Các khái niệm cơ sở mỹ thuật

1. Đường nét:

Trong môn hình học đường nét được tạo thành bởi việc kết nối các điểm chấm liên tiếp.

Trên thực tế, nếu soi xét tinh vi sẽ không có đường nét nào cả vì những chỗ ta tưởng là nét, khi phóng đại sẽ là mảng hay khối.

Trong mỹ thuật đường nét do họa sĩ tạo ra để diễn tả giới hạn các hình, mảng hay tả các chi tiết, tạo các hoa văn trang trí…

Đường nét là 1 trong 4 yếu tố cơ sở của mỹ thuật (đường nét, hình khối, đậm nhạt và màu sắc), có giá trị biểu cảm, có thể mang đặc trưng trường phái, phong cách nghệ thuật dân tộc hay cá nhân… Khả năng diễn tả của đường nét quan trọng tới mức chỉ cần dùng toàn nét, ta vẫn có thể vẽ hoàn chỉnh một bản vẽ kỹ thuật, vẽ xong một đồ án kiến trúc hay hoàn thiện một tác phẩm đồ họa tạo hình. Đường nét hiện diện trên hầu hết các tác phẩm mỹ thuật (trừ một số tranh trừu tượng chỉ vẽ nền hay vẽ toàn các mảng màu mơ hồ…).

Hiệu quả của đường nét đến đâu trong tranh, tượng là do ý muốn và khả năng của mỗi tác giả. Đường nét có thể dài hay ngắn, thẳng hay cong, đậm hay nhạt, rộng hay hẹp, liền mạch hay đứt đoạn… Chỉ dùng nét đơn, ta có thể tả các đường viền hình thể; nếu đan các nét, ta có thể tạo thành mảng; với mật độ nét mau hay thưa, ta có thể tả khối và các độ đậm nhạt khác nhau.

2. Hình và Khối:

* Hình:

Trong môn hình học hình nằm trong giới hạn của các điểm và các đường khép kín.

Trên thực tế, ta nhìn thấy hình là sự hiện diện của các vật thể trong các giới hạn của chúng.

Trong mỹ thuật các họa sĩ có thể chủ động tạo hình để tái hiện hay tạo mới một vật thể nào đó theo các mức độ từ rất cụ thể đến mơ hồ.

khai niem 1
Đường nét

khai niem 2
Hình khối

khai niem 3
Đậm nhạt

* Khối:

Trong môn hình học không gian khối là hình ảnh nổi 3 chiều của một vật thể trong không gian.

Trên thực tế, ta cũng nhìn (và sờ) thấy khối như vậy.

Trong mỹ thuật các họa sĩ sử dụng đậm nhạt diễn tả các khối nổi với không gian 3 chiều giả tưởng trên mặt phẳng 2 chiều còn các nhà điêu khắc thì đắp, nặn, tạc, đúc, uốn… các khối thực sự bằng các chất liệu vật chất cụ thể để tạo nên bức tượng của mình.

Hình và khối cũng là yếu tố cơ sở của mỹ thuật, có giá trị biểu cảm cũng như có thể tạo thành trường phái, phong cách nghệ thuật của cả một dân tộc, một nhóm tác giả hay cá nhân. Với hình và khối, kết hợp với nét, ta có thể hoàn thiện một bản vẽ kỹ thuật, một đồ án kiến trúc hay một bức tranh đơn sắc, một pho tượng. Hình và khối hiện diện trong hầu hết các tác phẩm mỹ thuật (trừ các tranh trừu tượng phi biểu hình – non-figuratif – hay các tranh trang trí mảng bẹt không tả khối…).

Biết chủ động diễn hình và tả khối, họa sĩ hay nhà điêu khắc mới có thể làm cho tác phẩm của mình hiện diện tương đối ổn thỏa trên mặt tranh 2 chiều hay trong không gian ba chiều.

