Tản mạn lịch sử truyện tranh (Phần cuối)
3. Manhua
Manhua vốn là từ chỉ các loại truyện tranh và tranh biếm họa của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhắc tới Manhua, chúng ta thường nói đến truyện tranh. Họa sĩ có thể tự do thể hiện nghệ thuật, quan điểm cá nhân nên Manhua có nhiều nét tương đồng với Manga và Manhwa. Manhua ra đời vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong những năm từ 1867 đến 1927.
Từ những năm 1870, các bản vẽ Manhua có nội dung châm biếm đã xuất hiện trên báo và tạp chí. Đến những năm 1920, những cuốn sách tranh có kích cỡ bằng lòng bàn tay như Lianhuanhua (liên hoàn họa) đã trở nên phổ biến, chúng được coi là tiền thân của Manhua ngày nay. Một trong những tạp chí châm biếm đầu tiên đến với Trung Quốc từ Anh có tên là The China Punch (tập đầu tiên có tên: The Situation in the Far East) được vẽ bởi họa sĩ mang quốc tịch Trung Quốc Tạ Toàn Thái trong năm 1899, in ở Nhật Bản.
Năm 1911, Tôn Trung Sơn đã sử dụng Manhua của Hong Kong để tuyên truyền phản Thanh. Một số Manhua đã phản ánh thời kỳ chuyển giao quyền lực chính trị và chiến tranh như The True Record và Renjian Pictorial. Cho đến khi Hiệp hội Manhua được thành lập vào năm 1927, tất cả các ấn phẩm trước đó đều là Linhuanhua hoặc những bản vẽ trên các vật liệu khác. Tạp chí Manhua đầu tiên của Trung Quốc là Shanghai Sketch xuất hiện năm 1928. Giữa năm 1934 và 1937, khoảng 17 tạp chí Manhua đã được xuất bản ở Thượng Hải. Manhua một lần nữa được sử dụng như công cụ tuyên truyền trước sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Trung Quốc – Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong năm 1941, các hoạt động sáng tác cũng như xuất bản Manhua bị ngừng lại.
Sau sự thất bại của quân Nhật ở Trung Quốc, mâu thuẫn gay gắt giữa Đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng nảy sinh, một tác phẩm Manhua nổi tiếng đã ra đời nhằm ghi lại bối cảnh chính trị hỗn loạn thời điểm này là This is a Cartoon Era (Đây là kỷ nguyên hoạt họa). Một Manhua khác cũng ra đời và nổi tiếng trong thời kỳ này là Sammao (Tam Mao) của Trương Lạc Bình, xuất bản lần đầu tiên năm 1935. Sự bất ổn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc vào những năm 50 và 60, những di dân Trung Quốc vào Hong Kong gia tăng đã biến nơi đây thành thị trường chính của Manhua. Nhờ sự mở cửa văn hóa ở Hong Kong, người đã bắt đầu tiến hành chuyển ngữ các nhân vật của Disney như Chuột Mickey, Pinocchio trong những năm 1950, điều đó gây ảnh hưởng đến các tác phẩm trong nước như Little Angeli năm 1954. Sự du nhập của Manga Nhật Bản vào những năm 60 cũng như những bộ Anime được chiếu trên TV ở Hong Kong đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu. Nhưng Manhua dành cho người lớn vẫn có tầm ảnh hưởng, đặc biệt là tác phẩm Thế giới hoạt họa (Cartoons world) ra đời năm 1956 và Manhua bán chạy nhất thời đó là Bác Tài (Uncle Choi).
Sự xuất hiện của ti vi vào những năm 1970 cùng với việc các phim của Bruce Lee (Lý Tiểu Long) ngày một nổi tiếng đã tạo nên một làn sóng mới: Kung Fu Manhua. Các yếu tố bạo lực trong thể loại này rõ ràng đã thu hút độc giả hơn, tuy nhiên, sau đó chính phủ Hong Kong đã can thiệp vào với luật xuất bản ban hành năm 1975.
