Màu sắc có đo được không? (Phần 1)
Nhận thức màu sắс - liên quan đến một trong những hiện tượng căn bản, mà nhờ đó chúng ta nhìn thấy các vật thể ở xung quanh. Để hiểu được bản chất của màu sắc, chúng ta cần biết một chút về mắt người, cụ thể là nó được cấu tạo và hoạt động thế nào. Chúng ta cần biết về các loại mắt: mắt tốt hay mắt lỗi, mắt khoẻ hay mắt bệnh, làm thế nào để chúng có thể đưa ra thông tin cụ thể đến kinh ngạc, và làm thế nào để chúng có thể làm si mê hồn người. Chúng ta cũng cần biết chút ít về năng lượng bức xạ - các tia sáng, thóat ra từ nguồn sáng, thay đổi khi phản xạ trên bề mặt của các đối tượng, và các tia sáng này bị khúc xạ, thay đổi trước khi chạm đến mắt của chúng ta. Chúng ta sẽ cần hiểu vai trò quan trọng của hóa chất trong chế tạo, trong ứng dụng và kiểm soát chất lượng vật liệu trong sản xuất (phẩm màu và sắc tố), nhằm truyền tải một màu sắc nhất định cho các sản phẩm. Tất cả những điều đó là cần thiết, bởi vì cảm giác về màu sắc phụ thuộc vào cả các yếu tố hóa học và cả yếu tố vật lý. Tuy nhiên bản thân màu sắc lại không được quy về các hiện tượng thuần túy vật lý hay thuần tuý tâm lý. Nó là năng lượng ánh sáng (vật lý) thông quá nhận thức thị giác (tâm lý học). Tính cách này có được từ các tính chất của mắt người.
Đôi mắt tặng cho chúng ta khả năng nhận thức kích thước, hình dạng, diện mạo, vẻ lộng lẫy, tính trong suốt, ánh lung linh, và màu sắc của các đối tượng. Một trong số các nhà sáng chế ra máy đo màu điện ảnh đã từng nói rằng, mắt người - một hệ thống hoàn hảo, nằm ngoài mức độ để ai đó có ý định sản xuất ra một thiết bị rẻ tiền có thể so sánh được. Nó được trang bị một hệ thống điều phối tĩnh nhiệt, hỗ trợ mắt trong một nhiệt độ xác định, với độ chính xác không ít hơn 1⁰C. Nó được trang bị một cơ cấu (bờ mi), làm sạch giác mạc vài lần trong mỗi phút. Các tế bào cảm quang của nó độ nhạy sắc phổ thích hợp. Và toàn bộ thiết bị này là tiêu chuẩn vốn có ở phần lớn chúng ta mà không cần tốn thêm chi phí nào, nhưng khó khăn chủ yếu là ở chỗ, nó không liên quan đến máy khuyếch đại điện tử tinh vi, mà liên quan đến não bộ.
Cấu tạo mắt. Src: allaboutvision.com
Quả thật rất đáng ngạc nhiên khi một con mắt bình thường biết thực thi các nhiệm vụ đa dạng và xử lý tình huống một cách tuyệt vời. Mắt tìm kiếm các đối tượng thú vị, bắt nét hình ảnh của đối tượng trên lớp nhạy sáng của võng mạc, bảo vệ hình ảnh này chống lại ánh sáng rời rạc thiếu thông tin về đối tượng, biến đổi hình ảnh quang học nhận được theo cách đó thành một tập hợp các kích thích thần kinh, và truyền tải quang ảnh đã được mã hóa trong các kích thích đó tới não bộ theo một kênh chuyên biệt (dây thần kinh thị giác). Sơ đồ 1.1 cho thấy cơ cấu giải phẫu học của mắt.
- Các yếu tố lấy nét
- Các yếu tố nhạy sáng
- Các sắc tố của mắt
- Các yếu tố lý giải
Nhận thức về màu sắc là một quá trình cực kỳ phức tạp. Các phần khác nhau của quá trình này được nghiên cứu qua các môn khoa học khác nhau - hóa học, vật lý, sinh học và tâm lý học. Cho đến thời điểm này chúng ta mới chủ yếu đề cập tới sinh học; đã đến lúc phải chuyển sang các khía cạnh khoa học khác.
