Cách thiết kế cửa tủ và ngăn kéo

Thiết kế quyết định cấu trúc, hay cấu trúc quyết định thiết kế? Cả hai đều không phải. Như đã đề cập từ bài trước, các tính năng thẩm mỹ, kỹ thuật và cấu trúc phải được kết hợp thống nhất. Ngay cả một thiết kế táo bạo nhất cũng cần phải có cấu trúc phù hợp với mục đích sử dụng, đúng vật liệu và kết cấu thanh nhã mới đáp ứng được các yêu cầu về công năng. Trong một thiết kế tốt, cấu trúc tổng thể và các giải pháp chi tiết cần phải được lưu ý như nhau.

Các ví dụ về đồ nội thất sau đây sẽ cho thấy những ảnh hưởng của cấu trúc lên hiệu quả thiết kế. Một cái tủ, bao gồm thân, cửa và cả hộc được tạo nên bằng kỹ thuật ghép góc 45 độ sẽ cho ra một khối hình hộp đơn giản với chiều dài, chiều rộng và chiều cao tương quan tỷ lệ với nhau. Khối hình hộp này không bị chia cắt bởi bất cứ mép tủ, đường viền thân hay các rãnh phân chia nào. Kể cả tay nắm cũng được ẩn phía sau. Cái tủ trong ví dụ này khởi thủy là một khối hình hộp và sẽ là tiền đề để phát triển lên các thiết kế phức tạp hơn.

Khi chọn cửa đóng chìm, cửa lật, hoặc ngăn kéo, các cạnh viền xung quanh sẽ lộ ra và bao bọc lấy mặt phẳng này của ngăn kéo hoặc cửa. Điều này cũng tương tự đối với các đồ nội thất có cửa kéo hoặc cửa lùa. Bề mặt phía trước của tủ có thể được trang trí bằng cách thêm hoặc bớt các đường phân chia giữa các cánh cửa hoặc mặt ngăn kéo. Một bề mặt có ít cửa hoặc ngăn kéo, nghĩa là ít đường phân chia, sẽ tạo cảm giác cứng nhắc. Ngược lại một bề mặt tủ có nhiều bộ phận sẽ tạo điểm nhấn là các đường phân chia. Nên lưu ý đến tỷ lệ hài hòa khi phân chia các bộ phận này. Cũng có thể làm nổi bật các đường phân chia này bằng các chi tiết viền mép đặc biệt.

Đối với một số loại tủ có nhiều ngăn kéo phía trước, ta có thể thiết kế cho các đường phân chia này thật mảnh để toàn bộ mặt trước trông như một mặt phẳng. Dĩ nhiên, việc thực hiện điều này đòi hỏi phải thật chính xác. Có thể dùng một đường rãnh tối màu, một đường vật liệu mảnh ngang để phân chia các bề mặt ngăn kéo. Việc thiết kế các ngăn kéo được trình bày kỹ hơn trong bài khác.

Thân tủ có thể được chế tạo theo kiểu góc mù, kết cấu panen, kết cấu tấm, kết cấu khung. Mỗi kiểu có đặc tính và nét trang trí nghệ thuật riêng biệt. Đối với tủ khung panen, các thanh là chi tiết chịu lực. Chúng được lắp vào các mặt đứng và chạy thẳng xuống sàn. Đối với kết cấu tấm, thường các cạnh là chi tiết chịu lực và kết cấu tấm thường tạo ấn tượng thô, mộc mạc. Đối với kết cấu khung, bề mặt tủ được chia thành những vùng nhỏ. Các bề mặt khung chịu lực được làm bằng veneer hoặc MDF tráng nhựa nhưng bề mặt chịu lực là các tấm kim loại.

Hình 219: Ảnh hưởng của cấu trúc đến thiết kế tủ trong ví dụ về cửa cánh

cua tu va ngan keo 1

1. Cửa chìm có bản lề cối lộ ra ngoài. Cạnh thân tủ viền quanh cửa và đóng vai trò như một khung tranh bao lấy cánh cửa. Tủ có chân kim loại.

2. Cửa chìm có bản lề nhằm ẩn. Cửa được bao bọc bởi các thanh mảnh, bo tròn, qua đó tạo cho tủ nét thanh nhã. Tủ đứng trên chân hộp thụt vào trong.

3. Cánh cửa áp sát khung tủ trước với bản lề ẩn. Bộ khung hai bên dày và chân đế thụt sâu vào trong tạo cho tủ có dáng mạnh mẽ và vững chắc.

