Nghệ thuật của chiều thứ ba (Phần 2)
- Không gian: Không gian có thể có đặc trưng như một sự nới rộng vô hạn của những vùng bị choán. Khi nghệ sĩ sử dụng không gian, họ có khuynh hướng giới hạn sự rộng lớn của nó. Họ có thể chia cắt những mở rộng trong một, hai hoặc ba chiều, hoặc chia cắt thành những khoảng cách đo được giữa các yếu tố đã được định trước. Những nghệ sĩ ba chiều sử dụng các vật thể để chiếm chỗ không gian, làm chủ những khoảng cách và vị trí trong không gian. Những hình dạng chữ nhật và bầu dục kiểm soát không gian một cách hữu hiệu vì trọng lượng của chúng được cảm nhận và thiết lập với những chiều kích tròn và phẳng dẹt của các mặt phẳng. Hai hình dạng được trông thấy cùng nhau tạo ra một khoảng cách không gian. Tuy hai khối lập thể được minh họa là ba chiều, nhưng chỉ dẫn có tính không gian của chúng là rất mong manh. Bù lại, sự hấp dẫn mạnh mẽ và những tính chất không gian lớn lao có thể được thêm vào hai hình dạng qua việc vận dụng những bề mặt của chúng. Nếu chất liệu bị cắt bỏ đi, thì không gian hẳn chuyển vào phía trong và nếu chất liệu được thêm vào thì không gian hẳn chuyển ra ngoài.
Những khối hình chữ nhật có dạng trứng là những ví dụ của hai vật nhỏ có thể được hình thành từ không gian vô hạn, bị dịch chuyển. Những mặt tròn và mặt phẳng trong các vị thể này sẽ xác định những khoảng cách không gian và những đặc trưng cá biệt của chúng.
Những hình dưới đây mô tả bốn viên gạch được sắp xếp và tái sắp xếp nhằm minh họa mức độ gia tăng sự phức tạp của hình ảnh trong ba chiều điều này được thực hiện qua những tương tác giữa các vật thể “tích cực” và những không gian điêu khắc “tiêu cực”.
(A) Những viên gạch được sắp xếp chồng lên nhau
(B) Những viên gạch được tách rời
(C) Những viên gạch được xếp ở vị trí nghiêng
(D) Những viên gạch được xếp ở vị trí nghiêng
(E) Những viên gạch được xếp ở vị trí vắt ngang
(F) Một sắp đặt các viên gạch
Trong hình A bên trên, bốn viên gạch được sắp xếp theo đúng quy định nhằm hình thành một vật rắn rộng có đôi chút giống một hình khối chữ nhật. Những viên gạch đơn lẻ chỉ có thể được nhận thấy qua những cạnh trông tựa như đường nét ở chính diện và hông các mặt phẳng. Những cạnh dài hẹp và đều nét đó khiến ta nhớ những đường tuyến tính của đồ họa.
Bốn viên gạch minh họa trong hình B được tách rời nhau như thể được trét bởi những lớp hồ. Những lớp hồ đó tuy tương đối không dày, nhưng khiến các cạnh trở nên rõ nét và tối hơn những cạnh trong hình A. Tuy những cạnh tối hơn cho thấy những thay đổi ba chiều lớn hơn là chồng gạch trong hình đầu tiên, chúng còn định ra những giới hạn có tính không gian. Nhiều tác phẩm chạm nổi thấp vận hành theo cách thức tương tự như thế (Hình Chết dữ).
Những viên gạch trong hình C thì choán nhiều không gian hơn. Chúng được sắp xếp sao cho những mặt phẳng chuyển động trong chiều sâu tương phản với những mặt phẳng ở chính diện và hông, chuyển dịch ra phía trước và ra xa người xem. Ánh sáng chiếu vào chồng gạch tạo ra những vùng tối đậm hơn và làm cho những mẫu sắc độ hấp dẫn hơn. Sự sắp xếp này có thể được so sánh với những tính chất của tác phẩm chạm nổi cao. Những vùng tối đậm do ánh sáng tạo ra từ những phần được chiếu sáng của tác phẩm chạm nổi cao có thể làm gia tăng những tính chất biểu hiện hoặc biểu cảm của tác phẩm (Hình Cửa địa ngục).
Giacomo Manzu, Chết dữ, 1950. Đồng đúc từ mẫu bằng đất sét (93.5 x 64 cm)
Trong hình là phác thảo nghiên cứu nhằm thực hiện một loạt những panô của cửa giáo đường thánh Peter (Vatican, Rome). Vì là những panô cửa nên không gian bị giới hạn và đóng khung là điều đương nhiên. Nhằm tạo ra một cảm giác lớn lao hơn về khối kết tập, Manzu đã sử dụng lối tạo hình sắc nét, tương tự những đường nét chạm khắc của các nghệ nhân chế tác bản in. Vết chạm khắc sinh động, dứt khoát tạo ra những tương phản sắc độ sắc bén, làm nổi bật sự chuyển động cũng như chiều sâu.