Ví dụ, để đối tượng được nhận thức là màu đỏ với phần trên màu lam, thường cần bốn thành phần: nguồn sáng, người quan sát, bản thân đối tượng và không gian (khoang, phòng) mà ba thành phần đầu tiên nằm trong đó. Nguồn sáng cần bức xạ ra năng lượng phân bố gần đều trong bước sóng quang phổ giữa 380 và 770 nm, với cường độ (có nghĩa, công suất) đủ để mắt của người quan sát phản ứng được với các thay đổi của cường độ này. Người quan sát cần có tầm nhìn màu sắc ít nhất là bình thường. Không gian cần được lấp đầy bằng môi trường đủ trong suốt cho bức xạ quang học, còn các bức tường bao quanh nó cần giúp để nhận thức đối tượng đúng như đối tượng (chẳng hạn, trên mặt tường có thể thấy bóng đổ của đối tượng). Đối tượng cần được sơn bằng chất tạo màu gồm hai loại, một trong số đó (lam) ưu tiên hấp thụ phần sóng dài và sóng trung của năng lượng tới, đồng thời phản xạ thành phần sóng ngắn; tương tự, màu kia (đỏ) phản xạ năng lượng sóng dài và mạnh mẽ hấp thụ tất cả phần còn lại.
1.9: Các điều kiện cần thiết để nhận thức một đối tượng màu đỏ có phần trên màu lam. Cần có nguồn sáng, không gian được chiếu sáng và một người quan sát có tầm nhìn màu sắc tương đối bình thường. Sơ đồ cũng chỉ ra sự hình thành của hình ảnh trên võng mạc, vị trí của vỏ não, các cơ và tuyến.
Quá trình nhận thức một đối tượng màu đỏ có phần trên màu lam diễn ra theo trình tự được mô tả trong hình 1.9. Năng lượng từ nguồn sáng 1 chạm tới đối tượng 2 và bức tường của không gian. Một phần năng lượng này được phản xạ về hướng mắt của người quan sát, đi vào đồng tử 3 và tạo ra trên võng mạc một dàn xếp 4 nào đó, mà các phần tử của nó khác biệt nhau theo mật độ và thành phần quang phổ của luồng bức xạ. Một phần nào đó của năng lượng chạm tới võng mạc bị hấp thụ bởi các sắc tố nhạy sáng của các tế bào que và nón của võng mạc. Tất cả các quá trình này - đối tượng nghiên cứu của vật lý.
Những thay đổi về lượng của năng lượng mà các que và nón hấp thụ (nhờ các chuyển động của mắt gây ra các xê dịch hình ảnh trên võng mạc) kích thích các thụ thể ánh sáng, kết quả là một tập hợp các xung động thần kinh được chuyển tiếp đi theo các sợi thần kinh thị giác. Các xung động chạy từ sợi này qua sợi khác qua các khớp thần kinh, và quá trình này dừng lại với sự kích thích tiếp theo của một phân bố kích hoạt nào đó của các tế bào thần kinh tại phần gáy của vỏ não 5, và đến lượt luồng xung động thần kinh tiếp tục điều phối phản xạ của các cơ và các tuyến của người quan sát. Các xung động thứ cấp từ trung tâm thị giác của não bộ có thể kích thích người quan sát khiến họ quay đầu, ngắm nhìn kỹ đối tượng (điều đó đòi hỏi hoạt động của các cơ điều khiển chuyển động ngẫu nhiên của mắt), mỉm cười hoặc thậm chí thốt lên: “-Tôi đang nhìn thấy một cái chai màu đỏ với cái nắp màu lam”. Sinh lý học nghiên cứu tập hợp của các quá trình và phản xạ gây ra bởi năng lượng bức xạ lọt vào mắt.
Tâm lý học nghiên cứu khía cạnh chủ quan của hoạt động thị giác trong vỏ não bộ, và nói chính xác là nhận thức về màu sắc. Dù được thể hiện bằng những khái niệm đơn giản nhất, tuy vậy nhận thức về màu sắc chưa bao giờ là hành vi đơn giản. Nó tích hợp khả năng định tính cặn kẽ và đầy đủ của tất cả các bối cảnh yếu tố cơ bản: của nguồn sáng, không gian và đối tượng. Nhưng chính khía cạnh này của màu sắc được quan tâm nhiều nhất trong công nghiệp. Bất kỳ phép đo lường nào trong công nghiệp cũng được tiến hành nhằm tới một mục đích duy nhất để hiểu được - người tiêu dùng sẽ nhìn thấy gì?
