Tản mạn lịch sử truyện tranh (Phần 1)

Như chúng ta đều biết, hiện nay truyện tranh là loại hình giải trí rất phổ biến và được nhiều người yêu thích nhưng để được như ngày hôm nay, truyện tranh cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, từ ngày được hình thành tới các giai đoạn phát triển. Lịch sử truyện tranh cũng đã gắn liền với một phần lịch sử thế giới, tạo ra những thay đổi không nhỏ về nhận thức của con người và góp phần vào việc phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Các bạn đã, đang và sẽ có ý định theo học vẽ truyện tranh và ấp ủ giấc mơ họa sĩ truyện tranh ạ, để theo đuổi giấc mơ làm họa sĩ truyện tranh bạn cần nên biết về lịch sử của nó. Vậy, bạn đã biết những gì? Có thể bạn đã biết hết, có thể bạn không biết gì cả, cũng có thể bạn chỉ biết nửa vời. Không sao, vì phần bạn đọc tiếp sau đây sẽ giúp bạn hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của một số nền truyện tranh đang nổi tiếng trên thế giới.

1. Manga

Manga (Mạn họa) dịch nghĩa có thể hiểu là “hình ảnh chuyển động”, danh từ chỉ truyện tranh của Nhật Bản.

Ở Nhật, người dân đã sớm có hứng thú với loại hình nghệ thuật về tranh ảnh mà sau này là Manga. Trong thời kỳ này, Manga chỉ đơn giản là những dải truyện tranh ngắn nhưng nó vẫn giữ một vị trí quan trọng xuyên suốt lịch sử mỹ thuật của Nhật Bản.

truyen tranh p1-1
Đây có thể coi là tiền đề của Manga

Trong khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 7, các thầy tu đã sử dụng những cuộn giấy da được trang trí bằng các hình ảnh động vật như gấu trúc, cáo… với những động tác y như của con người (choju-jinbutsu-giga-tranh vui về thú vật và con người). Đây có thể coi là tiền đề của Manga mới thực sự được sử dụng để chỉ loại hình nghệ thuật này với sự xuất hiện của các tác phẩm đầu tiên như Mankaku Zuihitsu của Suzuki Kankei, tập tranh Shiji no Yukikai của Santo Kyoden. Đến đầu thế kỷ 19, có tác phẩm Manga Hyakujo của Aikawa Minwa. Thuật ngữ Manga được hoàn thiện bởi Houkusai – một họa sĩ sống với triết lý hội họa hoàn toàn khác so với nền nghệ thuật lúc bấy giờ.

truyen tranh p1-2

Bước vào thế kỷ 20, cùng với sự mở cửa ngoại giao của Nhật Bản, Comic từ phương Tây đã du nhập vào và trở thành chất xúc tác tạo nên Manga với nhiều cách tân. Thời kỳ này, Manga được coi là ponchi-e khi Nhật Bản bắt đầu cho xuất bản những tờ tạp chí với nội dung biếm họa có độ dày từ 1-4 trang đồng thời thuê người nước ngoài dạy cho học sinh về đường nét, màu sắc và dáng điệu khi sáng tác. Trong thời gian chiến tranh, truyện tranh và tranh biếm họa được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có tuyên truyền châm biếm nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, cổ vũ tinh thần binh lính. Tuy nhiên, sự thất bại của Nhật bản trước phe Đồng Minh vào cuối chiến tranh thế giới thứ II đã khiến rất nhiều truyện tranh bị kiểm duyệt nặng nề, dẫn đến sự phát triển của Manga bị hoãn lại vô thời hạn. Thật may mắn, sau khi chiến tranh kết thúc, nền nghệ thuật của Manga đã được vực dậy, nền văn hóa Nhật Bản cũng như văn hóa thế giới đã được đón nhận một thể loại Manga hoàn toàn mới nhờ Osamu Tezuka – người được coi là cha đẻ của truyện tranh Nhật Bản hiện đại, vị thánh của Manga. Ông đã áp dụng phong cách vẽ của hoạt hình Disney kết hợp với kỹ thuật điện ảnh của Đức và Pháp làm cho các khuôn hình chạy giống như góc máy quay thay đổi liên tục, góp phần định hình nên kiểu mẫu Manga hiện đại, bắt đầu một nền công nghiệp đến nay vẫn giữ vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.

