Họa phẩm sơn dầu “Trên sông Seine” (1877) của Alfred Sisley
Năm 1862, Sisley xin học ở họa thất Gleyre, gặp Genoir, Monet, Frédéric Bazille (1841-1870), cùng đi vẽ cảnh thiên nhiên trong khu rừng Fontainebleau vào mùa xuân năm 1863. Cũng như Monet, Sisley chuyên tâm vẽ cảnh, làm việc liên tục trong khu vực Fontainebleau suốt thập niên 1860 cùng với một số bạn đồng học trong họa thất Gleyre. Cũng như các bạn học, Sisley thường gửi tranh đến triển lãm ở Salon những năm 1866, 1868 và 1870. Sisley thích cảnh đồng quê, thôn làng, sông nước có người sinh hoạt trong cảnh. Vào thập niên 1870, ông xoáy vào những đề tài thôn quê hướng tây Paris. Từ vùng này mà về Paris thì rất gần, không sợ mất liên lạc với các bạn đồng môn và nhất là những người mua tranh như Paul Durand Ruel và linh mục Martin, những người thường mua tranh Sisley bất cứ khi nào họ đủ tiền mua.
“Thuyền trên sông Seine” được vẽ trên loại khung vải tiêu chuẩn No. 8 (46 x 38cm) – thường dùng cho tranh chân dung – gần hình vuông hơn là hình chữ nhật. Sisley ưa loại vải mịn chứ ít khi dùng loại mặt gân như Monet và Pissaro. Tuy nhiên, ở đây cũng thấy hơi nổi hạt vải vì ông phất sơn khô bằng cọ lông cứng. Mặt sơn không óng ả, chứng tỏ Sisley ít pha dầu, kể cả sơn lót cũng khô, đói dầu, nên hút cả dầu của lớp sơn trên. Ông cũng như hầu hết họa sĩ Ấn tượng không ưa dùng dầu bóng (vecni) vì lối tạo mặt sơn có vẻ phấn màu – nhưng khi gửi tranh đi triển lãm các galleries lại quét dầu bóng lên tranh để bảo vệ mặt tranh. Sau một thời gian trưng bày, tranh ít khi còn giữ được trạng thái nguyên thủy.
Tác phẩm này của Sisley là một bức hiếm hoi trong số những họa phẩm “Alla prime” vẽ tại chỗ, chỉ một lần, không tô đi đồ lại. Màu mây hồng là do nước sơn da trời mỏng phủ nhẹ lên nền vải màu kem, nên trời cũng có vẻ trong xanh và ấm lên. Nó cho ta cảm thấy bầu không khí tươi mát ở ven sông.
Bảng màu Sisley:
1. Trắng chì
2. Có lẽ đen
3. Vàng (Chrome)
4. Đỏ (vermillion)
5. Đỏ cánh sen
6. Xanh cobalt
7. Có lẽ xanh / prussian
8. Lục (viridian)
9. Lục (chrome)
10. Có lẽ ông dùng cả vùng đất.
Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải:
- Nền vải kem ẩn hiện dưới những nét phóng màu xanh da trời.
- Điểm đỏ / vermillion đặt vào nét trắng cho da trời ấm hơn.
- Nét cọ mảnh mai ở cột buồm.
- Trắng ướt quét qua mảng xanh nhạt.
- Tím cobalt ở phần tối của bến
- Hình người điểm xuyết
- Mặt vải lộ ra
- Đỏ / vermillion rực lên
- Nét sơn ướt lướt thướt
- Vết cọ rộng kéo ngang trên mặt nước
Ít khi họa sĩ Ấn tượng dùng lối “alla prima”, chỉ vẽ một lần tại chỗ như bức họa này. Nền màu kem lộ ra ở rất nhiều chỗ, cho thấy Sisley vẽ trực tiếp, phóng bút một lần, không hề có lớp phác thảo. Bút pháp vô cùng phóng khoáng, làm nổi bật ấn tượng đầu tiên rất mạnh mẽ.
Việc bố cục và chọn thị điểm của Sisley khá đa dạng, thay đổi từ lối nhìn truyền thống sang những dạng phiêu lưu táo bạo, như bức “Rừng núi đá” (1880) với không gian phẳng, thị điểm cao trông khá trừu tượng. Nhưng ở đây, ông lại hạ thấp đường chân trời gắn với quy ước truyền thống. Tuy nhiên, khi dàn trải mặt nước tràn ngập tiền cảnh, Sisley đã cố ý không để dành một chỗ đứng nào cho khán giả, không cho người xem tuần tự tiến vào không gian họa phẩm. Mặt nước tiền cảnh đứng sừng sững như hàng rào ngăn cách giữa không gian vật lý và không gian hội họa.
Màu trắn tinh trên cầu tàu tương phản với chỗ tối đên được pha bằng những cặp màu tương phản như đỏ vermillion và các màu lục. Màu được pha sẵn trên bảng màu rồi đắp ướt lên tranh.
Màu vàng đất pha trắng vẽ bờ cát, xanh lá viridian trên lá; còn màu trên đồi được pha trộn nhiều màu như tím cobalt, trắn, xanh lá viridian…
Dạng cọ tùy theo từng vật được mô tả bằng những nét biến thiên phong phú, lột tả hình dáng và chất liệu của từng sự vật. Đường bút phóng khoáng tung bay theo vận động của cảnh vật và ánh sáng.
Sisley còn tăng cường biên giới hội họa bằng những đường cọ tạo hình phẳng, khẳng định mặt phẳng của vải là mặt phẳng hội họa. Nhiều mảng màu ở hậu cảnh và trung cảnh lại được đưa sang tiền cảnh, tạo cảm tưởng lẫn lộn giữa những yếu tố xa – gần, cao – thấp thường được phân định mạch lạc trong loại tranh tả thực, cổ điển.
Bản tính Sisley cũng thích sống ẩn cư, biệt lập nên tranh của ông cũng như chính ông ít được người đương thời biết đến như Monet. Chỉ có một nhóm nhỏ như vài nhà sưu tập họa phẩm quan tâm đến Sisley. Sau khi ông tạ thế, tranh ông mới lên giá, và thiên hạ mới bắt đầu biết đến giá trị tranh Sisley.
Phép dụng bút thấp thoáng như dạng phác thảo, chỉ vài nét phẩy thành con thuyền – đồng thời, để màu nền và mặt vải ẩn hiện cũng tạo cảm giác vận chuyển linh động của người vật trong cảnh. Vàng chrome và đỏ vermillion nguyên chất làm nổi bật bờ sông xa tít tắp.
>>> Tranh hoa điểu và điểu thú bằng sơn dầu
>>> Màu đen trong tranh sơn dầu
>>> Hội họa sơn dầu của các bậc thầy cổ điển