Tác phẩm “Trên cánh đồng buổi sớm mùa thu”
của Vanky Ng. (Phần 2)

IV - VỀ KỸ THUẬT SƠN VÀ MÀU SẮC

a / Màu sắc trong tranh: 

Trong tác phẩm này ngoài ánh sắc của kim loại vàng, bạc phổ dụng, họa sĩ VanKy Ng. vẫn trung thành với sắc màu nâu bánh mật (caramel), xanh dương (cobalt) hòa sắc cùng chất liệu sơn ta cho ra một bản màu trầm ấm kín đáo rất cá biệt mà ta thường gặp trong tranh của ông (Hình 01). Một sự phối sắc mực thước có tư duy, có chủ đích, không rực rỡ bóng bảy, cũng không đa sắc nổi trội theo phong cách sơn mài truyền thống mà cả là một sự nền nã, dung dị kín đáo, phù hợp với ý tưởng triết lý nhân sinh quan cùng những khái niệm dân gian mà tác giả đã áp đặt. Một bảng màu thâm trầm yên ả, khởi nguồn từ màu xanh dương xậm đánh trải phủ kín hết lớp màu đen vốn có của vóc rồi tiếp đến lớp xanh dương nhạt chồng lên và sau cùng là nâu bánh mật dàn trải từng mảng, từng vùng kết hợp với kỹ thuật mài để lộ những đường nét rạch cào chắc khỏe điểm xuyết tạo hình sự vật, cùng hình thể ảo thị lung linh làm cho người thưởng lãm không thể vội vã mà cứ phải từ từ như vết dầu loang chậm rãi ngấm dần từ mảnh này sang mảng khác như thể tranh thủy mặc đơn sắc phô diễn đường nét, sắc độ đạm nhạt và độ loang của mực. Giản đơn, mộc mạc nhưng chắt lọc. Mọi sự được phối hợp và phân bổ hợp lý nên nó luôn mang đến một giá trị tích cực. Một sắc tính rất thích hợp để triển khai ý niệm về thời gian đang chuyển biến ở vào khoảnh khắc nhất định của buổi hừng sáng. Khi cảnh vật vẫn nhạt nhòa còn ấp ủ trong màn sương sớm. Thời điểm mà vầng dương đang dần lên cao lan tỏa những tia nắng mạnh mẽ (ánh vàng) xua tan đi màn sương sớm, mang sự ấm áp (màu nâu bánh mật) đến cho muôn loài nhưng chưa đủ sức chiếm lĩnh hoàn toàn trên cánh đồng lúa mà vẫn còn bị níu kéo bởi bầu không khí mát mẻ se lạnh (màu xanh cobalt) buổi hừng đông của mùa thu. Có thể nói là hai gam màu chủ: Nâu (caramel) và xanh (cobalt) cá tính của họa sĩ VanKy Ng. cùng với chất của sơn mài khi ứng dụng để hình thành tác phẩm "Trên cánh đồng buổi sớm mùa thu" đầy triết lý nhân sinh này rất phù hợp, bởi tính mộc mạc dung dị của nó và cái quan trọng hơn cả là nó đã diễn cảm được cái diện mạo thời gian buổi hừng đông đang chuyển mình xóa dần đi ánh đêm. Một sắc diện không quá tối cũng không quá sáng, nó vừa đủ để biểu hiện cho vùng trời còn bãng lãng sương mai. Điều này đã gây được ấn tượng mạnh cho người thưởng ngoạn, mang đến một cảm súc thị giác mới mẻ về màu thời gian trong không gian buổi sớm mà cái se lạnh đang dần trở nên ấm áp bằng hội họa của VanKy Ng.

Ở phần màu sắc có thể phân ra hai loại: Màu sơn và chất liệu kim loại.

- Thuần chất màu. Ta thấy có số màu tiêu biểu ông thường dùng như: Màu xanh dương (cobalt), xanh dương nhạt và màu nâu (caramel), tất cả nằm dưới lớp sơn phủ cánh gián được giao thoa theo súc cảm khi mài cho ra những biên độ cận sắc đa dạng được dàn trải trên bản diện tác phẩm, cho thấy cả một vùng không gian khoác lên một mảng màu có sắc trầm ấm, dịu dàng mát mẻ, êm đềm đến kỳ lạ. Có lẽ do sự phối màu theo sở thích mà thành nét đặc trưng. Phải chăng màu của VanKy Ng. là vậy. ( Xem hình 01).

