Phục sức thời Đường
Xét về mặt phát triển kinh tế và văn hóa xã hội phong kiến, thì thời Đường là giai đoạn phát triển thịnh vượng trong lịch sử phát triển văn minh của nhân loại, triều đình khi đó không chỉ áp dụng các chính sách mở cửa đối với nước ngoài, cho phép người nước ngoài đến Trung Quốc làm ăn buôn bán, thu hút lưu học sinh nước ngoài, tham gia thi tuyển làm quan; ngoài ra còn tích cực tiếp nhận văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo du nhập từ nước ngoài, khiến kinh đô Trường An thời đó trở thành trung tâm giao lưu văn hóa. Điều đặc biệt đáng được nhắc đến là phụ nữ thời Đường không phải tuân thủ các quy tắc truyền thống, họ có thể mặc áo cổ rộng hoặc mặc trang phục theo phong cách nước ngoài, hoặc cũng có thể mặc trang phục của nam giới, hơn nữa họ còn được tự do lựa chọn kết hôn và ly hôn. Môi trường xã hội tự do và cơ sở vật chất đầy đủ giúp cho văn hóa thời Đường phát triển mạnh; thơ ca, hội họa, âm nhạc … đều nở rộ. Kế thừa từ đời nhà Tùy, đến đời Đường nghề dệt vải phát triển vượt bậc, kỹ thuật ươm tơ và in ấn đạt đến trình độ khá cao, thời kỳ đó không chỉ số lượng và chất lượng vải đạt đến trình độ cao chưa từng thấy, mà còn xuất hiện nhiều kiểu dáng trang phục được dân chúng ưa chuộng.
Trang phục phụ nữ thời Đường khá phong phú, có thể chia thành ba loại chính sau: váy dài tay bó hẹp, trang phục người Hồ và mặc giả nam. Trong hình là một phụ nữ quý tộc vấn tóc cao, váy dài hoa văn sặc sỡ, khoác dải lụa dài trên cánh tay. (Chu Tấn vẽ)
Trong số những trang phục thịnh hành thời Đường, không thể không nhắc đến phục sức của phụ nữ. Phụ nữ thời đó rất chú ý ăn mặc, họ phát huy tối đa vẻ đẹp của trang phục không phải là dựa vào sở thích nhất thời của mình mà dựa vào bối cảnh xã hội khi đó. Vì vậy, mỗi kiểu dáng đều rất mới lạ, cá tính và tinh tế. Phụ nữ thời Đường chủ yếu mặc ba loại trang phục sau: trang phục thời Hồ được du nhập từ con đường tơ lụa vào, trang phục truyền thống điển hình của vùng Trung Nguyên, ngoài ra họ còn dũng cảm phá bỏ quy tắc lễ nghi của Nho giáo để được mặc trang phục nam.
Hình người phụ nữ quý tộc cưỡi ngựa và người hầu vào giữa thế kỷ VIII.
Trước tiên phải kể đến trang phục truyền thống Trung Nguyên. Đây là loại trang phục áo trên váy dưới. Tuy kiểu dáng không mới, nhưng được thay đổi đôi chút trông khá mới mẻ, ví dụ như thân áo ngắn hoặc dài, cổ áo tròn hoặc vuông hoặc lệch hoặc thẳng hoặc hình tim và đều được cắt sâu để trễ ngực, đây là sự sáng tạo mà trước đó chưa từng có. Ban đầu chỉ có phi tần trong cung và các vũ nữ mặc, nhưng sau đó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới quý tộc. Điều đó cho thấy người thời đó có tư tưởng vô cùng phóng khoáng. Trong kinh điển Nho gia có quy định chặt chẽ về y phục, đó là trang phục phải che kín toàn thân, đặc biệt là phụ nữ phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng với kiểu trang phục trễ ngực trên thì phụ trong các triều đại khác đều không dám nghĩ đến cũng không dám làm.
Hình vẽ người con gái thời Đường trên tấm bình phong của họa gia người Nhật. Điều này cho thấy phục sức thời Đường đã ảnh hưởng đến Nhật Bản.
Thời Võ Tắc Thiên ưa chuộng trang phục thời Hồ, trang phục này có đặc điểm tay áo nhỏ gọn, cổ bẻ ra ngoài, thân áo dài, kết hợp với giày vải mềm.
(Hình ba người được vẽ dựa theo hình trên họa bích trong mộ Vĩ Hạng ở Tây An Thiểm Tây).
