Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho

Mực nho còn gọi là mực Tàu, là loại mực màu đen đóng thành thỏi của Trung Quốc, khi dung thì mài với nước.

Vẽ mực nho là kiểu vẽ chỉ dùng mực màu đen của mực nho (với các sắc độ khác nhau) để vẽ thành tranh trên giấy hay trên lụa.

Tuy nhiên, người Trung Quốc còn một kiểu tranh đặc thù nữa, được coi là phát sinh từ mực nho, gọi là Thủy mặc, chỉ vẽ đơn sắc (nâu, đen hay đen xanh), tất nhiên cũng với nhiều sắc độ khác nhau trên giấy hoặc lụa. Họ không vẽ hiện thực như mắt thường nhìn thấy mà vẽ theo ý tưởng cô đọng từ hiện thực.

Phương Tây cũng có tranh mực đơn sắc (đen hoặc nâu trên giấy).

Việt Nam cũng có thể loại tranh mực nho trên giấy, chủ yếu ở dạng vẽ hiện thực.

A. Lịch sử tranh mực nho và thủy mặc

- Mực nho:

Loại mực đen đầu tiên được người Trung Quốc tìm ra khoảng thời Ân Thương (TK XVII – TK XI tr.CN) từ than chì, đến thời Hán (206 tr.CN – 220 sau CN) người ta nghĩ ra cách cô đặc muội khói của củi thông, củi ngô đồng hay dầu sơn, trộn keo da trâu hay nhựa cây để đúc thành thỏi mực. Có 2 loại thỏi mực nho: hình viên trụ hoặc hình hộp chữ nhật dẹt, dài khoảng 8 – 10 hay 12cm, khi dùng thì mài với nước ra nghiên hay đĩa bằng đá hay gốm sứ. Cuối thế kỷ 20 xuất hiện loại mực nho nước, đựng trong lọ bằng nhựa, hình hộp chữ nhật dẹt, cao 12cm.

- Bút nho:

Bút nho là kiểu bút lông (thỏ hay dê) chụm nhọn đầu, có quản bằng ống trúc tròn, chấm vào mực nho để viết chữ Nho (chữ Hán) trên thẻ tre (từ khoảng 1000 năm tr. CN đến khoảng TK III sau CN), trên lụa (từ thời Chiến Quốc, khoảng 475 – 221 tr. CN đến nay) và trên giấy (từ TK II sau CN đến nay). Bút nho cũng được dùng để vẽ tranh theo kiểu Trung Quốc (quốc họa) trên lụa hoặc giấy.

- Giấy:

Trong quá khứ, người Trung Quốc vẽ tranh lên giấy xuyến chỉ hoặc lụa, cả 2 đều có khả năng thấm – hút cao, dễ loang – nhòe, tạo ra các mảng mực rất trong nếu vẽ loãng. Tất nhiên, để có thể sử dụng thành thạo giấy xuyến chỉ và lụa vẽ, ta phải trải qua quá trình luyện tập rất công phu. Ở đây, do điều kiện bài học phải đạt kết quả ngắn hạn, chúng ta không đi theo hướng đó mà chỉ dùng giấy sản xuất công nghiệp hiện nay. Trước hết, ta nên vẽ trên giấy tương đối dày, màu trắng hoặc trắng ngà, hơi sần. Trên thị trường Hà Nội hiện nay có các loại giấy canson (tốt nhất), conqueror (khá), Bãi Bằng (tạm được).

- Tranh mực nho và thủy mặc Trung Quốc:

muc nho 1
Tranh mực nho trên giấy xuyến chỉ của Trung Quốc

Bên trái: Trúc và hoa cỏ bên tảng đá. 126 x 75,2cm. Họa sĩ Ke Jiusi, TK 14.

Bên phải: Núi mùa xuân uốn mình trong gió. 141 x 53,4cm. Họa sĩ Đới Tân, TK 15.

