Hoa văn về đề tài hiện thực (Phần 2)
Hoa văn hình cá tuy không nhiều lắm nhưng chúng ta có thể tạm chia chúng thành 3 loại:
- Loại thứ nhất là hình cá trên các trống đồng Hoàng Hạ và Miếu Môn. Đây là hình ảnh của một loài cá thân dẹt, bụng tròn, mình ngắn mà có lẽ đây là loại cá chép. Rất tiếc hình được cách điệu quá nhiều nên khó nhận ra được nét riêng của từng loại (Hình 47 b, c).
- Loại thứ hai là hình cá trên các thạp đồng Hợp Minh và Lào Cai. Cá ở đây là loại có kích thước lớn, mình dài, đầu nhọn có những vây lớn đang nhào lộn trước và sau thuyền. Đây là hình của một loài cá dữ, mà đồng loại gần gũi với nó có mặt trên hoa văn trống đồng Lào Cai được Vũ Thế Long đoán định là cá nhám (Hình 47 d, e).
- Loại thứ ba cũng ở thạp đồng Hợp Minh. Đó là loại hoa văn hình cá đuối. Hình cá không có chi tiết nhưng vẫn dễ nhận ra vì dáng con vật này khá đặc biệt (Hình 47 đ).
* Hoa văn hình cá sấu: Hoa văn hình cá sấu được trang trí trên nhiều di vật bằng đồng ở các di chỉ thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Đó là hình cá sấu trên thạp đồng Đào Thịnh, trên khóa thắt lưng Ninh Bình, trên các rìu đồng ở Đông Sơn, Núi Sõi, Sơn Phú, trên các rìu, giáo và dao găm bằng đồng khác được Bảo tàng Mỹ thuật sưu tầm rải rác trong Thanh Hóa mà chắc cũng từ di chỉ Đông Sơn. Như vậy, ngoài thạp đồng Đào Thịnh và khóa thắt lưng Ninh Bình, chúng ta còn phát hiện 4 rìu, 3 giáo và một dao găm có trang trí hình cá sấu.
Chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc với tất cả các hiện vật này nhưng qua các tài liệu đã công bố thì có điều rất lạ là con vật hung dữ đáng sợ này lại được người dân Lạc Việt ưu ái luôn luôn khắc họa chúng thành từng đôi.
Ở thạp đồng Đào Thịnh, ngời ta bố cục chúng chen vào giữa hai thuyền lớn. Thân chúng dài, đuôi to, mồm nhọn, cả hai được chạm theo lối trắc diện, quay bụng vào nhau và dính chân dính đuôi, trên mình lại được tô điểm bằng nhiều chấm dải (Hình 48 a). Còn hai đôi ở hai mặt của các rìu xéo Đông Sơn thì khắc họa đã có phần cách điệu hơn. Chúng cũng quay bụng vào nhau nhưng chỉ dính chân, còn đuôi đều cuộn tròn lại, mồm nhọn đang há ra có vẻ biểu lộ sự dữ tợn (Hình 48 b). Các đôi ở khóa thắt lưng Ninh Bình tính cách điệu lại càng cao hơn. Bốn đôi ở bốn góc của hiện vật cũng bố cục quay bụng vào nhau nhưng chi tiết mất hết nên cả hai trở thành một khối chung và trông qua như một bông hoa với hai cánh tròn cuộn lại. Nếu không biết trước bởi các hình trên rìu xéo và thạp thì khó lòng nhận ra hình của hai con cá sấu này. (Hình 48 c).
Còn ở khóa thắt lưng Bắc Kỳ và Đông Sơn thì hình cá sấu được bố cục từng đôi quay đầu vào nhau, mắt tròn to, thân chạy dài cho đến đuôi thành cả một mảng liền (Hình 48 d). Có người gọi những hình này là hình của con giao long được nhắc nhiều trong các truyện truyền thuyết từ xưa và cho rằng, có thể nó là tiền thân của con rồng Việt.
Hình 48. Hoa văn hình cá sấu
a. Trên thạp đồng Đào Thịnh; b. Trên rìu xéo Đông Sơn; c. Trên khóa thắt lưng Ninh Bình; d. Khóa thắt lưng Đông Sơn
2. Các hoa văn về đề tài sinh hoạt của con người:
Trong các hoa văn về đề tài hiện thực của nghệ thuật trang trí thời này, những đề tài có liên quan đến hoạt động của con người đương thời chiếm một số lượng lớn. Đó là những hình ảnh về các ngôi nhà công cộng, về những con thuyền – một phương tiện giao thông ưu việt đương thời. Đó còn là những trò chơi, những tục đánh trống đồng, những vũ sĩ trong những điệu múa tập thể…
Những hoa văn này thường được khắc họa trên trống đồng, thạp đồng và một ít trên cả tư liệu sản xuất là rìu đồng. Tuy chưa thật nhiều, thật đầy đủ nhưng các tài liệu này vô cùng quý giá, vì nó giúp chúng ta hiểu biết về cuộc sống lao động sản xuất chiến đấu, các sinh hoạt tinh thần của người Lạc Việt. Quý giá hơn nữa vì giai đoạn này chúng ta chưa có sử sách ghi chép lại.
a. Hoa văn các loại hình nhà:
Cho đến nay trên đất nước ta đã phát hiện được 6 trống đồng và một thạp đồng có trang trí đồ án hoa văn hình nhà. Đó là các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà, Bản Thôm, Quảng Xương và thạp đồng Hợp Minh. Các hình nhà này đều được khắc trên các băng chính của mặt trống, thân thạp và được gắn liền trong một đồ án chung về các sinh hoạt lễ hội của mọi người. Chúng ta có thể chia làm hai loại nhà dù trong trong từng loại, ở trống này, trống khác có khác nhau chút ít. Đó là loại nhà sàn mái cong và loại nhà sàn mái uốn tròn. Trong các trống và thạp trên đều có cả hai loại hình nhà này. Riêng trống Quảng Xương chỉ có một loại hình nhà sàn mái cong và ngược lại trống Bản Thôm chỉ có loại hình nhà sàn mái uốn tròn.
