Ảnh hưởng của hội họa trừu tượng vào TKĐH

Mỹ thuật ứng dụng cũng như các ngành thiết kế nói chung luôn bị ảnh hưởng bởi tinh thần thời đại và những dòng nghệ thuật chủ lưu chi phối nghệ thuật thời kỳ đó. Trong thiết kế đồ họa ứng dụng hiện nay, có thể có sự ảnh hưởng của rất nhiều xu thế nghệ thuật đương đại, mang tính chất thời đại như các trào lưu nghệ thuật Hiện đại (Lập thể, Biểu hiện, Trừu tượng, Siêu thực…). Các họa sĩ thiết kế biết tiếp thu, phát triển và kế thừa tính thẩm mỹ ở một trong những trào lưu hội họa chủ lưu lúc bấy giờ, đó là hội họa trừu tượng. Sự ảnh hưởng của trừu tượng tạo thành những tác phẩm thiết kế đồ họa mang sắc thái mới đạt đến tính sáng tạo của nghệ thuật mới. Các yếu tố ngôn ngữ của hội họa trừu tượng như màu sắc ,điểm, tuyến, diện, cả tư duy hình tượng cũng như các thành tố chủ quan và tình cảm rất gần gũi với tư duy hiện đại vị nhân sinh trong thiết kế mỹ thuật ứng dụng và đặc biệt là thiết kề đồ họa hiện đại.

1. Nghệ thuật trừu tượng:

Thuật ngữ “Trừu tượng” (Abstract) dùng để chỉ những gì khái quát, chung nhất của tư duy. Trừu tượng hóa là khả năng tổng hợp, khái quát để chọn ra những đặc điểm, tính chất chung nhất, tiêu biểu nhất của một hay nhiều sự vật, hiện tượng.

Hội họa Trừu tượng hay còn là trào lưu nghệ thuật “không hình tượng” hay nói cách khác nghệ thuật không lây vật thể làm đối tượng sáng tác, không căn cứ vào thực tế để vẽ mà chỉ sáng tác theo chủ quan của nghệ sĩ. Nghệ thuật trừu tượng ra đời vào đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi cơ bản nghệ thuật tạo hình trên thế giới. Từ đây, phản ánh hiện thực không còn là nỗi ám ảnh của họa sỹ nữa.

2. Sự ảnh hưởng giữa hội họa trừu tượng trong thiết kế đồ họa:

Giai đoạn đầu thế kỷ XX, hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra, thời gian giữa các cuộc chiến tranh được đánh dầu bằng những biến động xã hội và kinh tế sâu sắc trong các nước công nghiệp. Năm 1919, trường thiết kế Bauhaus được thành lập ở Weimar. Bauhaus được coi là cái nôi của chủ nghĩa Công năng hiện đại. Ở Bauhaus, người ta đề cao những nguyên tắc cơ bản, đặc biệt là nguyên tắc bố cục, lý thuyết màu sắc cơ bản. Wassily Kandinsky, Paul Klee, Modrian là những giáo sư giảng dạy về lý thuyết tạo hình và nhấn mạnh vào lý thuyết màu. Thiết kế đồ họa thời kỳ này chịu ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa cấu trúc và hội họa trừu tượng. Như thiết kế áp phích (Hình 1) ta thấy các nhà thiết kế đương thời sử dụng những mảng miếng hình khối cơ bản kết hợp trong bố cục, màu sắc sử dụng là những màu sắc rực rỡ, những màu “nguyên” kết hợp đặt cạnh nhau. Cách sử dụng yếu tố tạo hình này khác hẳn với lối thiết kế minh họa quảng cáo những sản phẩm cùng thời thường vẽ những hình trực quan của vật thể.

truu tuong 1
Hình 1: Một số áp phích Bauhaus

Một thế kỷ qua đi, đồ họa ứng dụng phát triển rất mạnh mẽ. Ấn phẩm đồ họa sử dụng các yếu tố cơ bản của trừu tượng ngày càng nhiều và đa dạng lĩnh vực hơn. Nếu khởi đầu ấn phẩm đồ họa sử dụng ngôn ngữ trừu tượng thường gắn với những trường thiết kế mỹ thuật, rồi lan dần sang lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật (như âm nhạc, thời trang, lễ hội…) và đến giờ xuất hiện gần như ở tất cả các lĩnh vực khác (dịch vụ, thương mại…). Có chăng yếu tố trừu tượng được sử dụng ở mức độ nào đó. Ảnh hưởng của hội họa trừu tượng trong thiết kế đồ họa được hiểu nghĩa sát hơn là việc sử dụng ngôn ngữ trừu tượng vào trong thiết kế đồ họa. Ngôn ngữ trừu tượng đưa vào trong thiết kế sẽ chia thành 2 cấp bậc:

- Sử dụng hoàn toàn các yếu tố tạo hình trong hội họa trừu tượng vào thiết kế (phi vật thể khách quan). (Hình 2).

