Vẽ trang trí (Phần 1)
1. Nghệ thuật trang trí:
* Sự ra đời:
Con người vốn có thói quen cố hữu là trang hoàng cho bản thân, nhà cửa và mọi vật dụng quanh mình. Trang trí đã xuất hiện từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Hiện vật có tính trang trí cổ xưa nhất được các nhà khảo cổ phát hiện tại Nam Phi (có niên đại được đoán định khoảng 77.000 năm cách ngày nay) là một khối đất sét có khắc vạch chéo song song theo 2 chiều đối lập, lặp đi lặp lại đều đặn. Trang trí hiện diện và phát triển cùng với lịch sử phát triển của toàn nhân loại, từ chỗ phải thực hiện tỉ mẩn bằng tay cho nhu cầu cá nhân đến sản xuất hàng loạt bằng máy hay phổ biến bằng mạng trên quy mô toàn cầu.
* Hình thức:
Bản thân trang trí ít khi ở dạng tác phẩm độc lập nhưng rất đắc dụng khi phụ trợ, trang hoàng và góp phần hoàn chỉnh cho những thực thể khác.
Trang trí có thể là tạo dáng, kiểu cách, mạng lưới chi tiết cân bằng, đều đặn  và cố định trong một khuôn khổ hay lặp đi lặp lại trên diện tích bề mặt có thể mở rộng đến vô tận.
Hình loại trang trí hết sức đa dạng: xăm trổ và tô vẽ cơ thể (người nguyên thủy và các bộ lạc châu Phi, Nam Mỹ và châu Úc), khắc trổ và tô vẽ vào dụng cụ lao động (mọi dân tộc), trang hoàng nhà cửa, làm khung bo viền cho mọi loại tranh ảnh, sản xuất vải hoa, dệt gấm vân, tạo hình đồ thờ cúng, in giấy dán tường, thiết kế logo, trang trí biển hiệu, trình bày sách báo, quảng cáo v.v… Tóm lại là tạo dáng và làm đẹp bề mặt một cách phong phú mọi sản phẩm dành cho và thuộc về con người.
* Truyền thống trang trí của người Việt:
Sử sách và truyền thuyết cho biết tổ tiên ta (từ vua đến dân thường) đã xăm mình từ thời thượng cổ cho đến tận thời Trần (bắt đầu bỏ từ thời vua Trần Anh Tông, cuối TK 13).
Người Việt đã kỳ công chạm khắc trang trí trên vì kèo và mọi đồ thờ cúng ở khắp các đình, chùa, đền, miếu, am, tháp cổ.
Hệ thống bia đá và các điêu khắc đá cổ đều có hình thức trang trí phụ trợ (phần tán bia và diềm bia, trang phục của các tượng đá tạc quan, lính ở các lăng quận công…).
Nghề thủ công mỹ nghệ của người Việt từng rất phát triển với nhiều yếu tố trang trí mang đặc tính dân tộc như: đan lát, làm gốm, dệt và thêu thùa, đồ gỗ sơn ta khảm trai, đồ thờ, mỹ nghệ vàng bạc, đồ ngọc và đá quý, đồ sừng, ngà và xương v.v…
2. Các khái niệm cơ bản của trang trí:
* Hình kỷ hà:
Để tối giản các hình phức tạp hay phức hợp, trình bày rõ nét trên mặt phẳng 2 chiều, người ta phải vẽ hình kỷ hà – kiểu những hình đơn giản hóa thành gần như các hình học cơ bản như vuông, chữ nhật, tam, giác, thang, tròn, oval…
* Hoa văn:
Hình tượng chọn lọc đã được cô đọng theo hướng dàn phẳng, đập bẹt, trau chuốt mảng miếng với các đường nét mượt mà, thậm chí tối giản để sắp xếp thành một tổ hợp trang trí có tính dàn đều trên một diện tích có giới hạn. Hoa văn thường được lặp lại đều đặn trong tổ hợp trang trí ấy.
* Họa tiết:
Chi tiết cơ bản cấu thành hoa văn. Họa tiết cũng có thể được lặp lại đều đặn trong hoa văn.
* Đường nét:
Tất cả các đường viền của hình thể cũng như các đường biểu hiện chi tiết của hoa văn, họa tiết. Nét trong trang trí thường thanh mảnh, thẳng hoặc uốn lượn mềm mại (trừ nét viền rất dày trong tranh kính màu ở nhà thờ đạo Thiên Chúa). Trong đa số trường hợp, nét thường màu đen hay đậm (nâu chẳng hạn), nhưng nét cũng có thể trắng hoặc đỏ, vàng hay xanh, tùy vào đòi hỏi của hòa sắc.
* Mảng miếng trong trang trí:
Phần diện tích của 1 màu, đa số trường hợp được giới hạn bởi đường viền hình thể (rất ít khi không có đường viền).
