Sự phổ quát bên trong những điều bình dị
trong tranh của Johannes Vermeer

Bức “A Lady Writing a Letter with her Maid” (Tạm dịch: “Quý cô viết thư và người hầu gái”) là một tác phẩm xuất sắc của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer vẽ vào năm 1670-1671, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Ireland. Nó là một ví dụ điển hình cho phong cách ẩn dụ của Vermeer – sử dụng những điều bình dị để thể hiện đức tin phổ quát.

johannes vermeer 1
Bức “A Lady Writing a Letter with her Maid”
(Tạm dịch: “Quý cô viết thư và người hầu gái”). (Public Domain)

Khung cảnh trong tranh thoạt nhìn khá đơn giản, toát lên một sự điềm tĩnh. Các màu sắc được Vermeer sử dụng tạo nên một bầu không khí yên lặng và trầm lắng cho tác phẩm. Những nét thẳng và ngang được nhấn mạnh, đặc biệt là mép bàn, cùng phần khung tranh phía sau, bên cạnh đó là góc tường, tạo ra một cảm giác hơi bó hẹp, tăng thêm cảm nhận của người xem về sự yên tĩnh.

johannes vermeer 2

Hai nhân vật trong tranh thật sự rất đối lập. Người hầu gái đứng yên, trong khi cô chủ thì đang mải miết viết. Vermeer đặt người hầu gái ở trung tâm của bức tranh, và sử dụng màu sắc khiến cô ta như bị chôn chặt xuống dưới nền nhà, trông như một bức tượng.

johannes vermeer 3

Còn tư thế của cô chủ và cách đổ bóng khiến cho người ta có một cảm giác vận động, với một phong cách hoàn toàn khác người hầu gái. Ở đây, Vermeer đã cho người xem thấy hai thái cực của thời gian: người hầu gái cứ đứng mãi ở đó khiến thời gian như ngừng trôi, còn cô chủ thì cứ viết mãi ở đó khiến người ta cảm thấy thời gian như dài ra vô tận.

Bởi vì người hầu gái đứng ở trung tâm của bức tranh, nên thoạt đầu, người xem sẽ bị hướng ánh mắt vào người hầu gái. Tuy nhiên, một điểm ảo hội tụ trong tranh, lại khiến người xem bị hút vào phía bên phải cô hầu (theo góc nhìn của người xem tranh). Cộng thêm với việc luồng sáng trong tranh chiếu từ cửa sổ, đi qua cô hầu gái, chiếu tới bên phải, nên ánh mắt của người xem sẽ tự nhiên mà chuyển qua quý cô đang ngồi viết thư trên bàn.

johannes vermeer 4
Bên trái: Trung tâm bức họa là người hầu gái.
Bên phải: Điểm ảo hội tụ của các đường (mép tướng, khung cửa sổ) trong tranh.

Vermeer không cho người xem biết rõ câu chuyện trong tranh là gì, nhưng ông cũng để lại một số lời gợi ý. Có một bức thư nhăn nhúm nằm trên nền nhà. Một dấu sáp đỏ ám chỉ rằng đây là một lá thư chứ không phải là một bản thư nháp. Bởi vì thư từ rất được quý trọng vào thế kỷ thứ 17, nên hẳn là bức thư này đã bị ném sang một bên trong cơn giận dữ. Điều này giải thích cho sự tập trung cao độ của cô chủ khi viết lời phúc đáp cho bức thư này.

johannes vermeer 5

Bức tranh lớn trên tường là bức “The Finding of Moses” (Tạm dịch: Moses được tìm thấy), miêu tả cảnh con gái của Pharaoh đã tìm thấy đứa trẻ sơ sinh (Moses) bên trong một cái nôi được thả trôi sông. Ẩn ý của Vermeer khi sử dụng bức tranh này chính là: Chúa trời sẽ có những sự an bài của riêng mình dành cho các mâu thuẫn, cũng giống như Ngài đã an bài cho đứa trẻ sơ sinh không phải chết khi bị bỏ trôi sông.

johannes vermeer 6
Bức “The Finding of Moses” (Tạm dịch: Moses được tìm thấy) đằng sau hai người.

Vermeer dường như đang nói với người xem rằng, mâu thuẫn trong cuộc sống (mà ở đây là của cô chủ) sẽ được hòa giải thông qua nỗ lực cá nhân (chăm chú viết thư) với niềm tin vào Đức Chúa trời (bức tranh “Moses được tìm thấy”), và kết quả sẽ là sự bình yên tĩnh lặng (tràn ngập trong tranh, mà nổi bật nhất là ở người hầu gái). Đức tin vào sự an bài và trợ giúp của thần linh được thừa nhận một cách phổ biến không chỉ ở phương Tây mà còn ở phương Đông vào thời bấy giờ. Và với tài hoa của mình, Vermeer đã sử dụng những điều bình dị nhất để nói lên đức tin ấy.

johannes vermeer 7
Một chi tiết tinh tế trong tranh là họa tiết bên trên kính cửa sổ.

Có một điều thú vị về kiệt tác này, là nó đã bị đánh cắp không chỉ một, mà những hai lần. Kẻ gian đã đột nhập vào nhà của một thành viên Quốc hội Anh và lấy đi tổng cộng 19 bức tranh, trong đó có “Quý cô viết thư và người hầu gái” vào năm 1974. Tuy nhiên bức họa này đã được tìm thấy một tuần sau đó và chỉ bị hư hại một chút. Vào năm 1986, băng nhóm Dublin đã lấy trộm bức họa. Sau hơn 7 năm đàm phán bí mật và nhờ sự giúp sức của thám tử quốc tế, bức tranh mới được phục hồi. Đây cũng là bức tranh mà người vợ góa của Vermeer dùng để đảm bảo cho số tiền nợ bánh mì của bà. Thật may mắn là hiện tại, bức họa đã yên vị tại Bảo tàng Quốc gia Ireland.

- Thanh Hương -

>>> Bí mật của Vermeer

>>> Tác phẩm "Người chơi đàn ghita" của Vermeer

0976984729