Auguste Rodin, Cửa địa ngục, 1880-1917. Đồng (6.3 x 3.99m)
Trong tác phẩm chạm nổi cao này, những hình dáng hầu như khởi phát từ mặt nền
Tuy vẫn là một sự sắp xếp khép kín và kết lại thành khối, sự xoay vòng của các viên gạch trong hình D khiến có thể tạo ra những phương hướng và quan hệ mới trong không gian. Tác phẩm mang tính không gian hấp dẫn hơn khi chuyển động, ánh sáng và bóng tối gia tăng. Trong một cách thức, cái trò đưa vào và đưa ra những viên gạch này cũng tương tự như khi nhà điêu khắc sáng tác một hình dáng đứng riêng, không có cái gì chống đỡ. Những tác phẩm như thế không còn liên quan đến một tiền diện, hông và mặt sau đơn giản. Nhưng liên quan đến nhiều trục và nhiều tầm nhìn. Tuy tất cả những minh họa về các viên gạch đều thực sự là một hình dáng đứng riêng không có cái gì chống đỡ hoặc với mọi cạnh được đưa ra, hai ví dụ đầu tiên cho thấy những đặc trưng bề mặt gần giống với tác phẩm chạm nổi như đã nêu ra trước đây hơn là những ví dụ sau. Một số nhà nghiên cứu nghệ thuật đã sử dụng các từ “hình dáng đứng riêng” hoặc “điêu khắc với mọi cạnh được đưa ra” khi đề cập đến bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật ba chiều nào không bị gắn liền với một mặt tường (Hình Cẩm thạch Botticino Italy).
Tính đa dạng ở những vị trí của các viên gạch hình E, đặc biệt viên gạch nằm chéo, tạo ra sự tận dụng không gian lớn lao hơn những nhóm gạch khác. Khoảng trống hoặc không gian, nhấn mạnh đến tính chất ba chiều của sự sắp xếp bằng cách tạo ra sự kết nối giữa không gian của mỗi cạnh…
Trong hình F, những viên gạch được tách rời nhau và đạt được sự độc lập có tính không gian hơn. Điều này có thể gợi lên một bối cảnh kiến trúc hoặc một sự lắp đặt bên trong một không gian cá biệt. Như thế là chúng ta đã xem xét khái niệm về sự triển khai viên gạch, không ngừng trở nên phức tạp hơn trong ứng dụng và cân nhắc về điêu khắc.
- Cấu trúc cơ bản: Cấu trúc cơ bản mang lại sự trù phú cho bề mặt, bổ sung cho phương tiện tăng cường cho sự biểu cảm và nội dung. Những bề mặt được cấu trúc cơ bản có phạm vi từ chất liệu xù xì chưa trau chuốt (Hình Linh vật, bộ tộc Yombe) đến sự tương phản bóng loáng của kính hoặc của đá cẩm thạch được mài bóng (Hình Nhật ký của người giữ trẻ). Một số bề mặt tỏ ra cố kết với một số phương tiện và theo truyền thống, người ta tôn trọng thực chất của những cấu trúc cơ bản đó. Nghệ sĩ thường sử dụng cấu trúc cơ bản để tóm tắt những tính chất cá biệt của đề tài. Chẳng hạn sự bóng bẩy, mềm mại của dấu xi khằn xem chừng gợi lên một bề mặt trơn láng, trong khi một nét mạnh bạo, xù xì gợi lên một xử lý có chém, đẽo lởm chởm. Tuy vậy, các nghệ sĩ đôi khi làm chúng ta ngạc nhiên với một loại xử lý khác hẳn. Những cấu trúc cơ bản được sáng tạo, mô phỏng và hiện thực của các nghệ sĩ đồ họa cũng có thể được các nghệ sĩ tạo hình áp dụng và triển khai từ những cấu trúc cơ bản vốn gắn liền với những chất liệu mà các nghệ sĩ tạo hình sử dụng.
Linh vật, bộ tộc Yombe, Zaire, Phi Châu. Gỗ và chất liệu hỗn hợp (59.5 cm)
Tác phẩm nghệ thuật Phi Châu này đã tạo ra nét đặc trưng bề mặt (cấu trúc cơ bản), phản ánh những tính chất tâm lý và vật lý của đề tài Zaire này.