* Đường công tua:
Thuật ngữ chuyên môn, có nguồn gốc từ tiếng Pháp (contur) có nghĩa là đường viền hình thể. Tù y từng trường hợp, đường công tua có thể dày hay mảnh, riêng các công tua trong tranh kính màu của nhà thờ đạo Thiên Chúa) thì thường rất dày nét và rất đen (để làm nổi các mảng màu).
* Hòa sắc:
Tổng thể ăn ý của tất cả các màu sắc trong một bức tranh, nhất là tranh trang trí. Hòa sắc trong trang trí đòi hỏi không có màu nào lạc lõng, quá lố hay đối chọi với các màu khác trong tranh. Riêng trong tranh kính màu vẫn có thể dùng màu đối chọi nhưng được xử lý bằng các đường công tua đen dày nét.
* Tông màu:
Thuật ngữ chuyên môn, có nguồn gốc từ tiếng Pháp (ton): một loại giọng trong âm nhạc, một loại màu trong màu sắc, ví dụ: tông vàng, tông xanh, tông đỏ.
* Tông suyếc tông: 
Thuật ngữ chuyên môn, có nguồn gốc từ tiếng Pháp (ton sur ton): hòa sắc của 1 loại màu với các mức độ mạnh hay yếu, sáng hay đậm, rực rỡ hay dịu dàng, tươi hay trầm, vang hay câm của chỉ một loại màu với nhau.
3. Các kết cấu cơ bản:
* Đối xứng gương, đối xứng tỏa tròn; so le, lặp đi lặp lại.
* Nguyên tắc phân tầng:
Trong trường hợp mà tổ hợp trang trí là một tập hợp nhiều hoa văn hay hình tượng có liên kết thành dải ngang rất dài nhưng cần phải dàn đều mà không đổi hướng trên một bề mặt trang trí theo chiều dọc thì người ta lựa chọn nguyên tắc phân tầng để có thể trình bày đầy đủ toàn bộ tổ hợp trang trí này.
Nguyên tắc phân tầng cũng được sử dụng để trình bày theo cấp độ khi mà một tổ hợp gồm có các nhóm hình tượng hay hoa văn khác nhau với tầm quan trọng khác nhau nên không thể dàn chung một hàng (ví dụ các vòng hoa văn đồng tâm trên mặt trống đồng với các tầng hình tượng người, hoa văn kỷ hà, hươu và chim, rồi lại hoa văn kỷ hà, lại chim, lại hoa văn kỷ hà v.v…).
* Kết cấu xuôi ngược:
Khác với hội hoạ, trang trí là hình thức phụ trợ để trang hoàng, làm vui mắt, ít khi có hướng cố định duy nhất, lại đòi hỏi dàn đều một cách cân đối trên một bề mặt xác định nên các hoa văn và họa tiết thường được sắp xếp lặp đi lặp lại, thậm chí lật xuôi – lật ngược vẫn gây cảm giác thuận mắt (ví dụ đồ án trang trí hoa dây thời Lý – được chạm khắc tinh vi trên đá).
4. Các kiểu bài trang trí cơ bản:
Hình vuông, chữ nhật, tròn, diềm tường, vải hoa, tranh kính màu v.v…
Nên vận dụng tối đa các nguyên tắc đối xứng gương (vuông, chữ nhật) hay đối xứng tỏa tròn (tròn) hoặc lặp đi lặp lại (diềm tường, vải hoa).
Nên khai thác kho tàng hoa văn truyền thống Việt Nam vì các lý do sau đây:
- Thực sự đẹp do sự kết tinh thẩm mỹ và tài khéo của dân tộc;
- Rất phong phú, dễ sử dụng;
- Kế thừa truyền thống của cha ông;
- Độc đáo và hấp dẫn với khán giả nước ngoài.
Nên có bài chép hoa lá để hiểu, biết cách chọn lọc và sử dụng các loại hoa lá thật, đồng thời rèn luyện kỹ năng tìm hiểu kết cấu, vẽ nét và phối hợp mảng. Có thể sử dụng ảnh chụp (phải tự chụp) nhưng trước hết cần tự quan sát rất kỹ (từng đường gân lá và hoa) các mẫu hoa lá thật rồi tự chọn những đường nét bản chất nhất của hoa lá.
Nên có bài cách điệu hoa lá sau bài chép hoa lá để biết cách nang cao, chắt lọc, cô đọng và cách điệu các mẫu hoa lá nhằm mục đích thấu hiểu để sử dụng sao cho hiệu quả vào các bài trang trí. 
5. Bài trang trí hình vuông:
* Khuôn khổ: Chỉ nên 20 x 20 cm
* Vẽ bằng bột màu: Để tiện tô các mảng phẳng, dễ chồng màu và tập tô nét màu đều.
* Chuẩn bị:
- Bồi sẵn giấy báo lên bảng gỗ dán, cỡ A3;
- Chuẩn bị giấy can trong để can hình các hoa văn và họa tiết;