4. Cửa khung kính với mép cửa  phẳng với cạnh tủ, sử dụng bản lề ẩn. Tấm kính được cố định ở bên trong khung cửa. Mép của khung thân và khung cửa được bo tròn tạo điểm nhấn.

5. Cửa khung kính với chân hộp dạng dầm chìa. Mép thân tủ được vạt góc 45 độ chạm vào mép cửa. Do đó, đường phân chia giữa cạnh bên va cửa hầu như không còn. Bệ chìa ra phía trước và tạo sự chuyển tiếp về mặt thị giác xuống sàn.

6. Tủ có thanh đố khung bề mặt dày và chìa ra ngoài. Trên đó, cửa được gắn phẳng với khung bằng bản lề ray. Khung bề mặt chìa ra mặt bên và cũng có thể chìa lên trên chạm mặt trên của tủ.

7. Thân tủ có khung trước dày trên đó cánh cửa được gắn sát với bản lề cối lộ ra ngoài. Mép cửa và mép khung được vạt cạnh 45 độ.

8. Tủ được ghép bằng các tấm gỗ tiền chế và cửa chìm. Phương pháp này tạo cho tủ một dáng nhô ra không đẹp mắt, nhất là với chân hộp thụt sâu vào trong.

9. Tủ có cửa khung chìm. Khung bên cạnh chạy thẳng xuống sàn, trên đó cửa được gắn với bản lề cối. Phương pháp này tạo cho tủ có dáng mạnh mẽ.

Thân tủ có thể được đặt trên bệ hoặc các chân mảnh tùy theo ý đồ thiết kế muốn tạo cảm giác bề thế hoặc thanh mảnh cho tủ. Thân tủ còn có thể được treo, gắn trên tường hoặc đặt trên giá.

Hình dáng của tủ có thể có dạng khối phẳng đơn giản hoặc có mặt trên chìa ra tạo điểm nhấn. Bệ hoặc chân đế có thể tạo độ chuyển về mặt thị giác đến sàn nhà. Bệ hoặc chân đế còn có thể được thiết kế bằng với mặt đứng hoặc thụt vào. Trong trường hợp này, chân đế thụt vào sẽ tạo cảm giác chia cắt giữa thân tủ và sàn nhà.

Thiết kế mặt trước như cửa mở, cửa kéo, cửa sập, cửa lùa, cửa lá chớp, hoặc kệ mở ảnh hưởng đến thiết kế chung của đồ nội thất. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các chi tiết lắp ráp như bản lề nổi, bàn lề ẩn, khung mở quay. Vị trí lắp đặt các chi tiết này cũng rất quan trọng. Khi các chi tiết này lộ ra ngoài, chúng sẽ ảnh hưởng đến thiết kế của đồ nội thất.

Đối với mọi cấu trúc, ta phải lưu ý và tính toán độ dày của vật liệu cũng như loại vật liệu. Ví dụ: đồ nội thất bằng gỗ cây anh đào phải được định kích thước thật chuẩn xác tương tự như đồ nội thất làm bằng gỗ cây sồi. Cũng cần lưu ý độ lớn của đồ nội thất khi định kích thước cho các bộ phận của chúng. Nhìn chung, đồ nội thất lớn có mặt cắt dày hơn. Các mép của kệ để đồ và các mép lộ ra ngoài của khung thân không nhất thiết lúc nào cũng nhìn dày và nặng. Chúng có thể làm mỏng đi để thanh mảnh hơn với mặt vát xiên phù hợp.

Kích thước của mặt cắt và thiết kế của chân tủ cũng cần phù hợp với kích cỡ chung của tủ, chiều cao của khung thân và vật liệu được sử dụng. Đồ nội thất nặng đòi hỏi độ dày vật liệu lớn hơn so với đồ nội thất nhẹ. Chân tủ bằng kim loại với kích thước mảnh hơn thực sự lại cho độ vững chắc tốt hơn so với chân đế bằng gỗ. Nhìn chung, các nhà thiết kế thường tăng thêm kích thước đối với các chi tiết bằng gỗ để tăng độ chịu lực cho sản phẩm.

Vì thiết kế chịu ảnh hưởng bởi kết cấu, ta còn có rất nhiều những ví dụ khác về vấn đề này. Như thường lệ, ở đây không hề có một chuẩn mực hoặc công thức chung nào. Một điều hiển nhiên là: một kết cấu tốt phải bắt nguồn từ thiết kế tốt và việc này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc đến cả khía cạnh thẩm mỹ.

cua tu va ngan keo 2

10. Khung thân được chế tạo theo phương pháp pa-nen. Cửa cánh mở được gắn trên các bản lề chìa ra ngoài. Thân tủ được phân cách với sàn nhà bằng chân hộp thụt vào trong.

