Vẽ kết hợp

1. Bài vẽ kết hợp bút sắt + mực nho:

* Các cách kết hợp bút sắt với mực nho:

Khởi đầu trong lịch sử vốn chỉ có tranh mực nho kiểu Trung Quốc hay mực đen kiểu phương Tây. Nhưng rồi đến thời kỳ mà người phương Tây viết và vẽ nét bằng bút lông ngỗng thì đôi khi họ thấy cần tô thêm mảng mực đậm vào hình vẽ để tăng hiệu quả mô tả. Đến thời cận đại, khi ngòi bút sắt được chế tạo thì kiểu vẽ bút sắt có hỗ trợ của bút lông mềm tô đệm các mảng mực đậm nhạt khác nhau cũng xuất hiện.

- Bút sắt trước, mực nho sau:

Có nhiều cách kết hợp nhưng đây là cách thuận tiện nhất vì nó đơn giản, thứ tự hợp lý và hiệu quả. Trước hết, ta chỉ cần dùng bút sắt để vẽ hình, thậm chí có thể tả đậm nhạt đôi chút bằng cách đan nét hay tỉa tót kỹ lưỡng các chi tiết trọng tâm cho tới khi thẩy ổn thỏa gần như một bài vẽ bút sắt (tất nhiên chưa cần hoàn chỉnh). Nếu đây là bản vẽ kỹ thuật thì ta nên dùng thước kẻ và compa để có được những đường thẳng hay tròn chính xác. Còn nếu đây là tranh nghệ thuật thì ta không nên dùng thước mà phải vẽ tay cho rung cảm (kể cả những đường thẳng cũng phải vẽ tay). Tiếp theo, ta dùng bút lông mềm tô mực nho vào các mảng cần diễn tả đậm hơn. Chú ý: không tô đậm ngay lập tức mà bao giờ cũng phải nhạt hơn (vì đã có nét đỡ các đường biên của hình rồi), sau đó theo thứ tự từ nhạt đến đậm như vẽ mực nho cho đến khi thấy hài lòng. Nếu đây là bản vẽ kỹ thuật thì ta chỉ việc tô cho chuẩn xác, không chệch khỏi các đường viền hình khối, không loang nhòe. Nhưng nếu đây là tranh nghệ thuật thì ta có thể tạo các loang nhòe như ở kiểu tranh mực nho, sao cho lãng mạn hơn, bay bướm hơn… Cuối cùng, trước khi kết thúc, ta vẫn nên vờn tỉa, nhấn nhá khu vực trọng tâm của bức tranh sao cho hấp dẫn và nổi bật hơn cả.

Không nhất thiết phải vẽ nét tất cả mọi hình thù trong tranh. Để tăng cường tính chất lãng mạn và mơ mộng, ta nên bỏ không vẽ nét ở các hình dạng ảo như đám mây hay chân trời mờ xam, thậm chí các vệt gió. Trong các trường hợp ấy, chỉ cần vẽ bằng bút lông mềm với mực nhạt là được.

Nếu là bản vẽ kỹ thuật thì nhất thiết phải chờ cho nét bút sắt thật khô mới tô thêm mực nho để tránh loang nhòe. Nhưng nếu là tranh nghệ thuật thì ta có thể đệm mực nho lên hình nét bút sắt ngay khi nét còn ướt để tạo độ loang nhòe. Tất nhiên, loang nhòe như thế nào đều phải theo chú ý của người vẽ và phải tính toán trước xem chỗ nào cần nhòe, chỗ nào không.