- Không dùng giấy than (làm cho các nét can rất thô và đậm, khó xoá, để lại các vết tích rất xấu trên bài) mà xoa bột màu nâu hay xanh lá cây lên miếng giấy báo cỡ A3, nhớ xoa cho mịn đều bằng cách rắc một ít màu bột khô lên mặt giấy rồi gấp một miếng giấy báo nhỏ cho vừa tay và xoa đều cho kín diện tích mặt báo (sao cho bột màu dính hết, dính đều xuống chứ không để hạt màu nào còn tự do trên mặt giấy);
- Pha sẵn keo với nước nóng cho tan đều (có thể dùng lọ keo dán giấy bán sẵn cũng được, nhưng vì loại này đặc quá, sẽ làm cho màu bị xỉn nên cần đổ hết ra lọ lớn hơn một chút rồi đổ thêm 1.3 nước nóng cho loãng hơn).
- Bút bẹt để vẽ các mảng nền. Bút tỉa để đi nét và tô các mảng nhỏ.
- 2 ống nước: 1 để rửa bút, 1 để pha màu cho sạch;
- Palét pha màu bằng gỗ dán sơn trắng (dễ so sánh các màu) hoặc mika trắng;
- Hòa trộn và nghiền (bằng bay vẽ sơn dầu) các màu cơ bản của bài (căn cứ vào màu của phác thảo đã được duyệt) sao cho đủ lượng cần thiết. Cũng có thể dùng màu goát đã nghiền sẵn trong các lọ nhựa – nhưng loại màu này thường pha sẵn nhiều keo nên khi vẽ mảng màu sẽ bị gợn sóng, khó phẳng, khó đều mặt, đồng thời vì nhiều keo nên màu hơi xỉn.
* Những nguyên lý của trang trí hình vuông:
Hình vuông là dạng đặc biệt nhất trong số các hình tứ giác: tất cả các cạnh đều bằng nhau và đối xứng với nhau từng đôi một, tất cả các góc và hai đường chéo cũng như vậy. Đáng chú ý là hình vuông có 1 trọng tâm: đó là điểm giao nhau giữa 2 đường chéo, cũng là tâm đối xứng giữa 4 cạnh và 4 góc.
Vì mọi thứ trong hình vuông đều tuyệt đối đối xứng nên ta chỉ cần thiết kế 01 hoa văn góc là đủ rồi can sáng 3 góc kia. Cũng như vậy ta chỉ cần làm 01 đường diềm cạnh là đủ rồi can sang 3 cạnh kia.
Hoa văn ở vị trí chính giữa nên nở xò e ở hướng nhìn chính diện mặt hoa và xòe đều về mọi phía (đối xứng tỏa tròn) hoặc xòe về 4 phương, 4 góc hay 8 hướng. Cũng có thể làm khác đi, nhưng đó phải là người rất sáng tạo hoặc đã rất thông thạo việc trang trí.
Về cấu trúc, ta có 04 cạnh, 04 góc, 02 đường trục ngang – dọc và 02 đường trục chéo.
* Các bước phác thảo:
- Tìm ý kết cấu – bố cục chính phụ, xác định vị trí các hoa văn cơ bản bằng cách vẽ phác thử các ô vuông cỡ nhỏ bằng bút chì.
- Tìm hình: phóng bản tìm ý đã chọn lên cỡ 20 x 20 cm. Dùng bút chì tìm hình tương đối cụ thể ở tất cả các vị trí chính – phụ, xác định cỡ to nhỏ thích hợp cho từng vị trí.
- Tìm hòa sắc màu: đây là việc tìm màu bước đầu, chủ ý chỉ là tìm hòa sắc màu. Chỉ cần thử màu trên khuôn khổ giấy nhỏ 10 x 10cm. Không cần chính xác về hình và màu, chỉ cần xế màu tương đối ổn thỏa cho ra hòa sắc hợp ý ta là được.
- Tìm họa tiết thích hợp: chọn loại họa tiết thích hợp với từng vị trí trong bài. Vị trí trung tâm thông thường là một bông hoa nhìn chính diện. Vị trí 4 góc thường là hoa hay nụ nhìn nghiêng, chỉ cần làm 1 góc rồi can lặp lại sang 3 góc kia. Đường diềm 4 cạnh nên sử dụng các dải hoa văn chạy dài, dạng hoa văn kỷ hà hay đường nét uốn lượn là tùy ý định của người vẽ. Các chỗ trống còn lại: nếu vừa phải thì để nghỉ mắt, nếu quá rộng thì có thể thêm một vài đơn vị họa tiết vào đó sao cho có thể lặp lại ở các vị trí tương ứng (nhưng không quá lớn để khỏi lấn át hoa văn trung tâm và 4 góc). Trau chuốt tất cả các nét (cả nét to, nét nhỏ).
- Can hình toàn bộ: sau khi đã đủ tất cả các hoa văn, họa tiết. Dùng thước kẻ ở 4 cạnh.
- Phác thảo màu: bây giờ đến bước phác thảo màu kỹ lưỡng trên bản hình đã đầy đủ tất cả các họa tiết và chi tiết.
 
