Họa phẩm "Bức tranh mùa đông" của Pieter Bruegel
Pieter Bruegel "người Cha"
Tác giả của bức tranh sinh vào khoảng năm 1525 trong một lãnh địa phong kiến (hiện nay thuộc vương quốc Bỉ) và qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1569 tại thành phố Brussels, thủ phủ xứ "Hà Lan thuộc Tây Ban Nha". Lớn lên, ông học vẽ rồi trở thành họa sĩ kiêm thợ khắc tranh của công quốc Brabant. Với hàng trăm tác phẩm quý báu để lại cho đời sau, ông được đánh giá là một trong bốn danh họa nổi tiếng nhất trường phái Hà Lan thời Phục Hưng. Thêm chữ "người Cha" là để phân biệt ông với người con cũng là họa sĩ và mang tên Pieter Bruegel.
Charles Hapsburg (tức Charles Quint, 1500-1558) đã lần lượt thừa kế danh hiệu công tước Burgundy năm 1506, công tước Brabant năm 1515 rồi vua Tây Ban Nha năm 1516 trước khi trở thành hoàng đế La Mã năm 1519. Vị vua này sống gần nửa thế kỷ chủ yếu ở Brussels, tại Cung điện Coudenberg, với một đám quý tộc tài hoa của đế chế La Mã Thần thánh, Tây Ban Nha và Hà Lan, nơi kinh tế và văn hóa đang phát triển mạnh. Đó cũng là thời kỳ Giáo hội La Mã suy đồi đã quá lâu, dẫn đến cao trào Cải cách và sự tách ra của phái Tin Lành. Đối phó lại, giáo hoàng Phaolô III triệu tập Công đồng Trient, khai mạc năm 1545 với 70 giám mục. Công đồng gồm 25 khoá họp trải qua 3 đời giáo hoàng, lúc kết thúc năm 1563 có 252 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự. Kết quả là xác định lại đức tin và giáo lý, canh tân Giáo hội về một số điểm thực tế và kịch liệt phản đối phái Tin Lành.
Charles Quint thoái vị năm 1555, Philip II (1527-1598) lên ngôi được thừa kế tất cả đất đai của cha, trừ Đế quốc Đức. Nhưng nhà vua mới đã gia tăng đàn áp những người theo đạo Tin Lành, cũng như thu hẹp quyền hạn của các thành viên trong Quốc hội và Chính phủ, gây ra bao bất bình và xáo động trong xã hội Hà Lan. Chống lại chính sách tập trung quyền lực này, cuối cùng giới quý tộc địa phương đã nổi loạn. Các lãnh chúa gốc Công giáo thỏa hiệp với bên Tin Lành, đề ra một bản yêu sách gửi cho đại diện của nhà vua ở Brussels. Triều đình Tây Ban Nha phản ứng rất mạnh mẽ bằng cách bắt bớ rồi đem chặt đầu mấy thủ lĩnh đối lập. Thế rồi chiến tranh đã bùng nổ và kéo dài đến tận giữa thế kỷ 17.
Kể thêm vài dòng sử như vậy để bạn đọc hình dung vì sao Pieter Bruegel "người Cha" đã vẽ ra bức tranh kỳ lạ trong bối cảnh thời kỳ cực thịnh của công quốc Brabant chuyển sang giai đoạn đầu của cuộc "chiến tranh 80 năm" đẫm máu và nước mắt.
Bức tranh mùa đông
Kiểm tra dân số ở Bê-lê-hem (The census at Bethlehem), là bức tranh do Pieter Bruegel "người Cha" vẽ và ký "BRVEGEL 1566" bằng sơn dầu trên ván gỗ khổ 116cm × 165cm. Tác giả dường như mang đến một niềm tin giữa mùa đông buốt giá ngay trước thời kỳ tối tăm nhất của quê nhà và dự cảm cái chết khá sớm của chính mình.
Danh họa đã chọn góc nhìn từ trên cao bao quát một xã hội thu nhỏ dưới bầu trời u ám. Bức tranh rất thành công cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng, đến mức sau khi "người Cha" qua đời, Pieter Brueghel "người Con" và xưởng vẽ của ông tại thành phố Antwerp đã làm thêm hàng chục bản sao. Một trong số tranh đó đã được bán đấu giá tới 10 triệu đô la vào năm 2013 và một bức đề năm 1610 đang được trưng bày cùng bản gốc ở Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ tại thủ đô Brussels. Tổng cộng có 8 bản sao lọt vào danh mục của nhiều bảo tàng trên thế giới.