Sau đây là đặc điểm của hai loại hình nhà:
- Loại nhà sàn mái cong: Có thể nói đây là ngôi nhà chính, chung của cả cộng đồng. Nó chẳng những lớn nhất mà còn là nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa của mọi người. Mỗi bộ lạc có một nhà.
Loại nhà này có cấu trúc ở giữa bờ nóc hơi võng xuống và hai đầu bờ nóc nhô cao dần lên, hai con kìm ở trên trang trí thành hai hình tròn có chấm, và trên có tua lông là hình tượng của hai đầu chim. Mái nhà cong uốn lượn xuống gấn sát đất, phía ngoài rìa có nhiều tua, chắc biểu hiện cho việc lợp bằng tranh rạ, trụ lực chính cho hai mái là hai cột lớn từ giữa đỉnh nóc và các cột con khác. Cầu thang bắc ở gian giữa thuộc lưng hông nhà, như kiểu nhà rông của đồng bào Tây Nguyên ngày nay nhưng sàn thấp hơn, chỉ 5-6 bậc thang. Trên bờ nóc trang trí hình chim, bố cục dọc theo thượng lương, có lẽ đây là biểu tượng cho vật tổ của bộ lạc (Hình 49).
Trong nhà là nơi tổ chức mọi cuộc hội họp vui chơi cho các thành viên trong cộng đồng. Trống Ngọc Lũ và trống Cổ Loa có hình hai nam nữ đang ngồi đối diện nhau, bàn chân và bàn tay đang chồng lên nhau, bên cạnh đó hình một người khác đang quay lưng lại với hai người này trong tư thế đánh trống. Nhiều người cho rằng đây là hình ảnh của trò chơi “trồng nụ trồng hoa”, mà các cháu ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám còn duy trì (Hình 49 c, d). Trò chơi trồng nụ trồng hoa còn được khắc trang trí trên một lưỡi giáo đồng ở Thanh Hóa. Ở trống Hoàng Hạ thì đôi nam nữ ngồi đối diện nhau, hai tay giơ cao như đang hát và đánh nhịp. Còn ở thạp đồng Hợp Minh thì người ngồi trước đánh trống, người ngồi sau theo nhịp trống vừa hát vừa múa. Phải chăng đó cũng là lối hát đối đáp giữa nam và nữ mà còn lưu giữ mãi đến sau này (Hình 49 i).
Ngoài các hội họp vui chơi, nhà này còn là nơi cất giữ các trống đồng và các đồ dùng công cộng khác của cả tập thể bộ lạc. Riêng trống đồng Cổ Loa, phía dưới àn còn buộc một con trâu hoặc lợn. Nhưng chắc chắn đấy không phải là chuồng chăn nuôi mà có lẽ người ta buộc tạm con vật để chuẩn bị cho một lễ hội hiến tế, như kiểu lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên ngày nay, hoặc chờ để mổ thịt chè chén nhân lễ hội (Hình 49 e).
- Loại nhà sàn mái uốn tròn: Khác với loại trên, hình loại nhà này có bờ nóc uốn cong vồng lên, sàn cũng thấp, có 4 trụ chống, riêng hình nhà trên trống Sông Đà thì số lượng cột lại là 6 chiếc (Hình 50 g, h). Mái cũng sà thấp xuống, các lớp tranh rạ tua tủa hai bên. Cầu thang bắc giữa lưng hông nhà. Hai đầu kìm cũng trang trí thành hai hình tròn có chấm giữa, nhưng trên đầu không có tua lông chim. Bản thân bờ nóc cũng không trang trí mô hình chim. Điều này chứng tỏ đây là nhà phụ so với nhà chính nói trên. Riêng một trong hai nhà này ở trống đồng Hoàng Hạ, có hình hai mẹ con gà mớm mồi cho nhau đó là hình ảnh của các chú gà nuôi (Hình 50 c). Loại nhà này là nơi để treo và tổ chức đánh chiêng cồng phục vụ cho các nghi lễ của ngày hội. Hình nhà này ở trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ được mô tả hai bên vách nhà, treo đầy chiêng cồng và một người đứng giữa giơ tay đánh (Hình 50 c, d). Còn ở trên trống Sông Đà và thạp Hợp Minh chỉ thấy treo đầy cồng chiêng không có người đánh (Hình 50 d, g, h). Riêng hình nhà ở trống Cổ Loa thì có người đứng nhưng không rõ trong đó đang làm gì (Hình 50 e).
Hình 49. Hoa văn hình nhà sàn mái cong
a, b. Trên trống Ngọc Lũ; c, d. Trên trống Hoàng Hạ; đ, e. Trên trống Cổ Loa;
g, h. Trên trống Sông Đà; i. Trên thạp Hợp Minh; k. Trên trống Quảng Xương
Tóm lại trên đây là hai kiểu nhà, dù ở mỗi trống, mỗi thạp khắc họa có khác nhau chút ít nhưng đều mang nét chung giống nhau. Theo chúng tôi, hai loại nhà trên đây không phải là nhà ở riêng lẻ của các thành viên mà đây là hai ngôi nhà công cộng của cả tập thể công xã, do toàn công xã góp sức xây dựng lên để làm nơi sinh hoạt chung. Mỗi một công xã thường có cả hai loại nhà này. Ngôi nhà sàn mái cong lớn hơn và cũng là ngôi nhà chính dùng để làm nơi hội họp bàn bạc công việc của công xã. Nóc ũng là nơi để tổ chức các lễ hội, các trò chơi và các sinh hoạt tinh thần khác cho tất cả mọi người. Nó mang chức năng gần giống như ngôi nhà rộng của đồng bào Tây Nguyên ngày nay, hoặc ngôi đình làng của nông thông đồng bằng Bắc Bộ trước đây.