Hóa học – Sắc tố và phẩm màu:
Chúng ta vừa nói sơ quát về các khía cạnh vật lý, sinh lý và tâm lý của màu sắc. Những khía cạnh này được mô tả bằng những thuật ngữ khoa học tương ứng, và một số trong số đó sẽ được định nghĩa khi đến lúc cần. Nhưng nếu nhà sản xuất muốn hoàn toàn tự tin sao cho khách hàng nhìn thấy các chai màu đỏ với các nắp màu lam, trước tiên họ cần quan tâm đến khía cạnh hóa học của màu sắc, có nghĩa vấn đề làm sao để có được các chất phẩm màu đỏ và lam đúng như mong muốn.
Màu sắc của phần lớn các đối tượng có được là do có các chất hấp thụ năng lượng bức xạ một phần nào đó của quang phổ nhìn thấy được. Các chất tạo màu đó được là sắc tố (bột sơn) nếu chúng không hoà tan được, còn nếu có thể hoà tan được thì được gọi là thuốc nhuộm. Tính chất của chất tạo màu mà nhờ đó nó hấp thụ ít nhiều năng lượng của một đoạn nhất định nào đó của quang phổ nhìn thấy được bắt nguồn từ cấu tạo hóa học. Trước đây các sắc tố và phẩm nhuộm được khai thác ở dạng chiết xuất từ mô sống (một số loại lông gà, động vật có vỏ) hoặc từ thực vật (cây chàm, thiến thảo), bây giờ tiến bộ của hóa học hữu cơ đã mang đến khả năng nhận được những chất này và nhiều chất tạo màu khác bằng phương pháp tổng hợp. Lý thuyết hóa học về màu sắc cố gắng đi tìm mối quan hệ giữa sự hấp thụ có chọn lọc năng lượng ánh sáng tới và cấu trúc hóa học. Các lý thuyết này còn quá chưa đầy đủ, nhưng tuy nhiên đã có một giá trị to lớn trong việc tìm kiếm và sáng chế các chất tạo màu có lợi.
Ảnh minh họa: tektilprofi.com
Một số thời điểm mấu chốt mà một nhà sản xuất chất tạo màu cần phải quan tâm: 1) chúng đưa ra đúng màu mà người tiêu dùng chấp nhận được; 2) chúng có trong thành phần của thành phẩm; 3) chúng bền màu trước tác động của ánh sáng mặt trời, của các chất rửa và hóa chất (axit, kiềm, muối); 4) hàm lượng của chúng trong mỗi đơn vị thành phẩm; 5) giá thành của sản phẩm. Nhà sản xuất có thể nhận phần lớn thông tin này từ các chuyên gia hóa hữu cơ và các chuyên viên kỹ thuật phụ trách màu sắc. Điều gì khiến chất tạo màu gắn kết được với các sợi vải về mặt hóa học, cái gì làm cứng lớp phủ nhựa với các loại thuốc nhuộm này khác, tại sao một số chất tạo màu phù hợp trong sản xuất gốm sứ, còn các chất khác thì không, - tất cả điều đó còn chưa được giải thích đầy đủ. Nhưng các nghiên cứu đang liên tục đưa ra các kết quả khả quan dưới các dạng thuốc nhuộm mới mẻ từng ngày, các phương pháp nhuộm mới và các thành phất bột màu và dung môi mới để sản xuất các sản phẩm gốm sứ. Sự bền vững của màu sắc trong tác động kéo dài của môi trường lên vật liệu dệt, nhựa và màng màu được nghiên cứu rộng rãi trong các điều kiện tác động lâu dài của khí hậu tự nhiên, cũng như các biện pháp lão hóa nhân tạo, khi các vật liệu phải tiếp xúc với tác động phối hợp của bức xạ hồ quang với các điện cực carbon, hay hồ quang xenon áp xuất lớn và do phun nước ngọt hay nước mặn. Khía cạnh hóa học của màu sắc xứng đáng được nhắc tới như một vấn đề quan trọng, bởi vì một phần đáng kể của đo lường màu sắc công nghiệp được tiến hành nhằm mục đích cải thiện việc đánh giá thương mại về các chất được mà các nhà hóa học nhận được.
Và vẫn phải nói thêm rằng, các chuyên gia hóa học, người tổng hợp và nghiên cứu các chất tạo màu, đang chưa đủ chú tâm tới mô tả màu sắc của các chất này. Như một thông lệ, họ đang có thói quen nghĩ và nói về màu sắc bằng các thuật ngữ của công thức hóa học hữu cơ mà họ sử dụng trong việc chế tạo các chất đó.
