Những luật cơ bản của mỹ thuật (Phần cuối)

2. Bố cục:

Định nghĩa: bố cục là sự sắp sếp, phân bố, tổ chức các bộ phận, chi tiết trong một tổng thể hay hệ thống, nhằm mục đích ổn định, cân đối toàn cục đồng thời làm nổi bật yếu tố chính hay ý tưởng cơ bản.

Bố cục trong Kiến trúc: là sự tổ chức, sắp xếp mặt bằng và không gian hình khối của một công trình để tạo ra tương quan hài hòa giữa ý tưởng và công năng, giữa quy hoạch và kết cấu, sao cho có thể đồng nhất tỷ lệ giữa toàn thể công trình với con người.

Bố cục trong Mỹ thuật: là sự sắp xếp, tổ chức các yếu tố tạo hình (đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc) theo những điều kiện quy định như: khung tranh (chữ nhật, vuông, tròn), vị trí (tượng để trong hay ngoài nhà), thể loại (tranh đơn hay bộ đôi, tam, tứ)… Bố cục còn tùy theo trường phái: bố cục Cổ điển tĩnh, hài hòa, mực thước; bố cục Ba rốc năng động, đa hướng; bố cục Cổ điển châu Âu phải có điểm nhìn cố định trong khi điểm nhìn trong tranh quốc họa Trung Quốc xê dịch zic zắc theo chiều dọc (nếu là tranh trục dọc) hay theo chiều ngang (nếu là tranh cuộn ngang) theo hướng chuyển biến của câu chuyện.

Vì tầm quan trọng của bố cục, từ lâu ở phương Tây người ta đã đi sâu nghiên cứu, đúc rút thành Luật bố cục và khuôn hình. Sau đây là những vấn đề cơ bản của luật này:

* Cơ sở thị giác:

1. Khi quan sát, mắt ta không “quét” đều qua hình ảnh mà nhảy cóc đến những chỗ hấp dẫn nhất. 2. Mắt ta “đọc hiểu” hình ảnh theo thói quen đọc sách. Ngày nay đa số “đọc hiểu” hình ảnh từ trái sáng phải, từ trên xuống dưới. Ngày xưa người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam đều “đọc hiểu” từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. 3. Hình ảnh mà mắt ta nhìn thấy bao giờ cũng chịu sự tác động của ánh sáng và không gian nên có sáng – tối, rõ – mờ, gần – xa, rực rỡ - ảm đạm, nổi khối – bẹt… 4. Những “chỗ hấp dẫn” khi mắt ta quan sát hình ảnh: càng phức tạp và màu càng rỡ càng đáng chú ý; dù vậy, nếu càng ở xa khu vực trung tâm thì càng dễ bị bỏ qua.

luat 1
Thói quen “đọc hiểu” theo kiểu đọc sách của người Phương Tây và cả thế giới hiện nay

luat 2
Thói quen “đọc hiểu” hình ảnh của người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày xưa

Thứ tự hấp dẫn của hình ảnh qua mắt người xem: 1. Hình ảnh con người, đầu tiên là mặt, cuối cùng là sau lưng. 2. Hình ảnh động vật. 3. Những yếu tố động: sóng, mây, nước, ô tô, xe máy, xe đạp… 4. Thực vật. 5. Các vật thể vô tri. Tuy nhiên nếu 4 và 5 mà lại chuyển động thì sẽ rất hấp dẫn mắt người xem: núi lở, nhà đổ, cây bật gốc vì bão.

Hiệu quả của Không gian: 1. Ánh sáng. 2. Gần – xa (bị động thì Gần rõ – xa mờ, chủ động thì Xa rõ – gần mờ). 3. Màu sắc (gần nóng, càng xa càng lạnh).

Nhìn các đường nét ngang, thăng bằng, ta sẽ có cảm giác bình yên, nghỉ ngơi, nhẹ nhàng. Với các đường nét thẳng dọc, ta sẽ có cảm giác xung đột, đổ vỡ.

