Những chiều sâu ẩn giấu trong sơn dầu

Sau khi được khởi xướng bởi những nghệ sĩ Bắc Âu vào đầu thế kỷ XV, sơn dầu đã trở thành vật liệu phổ biến nhất ở phương Tây dùng để vẽ các bức tranh có thể mang đi. Với các kết cấu bề mặt và hiệu ứng đặc biệt của mình, sơn dầu đã giúp cho các họa sĩ có thể nắm bắt được những khả năng mới trong việc sử dụng màu vẽ.

Sơn dầu là hỗn hợp của bột màu được pha trong dầu thực vật – thường là dầu từ hạt lanh nhưng đôi khi cũng dùng hạt óc chó, hạt anh túc hay các loại dầu khác, mỗi loại đều có những tính chất khác nhau. Sơn dầu khô chậm hơn rất nhiều so với sơn pha với trứng hay nước, cho phép người họa sĩ có thể vẽ lại một bức tranh gần như vô số lần. Vật liệu dầu thường được pha loãng với một dung môi dễ bay hơi như nhựa thông, giúp cho màu được phết dễ dàng hơn. Tính chiết xạ và phản xạ của dầu thực vật mang lại vẻ trong mờ cho màu dầu ngay cả khi đã khô, tính chất này đã được các họa sĩ tìm cách khai thác bằng cách đắp lên hàng loạt lớp màu mỏng. Nền tối màu giúp tạo chiều sâu cho những lớp kế tiếp sáng màu hơn, trong khi nền sáng màu lại ánh lên xuyên qua các lớp màu tối hơn nằm phía trên.

son dau 1

Những bức tranh sơn dầu của họa sĩ người Hà Lan Dieric Bouts đều dựa trên những bức vẽ phác thảo chi tiết phía dưới. Dùng đến năm lớp màu chồng lên nhau, Bouts đã đạt được những hiệu ứng màu sắc tinh tế, chẳng hạn như bầu trời tỏa ánh sáng dịu dàng trong bức tranh Đức Mẹ và Chúa hài đồng này.

Các họa sĩ Bắc Âu như Robert Campin, Jan van Eyck và Dieric Bouts không phải là những người đã phát minh ra sơn dầu – kỹ thuật cơ bản này đã được mô tả trong một bản chuyên luận vào thế kỷ XII. Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đáng ngạc nhiên, họ đã phát triển cách sử dụng nhiều lớp màu để tạo nên những hiệu ứng bậc thầy của chủ nghĩa tự nhiên, mô phỏng một cách sinh động tính chất phản xạ của da hoặc của trang phục. Sơn dầu nhanh chóng thay thế màu keo pha bằng trứng dùng cho tranh vẽ trên ván và được áp dụng một cách rộng rãi đối với tranh vẽ trên vải bố. Tính bám dính của sơn dầu mang lại khả năng kiểm soát một cách chính xác đối với những nét cọ, đồng thời sơn dầu vẫn có đủ độ lỏng cần thiết cho phép thể hiện một cách rõ ràng các chi tiết rất nhỏ như sợi tóc hay những ngọn cỏ với một cây cọ đầu nhỏ.

son dau 2

Trong những bức tranh như Đầu của E.O.W.I (1960), lớp đắp nổi dày của Frank Auerbach khiến cho bức tranh trở nên gần giống như một tác phẩm điêu khắc. Đối với Auerback, “đặc tính dày nặng” của sơn dầu là một nỗ lực “nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của một thé gì đó bền lâu hơn một sự pha trộn mang tính trang trí hay tuần tự.

Khi khô, sơn dầu có một bề mặt cứng nhưng linh hoạt khiến cho loại sơn này đặc biệt thích hợp cho việc vẽ trên vải. Sơn dầu bám tốt vào cọ, đo đó có thể thực hiện một nét vẽ dài xuyên suốt mà cọ không bị khô. Trong suốt thế kỷ XVI, các nghệ sĩ ở Venice như Titian đã phát triển một phong cách với nét vẽ nhanh nhẹn và đầy năng lượng, rất khác biệt với phong cách hoa mỹ và cứng nhắc theo trường phái tự nhiên của các họa sĩ miền Bắc vào thế kỷ XV. Thay vì kiên nhẫn vẽ màu lên một bức phác thảo đã được vẽ bên dưới trước đó, Titian sơn màu trực tiếp trên vải bố, như thể ông tạo nên những bức vẽ phác họa bằng chính màu sắc. Ông thường chỉnh sửa lại bức tranh trong khi đang vẽ (việc này hầu như không thể làm được đối với tranh bích họa hay màu keo); những thay đổi căn bản này được phát hiện khi chụp X quang những bức tranh của ông.

Thời kỳ Phục Hưng, các nghệ sĩ hoặc phụ tá của họ tự chuẩn bị sơn dầu để vẽ bằng cách mài những hạt màu bằng khoáng vật. Sau đó, công việc mang tính kỹ năng này đã được chuyển giao lại cho các nhà cung cấp thuốc màu chuyên nghiệp, do đó các họa sĩ bị thu hút vào việc thử nghiệm những công thức pha màu mới, mà sau này có thể chứng minh rằng những công thức này không ổn định về mặt hóa học – chẳng hạn như rất nhiều bức chân dung của Sir Joshua Reynolds chỉ còn sót lại những sắc vàng nhợt nhạt thay cho màu sắc rực rỡ ban đầu. Việc phát minh ra sơn dầu đựng trong các ống tuýp bằng kẽm vào năm 1841, với đặc tính dễ dàng quẹt lên bảng pha màu, giúp cho thói quen vẽ tranh ngoài trời (en plein air) trở nên phổ biến. Đây là nền tảng căn bản hỗ trợ cho các họa sĩ trường phái Ấn tượng trong nỗ lực nắm bắt những hiệu ứng chóng tan biến nhất của ánh sáng và không khí.

Nhờ những đặc tính của dầu với vai trò như một phương tiện kết tính, các họa sĩ thế kỷ XX như Pablo Picasso, Jean Dubuffet và Antoni Tapiès đã thử nghiệm việc trộn cát, tro và các vật liệu dạng hạt mịn khác vào trong sơn dầu. Những đặc tính của cách vẽ đắp nổi (dùng những lớp sơn mờ được đắp chồng lên nhau) đã được tìm tòi khám phá vào thế kỷ XVII bởi họa sĩ Rembrandt, người ta cho rằng ông đã vẽ nên một bức tranh chân dung “trong đó các màu sắc được đắp lên nhiều đến nỗi ta có thể nắm lấy chiếc mũi để nhấc nó lên”.

>>> Học vẽ tranh sơn dầu (Phần 1 - David Sanmiguel)

>>> Phong cảnh sơn dầu

>>> Thịnh và suy của hội họa sơn dầu

0976984729