Vật lý – Năng lượng bức xạ và quang phổ:
Các đối tượng xung quanh trở nên hữu hình là nhờ có năng lượng bức xạ được chúng phát ra hoặc phản xạ rồi đi tới mắt của chúng ta. Nếu định đo màu một cách thực sự, chúng ta buộc phải đo năng lượng bức xạ. Chúng ta biết rằng, năng lượng xuất hiện dưới các dạng khác nhau, như, nhiệt lượng, động lượng, năng lượng của hoạt động cơ khí, năng lượng hóa học, năng lượng điện và năng lượng nguyên tử. Năng lượng có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác, nhưng bản thân nó không tự nhiên mất đi. Một phần năng lượng của bóng đèn sợi đốt (hay của một thể nóng khác) có thể chuyển tới đối tượng và các vật xung quanh nó. Đến lượt phần năng lượng này bị hấp thụ một phần và chuyển hóa thành nhiệt năng làm đối tượng nóng lên; chỉ có một phần không đáng kể được phản xạ về hướng người nhìn. Phần năng lượng bức xạ đi tới giác mạc theo cách mà nó có thể đi qua đồng tử, được phản xạ và khúc xạ qua các bề mặt của giác mạc và thuỷ tinh thể, một phần được hấp thụ bởi môi trường bên trong mắt, biến thành nhiệt lượng và sưởi ấm môi trường này. Một phần đáng kể được hấp thụ vào màng mạch máu, và màng này cũng nóng lên nhờ sự hấp thụ đó. Tuy nhiên, có một phần rất không lớn của năng lượng bức xạ đi qua võng mạc, được các sắc tố nhạy sáng trong các thụ thể - tế bào que và nón - hấp thụ. Phần năng lượng này khi được hấp thụ không chuyển hóa thành nhiệt lượng, mà thành năng lượng hóa học. Nói cách khác, một tập hợp các các sắc tố nhạy sáng, sau khi nhận được phần năng lượng bổ sung nhỏ bé này từ hình ảnh đọng trên võng mạc, sẽ phân chia thành các phần riêng rẽ.
Về mặt lý thuyết, tác động của sự phân rã đó lên hoạt tính của các sợi thần kinh võng mạc cũng có thể được theo dõi và mô tả dưới dạng năng lượng. Nhưng phần năng lượng chủ yếu của các xung động thần kinh - đó là năng lượng tích tụ trong chính mô thần kinh. Năng lượng bức xạ được các thụ thể nhạy sáng hấp thụ và biến thành năng lượng hóa học, tiếp tục tác động lên thần kinh theo nguyên tắc “chìa khóa kích hoạt”, chỉ đưa ra điểm bùng nổ ban đầu của hoạt tính thần kinh, chỉ tiêu cho năng lượng “riêng” của mô thần kinh.
Bức xạ vừa sở hữu tính chất hạt, vừa đồng thời sở hữu tính chất sóng. Hiện tượng phân rã ánh sáng của sắc tố sẽ dễ dàng được xem xét hơn, nếu coi bức xạ là luồng lượng tử (hạt); các phép đo màu sắc thì lại dễ hiểu hơn dựa trên cơ sở khái niệm về độ dài bước sóng bức xạ. Khi mô tả bức xạ ở dạng sóng, có thể hình dung nó dưới dạng các sóng ngang (theo hướng truyền) của các dao động đi xuyên qua chân không với vận tốc 2.998*10⁸ (299,792,458) m/s. Tần số dao động, theo quy tắc, được thể hiện bằng Hz (số lần dao động trong 1s), hoặc là có thể định lượng gián tiếp qua độ dài bước sóng, có nghĩa khoảng cách giữa hai điểm cực đại liền kề của dao động. Tần số f đo bằng Hz, rõ ràng là quan hệ với bước sóng λ trong chân không theo biểu thức:
f = |
c |
λ |
trong đó c - vận tốc truyền năng lượng chùm sáng trong chân không. Vận tốc truyền ánh sáng trong môi trường vật chất (không khí, nước, kính, nhựa, các lớp chất tạo màu) luôn luôn nhỏ hơn c và bằng tỷ số c/n; đại lượng n - tham số đặc trưng cho độ trong suốt của môi trường và được gọi là chỉ số khúc xạ của môi trường này. Chỉ số khúc xạ n đối với không khí là ~1.0003 (trong các tài liệu kỹ thuật, liên quan đến đo lường màu sắc, nó được chấp nhận là bằng 1). Chỉ số khúc xạ của nước là ~1,33; của kính, nhựa và thuốc nhuộm dao động trong khoảng 1.4 - 1.6.
