Khoảng trống trong thiết kế
Khi xem xét một hình ảnh, mắt chúng ta dễ dàng bị thu hút và lôi kéo bởi những yếu tố miêu tả chủ thể hay được nhấn mạnh trên bản thiết kế, và thường ít để ý đến sự thỏa mãn thị giác chúng ta có được khi xem hình ảnh đó, cũng như cảm xúc từ bản thiết kế mang đến cho chúng ta có bao nhiêu phần là được tạo ra từ những khoảng trống xung quanh chủ thể. Các khoảng trống này, trên thực tế, có không biết bao nhiêu sự kết nối vô hình và khó nhìn thấy, liên kết giữa chúng và các hình thể khác mang giá trị rất lớn đối với bố cục của hình ảnh.
Vấn đề của những designer tập sự chính là sợ những khoảng trống, chính bởi vì sự non nớt, ngây thơ đó, mà lúc nào họ cũng sẽ cảm thấy bản thiết kế của mình trống trải quá, đơn giản là vì họ chưa nắm được cách tận dụng khoảng trống của bố cục. Vì suy nghĩ “phải lấp đầy những khoảng trống”, họ không hiểu rằng việc nhồi nhét quá nhiều chi tiết vào một bề mặt hình ảnh, có hại nhiều hơn có lợi, họ dễ dàng làm mất đi điểm nhấn, làm rối loạn các đường dẫn thị giác, và gây ức chế cho người xem khi vô tình làm mất cân bằng của bố cục. Đừng coi thường các khoảng trống nhé, vì chúng chính là một trong những thứ vũ khí cực kỳ nguye hiểm để tạo dựng nên một bố cục hoàn hảo đó.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các khoảng trống sao cho đạt hiệu quả bố cục một cách tốt nhất là không hề đơn giản:
Các khoảng trống cần tối giản hết mức có thể, tức là có xu hướng hình học (tròn, vuông, tam giác…) sẽ tạo ra tính nhất quán lớn hơn cho tổng thể bản thiết kế và khiến cho con mắt đọc hình ảnh dễ dàng hơn. Cần đảm bảo trong quá trình phân chia các mảng, các đường viền của các chi tiết sinh ra các khoảng trống tối giản, không gây khó chịu cho mắt người xem.
Khi đường viền của một chi tiết tương đối phức tạp như đường răng cưa hay zigzag…mà ta không làm đơn giản nó đi được, giải pháp sẽ là đặt nó đối lập với một hình thể có đường viền đơn giản hơn, như vậy thì khoảng trống giữa hai chi tiết sẽ ưa nhìn hơn.
Đối với thao tác phân chia các mảng, có một cách khác để đơn giản hóa các mảng trống là tập hợp chúng lại trong một mảng duy nhật có đường viền tương đối thẳng để giải tỏa các đường viền phức tạp. Hơn nữa, khi các thành phần của bản thiết kế trở nên quá đông đúc, sinh ra nhiều khoảng trống nhỏ, thì thao tác tập hợp lại các mảng sẽ làm giảm số khoảng trống được sinh ra, và bố cục cũng nhờ vào đó mà trở nên thanh thoát hơn.
Trải qua nhiều thời kỳ, đến nay, có một phong cách thiết kế sử dụng triệt để các khoảng trống, triệt để đến mức bản thiết kế không thể trở nên đơn giản hơn, đó chính là phong cách Minimalism.
Có một vài nguyên tắc cơ bản để chúng ta có thể tạo ra được những khoảng trống đầy biểu cảm cho bố cục của bản thiết kế:
Khoảng trống lớn sẽ càng làm xâm lấn hình ảnh, càng làm cho bố cục trở nên thoáng khí. Khi khoảng trống lớn này bao quanh toàn bộ chủ thể, nó sẽ cho một ấn tượng cô đơn, bơ vơ.