Từ năm 1945 đến thập kỷ 60 là khoảng thời gian bùng nổ sáng tạo nghệ thuật trong Manga. Thuộc hàng tiên phong trong giai đoạn này là hai bộ Manga với tuyến nhân vật tạo được ảnh hưởng lớn tới những tác phẩm Manga về sau: Sazae-san của Hasegawa Machiko ra đời năm 1946 và Astro boy (Tetsuwan Atomu) của Osamu Tezuka ra đời năm 1951. Giữa những năm 1950 và 1969, sự gia tăng lượng lớn độc giả Manga đã làm xuất hiện hại thể loại chính: Shounen Manga (thể loại truyện tranh nhắm đến độc giả nam) và Shoujo Manga (thể loại truyện tranh nhắm đến độc giả nữ). Cho đến tận năm 1969, Shoujo Manga chủ yếu vẫn do tác giả nam sáng tác cho độc giả nữ đọc).

truyen tranh p1-3

Hai bộ Manga nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn của tác giả nam dành cho độc giả nữ trong thời kỳ này là Ribon no Kishi  (1953-1956) của Osamu Tezuka và Mahoutsukai Sarii (1966) của Matsuteru Yokoyama. Trong đó bộ Mahoutsukai Sari đã tạo nên một thể loại Manga rất phổ biến hiện nay là Mahou Shoujo.

Kể từ những năm 50, nội dung của Shounen Manga chủ yếu là về robot, du hành không gian, khoa giả giả tưởng… cùng với sự hoàn thiện cá nhân, kỷ luật thép, hi sinh vì sức mệnh và vinh dự phục vụ xã hội, gia đình, bạn bè.

Năm 1969, các nữ họa sĩ như Hagio Moto, Ikeda Riyoko, Oshima Yumiko, Keiko Takemiya và Yamagishi Ryoko đã đánh dấu cho làn sống đầu tiên của các nữ họa sĩ Manga. Nhờ đó, nữ họa sĩ Manga trở thành lực lượng chủ lực cho Shoujo Manga. Họ cũng đã làm nên những phong cách rất nổi bật, tập trung vào cảm xúc và đời sống nội tâm của nhân vật, với những hình ảnh vừa nhẹ nhàng vừa phức tạp và thường bỏ qua ranh giới của các khuôn hình để tạo ra một mạch thời gian liên tục không có sự tự sự.

Vào giữa những năm 80, khi những độc giả thiếu nữ đã trưởng thành và đi làm, một thể loại Manga được ra đời nhằm phục vụ cho quý bà với những chủ đề về công việc, đời sống tình cảm, tình bạn và tình dục… được gọi là Josei Manga (hoặc là RediKomi).

Từ năm 1980 đến nay, Manga đã trở nên phổ biến và thịnh hành trên toàn thế giới. Năm 2007, tức là chỉ sau hơn 2 thập kỷ, Manga đã có ảnh hưởng đáng kể đến truyện tranh quốc tế. “Ảnh hưởng” ở đây là nói đến sự ảnh hưởng trên thị trường truyện tranh bên ngoài Nhật Bản và thẩm mỹ của họa sĩ truyện tranh quốc tế.

truyen tranh p1-4

Theo truyền thống, các câu chuyện trong Manga được diễn đạt theo thứ tự từ trên xuống dưới và từ phải sang trái, một số nhà xuất bản Manga giữ nguyên trình tự đó khi xuất bản nhưng một số khác thì không, họ lật ngược trang truyện lại trước khi đem đi in ấn để phù hợp với cách đọc của người phương Tây – đọc từ trái qua phải. Điều đó đôi khi đi ngược với dụng ý của tác giả, ví dụ như vạt áo Kimono truyền thống của người Nhật là vạt phải chồng lên vạt trái nhưng khi bị lật ngược lại thì sai hoàn toàn. Điều này gây sự khó chịu cho không chỉ các họa sĩ truyện tranh mà còn với những độc giả của họ, vì thế họ đã yêu cầu các nhà xuất bản phải giữ đúng chiều Manga khi xuất bản.