3. Đậm nhạt và Sắc độ:

Trên thực tế, với điều kiện có ánh sáng, ta sẽ nhìn thấy mọi vật và phân biệt được chúng nhờ hình, màu và các mức độ đậm nhạt khác nhau của chúng. Mặt khác, mỗi vật thể lại có một độ đậm nhạt riêng, mang tính bản chất, được gọi là độ đậm nhạt tự thân. Có một số loài vật chỉ nhìn thấy đậm nhạt mà không thấy màu, như loài chó chẳng hạn. Riêng con người thường thấy đậm nhạt (không màu) chủ yếu trong ký ức.

Trong mỹ thuật thì độ đậm nhạt được coi là nói về các mức độ đen trắng còn sắc độ là nói về các mức độ sáng – tối của màu. Họa sĩ dùng đậm nhạt và sắc độ để tạo độ nổi của khối, để giãn cách các lớp cảnh trong không gian gần – xa, để diễn tả các mức độ chênh lệch trong một bức tranh đơn sắc (như tranh thủy mặc của Trung Quốc chẳng hạn). Đậm nhạt rất quan trọng trong các bài tập hình họa của sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng.

Đậm nhạt và Sắc độ là yếu tố cơ sở của mỹ thuật, có giá trị biểu cảm rất cao, đặc biệt là trong thể loại tranh đơn sắc (thủy mặc, bút sắt), tranh đồ họa đen trắng, tranh trang trí gồm toàn mảng bẹt nhưng phân biệt được nhờ sự khác nhau về màu và chênh lệch đậm nhạt.

4. Màu sắc:

Màu sắc là một yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật hội họa nên người học Mỹ thuật phải hiểu sâu và kỹ những nguyên tắc chung, nhất là đối với những người làm công việc giảng dạy Mỹ thuật. Chương trình Mỹ thuật phổ thông từ lớp 1 đến lớp 8 đều được học về màu sắc rất kỹ, phù hợp với từng lứa tuổi. Do vậy, qua bài học về màu sắc giúp cho sinh viên hiểu rõ:

- Lý thuyết chung về màu sắc (được củng cố thêm qua các bài tập thực hành).

- Hiểu được tầm quan trọng của màu sắc trong nghệ thuật hội họa, biết được màu sắc do đâu mà có và sự chuyển biến của màu sắc trong thiên nhiên.

- Làm quen với tương quan màu và cách sử dụng hài hò a sắc màu trong một bài vẽ. Hiểu rõ về màu nóng, màu lạnh, màu tương phản và hòa hợp, qua đó nâng cao dần nhận thức cũng như cách sử dụng màu sao cho phù hợp và tạo được trọng tâm.

- Nắm được phương pháp vẽ bột màu, đặc tính riêng của bột màu để khi sử dụng được tốt.

Định nghĩa về Màu:

Trong môn vật lý, màu được tạo ra do hiệu quả thị giác mà những bước sóng ánh sáng tác động lên mọi vật và phản chiếu vào mắt ta. Nhà bác học Newton đã cho ánh sáng đi qua lăng kính và tìm ra 7 màu quang phổ: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Sau này, người ta chứng minh có 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, lam.

Trên thực tế, có loại màu tự thân và loại màu do hiệu quả ánh sáng. Mỗi vật thể lại có kiểu màu riêng, có tính bản chất, gọi là màu tự thân như đất nâu, than đen, lá cây xanh, vôi trắng… Nhưng vẫn vật thể đó sẽ có màu rực rỡ hẳn lên nếu có ánh nắng chiếu vào hoặc u ám nếu gặp lúc trời đầy mây, sắp mưa; thậm chí màu nóng có thể chuyển sang lạnh trong ánh trăng. Mỗi loại khoáng chất đều có màu tự thân đặc trưng, một số khoáng chất này đã được nghiền ra làm bột màu để vẽ (số khác là hóa chất).

