Các bài vẽ bằng mực nho

1. Bài vẽ tĩnh vật:

* Hiểu biết về tranh tĩnh vật vẽ mực nho:

Đối tượng là các vật tĩnh, bày tập trung trước mặt ta, trong một không gian cụ thể, nguồn sáng cụ thể, chênh lệch đậm nhạt mạnh và rõ (để thuận lợi cho người mới tập).

Không tẩy xóa, không pha trắng, phải biết chừa nền giấy cho các mảng sáng nhất.

Với tĩnh vật phải ưu tiên tả được khối nổi của lọ, hoa quả… (thường là bên sáng, bên tối, phản quang và điểm nháy sáng).

* Cách chọn và bày mẫu:

Để dễ vẽ, nên bày kết hợp 1 trong các khối cơ bản (lập phương, tròn, viên trụ, kim tự tháp) với 1 lọ gốm (1 màu, không có các chi tiết trang trí) và một số quả (tốt nhất là chín đều hoặc xanh đều). Nếu không thật tự tin thì không bày hoa vì vẽ hoa khó hơn.

Vải nền thật đậm hoặc thật sáng, không dùng màu rực rỡ vì bài này ta vẽ mực nho.

Nguồn sáng mạnh và tập trung.

* Khuôn khổ bài:

Vì mới tập, không nên vẽ to, chỉ nên khoảng 30 x 40 cm cho vừa sức.

* Các công đoạn:

Phác trước thật nhẹ bằng chì 2B hoặc 3B.

Phác lại bằng nét mực mờ.

Vẽ theo cách từ nhạt đến đậm hoặc ngược lại. Nhớ chừa trắng giấy chỗ các mảng sáng.

Nhấn nhá chi tiết trọng tâm để hoàn thiện bài.

muc nho 1
Bước 1: Phác chì

muc nho 2
Bước 2: Phác nét mực nho (nhạt) đè lên nét chì

muc nho 3
Bước 3: Bắt đầu diễn tả đậm nhạt – sáng tối bằng mực nho

muc nho 4
Bước 4: Diễn tả sâu hơn bằng mực nho

muc nho 5
Bước 5: Diễn tả hoàn chỉnh

2. Bài vẽ phong cảnh thiên nhiên (cây cối)

* Hiểu biết về tranh phong cảnh thiên nhiên

Đối tượng chính là vườn cây, mặt đất, thảm cỏ… Không gian rộng, ánh sáng tự nhiên. Nếu vẽ cảnh có nắng thì sẽ dễ hơn vì tương phản sáng – tối mạnh hơn. Ngược lại, cảnh âm u rất khó cho người mới tập vẽ.

Không tẩy xoá, không pha tắng, phải chừa nền giấy cho các mảng sáng nhất.

Phong cảnh thiên nhiên ưu tiên tả được thân, cành và vòm lá cây. Nếu có nắng thì nên tả bóng đổ (nhưng đừng lạm dụng bóng đổ nhiều).

Phong cảnh khác với tĩnh vật ở chỗ không gian rộng hơn nhiều và có các lớp cành (tiền, trung, hậu cảnh).

* Cách chọn và cắt cảnh:

Mới tập thì tốt nhất nên chọn cảnh trong công viên hay vườn trường. Nên chọn chỗ có một nhóm cây cao, to, thân và cành không bị che khuất quá nhiều, cũng không quá lộ liễu. Không chọn vẽ loại cây có thân to mà thẳng đứng (khó đẹp, dễ gây cảm giác cây giả). Không để đường chân trời chia đôi tranh theo chiều ngang (nên cắt cảnh sao cho đường chân trời ở vị trí 1.3 trên hay 1.3 dưới là tốt nhất).

Nên chọn trọng tâm là cây loại xương xẩu, nhiều cành, ít lá (dễ vẽ).

Nên chú ý phân tách các lớp gần – xa (để tạo chiều sâu không gian).

Tuyệt đối không vẽ lại từ ảnh chụp vì sẽ bị thóai hóa khả năng quan sát và vẽ thực tế.

* Khuôn khổ bài: Nên khoảng 40 x 55cm là vừa với khả năng và thời gian.