Michael Braden, Nhật ký của người giữ trẻ, 1998.
Đá Travertine Ba Tư, đá Thụy Điển và cẩm thạch Colorado (228.6 x 121.9 x 71.1 cm)
Tác phẩm điêu khắc này được trù phú hơn do họa sĩ biết lựa chọn những chất liệu có màu sắc tương phản và sự kết cấu khác nhau của đá
- Đường nét: Đường nét là một hiện tượng không thực có trong tự nhiên hoặc trong ba chiều. Nó chủ yếu là một phương kế đồ họa được sử dụng để chỉ ra sự gặp gỡ của những mặt phẳng hoặc những cạnh ngoài của các hình dạng. Khi hai mặt phẳng sáp lại nhau chúng hình thành một cạnh sắc bén. Cái có vẻ là một đường nét thường được tăng cường bởi một in bóng hay những sắc độ khác nhau của hai mặt phẳng. Sự xác định đường nét có thể được nới rộng để bao gồm phương hướng chính hoặc trục của hình dạng ba chiều, có chiều dài lớn hơn chiều rộng. Ngoài ra, đường nét có thể được sử dụng để quy cho những hình dáng thanh mảnh của điêu khắc tuyến tính đương đại, bao gồm những thanh sắc và dây thép. Sự triển khai những kỹ thuật hàn khiến nghệ sĩ có thể tạo dáng và kết hợp những thanh kim loại thanh mảnh trong điêu khắc. Các nghệ sĩ như Jose de Rivera đã mở rộng những kỹ thuật chiếu của điêu khắc tuyến tính.
Những nét khắc rạch vào đất sét hoặc vào bất kỳ một chất liệu mềm nào thì cũng tương tự như kỹ thuật vẽ ở đồ họa. Trong nghệ thuật ba chiều, những đường nét khắc rạch thường được dùng để nhấn mạnh những bề mặt nhằm tạo hấp dẫn và chuyển động. Nhà điêu khắc Italy Giacomo Manzu đã sử dụng những đường nét như thế để bổ sung sự lấp lánh cho tác phẩm khắc nổi.
- Màu sắc: Màu sắc cũng là một nét vốn gắn liền với các chất liệu điêu khắc. Đôi khi nó có vẻ vui mắt, như màu những vân gỗ hoặc đá, nhưng nó cũng có thể là dịu dàng, vô vị như mặt phẳng của thạch cao chẳng hạn, sơn thường được dùng để bổ sung khi các chất liệu cần sự trù phú của màu sắc hoặc khi bề mặt cần có màu sắc để nêu bật hình dáng một cách có hiệu quả. Những bề mặt được sơn, với bất cứ màu sắc nào, có thể trợ giúp cho sự biểu cảm và làm gia tăng những tính chất hấp dẫn. Trong điêu khắc, những yếu tố sắc độ và màu sắc đan bện vào nhau khăng khít đến nỗi các nhà điêu khắc thường sử dụng hai từ này để thay thế cho nhau.
Marisol, Phụ nữ và chó, 1964. Gỗ, thạch cao, polymer tổng hợp, đầu chó nhồi rơm cùng với những vật liệu khác
(183.5 x 185.4 x 78.6 cm)
Ví dụ pop art này cho thấy sự quyết tâm của một số nghệ sĩ đương đại sử dụng màu sáng làm gia tăng những đặc trưng ba chiều của hình dáng khi nó mang lại sự trù phú cho những bề mặt của tác phẩm. Hình dáng tác phẩm có nguồn gốc từ những phong cách đầu thế kỷ 20 (trường phái lập thể, phong trào nghệ thuật tạo dựng) trong khi sự phối hợp thì có khuynh hướng hòa nhập phương tiện điêu khắc và hội họa làm một.
Như vậy, một nhà điêu khắc có thể nói về những tương phản sắc độ theo nghĩa của màu sắc và đồng thời nghĩ về cả sắc độ lẫn màu sắc. Có nhiều sự ứng dụng màu sắc như một nỗ lực nhằm nắm bắt sự trù phú về những tính chất của hình dáng phẳng – dẹt của gỉ đồng tìm thấy ở đồng bị ôxy hóa do tiếp xúc với không khí. Tiếp cận này nhấn mạnh đến màu sắc, cái phụ thuộc vào cấu trúc của tác phẩm. Trong một số giai đoạn lịch sử (chẳng hạn nghệ thuật Hy Lạp trong thời kỳ đầu), việc sử dụng sắc màu sáng là điều thường thấy. Một số khuynh hướng làm hồi sinh kỹ thuật đó được thấy rõ trong các tác phẩm đương đại. Trong mọi trường hợp, tiêu chuẩn cơ bản của sử dụng màu sắc là trường hợp với hình dáng của tác phẩm (Hình Phụ nữ và chó).