trang tri 1
Bài trang trí hoàn thành
 
trang tri 2a
Trái: Phác thảo gam màu lạnh - Phải: Phác thảo gam màu nóng
 
Một số bài tham khảo trang trí hình vuông
 
trang tri 3a
Trang trí hình vuông họa tiết hoa lá và bướm
 
 
trang tri 4a
Trái: Trang trí hình vuông họa tiết cá - Phải: Trang trí hình vuông họa tiết cá ngựa
 
* Các bước thể hiện:
- Quét nền sẵn trang trí tối kỵ việc tô không kín màu nền, do đó mà phải quét nền sẵn theo màu của phác thảo. Nên pha đúng màu nền của phác thảo, nghiền cho kỹ, trộn đủ keo rồi quét theo một chiều duy nhất sao cho thật đều, nên quét diện tích lớn hơn khuôn khổ của bài (lớn hơn 20 x 20 cm) để khi xong cắt đi là vừa.
- Can nét bằng bột màu đã xoa trên giấy báo: đặt tờ can hình cho hợp vị trí trên nền đã quét sẵn bột màu, sau đó dán cố định một bên cạnh của tờ giấy can sao cho không ảnh hưởng tới diện tích hình vuông định vẽ. Tiếp theo ta luồn tờ giấy báo cỡ A3 đã xoa sẵn bột màu (thay giấy than) úp xuống nền màu đã quét rồi thao tác can hình đợt 1: chỉ can các mảng lớn, riêng khung viền ngoài hình thì nên dùng thước kẻ cho chính xác.
- Pha rồi tô màu các mảng lớn theo đúng màu phác thảo. Chú ý nghiền kỹ màu bằng bay và tô mảng cho phẳng, không tô dày quá.
- Can hình đợt 2: can tiếp các chi tiết chính.
- Tô màu các chi tiết chính.
- Can hình đợt 3: can nốt các chi tiết nhỏ.
- Tô màu nốt các chi tiết còn lại và hoàn chỉnh bài.
- Cắt bài ra rồi làm bo (bordur) cẩn thận, đề tên bài, họ tên và lớp của sinh viên…
6. Bài trang trí hình chữ nhật:
* Khuôn khổ: nên 21 x 28 cm là vừa.
* Vẽ bằng bột màu nghiền để tập tô mảng phẳng, dễ chồng màu và tập tô nét màu đều.
* Chuẩn bị: giống hệt như bài trang trí hình Vuông.
* Những nguyên lý của trang trí hình chữ nhật:
Xét về mặt hình học thì hình chữ nhật gần giống hình vuông, chỉ khác duy nhất 1 điểm là cả 4 cạnh không bằng nhau mà chỉ bằng nhau theo từng cặp đối diện vì có 2 cạnh ngắn, 2 cạnh dài. Do vậy, ta có thể xử lý khi thiết kế trang trí hình chữ nhật 90% giống như với hình vuông (về 4 góc, về vị trí trung tâm, về 2 đường chéo), chỉ phải thực hiện 4 diềm hoa văn ở 4 cạnh theo 2 cặp có chiều dài khác nhau.
* Các bước phác thảo:
- Tìm ý kết cấu – bố cục chính phụ, xác định vị trí và mảng to – nhỏ cho các hoa văn cơ bản trong bài bằng cách phác các hình chữ nhật cỡ nhỏ (bằng cỡ bàn tay thôi) bằng bút chì.
