Nghệ thuật bố cục (Phần cuối)
BỘ KHUNG BÍ MẬT CỦA MỘT BỐ CỤC
Rembrandt (1606-1669) - "Tuần đêm"
Có những bố cục không dựa trên cơ sở hình học của các hình tam giác, chữ nhật hay hình tròn. Nhưng chúng cũng không hề kém tinh tế về cấu trúc, lại còn được thiết kế bộ khung theo kiểu một đường phụ, xếp song song, tạo nên nhịp điệu cho bề mặt bức tranh và khiến cho bố cục trở nên nhất quán.
Ví dụ, bạn hãy xem Rembrandt đã làm thế nào để làm chủ vẻ đa dạng khuấy động của một đám đông nhân vật: 28 người lớn và 3 trẻ em tất cả, được bố trí một cách rất tự do và ai nấy dường như thẳng tiến trong đám rất đông có vẻ lộn xộn.
Ông đã dệt một mạng lưới đều đặn những đường cùng hướng, tạo ra một nền ngầm ở dưới bố cục. Phía bên trái, cán cờ, khẩu súng trường trong tay một quân nhân và cây gậy của đội trưởng (người mặc quần áo đen) đều nghiêng theo cùng một hướng. Những đường xiên nghiêng này được nhắc lại ở phía bên kia của bố cục (bên phải, một ngọn giáo, chiếc trống và người đánh trống), ở giữa bức tranh và ở bên phải, có một loạt đường nghiêng và song song khác cùng theo hướng ngược lại (chiếc kích nghi lễ trong tay viên sĩ quan áo trắng, vũ khí trong tay các quân nhân và ngọn giáo ở phía sau) đối lập với nhóm đường xiên nghiêng lúc trước.
Tuy vậy, tất cả những đường này đều hội tụ về nhân vật ở trung tâm bố cục (người đội trưởng) để nhằm hoạch định chắc chắn hơn nữa sự chú ý của khán giả vào đây.
Harold Foster "Hoàng tử dũng cảm"
Chữ trong tranh: “Thất kinh bởi đường kiếm đẹp nhất chưa từng thấy trong đời,
hắn quên cả phản xạ chống đỡ”
Kiểu xếp một loạt đường song song, ẩn vào trong bố cục để tạo cấu trúc và nhịp điệu là một trong những kiểu cách được sử dụng thường xuyên nhất đối với các họa sĩ và các họa công, để tả các thời kỳ hỗn loạn. Ví dụ như người vẽ tranh truyện cùng thời chúng ta, Harold Foster đã giải quyết chiều hướng cho một bố cục theo kiểu xung đột đẫm máu (cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai chiến binh) bằng hiệu quả của mấy đường xiên nghiêng được đặt gần như song song.
Nhưng dù cấu trúc có tốt đến mấy thì bức tranh nào cũng không được thiếu sức sống và hoạt động.
G. Braque (1882-1963) - "Hải cảng vùng Normandie"
Cách xử lý theo kiểu lập thể làm bùng nổ, tan vỡ ra nhiều bề mặt xếp chồng chéo lên nhau, tạo vẻ bề ngoài có vẻ hỗn loạn, tuy nhiên lại không hề làm quên lãng ý tưởng của bố cục. Ở đây, Georges Braque đã kiến thiết và tạo khung cho chủ đề tranh bằng một loạt đường xiên song song, được sắp xếp sao cho tạo ra được nhịp điệu ngầm trên bề mặt tranh, giúp làm ổn định các hình thể và làm cho bố cục nhất quán.
BỘ KHUNG NGẦM CỦA MỘT BỐ CỤC
Cách đặt những đường song song hoặc sự lặp lại của một vài hình dạng, cũng cho phép ổn định một bố cục.
E. Degas (1834-1917) - "Bồn tắm"
Trên tranh của Degas, đường (hay gần như vậy) dọc theo chiều cánh tay chống của người mẫu (trùng với đường chuẩn tự nhiên của hình ảnh, nếu ta áp dụng quy tắc chia ba) tạo nên sự nhắc lại hợp lý đường chạy dọc gần như thẳng đứng, giới hạn mép bàn. Tương tự như vậy, đường nửa tròn của chiếc bình lớn hơn trong hai bình trà ở bên phải bức tranh, tạo sự lặp lại đường tròn lớn (miệng của bồn tắm) mà ta thấy ở phía bên kia bức tranh. Nhân đây, bạn hãy quan sát, ở bên phải, cái quai của chiếc bình nhỏ và tay cầm của bàn chải tóc cùng cắt đường thẳng dọc lớn do vậy tạo ra mối nối giữa phần hình chữ nhật của bố cục với phần vòng tròn. Như vậy bố cục được thăng bằng và đồng nhất cho dù có sự chênh lệch rất lớn giữa các hình thể hiện diện trong tranh.