- Thời gian (Chiều thứ tư): Thời gian là một yếu tố độc đáo của ngành nghệ thuật có tính không gian. Nó can dự vào những ngành nghệ thuật đồ họa chỉ trong chừng mực, khi có liên quan đến sự chiêm nghiệm và suy tư về ý nghĩa. Việc nhìn ngắm một tác phẩm đồ họa như một tổng thể chỉ đòi hỏi người xem dành ra một chốc lát. Tuy vậy, trong tác phẩm điêu khắc, thì chiều bổ sung thứ tư có nghĩa là tác phẩm cần phải xoay tròn hoặc chúng ta đi quanh nó để nhìn một cách toàn diện.
Nhà điêu khắc muốn rằng thời gian dành ra để xem tác phẩm là một sự liên tục bày tỏ những biến đổi của hình ảnh. Mỗi chuỗi hoặc khoảng cách của sự trải nghiệm hình ảnh nêu ra những quan hệ sẽ thu hút người quan sát đi quanh tác phẩm và kéo dài thời gian dành cho nó.
Trong trường hợp là một tác phẩm điêu khắc thuộc động học thì chính tác phẩm như thế cần có thời gian cho sự chuyển động của chúng. Chẳng hạn, những tác phẩm di động phô bày một sự thay đổi liên tục, hầu như là những chuỗi bất tận của cách nhìn (Hình Người quay).
Alexander Calder, Người quay, 1986. Nhôm, thép, sơn, 235 x 351 in.
Calder đưa sự chuyển động vào điêu khắc và những tác phẩm này được gọi là di động. Trong tác phẩm động và ổn định này, sự chuyển động đòi hỏi người xem phải dành ra thời gian để quan sát sự thay đổi trong những quan hệ và như thế đưa vào nghệ thuật một chiều kích mới, bổ sung chiều cao, chiều rộng và không gian. Kế quả là cảnh nhìn liên tục thay đổi với một chuỗi hầu như bất tận của những cảnh được phô bày từ những phần của tác phẩm điêu khắc di động.
* Những nguyên tắc của trật tự ba chiều:
Sự cơ cấu nghệ thuật ba chiều cũng tương tự như cấu trúc nghệ thuật hai chiều. Tuy vậy, những hình dạng ba chiều với những tính không độc đáo của chúng, đòi hỏi phải có sự áp dụng các nguyên tắc một cách khác hẳn.
Các nghệ sĩ ba chiều phải thực hiện những hình dạng với nhiều cách nhìn. Sự sắp xếp có kỹ thuật lại càng phức tạp hơn. Cái có thể là một giải pháp đáng hài lòng theo một cách nhìn thì có thể chỉ là một phần của giải đáp trong trường hợp tác phẩm được nhìn từ nhiều vị trí khác nhau. Những điều chỉnh là cần thiết nhằm hợp nhất toàn bộ một tác phẩm. Trong khi được sáng tác, một tác phẩm ba chiều có thể có kiến tạo (mở, đến một mức độ rộng lớn) với những xâm nhập thường có tính bao quát và những phóng chiếu mỏng manh. Người ta có thể trông thấy những sắp xếp sáng tạo và không kiến tạo ở hầu hết mọi nghệ thuật ba chiều và mỗi sự sắp xếp đó có thể được sử dụng một cách cá biệt nhằm đạt hiệu quả có tính biểu hiện và không gian.
- Sự hài hòa và tính nhiều vẻ: Sự hài hòa về tính nhiều vẻ đã được nêu ra như là những điều không thể thiếu trong sự hình thành những tác phẩm hai chiều. Điều đó cũng thực sự tương tự trong lĩnh vực ba chiều, tuy nó không luôn được nhận thức rõ và được thực hiện một cách khác hơn. Nhằm làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta sẽ chủ yếu tập trung vào ra hoặc xem xét. Chúng ta phải lưu ý rằng nhằm có thể nhìn toàn diện một tác phẩm ba chiều, như một pho tượng điêu khắc chẳng hạn, người xem cần phải “đi quanh” tác phẩm, vốn có vô số khía cạnh. Sự hấp dẫn toát ra từ nhiều cảnh quang, dưới sự làm chủ của nhà điêu khắc, tạo ra một mức độ của tính nhiều vẻ, nhưng điều này cần phải được cân bằng bởi hài hòa vì lợi ích của toàn bộ tác phẩm.