Hai nữ họa gia thời Đường là Trương Huyền và Chu Phưởng (không rõ năm sinh năm mất) thường vẽ cung nữ có dáng vẻ tròn trịa xinh đẹp. Trong bức: “Trâm hoa sĩ nữ đồ” (Tranh mỹ nữ cài trâm hoa) của Chu Phưởng, mỹ nữ mặc váy dài, bên trên chỉ khoác một chiếc áo tay rộng vải mỏng, hững hờ che bầu ngực. Nét vẽ chân thực sống động, lột tả vẻ đẹp mong manh và gợi cảm của cánh tay và đôi vai trần của mỹ nữ.
Thời Đường, có thú ngắm hoa mẫu đơn nho nhã, mẫu người đẹp là đàn ông thư sinh, phụ nữ tròn mập, ngựa cũng phải có đầu nhỏ, cổ và vai to mập. Chúng ta có thể thấy trong tranh thời Đường, phụ nữ thường rất mập mạp, vì vậy có những kiểu váy dùng đến sáu, tám thậm chí mười hai miếng vải. Từ đó xuất hiện kiểu váy có eo cao, có khi cao tới át ngực, như vậy sẽ tạo nên kiểu váy xòe tròn, không thấy eo người mặc.
Các nhà thơ cũng có nhiều câu thơ tuyệt tác miêu tả kiểu dáng và màu sắc trang phục thời Đường. Qua những vần thơ có thể thấy màu sắc trang phục thời Đường đó khá phong phú, hơn nữa lại không bị triều đình ngăn cấm nên càng được mọi người ưa chuộng. Những màu như đỏ, cam, tím, xanh đen, xanh lá cây, vàng kim… trong đó màu đỏ thạch lựu được ưa chuộng nhất và được dùng trong khoảng thời gian khá dài. Trong thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đều có nhắc đến màu áo thạch lựu. Trong bài “Yến kinh ngũ nguyệt ca” (Bài thơ tả cảnh Yến kinh vào tháng 5) miêu tả khi đó là mùa hoa thạch lựu đỏ nở rộ, nhà nhà đều mua hoa về nhuộm váy đỏ cho con gái họ, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt. Trang phục màu hoa tuy líp cũng được nhuộm màu từ thân một loài cây, loại cây này không giống cây hoa tuy líp ở vùng Tây Á, mà là cây khương hoàng, cây có mùi thơm, có thể ép thân cây lấy nước nhuộm vải.
Kiểu áo người Hồ được phụ nữ thời Đường ưa chuộng
(Cao Xuân Minh vẽ)
Tương truyền rằng, vào giữa thời Đường có bộ váy lông chim của một cô công chúa, bộ váy này nổi tiếng trong lịch sử phục sức Trung Quốc bởi nó được dệt từ nhiều loại lông chim khác nhau, nhìn dưới ánh sáng ban ngày hay dưới ánh đèn, nhìn thẳng hay nhìn nghiêng đều thấy muôn màu khác biệt, đặc biệt hơn nữa là bộ váy có kiểu dáng của nhiều loại chim, đây có thể được coi là tác phẩm kỳ công độc nhất vô nhị.
Trang phục nam thời Đường chủ yếu có cổ tròn, được dùng rộng rãi trong xã hội, từ hoàng đế đến văn võ bá quan đều có thể mặc trong những buổi yến tiệc, thậm chí loại trang phục này còn được dùng để thiết triều. (Tranh “Đường nhân du ký đồ” (Người thời Đường cưỡi ngựa du ngoạn) được vẽ từ thời Tống.
Trang phục nữ ngoài kiểu áo và váy trên, còn có kiểu áo tay lửng – một loại áo ngắn tay mà thời nay chúng ta thường mặc vào mùa hè, nhưng thời đó, kiểu áo này thường được mặc bên ngoài áo dài tay, nó có tác dụng như áo sát nách. Nhưng vì tay áo cắt lửng đến khoảng giữa cánh tay nên được gọi là áo tay lửng. Khi mặc lên trông khá thướt tha duyên dáng, dáng điệu uyển chuyển.
Phụ nữ thời Đường rất thích khoác khăn choàng trên vai hoặc vắt dải lụa trên hai cánh tay. Khác với dải lụa dài và nhỏ, khăn choàng rộng và ngắn. Có thể tìm thấy dấu vết những chiếc khăn này trên các bức tượng gốm hình nữ thời Đường. Liên quan đến khăn choàng còn có một truyền thuyết thú vị sau: Truyền rằng, xưa có một lần trong bữa tiệc do Đường Minh Hoàng thết đãi quần thần, bỗng có một cơn gió ào tới thổi chiếc khăn choàng của Dương Quý Phi bay lên mũ của Hạ Hoài Trí. Điều đó cho thấy, khăn choàng có thể được làm từ loại vải rất nhẹ, nhưng cũng không loại trừ khả năng có loại khăn choàng mùa đông được đan từ len. Dải lụa còn gọi là “phiêu đới”, nó dài và khá nhỏ, được choàng từ phía sau lưng ra phía trước, hai đầu dây quấn qua cánh tay rồi thả dài xuống dưới. Người đời sau khi vẽ tiên nữ và những thiếu nữ thời xưa luôn vẽ thêm dải lụa thướt tha trên người họ.
