Những hình thái và ý nghĩa biểu tượng
trên chấn song hoa sắt có nguồn gốc phương Đông

a. Đồ án Chữ Thọ

Chữ Thọ được khéo léo gắn trên các khung cửa, các ô gió. Đồ án chữ Thọ xuất hiện nhiều nhất, có lẽ người xưa cho rằng việc làm nhà hay phạm đến long mạch, nhiều gia chủ xây nhà xong ít lâu thường hay đau ốm, thậm chí vong mạng. Giai thoại kể rằng một nhà nọ đang khánh thành tân gia, chợt có người khách lạ đến nói với gia chủ: Nhà này ắt hẳn trăm người chết. Quan khách chưa hết bàng hoàng thì người khách thong thả nói tiếp: Cha trước con sau vợ trước chồng. Thì ra đó là một câu chúc, ngụ ý rằng ngôi nhà sẽ bền vững qua nhiều thế hệ. Chữ Thọ đối với con người, tuổi thọ của ngôi nhà là điều quan trọng số một. Tiếp theo mong ước sống lâu là mong ước có cuộc sống hạnh phúc và sung túc nên chữ Phúc, chữ Lộc cũng thường xuất hiện trên các ngôi nhà cổ.

hoa sat phuong dong 1
Đồ án chữ Thọ

Trên song cửa gỗ ngôi nhà số 20 phố Lê Ngọc Hân, gia chủ cho khắc ba chữ Phúc – Thọ - Lộc theo lối chữ triện. Do truyền thống nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa mà với một chữ Thọ hay Phúc cũng có rất nhiều cách viết. Sự thay đổi đa dạng đó cũng góp một phần vào sự đa dạng các kiểu mẫu chấn song. Khi chuyển sang chất liệu sắt thì chỉ thay đổi kỹ thuật chế tác nhưng vẫn bảo lưu nguyên vẹn truyền thống thẩm mỹ cổ truyền. Công nghệ mới nhưng ước vọng không mới. Dạo trên các con phố Hà Nội xưa, lẫn trong náo nhiệt của hàng hóa bày biện la liệt các mặt tiền, ta vẫn còn thấy những chữ Thọ ở vị trí trung tâm các song cửa sổ, cửa đi, ô gió. Riêng biệt thự số 14 phố Đường Thành của quan Tổng đốc Bắc Giang, Hoàng Thụy Chi có những cánh cửa đi song sắt uốn công phu ba chữ Phúc – Thọ - Lộc theo lối tiểu triện.

Cũng cầu kỳ không kém, một số gia chủ như số 101 phố Trần Hưng Đạo, Thọ đi với phúc hoặc Thọ đi với hoa văn kết thừng. Chữ Phúc ở đây được thay bằng con dơi. Trong tiếng Hán và Hán Việt, con dơi và chữ phúc là hai chữ đồng âm. Đồ án này gọi là Phúc hàm Thọ. Đồ án Thọi đi với hoa văn kết thừng lại có những ngụ ý khác. Hoa văn kết thừng có hình dạng những sợi dây thừng đan quyện vào nhau ngụ ý sự đoàn tụ, gắn kết. Cũng có khi đồ án Phúc hàm Thọ còn kết hợp với cả hoa văn kết thừng nữa.

hoa sat phuong dong 2
Cửa đi nhà số 20 phố Lê Ngọc Hân

Trên ban công ở các khu phố cổ, đồ án chữ Phúc – Thọ - Lộc xuất hiện nhiều, rất ít thấy dạng đồ án này ở khu phố Tây. Vậy mà trên ban công ngôi nhà của vị Giám độc đầu tiên trường Mỹ thuật Đông Dương, ngài Victor Tardieu, những dóng lan can gỗ được đan kết theo hình chữ Thọ.