B. Morisot (1841-1S95) – “Người đàn bà ở bàn trang điểm”
Sự đơn giản của một đồ án bao gồm sự góp mặt của cả một bộ khung vững vàng. Như trong bức tranh của nữ họa sĩ B.Morisot chẳng hạn, việc tạo cho đường lưng của người mẫu song song với đường nghiêng của mặt gương tạo hướng chung cho bố cục. Đường cong lửng của cánh tay tạo thành một đường nối hợp lý giữa hai đường hướng chính này và góp phần kết nối tất cả.
Xin hãy lưu ý thêm là người đàn bà trẻ trung này được đặt trúng vàọ đường nhấn mạnh tự nhiên của bố cục, nếu ta áp dụng quy tắc chia ba, đặc biệt là mặt cô ta đặt gần đúng vào một trong những điểm được lợi tự nhiên của tranh
Cần phải đóng hay không đóng một bố cục ?
Về cơ bản mà nói thì sự cần thiết phải làm bố cục được nảy sinh bởi hiện tượng nhìn của con người: vấn đề là phải nắm bắt cho được cái nhìn của người xem, dẫn dắt nó và bắt nó dừng lại ở chỗ có chủ thể hoặc motip chính của bố cục. Tuy nhiên, không nên để ánh mắt, trong khi đang đi theo đường nghiêng tự nhiên của các đường định hướng chính vốn tạo nên nhịp điệu trên bề mặt của hình ảnh, hay tranh, lại có thể bị dẫn ra ngoài khung ảnh, tranh một cách rất đáng tiếc. Hiệu quả biểu đạt của loại bố cục đó sẽ phải chịu thiệt hại. Vì vậy mà cần phải “đóng” bố cục một cách ít nhiều kín đáo là vấn đề được đặt ra ở mọi thời với các họa sĩ.
Trên thực tế, “đóng” một bố cục là dự kiến trước những đường phụ ngang, dọc hoặc xiên sẽ chạy ở gần bo của tranh để che chắn và ngăn chặn ánh mắt tới đó sẽ dừng lại, khỏi trượt ra ngoài khuôn hình.
Cũng có một số chủ đề không cần đến sự đề phòng này. Đó là các chủ đề tương đối đơn giản, chỉ có một yếu tố (một đồ vật hay nhân vật, trước một nền trống) do vậy khi xem, ánh mắt ta chỉ có thể nhìn vào đó.
Lại còn có một vài chủ đề phức tạp hơn, có thể phù hợp với một bố cục “mở”. Ví dụ như không cần phải đóng một bố cục trình bày một đám đông dày đặc, không ai nổi bật, có thể mang ý diễn đạt về một đám đông rất đông, vượt ra khỏi khung của hình ảnh. Ngược lại, để có thể hướng ánh mắt vào một vài người lẫn trong đám đông đó, tốt hơn hết là phải sử dụng đến một bố cục ít nhiều được “đóng” một cách kín đáo.
Cuối cùng, có rất nhiều trường hợp mà bố cục (chẳng hạn như bố cục hình tam giác) khi được dựng một cách chặt chẽ và rất bắt mắt thì không đòi hỏi phải bị “đóng” nữa.
Khi cần thì sự “đóng chốt” của bố cục có thể rất đa dạng, đôi khi tế nhị đến mức rất khó nhận ra đối với người nghiệp dư hoặc một nhà phê bình không sành sỏi.
Đôi khi các đường “đóng” bố cục được đặt một cách rất dễ thấy ở tiền cảnh, thậm chí ở ngay cả cận cảnh (xem chương 11).
Ví dụ như các họa sĩ Hà Lan ở thế kỷ 17 thường sử dụng các yếu tố trang trí tạo ra môi trường cho chủ đề chính. Đường dọc đi lên của một cửa sổ được thấy rõ ở riềm của bức tranh đã đóng bố cục ở phía bên này, trong khi một tấm ri đô nặng trĩu, thẳng đứng hoặc hơi xiên, đôi khi thì chiếm hết chiều cao của bức tranh, bao vây bố cục ở phía bên kia. Cuối cùng thì nét vẽ hình của vài xà ngang song song với khuôn hình thường “đóng” chủ đề lại ở phía trên bức tranh
VÍ DỤ MỘT BỐ CỤC ĐÓNG
Vermeer (1632-1675) - "Nhà địa lý học"
Bố cục đóng tốt nhất là đóng một cách kín đáo, nhờ có sự trợ giúp của các yếu tố trang trí nhưng vẫn ưu tiên hình ảnh chính, sao cho cái nhìn không bị phân tán một cách quá đáng.