Chú thích:

Bị động là hình ảnh ngay tức thì tác động vào thị giác, không qua lý trí phân tích.

Chủ động là hình ảnh khi tác động vào thị giác đã qua lý trí phân tích.

* Khuôn hình (có thể gọi là cắt cảnh):

Thường xuyên được Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Tranh truyện sử dụng một cách tinh vi. Ngược lại, đa số các họa sĩ chỉ sử dụng một cách đơn giản: ở tầm nhìn bình thường của người đang đứng, cắt cảnh bao quát tương đối đủ, gần rõ, xa mờ. Hiện nay có một số trường phái và họa sĩ ứng dụng khuôn hình tinh tế hơn: 1. Góc nhìn chúc xuống hoặc hất lên. 2. Ưu tiên chỉ chọn 1 lớp cảnh: gần, trung hay xa. 3. Cận cảnh phóng đại (khuôn sát vào chủ thể). 4. Thay đổi khuôn hình ngang hay dọc tùy theo ý đồ. 5. Luôn lưu ý đường chân trời: cao hẳn hay thấp hẳn, thậm chí có lúc chia đôi khuôn hình.

* Quy tắc chia đôi:

Một vật thể đặt giữa tranh sẽ nổi bật một cách tự nhiên, nếu được nhấn mạnh sẽ “thống trị” cả bức tranh. Hai vật thể đặt đều ở hai bên sẽ gây cảm giác cân bằng. Đây là quy tắc sơ đẳng, được sử dụng từ thời cổ đại, có hiệu quả ngay nhưng gây cảm giác “cứng”, “thô”, ít “chất nghệ thuật”, nhiều chất “chính luận” (như cổ động chính trị chẳng hạn).

luat 3
Quy tắc chia đôi: Tranh cổ động chính trị của Mỹ (Đòi hỏi gia nhập quân đội, bảo vệ quốc gia)

* Quy tắc chia ba:

Khuôn hình chia đều 3 phần, hoặc dọc hoặc ngang. Trên cơ sở ấy, ta có thể có những khoảng đặc và rỗng hợp lý, có thể đặt vị trí đường chân trời, đặt vị trí thân cây, cột điện, cạnh tường… một cách hiệu quả, không gây tức mắt. Đặt nhân vật ở vị trí 1.3 vẫn sẽ gây chú ý nhưng không “thô”, “cứng” như vị trí chính giữa. Đặt 2 nhân vật ở vị trí 1.3 và 2.3 sẽ tạo ra một cuộc đối thoại hay đối đầu căng thẳng nhưng cân sức. Đây là quy tắc được sử dụng nhiều trong hầu hết các loại hình nghệ thuật như: nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa, đồ họa, tranh truyện, quảng cáo… vì tính cân đối mà không đối xứng, vẫn thể hiện được trọng tâm mà uyển chuyển.

luat 4

Quy tắc chia ba
1. Điểm chính tâm – điểm lợi tự nhiên – nổi bật tối đa.
2, 3, 4, 5. Các điểm lợi theo Quy tắc chia 3 – Không nên sử dụng đồng thời cả 4 điểm lợi này – sẽ gây phân tán

* Đường định hướng:

luat 5
Đường định hướng mặt biển và bờ biển trong cảnh biển

luat 6
Đường định hướng núi – đồi và mặt đất

Mọi sinh vật đều cần bộ khung – xương, cây có thân, thú có cột sống… Bố cục cần đường định hướng làm sườn để nổi bật chủ thể, tạo hệ thống gắn kết, hạn chế các yếu tố rời rạc và dẫn dắt anh mắt khán giả theo chủ ý của họa sĩ. Các đường định hướng có thể thẳng, cong, gãy khúc… cũng như ngang, dọc, chéo… tùy theo việc ta định nhấn mạnh vật thể hay nhân vật như thế nào trong không gian của bức tranh. Một bức tranh hay ảnh có thể có 1 hay vài đường định hướng. Đôi khi ta có thể tạo ra cặp đường định hướng đối lập để giải quyết ý đồ so sánh hay xung đột. Đường định hướng nếu ngang sẽ gây cảm giác thanh bình, nếu dọc sẽ gây cảm giác mạnh mẽ, xung đột, nếu chéo sẽ tạo cảm giác năng động.

