Không gian âm trong nghệ thuật
Không gian âm là không gian nằm xung quanh các vật thể hai chiều cũng như ba chiều. Đây là khoảng không gian nằm bên trong hoặc tương phản với những hình dạng được xác định bởi các đối tượng chính (gọi là không gian dương) – chẳng hạn như trang giấy trắng xung quanh một hình ảnh tối màu hay khoảng trống giữa cánh tay và thân mình của một bức tượng. Các nghệ sĩ thường khai thác sự mơ hồ nhập nhằng của cảm giác khi phân biệt giữa không gian âm và không gian dương.
Những bức tượng bằng đồng của thần Shiva trong Hindu giáo thường thể hiện vị thần này là một Nataraja (Chúa tể của các vũ điệu). Sự tương tác giữa những hình dạng âm và dương phía bên trong vòng tròn lửa mang lại cho nhân vật một cảm giác sinh động rõ rệt.
Khả năng cảm nhận các hình ảnh của chúng ta phụ thuộc vào khả năng phân biệt giữa đối tượng chính và phông nền. Một vết mực hình bầu dục màu đen trên nền giấy trắng sẽ có vẻ giống như một lỗ hổng (không gian âm), trong khi đó nếu có những nét lồi lên ở một phía của hình bầu dục đó khiến ta liên tưởng đến một cái trán, mũi và cằm thì nó sẽ giống như một cái đầu (không gian dương) được bao bọc bởi không gian trống ở xung quanh (không gian âm). Sự phân biệt rạch ròi giữa hình ảnh chính và phông nền có thể bị phá vỡ một cách có chủ ý; đây chính là cơ sở để tạo nên những ảo giác quang học đơn giản trong đó những hình ảnh có thể biến đổi liên tục giữa âm và dương.
Không gian âm là yếu tố quan trọng trong việc chạm khắc, trong đó những hình đạng dược tạo nên bằng cách đẽo gọt đi không gian xung quanh chúng. Chẳng hạn như trong các bức phù điêu chìm thời Ai Cập cổ đại, những nhân vật được tạo ra bằng cách đục vào khối đá được xem là có hiện diện hữu hình, còn những vùng không được đục đẽo ở xung quanh được xem như trống rỗng vô hình. Trong chạm khắc ba chiều, tác phẩm điêu khắc được thành hình thông qua quá trình gọt bỏ vật liệu xung quanh. Vào đầu thế kỷ XX, khi các nhà điêu khắc chủ nghĩa Hiện đại như Constantin Brancusi, Henry Moore và Barbara Hepworth làm hồi sinh phương pháp chạm khắc đá và gỗ, họ đã vận dụng không gian âm như một yếu tố quan trọng trong cách biểu đạt chính thức của mình. Không gian ngoài trời tương phản với những hình dạng chạm trổ lồi lõm nhịp nhàng trên thân Những cây cột cao bất tận (thập niên 1920-30) của Brancusi được xem là yếu tố vô cùng quan trọng trong những tác phẩm này. Cả Moore – trong những nhân vật điêu khắc nằm dài – và Hepworth – trong những bức chạm khắc khoét lỗ phong cách trừu tượng – đều sử dụng không gian âm để gắn kết tác phẩm điêu khăc của mình với môi trường xung quanh, thường là một phong cảnh có thể được quan sát thông qua các khe hở và lỗ hổng trong tác phẩm.
Cửa ô tô, cầu là quần áo và máy giặt hai lồng cùng với chiếc mũ lông chim của thổ dân Da đỏ Bắc Mỹ (1981) của Bill Woodrow biểu diễn một sự đảo ngược của cả không gian và giá trị, khi một đồ vật vô vị dùng trong gia đình lại cung cấp chất liệu để tạo thành một đồ trang trí ấn tượng.
Một số phương pháp sáng tác yêu cầu các nghệ sĩ phải đảo ngược không gian âm và dương. Tranh in khắc lõm đòi hỏi phải khoét bỏ đi những khu vực trên bản khắc để có thể chứa được mực, từ đó tạo nên những hình ảnh dương. Trong các loại hình nghệ thuật trang trí thông thường mà những hoa văn dạng phẳng được sử dụng trên các bề mặt ba chiều, thì sự tương tác giữa hình ảnh đó và mặt nền thường được kết hợp hài hòa tinh tế. Sự biến đổi về hóa học từ âm bản thành dương bản chính là cơ sở để tạo nên những bức ảnh chụp được tráng từ phim: nếu không có quá trình đảo ngược này, tác dụng của ánh sáng trên tấm phim của máy ảnh sẽ chỉ tạo ra những khoảng trống nhợt nhạt thay vì những hình ảnh mà ta biết là có trong thực tế.
Rachel Whiteread đã tạo dựng toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của mình dựa trên việc khai thác không gian âm. Hầu như tất cả tác phẩm điêu khắc của bà đều được đúc từ các khoảng không trống rỗng trong nhà, từ đó chúng có được dạng khối cụ thể, chẳng hạn như trong dự án Ngôi nhà ở East End, London vào năm 1993 này (đã bị phá hủy vào năm sau đó).
Đảo ngược âm – dương đã từng được khai thác để tạo nên những hiệu ứng hóm hỉnh và lay động bởi những nhà điêu khắc đương đại như Bill Woodrow và Rachel Whiteread. Trong tác phẩm Cửa ô tô, cầu là quần áo và máy giặt hai lồng cùng với chiếc mũ lông chim của thổ dân da đỏ Bắc Mỹ (1981) của Woodrow, dải kim loại được cắt ra từ một chiếc máy giặt trở thành một chiếc mũ lông chim của thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ. Trong công trình Đài tưởng niệm thảm sát Holocaust ở Vienna, Whiteread đã sử dụng bê tông đúc thành các giá sách thư viện, trong đó không gian âm nhằm tưởng niệm cộng đồng dân tộc và nền văn hóa đã biến thành tro bụi tan vào hư không.
>>> Không gian dương và không gian âm
>>> Ánh sáng và hình khối trong không gian
>>> Các khoảng trống và không gian