Vẽ trang trí (Phần cuối)

7. Bài trang trí hình tròn:

* Khuôn khổ: đường kính khoảng 20 cm là vừa.

* Vẽ bằng bột màu nghiền: (như bài hình vuông và hình chữ nhật).

* Chuẩn bị: (như với 2 bài hình vuông và hình chữ nhật).

* Những nguyên lý của trang trí hình tròn:

Xét về mặt hình học thì hình tròn là dạng hết sức đặc biệt vì có 1 tâm và tất cả các vị trí xung quanh đều có thể đối xứng với nhau qua tâm duy nhất này, đồng thời chạy thành dải hoa văn vòng tròn khép kín. Có thể có nhiều vòng tròn hoa văn đồng tâm, từ sát tâm (nhỏ nhất) đến sát chu vi ngoài rìa (to nhất). Do đó, để thiết kế trang trí hình tròn, ta nên học các nghệ nhân tổ tiên thời Đông Sơn đã thiết kế trang trí trên mặt trống đồng một cách tuyệt hảo. Tất nhiên, ở trình độ nhất định ta chỉ nên tập ở mức độ đơn giản với đủ các yếu tố cần thiết.

Trước hết phải thiết kế hoa văn trang trí vị trí tâm hình tròn (quan trọng nhất).

Tiếp theo hãy thiết kế dải hoa văn khép kín vòng quanh, nhất là vòng ngoài rìa. Không nhất thiết phải làm nhiều vòng liên tiếp (gây chật chội và phức tạp hóa vấn đề).

Các chỗ trống giữa tâm và vòng ngoài có thể đặt các hình trang trí thành từng cặp đối xứng. Như vậy ta sẽ có 2 – 4 – 6 hay 8 hình trang trí cách đều, rất vui mắt. Chú ý: bao giờ cũng nên ưu tiên cho hoa văn ở tâm hình tròn là to nhất, đẹp nhất, nhiều chi tiết nhất.

Về kết cấu, ta có 1 tâm, nhiều vòng đồng tâm từ trong ra ngoài, từ nhỏ đến to. Cũng có thể hiểu theo cách khác: nhiều vị trí đối xứng qua tâm theo từng đôi một, làm thành các hoa văn – nếu cách đều tâm thì cũng nên cách đều nhau cho đẹp mắt.

* Các bước phác thảo:

- Tìm ý kết cấu – bố cục chính phụ, xác định vị trí các hoa văn cơ bản bằng cách vẽ phác thử các ô tròn cỡ nhỏ bằng chì (đường kính chỉ khoảng 5 cm) rồi chọn 1 ô mà mình tự thấy kết cấu đã hợp lý nhất.

- Tìm hình: phóng bản tìm ý đã chọn lên cỡ đường kính 20 cm. Dùng bút chì tìm hình tương đối cụ thể ở tất cả các vị trí chính phụ, xác định cỡ to – nhỏ của từng hoa văn (chưa vội tìm hình kỹ ở bước này). Đồng thời ta cũng có thể tìm các nền phụ bên trong nền chính, ví dụ một nền tròn nhỏ hơn hay một nền vuông nội tiếp bên trong hình tròn, sau đó mới đặt các hoa văn lên đúng vị trí cần thiết.

- Tìm hòa sắc màu: đây chỉ là việc tìm hòa sắc màu chung cho bài chứ chưa phải là bước phác thảo màu hoàn chỉnh cho nên không cần làm tinh vi và cũng chỉ cần cỡ nhỏ - đường kính khoảng 5cm là đủ - rồi chấm màu thử nhiều bản theo kết cấu của bản tìm hình mà ta đã chọn cho đến khi thấy vừa ý. Đây là bước cần thiết vì có thể do hòa sắc hợp lý mà ta tìm được lại khiến ta phải thay đổi kết cấu của bản tìm hình. Nên thử nhiều phương án màu nền khác nhau, ví dụ: nền vàng, nền cam, nền đỏ, nền nâu, nền xanh biển… tất nhiên có cả các phương án màu cho nền phụ nữa.

