Những vấn đề của Hình họa
1. Quan niệm về Hình họa:
Hình họa là vẽ hình thể của vạn vật trong cuộc sống trong thiên nhiên, nói cách khác là vẽ động thực vật trong thế giới tự nhiên, về con người, về đồ vật và dụng cụ, phương tiện do con người sáng tạo ra.
Ký họa của họa sỹ Trần Huy Oánh
2. Mục đích vẽ Hình họa:
Trao đổi khả năng hiểu biết ngôn ngữ tạo hình, khả năng quan sát, khả năng biểu hiện của đối tượng trong xã hội và trong thiên nhiên, khả năng cảm nhận để khám phá bản chất của sự vật trong các mối quan hệ. Rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật, chất liệu rèn luyện sự kiên nhẫn để thực hiện công việc sáng tạo nghệ thuật của mình.
Thực hiện được mục đích đó, là cả quá trình rèn luyện có phương pháp, quá trình học và tự học, là quá trình hiểu biết và trao đổi kỹ năng kỹ xảo, cùng các môn học khác, liên quan đến thiên nhiên và cuộc sống xã hội của con người.
3. Dạy và học vẽ Hình họa:
Để có kiến thức tạo hình thực hiện các mục đích sáng tạo sau này, có cơ sở khoa học và cơ sở hiểu biết xã hội, tiến trình phải đi từ dễ đến khó, đi từ đơn giản đến phức tạp, đi từ thật đến hư (hư hư thực thực). Là quá trình tích lũy kiến thức lâu dài, từ thấp đến cao, cùng với quá trình rèn luyện kỹ năng, tay nghề để thực hiện những tìm kiếm và sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Như vậy vẽ mới không phải chỉ là kỹ thuật đơn thuần mà vừa khổ luyện, vừa suy ngẫm, học tập nghiên cứu không chỉ những tri thức tạo hình có hiểu biết nhất định những kiến thức các ngành khoa học có liên quan, biết khai thác những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống cha ông, phát minh sáng tạo nghệ thuật thế giới. Như vậy trong thực tiễn hội họa cũng như điêu khắc và các ngành khác của mỹ thuật, liên quan đến toàn bộ các mặt hoạt động xã hội, kể cả ứng xử xã hội và trong hoạt động của cả cộng đồng, nó đồng hành với sự phát triển của xã hội, nó có mối liên quan lớn lao, nó có nhiệm vụ trọng đại cuộc sống.
Những vấn đề trên đây rất rộng lớn và phức tạp, thực sự nó có thật như vậy ở trong xã hội. Phương tiện cơ bản để thực hiện những mục đích trên, phương tiện cơ bản nhất và quyết định nhất, để biểu hiện được đời sống con người trong xã hội và thiên nhiên bằng ngôn ngữ tạo hình là hình và hình thể, nắm bắt được hình – hình thể, có khả năng biểu hiện được cuộc sống thật và những sự vật nhìn thấy. Khả năng biểu hiện tâm trạng tâm linh, và tiềm thức cũng như biểu hiện những tư duy trừu tượng của nghệ sỹ trước cuộc sống. Đấy là khả năng của ngôn ngữ tạo hình, đã chứng minh trong thực tiễn cũng như lịch sử nghệ thuật của dân tộc và các nước trên thế giới.
Một khả năng do đặc thù của nghệ thuật có những khám phát sáng tạo, có khả năng dự báo, khả năng đi trước các ngành khác, thúc đẩy sự tư duy của xã hội, khi tiếp xúc, đối thoại với các tác phẩm nghệ thuật, làm được như trên là người nắm bắt được phương tiện của ngôn ngữ tạo hình, phải là người có tài năng, có tri thức, có lao động khổ luyện, có đam mê nghề nghiệp.
Ký họa của họa sỹ Trần Huy Oánh
4. Vấn đề hình, hình thể và vai trò quyết định:
Trong thiên nhiên như động thực vật và con người cùng các phương tiện dụng cụ do con người sáng tạo ra, đều có một hình thể nhất định, hình thể của từng sự vật cũng rất đa dạng phong phú như sự vật vậy, đơn cử như cái cây khác cái nhà, con chó khác con gà… Những hình thể đó có cấu trúc của các khối hình, có thể tích khác nhau. Có nhiều biểu hiện khác nhau qua sự tác động nhiều chiều của ánh sáng, ta có một cấu trúc, trong một hình thể luôn luôn động và thay đổi và biến dạng của hình, còn tác động bởi ánh sáng đối với các chất khác nhau, hấp thu ánh sáng không giống nhau. Cùng với một vật thể, trong cùng nhiều vật thể thì sự biến dạng đó càng phức tapjhown, cho ta cảm nhận hình thể đó không giống vật thể đó, mà thay đổi nhiều ít, còn do góc quan sát của ta và sự va đậ ánh sáng trong không gian cũng như tác động vào sự thay đổi đó.
Vì vậy, trong việc nghiên cứu hình họa điều rất cơ bản là hình – hình thể, phải rèn luyện trước tiên vì hình là tất cả của một sự vật, hình trong hình có nét, mảng, khối hình, có đậm, nhạt, sáng, tối v.v… Hình tưởng như chỉ là các biểu hiện bên ngoài, nhưng chính nó cũng cho cảm nhận bản chất bên trong.