- Mực nho trước, bút sắt sau:

Đầu tiên ta cứ vẽ mực nho như bình thường, chỉ cần ở mức độ nhạt, chưa đến mức đậm và tất nhiên chưa đến mức hoàn chỉnh. Sau đó ta đi nét vào các chỗ cần nhấn mạnh hình thể, nhất là khu vực trọng tâm cho đến khi hoàn chỉnh. Cách vẽ này chỉ dùng trong tranh nghệ thuật chứ không thể dùng trong việc vẽ bản vẽ kỹ thuật do tính chất khó định hình chính xác của nó. Tùy ý người vẽ, có thể đợi các mảng mực nho khô hẳn rồi mới đi nét hay ngay khi đang còn ướt đã đi nét để tạo đồ nhòe cũng được. Thậm chí có khi người ta đi nét ngay khi mảng mực còn ướt để cho nét nhòe gần hết, sau đó đợi khô rồi đi nét đè lên lần thứ 2 cho rõ. Tất cả đều do ý định và kinh nghiệm của người vẽ; mà muốn có kinh nghiệm thì phải luyện tập, càng nhiều càng tốt.

- Tùy hứng vẽ xen kẽ cả 2 kiểu:

Một khi đã khá thông thạo vì đã từng tập luyện cả 2 kiểu vẽ trên đây, ta có thể không cần câu nệ vẽ đúng trình tự như trước nữa mà nên tùy hứng vẽ xen kẽ cả 2 kiểu. Tùy hứng bao giờ cũng tạo ra cảm giác tự chủ hơn, đỡ căng thăng, thuận tiện theo ý mình.

Hoặc là ta vẽ bút sắt trước nhưng dừng ở mức xong các nét chu vi hình thể trong bài. Tiếp đó ta lấy bút lông mềm tô mực nho nhạt vào các mảng cần thiết. Sau đó ta lại lấy bút sắt vẽ tiếp các chi tiết, tả tiếp một số khối bóng hay diện, mảng nào đó rồi lại dùng mực nho đậm hơn một chút để tả tiếp… và cứ như vậy cho đến khi xong.

Một cách khác là ta vẽ mực nho trước (nhớ chỉ nhạt thôi đã) bằng cách dùng bút lông mềm tô các mảng lớn và quan trọng trước. Sau đó lấy bút sắt đi nét các chu vi hình thể trong bài rồi lại tả tiếp các độ đậm nhạt bằng mực nho với bút lông mềm, rồi lại dùng bút sắt vẽ nét kỹ hơn vào các chi tiết… cho đến khi thấy xong.

Trong quá trình vẽ, ta có thể tạo ra loang nhòe bằng cách vẽ lớp sau lên trên lớ trước đang còn ướt. Ngược lại nếu muốn cả mảng lẫn nét rõ ràng, phẳng phiu, ta phải đợi lớp dưới khô rồi mới được vẽ đè lớp sau lên.

Trong quá trình vẽ, ta có thể tạo ra loang nhòe bằng cách vẽ lớp sau lên trên lớp trước đang còn ướt. Ngược lại nếu muốn cả mảng lẫn nét rõ ràng, phẳng phiu, ta phải đợi lớp dưới khô rồi mới được vẽ đè lớp sau lên.

- Thay bút sắt bằng bút lông ngỗng, ngan hay bút tre:

Học theo phương Tây, ta có thể tìm lông cánh ngỗng hay ngan, vót vát đầu, mài bớt cho đỡ gai rồi chấm mực vẽ. Tiện lợi hơn, ta có thể vót vát đầu đũa tre để chấm mực vẽ cũng rất thú vị. Có người còn vót vát vài đầu đũa tre với các mức độ rộng hẹp khác nhau để luân phiên vẽ trong 1 bài cho nét phong phú. Có người lại tìm cành tre tươi (cầm vừa tay) rồi vót vạt nhọn đầu, chấm mực vẽ - loại bút tre tươi này có hiệu quả nét mực đậm nhạt thay đổi do mực hòa lẫn với nước nhựa tre nên rất thú vị. Kết hợp mấy loại bút tự tạo trên đây với vẽ mực nho bằng bút lông mềm cũng có thể tạo ra những hiệu quả lạ kiểu, thêm phần hấp dẫn, đỡ gò bó. Chỉ có điều cần chú ý: kiểu gì thì cũng cần phải đạt mục đích của bài như bố cục ổn thỏa, tả được các lớp cảnh nông sâu và cuối cùng là để có một bức tranh đẹp.