Ở đây, hình thể khởi đầụ từ một màn che có tác dụng chắn bố cục từ bên trái. Một chiếc ghế đẩu được đặt chéo góc cũng chỉ nhìn thấy một phần góc dưới bên phải, đóng bố cục ở bên dưới. Ở hậu cảnh, đường thẳng dọc đứt quãng, được tạo ra bởi rìa của khung tranh và cạnh bên của chiếc ghế tựa đã đóng khung bố cục ở bên phải hầu như theo suốt chiều cao.
Cuối cùng, đường ngang trên nóc tủ đã ngầm đóng phía trên tranh, do đó lưu giữ ánh mắt lại trong không gian có nhân vật chính nổi bật.
Cách đóng bố cục như vậy với các yếu tố tương đối trung gian, lại bị cắt chỉ có một phần (bị che lấp bởi khuôn hình) đã tạo ra một lợi thế là một không gian rộng bao quanh chủ thể. Được đóng mọi phía mà bức tranh vẫn thoáng, tạo ra một Ấn tượng rất tự nhiên.
Mặt khác, những đường dùng để đóng bố cục sẽ rất là kín đáo và chỉ xuất hiện ở phía xa (một cái cây, một chi tiết trang trí hay kiến trúc đơn giản, một nhân vật đôi khi được thấy một cách đơn giản, chỉ là hình mồi mà hình dạng của nó rất mờ nhạt).
Thêm nữa, những đường này thường được gãy khúc ở nhiều chỗ, thậm chí cách quãng, để có thể đưa vào trong tranh một chút không khí bên ngoài. Bởi lẽ đây không phải là đóng bố cục trong một không gian kín mít. Vì phải miêu tả mọi thứ là sống động nên bố cục phải “thở” được và tạo ra một Ấn tượng hồn nhiên và tự nhiên.
Cuối cùng, nếu thiếu tất cả các yếu tố hữu ích có thể dùng để “đóng” bố cục thì bề mặt có màu đơn giản của bo tranh, chặn đứt và giới hạn bố cục, đôi khi sẽ là đủ.
Ví dụ bầu trời sáng được vờn đậm dần ở phía trên sẽ dẫn ánh mắt tới vùng sáng hơn ở trung tâm bức tranh. Đó là một trong những cách tinh tế nhất để đóng bố cục, mà các họa sĩ thường sử dụng khi bỏ qua tính hiện thực của chủ đề, chỉ tính đến hiệu quả hội họa thuần túy, nghĩa là bắt đầu thời kỳ Ấn tượng.
Sự thống nhất của bố cục
Khó mà xác định chính xác đâu là một hình ảnh đẹp hay là một bức tranh đẹp bởi có biết bao nhiêu khái niệm về sự đẹp thay đổi qua các thời kỳ, hoặc từ người này đến người khác. Nhưng ta có thể nói rằng một hình ảnh tốt là ở hiệu quả biểu hiện. Đó là một hình ảnh được nghệ sĩ diễn đạt một cách sáng sủa, thu hút người xem, gây xúc động và khắc sâu vào trí nhớ của họ. Để có được kết quả này, điều cốt yếu là bố cục phải có sự thống nhất. Thoạt tiên, tất cả các yếu tố của bố cục vốn là hỗn độn, cần phải được tạo thành một tổng thể và phải có một hiệu quả chung nhất quán. Nhờ đó mà khán giả cảm nhận được ngay từ cái nhìn đầu tiên, cú “sốc” cảm xúc được tạo ra bởi toàn bộ tác phẩm nghệ thuật.
Thực ra, khái niệm về sự thống nhất này sẽ được thể hiện ở tất cả các đoạn tạo nên hình ảnh.
Ngay giai đoạn đầu, mặc dù nguồn cảm hứng thường trào ra những sự bay bổng vô ích, ta cần phải nắm bắt nó và chỉ thể hiện một ý tưởng chính ra hình ảnh mà thôi. Thật là quá khó nhìn với một bố cục gồm rất nhiều giai thoại. Thật là quá khó nghĩ khi một tác phẩm phát triển nhiều “tiếng nói” cùng một lúc.