- Sử dụng một phần các yếu tố tạo hình của hội họa trừu tượng vào trong thiết kế (vẫn còn vật thể khách quan). (Hình 3).

Khi sử dụng ngôn ngữ tạo hình của hội họa Trừu tượng này vào trong thiết kế ta sẽ thấy có những điểm tương đồng và những điểm tương phản với nhau.

truu tuong 2

Hình 2: Yếu tố sử dụng hoàn toàn tạo hình hội họa trừu tượng

truu tuong 3
Hình 3: Yếu tố sử dụng một phần tạo hình hội họa trừu tượng

Tương phản: hội họa Trừu tượng là hội họa không có đối tượng, tác phẩm nhằm mục đích truyền tải cảm xúc cá nhân, cái tôi của họa sĩ. Ngược lại, tác phẩm thiết kế đồ họa là một ấn phẩm để phục vụ cho số đông người xem, để truyền bá thông tin đến cho người xem được nhanh và hiệu quả nhất. Đây là sự tương phản lớn nhất trong mối quan hệ trừu tượng và thiết kế đồ họa: nếu dùng ngôn ngữ tạo hình của trừu tượng để thiết kế vậy thông điệp có truyền đạt đến cho tất cả người xem? Thứ hai đó là “cảm xúc” của ngôn ngữ trừu tượng mang lại, với tranh trừu tượng người xem tự cảm nhận theo cách riêng của mình. Ấn phẩm đồ họa dùng ngôn ngữ trừ tượng lại hướng số đông người xem đến một xúc cảm, một thẩm mỹ chung.

Để trả lời vấn đề thứ nhất, ta quay lại các yếu tố cấu thành ấn phẩm đồ họa: chữ - chữ vừa là yếu tố tạo hình vừa là yếu tố thông tin. Gần như ấn phẩm đồ họa nào cũng phải có chữ. Đối với những thiết kế sử dụng nhiều hoặc hoàn toàn ngôn ngữ trừu tượng chúng ta sẽ có chữ để đem lại thông tin cho người xem. Đối với những thiết kế kết hợp yếu tố trừu tượng và vật thể, mặc nhiên thiết kế đó đã thể hiện một phần nội dung thông tin rồi. Tự thân yếu tố màu sắc, điểm, tuyến, mảng… đã có tiếng nói riêng của mình: dữ dội hay nhẹ nhàng, tĩnh lặng hay bùng cháy… Yếu tố tạo hình trừu tượng lúc này góp phần chú giải bổ sung, gia tăng cảm xúc và yếu tố thẩm mỹ cho tác phẩm thiết kế.

Hội họa trừu tượng khai phá tâm lý cá nhân (nội giới), cái tôi và cảm xúc của nghệ sĩ được tôn vinh tuyệt đối. Trong ấn phẩm đồ họa lại khác: cảm xúc trong ấn phẩm không chỉ đơn thuần là cảm xúc của nhà thiết kế mà là cảm xúc và tâm lý của cả cộng đồng. Khi thiết kế, người thiết kế phải tìm hiểu tâm lý cộng đồng hoặc ở từng vùng địa lý khác nhau, tìm hiểu tâm lý giới tính lứa tuổi khác nhau với đối tượng cần quảng bá (như đối tượng nghệ thuật trong hội họa). Việc sử dụng yếu tố tạo hình trừu tượng vào ấn phẩm đồ họa, bằng cách nào đó nhà thiết kế đã muốn truyền tải cảm xúc vào tác phẩm nhiều hơn. Tác phẩm thiết kế đồ họa lúc này không còn là một ấn phẩm quảng bá thông tin khô khan mà xúc tích giàu tình cảm dễ đi vào lòng người. Đối với mỗi ấn phẩm mà người xem đọc được tình cảm trong đó, khơi gợi được cảm xúc của cá nhân đó chính là thành công và đích đến của mỗi tác phẩm và tác giả.