- Về chất liệu kim loại. Ở đây tác giả đã có sử dụng đến vàng bạc quỳ. Chất liệu không thể thiếu trong sơn mài truyền thống Việt. Với sắc thái rực sáng mạnh mẽ vốn có của chất liệu kim loại làm cho các chất màu khác đứng bên cạnh bị nhấn chìm rất thê thảm. Do vậy cách dùng vàng bạc quỳ phải có kinh nghiệm, có sự nghiên cứu sâu rộng, nắm bắt được tính chất của nó mà đặt để sao cho hợp lý. Việc này đòi hỏi bản lãnh cùng tay nghề của người thực hiện.

- Tính âm dương trong chất liệu kim loại.

Tính âm dương thông qua ánh sắc của kim loại được thể hiện dưới hình thức. Khi đúng chiều hấp thu ánh sáng từ bên ngoài vào. Ánh kim loại sẽ rực lên do tính phản quang. Khi không đúng chiều sáng, ánh kim loại sẽ chìm tối đi vì không có sự hấp thu. Hai dữ kiện này phối hợp hỗ trợ cho nhau rất triệt để mang đến sự sinh động và nhịp sống cho tác phẩm mỗi khi góc nhìn thay đổi.

Chất liệu kim loại vàng bạc được tác giả áp đặt theo quan niệm “Âm/Dương” dùng cho việc mô tả chiều ánh sáng ngoài thực tại lên sự vật trong tác phẩm rất triệt để. Thể hiện qua ráng mây buổi sớm, của những ánh nắng hắt đọng lên mọi vật trong tranh. Khi lớn-nhỏ, mảnh-dày, mờ-tỏ, tụ-tan, gần-xa cho từng nơi chốn thông qua kỹ thuật dán sống, đánh nhiều lớp nhiều lần tuần tự trước sau. Cùng trên một mảng nhưng lại có rất nhiều biên độ lộ sáng đan xen, chồng lấp lên nhau một cách khéo léo và nhịp nhàng. Tác giả chủ ý khống chế chất liệu kim loại cho phù hợp với diện mạo của từng mảng, từng vùng thật kín kẽ. Sự phủ mài ở mức độ cần thiết, có tính toán tiết giảm bớt độ bóng của sơn ta, phát triển độ óng ả của chất liệu vàng bạc trong tầm mức nhất định, phù hợp với từng góc độ bắt sáng, luôn dung hòa được với độ bóng của chất sơn ta. Tránh bớt chuyện bị ánh sáng mạnh từ bên ngoài làm lóa mất những chi tiết, mất đi sự lung linh sống động của chất liệu trong tác phẩm khi đứng từ xa ngắm nó. Chính điều này cho ta thấy tranh sơn mài của họa sĩ VanKy Ng. luôn có độ bóng vừa phải. Đó cũng là một yếu tố riêng của tranh sơn mài VanKy Ng.

vanky 19
Hình 11. Chi tiết thân và cành được mô tả cực kỳ phức tạp
và kỹ năng sử dụng chất liệu vàng bạc
để diễn cảm ánh sáng hắt lên sự vật. 

 

vanky 20

Hình 12. Chủ thể của tác phẩm và không gian tổng quát bên mé phải. Những ánh của kim loại vàng do sự gán ghép vào từng vị trí, từng khu vực để thấy được tính chất của từng vật thể. Nó phô diễn được trọn vẹn kỹ năng xử lý chất liệu của tác giả.

 

vanky 21

Hình 13. Không gian tổng quát mé trái. Kỹ thuật xử lý chất liệu vàng quỳ, với nhiều cấp độ ửng lên phía sau khóm tre và rặng cây, mái nhà cho thấy công phu và tay nghề điêu luyện của tác giả.

 

vanky 22

Hình 14. Phần thân tre và nhánh, được mô tả bằng những đường rạch bởi vật sắc nhọn cho thấy tốc độ nhanh gọn, chính xác ra sao trong lúc thực hiện việc tạo hình cho cây tre. Đây cũng là nét riêng của họa sĩ VanKy Ng..

b/ Kỹ thuật sơn mài.

Với tinh thần và kỹ thuật sơn mài truyền thống sử dụng trong tác phẩm này được tác giả tuân thủ một cách triệt để, không có dấu hiệu của sự cách tân trong chất liệu.