James De Woody, Ai Cập lớn, 1985. Thép ôxy hóa đen. (182.9 x 76.9 x 76.9cm)
Trong ví dụ về sự sắp xếp có tính kiến tạo này, James De Woody đã cắt các mặt phẳng phóng chiếu vào trong và ngoài của những bề mặt tác phẩm mà không chọc thủng những khoảng trống hoặc những không gian mở. Điều này đôi khi được ho là một kết cấu “khép kín”.
Kenneth Snelson, Rừng quỷ, 1977. Nhôm và thép không gỉ (5.2 x 10.6 x 7.6m)
Kenneth Snelson đã triển khai những điêu khắc mở (hay còn gọi là không kiến tạo)
Một cân nhắc rất quan trọng trong việc tạo ra sự hài hòa và trong việc dẫn dắt người xem quanh tác phẩm điêu khắc là ở tại những “phần mở rộng”. Trong phần nói về hình dạng, những điều đó được xác định như là đường nét thực sự có tính chủ quan, hoặc là những cạnh và hình dạng gợi lên những phương hướng quanh tác phẩm. Chúng gợi lên các liên kết với những đường nét và hình dạng như thế đó và như vậy tạo ra một sự chuyển động liên tục bao quanh tác phẩm. Sự chuyển động này có thể được tính toán nhằm tạo ra một cảm giác nhịp nhàng hoặc xao động hoặc tương đối êm ả. Sự nhịp nhàng có tiên liệu sát nhập những chuyển tiếp cân xứng, góp sức trong việc mang lại tính trôi chảy cho tác phẩm (Hình Variacion Nuevo Mexico).
Sebastian, Variacion Nuevo Mexico, 1989. Thép sơn màu, 27 x 24 x 24 ft.
Sự lặp lại nhịp nhàng của những mặt phẳng bậc thang trong tác phẩm này tạo ra một chuyển động trôi chảy, hấp dẫn
Nancy Graves, Cuộc cách mạng không dứt của vệ nữ, cây cỏ và con lắc, 1992. Đồng, đồng thau, tráng men, thép không rỉ và nhôm (2.46 x 1.22 x 1.44m)
Trong tác phẩm điêu khắc này, chúng ta thấy tính nhiều vẻ ở những phần của hình dáng. Chúng ta cũng trông thấy một ví dụ xuất sắc về một tác phẩm điêu khắc cân bằng không cân xứng.
Nếu có những vùng được xem là có ý nghĩa thì nhà điêu khắc
Một số nhà điêu khắc thì sử dụng vật liệu trong suốt (như kính chẳng hạn) thay vì vật liệu mờ đục. Việc gối chồng lên nhau của thứ vật liệu đó sẽ tạo ra một sự trong suốt đích thực, không như sự trong suốt ảo của các nghệ sĩ hai chiều. Điều đó cũng gợi lên không gian, tuy thông thường là một không gian có giới hạn. Vốn có tầm nhìn càng lúc càng mang tính điêu khắc hơn, các kiến trúc sư đôi khi sử dụng sự gối chồng lên nhau để tạo ra sự hài hòa trong những phần của những cấu trúc xây dựng cho họ. Thêm vào đó, trong điêu khắc có những trường hợp “thâm nhập vào nhau” được sử dụng để kéo các vật vào nhau, đáng kể là trong điêu khắc những mảng kim loại lớn. Để đạt được sự hài hòa cho tác phẩm điêu khắc, nghệ sĩ có thể sử dụng phương tiện để sơn màu lên bề mặt tác phẩm. Tất cả những điều vừa kể có lẽ chỉ là một số những phương tiện qua đó nghệ sĩ ba chiều, đặc biệt là những nhà điêu khắc, có thể sử dụng để đạt được sự hài hòa cho tác phẩm. Tựa như trong tác phẩm hai chiều, tính nhiều vẻ là điều có thể đạt được bằng cách đảo ngược những trung độ qua đó sự hài hòa được phát sinh và mục tiêu là tạo ra sự hấp dẫn lớn lao hơn. Thông thường, mục tiêu tối hậu là một sự cân bằng ngẫu nhiên giữa sự hài hòa và tính nhiều vẻ. Mục tiêu này là điều quan tâm của mọi nghệ sĩ ba chiều, dẫu tính chất của tác phẩm có thế nào.