Tương đồng: xuất phát điểm của hội họa và thiết kế đó là sự sáng tạo. Sáng tạo là năng lực đặc biệt mang tính đặc trưng của con người thể hiện khả năng vượt trội của con người. Chủ thể sáng tạo trong hội họa trừu tượng có khác so với chủ thể sáng tạo trong thiết kế. Chủ thể sáng tạo của hội họa trừu tượng là của cá nhân họa sĩ, còn của thiết kế là họa sĩ thiết kế hoặc nhóm thiết kế thông qua những buổi brainstoming (họp nhóm đưa ra ý tưởng chung). Trong ngôn ngữ tạo hình của hội họa Trừu tượng và đồ họa đều bao gồm: các điểm, tuyến, mảng, diện, màu sắc được sử dụng linh hoạt. Các yếu tố này trong hội họa trừu tượng và trong tác phẩm thiết kế không phải được nghệ sĩ tùy tiện dùng và đặt mà phải được bố cục hợp lý, chặt chẽ (yếu tố tư duy). Tranh trừu tượng hay ấn phẩm đồ họa đều được thể hiện trên mặt phẳng hai chiều, có hoặc không có thể hiện không gian và thời gian. Cả Hội họa Trừu tượng và thiết kế đồ họa đều theo đuổi mục đích cuối cùng đó là đi tới xúc cảm, cảm giác của người xem và người vẽ / người thiết kế.

Đối với mỗi loại hình đồ họa sẽ chỉ thích hợp việc sử dụng hoàn toàn hoặc một phần ngôn ngữ trừu tượng vào thiết kế. Thiết kế đồ họa sử dụng hoàn toàn yếu tố trừu tượng vào trong thiết kế sẽ phù hợp với những ấn phẩm mang tính văn hóa nghệ thuật cao như: chương trình âm nhạc, chương trình nghệ thuật biểu diễn, chương trình thời trang, triển lãm nghệ thuật… Thiết kế đồ họa sử dụng một phần ngôn ngữ trừu tượng vào trong thiết kế thì được dùng rộng rãi va đa dạng hơn gần như ở mảng chính trị, thương mại hay văn hóa đều có thể áp dụng được.

Nhiệm vụ của ấn phẩm đồ họa là phải truyền tải được thông điệp mang ý nghĩa nội dung tới người xem một cách hiệu quả nhất. Tác phẩm đồ họa mang ngôn ngữ của hội họa trừu tượng không những truyền tải được thông điệp cho người xem mà còn truyền được cảm xúc, chất cảm trong các vấn đề cần quảng bá, từ đó khơi gợi sự thích thú háo hức và khám phá những điều ẩn chứa đằng sau cái “trừu tượng” trong đó.

3. Giá trị ngôn ngữ hội họa trừu tượng trong sáng tác thiết kế:

Quá trình sử dụng yếu tố tạo hình của hội họa trừu tượng vào trong thiết kế đồ họa làm gia tăng giá trị cho tác phẩm, làm tác phẩm thiết kế trở nên nghệ thuật hơn, mang tinh thần của hội họa trừu tượng và vẫn đáp ứng được công năng vốn có của sản phẩm ứng dụng. Với ấn phẩm sử dụng ngôn ngữ tạo hình trừu tượng sẽ có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Giá trị về lịch sử và văn hóa: Quá trình ảnh hưởng của nghệ thuật trừu tượng đến thiết kế đồ họa vào khoảng nửa sau thế kỷ XX, những nhà thiết kế đồ họa đã trải qua những ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật hiện đại như: Dã thú, Lập thể, Vị lai, Siêu thực, Trừu tượng… Nghệ thuật thiết kế đồ họa có sự dịch chuyển từ thiết kế đơn thuần hình tượng sang thể hiện có gợi ý từ các xu hướng hội họa hiện đại. Trên tinh thần miêu tả sự vật, đối tượng nhưng nhà thiết kế bắt đầu quan tâm chi tiết hơn đến hình ảnh sinh động có nội dung truyền tải phù hợp với tình hình xã hội.