Các bước trang điểm của phụ nữ thời Đường
Gương mặt sau khi trang điểm của phụ nữ thời Đường
Kết hợp với váy là giày có mũi hình đầu chim phượng, hoặc giày vải hoặc giày cỏ (tuy là giày cỏ nhưng được tết rất tỉ mỉ, tinh xảo). Có thể tìm thấy chúng trên tranh vẽ hoặc trên các cổ vật được khai quật ở Tân Cương.
Người phụ nữ thời Đường khi mặc váy, trên đầu thường không đội mũ, khi ra ngoài thì đội mũ có khăn che vành. Giai đoạn đầu thời Đường, loại mũ này mới bắt đầu thịnh hành. Nhưng đến thời thịnh Đường, các thiếu nữ không còn thích đội mũ, mà để đầu trần cưỡi ngựa ra đường. Thời đó, có khá nhiều kiểu tóc cầu kỳ như búi tóc mây uốn lượn, búi trôn ốc, búi hình thiên nga, vấn tròn búi hình tam giác, búi cao, búi bán phiên v.v… có tới khoảng 30 kiểu tóc búi, điều đó cho thấy mức độ cầu kỳ của phụ nữ thời Đường. Những kiểu tóc này thường được gọi tên dựa theo kiểu dáng tóc sau khi búi, có một số ít được lấy từ tên của các dân tộc. Ngày nay chúng ta không chỉ thấy hình ảnh những cô gái cài trâm ngọc hoặc hoa tươi hoặc hoa lụa giống như hoa khô trên đầu trong rất nhiều tranh vẽ thời Đường, mà còn có thể thấy qua những hiện vật cổ như hoa lụa và đồ nữ trang vàng bạc trạm trổ tinh xảo.
Tranh lụa được khai quật ở động Tạng Kinh Đôn Hoàng (thế kỷ IX)
Trang điểm trên khuôn mặt không phải do phụ nữ thời Đường phát minh ra, song họ đã đạt đến trình độ trang điểm điêu luyện, cách trang điểm của họ rất lộng lẫy và sang trọng. Họ trang điểm rất kỹ, không chỉ thoa phấn, kẻ chân mày, đánh phấn má hồng, thoa son môi, mà còn dán một miếng giấy vàng hình trăng khuyết trên trán, gọi là “ngạc hoàng” (hay còn gọi là “nha hoàng”). Tương truyền rằng đó là do mô phỏng theo cách trang điểm mặt vàng của dân tộc Tây Bắc. Cách vẽ chân mày cũng rất đa dạng, tương truyền vua Đường Huyền Tông từng ra lệnh cho 10 người thợ vẽ 10 cặp chân mày khác nhau, đây cũng là một câu chuyện của lịch sử phục sức gắn với vị vua phong lưu mà ít người biết đến. Cặp chân mày còn được gắn với những cái tên mỹ miều như “uyên ương”, “tiểu sơn”, “tam phong”, “ngũ nhạc”, “thụy châu”, “phất vân”, “nguyệt lăng” v.v… và những cái tên dân gian cũng rất đẹp như lông mày lá liễu, lông mày trăng khuyết, lông mày chữ bát v.v… Ngoài vẽ hai đường chân mày, ở giữa hai chân mày cón dán lông chim, giấy đen ánh bạc, vỏ ốc, giấy vàng, xương cá, đá vân mẫu v.v… hoặc dùng màu trực tiếp vẽ lên trán; đuôi chân mày còn vẽ một đường chỉ màu hồng. Dùng son tô môi thành nhiều hình khác nhau, ở gần khóe miệng còn điểm hai hình tròn nhỏ màu hồng bằng hạt đậu, đó gọi là “diệp”. Sau thời thịnh Đường, hai hình tròn nhỏ này ngày càng được vẽ lớn hơn và sát hai bên cánh mũi, với nhiều hình thù khác nhau như hình đồng xu, hình hạnh đào, hình cánh chim, hình bông hoa v.v… Trên những bức bích họa trong 61 hang động ở Mạc Cao Quật thời kỳ Đôn Hoàng Ngũ Đại có thể thấy rất nhiều hình ảnh những người phụ nữ với “gương mặt trái xoan được trang điểm nhẹ và có rất nhiều hình hoa ngang dọc được vẽ trên mặt”.