Chú ý: Bài cơ bản vẫn nên vẽ bằng bút sắt. Chỉ khi nào các thầy cô đồng ý mới được thay bằng bút tự chế.

* Thực hành chất liệu: Bài Phong cảnh

Khuôn khổ: nên khoảng 40 x 55cm. Giấy canson hay conqueror… trắng ngà là tốt nhất.

Chọn cảnh công viên, ven hồ hay vườn chùa rộng nào đó cho lãng mạn, gợi cảm.

Các công đoạn: bao giờ cũng nên phác chì trước vì các em đang tập. Sau đó vẽ theo các cách và các bước như đã trình bày ở trên.

Nên chừa không vẽ nền trời và các mảng thật sáng, thậm chí nếu cần có thể chừa cả nền đất (chỉ gợi bóng nắng hay các gờ đất thôi).

3 KHÔNG: Không vẽ theo ảnh chụp (sẽ mất khả năng vẽ không gian thực tế, phải phụ thuộc vĩnh viễn vào ảnh) mà phải vẽ trực tiếp ngoài thiên nhiên. Không tẩy xóa lung tung (càng xóa càng bẩn), nếu vẽ hỏng thì nên thay tờ giấy khác và vẽ lại từ đầu. Không pha trắng (màu mực sẽ bị đục, không trong nữa).

but sat muc nho 1
Bước 1: Phác chì

but sat muc nho 2
Bước 2: Đi nét bút sắt

but sat muc nho 3
Bước 3: Lên đậm nhạt cơ bản

but sat muc nho 4
Bước 4: Tiếp tục diễn tả

but sat muc nho 5
Bước 5: Hoàn chỉnh bài

2. Bài vẽ Bút sắt + Màu nước:

* Các cách kết hợp bút sắt với màu nước:

Trong lịch sử, việc kết hợp này cũng tương tự như bút sắt với mực nho, chỉ có điều là phức tạp và tinh tế hơn do số lượng các màu rất phong phú mà mỗi màu lại có vô số mức độ đậm nhạt khác nhau; đấy là chưa kể ngay cả bút sắt cũng không nhất thiết chỉ có mỗi mực đen mà còn có thể chấm các loại mực màu khác (như nâu, đỏ, tím, xanh đen…). Đương nhiên, với bài tập thông thường như ở đây, ta chỉ nên dùng mực đen để tất cả các bài trong cùng lớp được đồng đều, không quá kỳ quặc hay khác biệt đến mức lố bịch (các mực màu khác nên dùng thử nghiệm riêng hoặc trong sáng tác cá nhân).

- Bút sắt trước, màu nước sau:

Đây là kiểu kết hợp thông dụng nhất vì tính hợp lý (xong hình rồi mới diễn tả), dễ theo với người mới tập. Trước hết, ta chỉ cần dùng bút sắt vẽ hình (tất nhiên là sau khi đã phác chì), ưu tiên đảm bảo chu vi các hình khối cơ bản trong bài trước rồi vẽ kỹ hơn vào khu vực trọng tâm, có thể tỉa tót kỹ vào các chi tiết quan trọng nhất cũng như có thể đan nét tả khối đôi chút ở các hình khối quan trọng trong bài. Nếu đây là bản vẽ kỹ thuật thì ta nên dùng thước kẻ và compa để vẽ được những đường thẳng và cong chuẩn xác. Nếu đây là tranh nghệ thuật thì ta phải vẽ tay hoàn toàn, kể cả những đường thật thẳng hay cong đều (tất nhiên phải luyện tập). Sau đó ta sang bước vẽ đệm màu nước: dùng bút lông mềm pha sẵn các màu cơ bản trong bài vào các ô trũng trong palét chuyên dụng, tô dần các mảng miếng cơ bản trong bài theo các bước từ nhạt đến đậm hoặc ngược lại, từ đậm đến nhạt.