Tranh đơn sắc (gồm cả mực nho và thủy mặc) chiếm một địa vị độc đáo và trọng yếu trong nền quốc họa Trung Quốc. Trong suốt lịch sử hơn 2000 năm của nền quốc họa này, có thể kể ra rất nhiều tác phẩm tranh đơn sắc nổi tiếng với bút pháp, đường nét, đậm nhạt hết sức đặc trưng Trung Hoa. Đó có thể là cảnh núi non hùng vĩ mà cũng có thể chỉ là vài ngọn cỏ với một côn trùng nhỏ xíu; đó có thể là toàn cảnh một kinh đô rộng lớn, chen vai thích cánh ngàn vạn con người mà cũng có thể chỉ là một thi nhân cô đơn đang say mèm… Điều đáng chú ý là các tác giả đã lấy cái tối thiểu (chỉ 1 màu mực duy nhất) để tả cái tối đa (cả thế giới, thậm chí cả vũ trụ). Họ chừa ra những khoảng trống cực rộng mà tranh không loãng; họ tỉa đến tận cả râu con dế mèn hay càng tôm mà vẫn là hội họa chứ không phải bản vẽ kỹ thuật; chỉ một màu đen hay nâu pha nước mà họ tạo ra được vô vàn sắc thái phong phú không kém gì thiên nhiên và cuộc đời… Sự độc đáo và phong phú ấy là kết tinh tài hoa của dân tộc Trung Hoa mà các dân tộc khác không thể bắt chước. Ngày nay, một số bảo tàng lớn của Anh, Mỹ, Nhật lấy làm hãnh diện khi trong bộ sưu tập của họ có một số tác phẩm của vài danh họa Trung Quốc như Cố Khải Chi, Vương Duy, Tống Huy Tông, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch… Tuy nhiên, xin lưu ý là tranh quốc họa Trung Quốc không tả thực như hiện thực mắt nhìn mà tả thực chọn lọc và cô đọng theo ý tưởng của họa sĩ (tả ý), vì vậy rất khó để có thể làm kiểu mẫu cho các bài học của chúng ta.

- Tranh đơn sắc (đen, nâu hay lam) của phương Tây:

Bên cạnh nền hội họa sơn dầu đồ sộ, người phương Tây cũng có một nền hội họa màu nước rất hấp dẫn. Họ cũng sử dụng màu đen (không phải mực nho), pha nước tạo ra nhiều sắc độ để vẽ lên giấy những bức phong cảnh, tĩnh vật hay tranh sinh hoạt đầy hiệu quả. Khác với thủy mặc Trung Hoa, tranh đơn sắc phương Tây không ham tả núi non kỳ vĩ hay hoa điểu thảo trung (chim hoa lá cá) tỉ mỉ - họ thường vẽ cảnh vật và sinh hoạt ở tầm nhìn bình thường; cá biệt cũng có những danh họa vẽ tranh đơn sắc theo kiểu trường phái kỳ dị, bóp hình. Điển hình trong số đó là tranh đơn sắc của danh họa Picasso chẳng hạn: ông vẽ kiếm sĩ đấu bò với những nhát bút đơn giản nhưng thật phóng khoáng!

- Tranh mực nho Việt Nam:

Nói chung các thể loại tranh ở Việt Nam xuất hiện rất muộn (chỉ trừ đồ họa). Tranh mực nho trên giấy đã từng xuất hiện lác đác khoảng đầu thế kỷ XX, trong số các bài vẽ thể nghiệm của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương. Phải đến thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954), do hoàn cảnh thiếu thốn họa phẩm thì các họa sĩ trên chiến khu mới đẩy mạnh vẽ tranh bằng mực nho (vì tiện, rất gọn, không đắt tiền). Sau đó, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ thì thể loại tranh này rất phát triển, thậm chí có thể nói đã đạt một số đỉnh cao như tranh “Mưa” – mực nho trên lụa của Nguyễn Thụ. Một số họa sĩ khác cũng để lại những bức ký họa hay tranh mực nho đầy hiệu quả như Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Trọng Hợp, Lưu Công Nhân… Tuy nhiên, kể từ sau đổi mới và mở cửa (sau 1990) khi điều kiện để sống và vẽ tốt hơn (rất dễ mua mọi loại họa phẩm) thì thể loại tranh này dần dần bị quên lãng vì muốn vẽ phải chuyên tâm và đòi hỏi công phụ. Mặc dầu vậy, việc tập vẽ tranh mực nho trên giấy vẫn là hết sức cần thiết và vừa tầm với các sinh viên: do đặc thù của nghề kiến trúc và xây dựng, các em sẽ phải vẽ rất nhiều bản vẽ phối cảnh và phong cảnh trên giấy, phần lớn là đơn sắc – vì thế, càng thành thạo với mực nho và màu nước bao nhiều thì càng thuận lợi với các em bấy nhiêu.

muc nho 2
Cây mít và đống rơm. 52 x 39 cm. 1957
Tranh mực nho trên giấy dó của họa sĩ Trọng Hợp
Đây thực sự là những mẫu mực mà chúng ta cần noi theo với kỹ thuật đậm nhạt chắt lọc trên giấy dó cổ truyền.

