Tiểu họa trong nghệ thuật

Tranh tiểu họa được phát triển như một cách minh họa và tổ chức các bản chép tay phục vụ cho mục đích tôn giáo. Về sau, dưới bàn tay của những người thợ vẽ, tranh tiểu họa dần có được những không gian độc lập hơn và bắt đầu được sử dụng trong nghệ thuật vẽ chân dung.

Minium là thuật ngữ Latinh để chỉ chì đỏ, một loại thuốc màu được những người thợ chép tay thời Trung cổ dùng để nhấn mạnh những đoạn quan trọng của văn tự (hay đề mục). Một cách khác để đánh dấu sự bắt đầu của một phần mới hoặc đoạn mới trong bản thảo là chèn những ký tự đầu hoặc những hình vẽ nhỏ được trang trí, được gọi là “tiểu họa” (miniature). Sự nhầm lẫn với một thuật ngữ Latinh khác là minimus, khiến cho thuật ngữ miniature cũng mang ý nghĩa là “rất nhỏ”, đây thường là nét đặc trưng của những tác phẩm như thế này. Trong khi những hình thức nghệ thuật khác thời Trung cổ nhằm mục đích để có thể quan sát thấy từ xa, thì những bức tranh tiểu họa chỉ được đánh giá cao khi ta đọc một bản thảo ở trong những căn phòng kín. Những bức tiểu họa thời Trung cổ, được vẽ bằng thuốc màu pha nước lên giấy da, có được sự biến hóa sắc độ tinh tế hơn và chi tiết hơn nhiều so với những cảnh tương tự trong các bức tranh tường  và cửa sổ tranh kính màu.

tieu hoa 1

Bức tranh Con thuyền của Noah vượt qua Đại hồng thủy là một trong những bức tiểu họa từ bản thảo Bình chú về sách Khải Huyền của Beatus vùng Liébana, được vẽ ở Tây Ban Nha vào khoảng năm 970-75 bởi tu sĩ Emeterius và nữ tu sĩ Ende. Nữ tu sĩ này được xem là nữ họa sĩ đầu tiên được ghi nhận ở châu Âu.

Việc tạo nên những bản chép tay đóng tập là một quá trình cộng tác tốn kém trong đó các nhà tiểu họa bậc thầy là một phần của đội ngũ sáng tác sở hữu nhiều kỹ năng khác. Tranh tiểu họa thời Trung cổ mang lại cho người nghệ sĩ hai lĩnh vực hoạt động khác nhau: trong khi những hình ảnh minh họa cho văn tự phải đi theo những nguyên tắc về hình tượng và phong cách giống như các hình thức nghệ thuật tôn giáo khác, thì minh họa ở lề hay chân trang thường diễn tả những khung cảnh từ cuộc sống hằng ngày hoặc được trang trí bởi hình vẽ chim, thú và các sinh vật nghịch dị với phong cách tự do và mang tính tự nhiên hơn. Những hình ảnh điêu khắc tương tự cũng xuất hiện ở các phần viền của nhà thờ - bên dưới các dãy ghế hay ở trên các đỉnh cột – nhưng chỉ có tranh tiểu họa mới có thể kết hợp tính thiêng liêng và tính bình dân lại với nhau chỉ trong khuôn khổ một tờ giấy hoặc một trang bản thảo.

Việc cầu nguyện riêng tư của cá nhân đòi hỏi phải có những quyển kinh sách có kích cỡ cầm tay, trong đó những bức tiểu họa chú trọng vào trải nghiệm của người độc giả đơn độc và trầm mặc. Những nhân vật sinh động trong đó có vẻ như đang bước ra khỏi khung tranh, và cảnh quan lùi lại thành một không gian xanh mờ ảo. Đây vẫn là nghệ thuật phục vụ cho các tổ chức như hoàng gia hay tôn giáo, nhưng giờ đây mối quan hệ giữa nghệ thuật vẽ tiểu họa với người xem đã trở nên trực tiếp và gần gũi hơn. Từ đầu thế kỷ XVI, khi những văn bản in ấn dần thay thế cho các bản thảo viết tay, những bức tiểu họa chân dung thế tục bắt đầu được dùng như những vật lưu niệm, quà tặng hay được các bà mối sử dụng. Một lần nữa, tiểu họa vừa là một loại hình nghệ thuật mang tính xã hội, củng cố mối quan hệ của tầng lớp thượng lưu, vừa là một loại hình nghệ thuật mang tính cá nhân, trong đó những gương mặt mang một sự tinh tế khiến người xem kính nể đối với từng đặc điểm và chi tiết.

tieu hoa 3

Vào thời Trung cổ, những bản thảo viết tay của các công trình khoa học và kỹ thuật thường được minh họa rất đẹp bởi các bức tiểu họa. Đây là một trang từ bản chuyên luận của nhà chiêm tinh và thiên văn người Ba Tư Abu Ma’shar ở thế kỷ IX.

Trong suốt thế kỷ XVII – XVIII, có một nhóm nhỏ các tiểu họa chuyên làm việc cho giới quy tộc châu Âu. Những kỹ thuật đã được cải tiến, như việc sử dụng ngà voi thay thế cho giấy da, và việc đa dạng hóa từ nghệ thuật chân dung đến những cảnh tường thuật tinh tế. Trong thế kỷ XIX, nghệ thuật nhiếp ảnh đặt dấu chấm hết cho việc sử dụng tiểu họa trong nghệ thuật chân dung kích thước nhỏ. Việc này cũng làm mất đi tính riêng tư thiết yếu của “dung mạo thu nhỏ”. Cùng với sự mai một của nghệ thuật tiểu họa, những bức ảnh trên hộ chiếu, trên thẻ căn cước cá nhân hay hình chụp phạm nhân đã khiến cho những tấm ảnh chân dung nhỏ giờ đây lại thể hiện cho điều trái ngược: đó là sự xâm phạm đến tính cá nhân của lĩnh vực công.

tieu hoa 2

Nicholas Hilliard đã vẽ tiểu họa cho các thành viên hoàng gia của Nữ hoàng Elizabeth 1. Trong bức chân dung tự họa ở tuổi 30 (1577), hình ảnh của ông được thể hiện không phải như nghệ nhân phục vụ cho giới quý tộc mà là một quý ông hợp thời.

>>> Để thưởng ngoạn tác phẩm hội họa

>>> Sự giao thoa đến hoàn mỹ của âm nhạc và hội họa

0976984729