* Các công đoạn: (Giống như bài Tĩnh vật mực nho).

muc nho 6
Bước 1: Phác chì

muc nho 7
Bước 2: Phác nhẹ bằng mực đè lên nét chì

muc nho 8
Bước 3: Bắt đầu dùng mực diễn tả đậm nhạt

muc nho 9
Bước 4: Tiếp tục diễn tả đậm nhạt của cây cối và mặt đất

muc nho 10
Bước 5: Diễn tả xong

3. Bài vẽ tranh phong cảnh thành thị

* Hiểu biết về tranh phong cảnh thành thị:

Đối tượng mô tả chính là kiến trúc phố xá – nhà cửa san sát. Không gian rộng, ánh sáng tự nhiên (chỉ vẽ thời điểm ban ngày, không vẽ lúc trời tối, dù thành phố lên đèn, để khỏi làm phức tạp vấn đề). Chú ý: phố Hà Nội thường có 2 hàng cây ở 2 bên vỉa hè và nên chọn đoạn có cây để tranh có thêm lớp lang, nhà cửa đỡ trơ, dễ đẹp hơn.

Tránh chọn các phố quá mới với nhà quá cao tầng, cảnh sẽ đơn điệu, rất khó vẽ.

Kiến trúc là trọng tâm. Nhưng kiến trúc bao giờ cũng khó vẽ hơn vì: nhiều đường thẳng, mảng phẳng, phải vẽ chính xác hơn. Nhà cửa không thể nghiêng ngả hay méo mó (ta đang vẽ hiện thực chứ không vẽ trường phái bóp méo) và phải tránh để nhà ở cận cảnh hoàn toàn (sẽ dễ trơ).

Nếu vẽ lúc có nắng thì cảnh sẽ dễ đẹp hơn vì tương phản sáng tối sẽ mạnh hơn, hình khối rõ hơn, mặt đất có bóng đổ…

* Cách chọn và cắt cảnh:

Nên chọn phố cổ hoặc các ngõ nhỏ, nhà không quá cao, quá thẳng mà có nhô ra – thụt vào, có mái ngói xen lẫn mái bằng, không bị vướng các xe cộ quá lớn xe tải…

Tránh vẽ mặt đường chính giữa, hai vỉa hè cân đều hai bên (bố cục quá lý tính, gây cảm giác khô cứng). Tránh ngồi một bên vỉa hè để vẽ trực diện mặt phố bên kia (quá gần, bài thiếu chiều sâu). Tránh vẽ cột điện hay bất cứ vật thể gì thẳng đứng giữa tranh (bài bị chia đôi).

Không nhất thiết phải vẽ chính xác và đầy đủ mọi thứ như ta nhìn thấy (vì ta không chụp ảnh). Dù vẽ hiện thực, người vẽ vẫn có quyền dịch chuyển đôi chút vị trí của một số vật thể (có thể gây chướng mắt) sao cho dàn cảnh trong bài hợp lý hơn, đẹp hơn.

Nên để đường chân trời ở khoảng 1.3 dưới tranh.

Có thể chọn vị trí trên gác 2 nhìn ra phố, yên tĩnh, kín đáo, dễ vẽ hơn.

Tuyệt đối không vẽ lại từ ảnh chụp vì sẽ bị thóai hóa khả năng quan sát và vẽ thực tế.

* Khuôn khổ bài: khoảng 40 x 55cm là vừa sức.

* Các công đoạn: (giống bài Tĩnh vật và Phong cảnh thiên nhiên. Chú ý kiến trúc hơn).

muc nho 11
Bước 1: Phác hình

muc nho 12
Bước 2: Chỉnh hình và bắt đầu lên đậm nhạt

muc nho 13
Bước 3: Tiếp tục diễn tả đậm nhạt

muc nho 14
Bước 4: Diễn tả hoàn thành

4. Bài vẽ phong cảnh kết hợp thiên nhiên – kiến trúc

* Lưu ý: Đây là bài có tính chất tổng hợp, rất có thể sẽ là bài lấy điểm kiểm tra hết hần vẽ mực nho. Mọi quy cách và công đoạn tương tự như hai bài trên, chỉ có điều phải lưu ý kiến trúc hơn cây cối vì kiến trúc bao giờ cũng quan trọng hơn.

* Khuôn khổ bài: 40 x 55 cm cho vừa sức.

muc nho 15
Bước 1: Phác hình

muc nho 16
Bước 2: Bắt đầu lên đậm nhạt cơ bản

muc nho 17
Bước 3: Tiếp tục diễn tả đậm nhạt xa gần

muc nho 18
Bước 4: Diễn tả hoàn chỉnh

Một số hình ảnh tham khảo các phong cách vẽ tranh bằng mực nho

muc nho 19
Cầu đá chùa Bút Tháp. Tranh mực nho của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp

muc nho 20
Nhà cổ phố Lương Ngọc Quyến. Tranh mực nho của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

muc nho 21
Phong cảnh chùa Hương (mực nho trên giấy)
(Bài tâp của sinh viên)

>>> Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho

>>> Ký họa và vẽ mực nho

>>> Cách vẽ tranh bằng mực

0976984729