Vào những năm 1970 đến 1980, Manga đã dần dần thâm nhập vào thị trường Mỹ, bắt đầu từ việc liên kết với Anime, sau đó tách ra và phát triển hoàn toàn độc lập. Một số người hâm mộ Anime của Mỹ đã dần tiếp cận với Manga trong thời gian này. Dù thế thì đối với một số người, Anime vẫn dễ nuốt hơn so với Manga. Nhiều người trong số họ là những sinh viên đại học, nhận thấy rằng để mua, làm phụ đề và bày bán băng đĩa Anime thì sẽ dễ thu lợi nhuận hơn dịch, tái sản xuất và phân phối Manga.

truyen tranh p1-5

Manga đầu tiên được dịch sang tiếng Anh và được bán ở thị trường Mỹ là Barefoot Gen (1980-1982) của Nakazawa Keiji, sau đó có nhiều Manga được dịch sang tiếng Anh hơn vào nửa cuối những năm 1980 đến những năm 1990, bao gồm Golgo 13 (1986) của Takao Saito, Lone wolf and cub hay có tên khác là Kozune Okami (1987) được viết kịch bản bởi Kazuo Koibe và vẽ bởi Goseki Kojima trên First Comics, Kamui  của Shingo Nanami, Area 88 của Shintani Kaoru trên Viz Media – Eclipse Comics cũng trong năm 1987…

Từ những năm 1980 đến giữa những năm 1990, phim hoạt hình Nhật Bản như Akira, Dragon Ball, Neon Genesis Evangelion hay Pokémon đã tạo một tác động lớn đến những người hâm mộ và mở rộng thị trường, lấn át cả thị trường Manga. Tuy nhiên, sự việc đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn cho Manga khi dịch giả - doanh nhân Toren Smith thành lập Studio Proteus vào năm 1986. Smith và Studio Proteus đã hoạt động như nhà đại diện kiêm dịch giả cho rất nhiều Manga (điển hình là Applessed của Masamune Shirou và Ah My Goddess của Fujishima Kousuke) để làm việc với Dark Horse và Eros Comix – hai nhà xuất bản lớn của Mỹ bấy giờ - giúp họ không cần tìm đối tác ở Nhật Bản nữa. Cùng lúc đó, nhà xuất bản Shogakukan mở một đại lý tiên phong ở Mỹ là Viz, cho phép Viz vẽ trực tiếp lên catalogue của Shogakukan. Trong năm 1997, Mixx Entertainment bắt đầu xuất bản Sailor Moon, cùng với Magic Knight Rayearth của nhóm tác giả CLAMP, Parasyte của Hitoshi Iwaaki, Ice Blade của Tsutomu Takahashi trên nguyệt san Mmanga MixxZine. Hai năm sau, MixxZine được đổi tên thành Tokyopop trước khi ngưng phát hành năm 2000. Mixx Entertainment cũng như Viz, đã đóng vai trò quan trọng trong việc quảng cáo Manga đến giới trẻ thế giới.

truyen tranh p1-6

Trong những năm tiếp theo, Manga trở nên rất phổ biến, các nhà xuất bản mới hào hứng tham gia vào việc xuất bản Manga còn các nhà xuất bản thành lập trước đó thì bắt đầu mở rộng danh mục sản xuất bán ra. Trong năm 2008, doanh thu của thị trường Mỹ và Canada đã chạm mức 175 triệu USD đồng thời các phương tiện truyền thông của Mỹ cũng bắt đầu thảo luận về Manga, với các bài viết trên tờ The New York Times, tạp chí Time, The Wall Street Journal và tạp chí Wired.

Sự ảnh hưởng của Manga ở khu vực Châu Âu khác với ở Mỹ, với việc phát sóng Anime ở Ý và Pháp, đường vào thị trường Châu Âu đã mở ra với Manga. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, Manga đã trở nên phổ biến tại Pháp, năm 2004 chiếm 1/3 doanh số bán truyện tranh của Pháp. Các nhà xuất bản Pháp cũng dịch Manga ra tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Hà Lan và nhiều thứ tiếng khác, trong năm 2007, 70% lượng truyện tranh bán ra ở Đức là Manga. Các nhà xuất bản Manga ở Anh là Gollancz, Titan Books và Tanoshimi (thuộc Random House – Mỹ) cũng marketing rất mạnh cho dòng sản phẩm này.

Truyện tranh nói chung đã du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 qua con đường không chính thức. Năm 1986, chính sách đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm Manga vào Việt Nam một cách chính thức. Với việc ký kết hợp đồng giữa nhà xuất bản Kim Đồng và nhà xuất bản Shogakukan cùng với tác giả Fujiko F. Fujio – “cha đẻ” của bộ truyện tranh Doraemon về việc dịch và xuất bản bộ truyện vào năm 1996, kỷ nguyên mới của Manga ở Việt Nam đã được mở ra. Cùng với sự phát triển của Manga trên toàn thế giới, Manga dần dần chiếm lĩnh thị trường và chiếm được tình cảm của các độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Manga Nhật Bản được phân loại phụ thuộc vào lứa tuổi và giới tính của độc giả. Nội dung Manga thay đổi dựa trên sự thay đổi cảm xúc và hành động của các nhân vật, có lẽ vì thế mà Manga mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc cho độc giả. Ở Nhật Bản, Manga nắm giữ một vai trò khá quan trọng, được đánh giá cao cả về phương diện văn hóa lẫn nghệ thuật, tuy cũng có bị phê phán về các yếu tố bạo lực, tình dục nhưng lại không có một luật nào giới hạn những điều đó nên các họa sĩ vẫn có thể mặc sức sáng tạo với mọi chủ đề, mọi hình thức trên trang giấy.