1.10: Phổ năng lượng bức xạ. Vùng bức xạ nhìn thấy được có bước sóng từ 400 đến 700 nm. 1nm = 10⁻⁹ và là đơn vị thuận tiện để đo độ dài bước sóng của bức xạ, đặc biệt là trong dải quang phổ nhìn thấy được.
Năng lượng bức xạ có nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào tần số bức xạ. Một số tên gọi này được liệt kê trong hình 1.10 cùng các giá trị bước sóng tương ứng. Cần chú ý rằng, về mặt bản chất tự nhiên thì các sóng radio, tia X, tia vũ trụ, v.v... không khác gì ánh sáng (dải phổ điện từ nhìn thấy được), ngoại trừ khác về tần số. Thật thú vị, chẳng hạn, phương pháp nhìn xuyên mây mù, được phát triển trong Thế Chiến II, được dựa trên việc sử dụng các khoảng phổ của năng lượng bức xạ mà trước đây đã bị lãng quên ở một mức độ nhất định. Đó là sóng radio tần số cao trong công nghệ radar, và bức xạ hồng ngoại tần số thấp trong các thiết bị truyền tín hiệu vượt mây mù. Trong cả hai trường hợp, người ta đã sử dụng được tính chất xuyên thấu của sóng radio, tương tự như tính chất có định hướng của ánh sáng.
Qua một phần tử ngẫu nhiên về diện tích trong Vũ Trụ, có thể lọt vào tầm nhìn của người quan sát, luôn có một năng lượng bức xạ lan truyền với một vận tốc nhất định. Năng lượng này được phát ra từ: các thể vật chất trong kết quả của kích thích dạng nhiệt hoặc dạng khác của các phân tử có trong thành phần của chúng (năng lượng bức xạ nhiệt); bản thân các nguyên tử tạo ra các phân tử riêng rẽ, chẳng hạn khi chuyển đổi trạng thái từ không bền vững sáng bền vững (năng lượng bức xạ nguyên tử, tia vũ trụ); các bức xạ sóng radio, tia X, v.v... nhân tạo. Tất cả năng lượng này có thể được mô tả đầy đủ, khi xác định được, số lượng của nó là bao nhiêu khi đi qua phần tử diện tích trong một đơn vị thời gian trong mỗi phần phổ bức xạ. Năng lượng bức xạ đi qua một phần tử đơn vị diện tích trong một đơn vị thời gian được gọi là thông lượng bức xạ, hoặc ít được gọi hơn - công suất bức xạ; trong trường hợp này, khi đại lượng đó được xét riêng cho mỗi phần của dải phổ, thì nó được gọi là mật độ phổ của thông lượng bức xạ hoặc mật độ phổ của công suất bức xạ. Khi đưa ra được phân bố đầy đủ về mật độ phổ của thông lượng bức xạ băng qua diện tích đó của tầm nhìn về hướng người quan sát, nhà vật lý hoàn toàn xác định được các tính chất của bức xạ mà có thể gây ra cảm giác về một màu nhất định của diện tích này ở mắt người quan sát. Sự phân bố mật độ phổ của thông lượng bức xạ đó, trong khoa học màu sắc có tên gọi là phân bố phổ của năng lượng kích thích màu, còn bản thân thông lượng bức xạ được gọi đơn giản là kích thích màu. Tuy nhiên, như chúng ta đã rõ, mắt người chỉ nhạy cảm với một phần nhỏ (nhỏ hơn quãng tám) của toàn bộ phổ năng lượng bức xạ, mà cái đó không có giới hạn trên trục bước sóng (hay trục tần số). Khi xem xét các vấn đề về màu sắc ít khi có nhu cầu phải tìm ra phân bố phổ của thông lượng bức xạ đối với các bước sóng nhỏ hơn 380nm và lớn hơn 780nm, bởi vì mắt người cực kém nhạy cảm trước bức xạ nằm ngoài đoạn phổ này.