Từ những năm 1950, thị trường Manhua tại Hong Kong đã tách ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 đã thống nhất hai thị trường Manhua.
Trong năm 2006, Fluid Friction Comics đã trở thành công ty truyện tranh quốc tế đầu tiên mở văn phòng ở Hong Kong, sáng tác và xuất bản truyện tranh theo truyền thống Trung Quốc, đây là một bước tiến lớn và đem lại khả năng phát triển hơn nữa cho nền công nghiệp Manhua tại Hong Kong.
Tác phẩm đặc trưng của Manhua hiện đại Trung Quốc được cho là bước đột phá về mặt nghệ thuật trong năm 1982 là Trung Hoa anh hùng (Chinese Hero). Nó có sự sáng tạo, cách vẽ tả thực với các chi tiết giống như người thật. Phần lớn các ấn phẩm Manhua từ những năm 1800 đến 1930 đều có những nhân vật, yếu tố nghiêm trọng mang tính thời sự. Không giống như Manga, Manhua sặc sỡ với những ô hình sơn dầu được vẽ với cùng một kiểu cách.
Tiếp theo là cậu em sinh sau đẻ muộn nhưng không kém phần phổ biến và phát triển mạnh mẽ khi đã tìm được lối đi riêng cho bản thân.
4. Manhwa
Manhwa là một loại hình truyện tranh và phim hoạt hình của Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, ở các nước khác, mọi người dùng từ Manhwa chỉ để nói về truyện tranh Hàn Quốc. Thuật ngữ Manhwa cũng có nghĩa là mạn họa – hình ảnh chuyển động.
Bị ảnh hưởng bởi lịch sử hiện đại của Hàn Quốc cũng như nền nghệ thuật Châu Á cổ xưa – đặc biệt là Trung Quốc – nên Manhwa cũng rất đa dạng về phong cách và thể loại. Trong đó, phong cách chủ đạo của Manhwa giống như Manga. Manhwa được đăng trên các báo, tạp chí hoặc là được xuất bản dưới dạng Webcomic.
Do nhu cầu đọc Manga ở Mỹ tăng mạnh, nhiều nhà xuất bản tại đây đã tìm đến những series truyện tranh nổi tiếng, mua bản quyền và xuất bản. Gần đây, những series Webcomic được đăng tải thông qua các cổng thông tin Internet và các trang cá nhân đã trở nên phổ biến đối với thế hệ trẻ của Hàn Quốc.
Vì văn hóa Hàn Quốc vẫn chưa có nhiều ảnh hưởng ở phương Tây nên thuật ngữ Manhwa cũng chưa được biết đến nhiều. Thay vào đó, bản dịch tiếng Anh của các bộ Manhwa đạt được thành công nhờ vào việc hướng vào cộng đồng yêu thích Anime, Manga. Thời gian đầu một số bộ Manhwa còn bị dán nhãn Manga để thu hút độc giả. Tuy Manhwa ra đời sau Manga và thời gian đầu còn yếu kém nhưng hiện tại, Manhwa đã có những bước tiến lớn, dần chiếm được tình cảm độc giả. Ở Việt Nam, các fan của Manhwa hẳn không thể không biết đến những bộ truyện như Hoàng cung (Goong), Đội quân nhí nhố, Ragnarok, Now, Ám hành ngự sử, Diêm đế… những bộ truyện đã làm mưa làm gió trong cộng đồng fan của Manhwa nói riêng và giới đọc truyện tranh nói chung.
Hiện nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều họa sĩ Manhwa đã tự xuất bản Webcomic, điều này đã giúp cho Webcomic của Hàn Quốc phát triển hơn và có một lượng fan đông đảo.
Manhwa có chiều đọc ngang, từ trái sang phải, bởi vì Hangul (chữ Hàn) bình thường được viết theo chiều đó dù chúng có thể được viết theo chiều dọc, từ trên xuống dưới.
