Tranh kể chuyện
Cách đây 150 năm, thể loại hội họa quan trọng nhất, vang danh nhất và đắt giá nhất là tranh sử thi. Đó là những bức tranh đồ sộ kể lại một câu chuyện – dù có thật hay hư cấu – bao gồm thần thoại cổ điển, tích truyện trong Kinh thánh, các khung cảnh lịch sử. Dòng tranh sử thi bắt đầu phổ biến suốt thế kỉ 15 và duy trì vị thế ấy đến tận thế kỉ 19.
Gia tộc vua Darius trước Alexander Đại đế (The Family of Darius before Alexander, 1565-70)
của Paolo Veronese; sơn dầu trên toan, 236 x 475 cm. Bức tranh được tìm thấy trong một lâu đài ở Venice (Ý)
Thử thách tối thượng
Leon Battista Alberti - nhà văn nổi tiếng thế kỉ 15 - đã mô tả tranh sử thi như thách thức khó khăn nhất với một nghệ sĩ. Ông cho rằng, để chọn chủ đề phù hợp, nghệ sĩ trước hết phải học nhiều hiểu rộng. Họ cần biết cách kể chuyện mà không cần ngôn từ, chỉ dùng cử chỉ và biểu cảm của nhân vật. Để vẽ nên khung cảnh giống như thật, họ phải nắm vững quy tắc phối cảnh, ánh sáng và giải phẫu - và phải có khả năng sắp xếp những thứ đó vào trong một tổng thể đặc sắc. Bởi thế, tranh sử thi đòi hỏi nghệ sĩ phải dụng công suy nghĩ, tưởng tượng, cũng như thành thục kỹ năng dung màu và cọ vẽ. Ở thời Alberti, hầu như người ta chỉ coi nghệ sĩ như thợ thủ công. Nhưng chính Alberti đã dùng tranh sử thi để khẳng định rằng nghệ sĩ thực sự là các trí thức và họ xứng đáng được tôn trọng.
Bức tranh của Veronese mô tả Alexander Đại đế - thống soái Hy Lạp cổ đại – tiếp đón gia đình vua Ba Tư Darius, người vừa bại trận dưới tay ông. Veronese đã vẽ Alexander nổi bật trong tranh, với trang phục đỏ, cánh tay dang rộng và bước chân thẳng về phía trước, tiết lộ thân phận danh giá.
Bộ giáp được mô tả tỉ mỉ với trang sức vàng khảm châu báu, trong đó có hai chi tiết đầu sư tử.
Nét tỉa trắng khiến móng tay của Alexander như ánh lên dưới nắng.
Đứng trên đỉnh cao
Khi Viện hàn lâm Hội Họa và Điêu Khắc Pháp (French Acedamy of Painting and Sculpture) ra đời năm 1648, các hội viên đã quyết định xếp thể loại tranh theo mức độ quan trọng. Vị trí cao quý nhất thuộc về tranh sử thi. Trật tự này đã hình thành nên những yếu tố cơ bản của lí luận nghệ thuật kéo dài hơn trăm năm, khiến những bức vẽ mang tính kể chuyện trở nên phổ biến.
Theo dòng thời sự
Trước đây, tranh khổ lớn thường được dành riêng cho các chủ đề quan trọng như tinh thần ái quốc và tôn giáo. Nhưng đến thế kỉ 19, điều đó đã thay đổi. Các họa sĩ đã bắt đầu sáng tác tranh sử thi dựa trên các câu chuyện thời sự nóng hổi. Một trong những bức tranh đầu tiên là bức Mảnh bè của chiến thuyền Medusa, lấy cảm hứng từ một con tàu Pháp bị đắm năm 1816.
Mảnh bè của chiếc thuyền Medusa (The Raft of the Medusa, 1818) của họa sĩ Pháp Théodore Géricault; sơn dầu trên toan, 490 x 720cm. Bức tranh mô tả cảnh những người sống sót trong vụ đắm tàu Medusa, lênh đênh trên chiếc bè ngổn ngang xác chết, cố gắng ra hiệu cho con tàu đằng xa. Khi được cứu sống, họ kể lại toàn bộ sự việc: thuyền trưởng đã lên xuồng cứu hộ để thoát thân. Bị bỏ mặc trong đói khát, họ buộc phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại – dù bức tranh đã mô tả họ với vẻ bi tráng hơn là hung bạo.
(Hãy chú ý cách nhóm người xếp chồng lên nhau tạo thành hình kim tự tháp, đỉnh tháp là một người đàn ông xếp lá cờ)
Câu chuyện về tàu Medusa vỡ lở đã gây chấn động lớn – bức tranh này cũng vậy. Một số người cho rằng tác giả muốn phê phán nhà vua Pháp, người phải chịu trách nhiệm vì đã phong chức cho thuyền trưởng tàu Medusa.
Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân: 28/7/1830 (Liberty leading the People: 28 July 1830, 1831) của họa sĩ Pháp Eugène Delacroix; sơn dầu trên toan, 260 x 325cm. Ông đã đưa chính mình vào trong tranh – người bên trái, đội mũ chóp cao.
- Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins -
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch
>>> Nghệ thuật tranh màu keo thời Phục Hưng nước Ý
>>> Tranh phong cảnh trong hội họa
>>> Lịch sử lâu đời của dòng tranh tĩnh vật