- Tìm họa tiết thích hợp: bước này rất quan trọng vì 50% giá trị bài là ở chỗ có đủ các họa tiết thích hợp và tinh tế. Cần chú ý trước hết đến bông hoa ở vị trí trung tâm: vì nguyên tắc đối xứng nên chỉ cần làm cho kỹ rồi nhân lên cho đủ. Có thể đây chỉ là 1 bông hoa, cũng có thể đây là 4 hoa ghép lại, mà cũng có thể ghép 4 – 6 - 8 lá hay 4 – 8 nụ chĩa đều ra các hướng cũng được. Vòng hoa văn quanh viền nên tìm các họa tiết kết nối liên tiếp hình kỷ hả hoặc hoa dây lượn hình sin. Hoa văn phụ ở các vị trí chỗ trống giữa tâm và viền ngoài nên tìm các họa tiết hoa, cụm lá hay cụm nụ với điều kiện nhỏ hơn hoa văn trung tâm. Tìm xong nhớ trau chuốt tất cả các đường nét, phân biệt nét to và nhỏ.

- Can hình toàn bộ: đặt giấy can trong lên bản hình đã tìm xong phần họa tiết rồi cố định cho khỏi xô lệch. Xác định điểm tâm rồi dùng compa xoay chu vi hình tròn cho thật chuẩn. Cũng làm như vậy với các vòng hoa văn. Sau đó dùng bút chì nét nhỏ để can chuẩn tất cả các đường nét. Như vậy ta đã có 1 bản nét chuẩn của bài trang trí hình tròn.

- Phác thảo màu: tốt nhất nên phôtôcopy bản nét chuẩn rồi chấm màu thử vào tất cả các mảng và chi tiết (kể cả nét) trên cơ sở của bước Tìm hòa sắc màu. Nên làm vài bản phác thảo rồi chọn bản có hòa sắc ưng ý nhất.

* Các bước thể hiện: thực hiện giống như phần này ở bài Hình vuông.

Một số bài tham khảo trang trí hình tròn

hoa tiet 7
Trang trí hình tròn họa tiết tôm cách điệu

hoa tiet 8
Trang trí hình tròn họa tiết ngựa cách điệu

hoa tiet 9

hoa tiet 10
Trang trí hình tròn họa tiết côn trùng cách điệu

8. Trang trí diềm tường

* Khuôn khổ:nên dài ngang với kích thước khoảng 10 x 40 cm là vừa.

* Vẽ bằng bột màu nghiền:như ở bài trang trí Hình vuông.

* Chuẩn bị: như ở bài trang trí Hình vuông.

* Những nguyên lý của trang trí Diềm tường:

Xét về mặt hình học thì Diềm tường là một dải băng trang trí hạn chế về chiều cao nhưng chiều ngang có thể chạy dài đến vô tận. Ta có thể thiết kế hình tượng đối lập hay đối xứng theo chiều cao, đồng thời thiết kế để hình tượng lặp đi lặp lại theo chiều ngang. Các hoa văn có thể lặp lại nguyên xi hoặc lần lượt để xuôi – lật ngược – để xuôi… Nền cũng có thể thay đổi các mảng theo nguyên tắc lần lượt lặp lại.

Nên làm 2 dải trang trí thật mỏng (cao khoảng 1 cm) chạy suốt trên và dưới của bài Diềm tường này cho dễ tập.

Về kết cấu, ta có dải trang trí dài ngang với những đoạn hoa văn lặp đi lặp lại xuôi cùng xuôi hoặc xuôi – ngược, xuôi – ngược… một cách đều đặn.

Có những trường hợp đôi khi không cần đến hoa văn, chỉ cần đặt các mảng miếng hình học liên tiếp hay lặp lại là ta có một diềm tường trang trí.