B. Kỹ thuật vẽ tranh mực nho:

* Chuẩn bị vật liệu – họa phẩm

- Giấy: Đối với sinh viên thì tốt và tiện nhất là giấy canson hoặc conqueror, hơi dày và hơi sần (có grain) vì những giấy này đủ độ hút mực, không quá loang nhòe, không dễ nhăn nheo khi vẽ. Các loại giấy cổ truyền như giấy dó hoặc xuyến chỉ đều rất hay nhưng chỉ thích hợp với các họa sĩ đã thành thạo tay nghề, thậm chí đã chuyên sâu trong lĩnh vực này rồi.

- Bút vẽ: tiện lợi và phổ thong nhất là mua ngay loại bút nho quản ống tròn bán tại các cửa hàng họa phẩm. Đó là bút có quản ống tre – trúc, lông mềm, khi vuốt nước thì tụ lại nhọn đầu, đường kính quản bút khoảng từ 6mm đến 1cm, có cả nắp đậy cũng bằng ống tre – trúc. Với kiểu bút này, ta vừa có thể tô các mảng lớn, vừa có thể tỉa các chi tiết được. Các bút lông mềm khác, dạng bẹt với cán gỗ bịt sắt cũng được nhưng không thuận tiện bằng. Chú ý: không dùng bút lông cứng.

- Mực nho: là loại mực nước dùng để vẽ bút lông nhập từ Trung Quốc.

- Dụng cụ pha mực: Mua palét (palette) chuyên dụng bằng nhựa, có những ô trũng cách đều (để pha các độ đậm nhạt khác nhau, mỗi độ một ô trũng riêng, sẽ rất tiện khi vẽ). Nếu không có thì đành dùng đĩa sứ trắng cũng được (sẽ khó tách biệt các độ đậm nhạt hơn).

- 2 ống đựng nước (1 để pha mực, 1 để rửa bút), tốt nhất tìm loại hộp sữa cũ, có nắp đậy.

- Bảng vẽ, kẹp sắt, giá vẽ (loại gấp lại được cho gọn).

muc nho 3
Lọ mực nho nước thông dụng, có bán trên thị trường hiện nay, một số bút để vẽ mực nho,
palet có ô trũng để pha sẵn các độ đậm nhạt chính để vẽ

* Các đặc tính kỹ thuật:

- Cách cầm bút: như cầm bút vẽ, nhưng không quá gần đầu bút mà cách xa khoảng 5 – 7cm. Khi vẽ không vung vít mạnh tay như vẽ sơn dầu hay bột màu mà phải cẩn trọng, từ tốn, tốc độ đưa bút chậm rãi.

- Vẽ mực luôn luôn cần phải pha với nước: muốn đạt được độ đậm nhạt cần thiết, ta phải luyện tập nhiều. Với các hiệu quả loang – nhòe cũng vậy, nếu không thử nhiều lần, ta sẽ không có kinh nghiệm xử lý. Tốt nhất nên dành ít nhất một buổi để tập các nháp.

- Trước khi vẽ nên pha sẵn mỗi ô trũng một độ mực từ nhạt nhất đến tương đối đậm. Đương nhiên đậm nhất thì dùng thẳng mực nho không pha nước.

- Tuyệt đối không pha mực nho với màu trắng vì khi ấy không còn là tranh mực nho nữa mà hạ cấp chất lượng xuống hàng phác thảo. Độ sáng nhất của tranh mực nho là nền trắng giấy, vì thế, ở loại tranh này, người ta hay để chừa nền trời là nền giấy không vẽ gì. Riêng với trình độ sinh viên đang tập vẽ thì cũng nên chừa luôn cả nền đất hầu như trống, chỉ có vài bóng đổ và gợi vết mặt đất thôi, như vậy sẽ dễ dàng tập trung vào vẽ các yếu tố chính, đỡ phải giải quyết quá nhiều tương quan phức tạp cùng một lúc.

- Tuyệt đối không vẽ dày và dùng mực cặn vì đặc tính của tranh mực nho là các mảng mực trong, đều, nhẹ nhàng. Để mất các đặc tính này thì tranh mực nho sẽ rất kém giá trị.