truyen tranh p1-7

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các phương thức làm truyện tranh cũ như sử dụng bút sắt, giấy hoa văn… đang phải cạnh tranh với wacom, đồ họa máy tính bởi sự tiện lợi của công nghệ. Giờ đây các họa sĩ truyện tranh không cần phải mất nhiều thời gian vào việc tỉ mẩn cắt giấy hoa văn hay tô tóc nữa, việc họ cần làm là ngồi trước máy tính đã cài đặt sẵn những phần mềm hữu dụng với chiếc wacom. Tuy nhiên, nhiều họa sĩ truyện tranh vẫn lựa chọn trung thành với phương pháp thủ công cũ. Có lẽ, họ đã quá quen với những công cụ thủ công ấy, chúng đã theo họ đi một quãng đường dài cho tới khi thành công, đã là một phần không thể thiếu.

Tiếp theo chúng ta sẽ đến với Comic phương Tây, nơi mà những Tintin, Smurf, những siêu anh hùng được sinh ra.

2. Comic

Comic trong tiếng Anh là một từ dùng để chỉ các thể loại truyện tranh nói chung nhưng khi nhắc đến Comic, người ta thường nghĩ đến truyện tranh phương Tây nhiều hơn. Comic bắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.

Rodolphe Töpffer, một họa sĩ người Thụy Sỹ - người được coi là cha để của Comic, ông đã sáng tác một cuốn truyện dài 30 trang với 6 khung hình mỗi trang, cuốn truyện khi ấy đã mang dáng dấp của một cuốn truyện tranh hiện đại. Đầu thế kỷ 20, Comic được phân khung và lời thoại nằm trong bong bóng thoại được in trên báo dưới dạng truyện tranh liên hoàn (Comic strip). Chủ đề, nội dung của chúng chủ yếu để mua vui cho độc giả. Những truyện tranh ngắn đó sau này được chọn lọc lại và in thành quyển, đây là tiền đề cho hình thức truyện tranh dài kỳ hình thành và phát triển. Nội dung chủ đề hài hước dần được thay thế bằng nhiều chủ đề khác nhau và Comic cũng được chia ra làm nhiều thể loại.

truyen tranh p1-8

Gia đoạn đầu, Comic bị xem như một loại hình giải trí cấp thấp. Tuy nhiên, qua thời gian, Comic đã được công nhận về mặt nghệ thuật và được xếp ngang bằng với các loại hình nghệ thuật khác. Pháp và Bỉ là hai đất nước có nền công nghiệp Comic phát triển nhất Châu Âu, cho tới ngày nay hai nước này cũng thường được xếp chung khi nhắc đến Comic. Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, Comic đã rất phổ biến và trở nên quen thuộc đối với độc giả hai nước. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hergé – một họa sĩ Comic người Bỉ - đã cho ra đời: Những cuộc phiêu lưu của Tintin (Les Adventures de Tintin).

truyen tranh p1-9

Comic Pháp – Bỉ đã chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai, việc Đức chặn văn hóa Mỹ đã khiến nhiều họa sĩ Comic tại Pháp tự tạo nên phong cách nhân vật cho riêng mình và trở nên nổi tiếng với những tác phẩm về anh hùng. Không may, khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Pháp đã đưa ra chính sách cấm sử dụng những hình ảnh bạo lực và người lớn, dẫn đến tình trạng hàng loạt nhà xuất bản Pháp hướng tới việc tìm kiếm và sáng tác Comic theo lối hài hước. Nhiều truyện rất nổi tiếng trước chiến tranh được đưa trở lại, nổi bật nhất là Spirou của Franquin và Les Aventures de Tintin. Phong cách hài hước đã dần trở thành nét đặc trưng cho Comic Pháp – Bỉ. Trong các thập kỷ tiếp theo, Comic Pháp – Bỉ trở nên phổ biến hơn với sự ra đời của Lucky Luke của Morris, Asterix của Rene Goscinny và Albert Uderzo.