Có thể tách ánh sáng trắng thành các tia đơn sắc nhờ lăng kính hoặc cách tử nhiễu xạ. Hình minh họa: shimadzu.com
Việc phân hủy một chùm sáng gần song song (mang năng lượng bức xạ trong đoạn phổ nhìn thấy được) thành các tia thành phần có thể làm được nhờ lăng kính hoặc cách tử nhiễu xạ. Phép so sánh về lượng giữa các luồng bức xạ đi tới các phần khác nhau của quang phổ sau sự phân rã đó có thể tiến hành nhờ các bộ thu tín hiệu nhạy xạ (bolometer - bôlô kế, cặp nhiệt, tế bào quang điện). Thiết bị - kết hợp phần tử tán sắc (lăng kính, cách tử nhiễu xạ) với máy dò (đo và hiệu chuẩn thông lượng bức xạ) để tính toán thông lượng này thành các đơn vị tuyệt đối, - được gọi là phổ kế vô tuyến (spectroradiometer). Nếu một thiết bị tương tự chỉ dành để so sánh số lượng của luồng bức xạ tại đoạn phổ này khác với thông lượng của chùm sáng tiêu chuẩn (kiểu mẫu, chuẩn mực), người ta thường gọi nó là quang phổ kế (spectrophotometer). Thiết bị loại đó là công cụ rất quan trọng đối với một nhà vật lý trong thực tiễn đo màu, và trong phần tương ứng của tài liệu sẽ được bàn tới sâu hơn. Nhờ có nó mà một nhà vật lý không những có thể hoàn toàn xác định được các tính chất vật lý vốn có của một nguồn sáng hoặc một bề mặt đồng nhất không lớn từ phía xa đang đưa ra đúng một màu này chứ không phải màu khác, mà còn tính chất của những nguồn sáng này tạo màu cho các đối tượng mà chúng chiếu sáng. Anh ta cũng nhận được khả năng xác định cơ sở màu sắc vật lý của các chất trong đục tự nhiên hay tổng hợp, bằng cách nghiên cứu, các đối tượng thay đổi thành phần bức xạ lọt tới chúng như thế nào.
Nếu đã xác định được rằng, các luồng năng lượng có mật độ phổ như nhau đi từ hai phần tử liền kề của tầm nhìn (trường màu sắc) về hướng mắt người quan sát, chúng ta sẽ tuyệt đối tin rằng, hai phần tử này sẽ được nhận thức là có màu hoàn toàn giống nhau. Như vậy, nhà vật lý cho chúng ta khả năng xác định được kích thích màu sắc một cách đầy đủ và nhất quán, bởi vì, khi các luồng bức xạ giống nhau chính xác, với phân bố quang phổ giống hệt nhau, tiến đến mắt từ hai trường đồng nhất, thì mắt hoặc mọi máy thu bức xạ sẽ không có bất kỳ phương pháp nào để phân biệt màu sắc của hai trường này.
Nhà sản xuất bóng đèn thắp sáng có thể phải cần nhờ nhà vật lý xem hộ tại sao một loại đèn không nên dùng cho cửa hàng thịt. Chủ cửa hàng này có thể phàn nàn rằng, loại bóng đèn đó làm cho thịt ám màu xanh lục hoặc, chẳng hạn, ám đỏ hơi nhiều, so với ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên chúng ta có thể tự tin rằng, các nhà vật lý không nghĩ về màu đỏ hay màu xanh của miếng thịt trong ánh sáng ban ngày. Họ sẽ nghĩ về hệ số phản xạ quang phổ của thịt, về phân bố quang phổ của thông lượng bức xạ tới và sử dụng các định nghĩa về watt, mét vuông, nano-mét, bất chấp câu chuyện đang bàn về các bóng đèn không thể đem ra bán, hay về các bóng đèn của đối thủ cạnh tranh (phép so sánh chúng chính là bản chất của vấn đề). Họ sẽ chủ yếu chú ý tới kích thích của màu sắc.