* Các bước phác thảo:

- Tìm ý kết cấu – bố cục chính phụ. Nên làm 2 dải trang trí thật mỏng, chạy suốt theo chiều dài ngang, bám sát 2 viền trên và dưới của bài. Thiết kế một đoạn hoa văn chính để sau nó lặp đi lặp lại theo 2 cách: xuôi chiều đều đặn hay xuôi – ngược – xuôi…

- Tìm hình: phóng bản đã tìm ý lên cỡ 10 x 40 cm. Dùng bút chì tìm tương đối cụ thể ở đoạn hoa văn chính cũng như ở 2 diềm mỏng trên và dưới (nhưng chưa vội tìm kỹ các chi tiết ở bước này). Nếu đoạn hoa văn chính đã xác định kết cấu cơ bản thì ta có thể lặp lại y hệt ở các đoạn chiều dài tiếp theo cho đến hết giới hạn bài.

Mặt khác, không nhất thiết bài trang trí chỉ có 01 nền màu duy nhất. Ta có thể xác định các mảng nền phụ xen kẽ, ví dụ như các nền hình ô trám hay oval hoặc làm sóng chạy nối tiếp theo chiều ngang của bài. Những nền phụ này có thể có màu đậm hơn nền chung, do đó, nếu đặt các hoa văn chính lên trên thì sẽ rất nổi bật và làm tăng độ hấp dẫn. Đồng thời 2 diềm mỏng trên – dưới cũng có thể có màu khác.

- Tìm hòa sắc màu: đây chỉ là tìm hòa sắc màu chung của bài chứ chưa phải là phác thảo màu hoàn chỉnh nên không cần làm tinh vi và chỉ cần cỡ nhỏ khoảng cao 5 cm, dài ngang 20 cm. Ta chấm thử màu theo kết cấu của bản tìm hình cho đến khi thấy đẹp và hài hòa. Nên thử màu cả nền chính và nền phụ sao cho hoa văn chính nổi bật nhất trên màu đậm của nền phụ, còn nền chính nên ở độ trung gian: không quá đậm và không quá sáng và nên màu trầm, tránh vẽ nền màu tươi rực rỡ (làm lấn át hoa văn chính).

- Tìm họa tiết thích hợp: làm hoàn chỉnh tất cả các chi tiết trong đoạn hoa văn chính. Nếu chỉ là hoa văn kỷ hà thì việc đơn giản nhưng nên dùng thước kẻ cho thẳng. Nếu là hoa văn hoa lá thì nên chú ý đường lượn của dây hoa theo hình sin sao cho mượt mà, ưu tiên họ a tiết hoa (nên tỉa tót tinh vi hơn) rồi đến lá, nụ, tay cuốn. Sau đó chỉ việc lặp lại đoạn hoa văn này liên tiếp cho đến hết. Chú ý: dễ nhất là làm các đoạn hoa văn xuôi chiều nối tiếp nhưng dễ nhàm. Sinh động hơn (và cũng khó hơn) là làm các đoạn hoa văn xuôi – lật ngược – xuôi… Cũng không nên quên 2 diềm mỏng trang trí viền trên và dưới của bài: đây chỉ là 2 vị trí phụ trợ nên tìm họa tiết thật đơn giản và thưa chi tiết. Tìm xong nhớ trau chuốt tất cả các đường nét (kể cả bề rộng của nét).

- Can hình toàn bộ: đặt giấy can trong phủ kín bản Tìm họ a tiết, cố định 1 bên cạnh cho khỏi xô lệch (bằng kẹp sắt hoặc băng dính). Đặt thước kẻ và dùng bút chì để căn 2 đường viền trên – dưới. Can chuẩn lại tất cả các hoa văn và họa tiết.

- Phác thảo màu: tốt nhất là phôtôcopy bản Can hình toàn bộ trên đây rồi làm phác thảo màu chi tiết cho tất cả các mảng và nét trên cơ sở phát triển bước Tìm hòa sắc màu. Bao giờ cũng phải ưu tiên cho hoa nổi bật, rực rỡ nhất. Nếu có thiết kế các mảng nền phụ thì nên làm màu đậm hơn nền chính, tất cả các màu nền đều không nên tươi và mạnh (nhường ưu tiên cho hoa, lá).