Hình thể của vạn vật trong thiên nhiên, cũng như cuộc sống của con người, đều từ các hình khối hình học cơ bản biến dạng trong một cấu trúc mà thành. Như các hình vuông, hình tròn, hình trụ, hình tam giác, hình cầu. Người học phải học cách phân tích chúng nắm lấy phương tiện này để phân tích các vật thể, các đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu cái đơn giản trong cái phức tạp, nghiên cứu cái phức tạp trong cái đơn giản. Đấy là những vấn đề cơ bản nhất của nghiên cứu bản chất của hình – hình thể. Nghiên cứu từ các hình học cơ bản, để vận dụng vào nghiên cứu các vật thể, như chai lọ, hoa quả, bàn ghế và các tổ hợp của chúng. Từ những bước đi ban đầu vững vàng có sự hiểu biết sâu có tạo sự cảm nhận vật thể tốt, dần dần luyện dược cái nhìn có tính thẩm mỹ. Qua phần ban đầu đến phần khó hơn, như nghiên cứu các bộ phận của con người, là đã đi sâu vào thế giới vật chất, tiếp cận với các cấu trúc đa chiều, tiếp cận với không gian và tác động của ánh sáng chồng chéo lên nhau, tiếp cận các sắc thái mới, không chỉ vật chất mà còn cả thần thái tình cảm và các quy luật của ánh sáng, bóng tối, đường nét… phức tạp hơn, vẽ từ các vật tĩnh đến các vật thể động như các động vật và người v.v… Tuy vậy, những biểu hiện chủ yếu sự vật vẫn là hình – hình thể, có tổ chức kết cấu trong một hình thể riêng của từng vật thể, vẫn là quan sát, phân tích chúng qua phương tiện những hình khối cơ bản được cấu trúc với nhau. Như những hình khối lập thể, cùng phân tích và thể hiện, từ đơn giản đến phức tạp hơn. Để làm được việc này, phải luyện tập nhiều mới có sự cảm nhận đúng và thể hiện được sự vật là đối tượng mà mình nghiên cứu.
Đây là quá trình nghiên cứu dễ dàng gì nắm bắt được cần phải có thời gian, lao động cần và đủ cho công việc này (thì mới ngộ ra, vỡ ra).
5. Về cơ thể con người:
Con người là đối tượng quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu hình họa, nó hội tụ tất cả những yếu tố trong tự nheien và yếu tố xã hội, yếu tố động thái tình cảm, thể chất. Tóm lại là nghiên cứu vật chất và thần thái của đối tượng.
Ký họa chân dung bằng mực nho của Trần Huy Oánh, tháng 3 năm 1969
Nghiên cứu cơ thể con người cho ta những cần thiết của công việc sáng tạo nghệ thuật: hình thể, không gian sống, thần thái của sự vật, tỉ lệ hài hòa, cảm nhận thẩm mỹ, cảm nhận cuộc sống.
Nghiên cứu cơ thể con người là đối tượng, là phương tiện để rèn luyện ngôn ngữ tạo hình. Qua đó có kiến thức tạo hình, có năng lực sáng tạo, có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề cơ bản của tạo hình, có am hiểu về không gian và vai trò trọng yếu của không gian, xử lý không gian trên mặt phẳng cũng như xử lý không gian trong không gian ba chiều…
Quá trình nghiên cứu là quá trình rèn luyện công phu, để đạt kết quả từng bước, từng giai đoạn, rèn luyện khả năng nắm bắt, phân tích, hiểu biết và thể hiện được các yếu tố cơ bản sau đây:
Hình thể, Hình khối, Không gian, Cái chung, Cái riêng trong đó:
- Đường nét;
- Mảng (diện);
- Sáng, tối (diễn tả);
- Đậm nhạt;
- Sắc độ cơ bản (đen, trắng, xám, trung gian);
- Bố cục;
- Kết cấu;
- Động – Tĩnh;
- Cảm nhận thẩm mỹ;
- Cảm nhận cuộc sống xã hội của đối tượng.
Để làm được những việc trên, song song với quá trình nghiên cứu phải có thười gian cần thiết để trau dồi các môn học giải phẫu người, đặc biệt thấu thị và các môn xã hội khác có liên quan. Trong phạm vi bài viết này, chỉ nêu ra những vấn đề cơ bản, những hiểu biết cần thiết và những quan niệm về hình – hình thể. Nêu lên những tiến trình nghiên cứu từ sơ khai dần dần tiến đến những vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ hình thể phức tạp, khó khăn hơn. Người học phải luyện tập rất công phu và trau dồi kiến thức song song với rèn luyện các kỹ năng kỹ xảo, sử dụng các phương tiện thể hiện trong nghệ thuật tạo hình.
- PGS. Họa sỹ Trần Huy Oánh -
>>> Hình họa - Khoa học của nghệ thuật thị giác
>>> Kỹ thuật vẽ một bài Hình họa