Nếu đây là bản vẽ kỹ thuật thì ta phải tô sao cho các mảng miếng màu thật đều, thật khớp với các dường biên, không chờm ra ngoài, không hụt, không loang nhòe… và tất nhiên phải chờ cho màu lớp dưới khô rồi mới tô tiếp màu khác lên trên. Còn nếu đây là tranh nghệ thuật thì ta có thể tùy ý tô thêm ngay khi nét hay lớp màu dưới còn ướt để chủ ý tạo ra các loang nhòe cho tranh thêm phần rung động. Tất nhiên, để cho loang nhòe hợp ý mình thì phải luyện tập rất nhiều chứ không thể một phát ăn ngay được.

Lưu ý: dù cách vẽ khá giống Bút sắt + mực nho nhưng đây là Màu nước nên có sự khác biệt ở chỗ mực nho chỉ có 1 màu với các mức độ đậm nhạt khác nhau trong khi màu nước có rất nhiều màu, mỗi màu lại có vô số mức độ đậm nhạt khác nhau. Để đảm bảo độ trong và tươi của màu, ta nên hạn chế pha trắng và đen (sẽ làm cho màu đục, bẩn hay chết màu). Với màu cần sáng, ta pha thật loãng chứ đừng pha trắng, khi ấy nền giấy sáng phía dưới sẽ góp phần làm cho màu sáng hơn mà vẫn trong. Với màu cần đậm, ta chỉ cần chồng nhiều lớp màu thuộc loại đậm như nâu, tím, xanh lá cây hay xanh biển thì tự khắc màu của mảng hay miếng đó sẽ rất đậm mà chưa chắc đã phải dùng đến màu đen. Đây chính là nguyên lý nhuộm màu của màu nước: dù màu có sáng đến đâu đi chăng nữa mà nếu chồng đè vài lần thì tất yếu sẽ trở thành đậm, như vậy thì nếu chồng các lớp màu đậm sẽ dễ đạt tới độ gần như đen. Với màu nước, không thể đè màu sáng lên màu đậm mà màu vẫn trong và tươi (đôi khi có thể đè trắng lên nhưng màu sẽ đục, làm hỏng hiệu quả màu nước). Tất nhiên ta không cực đoan tới mức bỏ không dùng màu đen, nhưng nên hạn chế nếu cần màu trong hay tươi.

Những mảng màu cần thật tươi thì nên cố gắng vẽ 1 lần được ngay hoặc có kém cũng chỉ tô đến lần thứ hai là cùng.

- Màu nước trước, bút sắt sau:

Cách vẽ này không thể dùng trong trường hợp vẽ kỹ thuật vì không thể định hình trước một cách chính xác, các mảng và diện khó vẽ đều và phẳng.

Thoạt tiên, ta cứ vẽ màu nước trước một cách bình thường. Chú ý: theo cách vẽ từ nhạt đến đậm nhưng tạm dừng ở mức chưa hoàn thiện, chỉ cần tương đối đủ các mảng màu từ nhạt đến trung gian. Việc hoàn thiện sẽ là của bút sắt: vẽ nét đè lên các mảng miếng màu nước để xác định hình khối, tỉa chi tiết và nhấn nhá trọng tâm. Chúng ta sẽ được chứng kiến hiệu quả đặc biệt của bút sắt: dù màu nước vẽ trước có thể rất nhạt nhưng khi đi nét thêm vào ta sẽ thấy ổn thỏa ngay, vững hình ngay, nhất là trọng tâm có thể nổi bật ngay! Để tăng thêm độ rung cảm và chất lượng nghệ thuật, ta có thể vẽ nét ngay khi các mảng màu còn đang ướt nhằm tạo ra loang nhòe và đỡ cứng (nếu tuyệt đối không loang nhòe và quá chuẩn xác thì sẽ gây cảm giác giống như bản vẽ kỹ thuật hay kiểu vẽ tranh truyện). Tất nhiên cần phải luyện tập nhiều để có thể điều khiển được những độ loang nhòe ấy.