Gần đây, Comic Pháp – Bỉ được biết đến không chỉ với phong cách hài hước, các yếu tố gây cười mà còn cả những vấn đề triết học, tâm lý, những thể nghiệm táo bạo về nghệ thuật. So với nơi khai sinh ra Comic Pháp – Bỉ thì nước Mỹ cũng không hề thua kém về sự xuất hiện sớm của Comic. Ở đây, Comic dưới dạng sách được xuất hiện đầu tiên và cũng nhanh chóng được áp dụng những quy chuẩn xuất bản.

Từ những năm 1938 đến 1954 là thời kỳ hoàng kim (Golden Age) của Comic Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ hai đã ảnh hưởng tới Comic thời kỳ này, một loạt siêu anh hùng ra đời với những cốt truyện đơn giản và họ tham gia vào chiến tranh chống phát xít, nổi bật nhất là Captain America. Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển quá đà của hàng loạt siêu anh hùng đã dẫn đến bùng nổ bạo lực, gây ra làn sóng phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay Comic trên toàn đất Mỹ. Sự kiện này đã chấm dứt thời đại hoàng kim của Comic và cùng lúc chính phủ đưa ra Comic Code – một đạo luật về những thứ không được phép đưa vào trong truyện tranh.

Comic Code là một đạo luật rất nghiêm khắc, tác giả Marv Wolfman từng kể với độc giả về sự nghiêm khắc đến mức vô lý của đạo luật này. Khi ông bắt đầu làm việc ở DC, nhà xuất bản đã không cho phép in họ Wolfman của ông vì theo Comic Code, bất cứ thứ gì liên quan tới người sói (werewolf) đều bị cấm. May mắn sau đó, khi tư tưởng con người thoáng dần thì đạo luật cũng được nới lỏng, tuy nhiên vẫn còn một số điều cơ bản như không được có ảnh khỏa thân, cảnh giết người dã man, không có cảnh tra tấn dã man, cưỡng hiếp, quan hệ tình dục, không được cổ vũ cho việc sử dụng các chất gây nghiện cũng như quan hệ đồng tính…

Trong khoảng thời gian từ những năm 1950 đến 1970 là thời kỳ bạc (Silver Age). Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Comic phải cạnh tranh gay gắt với các thể loại như kinh dị, trinh thám. Các siêu anh hùng trở lại, được chọn lọc, được đầu tư về mặt tâm lý lẫn tính cách, các mâu thuẫn đời thường được khắc họa rõ nét, sử dụng các lý thuyết khoa học để lý giải cho câu chuyện. Cốt truyện cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn… Thời kỳ này cũng đánh dấu cho sự thống lĩnh của hai đại gia trong ngành xuất bản Comic Mỹ là Marvel và DC. DC trở lại với những series Superman, Batman và series nổi tiếng nhất tập trung tất cả các siêu anh hùng của DC: Justice League of America. Marvel thì nổi lên với những series The Amazing Spider-Man, The Incredible Hulk, X-Men.

truyen tranh p1-10

Thời kỳ hiện đại (Modern Age) bắt đầu từ những năm 1980 cho đến nay, các anh hùng đã trở nên thật hơn, người hơn với những mâu thuẫn nội tâm sâu sắc, nhiều tác giả đưa vào câu chuyện của mình những vấn đề nhức nhối đương đại như rượu, ma túy… màu sắc của câu chuyện cũng trở nên tối tăm hơn. Các cuộc chiến trong truyện cũng không còn chỉ là giữa anh hùng và người xấu nữa mà còn cả chính phru và các ông trùm công nghiệp. Thời kỳ này cũng sản sinh ra một lớp nhân vật mới: Nhân vật phản anh hùng có tâm lý cực kỳ phức tạp cùng những câu chuyện mang nhiều yếu tố bi kịch. Phong cách vẽ trong Comic Mỹ là phong cách tả thực, cách thể hiện biểu cảm không được nhuần nhuyễn và diễn cảm như phong cách của Manga. Tuy vậy, nếu đã quen với Comic, độc giả hẳn sẽ thích phong cách vẽ đó.

truyen tranh p1-11

Sau các siêu anh hùng, tiếp theo là nền truyện tranh cũng góp phần gây ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam.

>>> Những điều cần biết về phân khung truyện tranh

>>> Ngũ quan và tạo hình nhân vật trong truyện tranh

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 1)

0976984729