- Sự cân bằng: Khi đề cập về sự cân bằng và sự mở rộng có tính không gian trong nghệ thuật ba chiều, chúng ta hẳn phải xem một số điều kiện cá biệt, chẳng hạn, khi nghệ sĩ tạo ra sự cân bằng đối xứng cho một tác phẩm nghệ thuật, thì chiều kích được thêm vào là chiều sâu có thể thay đổi theo nhiều cách nhìn khác nhau về nó, trong khi một hình cầu có thể có vẻ đối xứng từ bất kỳ tầm nhìn nào của ta về nó thì một cái hộp hình chữ nhật có thể có vẻ đối xứng chỉ khi được nhìn từ chính diện hoặc từ phía sau, nhưng không như thế khi nhìn từ hông hoặc từ phía trên nếu cảnh nhìn có kết hợp với những cảnh khác. Những cảnh được thấy trong chiều sâu có thể phóng chiếu những loại cân bằng khác. Có ba loại cân bằng có thể đạt được trong không gian thực. Đối xứng không cân xứng và tỏa ra (từ trung tâm) trong cả ba loại đó, thì cân bằng đối xứng và cân bằng tỏa ra (từ tâm) là có quy tắc. Cân bằng tỏa ra thì buộc hình cầu với điểm tựa ở tâm. Những phần tỏa ra từ điểm đó thường được hình thành tương tự như nhau. Tuy vậy, các nghệ sĩ thường sử dụng cân bằng không đối xứng vì nó tạo ra tính nhiều vẻ và sự phóng khoáng lớn lao nhất.
- Sự cân đối: Khi xem một tác phẩm ba chiều, thì cũng trong tác phẩm hai chiều, hiệu quả của sự cân xứng (khi ngắm nhìn tương quan của những phần tác phẩm đối với toàn thể) là một điều hệ trọng. Đối với nghệ thuật ba chiều thì sự cân xứng là điều dễ nhận thấy nếu ta hướng sự chú ý vào cái cằm hoặc cái mũi của một pho tượng chân dung và nhìn nó từ nhiều tầm khác nhau
Tương tự như thế, ta có thể có cùng cảm giác đo khi đưa cánh tay ngang qua một khoảng trống của một tác phẩm điêu khắc trừu tượng trong khi chú ý đến một phần của tác phẩm điêu khắc đó. Sự cân xứng có liên quan trong xác định hình dáng cơ bản: Nó đặt ra chuẩn mực cho những quan hệ và thấm vào những nguyên tắc khác.
Tỷ lệ cân xứng gây ấn tượng sâu sắc nhất khi những tác phẩm có kích cỡ đủ nhỏ để có thể giữ giữa các ngón tay hoặc khi chúng ta đứng trước một kiến trúc đồ sộ, những thắng cảnh, những tác phẩm điêu khắc và v.v…
Kích cỡ đích thực của tác phẩm ba chiều khi được so sánh với chiều cao cơ thể con người, thì ở đây được gọi là tỷ lệ cân xứng. Những món nữ trang nhỏ hoặc mô hình và maket thu nhỏ của ô tô, nhà cửa, cảnh quang và tác phẩm điêu khắc là tiêu biểu cho những tác phẩm có tỷ lệ nhỏ. Những công trình được thiết kế ở những nơi công cộng thường có tỷ lệ lớn hơn cả. Các đền thờ, giáo đường, công thự, đài tưởng niệm v.v… là những ví dụ của tỷ lệ to lớn nhất có thể. Không gian bị choáng bởi những công trình đó làm ta choáng ngợp và đồng thời làm tâm trí ta chùn lại trước chúng.
Sự cân xứng có liên quan trong xác định hình dáng cơ bản; nó đề ra chuẩn mực và thấm nhập những nguyên tắc khác. Sự lặp lại và sự nhịp nhàng có các quan hệ bao gồm những tương đồng có tính cân xứng.
Mark di Suvero, Dành cho Veronica, 1978. Thép 21, ft 9 in x 35 ft.
Tâm của tác phẩm điêu khắc này là điểm tựa được xác định bởi những phần uốn tròn tương phản. Phần lớn những tia chéo đều tỏa ra ngoài theo nhiều hướng. Những tia không tỏa ra theo cách đó thì bổ sung tính nhiều vẻ cho sự cân bằng của hình dáng.
- Tiết kiệm: Được kể trong nhóm nghệ sĩ thuộc trường phái Tối thiểu là những nghệ sĩ ba chiều nhấn mạnh đến nguyên tắc tiết kiệm trong tác phẩm của họ và cũng như những họa sĩ thuộc trường phái này, họ muốn tạo ra những dạng hình học đơn giản, trần trụi. Những người thuộc trường phái Tối thiểu tước bỏ khỏi những hình dạng của tác phẩm mọi liên kết về cảm xúc, tâm lý hoặc biểu tượng và loại bỏ vẻ bề ngoài không thích đáng. Để nhấn mạnh hơn, họ cũng có khuynh hướng tạo ra một điểm nổi bật có kích cỡ lớn. Beverly Pepper đã quy giản những hình dạng của tác phẩm thành những hình dáng hình học đơn giản (Hình Dành cho Veronica), trong khi Donald Judd thì sắp xếp những hình dạng sơ đẳng theo chiều thẳng đứng, chiều ngang và như thế liên kết sự tiết kiệm với sự lặp lại và nhịp nhàng (Hình Không đề).
