay từ đầu mảng nào, hình nào sẽ trắng để chừa lại, khi  gần hoàn thành bức tranh mới vẽ vì đặc tính màu nước trên lụa không thể lấy sáng khi đã vẽ màu. Và màu trắng mạnh nhất trong tranh lụa chính là màu của thớ lụa. Chúng ta khó có thể tìm thấy được độ trắng muốt, trắng xốp như những bông hoa mai trong tranh ông nếu như chỉ dùng trắng của nền lụa. Có lẽ hiểu rõ những hạn chế này, Nguyễn Thụ đã tận dung vẻ đẹp, sáng rực rỡ của vỏ điệp. Ông cho biết, ông thường dùng vỏ điệp, xay nhỏ rồi trộn vào hồ để vẽ các mảng, chi tiết là những bông hoa mận, mai hoặc những nơi đòi hỏi một  độ trắng sáng mãnh liệt. Điều đó cho thấy họa sĩ rất chịu khó tìm tòi, thử nghiệm và quan trọng nhất chính là dùng mọi cách để đạt được hiệu quả thẩm mỹ. Ở đây là hiệu quả màu sắc, mang tính trang trí.  

tranh lua 9

Nguyễn Thụ - Làm bông (2001) - Lụa - 56 x 76 cm 

Có những tác phẩm, toàn bộ bức tranh là một gam màu và họa sĩ dùng màu khác để nhấn nháy vào những điểm rất đắt là thắt lưng, khăn đội đầu, hàng cúc áo, mấy cuộn chỉ màu… nhằm nhấn mạnh, gây chú ý với người xem trong Dệt vải, Em gái Thuận Châu, Làm bông, Cô gái Thái… Những chi tiết rất nhỏ, ở những vị trí ít ai ngờ đến nhưng lại là một điểm nhấn quý giá, có vẻ vô tình nhưng thực chất đã được chọn lọc kĩ càng, có tính toán và hoàn toàn chủ quan của nghệ sĩ, là những nơi dễ gây xúc động nhất, rất gợi cảm và dễ khiến người đối diện khó rời mắt. Làm bông có gam màu tổng thể là ghi. Tác phẩm chọn góc nhìn rất quen thuộc trong vô số những sáng tác của Nguyễn Thụ: sàn nhà sau hồi. Một lần nữa hình ảnh quen thuộc tiếp tục xuất hiện: một gốc mai xa xa, và tiếp đó là một không gian gợi nhẹ quen thuộc. Trên nền tranh ấy, xuất hiện hình ảnh người phụ nữ đang nhẹ nhàng duyên dáng ngồi làm bông. Thật đơn giản và vô cùng quen thuộc. Nhưng cái quen thuộc ấy không khiến người khác cảm thấy nhàm chán mà ngược lại, thêm phần thích thú bởi họa sĩ như một người kể chuyện. Ông kể một câu chuyện đã rất quen, bằng lối kể thật chậm, thật chậm… nhưng thi thoảng ông lại thay đổi một vài chi tiết đầy bất ngờ mà không hề làm biến đổi nội dung. Tác phẩm toát lên vẻ đẹp nhẹ, dịu nhờ vào gam màu ghi sáng, êm. Và đầy bất ngờ khi ông nhấn một điểm màu xanh lá cây ở thắt lưng cô gái. Chính chi tiết này đã khiến cho toàn bức tranh thêm phần sinh động trên cái nền trung tính ấy. Dường như có một nụ cười rất duyên ở đâu đó. Dường như người nghệ sĩ đã đứng rất lâu để quan sát rồi khẽ reo lên trong lòng vì những phát hiện của mình. Phải là một người rất hiền, rất thư thái. Phải là một người có cái nhìn rất tinh tế. 

Có thể thấy màu sắc trong tranh lụa Nguyễn Thụ không hề lệ thuộc vào hiện thực bởi sẽ rất khó chúng ta tìm thấy những mái nhà sàn có màu hoàn toàn đỏ rực rỡ, hoàn toàn nâu sẫm, tím bầm mận chín hay hoàn toàn ghi đen… Cũng rất khó có khoảnh khắc nào cả trời mây, cảnh vật đều chìm trong một sắc ghi vàng, ghi nâu, tím ngắn, đỏ rực… Rõ ràng việc miêu tả màu sắc ở đây đã thoát li khỏi hiện thực, chỉ còn trong cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ. Chính điều này đã tạo nên những ấn tượng khó quên khi xem tranh của ông.

Trong số các họa sĩ sáng tác bằng chất liệu lụa, cũng có nhiều tác giả đưa vào tranh mình các yếu tố trang trí. Thế nhưng, chọn lựa, sử dụng triệt để và mang màu sắc cá nhân như rõ rệt như những phân tích trên thì hầu như chỉ có thể thấy ở tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ. 

- Nguyễn Thị Kim Nga -

>>> Tìm hiểu về tranh lụa Việt Nam

>>> Khái quát về tranh Hàng Trống

>>> Tranh dân gian Đông Hồ

Tags:

0976984729