* Các kiểu vẽ:

- Từ nhạt đến đậm: Đây là cách vẽ từ tốn, ăn chắc nhất với sinh viên. Thoạt tiên quan sát và dự kiến tất cả các mảng lớn rồi tô lượt mực đầu tương đối nhạt, sau đó tô dậm dần theo cách nhuộm lần lượt các mảng nhỏ hơn cho đến khi đạt độ đậm cần thiết. Khi đi mảng lớn nên cầm nghiêng bút. Vẽ từ nhạt đến đậm không có nghĩa là vẽ bên sáng trước, bên tối sau mà ngược lại – vẽ bên tối và đậm trước, nhưng bắt đầu bằng mảng mực nhạt rồi tô đậm dần. Các chi tiết rõ nét nhất nên tỉa cuối cùng, khi tỉa nên cầm đứng bút. Chú ý: sau mỗi lượt tô nên đợi khô hoặc gần khô mới tô tiếp để khỏi phải xử lý loang – nhòe quá phức tạp. Tuy ăn chắc nhưng cách này hạn chế cảm xúc, dùng để tập thì được.

- Từ đậm đến nhạt: Đây là cách vẽ có hiệu quả cảm xúc nhưng đòi hỏi người vẽ vững tay nghề, nhiều kinh nghiệm. Cần xác định và phác trước chính xác các mảng khối đậm, bóng đổ rồi đi mực đủ đậm vào các mảng đó trước. Sau đó đợi khô rồi vẽ tiếp lần lượt các mảng từ trung gian cho đến sáng dần, chừa lại nền giấy cho các mảng sáng nhất cũng như nền đất và trời. Cuối cùng có thể tỉa tót vào các chi tiết chính.

- Hoàn toàn đậm, khô và xốp: Đây là cách rất tài tử, đòi hỏi tay nghề cao, có sẵn chủ ý và rất chủ động. Nói chung đây là cách vẽ nhiều khác biệt, phần lớn không căn cứ vào hiện thực quang cảnh trước mắt mà chỉ theo chủ định sẵn trong đầu. Các sinh viên đang tập không nên theo cách này.

* Bước đầu: Phác hình bằng chì

Đã vẽ mực nho là không thể tẩy xoá. Chỉ có các họa sĩ thành thạo mới dám vẽ mực trực tiếp. Các sinh viên tốt nhất nên phác trước bút chì. Cách phác cũng giống như phác bài hình họa, tất nhiên nên phác nhẹ tay vào những đường nét đại thể và chính yếu. Không phác quá mạnh (sẽ gây vết hằn trên giấy), không tô đậm nét  chì (sẽ không bắt mực).

* Bước thứ hai: phác hình bằng nét mực nhạt

Trên cơ sở của nét phác chì, ta nên phác lại bằng các nét mực nhạt, nên cầm đứng bút cho nét vẽ chuẩn hơn. Với các vị trí quan trọng, ta có thể phác lại lần nữa cho chắc.

* Bước thứ ba: tô các mảng chính và vị trí trọng tâm

Đến đây, có thể lựa chọn vẽ theo 2 cách đã trình bày ở trên, hoặc từ nhạt đến đậm hoặc ngược lại. Dù theo cách nào thì vẫn phải tô vào các mảng chính và vị trí trọng tâm trước, sau đó hoàn thiện dần.

* Bước thứ tư: tuần tự nhuộm dần cho đến khi xong

Làm tiếp, tuỳ theo cách đã chọn cho đến khi xong.

* Bước cuối cùng: tỉa tót, chỉnh sửa

Dù đã đủ đậm nhạt nhưng bức vẽ vẫn cần nhấn nhá để hoàn thiện, tập trung vào các chi tiết ở trọng tâm để làm kỹ hơn, chính xác hơn, mạnh hơn nhằm hấp dẫn hơn.

Nhược điểm của vẽ mực nho:

Chỉ có một màu mực đen với các sắc độ đậm nhạt khác nhau.

Tuyệt đối không pha trắng (mực sẽ đục và không còn là tranh mực nho nữa). Do đó phải tính toán để chừa nền giấy.

Không thể tẩy xóa cũng thể vẽ đè mảng sáng lên mảng tối hơn nên phải tính toán kỹ và vẽ từ tốn. Tốt nhất là theo phương án nhuộm dần.

>>> Ký họa và vẽ mực nho

>>> Vẽ bằng bút và mực

>>> Cách vẽ tranh bằng mực

0976984729