Còn ngôi nhà sàn mái tròn nhỏ hơn là nơi để tổ chức đánh chiêng đánh cồng trong các nghi lễ long trọng. Có lẽ vì vậy nhiều người gọi đó là nhà cầu mùa. Tuy nhiên cũng có người gọi nhà này là nhà kho, còn nhà mái cong mới là nhà cầu mùa.
Một số nhà khoa học đã dựa vào các hoa văn hình nhà trên các trống và thạp đồng này, kết hợp với các dấu vết vật chất kiến trúc còn lại trên các di chỉ ở Đông Sơn, để dựng lên bộ mặt của loại nhà sàn Đông Sơn. Thú vị hơn, còn dựa thêm tài liệu về nhà cổ truyền của người Toradja (Indonesia) để so sánh làm vật chứng về sự tương đồng của cả hai loại nhà. Đó là những tài liệu quý để giúp chúng ta hiểu thêm về nhà ở của người Đông Sơn.
Hình 50. Hoa văn hình nhà sàn mái uốn tròn
a, b. Trên trống Ngọc Lũ; c, d. Trên trống Hoàng Hạ; đ. Trên thạp Hợp Minh;
e. Trên trống Cổ Loa; g, h. Trên trống Sông Đà
Rất tiếc các hoa văn hình nhà được trang trí trên các trống, thạp đồng còn chưa có nhiều, tác giả thể hiện chúng trong những không gian quá eo hẹp, lại dùng bút pháp đầy tính ước lệ nên chưa cho chúng ta thấy được một hình ảnh đầy đủ chi tiết. Tuy nhiên, có điều đáng ghi nhận và cần nghiên cứu thêm, phải chăng ngôi nhà sàn mái cong này là bóng dáng xa xôi nào đó của ngôi đình làng, mà chúng ta thấy được phát triển rầm rộ vào các thế kỷ XVI, XVII và ngày nay dấu tích còn lại hiện diện trên đất nước ta.
b. Hoa văn các hình thuyền:
Thuyền là một phương tiện giao thông quan trọng từ thời xưa đối với những cư dân sống ở vùng có nhiều sông lạch, ao hồ. Chưa rõ người Việt cổ biết dùng thuyền từ bao giờ, nhưng chắc chắn người Đông Sơn đã chế tạo và sử dụng nó một cách thành thạo và quen thuộc. Do vậy trong các hoa văn về đề tài sinh hoạt xã hội, hoa văn hình thuyền được đề cập đến khá nhiều trên các đồ án trang trí của trống đồng, thạp đồng. Thậm chí còn có cả trên rìu đồng và tấm che ngực là những đồ dùng có diện tích nhỏ bé.
Ngoài chức năng đánh cá và chuyên chở đi lại, người Lạc Việt còn dùng thuyền để chiến đấu và tổ chức các hội lễ hàng nằm của mình. Hoa văn hình thuyền ở đây có nhiều loại, trên cơ sở chức năng chúng tôi tạm chia thành một số loại sau:
- Hoa văn hình thuyền rước lễ hội:
Loại hoa văn hình thuyền này xuất hiện khá nhiều trên các trống, thạp đồng vào loại sớm của văn hóa Đông Sơn. Đó là các trống đồng như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… và các thạp như Đào Thịnh, Hợp Minh, Việt Khê, Xuân Lập … (Hình 51, 52).
Gọi là thuyền rước lễ hội vì loại thuyền này chuyên dùng để tổ chức rước diễn phục vụ cho những nghi lễ tập tục quan trọng trong ngày hội lễ. Thuyền này còn tồn tại mãi trong các lễ hội dân gian cho đến thời này, mà ta quen gọi là thuyền rồng vì đầu thuyền có hình rồng. Nó thường to lớn kềnh càng đi lại không nhanh nhưng có dáng vẻ long trọng.
Những hình thuyền này trên các trống đồng cũng có dáng dấp gần như vậy. Hai đầu thuyền cong vút có trang trí hình đầu chim. To dài nhưng chỉ có một hoặc hai tay chèo (Hình 51 a, b, c). Cũng có thuyền như ở trống Việt Khê, thạp Hợp Minh, thạp Lào Cai số người chèo lên tới 3-4 người (Hình 51 d, hình 52 a, b). Thuyền không có mui, trên thuyền thường có một dải cao để quan sát và để trống đồng mang theo. Trên thuyền số lượng người khá đông: ở các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ là 6-7 người, còn ở thạp Việt khê thì có `12-15 người. Những người trên thuyền đều đóng vai chiến binh, tay cầm các loại vũ khí. Người cầm rìu chiến, người cầm giáo chúc mũi xuống, người cầm cung, người đánh trống. Trên thuyền còn có một hoặc hai người bị trói, chắc là tù binh và có thuyền còn có một con chó nhà (thuyền trống Ngọc Lũ). Đặc biệt tất cả những người này – trừ các tù binh – đều mặc áo quần lễ hội, nghiêm chỉnh. Đó là những chiếc mũ hình đầu chim cao dài. Cả trống và đài quan sát đều có trang trí loại đầu chim đó.