Thời kỳ hậu hiện đại (được xem từ thập niên 70 của thế kỷ XX), sự ảnh hưởng của nghệ thuật trừu tượng được nhìn nhận rộng rãi hơn bởi những biến thể khác của thiết kế đồ họa. Những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI những ảnh hưởng này còn thấy xuất hiện rầm rộ hơn bao giờ hết. Trừu tượng xuất hiện trên đồ vật trang trí, đồ nội thất, đồ họa được kết hợp hay có mối quan hệ với nhau để hình thành xu hướng của nghệ thuật mới hay hình thành trường phái thiết kế đồ họa có hơi thở mới. Dẫu vậy, những thiết kế hiện đại này vẫn không chối từ quá khứ của mình đó là sự thể hiện tính thẩm mỹ có từ hội họa trừu tượng làm thỏa mãn nhãn quan của người thưởng thức và sử dụng. Sự bùng nổ và phát triển của nghệ thuật thiết kế đồ họa một phần nhờ vào kết quả của việc sử dụng máy tính và kỹ thuật in ấn hiện đại. Công nghệ số hóa và sự ra đời của Internet đã tạo ra sự biến đổi và tạo thành cuộc cách mạng trong thiết kế đồ họa hiện nay.

Chúng ta biết được quá trình hình thành của hội họa trừu tượng, của thiết kế đồ họa và cũng thấy được sự tiếp biến của ngôn ngữ tạo hình hội họa này trong thiết kế giai đoạn đầu thế kỷ XX và hiện nay. Thiết kế sử dụng ngôn ngữ trừu tượng có nền tảng vững chắc là hội họa trừu tượng và với sự dẫn dắt của các họa sĩ bậc thầy của Trừu tượng trong thiết kế nền tảng ở Bauhaus, Dauglab Hall đã viết như sau: “Tác phẩm giai đoạn sau của Klee, ngoài khía cạnh tinh thần lớn lao, còn có tầm quan trọng rất cao trong sự phát triển nghệ thuật hiện đại trong tương lai”.

Giá trị nghệ thuật thiết kế: Yếu tố nổi bật trong cả hội họa trừu tượng và ấn phẩm đồ họa đó là màu sắc. Cách sử dụng màu sắc và những mảng màu ngoài yếu tố tác động mạnh đến thị giác, nó còn biểu đạt sâu sắc về văn hóa. Màu sắc có ngôn ngữ riêng của nó mà chúng ta phải tự cảm nhận, có sức mạnh làm tâm hồn chúng ta rung động. Việc đánh giá màu sắc mang tính chủ quan cao, mỗi người một cách riêng khó đưa ra tiêu chuẩn đo lường. Tuy nhiên những người có cùng một cộng đồng văn hóa thường có cách nhìn nhận tương đối giống nhau. Dù vẫn có những điểm tương đồng trên thế giới trong việc giải thích ý nghĩa các sắc màu nhưng sự khác biệt vẫn là rất lớn giữa các nền văn hóa khác nhau. Sắc màu là phương tiện hữu hiệu nhất để diễn tả đặc trưng của thế giới quan xung quanh ta. Cá tính mỗi người và tâm lý dân tộc cũng thể hiện qua sở thích cảm thụ màu sắc. Sự phân biệt màu sắc là năng lực của tư duy và năng lực này cũng phát triển theo sự phát triển của xã hội ở từng khu vực địa lý. Nhà thiết kế sáng tạo ra những màu sắc hợp thị hiếu thẩm mỹ công chúng khiến cho nhìn nhận về màu sắc của con người thay đổi. Màu sắc trong sản phẩm quảng cáo đồ họa không chỉ là hình thức bên ngoài thể hiện thị hiếu thẩm mỹ, mà còn là cái bên trong bộc lộ tính cách nhà thiết kế hay người chọn sản phẩm sử dụng.

Ấn phẩm đồ họa sử dụng ngôn ngữ trừu tượng tức sẽ mang luôn cái tinh thần trừu tượng tức là cảm xúc. Cảm xúc ai cũng có nhưng nó mạnh hơn ở người nghệ sĩ, chính vì vậy ấn phẩm đồ họa sử dụng ngôn ngữ trừu tượng hoàn toàn sẽ thích hợp với những đề tài về nghệ thuật, các sự kiện/ chương trình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thiết kế, thời trang. Đối với những dạng ấn phẩm đồ họa thương mại hoặc chính trị thì yếu tố thông tin và thông điệp rõ ràng để ai cũng lĩnh hội được nên yếu tố trừu tượng sẽ được người thiết kế tiết chế bớt đi, chỉ sử dụng một phần, bổ sung và tương trợ cho yếu tố minh họa khác trong tác phẩm. Dạng tác phẩm kết hợp này sẽ vẫn rõ ràng về hình ảnh về nội dung mà vẫn ngập tràn cảm xúc trong tác phẩm, cảm xúc mà người thiết kế định hướng để người xem sẽ phải có.

