Những hình thái và ý nghĩa biểu tượng
trên chấn song hoa sắt có nguồn gốc phương Tây

 

a. Đồ án cây thập tự

Cây thập tự là một biểu tượng thiêng liêng của những người theo tín ngưỡng Thiên Chúa giáo và Công giáo. Cây thập tự nơi đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên đòi Golgotha ở đầu Thiên niên kỷ thứ Nhất. Cái chết của đức Chúa Jesus được những tín đồ Kitô giáo coi là sự hy sinh thiêng liêng để cứu rỗi cho chúng sinh. Chính vì lẽ đó, cây thập tự trở thành thánh giá và là biểu tượng thiên liêng cho đức tin Thiên Chúa. Khi đạo Thiên Chúa đến Việt Nam, biểu tượng chữ thập xuất hiện ở các nhà thờ và khu vực liên quan tới Giáo hội. Ở khu vực Giáo hội Hà Nội xưa, một tòa nhà nhìn ra vườn hoa Hàng Trống (nay là Nhà văn hóa phường Hàng Trống) trên chấn song cửa chính có sự hiện diện linh thiêng của cây thập giá.

chan song phuong Tay 1
Đồ án cây thánh giá

b. Đồ án lá Ô rô (tiếng Pháp: Acanthe/ tiếng Anh: Acanthus)

Lá Ô rô là loài cây được tôn sùng ở châu Âu, trên cánh cổng hoàng gia thường xuất hiện đồ án này. Trên cánh cổng Phủ Toàn quyền Đông Dương nay là Phủ Chủ tịch có rất nhiều lá Ô rô. Dạng đồ án này đặc biệt phát triển trong các công trình dân sự của cộng đồng Việt. Không chỉ ở hoa sắt, dạng đồ án này phát triển mạnh trên các trán nhà, các gờ phào mặt tiền các ngôi nhà ở phố cho đến các cổng làng chốn thôn quê.

chan song phuong Tay 2
Một số dạng thức lá Ô rô ở trên cổng
Phủ Toàn quyền Đông Dương

c. Đồ án tên gia chủ

Ngoài các chữ thường gặp trên, người Việt ít khi viết tên mình lên trên ngôi nhà, dù là trong hay ngoài, nếu có thì chỉ dùng tên hiệu như trên cổng dinh cơ của cụ Tuần Chi (Hoàng Thụy Chi) số 7 phố Đường Thành có gắn hai chữ Tạ Ngọc – vốn là tên hiệu của gia chủ. Có thể là người ta kiêng húy, cũng có thể xuất phát từ truyền thống không đề cao các giá trị các nhân trong xã hội phương Đông truyền thống. Khi người Pháp đến Việt nam, những người Tây dương không chỉ đưa đến công nghệ mà cả luồng tư tưởng mới. Trên các dinh thực, công sở người Tây cho khắc những chữ cái lồng vào nhau. Sài Gòn – Gia Định là nơi sớm xuất hiện lối chơi này. Trên vòm cửa chính của tư gia ông Hứa Bổn Hòa, một đại gia Hoa Kiều đã rất khéo léo lồng 3 chữ H – B – H nằm trong một hình ô van được bao bọc bởi những hình hoa lá uốn lượn tinh tế. Ngôi nhà (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp, mang dấu ấn văn hóa kiến trúc châu Âu rõ nét. Ví dụ chữ I lồng với chữ U trên cửa chính đại học Đông Dương – “Université de l’Indochine”, chữ S và P lồng vào nhau là trên cổng bệnh viện Xanh – Pôn (Saint Paul). Có thể kể ra rất nhiều những chiếc cổng có những ký tự La tin lồng vào nhau ở Hà Nội. Văn hóa cá nhân nhanh chóng lan truyền đến một bộ phận người Việt (Tây học). Người ta hãnh diện viết tên mình lên trước mặt tiền ngôi nhà.

chan song phuong Tay 3
Tên viết tắt “Université de l’Indochine”, của Đại học Đông Dương

chan song phuong Tay 4
Tên viết tắt của nhà tư sản Hứa Bổn Hòa

chan song phuong Tay 5
Tên viết tắt họ Cha và mẹ của nữ sỹ Tâm Đan

Trên phố Phùng Hưng có ngôi nhà hai tầng thuộc hàng sớm nhất Hà Nội – ngôi nhà liền kề nhà tang lễ Phùng Hưng. Ngôi nhà có hàng chữ “1922”. Nhưng giá trị hơn có lẽ là hàng chữ Mạnh Truyền đắp nổi, gắn mảnh sứ lóng lánh – tôi tin rằng đó là tên gia chủ. Ngôi nhà số 11 phố Lê Ngọc Hân là ngôi nhà kiểu Tây của người Việt. Trên song của cửa đi cũng có lồng hai chữ L và N. Trên lan can ban công tầng hai ngôi nhà số 53 phố Hai Bà Trưng có ba chữ N, V, H. Có thể phỏng đoán gia chủ họ Nguyễn, tên đệm là Văn, tên gọi bắt đầu bằng vần H, chẳng hạn là Hùng, Huy hay Hậu… Rất có thể, thân chủ kín đáo thể hiện niềm kiêu hãnh với cơ ngơi ngôi nhà Tây này qua những hàng chữ cái viết hoa trên lan can ban công! Đây là nhà của tôi, N.V.H!

chan song phuong Tay 6
Ban công nhà số 53 phố Hai Bà Trưng

Sắt uốn làm chữ lồng dứt khoát phải do những thợ sắt lành nghề rèn uốn, bên ngoài chữ lồng còn trang điểm hoa văn. Lối chữ cái, tên thân chủ lồng vào nhau vốn xuất hiện sớm trên gia huy các ngôi nhà ở La Mã. Rồi sau đó rất thịnh hành ở châu Âu. Người Pháp đã mang truyền thống này tới Việt Nam.

d. Đồ án nguồn sáng

Người phương Tây đã cho tự mình cái sứ mệnh đi truyền bá văn minh và đức tin Thiên chúa. Và văn minh đồng nghĩa với ánh sáng, công việc khai sáng của những trí thức Pháp ở Đông Dương thực sự đáng khâm phục và kính trọng. Để tượng trưng cho ánh sáng văn minh, sự khai minh đó, hình ảnh bóng điện như đã thấy ở Đại học Đông Dương và dạng thức các tia sáng gặp ở vô số các chấn song, ô gió, cửa đi, trán nhà ở Hà Nội.

chan song phuong Tay 7
Hình tia sáng chiếu qua những đám mây theo kiểu thức Á Đông

Các biểu tượng là hiện diện của đời sống văn hóa, trong bối cảnh mưa Âu gió Á, những chấn song hoa sắt không chỉ là sắt thép khô cứng, lạnh lùng mà nó nhịp cùng những trào lưu tư tưởng để hiện tồn đến hôm nay.

chan song phuong Tay 8
Hình bóng đèn điện trên cửa đi chính của
Đại học Đông Dương

- Trần Hậu Yên Thế -

>>> Hình thái và biểu tượng chấn song hoa sắt phương Đông

>>> Kiến trúc và hệ quy chiếu mỹ thuật

0976984729