Tâm lý người mua hàng:
Mỗi người trong chúng ta, với tư cách là người mua hàng, sẽ đánh giá món hàng trên cơ sở của các tín hiệu truyền tới não thông qua các giác quan nhạy cảm. Chúng ta sờ, nếm, nâng (để ước chừng nặng nhẹ) và nhìn vào tất cả những gì đang được bầy bán. Sau khi liếc nhìn thương hiệu, đôi khi chúng ta còn đọc cả những dòng chữ nhỏ li ti gắn trên phần mô tả. Thực tế trong mỗi một lần tiếp xúc với hàng trao tay (mua hàng - đó chỉ là trường hợp phổ biến nhất), màu sắc đóng một vai trò quan trọng. Người mua hàng nhận thức màu sắc như một tính cách hoặc của chính món hàng, hoặc của bao bì; nói cách khác, màu sắc đối với người mua hàng hầu như luôn là màu sắc của đối tượng. Đối với mỗi cách đóng gói hay mỗi loại hàng, trong đầu chúng ta đã có sẵn hình dung ký ức về màu sắc của chúng (hoặc về khoảng màu cho phép). Người mua hàng không mua bánh mì có vỏ quá tối vì cho rằng nó bị quá lửa. Cà chua và táo không được quá xanh, bằng không người mua hàng sẽ nghĩ rằng chúng chưa đủ chín. Thịt bầy bán cần có màu đỏ tươi, không quá sẫm, không ngả xám, không ám lục và không tối bầm.
Bao bì thành phẩm, cũng giống như nhãn hàng và thương hiệu, cần có màu mà phần lớn khách hàng đã quen thuộc; nếu màu sắc bao bì quá bợt bạt (ám xám hoặc nhợt nhạt), khách hàng cơ thể cho rằng món hàng đó đã nằm quá lâu trên kệ đến mức màu sơn đã bị phai, còn chất lượng của nội dung đã giảm sút. Màu quá tối hoặc quá xám của bao bì thường bị liên tưởng tới bụi bẩn và khiến người mua hàng nghĩ đến việc món hàng đã từng qua tay rất nhiều người và bị trả lại sau khi họ phát hiện ra điều gì đó bất ổn, và cửa hàng không còn cách nào khác ngoài đặt lại nó lên kệ. Tông màu không quen mắt (chẳng hạn, cam thay vì đỏ) là điều tồi tệ nhất đối với khách hàng - họ thậm chí có thể không nhận ra nổi loại hàng mà mình đã mua trước đây, và có thể nghĩ đó là loại hàng mới. Khi cuối cùng họ nhận ra mặt hàng quen thuộc, thì có thể có ấn tượng rằng nhà sản xuất đã bỏ bê chất lượng. Tiếp theo là một chuỗi ác cảm — nếu nhà sản xuất không quan tâm đến bao bì, thì có lẽ cũng bỏ qua cái gì đó trong nội dung. Sau khi kết luận như vậy, khách hàng sẽ dừng mua loại hàng đó, kể cả khi màu sắc bao bì lại giống như cũ, và sẽ chuyển sang hàng của hãng khác.
Sự phụ thuộc của người tiêu dùng vào tiêu chuẩn màu sắc thói quen sẽ dẫn đến những đánh giá không chính xác trong thực tiễn về hàng hóa, điều này có nhiều nguyên nhân. Đôi khi thành phần quang phổ của ánh sáng chiếu lại đóng vai trò quan trọng trong nhận thức màu. Một số loại bóng huỳnh quang khiến sản phẩm thịt có màu ám lục, kèm theo cảm giác rằng thịt đã ôi thiu; một số loại bóng khác lại khiến nó đỏ hơn khi nhìn trong ánh sáng ban ngày. Chọn mua cà là vạt trong ánh sáng đèn huỳnh quang có thể dẫn đến việc trả lại hàng ngay hôm sau vì không hợp màu. Màu sắc của đồ vật xung quanh cũng ảnh hưởng đến đánh giá màu của hàng hóa do hiện tượng đồng tương phản màu sắc. Các màu đã được quan sát trước đó sẽ gây ảnh hưởng đến đánh giá tương phản màu sắc sau đó. Khi thích ứng với màu lam, thì màu đang xem xét có vẻ vàng hơn, và ngược lại, khi đã thích ứng với màu lục thì các màu được nhìn sau đó có vẻ đỏ hơn. Lông thú chất lượng thấp màu nâu hoặc màu gỉ thường bị chọn nhầm, nếu có quá nhiều ánh đèn neon của phố xá (đèn đỏ, biển quảng cáo) lọt qua kính tới nơi trưng bày sản phẩm. Khi mắt khách hàng đã quen với nguồn sáng, họ không nhận ra điều đó, phản ứng yếu ớt hơn trước màu cam và màu đỏ, và bởi vậy không có khả năng nhận định đúng về màu gỉ ngoài ý muốn. Xét chung và toàn diện, trạng thái mắt và khả năng của chúng ta nhờ có mắt mà nhận định được màu sắc của các đối tượng - hoạt động khá tốt bất chấp sự thay đổi rộng của ánh sáng môi trường và của phông nền; trong phần lớn các trường hợp, điều đó giúp chúng ta đưa ra lựa chọn chuẩn xác.