Hình vẽ trong Manga có tỷ lệ đúng với tỷ lệ người nhưng đầu và mắt thường được phóng đại, tuy nhiên gần đây nhiều bộ Manhwa không còn kiểu vẽ như thế nữa.
Và cuối cùng là chúng ta, nền truyện tranh Việt Nam mới còn chập chững những bước đi đầu tiên để khẳng định chính mình và vươn ra thế giới.
5. Truyện tranh Việt Nam
Truyện tranh Việt Nam hiện nay chưa có một tên gọi riêng nào cả, bởi vì ở Việt Nam, truyện tranh vẫn chưa thực sự phát triển. Nhiều bạn trẻ gọi truyện tranh Việt Nam là Vncomic, tuy nhiên cái tên đó cũng không phải tên chính thức.
Truyện tranh ở Việt Nam đã xuất hiện từ khá sớm, với những tranh vẽ về các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ xuất hiện trên mặt báo từ thời Pháp thuộc, những trang truyện ngắn xuất hiện trên mặt báo từ sau cách mạng tháng Tám và những truyện tranh nhái phong cách, vẽ lại từ Comic của Mỹ, Pháp – Bỉ, tại miền Nam từ những năm 1954-1975. Cho đến năm 1992, khi nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản bộ truyện Doraemon và năm 1996 chính thức ký hợp đồng bản quyền với nhà xuất bản Shokakukan thì văn hóa đọc truyện tranh mới thực sự phát triển, trở thành động lực cho nhiều họa sĩ Việt Nam sáng tác truyện tranh.
Trong những năm 1990, tác giả Hùng Lân cùng bộ truyện Dũng sĩ Hesman có nội dung dựa trên một bộ phim hoạt hình của Nhật Bản là cái tên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực truyện tranh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2005, bộ truyện Thần đồng Đất Việt của Công ty Phan Thị cũng rất nổi tiếng và phổ biến, thu hút độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Hiện nay chỉ còn có hai tạp chí truyện tranh là Break Free hoạt động phi lợi nhuận và Truyện tranh Việt Online do công ty Phan Thị liên kết với diễn đàn VnComicfarm thực hiện.
Trong cộng đồng yêu thích truyện tranh ở Việt Nam có rất nhiều nhân tài nhưng lại chỉ có thể coi vẽ truyện tranh là một việc phụ hay một thú vui chứ không phải là một nghề chính. Đa số những truyện tranh vẽ ra đều là những truyện ngắn, được đăng lên mạng. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, truyện tranh Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu phát triển với Orange của bộ đôi tác giả Thành Phong – Khánh Dương, truyện tranh danh tác của nhóm B.R.O như Chí Phèo, Tắt đèn, Giông tố, Chiếc lược ngà…
Đây là những dấu hiệu khả quan cho thấy một tương lai đang mở rộng, rất đáng hy vọng đối với nền truyện tranh Việt Nam cũng như đối với các họa sĩ truyện tranh.
Truyện tranh Việt Nam từ những buổi đầu cho đến nay bị ảnh hưởng rất nhiều từ Comic và Manga, chỉ có một số ít họa sĩ tìm được phong cách riêng cho mình nhưng đa phần vẫn bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của nền truyện tranh Việt Nam. Manhwa ban đầu cũng bị ảnh hưởng bởi Manga nhưng dần dần cũng đã tìm được lối đi cho chính mình, Việt Nam chúng ta cũng vậy.
Một giảng viên đại học chuyên ngành truyện tranh đến từ Canada – ông Sylvain Lemay – đã nói rằng truyện tranh Việt Nam trong mắt ông cũng đã bộc lộ một phong cách riêng.
>>> Tản mạn lịch sử truyện tranh (Phần 1)
>>> Những điều cần biết về phân khung truyện tranh
>>> Ngũ quan và tạo hình nhân vật trong truyện tranh