* Nguyên tắc cân bằng các mảng khối:

luat 7

Mọi bản vẽ hay bức tranh (dù chỉ toàn nét) cũng đều bao gồm một số mảng miếng khác nhau, kể từ đơn giản nhất (vài nét vạch và khoảng nền bỏ trống) đến phức tạp nhất (rất nhiều chi tiết đa dạng và nhiều mảng chìm, nổi, đắp dày). Nhiệm vụ của tác giả là phải khống chế được sự hỗn loạn, xử lý sao cho các mảng khối được cân bằng, xếp theo trật tự để làm nổi bật ý tưởng của mình.

Giải thích:

H2.6.1.: Dễ nhất là đặt các mảng khối đối xứng hoàn toàn. Nhưng như vậy sẽ thiếu hấp dẫn, nặng về lý tính và mất tính nghệ thuật.

H2.6.2: Hiệu quả đem lại cũng không hấp dẫn nếu đặt các mảng khối dàn đều hàng ngang.

H2.6.3: Tránh đặt các mảng lớn và quan trọng quá xa trung tâm, sẽ làm khán giả mất tập trung. Tốt nhất, nếu đã quan trọng thì nên đặt gần tâm. Chú ý điểm cân bằng thường ở giữa bức tranh (2.6.3.a – 2.6.3.b).

H2.6.4: Bên nào mảng khối bé thì nên thêm mảng phụ (hay chi tiết phụ) vào).

H2.6.5: Nếu các mảng khối đã cân mà vẫn muốn thêm thì tốt nhất đặt mảng thêm ngay giữa nhưng cài vào lớp sau.

H2.6.6: Bố cục với nhiều mảng khối vẫn dễ cân nếu có thêm 1 đường ngang phía sau.

H2.6.7: Nếu quá nhiều mảng vụn vặt thì ta nên ghép chúng lại bằng biện pháp cho cùng đậm nhạt hay cùng màu, hoặc tập hợp chúng lại thành vài nhóm khác nhau.

H2.6.8: Nếu có một mảng lớn làm nền thì mọi chi tiết bên trên, dù phức tạp đến mấy cũng tập hợp lại thành một mảng.

H2.6.9: Có thể di chuyển vị trí và cân nhắc đặt các mảng theo các lớp cảnh nông hay sâu và các tầng bậc cao thấp.

* Giải quyết các mảng trống và không gian:

- Các mảng trống nên đơn giản tối đa để tạo thông thoáng, đỡ ảnh hưởng tới chủ thể.

- Không nên có quá nhiều mảng trống nhỏ rải rác khắp mặt tranh.

- Tốt nhất nên tập hợp chúng lại vào mấy mảng lớn hơn.

- Tránh đặt các mảng trống quá cân và quá đều vì sẽ nhàm chán.

- Tránh đặt chủ thể thật cân giữa tranh vì sẽ tạo ra những mảng trống đều bao quanh.

- Tránh để các khoảng trống hẹp nhưng lại rất sáng hay rất đậm giữa 2 mảng lớn.

- Tránh để chủ thể ở vị trí chạm rìa tranh. Nên cách 1 đoạn hay lấp hẳn một phần.

- Bản thân khoảng trống cũng có giá trị biểu cảm: a) gây cảm giác cô đơn, bơ vơ khi nhân vật bé nhỏ trước không gian bao la; b) khoảng trống lớn bên trên đè nặng trĩu lên vai nhân vật bé nhỏ, ủ rũ; c) khoảng đất trống trước mặt tăng cảm giác thua chạy cho nhân vật đằng xa đang quay lưng lại; d) khoảng trống lớn giữa 2 nhân vật gây cảm giác họ đang bất hòa, đối lập, thậm chí thù địch; đ) khoảng trống bé nhỏ quanh nhân vật “ông lớn” đang hằm hè làm tăng cảm giác đe dọa.