Tiếp đến, cần phải phân công một cách phù hợp các thành phần khác nhau của hình ảnh (xem chương 3) nhân vật nào hoặc nhóm người nào xứng đáng được đặc biệt làm tăng giá trị; phần trang trí hay phong cảnh nền có giữ vai trò quá xâm lấn không; một nhóm người quá hoạt động ở tiền cảnh có lôi kéo quá hay không để gây ảnh hưởng tới nhóm người còn lại … là những câu hỏi mà người nghệ sĩ giải quyết để tạo thêm sự thống nhất cho bố cục của mình.
Các đường định hướng được lựa chọn cẩn thận (xem chương 7). Liên kết nhiều yếu tố then chốt, sẽ cũng đóng góp vào việc hàn gắn bố cục. Sự phân chia các mảng cũng có hiệu quả như vậy (xem chương 8).
Những hành lang giữa các phần khác nhau của bố cục
Một bố cục được phân chia bởi các đường định hướng có thể tạo ra ấn tượng như được cấu tạo từ nhiều mảng miếng khác nhau đặt cạnh nhau, và thiếu vắng sự thống nhất. Vì thế, các họa sĩ thường dành sự quan tâm tới việc thu xếp “hành lang” giữa các phần khác nhau của bố cục để ánh mắt có thể “đi lại” một cách dễ dàng hơn từ vùng này sang vùng khác.
Thông thường nhất là các hành lang sẽ được tạo nên bởi một yếu tố đơn giản mượn từ chủ đề, đặt ở vùng này nó sẽ lan ra vùng bên cạnh.
Ta cũng có thể đóng chặt một hình thể bằng cách tùy chỗ mà giảm nhẹ đường viền, để cho mắt nhìn có thể nhẹ nhàng lướt từ hình này sang hình khác. Hoặc là ở cấp độ xử lý hội họa, ta có thể làm lan nhòa một mảng màu này sang mảng bên cạnh.
Trong mọi trường hợp, các hành lang này cần phải kín đáo và phải đạt yêu cầu tự nhiên tối đa. Vấn đề là khán giả sẽ phải tự cảm nhận các hiệu quả của một trong những bí mật tạo tác này của bố cục.
Ánh sáng yếu tố thống nhất của bố cục
Khi không thể liên kết một cách đầy đủ giữa các yếu tố khác nhau của một bố cục, ta vẫn có thể sửa chữa bằng cách sử dụng ánh sáng. Ta sẽ truyền ánh sáng từ đầu này tới đầu kia của hình ảnh, hoặc theo chiều ngang hoặc dọc hay theo đường chéo. Dòng chảy ánh sáng này thường là đủ để đem đến một sự thống nhất lớn cho bố cục, ngay cả khi nó được cấu tạo bởi các yếu tố tạp nham. Thực tế thì thao tác này làm nhạt các bóng trên một vài phần của chủ đề, hoặc loại trừ chúng một cách thuần túy và đơn giản.
Cuối cùng, ngay cả nếu bố cục được tóm lược thành duy nhất một yếu tố (một người khỏa thân chẳng hạn) ta sẽ nên truyền ánh sáng theo suốt chiều dài của chủ thể, theo hướng chuyển động chính của mẫu, hoặc từ trên xuống dưới nếu mẫu đứng, hoặc theo chiều ngang hay chiều nghiêng.
CÁC “HÀNH LANG” GIỮA NHỮNG PHẦN KHÁC NHAU CỦA MỘT BỐ CỤC
Hiroshige (1797-1858) - "Arau"
Sự cần thiết phải sắp đặt các hành lang giữa những phần khác nhau của bức tranh càng cần hơn thế vì những đường định hướng chính (ở đây là đường chân trời và đường mạn thuyền ở tiền cảnh) đã chia cắt bố cục thành những vùng quá riêng biệt mà lại kề sát bên nhau (ở đây có ba vùng được phân chia).
Ta hãy xem Hiroshige sửa chữa điều đó bằng cách tạo ra hành lang nối thông giữa mảng tiền cảnh (thuyền) và hậu cảnh một cách rất nhẹ nhàng. Động tác giơ tay của một hành khách thực sự tạo thành hành lang tự nhiên cho ánh mắt ta thoát từ tiền cảnh sang hậu cảnh. Mặt khác, những cánh buồm đè lên đường chân trời giữa biển và trời đã nhẹ nhàng tạo ra những hành lang cho ánh mắt nhìn, nối từ mảng giữa tranh lên mảng trên cùng của bố cục hoặc có thể nói là nối theo chiều ngược lại.