Hãy xem kỹ bài mẫu, các em sẽ thấy: nếu bỏ nét ra thì các mảng màu nước còn lại sẽ chỉ ở mức đổ rất nhạt và trung gian chứ không cần đậm. Vậy là trong trường hợp này, bút sắt sẽ tiết kiệm công sức cho ta khá nhiều khi trước đó chỉ cần vẽ các mảng màu tương đối, khỏi cần tả kỹ. Tuy nhiên, nếu có chi tiết trọng tâm nào mà màu tươi sáng rực rỡ thì hãy thận trọng khi đi nét bút sắt: nếu để lớp màu tươi đã khô rồi mới đi nét đè lên thì sẽ rất rõ ràng nhưng gây cảm giác cứng, nếu đi nét ngay lên lớp màu tươi đang còn ướt thì mực đen sẽ nhòe kín hết chi tiết, triệt tiêu độ tươi sáng và như vậy sẽ làm hỏng sự nổi bật của trọng tâm. Do đó, tốt nhất chỉ nên dùng ngòi bút đang có ít mực, đi nét lên lớp màu tươi sáng đã gần khô, nét sẽ không quá cứng, cũng không nhòe hết. Tất nhiên, để làm được điều này, ta cần phải tập luyện nhiều để rút ra kinh nghiệm chính xác nhất.

- Tùy hứng vẽ xen kẽ cả 2 chiều:

Cả 2 kiểu trên đây chủ yếu dành cho những người mới tập nên quy trình khá thận trọng. Những ai đã luyện tập nhiều đến độ vững vàng và đủ tự tin thì có thể tùy hứng vẽ xen kẽ cả 2 kiểu như sau:

Phác chì rồi đi nét bút sắt sơ bộ các chu vi và những đường nét cơ bản. Tiếp theo dùng bút lông mềm pha màu nước và tô lên các mảng miếng chính theo các mức độ từ nhạt đến trung gian. Sau đó lại đi nét bút sắt để tỉa tót các chi tiết và gợi khối hay đan nét đôi chút vào các mảng cần tối. Cuối cùng tô màu đầy đủ vào các mảng cần thiết, nhất là các mảng cần rõ và đậm, chỉnh sửa để hạn chế các loang nhòe cho khỏi vượt quá giới hạn cần thiết.

Phác chì rồi lấy bút lông mềm pha màu nước loãng và nhạt tô lên các mảng miếng chính. Tiếp theo ta đi nét bút sắt vào vị trí các mảng miếng và đường nét cơ bản. Sau đó pha màu nước cho đủ độ đậm và độ màu cần thiết để vẽ vào các mảng trọng tâm cũng như các chi tiết chính. Cuối cùng tỉa nét bút sắt vào các chi tiết quan trọng nhất cũng như có thể đan nét để gợi đậm nhạt vào các khối cần thiết.

Riêng các hình thể ảo như đám mây hay vệt gió thì không nên đi nét mà chỉ cần gợi những nét màu rất nhạt bằng bút lông mềm.

Không nên vẽ quá nét và cứng, cũng không nên quá lạm dụng loang nhòe. Hãy gợi chút loang nhòe để tạo rung cảm.