- Nếu nhân vật đang chuyển động trong khuôn hình nhìn ngang: khoảng trống lớn trước mặt gây cảm giác anh ta đang phấn đấu; ngược lại, khoảng trống lớn phía sau gây cảm giác anh ta đang về đích hay đang thua chạy.

* Điểm lợi và điểm nhấn:

Trong trường hợp phải vẽ nhiều chủ thể sàn sàn bằng nhau, lại mặc đồng phục, nhưng tác giả muốn cho 1-2 nhân vật nổi bật thì tốt nhất là đặt vào điểm lợi.

Điểm lợi là nơi ánh mắt khán giả “quét” qua nhiều nhất và dễ dừng lại nhất một cách tự nhiên: có tất cả 5 điểm gồm 1 ở chính tâm và 4 ở giao điểm của 2 đường chia ba theo chiều dọc với 2 đường chia 3 theo chiều ngang và 2 đường chéo nối 4 góc tranh.

Điểm chính tâm chắc chắn nổi bật tối đa nhưng lại gây cảm giác quá nổi, gò bó và căng cứng do nặng về lý tính, vì vậy sẽ tốt hơn nếu sử dụng 4 điểm còn lại.

Không nên sử dụng đồng thời cả 4 điểm lợi còn lại. Tốt nhất chỉ là 1 (nhân vật chính) hay 2 (đối thoại hay đối lập), bất đắc dĩ là 3 (bố cục tam giác).

Để tránh cho các chủ thể đặt vào 2 hay 3 điểm lợi gây nhàm chán vì bằng nhau, ta có thể tăng hay giảm màu và đậm nhạt cho chúng.

Điểm nhấn là một vị trí bất kỳ mà tác giả muốn nhấn mạnh, dù nó không rơi vào đúng điểm lợi. Tác giả có thể dùng các biện pháp quen thuộc như: tăng đậm nhạt, tăng màu, tập trung ánh sáng để nhấn mạnh điểm đó cho phù hợp với ý đồ.

* Các lớp cảnh:

Trong các bản vẽ phối cảnh kiến trúc hay các loại tranh phong cảnh, bố cục… thì các lớp cảnh luôn hiện diện và đòi hỏi người vẽ phải giải quyết mức độ ưu tiên sao cho nổi bật chủ thể và rõ ý đồ. Theo quan niệm truyền thống, các lớp cảnh gồm tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh và toàn cảnh. Nhưng hiện nay, để phục vụ ý đồ sáng tạo hiện đại, người ta chú ý tới cả cận cảnh, thậm chí cận cảnh phóng đại.

- Tiền cảnh: là lớp cảnh phía trước, có thể bao gồm chủ thể hoặc không. Nếu bao gồm cả chủ thể thì đó là một tranh đơn giản, không có ý đồ gì đặc biệt về cách sắp xếp không gian. Nếu chủ thể ở phía sau, hơi to lớn thì tiền cảnh sẽ được dùng để che bớt một phần không gian cho chủ thể đỡ trơ, thậm chí làm chìm để cho chủ thể nổi hơn, khách quan hơn. Tiền cảnh dù là vật vô tri cũng vẫn có giá trị biểu cảm, nếu ta biết cách sử dụng đúng chỗ. Tiền cảnh có thể bao gồm từ vật vô tri đến người.

- Trung cảnh: là lớp cảnh giữa, không quá gần, cũng không quá xa ta. Với một bức tranh có ý đồ phức tạp một chút hoặc ý nhị thì tác giả thường đặt chủ thể ở trung cảnh cho khỏi lộ liễu. Trung cảnh còn có nghĩa là đặt khuôn hình ở độ xa vừa phải, không quá gần, không quá chật chội. Trung cảnh là lựa chọn yêu thích của đa số các họa sĩ.