* Các bước thể hiện: làm đúng như quy trình này ở bài trang trí Hình vuông.

hoa tiet 11
Trang trí đường diềm họa tiết nhạc cụ hiện đại

hoa tiet 12
Trang trí đường diềm họa tiết con cá

hoa tiet 13
Trang trí đường diềm họa tiết mặt nạ

hoa tiet 14

hoa tiet 15
Trang trí đường diềm họa tiết hoa sen, sóng nước (chuyển hai hòa sắc khác nhau)

9. Bài trang trí kính màu

* Vài dòng lịch sử:

- Thủy tinh được con người chế tạo từ rất xa xưa và đã từng xuất hiện ở trình độ thủ công – mỹ nghệ trong các nền văn minh sớm nhất của nhân loại như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ. Đến thời La Mã cổ đại, thủy tinh rất được chú trọng, nhiều công xưởng chế tạo loại vật liệu đặc biệt này ra đời trên một số vùng ven Địa Trung Hải và ngày đêm đỏ lửa. Sản phẩm thủy tinh của La Mã là hàng loạt các bình, lọ, cúp và đặc biệt là họ đã bổ sung các miếng thủy tinh màu vào bảng màu vốn trước đó chỉ toàn ghép đá của kỹ nghệ tranh mosaic (mosaique) – tranh ghép mảnh nổi tiếng trong lịch sử La Mã.

- Kể từ thế kỷ XII, nghệ thuật Gôtích hình thành và phát triển ở Trung và Tây Âu, tạo ra phong cách kiến trúc nhà thờ đạo Thiên chúa đặc biệt sắc sảo với những tháp đỉnh cao vút và nhọn hoắt, vòm cửa nhọn đỉnh, các cửa sổ được tạo dáng và lắp kính màu để tạo ra hiệu ứng ánh sáng kỳ lạ chưa từng có trong không gian nội thất nhà thờ. Đại thể các cửa kính màu của nhà thờ có 4 dạng cơ bản: tròn, vuông, chữ nhật đứng (có vòm cong trên đỉnh) và hình trái tim ngược. Kính màu được xử lý theo 2 cách: hoặc đơn giản chỉ là lăn sơn màu lên kính (mặt trong), hoặc được đúc thành từng miếng với các màu mạnh, rực rỡ như đỏ, xanh côban, xanh biển, xanh lá cây, vàng, tím, xanh ngọc… để tạo hiệu quả thị giác một cách ấn tượng. Hầu như tất cả những nhà thờ Gôtích nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Amiens, Reims, Chartre, Strasbourg (Pháp), Salisbury, Wells (Anh), Ulm (Đức)… đều có các ô cửa kính màu rực rỡ và rất hấp dẫn. Về nội dung, cửa kính màu nhà thờ có thể chỉ hoàn toàn trang trí bằng những miếng kính kỷ hà trừu tượng được ghép theo nguyên tắc đối xứng gương hay đối xứng tỏa tròn. Nhưng cũng có khi cửa kính màu nhà thờ lại có nội dung với các tích truyện trích từ kinh thánh như Đức Mẹ và Đức Chúa Hài đồng, các Thánh Tông đồ, Lễ truyền tin, Thánh giá, Thăng thiên… Sau hơn 8 thế kỷ phát triển, nghệ thuật tranh kính màu của đạo Thiên chúa đã đạt tới đỉnh cao và lan tỏa khắp thế giới.

Kể từ thế kỷ XIX, nghệ thuật tranh kính màu bắt đầu được cải biến theo các phong cách, trường phái cận – hiện đại, đồng thời áp dụng cho cả các kiến trúc dân dụng. Một số danh họa cũng tham gia thiết kế các tranh kính màu hiện đại như William Morris, Fernand Leger, Henri Matisse…

* Những nguyên lý của tranh kính màu:

Kết cấu (nếu ở dạng trừu tượng, không có nội dung): đối xứng gương, đối xứng tỏa tròn (trừ khi áp dụng trường phái trừu tượng và lập thể).

Tạo hình: hoặc gồm các miếng kính hình kỷ hà ghép lại, hoặc tạo hình nhân vật, thực vật, động vật… (cũng vẫn ghép lại từ các miếng kính kỷ hà).