Beverly Pepper, Thel, 1977. Kim loại, sơn và đất, 15ft cao x 18ft rộng x 135ft dài.
Beverly Pepper đã sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật không trình bày gì hơn ngoài những hình dạng hình học đơn giản, rộng lớn, trơ trụi. Trong nhóm này, pepper lặp lại những hình dạng tương tác trong không gian và có vẻ như mọc lên từ đất với phương diện tiết kiệm, Pepper hợp nhất sự sắp xếp hấp dẫn này.
Donald Judd, Không đề, 1968. Đồng thau, mười cái hộp (15.2 x 68.6 x 61 cm)
Judd chủ yếu quan tâm đến những hình dáng xác định, những bề mặt phản ánh và sự tác động lẫn nhau của những thẳng đứng.
- Chuyển động: Có hai loại chuyển động được các nghệ sĩ ba chiều sử dụng. Sự chuyển động gợi ý là loại thông dụng nhất (Hình Kẻ báo thù) và nó có tính ảo nhưng sự chuyển động thực là điều cá biệt và nó liên quan đến toàn bộ tác phẩm. Những chuyển động có thực ở trong nghệ thuật động lực được chuyển động bởi gió, nước, hoặc máy móc. Alexander Calder, người tạo ra những tác phẩm điêu khắc động (có thể xoay hoặc đong đưa tự do), lúc đầu đã sử dụng mô tơ để làm chuyển động các tác phẩm của ông, nhưng sau đó sử dụng những luồng không khí được tạo ra do sự chuyển động của con người, máy lanh, hơi nóng hoặc gió. Nhà điêu khắc đương đại George Rickey thì sử dụng sức đẩy của gió và không khí. Trong tác phẩm ba chiều khác thì nước được dùng làm lực chuyển động. Jean Tinguely, Arthur Ganson, Jose de Rivera và Pol Bury thì dùng mô tơ để tạo sự chuyển động cho các tác phẩm điêu khắc của họ. Nguyên tắc về sự chuyển động vốn gắn liền với những yếu tố thời gian và không gian của nghệ thuật.
Khi được kết hợp một cách thích đáng, những nguyên tắc về sự sắp xếp có trật tự tạo ra những hình dáng dao động. Trong lĩnh vực ba chiều, những khái niệm mới về sử dụng thời gian, không gian và sự chuyển động đã bị thay đổi định nghĩa và ý nghĩa, vốn tồn tại qua nhiều thế kỷ Cái ý tưởng nổi trội trong quá khứ cho rằng điêu khắc là bước non trẻ của nghệ thuật đồ họa không còn là điều thực sự đúng nữa.
Ernst Barlach, Kẻ báo thù, 1914. Đồng (43.8 x 57.8 x 20.3 cm)
Tuy tác phẩm này không thực sự chuyển động, nhưng nó mô tả một sự mãnh liệt lao về phía trước. Sự chuyển động được bao hàm trong những hướng chéo và ngang lướt qua được tạo ra bởi những nếp áo, bởi sự nhô ra của đầu và hai vai trên mặt phẳng nền.
- Xếp đặt: Vào khoảng trước 25 năm sau cùng của thế kỷ 20, các nghệ sĩ đã vướng đến nghệ thuật sắp đặt. Tuy không luôn như thế, nhưng tác phẩm điêu khắc đã tiến hóa thường có tính phi biểu hiện và ở trong phạm vi từ tương đối nhỏ đến đồ sộ, lớn lao. Một số chất sử dụng bao gồm thủy tinh, tấm kim loại, gỗ, đồng, thép, nhựa, thạch cao và đá. Ngày nay, nghệ sĩ có thể sử dụng mọi chất liệu, kể cả chất liệu tổng hợp. Nếu đặt ở ngoài trời thì những tác phẩm xếp đặt có thể trông đơn giản (nhưng thường to lớn), một số khác thì được trưng bày trong gallery và đôi khi choán nhiều phòng hoặc nhiều bức tường.
Arthur Ganson, Cỗ máy với cái ghế, 1995. Thép (cỗ máy), sợi thủy tinh trên plastic xốp (ghế), động cơ, những cái ngắt điện
và mạch điện, cao su. Đường xe lửa dài 30ft, cỗ máy cao 5ft, điểm cao nhất của cái ghế là cách đường sắt 13ft.