Hình 51. Hoa văn hình thuyền nước
a. Trên trống Ngọc Lũ; b. Trên trống Hoàng Hạ; c. Trên thạp Đào Thinh; d. Trên thạp Việt Khê
Hình 52. Hoa văn hình thuyền rước lễ hội (tiếp)
a. Trên thạp Hợp Minh; b. Trên thạp Lào Cai; c. Trên trống Quảng Xương; d. Trên trống Hữu Chung
Tác giả mô tả cảnh thuyền trong tư thế hoàn thành cuộc chiến đấu. Các chiến binh hầu hết đều đứng, vũ khí vẫn trong tay, đã bắt được tù binh. Có thuyền còn mô tả cả cảnh mũi giáo của kẻ thù bay cắm vào mạn thuyền.
Giải thích hình ảnh trên thuyền, có người cho rằng đây là một lễ hiến tế. Hàng năm phải cúng cho thần sông thần biển một người (chỉ người bị trói trên thuyền) để bộ lạc yên ổn làm ăn. Cũng có tài liệu lại cho rằng đây là thuyền chiến vì trên thuyền đầy các chiến binh với nhiều vũ khí. Theo chúng tôi thì không phải như vậy. Thuyền ở đây tuy tả cảnh chiến đấu nhưng vẫn là chuyên của lễ hội. Nhân ngày vui của cộng đồng, người ta tổ chức diễn lại cảnh chiến đấu và chiến thắng của bộ lạc mình nhằm ca ngợi lòng dũng cảm, sự hy sinh của các thành viên để bảo vệ cuộc sống cho toàn thể bộ lạc. Nếu là cuộc chiến đấu thực thì người chiến binh không thể mặc đồ hóa trang của ngày hội và thuyền chiến là loại thuyền nhẹ gọn, nhiều tay chèo để khi cần tấn công hoặc rút lui thì chèo cho nhanh, khi áp sát giáp lá cà thì bỏ tay chèo cầm vũ khí.
Cũng trong loại thuyền lễ hội này có hai hình thuyền ở trên các trống Hữu Chung và Quảng Xương, vì hình ảnh đã đi vào cách điệu khá cao nên chúng ta không rõ những người trên thuyền đang trình diễn trò chơi gì nhưng chắc chắn không phải diễn tả lại cảnh đánh trận nữa. Có thể đây là cảnh múa hát giao duyên. Dáng của thuyền thì vẫn là thuyền kiểu đó. Hai đầu thuyền cong vút lên, mũi thuyền vẫn trang trí hình chim nhưng toàn bộ đầu của nó đã có dáng dấp của một thuyền rồng hiện đại (Hình 52 b, c).
- Hoa văn hình thuyền đua: Cũng là thuyền của lễ hội nhưng các hình thuyền trên các trống Sông Đà, Miếu Môn I và Phú Xuyên thì lại diễn tả một chuyện khác. Những người trên thuyền vẫn mặc áo quần hóa trang của lễ hội nhưng hầu hết đang ngồi chèo. Cũng có thể đây là cảnh đua thuyền trong hội lễ, như có ý kiến đã nêu, vì thuyền ở đây đã nhỏ gọn hơn, độ cong của hai đầu mũi cũng ít hơn (Hình 53 a, b, c). Ở hình thuyền trên trống Sông Đà, giữa đám bơi chèo có người đánh trống cổ vũ động viên các tay bơi, còn ở hình thuyền ở trống Miếu Môn I lại có một chiến binh ngồi đầu mũi trong tay lăm lăm chiếc rìu chiến, như cảnh giác với bọn cướp thì lại rất lạ, khó giải thích (Hình 53 a).
Chẳng những hình dáng các thuyền này đã khác loại thuyền rồng ở trên, mà có thuyền như hình thuyền ở trên trống Miếu Môn I, mũi đã thay cho việc trang trí hình đầu chim bằng đầu một con cá sấu hay giao long có mồm há rộng (Hình 53 a).
Một số hình thuyền khác trang trí trên các trống Vũ Bị, Đồi Ro, Làng Vạc I, Làng Vạc II, Lào Cai II, Lào Cai V thì rõ ràng là cảnh đua thuyền, nhưng có lẽ không phải là cảnh đua thuộc những ngày hội lễ lớn long trọng của cộng đồng, vì những tay chèo trên các thuyền ở đây đều không mặc quần áo sang trọng, đầu không có mũ lông chim mà ở các thuyền hội lễ phần trên chúng ta đã thấy.
Hình 53. Hoa văn hình thuyền đua lễ hội
a. Trên trống Miếu Môn I; b. Trên trống Sông Đà; c. Trên trống Phú Xuyên
Hoa văn hình thuyền đua bơi trải
d. Trên trống Làng Vạc I; đ. Trên trống Làng Vạc II; e. Trên trống Đồi Ro
Tùy từng địa phương mà thuyền đua cũng có hình dáng khác nhau. Trên trống Đồi Ro hình thuyền đua có dáng hẹp bề ngang và dài. Hội ở đây đông nên thuyền đua thường có 6-8 tay chèo (Hình 53 e). Còn ở trống Làng Vạc II hình thuyền khá nhỏ, tay chèo chỉ có ba người (Hình 53 đ). Ở trống Làng Vạc I, trống Quang Chính và Đồng Cẩu hình các thuyền bơi cũng chỉ có ba tay chèo nhưng lại có thêm một người ngồi không để động viên, qua dáng điệu nhân vật này có vẻ là một ba chủ (Hình 53 d).