Trong mỹ thuật, người ta chế tạo ra bột màu trước tiên (từ đất đá, thực vật…), sau đó, trên cơ sở này mới chế ra màu nước, sơn dầu, acrylic… Có 2 hệ màu: nóng (đỏ, vàng, cam, hồng…) và lạnh (xanh lá cây, xanh da trời, xanh nước biển…). Họa sĩ dùng màu để phối hợp với đường nét, hình khối… tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Màu là yếu tố hấp dẫn thị giác nhất do có tính biểu cảm cao, tác động trực tiếp vào cảm xúc của chúng ta.

Định nghĩa về Sắc:

Với người Việt hiện nay, chữ sắc chưa được phân tích thấu đáo. Có quan niệm cho rằng sắc biểu thị cường độ hay mức độ mạnh – yếu của màu. Có quan niệm cho rằng đen và trắng không phải là Màu mà là Sắc. Trên thực tế, đen và trắng (cũng như các độ trung gian của chúng là xám) mang yếu tố trung tính, không bao giờ đối chọi với bất cứ màu nào nên đi với màu nào cũng hợp.

* Cảm nhận của con người về màu sắc:

- Màu sắc trong thiên nhiên:

Trong thiên nhiên, màu sắc rất đa dạng và phong phú. Dưới ánh sáng mặt trời, nó phản chiếu sắc thái màu một cách rõ nét nhất. Đấy là chưa kể màu còn bị ảnh hưởng theo khí hậu qua các mùa. Thiên nhiên vào mùa đông cho ta cảm giác không khí như qua một làn sương mờ màu tím nhạt tạo nên một sắc thái dịu êm, sâu lắng. Ngược lại, vào mùa hè, cảnh sắc rực rỡ tràn đầy sức sống với những ánh nắng vàng đối lập với những mảng bóng đổ màu tím lạnh. Mùa xuân cây cối xanh tươi, hoa nở rực rỡ tạo nên một cảm giác yên bình và xao động. Màu sắc luôn biến động theo mùa và theo cách nhìn của từng người, nhưng cảm nhận về cái đẹp có thể thống nhất. Đứng trước vịnh Hạ Long mênh mông trời biển với những dãy núi lô xô nhiều hình dáng kỳ vĩ cùng những sắc màu xanh lam với bầu trời tím hồng gợi cảm giác êm ái, yêu thương con người, yêu cuộc sống đang tồn tại… Nghệ thuật hình thành khi con người phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên, và từ đó sáng tạo ra cái đẹp. Nhưng con người chỉ có thể sáng tạo ra trên cơ sở những gì đã nhìn thấy, đã biết dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu.

- Màu sắc trong hội họa:

Màu sắc là một yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật trong hội họa. Người ta dùng màu sắc để tả không gian, thời gian, để biểu lộ sự rung cảm của người vẽ trước thực tế. Để đạt được đến độ hoàn hảo của nghệ thuật, sự chỉ bảo và dạy dỗ tốt nhất chính là thiên nhiên. Vẽ theo thiên nhiên, tiếp nhận thiên nhiên và sáng tạo trên cơ sở nhận thức về thiên nhiên là điều không bao giờ được xa rời đối với người họa sĩ. Tinh thần của người họa sĩ cũng giống như tấm gương, nó luôn luôn phản chiếu những gì ở trước mặt nó. Người họa sĩ cảm nhận cái đẹp thiên nhiên thông qua nhận thức, sự hiểu biết và tính sáng tạo của mình để thể hiện nó bằng những hình tượng cụ thể.

Họa sĩ sử dụng màu sắc để biểu đạt ý tưởng, tình cảm của mình trước đối tượng. Cho nên, khi họa sĩ vẽ thì không phải là sao chép một cách lười biếng và nông cạn mà phải phối hợp một cách hài hòa giữa hiện thực khách quan với nhận thức chủ quan của mình để biểu đạt bằng những hình tượng cụ thể và sinh động nhất khiến người xem cũng cảm nhận được.