11. Khung thân được chế tạo theo phương pháp pa-nen. Cửa cánh mở được gắn phẳng với mặt khung thân. Cửa được phân biệt với thân bằng một đường phân chia mảnh.

12. Khung thân được chế tạo theo phương pháp pa-nen. Cửa cánh mở được gắn với bản lề ổ trục lộ ra ngoài. Tủ có chân bằng kim loại.

13. Tủ kính có cửa khung được vạt mép bằng góc xiên 45 độ, khớp với khung thân bên cạnh cũng vạt mép tương tự. Các mép còn lại của cánh cửa phẳng với khung thân. Kết cấu này đòi hỏi kỹ thuật và góc xiên đặc biệt. Tuy nhiên, nó tạo ra được một hiệu ứng thị giác tối giản cho tủ. Giải pháp tương tự như hình.

14. Ở đây các cánh cửa được gắn bằng bản lề phiến bằng thép tại các góc và chân hộp lồi ra ngoài so với tủ.

15. Cửa kính với khung nhôm mỏng. Khung nhôm này được gắn phẳng với các cạnh khung thân.

16. Khung thân được chế tạo theo phương pháp góc mù, với toàn bộ cạnh bên bằng kính và cửa kính không khung.

17. Khung thân được chế tạo theo phương pháp pa-nen với cửa kính không khung. Trong trường hợp này, khung thân đóng vai trò như khung cửa kính.

18. Khung thân được chế tạo theo phương pháp pa-nen. Cửa kính không khung có các mép kính nằm trên cùng một mặt phẳng với khung thân. Mép của các tấm gỗ lộ ra đằng sau cửa kính nên thiết kế của mặt trước tủ cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

(Chú ý: tất cả minh họa này đều là bản vẽ mặt cắt cấu trúc).

Hình 220: Ảnh hưởng của cấu trúc đến thiết kế tủ trong ví dụ về ngăn kéo

cua tu va ngan keo 3

1. Ngăn kéo chồng lên nhau trong một thân tủ được chế tạo theo phương pháp pa-nen. Giữa cạnh thân và cặp ngăn kéo có rãnh sâu chạy quanh. Riêng hai ngăn kéo được phân biệt với nhau chỉ bằng một đường mảnh. Điều này làm cho toàn bộ mặt trước ngăn kéo như được nhấn mạnh bằng một khung tranh.

2. Giải pháp tương tự như trên nhưng hai ngăn kéo được phân biệt với nhau bằng một đường rãnh sâu.

3. Mặt trước của hai ngăn kéo nằm trên cùng một mặt phẳng với mép của khung thân. Một mép gõ lồi bo tròn chạy quanh cặp ngăn kéo này.

4. Mặt trước của hai ngăn kéo này thụt vào trong so với khung thân, làm cho mỗi ngăn kéo có một khung bao bọc riêng.

5. Mặt trước của hai ngăn kéo này thụt vào trong so với khung thân, nhưng được chia cắt bởi một mép gỗ lồi bo tròn. Cạnh bên của tủ lồi ra so với khung thân và chạy xuống sàn.

6. Thân tủ làm theo phương pháp pa-nen với mặt trước của ngăn kéo thụt vào trong và được phân cách bởi một rãnh sâu và mảnh.

7. Mặt trước của các ngăn kéo phẳng với mép tủ. Các khớp nối cực mảnh. Điều này tạo nên một mặt trước của tủ tối giản gần như không thể thấy đường phân chia nào.

8. Mặt trước ngăn kéo phủ lấy mặt ngoài của tủ. Kích thước tổng của chúng nhỏ hơn khung thân một chút để không bị mở ra khi vô tình chạm vào.

9. Mặt trước của mỗi ngăn kéo được bao bởi một khung mỏng. Qua đó mỗi ngăn kéo được nhấn mạnh về mặt thị giác.

10. Hộc tủ đôi với mặt trước bằng nhôm lá. Mép trên của lá nhôm có một mấu nhỏ lồi lên làm tay nắm.

11. Hộc tủ đôi với mặt trước phủ kính màu và viền bằng thanh nhôm mỏng.

12. Mép của mặt trước ngăn kéo được vát góc xiên 45 độ. Cấu trúc này tạo nên một thiết kế đơn giản không có bất kỳ một rãnh sâu hay mép lồi nào.

>>> Tỷ lệ trong thiết kế đồ gỗ và nội thất

>>> Nguyên lý thiết kế đồ gỗ và nội thất (Phần 1)

>>> Nội thất bên trong công trình trong vẽ truyện tranh

0976984729