- Thay bút sắt bằng bút tre hay bút lông ngỗng – ngan để kết hợp với màu nước:

Như ở phần Kết hợp bút sắt + mực nho, chúng ta có thể tự chế tạo các loại bút bằng lông cánh ngỗng hay ngan (cho to và đủ cứng) cũng như vót vát đầu que tre rồi chấm mực thay thế bút sắt. Nét của các loại bút tự chế này sẽ to hơn nét bút sắt, lại không đen đều nhưng sẽ gây cảm giác phóng khoáng hơn. Khi kết hợp với màu nước sẽ có thể tạo hiệu quả rung cảm hơn, tuy không tinh vi bằng bút sắt + màu nước. Tất nhiên các sáng tạo và tự chế này tạm thời chỉ là tham khảo, sử dụng để tự học thêm hay tự sáng tác theo ý thích của cá nhân chứ không thể thay thế các bài tập chính.

* Thực hành bài Phong cảnh:

Khuôn khổ: khoảng 40 x 55 cm cho vừa sức. Giấy canson hay conqueror trắng ngà…

Chọn cảnh: công viên, ven hồ hay vườn chùa nào đó đẹp và lãng mạn. Lý tưởng nhất là gặp lúc trời nắng (màu sắc rực rỡ, tương phản mạnh), vào mùa cây có lá đỏ, lá vàng, lá non hay ra hoa đỏ rực, tím ngắt, vàng chói… Trong thiên nhiên cây cối nên có thấp thoáng mái đình, mái chùa nào đó cho gợi cảm và có trọng tâm là kiến trúc (gợi ý: vẽ đền Voi Phục, chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, các chùa khá đẹp ở ven hồ Tây như Thiên Niên, Vạn Niên, Tảo Sách, nhà 4 cột tròn với mái ngói xanh trong vườn cây gần tượng ông Lê Nin, kiến trúc trong Quán Gió ở công viên Thống Nhất… thậm chí chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp…).

Các công đoạn: đừng quên phác chì trước vì các bạn mới tập vẽ. Sau đó lần lượt vẽ theo quy trình đã trình bày ở dưới đây.

Nên chừa lại, không vẽ các mảng thật sáng như nền trời (nếu cần chỉ gợi mây thật mờ là được), thậm chí nếu cảnh phức tạp thì có thể chừa cả nền đất (chỉ gợi bóng nắng và các gờ đất thôi) để tập trung vào vẽ cây cối và kiến trúc.

3 KHÔNG: Không vẽ theo ảnh chụp. Không tẩy xóa lung tung, cần suy tính kỹ để khỏi vẽ nhầm, vẽ bẩn quá (trong trường hợp ấy nên thay giấy khác mà vẽ). Không pha trắng để khỏi làm màu đục và mất tươi.

but sat muc nho 6
Bước 1: Phác chì cảnh phố Phùng Hưng – Hà Nội

but sat muc nho 7
Bước 2: Đi nét bút sắt

but sat muc nho 8
Bước 3: Phủ dung dịch cao su non lên các mảng lá non dự kiến sẽ để màu sáng

but sat muc nho 9
Bước 4: Lên các mảng màu cơ bản

but sat muc nho 10
Bước 5: Tiếp tục diễn tả màu sắc

but sat muc nho 11
Bước 6: Bóc bỏ các mảng cao su non (để lộ nền giấy trắng)

but sat muc nho 12
Bước 7: Vẽ tiếp các mảng lá non sáng màu lên chỗ đã bóc màng cao su non và rồi tranh đã hoàn chỉnh

Một số hình ảnh tham khảo các phong cách vẽ tranh kết hợp

but sat muc nho 13
Phong cảnh. Bút sắt đệm mực đen của họa sĩ Francis Towne (Anh). 1781

but sat muc nho 14
Phong cảnh ở Napoli – Ý. Bút sắt đệm mực nho của họa sĩ Francis Towne (Anh). 1781

but sat muc nho 15
Chuẩn bị vượt sông. Ký họa bút sắt – màu nước của Huỳnh Phương Đông

>>> Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho

>>> Các bài vẽ bằng mực nho

>>> Các bài tập vẽ bằng màu nước

0976984729