Vì màu sắc trong thiên nhiên muôn màu, muôn vẻ và người vẽ cũng cần biểu đạt theo tình cảm của mình nên việc hiểu rõ và nắm bắt được những nguyên tắc căn bản của màu sắc là bước đầu không thể thiếu đối với người vẽ.

* Phân loại màu sắc trong hội họa:

- Màu gốc – màu bổ túc – màu nhị hợp:

Màu gốc: Khoảng giữa thế kỷ XVII, Niutơn (Newton) làm thí nghiệm như sau: Lấy một chùm ánh sáng mặt trời (ánh sáng trắng) cho chiếu qua một lăng kính sẽ thấy hiện rõ 3 màu chính: đỏ - vàng – lam. Đó là màu gốc.

Màu bổ túc: Khi trời nắng gắt, ánh nắng vàng chói chang làm cho cây cối, nhà cửa đổ bóng xuống mặt đất. Những bóng đổ ấy có màu tím (lạnh hơn ánh nắng), nó gây cảm giác màu vàng của nắng mạnh hơn, rực rỡ hơn. Ngược lại, màu tím xanh hơn, êm hơn. Bông hoa chuối rừng màu đỏ bên những tán lá xanh trông thật rực rỡ và đằm thắm, đồng thời màu lá xanh bên cạnh cũng như xanh hơn, thắm và đẹp hơn.

Người ta nhận thấy các màu có thể bổ sung cho nhau theo từng cặp: vàng với tím, xanh lá cây với đỏ…

Chính vì khám phá ra những cặp màu bổ túc này mà các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, trường phái Dã thú đã triệt để khai thác để diễn đật trong các tác phẩm của mình nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ về màu đối với người xem.

Trong vòng màu cơ bản, các màu bổ túc nằm ở vị trí đối nhau 1800.

khai niem 4
u gốc

Màu nhị hợp: Quan sát hiện tượng câu vồng ta nhận thấy, đứng giữa 2 màu chính xuất hiện màu thứ 3, do đó, từ 3 màu chính, cầu vồng có cả thảy 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

khai niem 5
Màu cầu vồng

Những màu do pha 2 màu với nhau tạo nên như đỏ + vàng = da cam, đỏ + lam = tím, v.v… gọi là màu nhị hợp. Ta có thể nhân lên vô vàn màu trong hệ thống bảng pha các cung bậc màu.

khai niem 6

Từ màu cơ bản sẽ pha được nhiều màu

- Màu tương phản, màu nóng, màu lạnh:

Màu tương phản: Khi hai màu đặt cạnh nhau thì bản thân mỗi màu có sự biến đổi bởi màu này tác động đến màu kia. Hiện tượng đối kháng là hiện tượng phát sinh khi các màu có độ chênh lệch về sắc đô, sắc điệu và độ rực rỡ.

Những màu đối kháng mạnh đặt cạnh nhau tạo nên hiệu ứng về ánh sáng và độ rực rỡ gọi là màu tương phản. Màu tương phản thường được sử dụng khi vẽ tranh cổ động, tranh quảng cáo, tranh tường, tranh có nội dung mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Họa sĩ thuộc trường phái Dã thú thường được sử dụng màu tương phản để thể hiện tác phẩm của mình. Nếu được đặt đúng chỗ, thì màu tương phản sẽ có tác dụng kích thích thị giác và tình cảm con người một cách mạnh mẽ. Các họ a sĩ Ấn tượng đã tìm ra được sự tương phản của màu sắc bằng cách sử dụng màu nguyên chất. Màu rực rỡ thu hút sự chú ý và mang lại hiệu quả đẹp, sống động, nhiều khi gây được ấn tượng về một sự hoàn hảo. Nhưng nếu có quá nhiều màu rực rỡ thì sẽ làm mất đi sự rực rỡ. Vấn đề mà người vẽ phải biết điều tiết là tương hợp các sắc độ đã pha (xám) với các màu nguyên chất để tạo được sự hài hòa trong tranh, bởi sắc độ đã pha (xám) đã đóng vai trò trung gian làm cho nhiều màu rực rỡ không những không bị chói chang, hay hắt mà còn được lung linh, tươi sáng hơn.