Các kiểu vẽ chân mày qua các thời kỳ nhà Đường
Những kiểu trang điểm này không phải đều được sáng tạo ra từ thời Đường, một số kiểu lưu truyền trong truyền thuyết và trong những câu chuyện xưa cảm động lòng người. Ví dụ như kiểu hoa dán trên trán, tương truyền rằng vua Tống Vũ Đế thời Lưu Dụ Nam triều (363-422) có nàng công chúa tên Thọ Dương. Ngày 7 tháng giêng năm nọ, công chúa đang đứng ở điện Hàm Chương (có truyện viết công chúa đang nằm trong điện), thì đột nhiên một cơn gió nhẹ thổi những cánh hoa mai bay tới dính vào trán công chúa, trông rất đẹp, kỳ lạ là gỡ không ra, rửa cũng không mất. Từ đó trong dân gian bắt đầu thịnh hành kiểu trang điểm “Thọ Dương” (hay còn gọi là kiểu “hoa mai”). Kiểu trang điểm này đã được lưu truyền trong khoảng thời gian dài từ thời nhà Đường cho đến đời nhà Tống. Lý Phức Ngôn thời Đường đã ghi lại trong “Tục huyền quái lục – định hôn điếm” câu chuyện sau: Có người đàn ông tên Vĩ Cố, một lần trên đường đi qua thành nhà Tống, anh ta dừng chân ngủ lại ở một căn nhà trọ. Tôi hôm đó, anh ta nhìn thấy dưới ánh trăng có một cụ già đeo một cái túi đựng rất nhiều sợi tơ hồng đang ngồi chơi. Theo truyền thuyết của người Trung Quốc thì cụ già đó là ông Tơ, người đi se duyên cho những đôi nam nữ yêu nhau và trở thành vợ chồng. Vĩ Cố liền bước đến hỏi cụ già ấy rằng vợ của mình là ai, cụ già mở sổ ra xem một hồi rồi nói vợ của anh ta là một người bán rau ở phía Bắc thành, bấy giờ cô bé đó mới 13 tuổi. Vĩ Cố nghe vậy rất tức giận, liền sai người hầu đi sát hại cô bé đó. Trong lúc vội vã, anh người hầu chỉ làm cô bé bị thương ở giữa trán. Hơn mười năm sau, Si Sử Vương Thái thấy Vĩ Cố là người đáng tin cậy liền gả con gái nuôi cho anh ta, trên trán cô gái đó luôn dán một bông hoa vàng. Tối đến, sau khi đã cởi bỏ hết nữ trang, cô dâu vẫn giữ nguyên bông hoa trên trán. Vĩ Cố lấy làm lạ hỏi mới biết đó chính là cô bé năm xưa bị chính anh ta sai người đi giết. Đây chỉ là một câu chuyện truyền kỳ, nhưng có thể thấy, thời đó người phụ nữ đã có thói quen trang điểm vào ban ngày.
Khi phụ nữ thời Đường cho rằng trên mặt không còn chỗ nào có thể vẽ được nữa, thì thói quen trang điểm trên mặt vẫn được ưa chuộng. Trong “Tân Đường thư – ngũ hành chí” có nhắc đến việc từ sau giai đoạn thời Trung Đường, phụ nữ không còn thịnh hành kiểu trang điểm thoa phấn mà lấy cao đen thoa lên môi.
Nếu như xiêm áo của phụ nữ hoa lá rườm rà thì trang phục nam giới hoàn toàn ngược lại. Thời nhà Đường, thanh niên thường chít khăn trên đầu, mặc áo cổ tròn, lưng thắt dây, chân đi bốt da. Khi mặc kiểu trang phục này, trông người đàn ông trở nên phong độ, hoạt bát mà không mất đi sự nho nhã, còn người phụ nữ khi giả trang trông cũng không bị khô cứng mà vẫn mềm mại uyển chuyển. Mặc dù, trong kinh điển Nho gia từ lâu đã quy định “nam nữ không được mặc chung đồ”, nhưng hình ảnh nữ nhi mặc trang phục nam giới thời Đường rất phổ biến.
Tranh “Triều Nguyên tiên trượng đồ - Lạc bộ”
Trang phục thời Đường đã trải qua một quá trình phát triển rực rỡ. Ngày nay chúng ta quen gọi “khâm áo” với tên thông thường “trang phục thời Đường”, và coi đó là phục sức truyền thống Trung Quốc, nhưng đó cũng chỉ là một cách nói nhằm tôn vinh thời kỳ nhà Đường. Trên thực tế, trang phục kiểu thời Đường hiện đại vẫn không thể sánh bằng những bộ trang phục muôn màu muôn vẻ lộng lẫy trong thời kỳ đó. Khi đó, nó được xếp vào hàng “ông hoàng trang phục của vạn nước”, có thể nói đất nước Trung Quốc thời Đường là vương quốc của phục sức.
>>> Nguyên tắc thiết kế thời trang
>>> Phương pháp làm thời trang