Về hình dáng, loại thuyền bơi này cũng đã khác thuyền rồng lễ hội ở phần trên. Thân thuyền ít cong hơn, đầu mũi thuyền tạo thành đầu con cá sấu (hay giao long), nhô cao lên, có phần giống với hình thuyền ở trống. Miếu Môn II ở phần trên. Dáng thon nhẹ của nó phù hợp với thuyền đua.
Ngoài những hình thuyền đã nhắc đến trên đây, còn có nhiều hình thuyền được trang trí trên các hiện vật tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn khác nữa. Nhưng hoặc vì chúng quá nhỏ bé, ví dụ như hình thuyền trên lưỡi rìu Thiệu Dương và lưỡi rìu Trung Mẫu (xem lại Hình 17 i), hoặc thể hiện theo lối cách điệu biến thể đến mức khó hình dung, ví dụ như hình thuyền trên các tấm che ngực ở Làng Cả, Đại Trạch, hoặc ở một số di chỉ khác đã công bố mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc… cho nên chưa thống kê vào đây. Trong số này có những thuyền, dáng chú ý như hình thuyền trên trống đồng Vĩnh Hùng, ngoài việc chở người còn chở cả bò nữa. Trên các trống Lào Cai thuyền như một mảng kết bằng tre nứa v.v…
c. Hoa văn dàn nhạc trống đồng:
Trống đồng là sản phẩm tiêu biểu cho nền văn minh Đông Sơn. Người Lạc Việt đã sáng tạo ra nó để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Tuy nhiên, việc đúc được trống đồng không phải là việc dễ dàng. Cho nên nó là sản phẩm chung của bộ lạc. Một bộ lạc giàu có thì may ra cũng chỉ có vài chục trống đồng. Do vậy việc sử dụng nó chắc cũng được quy định chặt chẽ. Ngoài việc phục vụ cho lễ hội, các tù trưởng còn mang theo trống đồng trên thuyền chiến để đánh, nhằm thúc giục các chiến binh tăng thêm khí thế cuộc chiến đấu. Trong các hình thuyền trang trí trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ chúng ta thấy cùng với các chiến binh tay cầm vũ khí, còn có trống da và trống đồng mà ở phần trên chúng tôi có nói đến.
Về sau, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, quân và dân nhà Trần vẫn sẳ dụng trống đồng với chức năng như vậy.
Hình 54. Hoa văn hình dàn nhạc trống đồng
a, b. Trên trống Ngọc Lũ; c, d. Trên trống Hoàng Hạ; đ, e. Trên trống Cổ Loa; g, h. Trên trống Sông Đà
Qua hoa văn chúng ta thấy các trống đồng được đặt cạnh nhau thành một dàn để tiện phối hợp âm thanh và nhịp điệu. Hoa văn và các dàn nhạc này đã được trang trí trên mặt các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà và thạp đồng Hợp Minh (Hình 54). Mỗi trống mỗi thạp có hai đồ án đăng đối nhau. Qua các đồ án này, chúng ta thấy người Lạc Việt đã kê các trống đồng trên một cái giá đỡ và liên kết các giá đó lại thành dàn. Thường mỗi dàn có 4 trống. Riêng dàn của thạp đồng Hợp Minh nhỏ hơn, chỉ có 2 trống. Để đánht rống, người ta bắc một dàn giáo cao, có sàn, trùm lên các trống. Người đánh trống được bố trí ngồi bệt trên sàn ngay phía trên các trống, mỗi người một trống, hai chân duỗi thẳng, hai tay cầm một dùi lớn cũng đưa thẳng ra phía trước. Khi đánh, các nhạc công chọc thẳng dùi qua một cái lỗ ở sàn, xuống mặt giữa của trống như động tác giã gạo bằng chày tay.
Qua các hình trên, chúng ta thấy các nhạc công đều được bố trí quay mặt về một phía và trước mặt họ, ở đầu một cột của dàn giáo, có treo một vật như một lá cờ hiệu chưa rõ có phải nhờ nó làm hiệu để các trống đánh phối hợp với nhau được nhịp nhàng hay không? (Hình 54 a, b, c, d, e).
Riêng một trong hai hình các dàn trống đồng ở Ngọc Lũ lại có bố cục hơi khác. Người nhạc công ngồi đánh sau cùng không quay mặt lại lá cờ hiệu mà đứng quay mặt ra phía sau, nơi có hình sàn nhà mái cong. Như đang theo dõi và nhận tín hiệu từ các cuộc vui đó (Hình 54 a).
Hình 55. Hoa văn hình tục giã gạo
Như vậy trống đồng không chỉ thuần túy là một nhạc cụ đệm cho các bài hát, mà nó còn được tổ chức thành một buổi hòa nhạc riêng có bố trí dàn dựng nhịp điệu lên bổng xuống trầm. Nó là một phong tục mang tính chất một lễ nghi nông nghiệp của thời Hùng Vương.
d. Hoa văn về tục giã gạo:
Hoa văn tục giã gạo được trang trí trên một số trống và thạp vào loại sớm nhất theo sự sắp xếp của các nhà khảo cổ học. Đó là các trống Ngọc lŨ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà và thạp Hợp Minh (Hình 55). Nó là một phần trong đồ án nói về sinh hoạt của người Lạc Việt. Trên các mặt trống, hoa văn này thường bố cục xen giữa cảnh hai nhà sàn mái cong và nhà sàn mái tròn. Mỗi mặt trống có hai cảnh giã gạo. Riêng trống Sông Đà chúng ta chỉ thấy có một mặc dù các cảnh khác đều có hai. Trên thạp Hợp Minh hình ảnh giã gạo bố cục gần nhà mái tròn không xen giữa hai nhà như trên các mặt trống đã nói.