Tựa như Jean Tinguely, Arthur Ganson xem cỗ máy như là một công cụ thể hiện của nhà thơ / nghệ sĩ. Ông tạo ra một số tác phẩm điêu khắc về cỗ máy bao gồm tính động học trông nực cười, sự nhận thức về cơ khí, một cảm giác về thời gian, không gian và sự chuyển động.
Một định nghĩa hợp lý cho nghệ thuật xếp đặt hẳn là: “sự trưng bày ra ở một nơi”. Điều này có ý nghĩa là ta có thể tạo được một sự xếp đặt bằng cách bày ra những chén bát, gắn một cái ắc quy vào ô tô hoặc treo một bức tranh lên tường. Hẳn nhiên, đó là điều không có giới hạn. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến những sự xếp đặt được tạo ra bởi các nghệ sĩ và đó là những tác phẩm được ở ngoài trời hoặc trong nhà. Những tác phẩm thuộc loại này gồm đủ loại chất liệu và hình dáng.
Sandy Skoglund, Những trò chơi của loài cáo, 1990. Những điêu khắc bằng nhựa Polyester, bàn ghếm chén bát, bánh mỳ sơn màu, khăn bàn, cây đèn nến.
Trong tác phẩm xếp – đặt này, Sandy Skoglund trình bày một bối cảnh mang tính cá nhân với những cái bản màu đỏ và những con cáo xám, khiến người xem trông thấy một sự xếp đặt không gian như một cách thức mới
Tuy cẩn thận cân nhắc, một số tác phẩm xếp – đặt đã bị công chúng phản đối, thậm chí có những phản ứng dữ dội vì họ cho rằng chúng hết sức phi lý, vô nghĩa và làm mất tính người. Điều đó chẳng có gì lạ bởi sự xếp đặt là một loại hình mới trong nghệ thuật và những phong cách bất thường cho nghệ thuật thì sẽ nhiều lần gây ra những phản đối. Richard Serra, một nghệ sĩ kỳ cựu trong lĩnh vực xếp đặt đã có một số tác phẩm của ông bị công chúng đập phá hoặc dẹp bỏ; tác phẩm Tilted Arc của ông đã phải bị tháo gỡ do gặp nhiều phản đối.
Tuy vậy, những nhà quan sát có liên quan hoặc quan tâm dến nghệ thuật thì tỏ vẻ chấp nhận trong khi những người khác có thể có những đáp ứng bất định hoặc chống đối. Phản ứng của họ không như nhau; một số thì mất tự chủ, số khác nữa thì thay đổi cách nhìn của họ và số khác thì triển hạn sự phê phán. Mặc dầu sự lố bịch đôi khi đã xuất hiện trong những tác phẩm xếp – đặt, loại hình xếp – đặt giờ đây đã có một vị thế được gắn chặt trên sân khấu nghệ thuật. Không còn nghi ngờ gì nữa, những tác phẩm xếp – đặt lôi cuốn hơn sự chú ý của người thưởng lãm và tạo ra cách nhìn về những khoảng không gian trong đó chúng được xếp đặt. Trong một số nghệ sĩ nổi tiếng ở lĩnh vực này có Anne Hamilton, với tác phẩm thường mang tính gợi cảm và nguyên khối; Sandy Skoglund (Hình Những trò chơi của loài cáo); Roni Horn (Hình Buổi hòa nhạc dành cho tình trạng vô chính phủ), là những nghệ sĩ có tác phẩm được trình bày theo lối xếp đặt kiến trúc siêu thực; và Richard Long thì chuyên môn trong xếp đặt đá.
Rebecca Horn, Buồi hòa nhạc dành cho tình trạng vô chính phủ, Berlin, 1994.
Đại dương cầm và chất liệu hỗn hợp.
Việc Rebecca Horn sử dụng cây dương cầm để thách đố lực hấp dẫn khiến cho không gian bên trong sự xếp đặt của bà trở nên đáng sợ và át hẳn bối cảnh ba chiều.
Phần lớn công chúng đều thắc mắc về loại nghệ thuật này, nhưng dẫu họ có phản ứng thế nào, thì nhiều nghệ sĩ cũng đã dấn thân vào con đường đó. Hơn nữa, nghệ thuật xếp đặt đòi hỏi một sự xử lý lớn lao mà đôi khi phải là một nỗ lực rất khó nhọc – đối với những người sáng tạo ra chúng thì đó là cả một sự thai nghén.
>>> Nghệ thuật của chiều thứ ba (Phần 1)
>>> Ảnh hưởng của nghệ thuật chiếu sáng đến kiến trúc
>>> Các ví dụ từ lĩnh vực nghệ thuật