Ngược lại, khi càng tiến đến gần chủ thể, khoảng trống xung quanh chủ thể càng giảm, hình ảnh càng mang tính chất uy hiếp, áp bức.
Một không gian lớn trống rỗng giữa hai nhân vật sẽ gợi ý bằng hình ảnh một ý tưởng chia ly, tan vỡ, bất hòa, có vẻ đối kháng hoặc ngược lại, ý tưởng về sự tương hợp, thông cảm sẽ xuất hiện khi khoảng trống giữa hai chủ thể được giảm xuống.
Một khoảng trống lớn phía trước chủ thể đang tích cực hoạt động sẽ giúp cho hoạt động đó được thể hiện rõ ràng hơn. Ngược lại, nêu chủ thể được đặt vào trung tâm, trên đường trục của bố cục, nơi mà khoảng trống bao quanh chủ thể quá đều nhau, tính chất của hoạt động sẽ bị giảm dần đến mức bất động, tĩnh lặng.
Hãy thử xem với chủ thể là một nhân vật người thì những nguyên tắc trên có thực sự có tác dụng như phân tích không nhé.
Ở trường hợp này, chủ thể được bao quanh bởi một khoảng trống lớn, gây nên ấn tượng về một sự cô đơn về thể chất cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào vị trí mà những khoảng trống chiếm lĩnh trong bố cục. Một khoảng trống lớn ở phần phía trên của bố cục có thể góp phần nhạy cảm vào việc tăng cường cho ý tưởng về định mệnh đang đè nặng lên hai vai của chủ thể, hay cũng có thể làm nổi lên sự mệt mỏi, ủ rũ của chủ thể.
Một khoảng trống không gian rộng ở phía trước hình ảnh sẽ nhấn mạnh ý định xuất phát hay ý đồ chạy trốn của chủ thể, nhất là khi nhân vaqatj của chúng ta đang quay lưng lại.
Một khoảng trống lớn giữa hai nhân vật cho thấy sự bất hòa giữa họ, thể hiện sự đối lập, đối địch giữa hai nhân vật, cũng có thể để xuất hiện sự hờn dỗi, xa cách.
Ở đây các khoảng trống được giảm xuống tối thiểu, gây ra bầu không khí căng thẳng.
Khi chủ thể chính đang chuyển động, các khoảng trống xung quanh cũng có thể có một giá trị biểu hiện, là sự thú vị để khai thác trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, chúng ta nên loại bỏ ngay ý định đặt chủ thể lên trục giữa của bố cục, bởi thay vì tạo ra hiệu quả nhấn mạnh vào chuyển động, cách sắp xếp này lại làm cho chuyển động bị đông cứng vì có hai khoảng trống quá đều nhau ở phía trước và phía sau chủ thể. Ở dưới đây còn có hai giải pháp khác.
Hoặc là chúng ta xê dịch chủ thể só với đường trục chính giữa tranh, sao cho khoảng trống ở phía trước chủ thể là lớn nhất. Đây cũng là giải pháp được sử dụng nhiều nhất, với phương pháp này thì hành động được thể hiện dường như mới bắt đầu, và cảm giác hoạt động năng động hơn rất nhiều.
Ngược lại, nếu chúng ta muốn gợi ra ý tưởng về một hành động hoàn tất, thì một khoảng trống lớn phía sau chủ thể sẽ thể hiện rõ điều này. Tuy nhiên, hoạt động sẽ trở nên kém năng động hơn nếu dùng phương pháp này.
Nói cách khác, sự năng động của một chủ thể đang chuyển động sẽ rõ ràng nhất khi hoạt động hướng theo chiều trái qua phải, tương tự như hướng dọc thông thường của phương Tây, hoặc nếu nó được đặt trong khuôn hình theo đường chéo góc đi xuống của bố cục.
- Sưu tầm -
>>> Yếu tố đường (line) trong thiết kế
>>> Chuyển động và những định hướng trong thiết kế
>>> Phân cấp thị giác trong thiết kế