Tục giã gạo được khắc họa bao gồm một đôi trai gái đứng quay mặt vào nhau, mỗi người cầm cái chày dài cùng lần lượt đâm xuống một cối tròn đựng gạo. Cối có hình miêng hơi loe hình chữ V, ở giữa thắt nhỏ lại và đế lại phình ra. Ở thạp Hợp Minh hình cối cũng có thắt giữa nhưng miệng không loe (Hình 55 g), còn hình cối ở trống Sông Đà thì không eo thắt giữa, gần giống với cối đá hiện nay (Hình 55 h).
Cũng cần nói thêm là, phụ họa cho tục giã gạo, ở trống đồng Ngọc Lũ còn có hình một người cũng mặc áo quần hội lễ đứng cạnh, nhưng mặt lại quay về nhà sàn mái tròn nơi có người đang đánh chiêng, hai tay cầm phách như có dáng chờ hiệu lệnh để phụ họa cho ăn nhịp. Còn ở trống Cổ Loa và thạp Hợp Minh cũng có hình người thứ ba, nhưng động tác của người này cho thấy họ đang tham gia sàng sẩy và đổ gạo vào thúng (Hình 55 đ, e, g).
Về trang phục, hình ở trống đồng Ngọc Lũ và thạp Hợp Minh, các đôi trai gái và cả đầu các chày đều có hình lông chim, là trang phục kiểu vũ hội. Còn ở các trống Hoàng Hạ, Cổ Loa và Sông Đà thì ăn mặc bình thường.
Gọi là tục giã gạo, theo chúng tôi, vì đây cũng là một trò chơi ngày lễ hội. Việc biến cảnh lao động thành một trò chơi âm nhạc này, chúng tôi thấy có nhiều trong đời sống tinh thần hàng ngày của đồng bào các dân tộc miền núi. Ở vùng dân tộc Mường (Phú Thọ), có trò chơi chàm đuống (chàm là đâm, giã còn đuống là cái máng đựng gạo thay cho cái cối) vào ngày đầu xuân. Họ tổ chức thành nhiều đôi đứng hai hàng và dùng chày gõ vào thành đuống theo một nhịp điệu nhất định và tạo ra một thứ âm thanh nghe rất thú vị. Đuống lúc này không có gạo.
Hình giã gạo ở các trống và thạp đồng nói trên chắc cũng nằm trong một kiểu trò chơi âm nhạc như vậy. Chúng ta cứ xem động tác chân của đôi trai gái giã gạo trên trống Sông Đà thì sẽ thấy. Rõ ràng là họ đang múa chứ không phải đang giã gạo thật (Hình 55 h).
Tuy nhiên có thể có trường hợp vừa giã gạo thật vừa kết hợp nhịp điệu â, nhạc. Đó là trường hợp hình ở trống Cổ Loa và thạp Hợp Minh vì có gạo mới có người sàng sẩy (Hình 55 đ, e, g).
Từ những hình ảnh thực tế trên nên khi giải thích hình ảnh của hoa văn này có ý kiến cho rằng đó là một phong tục từ thời Hùng Vương mang nặng ý nghĩa của ấm no phồn thực. Tiếng cối chày là một thứ nhạc cụ tạo nên âm thanh vui nhưng nó còn mang một ý nghĩa tượng trưng. Cối chày là biểu tượng của giới tính và hành động giã cối do từng đôi nam nữ thực hiện để cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở. Tục này còn lại mãi đến các đời sau này. Ý kiến này hoàn toàn có lý.
Trống đồng Miếu Môn văn hóa Đông Sơn
d. Hoa văn các loại hình người nhẩy múa:
Hoa văn này được các nghệ nhân đúc đồng khắc họa nhiều nhất, hầu như trên các trống đồng, thạp đồng và một số rìu đồng, tấm che ngực đồng… vào loại sớm thì cái nào cũng có! Chỉ tiếc về sau do tính ước lệ người ta cách điệu ngày càng cao khiến thành hoa văn kiểu lá cờ không còn nhận rõ hình người nữa.
Cảnh người nhẩy múa ở đây là cảnh được thể hiện trong những ngày lễ hội của cả cộng đồng. Họ đều mang trang phục của lễ hội. Đó là thứ váy dài rộng hai tấm xòe ra hai bên còn áo dài thì hầu như không có – xứ nhiệt đới chuyện này là thường tình. Đầu của họ hóa trang thành mũ lông chim với nhiều kiểu dáng. Hình vũ nữ trên trống Ngọc Lũ I, thì mũ đó được làm thành một khối tròn càng lên cao càng loe rộng ra (Hình 56 I – II). Hình vũ nữ ở trống Hoàng Hạ thì mũ đó làm thành hai phần, một cái đầu chim phía sau còn ở phía trước là một tua lông dựng đứng (Hình 56 III-IV). Kiểu này cũng có cả ở hình vũ nữa trên trống Ngọc Lũ I, nhưng tua lông trước nhiều hơn và dài hơn. Hình vũ sĩ trên trống Sông Đà thì mũ đầu chim lại rất to, trong lúc đó tua lông trên trán lại rất ít. Ngược lại hình vũ sĩ ở trống Miếu Môn, mũ hình đầu chim được làm thành hình vuông đổ hẳn ra sau, còn đằng trước là những lông dài cao vút.
Các vũ sĩ ở đây cầm trên tay nhiều thứ khác nhau, bao gồm các nhạc cụ và các loại vũ khí. Về nhạc cụ, loại đáng chú ý trước hết là khèn.