Tất cả các phần của bố cục này đều có mối liên kết như vậy, nhằm mục đích thỏa mãn tối ưu cho con mắt.
VIỆC BỎ BỚT CHI TIẾT
Làm đi làm lại một tranh khắc gỗ cho ta thấy quá trình làm việc hết sức kỹ lưỡng của họa sĩ, với mục đích để khai thông những đường định hướng lớn hoặc làm cho tạo hình trở nên đơn giản hơn được biểu lộ kín đáo hơn, hiệu quả hơn.
Hiroshige (1797- 1858) – “Đò ngang qua sông Rokugo”
Vậy là từ bức tranh đầu tiên, tương đối lộn xộn, nơi vẻ đẹp thơ mộng chi phối (tranh trên), thấy rõ những yếu tố khác nhau, phân tán một cách nổi bật: ở trung cảnh có một nhân vật đứng trên bè, mái nhà thì xếp lộn xộn, núi Phú sĩ quá rõ … Hiroshige đã chỉnh lý hết sức kỹ lưỡng sang bản khác (tranh bên dưới). Người đứng trên bè bị loại bỏ. Các mái nhà chìm hơn, bãi cát bờ sông dàn trải hơn, núi Phú sĩ mờ hẳn. Bố cục giờ đây cô đọng hơn, là vẻ đẹp kết nối một đường xiên (con đò) và một đường chân trời (toàn bộ hậu cảnh), tốt hơn bản đầu, trở nên một ấn tượng đẹp, hài hòa, yên tĩnh và thanh thản.
Loại bỏ bớt các chi tiết và giai thoại
Một thông điệp bằng hình ảnh luôn được nhận ra và ghi nhớ tốt hơn nếu nó mang ít thông tin. Đó còn là một khái niệm liên quan đến sự nhìn của mắt người và là điều mà các nghệ sỹ ý thức được một cách bản năng. Do vậy, họ đi tới chỗ loại bỏ các chi tiết vô ích trong bố cục của mình, các chi tiết quá ngụ ý hay quá thơ mộng kiểu “bờ hồ”, vô nghĩa với nghĩa gốc của chủ đề, và họ tìm cách đơn giản hóa hình thức cho đến khi có được sự diễn đạt đơn giản nhất.
Một hình ảnh có thể được đi sâu vào, được cấu tạo bởi một số đông các yếu tố khác nhau nhiều khi đến mức tạp nham. Ở điểm này, hình ảnh có thể sẽ là “phong phú” dưới ánh mắt. Nhưng không bao giờ nên tạo ra một ấn tượng lộn xộn và hỗn loạn.
Có nhiều phương pháp đơn giản hóa một bố cục, có lợi cho hiệu quả tổng thể, một số đã được giới thiệu ngay ở phần đầu các chương:
- Một sự phân cấp rõ các cấu thành của hình ảnh (xem chương 3) sẽ cho phép giảm bớt sự nặng nề và ảnh hưởng của một vài yếu tố phụ hay mang tính giai thoại kể lể dài dòng. Nếu không thể loại bỏ chúng thì ta cần đưa chúng vào hậu cảnh xa nhất của tranh.
- Một sự phân chia tốt các mảng (xem chương 8) sẽ thường cho phép làm dịu bớt một vài chi tiết vô nghĩa hoặc quá thơ mộng trong một tổng thể quá rộng.
- Lại có một cách khác cho phép làm mờ bớt các yếu tố vô ích nhưng lại bắt mắt và làm hại chủ thể chính.
- Khi chủ thể chính được tả chi tiết kỹ lưỡng ở bên trong, ta thường phải làm đơn giản tối đa phần bối cảnh xung quanh. Ngược lại, khi “phông” là tương đối chi tiết, phức tạp, ta cần làm đơn giản chủ thể chính hết mức: hoặc bằng cách làm mờ các chi tiết bên trong, hoặc bằng cách đơn giản hóa đường viền bên ngoài, hoặc bày nó giản ước như một hình ngược sáng trong vùng tranh tối tranh sáng.
- Sự lựa chọn một hậu cảnh trung gian (xem chương 12) khi chủ đề cho phép, đương nhiên là một phương pháp triệt để nhất để đơn giản hóa một bố cục, bởi vì tất cả các yếu tố phụ hoặc mang tính ngụ ý khác với chủ đề chính sẽ được loại bỏ một cách tự nhiên.
>>> Nghệ thuật bố cục (Phần 1)
>>> Bố cục và họa tiết trang trí Islam
>>> Vẽ tranh phong cảnh theo bố cục trừu tượng