Màu nóng và màu lạnh: Theo thói quen tâm lý, ta gọi các màu theo hệ đỏ - vàng – da cam là màu nóng vì nó gây cảm giác nóng, ấm. Ngược lại, những màu xanh lá cây, xanh tím gây cảm giác lạnh. Màu nóng hay màu lạnh còn phụ thuộc vào vị trí và tương quan với màu đứng bên cạnh nó. Muốn biết màu lạnh hay nóng phải có từ 2 màu trở lên để so sánh. Trong những màu nóng cũng có màu nóng hơn hay lạnh hơn. Màu nào có nhiều sắc đỏ thì càng nóng hơn. Khi ánh sáng chiếu vào, độ nóng lạnh của màu sắc cũng thay đổi theo cường độ của ánh sáng. Màu đen, trắng, ghi là màu trung gian hoặc trung tính vì nó có khả năng hòa giải các màu tương rực đối kháng. Khi có nhiều màu đối chọi gây cảm giác nhức mắt, ta đặt một số màu trung gian bên cạnh chúng sẽ trở nên ăn ý với nhau, tạo cho màu đẹp lên và sang trọng hơn. Vậy, màu là sự hòa hợp của 2 sắc độ: sắc độ nóng và sắc độ lạnh mà mọi lý thuyết đều nằm trong sự đối kháng của chúng.

- Độ đậm nhạt của màu sắc:

Mỗi màu có thể pha trộn ra nhiều độ đậm nhạt khác nhau từ đậm nhất đến nhạt nhất tùy theo cách sử dụng. Màu còn do ánh sáng chiếu vào nhiều hay ít khiến ta cảm nhận thấy màu rực rỡ hay êm dịu. Cùng một đồ vật, khi để trong bóng tối ta thấy mờ ảo, sắc màu êm, chu vi cũng nhòa vào nền khiến chúng trở nên mềm mại. Nhưng khi đưa ra ánh sáng, ta nhìn rõ toàn bộ chu vi hình, mọi vật trở nên rõ nét, màu sắc rõ ràng, sáng tối bộc lộ hình khối của đồ vật. Muốn diễn tả được vật đó dù trong tối hay ngoài sáng phải sử dụng độ đậm nhạt để biểu đạt

Đậm nhạt cùng màu:

khai niem 7
Đậm nhạt của màu sắc – Gam màu lạnh

khai niem 8
Đậm nhạt của màu sắc – Gam màu nóng

Khi nói “đậm nhạt cùng màu” tức là khi đó người vẽ sử dụng một màu để diễn tả. Ví dụ khi vẽ một bài hình họ a đen trắng bằng bút chì, ta phải sử dụng triệt để các độ đậm nhạt khác nhau của bút chì để diễn tả vật mẫu đó. Chỉ bằng một màu phải diễn tả các chất khác nhau: da người, quần áo, tóc, không gian xung quanh người mẫu nhưng vẫn tạo ra được các chất mang đặc tính riêng một cách tế nhị nhất. Chẳng hạn cùng diễn tả chất da thịt nhưng những chỗ như khuỷu tay khớp xương khác với phần cơ. Da trên mặt màu đậm hơn ở cổ và ngực. Phần tay, chân sẫm màu và cũng đậm hơn ở những nơi khác, v.v…

Màu sắc có khả năng tạo được sự hoàn thiện về hình khối. Nó mang lại cho hình khối sự đa dạng về chất, làm phong phú bề mặt của khối hình.

Đậm nhạt khác sắc độ:

Trong các độ đậm nhạt của màu còn có thể pha trộn thêm các màu khác làm cho sắc thái của chúng biến chuyển theo các cung bậc khác nhau của màu.