Loại khèn này gần giống với khèn hiện nay các dân tộc miền núi Bắc Việt nam còn lưu giữ nên dễ nhận ra. Đây là loại khèn không có ống thổi mà nghệ nhân cho mồm trực tiếp thổi vào lỗ. Nó gần giống loại khèn của dân tộc Thái ngày nay. Người Đông Sơn còn có loại khèn có ống dài để thổi, gần giống khèn ngày nay của đồng bào H’mông. Hoa văn người múa trên trống đồng không thấy có loại này mà chỉ thấy ở trên tượng trang trí ở muôi đồng Việt Khê. Người vũ sĩ khắc trên trống Ngọc Lũ vừa đi vừa nhún nhẩy, nhưng hai tay vẫn cầm chặt đưa khèn lên miệng thổi (Hình 56 I: b và II: b). Loại nhạc cụ thứ hai là chiêng nhỏ và đục đạc. Hình nhạc công kiêm vũ sĩ cầm nhạc cụ này chỉ thấy có trên các trống đồng Ngọc Lũ I và Cổ Loa. Người biểu diễn vừa múa, vừa giơ nhạc cụ ra phía trước để lắc, tay phải cầm chuông, tay trái cầm đục đạc (Hình 56 I: a, II: a; hình 57 I: a). Riêng ở trống Cổ Loa chỉ thấy tay trái cầm chuông tay phải cầm dùi để đánh, không thấy đục đạc. Thứ nhạc cụ đục đạc này thường được gắn trên vòng chân vòng tay mà các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều ở các di chỉ. Các vũ sĩ được khắc họa ở đây không thấy đeo loại vòng đó. Loại nhạc cụ thứ ba là sênh. Đó là loại ống nứa một đầu được vót nhọn và phía tay cầm có dùi một lỗ nhỏ để điều chỉnh âm thanh. Khi múa người diễn chỉ việc đập nó vào tay và đùi tạo ra âm thanh. Loại này đồng bào Xá ở Tây Bắc còn lưu giữ được và gọi là “hươn mậy” (Hình 56 II: c, d, đ, e, g). Loại thứ tư là phách. Đó là hai thanh tre ngắn nhỏ, chập vào nhau tạo ra tiếng kêu để ăn nhịp với múa. Việc vừa gõ phách vừa múa vẫn là lối biểu diễn còn bảo lưu được đến ngày nay.
Hình 56. Hoa văn hình người múa tập thể
I, II. Trên trống đồng Ngọc Lũ; III, IV. Trên trống đồng Hoàng Hạ
Hình trên các trống đồng, vũ sĩ vừa gõ vừa múa theo nhịp của phách (Hình 56 I: c, d, đ; hình 57 I: d, II: a, b, c). Đây là những loại nhạc cụ nhỏ nhẹ nên người múa cầm theo rất tiện lợi. Có lẽ vì vậy nên hai tốp múa sáu và bảy người khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, trong tốp sáu đã có ba người cầm sênh và phách, còn tốp bảy thì lại có đến năm người cầm sênh và phách. Hình ở trống Hoàng Hạ thì vừa cầm vũ khí vừa cầm phách. Còn ở trống Sông Đà thì các tốp ba và bốn người đều cầm sênh và phách. Điều đó chứng tỏ thời bấy giờ nhạc cụ này thông dụng cho người múa.
Ngoài một số nhạc cụ nhỏ người múa cầm trên tay. Người Đông Sơn còn có nhiều nhạc cụ lớn nữa như trống đồng, trống da, cồng chiêng … mà các nhà nghiên cứu đã có dịp hệ thống. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng vật mà một vũ sĩ cầm ở tay phải trên trống Bản Thôm chính là nhạc cụ. Đó là tù và (Hình 58 đ; 59 đ).
Hình 57. Hoa văn hình người múa tập thể
I. Trên trống Cổ Loa; II. Trên trống Sông Đà; III. Trên thạp Hợp Minh; IV. Trên rìu xéo Đông Sơn
Ngoài các người múa tay cầm nhạc cụ hỗ trợ đánh nhịp, còn nhiều người múa khác tay lại cầm vũ khí. Có lẽ nội dung các điệu múa, các lời ca có đề cập đến những cuộc chiến đấu, sự anh dũng của các chiến binh nên các vũ khí đã trở thành các đạo cụ để múa. Nhiều loại vũ khí khác nhau người Đông Sơn đã hóa trang đưa lên sân khấu. Đáng chú ý trước hết là loại giáo dài. Giáo có lưỡi hình quả trám và mũi nhọn mà các nhà khảo cổ học vẫn tìm thấy trong nhiều di tích. Còn trên sân khấu thì cán giáo được điểm tô những tua lông chim. Người múa tay trái cầm giáo lưỡi chúc xuống, tay phải cầm sênh vừa đánh nhịp vừa bước đi uyển chuyển (Hình 56 I: e; III: c, d, đ, e; IV: c, d, đ, e và hình 59: đ, g, i).
Hình 58. Nhạc khí thời Hùng Vương
Hình của hai tốp múa khắc trên trống Ngọc Lũ chúng ta chỉ thấy duy nhất một vũ sĩ vừa cầm giáo vừa cầm sênh, nhưng ở trống đồng Hoàng Hạ thì cả 2 tốp múa 6 người đều có tới 4 người cầm giáo và sênh. Còn tốp 6 người múa khắc trên trống Cổ Loa thì chỉ có 2 cầm giáo này (Hình 57 đ, e).
Loại vũ khí thứ hai các vũ sĩ cầm trong tay là chiếc rìu chiến. Rìu chiến là hiện vật tìm thấy khá nhiều trên các di chỉ. Theo hình dáng, chia thành loại rìu chiến lưỡi cân, rìu chiến lưỡi xéo. Hình dáng của chúng mỗi vùng có nét kiểu riêng không hoàn toàn giống nhau. Đây là loại vũ khí lắp cán ngắn, để đánh gần, tiện lợi và cơ động.