Chỉ để ngắm từ bên trong nhà vào ban ngày, không có tác dụng nếu nhìn từ bên ngoài vào. Ánh sáng ngược chiều là nhân tố quan trọng với các điều kiện ta nhìn từ trong tối ra ngoài sáng, xuyên qua cửa kính màu. Nếu trong nhà sáng đèn mà bên ngoài trời tối thì ta sẽ không thể xem tranh kính từ trong nhà. (Ở đây cần phân biệt với loại tranh kính để xem xuôi chiều, không sử dụng ánh sáng xuyên qua kính màu trong. Loại tranh kính xuôi chiều này chỉ để xem gần, có thể vờn tia thoải mái với điều kiện vẽ theo thứ tự ngược: nét vẽ trước rồi đến các mảng khối nổi, cuối cùng mới đến mảng khuất tối, tranh kính kiểu này chưa bao giờ được đánh giá có chất lượng nghệ thuật cao).

Tranh kính chỉ hấp dẫn khi có màu sắc mạnh, rực rỡ gần như nguyên chất: vàng, cam, đỏ, cánh sen, nõn chuối, xanh cổ vịt, côban, xanh biển, tím…

Các đường viền phải đậm nét, rõ đều, tách bạch – tốt nhất là viền đen.

Tranh kính màu không thích hợp với những vờn tỉa tinh vi vì sẽ phản tác dụng do rối rắm, màu khó đều, gây cảm giác màu bẩn – như vậy những mảng màu phẳng trong, mạnh là thích hợp nhất. Tranh kính màu vì vậy mang đặc tính rõ nét của đồ họa: mảng bẹt, không vờn tỉa, đường viền to, đậm nét, tránh tả khối sáng tối và không gian sâu.

* Cách làm bài tập:

Vì phải xem ngược sáng nên tranh kính màu luôn đòi hỏi màu đều và trong. Tất nhiên nếu là kính màu đúc thì tuyệt vời vì màu mạnh tối đa mà vẫn có độ trong tuyệt đối. Tuy vậy, ở đây sinh viên sẽ tập vẽ nét đen rồi đổ màu lên mặt kính trong.

Làm phác thảo tranh kính với tạo hình hết sức đơn giản: nét to, mảng to, màu gốc tươi và mạnh, không vờn tia. Dự kiến khuôn khổ 30 x 40cm. Mỗi sinh viên nên tự có 1 tấm kính trong với kích thước thống nhất và nên có khung ốp sẵn 4 phía.

Mua màu vẽ tranh kính tại các cửa hàng họ a phẩm ngoài cổng Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu hay Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đó là loại màu kiểu mực đựng trong các lọ thủ y tinh với nhãn hiệu Vitrail của hãng Le Franc & Bourgeois (Pháp); màu nét thì mua các lọ hoặc tuýp nhựa có nhãn Gallery glass, window color (chú ý có nhiều màu nét nhưng tốt nhất nên mua màu đen hoặc thật đậm). Cũng có thể dán nét bằng đề can mầu đen.

Can hình lên kính rồi đi nét (nét nên rộng bản khoảng 1 cm). Thận trọng rót màu vào các mảng đã có nét viền kín, nhớ chỉ cần đủ láng màu đều trên mặt kính, không quá dày màu. Chú ý: bắt buộc đặt nằm tấm kính khi đổ màu. Khi nào khô mới được dựng lên (có thể rất lâu khô, phải chờ 1-2 ngày).

Tránh làm hình phức tạp và không vờn tỉa, chỉ làm mảng bẹt. Nếu phác thảo tốt thì có thể nhấn nhá thêm chi tiết như mắt, mũi…

Một cách làm khác: chia mảng, dán nét bằng đề can đen, sau đó dùng con lăn (ronlean) lăn mực in loại trong (trộn màu đã chọn + mực in trong) lên mảng đã quy định, lăn cho đều. Nhớ dán kỹ các đường biên trước khi lăn mực, sau đó bóc ra cho sạch. Xong phải đợi khô khoảng 2-3 ngày (mực in dễ đều hơn sơn dầu).

* Bài tranh kính Hình tròn (Cửa sổ hoa hồng)

- Nếu chỉ tập vẽ trên giấy:

+ Khuôn khổ: đường kính khoảng 30 cm là vừa.