Ấn phẩm đồ họa sử dụng ngôn ngữ trừu tượng trong thiết kế sẽ có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Họa sĩ thiết kế phải khai thác những ngôn ngữ khác biệt (ngôn ngữ trừu tượng) tạo nên những biểu đạt khác làm tác phẩm thiết kế của mình độc đáo, nổi bật mang nhiều giá trị về mặt nghệ thuật. Người xưa vẫn nói “ít lời nhiều ý”, đúng với mọi lúc mọi thời điểm, thiết kế sử dụng yếu tố tạo hình trừu tượng cũng vậy, cái cuối cùng đọng lại với người xem chính là cảm xúc. Dù thiết kế sử dụng ngôn ngữ trừu tượng ra đời cũng chưa lâu (hơn 100 năm trước với khởi đầu là áp phích của trường Bauhaus) nhưng chắc chắn đây sẽ là hướng đi lâu dài và còn phát triển hơn nữa vì cảm xúc con người là tận cùng và chưa bao giờ chúng ta hiểu hết được cảm xúc của mình. Khi giá trị công năng của ấn phẩm đồ họa hết rồi cái còn lại vẫn là cảm xúc, và nó sẽ làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Trí tuệ và sự sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học cập nhật liên tục, nhịp sống công nghiệp đòi hỏi phải tiết kiệm thời gian. Khả năng nhận thức và tiếp nhận của con người chỉ có mức độ. Vì vậy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có ý tưởng và tư duy tổng hợp, chắt lọc, khái quát cao trong tạo hình và màu sắc phản ánh sâu sắc đặc điểm đối tượng cần quảng bá. Ngày nay các nhà thiết kế (designer) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã khai thác ứng dụng cái đẹp của các tác phẩm nghệ thuật hội họa trừu tượng vào trong tạo hình sản phẩm nghệ thuật thiết kế ứng dụng như thiết kế Thời trang, Kiến trúc, Nội thất, Đồ họa v.v… trong đời sống xã hội đương đại. Họ muốn phá bỏ ranh giới giữa nghệ thuật với thiết kế (design). Và sự kết hợp tinh tế giữa hai lĩnh vực nghệ thuật ấy đã tạo ra một đời sống mới cho Mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhân loại.

Trong hội họa Trừu tượng lấy cái đẹp thẩm mỹ là tiêu chuẩn quan trọng nhất? Nhưng việc xác định cái thẩm mỹ lại khá phức tạp, vì tiêu chuẩn đó rất khó xác định. Phong cách Trừu tượng hình học của những danh họa như Mondrian, Theo Van Poesburg, Herbin… Cho đến ngày nay vẫn có ảnh hưởng quyết định lên thẩm mỹ hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật thiết kế, áp dụng vào trong thiết kế và Tạo dáng công nghiệp, Thương mại, Kiến trúc, Nội thất, Thời trang… trong đời sống xã hội hàng ngày. Nghệ thuật trừu tượng, cũng như các trường phái hội họa hiện đại khác, không thể hiện một cách hiện thực như mắt nhìn thấy mà biểu thị những ý niệm, cảm xúc của nghệ sỹ về một vài nét nào đó của đối tượng. Khi ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật Trừu tượng ảnh hưởng và tiếp biến tới thiết kế đồ họa, nó đã cho đồ họa một ngôn ngữ mới một cách biểu đạt khác. Ấn phẩm đồ họa sử dụng yếu tố trừu tượng trong thiết kế là một hướng khai thác tốt, người họa sĩ thiết kế tạo được hướng đi riêng cho mình. Đó chính là giá trị nghệ thuật của hội họa trừu tượng và tác phẩm đồ họa sử dụng ngôn ngữ trừu tượng. “Ít lời nhiều ý” – truyền đạt cảm xúc đến cho người xem. Cả quá trình hình thành hội họa trừu tượng rồi tiếp biến đến thiết kế đồ họa, ngoài giá trị nghệ thuật thì nó còn mang giá trị về lịch sử và giá trị văn hóa, vị thế vững chắc trong thế giới đồ họa ứng dụng hiện nay và cả trong tương lai.

- Trần Thị Thy Trà -

>>> Các yếu tố cơ bản trong thiết kế đồ họa

>>> Nguyên tắc thiết kế đồ họa (Phần 1)

>>> Thiết kế đồ họa của Pháp

0976984729