Hình người múa cầm loại vũ khí này không thấy có trên mặt trống mà chỉ thấy ở các thân trống. Họ cầm rìu ở tay phải, tay trái cầm mộc. Có hình rìu được giơ cao, cũng có hình rìu đang thả xuôi xuống. Nếu như người múa cầm giáo tham gia vào điệu múa chung của nhiều người với nhiều đạo cụ khác nhau thì người múa cầm rìu chiến lại chỉ múa đơn hoặc múa đôi mà cả hai cùng cầm rìu chiến (Hình 59 a, b, c, d, m, n).
Loại vũ khí thứ ba mà các vũ sĩ hay cầm ở tay là tấm mộc. Mộc là loại dụng cụ dùng để che chắn chống đỡ sự tấn công của kẻ thù, nhất là lúc đánh gần. Hình mộc được khắc họa ở đây là loại có dáng hình chữ nhật. Loại này thường làm bằng gỗ hoặc đan lát bằng mây tre. Hình mộc của các vũ sĩ trên trống Sông Đà có kích thước to dài che kín cả người. Còn hình mộc của các vũ sĩ trên trống Hoàng Hạ lại ngắn hẹp. Hình mộc của các vũ sĩ trên trống Ngọc Lũ I lại được vát nhọn ở phía dưới đáy. Mỗi nơi một kiểu cách (Hình 59: a, b, c, d, k, l, m, n), nhưng chúng đều chứng tỏ vũ khí bảo vệ lợi hại.
Mộc thường đi đôi với rìu chiến là vũ khí đánh gần. Các người múa được khắc họa ở đây thường cầm mộc ở tay trái, tay phải khỏe hơn thì cầm rìu chiến. Tuy nhiên đây chỉ là điệu múa nên chúng ta thấy có trường hợp người múa cầm mộc tay trái, còn tay phải lại cầm phách để gõ nhịp cho đều. Đó là hình ở hoa văn trên thân trống Sông Đà.
Hình 59. Hoa văn hình người múa tập thể, múa đơn và múa đôi
a, b. Trên thân trống Ngọc Lũ I; c, d. Trên thân trống Hoàng Hạ; đ, f. Trên thân trống Bản Thôm; k, l. Trên thân trống Sông Đà
Loại vũ khí cuối cùng mà các người múa cầm ở tay lúc ra biểu diễn là dao găm. Đây cũng là loại vũ khí đánh gần mà chúng ta thường thấy có nhiều trong các di chỉ. Hình dao găm trông hơi giống đầu của mũi giáo. Nó có hình quả trám mũi nhọn tất nhiên là cán rất ngắn. Chúng tôi mới thấy có một trường hợp duy nhất khắc họa hình này trên thân trống Sông Đà (Hình 59 l). Người múa một mình tay trái cầm mộc to, tay phải cầm dao găm chĩa mũi nhọn xuống dưới.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng vũ khí mà một số người múa trên trống Bản Thôm (Hình 59 h, i) chính là loại vũ khí đánh gần, phía đầu uốn cong như lưỡi kiếm để móc kẻ địch, người Đông Sơn còn trang bị cả cung tên, lao phóng. Không hiểu sao trong điệu múa họ không dùng loại vũ khí này.
Cuối cùng, để kết thúc phần hoa văn người múa, chúng tôi muốn nhắc đến hình một người múa không có đạo cụ trong tay, nhưng lại đáng chú ý hơn cả. Đó là người múa khắc trên mặt các trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Người này đứng sau cùng, nhưng lại có dáng vẻ của người chỉ đạo chung cho toàn nhóm, có trang phục như những thành viên khác trong nhóm (riêng hình ở mặt trống đồng Ngọc Lũ I, người này không đội mũ lông chim). Họ không cầm đạo cụ nào, hình như thế để diễn tả các động tác qua hai tay. Đó là những động tác hết sức mềm mại và nhịp nhàng. Tác giả đã dùng phương pháp đặc tả có pha chút cường điệu và ước lệ để nhấn mạnh và ca ngợi sự mềm dẻo và uyển chuyển đó. Khi thì cánh tay lượn sóng đưa về phía trước (trống Ngọc Lũ). Khi thì giơ cao uốn lượn theo chiều nghiêng toàn thân (trống Hoàng Hạ). Thật là đẹp, thật là điêu luyện (Hình 56 I: a, II: a).
Trên đây là một số hoa văn về những người múa hát trên các đồ đồng thời Đông Sơn. Tuy không được thưởng thức âm thanh và nhìn thấy nhịp điệu của họ, nhưng qua những hình ảnh khắc họa ít ỏi này, chúng ta cũng phần nào thấy được người Đông Sơn đã có một nền nghệ thuật múa phát triển phong phú. Họ biết kết hợp giữa múa với âm nhạc, và sử dụng cả các đạo cụ khác để tạo cảm xúc cho người xem. Âm nhạc đã tạo cho điệu múa phát triển phong phú. Âm nhạc đã tạo cho điệu múa có nhịp điệu và động tác phối hợp đều đặn, điệu múa trở nên uyển chuyển. Múa ở đây có múa đơn, múa đôi và cả một tập thể đông, đòi hỏi phải có sự phối hợp chuẩn xác.
>>> Hoa văn về đề tài hiện thực (Phần 1)
>>> Hoa văn trang trí của người H'mông
>>> Hoa văn thủy ba Lý - Trần trên điêu khắc tượng đài