Các tên gọi mà khách hàng dùng để ám chỉ các màu tiêu chuẩn đã có trong hình dung tâm lý thực ra không đáng kể: đỏ cà chua, xanh đậu, tím cà, xanh như như hộp thuốc “Lucky Strike’, vàng mỡ gà, v.v... Bản chất nhận định màu sắc của người tiêu dùng nằm trong tính chất và mức độ chênh lệch giữa nhận thức thực tế và tiêu chuẩn của quá khứ tâm lý mà họ cho rằng cần tương ứng với màu của đối tượng. Các khác biệt về màu sắc tương quan với hàng loạt các nhận thức chủ quan về màu sắc của mỗi người tiêu dùng. Kiểu khác biệt này có thể đưa ra dưới dạng các cặp đôi cảm giác đối lập: sáng - tối, xám - no, và cũng như bất kỳ cặp kết hợp ký hiệu sắc thái màu từ đỏ, vàng, lục và lam. Chẳng hạn, cảm giác về màu lục có thể được nói kèm như là lục ám vàng, lục ám lam; tương tự, cảm giác về màu cam có thể biến thiên giữa đỏ và vàng. Biến đổi mức độ tối và sáng được gọi là khác biệt theo độ sáng; biến đổi từ xám đến màu được thể hiện “thuần khiết” - khác biệt theo độ no màu. Biến đổi mà con người đang cố gắng thể hiện bằng hàng loạt các từ ngữ dạng như đỏ, vàng, lục và lam, - khác biệt theo tông màu. Màu đang được nhận thức của một đối tượng nằm tại phần này khác trong trường thị giác của một người quan sát ngẫu nhiên có thể thấy đổi theo độ sáng, độ no màu và tông màu, nhưng cứ mỗi lần mô tả nó thì chỉ có thể dùng một kết hợp duy nhất về định lượng của các khái niệm đó. Điều này được chúng ta dùng làm cơ sở để khảng định rằng, nhận thức về màu sắc của các đối tượng là một hành vi ba chiều.
Sử dụng các thuật ngữ “độ sáng”, “độ no” và “tông màu” để mô tả các cảm giác về màu sắc khi ngắm nhìn các đối tượng đã là điều đang rất thông dụng. Có nhiều người hệ thống hóa các cảm giác của mình về màu sắc tương ứng với ba đại lượng biến thiên, thậm chí kể cả khi họ không gọi tên chúng như chúng ta gọi. Cũng có thể có cả những phương pháp mô tả tổ chức cảm giác màu sắc khác. Chẳng hạn, kết hợp hai sự khác biệt nhận thức theo độ sáng và độ no là một cách khá thường gặp và được gán cho các thuật ngữ phổ biến. Nếu màu của đối tượng trong nhận thức của chúng ta vừa sáng hơn và vừa xám hơn màu khác, thì chúng ta nói rằng nó có màu nhạt hơn. Còn chất lượng ngược lại với độ nhạt sẽ được gọi là độ sâu của màu sắc. Như vậy, có thể nói:
nhạt hơn = sáng hơn và xám hơn = trắng hơn, sâu hơn = tối hơn và no hơn, và tương tự, rực hơn = sáng hơn và no hơn = thuần khiết hơn, đục hơn = tối hơn và xám hơn = bẩn hơn = đen hơn.
Ngôn ngữ của người tiêu dùng liên quan đến xác định màu sắc thường là không rõ ràng, nhưng theo một cách nào đó mà nó vẫn giúp được họ truyền đạt được hình dung quen thuộc mà tất cả chúng ta đều biết theo trải nghiệm cá nhân chủ quan. Giữa các hình dung thói quen này và các phép đo vật lý (phân bố phổ của hệ số phản xạ, phân bố phổ của thông lượng bức xạ) là khác biệt lớn từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng để thực tế sử dụng các phép đo vật lý chúng ta cần tìm một phương pháp “chuyển đổi” các đại lượng vật lý tạo ra kết quả sao cho tương quan với điều gì người tiêu dùng đang thấy. Chúng ta cần xây dựng một cầu nối giữa vật lý và tâm lý.
- Chuyển ngữ và biên tập: MiukaFoto -
>>> Tại sao chỉ có 6 màu chủ đạo?