+ Vẽ bằng bột màu nghiền, như các bài trang trí hình vuông, chữ nhật, tròn…

+ Các bước chuẩn bị: như với các bài trang trí kể trên.

+ Các bước phác thảo: tương tự như với trang trí hình tròn, nhưng cần chú ý: 1. Kết cấu đối xứng tỏa tròn (cho đơn giản với sinh viên); 2. Mảng miếng đơn giản, không vờn tỉa, bỏ hết các chi tiết lắt nhắt; 3. Màu mạnh nguyên sắc: vàng, cam, đỏ, nõn chuối, xanh cổ vịt, côban, xanh biển, tím… và mảng bẹt; 4. Nét viền đen, rõ và đậm nét.

+ Các bước thể hiện: như với bài trang trí hình vuông.

- Nếu định thực hiện trên kính thật

+ Mỗi sinh viên cần có 1 tấm kính tối thiểu 40 x 40 cm, đóng khung cẩn thận (dễ cầm khi soi lên ánh sáng, khung tối sẽ tương phản với kính màu trong). Tuyệt vời nhất là thực tập thẳng lên cửa kính của lớp học, như vậy sẽ sát với điều kiện thực tế nhất.

+ Mỗi sinh viên cần có ít nhất 1 con lăn với bề rộng 40cm. Nếu khó khăn quá thì có thể 3-4 cm chung 1 con lăn.

+ Cần có bản trổ theo hình để lăn sơn cho chính xác: bản trổ có thể bằng mika hay bìa mỏng, can bản nét lên rồi trổ cho chính xác. Chú ý: cứ mỗi màu cần 01 bản trổ riêng, vì vậy có thể cần tới nhiều bản trổ nếu nhiều màu. Luyện tập cho thuần thục để khi lăn một lượt là đạt kết quả: màu mỏng, đều, không chảy. Nhớ phải đợi màu trước khô mới lăn màu sau.

Riêng các nét viền không cần trong mà càng đen, càng đặc càng tốt. Do đó có 2 cách: hoặc dùng bút bẹt chấm sơn đen rồi tô nét, hoặc trổ đề can đen theo đúng bản nét rồi dán lên kính cho chính xác. Chú ý: nét đen nên rộng bản hơn 1-2 ly so với bản hình cho đảm bảo kín nét, không hở các rìa sáng. Đừng quên tô đen hoặc dán đề can đen toàn bộ phần nền bên ngoài hình tròn – như vậy thì các mảng màu bên trong mới có hiệu quả màu rực rỡ (so với nền đen).

Trường hợp bất đắc dĩ có thể dùng cách đập màu thật mỏng bằng bàn tay, nhưng cách này cần rất nhiều kinh nghiệm và cũng vẫn rất khó làm cho màu đều như dùng con lăn.

Một cách làm khác: mua màu vẽ tranh kính.

hoa tiet 16
Trang trí kính màu trong ô tròn
Họa sĩ Nguyễn Quang Cảnh thiết kế. Cắt ghép kính màu, khung nét bằng chì

* Bài tranh kính Hình chữ nhật đứng (có đỉnh vòm)

- Nếu chỉ tập vẽ trên giấy:

+ Loại tranh kính hình chữ nhật đứng không bao giờ đơn lẻ mà thường là cặp đôi, ba hoặc 4. Do đó tối thiểu ta phải làm bài cặp đôi song song.

+ Khuôn khổ: mỗi hình rộng khoảng 15 cm, cao khoảng 50 cm (cả đỉnh vòm) là vừa. Để chứa đủ cả cặp đôi, ta phải trình bày trên tờ giấy khoảng rộng ít nhất 50 cm, cao ít nhất 60 cm.

hoa tiet 17
Trang trí kính màu trong nhà thờ ở Pháp

+ Vẽ bằng bột màu nghiền, như các bài trang trí bình thường.

+ Các bước chuẩn bị: như với các bài trang trí kể trên.

+ Các bước phác thảo: trước hết nên học tập kinh nghiệm của phương Tây: vì hình quá hẹp và quá cao, khó vẽ liền một mạch nên người ta đã phân ra nhiều tầng (xem các hình mẫu tranh kính màu của nhà thờ Chartres). Với kích thước 50 x 15cm như trên, ta có thể phân ra 4 tầng gồm 1 tầng đỉnh vòm và hình chữ nhật còn lại ngăn làm 3 tầng đều nhau.