- Tìm hình: phóng bản Tìm ý đã chọn lên đúng cỡ 21 x 28 cm, kẻ 4 cạnh chu vi bằng bút chì cho thẳng. Tìm hình, định dạng tương đối cho các vị trí hoa văn ở trung tâm, 4 góc, 4 diềm cạnh… (chưa cần đi sâu vào chi tiết). Ngoài việc tìm các định dạng hoa văn, ta nên thử các phương án nền khác nhau bởi trong trang trí không bó buộc chỉ có 1 nền duy nhất. Có thể trong hình chữ nhật lớn lại có một nền màu khác, cũng chữ nhật nhưng nhỏ hơn hay hình thoi, hình vuông, hình lục lăng… miễn là đảm bảo tính đối xứng theo từng cạnh đối lập của hình chữ nhật. Sau đó, ta mới đặt các hoa văn đã định dạng lên các vị trí cần thiết. Với 4 vị trí góc, ta cũng có thể thử các nền riêng cho góc (như hình tam giác, hình 1.4 hình tròn) rồi mới đặt hoa văn ở góc lên.
- Tìm hòa sắc màu: đây chỉ là bước tìm hòa sắc chung về màu chứ chưa phải là phác thảo màu thực sự cho nên chỉ cần kích thước giấy cỡ nhỏ, khoảng 9 x 12 cm là đủ, sau đó thử chấm màu lên theo bố cục mà ta dã làm ở bước tìm hình. Có thể tìm màu nhiều lần cho đến khi thấy hòa sắc ăn ý và đẹp. Không cần tỉa chi tiết làm gì. Trên cơ sở các phương án nền đã tìm ở trên, ta nên thử các phương án màu nền khác nhau: vàng – cam, cam – đỏ, cam – cánh sen, xám – xanh cây, xanh cổ vịt – xanh biển v.v…
- Tìm họa tiết thích hợp: đây là bước rất quan trọng vì ta phải tìm cho được những họ a tiết thích hợp với từng hoa văn ở các vị trí trong hình chữ nhật. Tất nhiên vì có 4 góc, 2 cặp cạnh đối xứng, 2 đường chéo bằng nhau nên ta chỉ cần tìm họ a tiết cho 1 góc là được cho cả 3 góc kia, hoàn chỉnh 1 dải hoa văn cho 1 cạnh ngắn và 1 dải cho cạnh dài là có thể can lật ngược cho cạnh bên kia. Bông hoa to ở chính giữa ta chỉ cần vẽ chính xác 1.4 là có thể phát triển giống hệt ra 3.4 còn lại. Những mảng trống cuối cùng nếu rộng quá thì nên thêm hoa văn vào sao cho không to hơn, không phức tạp hơn hoa trung tâm và hoa 4 góc.
- Can hình chính xác toàn bộ (nếu lười thì chỉ cần can 1.2 cũng được). Dùng giấy can trong đặt lên bản hình đã có đủ họa tiết rồi can lại bằng bút chì nét nhỏ. Riêng những đường thẳng như 4 cạnh chu vi thì nên dùng thước kẻ cho thật thẳng. Như vậy, ta đã có bản nét hoàn chỉnh của bài.
- Phác thảo màu: bây giờ đến bước tìm màu chính xác cho tất cả các hoa văn và họa tiết trên cơ sở của bản hình hoàn chỉnh.Tìm hòa sắc màu. Cách làm tiện lợi nhất là phôtôcopy bản can hình rồi tô thử màu vào tất cả các mảng và chi tiết cho tới khi vừa ý.
* Các bước thể hiện: làm giống hệt như phần này ở hình vuông.
 
Một số bài tham khảo trang trí hình chữ nhật
 
 
trang tri 5a
Trang trí hình chữ nhật họa tiết hoa lá cách điệu
 
 
trang tri 6a
Trang trí hình chữ nhật họa tiết côn trùng cách điệu
 

0976984729