- Hậu cảnh: là lớp cảnh xa và sâu nhất, có thể coi như nền tranh và thường được coi là phụ. Do đó, không nên làm cho hậu cảnh phức tạp, rườm rà và càng không nên làm cho nó nổi bật. Tuy nhiên, nếu có trường hợp đặc biệt mà hậu cảnh buộc để chủ thể ra ngoài nắng, hoặc nhuộm hậu cảnh sang màu lạnh, để chủ thể ở màu nóng chẳng hạn. Các nhà nhiếp ảnh sẽ để cho hậu cảnh mờ đi, họa sĩ vẽ tranh truyện sẽ vẽ tiền cảnh hay trung cảnh bằng các nét rõ và đậm rồi vẽ hậu cảnh bằng các nét nhỏ và thưa hơn.

- Cận cảnh: không phải là lớp cảnh mà là kiểu chụp ảnh, quay phim hay vẽ đặc tả ở cự ly gần đối tượng. Biện pháp miêu tả cận cảnh cho phép làm rõ đường nét, chất liệu, cấu trúc vật thể hoặc mô tả được những biểu hiện nội tâm sâu sắc của nhân vật.

Cận cảnh phóng đại là biện pháp cực đoan phát sinh từ kiểu vẽ tay hay chụp cận cảnh. Xuất hiện cùng trường phái Cực thực trong hội họa, cận cảnh phóng đại nhanh chóng được sử dụng tích cực trong lĩnh vực quảng cáo và tranh truyện nhằm đặc tả tối đa những chi tiết trọng tâm của hình ảnh, gây ấn tượng mạnh với công chúng.

* Bố cục hình học:

Lịch sử mỹ thuật cho thấy những bức tranh nổi tiếng, có lối bố cục chặt chẽ thường được các tác giả sắp xếp trọng tâm hay chủ thể theo một sơ đồ hình học nào đó để gây ấn tượng mạnh, khó phai mờ trong tâm thức khán giả. Điều đáng chú ý là những sơ đồ hình học vô tri này lại có hiệu quả đặc biệt về nội dung và tâm lý.

- Hình chữ nhật ngang: kiểu sắp xếp hình học sớm nhất đi vào lịch sử, tạo ra hiệu quả đối xứng, chắc chắn, thanh bình, nghỉ ngơi, hơi yếu đuối.

luat 8
Bố cục hình chữ nhật ngang: Tranh cổ Ai Cập

- Hình chữ nhật đứng: kiểu sắp xếp cũng từng xuất hiện rất sớm trong lịch sử, tạo hiệu quả mạnh mẽ, quyền lực, vươn lên; nhưng nếu vươn cao và hẹp quá sẽ gây cảm giác không vững, dễ đổ.

luat 9
Bố cục hình chữ nhật đứng: Anh hùng dân tộc Nga Nepski
Tranh sơn dầu của Korrin

- Hình vuông (và khối lập phương): dạng đặc biệt của hình chữ nhật, tạo cảm giác chắc chắn, bền vững do tính đối xứng hoàn chỉnh tất cả các góc cạnh, tuy hơi lạnh lùng.

luat 10
Bố cục hình vuông: Núi Etreta (Pháp). Ảnh nghệ thuật

- Hình tam giác đáy bằng: kiểu bố cục xuất hiện từ thời Phục Hưng, tạo cảm giác trang nghiêm, thăng thiên, cao sang đầy mơ ước.

luat 11
Bố cục tam giác: Đức mẹ Sixtin. Tranh sơn dầu của Raphael

- Hình tam giác ngược (đầu nhọn xuống dưới): tạo cảm giác mong manh, không chắc chắn, nhớ nhung và xa vắng.