+ Các bước thể hiện: như với bài trang trí hình vuông.

- Nếu định thực hiện trên kính thật:

Mỗi sinh viền cần có 1 tấm kính cỡ ít nhất là 50 x 60 cm, có đóng khung gỗ đầy đủ 4 cạnh.

+ Tốt nhất vẫn là làm trực tiếp lên cửa sổ thật của lớp (để thấy hiệu quả thật). Sau khi làm xong và chấm điểm thì lại dùng xăng để xoá sạch rồi vẽ tiếp bài sau.

+ Các công đoạn còn lại thực hiện đúng như với bài tranh kính hình tròn.

* Bài tranh kính Hình trái tim ngược (đáy bằng)

- Nếu chỉ tập vẽ trên giấy:

+ Khuôn khổ: Hình trái tim ngược – đáy bằng nên có chiều cao khoảng 30 cm, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 40 cm. Do đó khuôn khổ bài sẽ tốt nhất là 40 x 50 cm.

+ Vẽ bằng bột màu nghiền như các bài trang trí bình thường.

+ Các bước chuẩn bị cũng như các bài trang trí bình thường.

+ Nguyên lý trang trí Hình trái tim ngược (đáy bằng): đại thể là một nửa hình tròn, có thêm đỉnh nhọn. Đối xứng gương hai bên qua 1 trục thẳng đứng chính giữa. Để cho dễ hiểu, xin giải thích: ta chỉ cần có một hình trang trí đối xứng tỏa tròn của 1 bông hoa nhìn chính diện, cắt lấy một nửa lắp vào hình trái tim ngược của ta, thêm hình lá vào vị trí đỉnh nhọn rồi điều chỉnh hai bên ở chỗ rộng nhất là xong bản hình (tất nhiên như vậy chỉ đạt kết quả tối thiểu).

+ Các bước phác thảo: đại thể làm giống như bài trang trí Hình tròn. Cần chú ý: a) Đối xứng gương, b) Màu tươi, mạnh, gần như nguyên sắc, c) Mảng miếng đơn giản, tốt nhất hình kỷ hà, d) Nét đen, dày nét.

+ Các bước thể hiện: giống như bài trang trí bình thường.

- Nếu định thực hiện trên kính thật

+ Mỗi sinh viên cần có 1 tấm kính cỡ ít nhất là 40 x 50 cm, có đóng khung gỗ đầy đủ 4 cạnh.

+ Tốt nhất vẫn là làm trực tiếp lên cửa sổ thật tại lớp, mỗi sinh viên làm 1 ô, nếu phối hợp làm đồng bộ thì càng tốt (để thấy hiệu quả thật). Cứ xong một bài lại dùng xăng để xoá sạch rồi vẽ tiếp bài sau.

+ Các công đoạn còn lại: thực hiện đúng như với bài tranh kính hình tròn.

+ Chú ý: nếu vẽ xong bài mà vẫn còn thừa nền kính (vì bài hình Trái tim ngược mà Khung kính hình vuông hoặc chữ nhật) thì nhất thiết phải tô đen hoặc dán kín đề can đen thì các mảng màu của bài mới thể nổi và rực rỡ được.

+ Nếu có điều kiện đầy đủ thì nên thực hiện tất cả 03 bài như đã nêu trên đây, gồm a) Hoa lá, b. Mảng hình kỷ hà, c. Hình người và động vật.

hoa tiet 18
Tranh kính tại một nhà thờ ở Thành phố Hồ Chí Minh
Họa sĩ Nguyễn Quang Cảnh thiết kế, thi công: cắt ghép kính màu nhập từ Trung Quốc
Các chi tiết mắt, mũi, mồm… vẽ bằng men sứ, nung nhẹ lửa (6000C)

>>> Vẽ trang trí (Phần 1)

>>> Lịch sử nghệ thuật trang trí

>>> Họa tiết thời Phục Hưng

0976984729