Trong dòng hồi tưởng về phố phường Hà Nội, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy kể lại chuyện một cụ già ngày ngày đi gắp các chữ viết trên các giấy tờ rơi vãi trên đường phố về đốt ở đền Ngọc Sơn, là nơi thờ thần Văn Xương đế quân, ông thần coi quản việc văn chương chữ nghĩa. Văn tự thủa ấy dành được sự kính cẩn và trân trọng biết bao nhiêu, dẫu rằng đại đa số dân Việt là mù chữ.

hoa sat phuong dong 3
Cửa đi nhà số 14 phố Đường Thành

Theo truyền thống Á Đông, trên các khung cửa, người ta hay có hình chữ Thọ, chữ Phúc, Lộc, chữ Vạn, chữ Hỷ (cử đầu kiến Thọ, nghênh diện ngộ Phúc). Đồ án chữ Thọ xuất hiện nhiều nhất.

b. Đồ án đồng tiền

Người xưa có tâm lý rằng cái gì mong ước cầu nguyện thường xuyên ắt sẽ được toại nguyện. Đồng tiên xu hình tròn bên trong có hình vuông. Một mạng hoa văn dày đặc các đồng tiền xu trông như những thảm hoa thật vui mắt. Cũng có lúc là hai đồng tiền giao vào nhau. Đồng tiền biểu hiện cho sự dồi dào của tài lộc thường được các gia chủ là thương nhân ưa thích sử dụng. Ngôi nhà số 68B phố Trần Hưng Đạo có phong cách kiến trúc khá đặc trưng châu Âu nhưng ban công lan can sắt có sử dụng họa tiết đồng tiền.

hoa sat phuong dong 4
Đồ án đồng tiền

c. Đồ án chữ Vạn

Cũng mang một ước nguyện tâm linh, chữ Vạn nói lên mong mỏi trường tồn, gia thế vạn đai phong lưu, tử tôn đời đời nối nghiệp. Do cấu tạo thị giác Chữ Vạn tạo nên sự lan tỏa, sinh sôi, năng động. Hàng rào nhỏ ở Đại học Quốc gia tại số 19 phố Lê Thánh Tông gồm nhiều chữ Vạn nối nhau.

hoa sat phuong dong 4b
Đồ án chữ Vạn

d. Đồ án kết thừng

Luôn tạo nên vẻ quấn quýt, gắn bó, đồ án kết thừng nói lên mong ước đoàn tụ, xum vầy trong gia đình. Người Trung Hoa mỗi dịp Tết đến thường hay tết hoa văn kết thừng mầu đỏ treo lên cửa. Hoa văn kết thừng hay đi cùng với chữ Thọ như một ngụ ý đoàn kết thì sống. Đồ án kết thừng cũng còn đi với hình đồng tiền hàm ý thay cho chữ Lộc như thấy ở số nhà 101 phố Trần Hưng Đạo. Dạng đồ án này thực hiện trên vật liệu sắt uốn cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự dụng công, khéo léo của người thợ. Lan can sắt ban công của ngôi nhà số 100 phố Khâm Thiên, số 53 phố Hàng Ngang có hình đồ án này.

hoa sat phuong dong 4c
Đồ án kết thừng

e. Đồ án vân mây, sóng nước

Có liên quan đến ước nguyện phong lưu của gia chủ, đồ án vân mây, sóng nước thể hiện phạm trù của triết học phương Đông là Khí. Nước chảy mây trôi – lưu thủy hành vân là do khí của trời lưu động. Người Á Đông từ lâu gắn bó với nông nghiệp. Hình ảnh mây có liên quan tới nước, tới mưa. Người Trung Hoa còn dành cho vân mây một ám chỉ về vận hội thông đạt, một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thịnh vượng. Đồ án sóng nước trong tiếng Hán gọi là thủy ba. Đồ án này cũng liên quan đến Khí. Hình sóng nước dễ tạo nên hiệu quả trang trí cũng lại giàu giá trị biểu tượng. Chẳng hạn người ta vẫn hay ví tiền vào như nước, nên ở cửa chính, cổng chính hình sóng nước cuồn cuộn vẫn thường bắt gặp.

hoa sat phuong dong 5
Đồ án vân mây, sóng nước

Vân mây, sóng nước ngụ ý một cuộc sống phong lưu may mắn, người xưa có khúc nhạc lưu thủy hành vân nghe rất du dương êm ái. Trong những ban công có sử dụng vân mây thì ngôi biệt thự ở số 27 phố Cao Bá Quát khiến ta liên tưởng tới những đường nét chạm lộng mềm mại trên các cửa võng, trên các bức ván lá gió.