Tranh lấy điển tích theo Kinh Tân Ước ở đoạn thánh Lucas viết "Và trong những ngày đó, hoàng đế Augustus đã ban ra một sắc lệnh bắt cả thế giới phải đăng ký... Vì vậy, mọi người đều đến thành phố của mình. Giô-sép đi từ miền Ga-li-lê ngoài thành Na-za-rét vào miền Giu-đê đến thành Đa-vít, gọi là Bê-lê-hem, bởi vì ngài thuộc dòng dõi vua Đa-vít, để đăng ký với Ma-ri, vợ hứa hôn đang có thai".
Đây là một chủ đề hiếm hoi trong nghệ thuật trước đó. Bruegel đã tả thực quê nhà Hà Lan dưới sự cai trị của vua Tây Ban Nha giữa thế kỷ 16 chứ không phải thành Bê-lê-hem xứ Do Thái dưới ách quan quân La Mã thời bắt đầu Công nguyên. Ông vẽ một phù hiệu hình đại bàng hai đầu (biểu tượng của vua Philip II thuộc gia tộc Hapsburg) trên tấm bảng treo cạnh khung cửa có đám đông chen chúc. Những người đàn ông và đàn bà đang đặt tiền lên quầy. Nên nhớ rằng thời ấy Hà Lan đã phải nộp đến một nửa số thuế của toàn bộ đế chế Hapsburg, tức là gấp bốn lần số thuế của chính quốc Tây Ban Nha.
Đây cũng là một trong những bức tranh phương Tây đầu tiên có cảnh tuyết phủ băng giá. Quả thật Pieter Brueghel "người Cha" đã bắt đầu vẽ nó giữa một mùa đông buốt lạnh nhất của châu Âu. Họa sĩ sáng tác vào thời kỳ tín đồ đạo Tin Lành đang chống lại cả luật lệ Tây Ban Nha lẫn nhà thờ Công giáo. Trong tranh có mấy nhân vật bí hiểm mang vũ khí. Những cảnh bạo lực của lính Tây Ban Nha, đặc biệt là vụ thảm sát người vô tội, đã được thấy trong một số tác phẩm của ông. Sử sách cho biết: năm 1566, vua Philip II đã cử quận công Alba đi đàn áp cuộc nổi dậy và nói rằng thà hiến mạng trăm nghìn người còn hơn là để "dị giáo" lan tràn ở Hà Lan.
Pieter Bruegel đã coi câu chuyện trong Kinh Thánh như một sự kiện đương đại. Bức tranh cũng phản ánh những quan niệm mới về cá nhân và xã hội đang nổi lên vào buổi bình minh của thời Phục hưng, khi mà nhiều họa sĩ bắt đầu thích vẽ các chi tiết thế tục với thú vật, cỏ cây, phong cảnh và chân dung người thường.
Tác phẩm mang tính bình dân và hiện thực sâu sắc. Bruegel đã vẽ Đức Mẹ và thánh Joseph không lớn hơn các nhân vật khác và cũng không ở trung tâm: họ chỉ là hai con người lẫn trong đám đông. Ta thấy những người lớn đang bán hàng, trồng rau, nuôi gà, dựng nhà, chở đồ, đi lại, ăn uống v.v.. Trẻ em thì bày ra các trò chơi dân dã như trượt băng, ném tuyết, đá bóng, đánh quay và vật nhau. Một con lợn đang bị chọc tiết, đám quạ cãi cọ, tranh ăn hoặc lảng vảng ở phía sau. Một cái bát ăn xin đặt trên cây cọc cắm trước túp lều nhỏ, bên trong có người đàn ông bị hủi, căn bệnh khủng khiếp đang hoành hành ở châu Âu.
Bruegel miêu tả một thế giới đầy đau khổ và chuyển động, nhưng luôn luôn có sự cứu rỗi cho trái tim nhân hậu. Chính tâm bức tranh có hai vòng tròn lớn hình bánh xe, được nhiều người coi như biểu tượng của định mệnh hoặc của luân hồi qua cái chết và sự sinh thành. Mary với gương mặt sáng bừng đang choàng khăn áo ấm che chở cho đứa con sắp ra đời. Joseph cũng mặc màu sẫm, vai vác cưa thợ mộc, chân đi bộ trên tuyết trắng và tay dắt lừa chở vợ. Lâu đài đổ nát lộ rõ màu gạch ở phía sau đã được tác giả vẽ lại theo hình các tháp và cổng thành Amsterdam sót lại từ thời Trung cổ.
Trên cành cây cổ thụ trụi lá đang lấp ló vầng mặt trời đỏ như thắp lên những tia hy vọng. Thực tế Chúa đang giáng sinh mỗi ngày ở bất kỳ nơi nào có bé thơ được sinh ra. Amen.
- NCC Đông Tỉnh -
>>> Họa phẩm Ga Saint-Lazarre (1877) của Claude Monet
>>> Họa phẩm "Điểm tâm trên vườn cỏ" (1863) của Edouard Manet
>>> Họa phẩm "Luncheon of the Boating Party" của Pierre-Auguste Renoir"