luat 12
Bố cục hình tam giác ngược: Tranh của Marc Chagall

- Hình thoi: tạo cảm giác mất thăng bằng, thiếu bền vững nhưng phóng khoáng.

luat 13
Bố cục hình thoi: Nhà thờ Auvers-sur-Oise. Sơn dầu của Van Gogh

- Hình tròn: tạo cảm giác hài hòa, êm ái, nhục cảm, gợi hướng chuyển động lăn đều

luat 14
Bố cục hình tròn: Hai đĩa bánh. Sơn dầu của Monet

- Hình oval: dạng đặc biệt của hình tròn, tạo cảm giác năng động hơn, hơi âu sầu, uể oải, nếu cao quá sẽ gây cảm giác dễ đổ lăn.

luat 15
Bố cục hình oval: Bà Zborowska. Sơn dầu của Modigliani

- Hình xoáy trôn ốc: tạo cảm giác năng động, tự xoáy sâu và hút vào bên trong.

luat 16
Bố cục hình xoáy trôn ốc: Tranh khắc gỗ của Hiroshighe (Nhật Bản)

* Nhịp điệu: Nhịp điệu là sự dẫn dắt ánh mắt người xem mà tác giả tạo ra bằng hướng chuyển động của nhân vật, sự liên kết các đường nét, hình khối, màu sắc, vệt bút…

luat 17
Nhịp điệu

H2.11.1: Sự liên kết các đường thẳng dọc sẽ tạo hiệu quả mạnh mẽ của một khối sức mạnh.

H2.11.2: Sự liên kết của một nhóm các đường ban đầu thẳng dọc nhưng ngả dần về một bên tạo hiệu quả đổ ngã dây chuyền.

H2.11.3: Sự liên kết các đường thẳng ngang sẽ tạo hiệu quả thanh bình.

H2.11.4: Sự liên kết nhóm đường ngang ngắn dần lên trên tạo hiệu quả bước lên đỉnh cao.

H2.11.5: Hướng chuyển động zíc zắc ngang tạo hiệu quả nhịp nhàng, vui mắt của một dây chuyền nối tiếp, phục vụ tốt một câu chuyện kể dài dòng, nhiều tình tiết.

H2.11.6: Hướng chuyển động zíc zắc theo chiều dọc là đặc trưng bố cục tranh trục truyền thống theo bộ nhị, tam, tứ bình của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, dẫn dắt mắt khán giả theo mối liên hệ giữa con người với đất trời (thiên-địa-nhân).

* Tương phản biểu cảm:

luat 18

Tương phản biểu cảm

H2.12.1: Tương phản tỷ lệ: có giá trị so sánh, tôn vinh và làm nổi bật tỷ lệ mà ta định nhấn mạnh; nếu cố tình làm ngoa ngoắt sẽ gây cảm giác hài hước, kỳ lạ hay đả kích.

H2.12.2: Tương phản hình thể: một hình tròn sẽ tự nhiên nổi bật giữa nhiều hình vuông và ngược lại.

H2.12.3: Tương phản chất: chất sần sùi sẽ nổi bật trên nền trơn nhẵn và ngược lại.

H2.12.4: Tương phản khoảng cách: cái thật gần sẽ nổi bật và đẩy xa thêm cái ở xa (minh họa ngoài).

- Tương phản màu sắc: thông thường thì màu rực rỡ sẽ nổi bật, nhưng màu đen – dù không hấp dẫn – vẫn sẽ bắt ta phải nhìn giữa vô số màu rực rỡ (minh họa ngoài)

- Tương phản kiểu cách: thông thường thì cái nhảy nhót, xung đột sẽ nổi bật, nhưng cái yên tĩnh, đơn giản, ngay ngắn cũng sẽ gây chú ý giữa vô số lộn xộn, náo động.

>>> Các khái niệm cơ sở mỹ thuật

>>> Những luật cơ bản của mỹ thuật (Phần 1)

>>> Mối liên quan kiến trúc - điêu khắc - hội họa (Phần 1)

0976984729