f. Đồ án bảo châu

Đồ án bảo châu vốn có liên quan đến tín ngưỡng của người Bách Việt cổ, đặc biệt phổ biến ở vùng duyên hải từ vùng Mân Việt (Triết Giang – Trung Quốc) cho tới Lạc Việt (VN). Chuyện nàng Mị Châu chết rồi, giếng thờ nàng hễ ai mang ngọc châu đến rửa thì sáng đẹp vô cùng có thể có liên quan đến một tập tục cổ xưa của người Việt. Trong sách Nghệ thuật chấn song đá dân gian của tác giả Phù Vĩnh Tài trang 11 có trích lại đoạn viết Thuật dị ký trong quyển thượng: “Việt tục dĩ châu quý vi thượng bảo…” (nghĩa là người Việt có phong tục coi ngọc trai là đồ quý thượng hạng). Một ngôi nhà phố Hàng Bông có đồ án bảo châu nằm ở vị trí trung tâm song cửa đi. Không xuất hiện ở dạng chấn song hoa sắt nhưng ở phần diềm đỉnh Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Quốc gia) cũng cho đắp nổi hoa văn này.

hoa sat phuong dong 5a
Đồ án bảo châu

Liên quan đến đồ án xuất phát từ ngọc trai còn có hình thức chuỗi ngọc trai kết thành vòng tròn gọi là liên châu. Nếu như đồ án bảo châu xuất hiện ở chấn song cửa đi thì đồ án liên châu lại thường xuất hiện trên chạm khắc của bức ván cửa phía dưới. Hiện ở Hà Nội hay các vùng thôn quê vẫn còn rất phổ biến hình bốn con dơi châu đầu vào chuỗi ngọc trai này. Tuy vậy do sự phức tạp trong thi công nên đồ án liên châu hầu như không xuất hiện trên chấn song hoa sắt nhưng lại khá phổ biến trên phần chạm gỗ ở cửa đi, trên trán nhà.

hoa sat phuong dong 6
Đồ án liên châu

Nghệ thuật trang trí vùng Viễn Đông rất hàm súc hệ thống biểu tượng, điều đó có nguồn gốc từ triết học biểu tượng và phương thức sinh hoạt gắn bó với tự nhiên. Song so với hệ thống đồ án phương Tây, hệ thống đồ án phương Đông còn có độ hàm súc ngữ nghĩa của những khoảng trống. Khi ngắm nhìn các dạng hoa văn chấn song hoa sắt từ phong cách Gothic đến Baroc hay Tân nghệ thuật ta hân hưởng cái phần vật chất mà các hình thể sắt thép mô tả là chính. Ví dụ như khi ngắm sắt thép hóa thân thành dàn hoa dây bò lên ban công – tác phẩm của Antoni Gaudi, thì dường như mọi người chủ yếu hân hưởng cái tài năng mô tả một cách tài tình thiên nhiên của người nghệ sĩ. Nhưng các nghệ nhân vùng Viễn Đông bị lôi cuốn bởi những công án Thiền lại làm ra nhưng ô cửa tựa như những bản nhạc không lời. Ngày nay không ít người phương Tây kinh ngạc trước sự tương đồng của những song cửa nơi thôn quê vùng Triết Giang (TQ) với những bức tranh trừu tượng của P. Mondrian. Dường như có sự khác biệt rất lớn về cách thức thưởng thức một song cửa đẹp. Người phương Tây đứng từ ngoài ngắm vào, họ ngắm cái phần hữu hình mà những song cửa tạo ra, người phương Đông lại đứng từ trong nhìn ra, họ ngắm cả phần hữu hình và phần vô hình là khoảng ánh sáng mà những ô chấn song tạo ra. Cho nên những sách minh họa về chấn song hoa sắt phương Tây rất ít khi có những hình chụp trái sáng nhìn từ bên trong.

- Trần Hậu Yên Thế -

>>> Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc

>>> Kiến trúc và các hệ quy chiếu mỹ thuật

 

0976984729