Ví dụ: Hồng + 1 ít vàng = Hồng ngả sang vàng

           Đỏ + 1 ít xanh = Đỏ ngả sang xanh

Ở đây, hồng và đỏ chính là sắc độ của màu nhưng chúng có thể ngả sang màu này hoặc màu khác tùy theo cảm nhận của người vẽ. Khi cần thiết, ta có thể sử dụng nhiều quan hệ của màu trên một bề mặt làm tăng hoặc giảm nhẹ sự chú ý của thị giác.

Đậm nhạt khác nhau:

Sử dụng các màu để biểu đạt ý tưởng cũng như mọi cách sử dụng màu khác là cách dùng nhiều độ đậm nhạt màu khác nhau để diễn tả. Van Gốc (V. Van Gogh) nói: “Màu sắc tự nó biểu thị một cái gì đó mà người ta không thể bỏ qua và phải lợi dụng nó, cái gì đẹp, thật sự đẹp, thì cũng thật”.

Đậm nhạt của màu phải tạo được sự hài hòa. Sự hài hòa là sự sắp xếp những cảm giác, những ý tưởng về hình và màu để tạo nên một tổng thể đẹp mắt, hợp lý và hoàn thiện. Tuy vậy, trong một bức vẽ không thể chỉ sử dụng màu cùng sắc độ hay nhiều sắc loại. Một tương quan màu phải có sáng, có tối, có nóng, có lạnh, mảng lớn, mảng nhỏ, cao thấp, v.v… Cũng như nếu có đường thẳng thì phải có đường cong, nghĩa là phải có sự hòa hợp giữa các màu để tạo sự hòa hợp, ăn ý, đẹp mắt, gây được cảm giác trực tiếp cho người xem. Màu gồm vô số sắc độ mà sự hài hòa của chúng tạo nên sự thống nhất.

Trong hội họa, người ta sử dụng nhiều chất liệu để tạo màu. Những chất liệu thông thường mà toàn thế giới cùng sử dụng đó là sơn dầu, sơn nước, chì… Hai loại sơn dầu, sơn nước có sức bền cao hơn và được sử dụng một cách rộng rãi, nhất là ở châu Âu, nơi phát sinh ra cách vẽ sơn trên vải, nên có nhiều kinh nghiệm về điều chế màu cũng như chất liệu sử dụng.

Trước kia, màu sắc thường được tự chế bằng cách nghiền các loại đá màu, các khoáng chất có màu hòa với lòng trắng trứng để vẽ trên gỗ, trên vải, trên tường. Sau này, trên cơ sở đó người ta đã điều chế dần biến dãy hệ thống màu ngày càng thêm phong phú. Khi khoa học phát triển, bằng phương pháp hóa học người ta đã điều chế ra rất nhiều loại màu phong phú về sắc độ, sắc loại, chất lượng, khối lượng… Tất cả ngày một tinh xảo và hấp dẫn để phục vụ người vẽ. Ngay cả thể loại bột màu ngày nay được điều chế rất phong phú về chủng loại, như màu đỏ có rất nhiều sắc đỏ khác nhau, xanh có rất nhiều sắc xanh biến đổi khác nhau. Từ bột màu người ta chế ra các loại sơn dầu, màu nước, sơn nước, sáp, phấn màu và để sử dụng trong các ngành công nghiệp, ngành quảng cáo, sách, báo v.v…

Màu mà chúng ta sử dụng để vẽ hiện nay rất phong phú do nền công nghiệp hóa học ngày càng phát triển. Tuy nhiên, tất cả các màu đó đều được lấy từ thiên nhiên mà tự bản thân nó đã chứa sẵn những tố chất về màu.

>>> Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho

>>> Màu sắc trong tranh

>>> Tại sao sắc độ sáng tối lại quan trọng?

0976984729