- Trong công đoạn thực hiện, ông đã cho chồng lấp lên nhau nhiều lớp sơn ở diện rộng dàn trải trên bề mặt tác phẩm: Lớp đầu tiên là màu xanh dương (cobalt) xậm, kế tiếp cũng là màu xanh cobalt nhưng sắc độ nhạt hơn và sau cùng là màu nâu sữa (caramel). Không sử dụng ốp vỏ trứng, nhưng có dùng chất liệu kim loại vàng bạc dưới hình thức lá và bột qua cách chôn, rắc trước sau dưới nhiều lớp phủ có tính toán kỹ lưỡng, dùng đúng nơi đúng chỗ. Khi mài bắt các chất liệu nói rõ chức năng và nhiệm vụ, phát huy hiệu ứng sắc độ tích cực dưới nhiều trạng thái, không lạm dụng một cách tràn lan vô ý thức. Chính điều này mà ánh sáng kim loại vàng bạc và từng mảng màu khi tác giả mài lấy bớt lớp bên trên đi nó đã ửng lộ nhiều sắc độ của lớp dưới. Do đó mà tranh của VanKy Ng có sức truyền tải và lôi cuốn là vậy. Ông cũng dùng ánh vàng dưới lớp sơn phủ làm lớp đệm để tạo chiều sâu cho khoảng không gian ngút mắt.

- Những chỗ mài đứt cho lòi vóc hay mài mới cho lớp màu bên dưới lộ lên có chủ ý từng nơi chốn, đó không phải là quá tay dẫn đến bại bút mà là điểm dừng đúng lúc, đúng nơi chỗ và rất hợp lý, đó cũng là sự dàn xếp rất hiệu quả để diễn cảm khối mảng cho sự vật. Một cách khai thác tính chất chỉ thấy được ở sơn mài rất có bản lãnh của tác giả khi cho chúng phối hợp với các dữ kiện khác để tạo nên sự sinh động cho toàn thể tác phẩm.

- Kỹ năng cạo rạch sau khi tản màu cho lộ mặt vóc, thay cho nét vẽ đã lột tả được cốt cách mảnh nhưng mạnh mẽ thẳng vút của thân cây tre, tạo hiệu quả chuyển động uốn lượn, vờn nhau nơi những mảng sóng lúa, bờ cỏ, cho thấy chúng như đang nghiêng ngả trước những trận gió rất ấn tượng. Một nét sáng tạo trong việc tạo hình của tác giả, nó phô diễn một kỹ năng điêu luyện, nhanh gọn chính xác rất mới mẻ trong kỹ thuật sơn mài truyền thống, nó cũng bộc lộ được bản lĩnh của người từng trải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Điều này đem lại một điểm son cho tranh của họa sĩ VanKy Ng..

- Kỹ thuật dùng bút vẽ màu dưới dạng vuốt mỏng và dặm màu mịn màng nên khi mài xả tạo mặt phẳng không bị gợn tạo điều kiện thuận lợi cho phần mài xả và đánh bóng.

- Độ bóng của tác phẩm này chỉ tương đối do chủ ý tác giả, nó cũng góp phần tạo thành nét riêng của họa sĩ VanKy Ng. 

V - TÁC PHẨM MÔ TẢ CẢNH BUỔI SÁNG HAY BUỔI CHIỀU?

Nhìn vào ráng mây rực rỡ cuối trời trong tác phẩm làm cho mọi người băn khoăn không rõ đây là cảnh trí buổi sáng hay buổi chiều, bởi vì khi mặt trời mọc hay lặn đều xảy ra hiện tượng có ánh sáng le lói từ đường chân trời. Do không có chứng cứ hay bút tích của tác giả để lại chỉ rõ cho việc “ Buổi sáng” hay “buổi chiều” cho nên ta cần phải tìm hiểu điều này qua hình ảnh được dàn trải trên tác phẩm.

Cảnh trí đồng quê có rặng cây lũy tre, rải rác đây đó thấp thoáng những mái nhà tranh rất xa bên rìa cánh đồng lúa bát ngát lớp lớp viễn ảo đuổi nhau chạy dài về phía chân trời rực rỡ nắng vàng. Rải rác đây đó những trẻ mục đồng, đứa dắt trâu trên bờ ruộng, đứa thì thong dong ngồi trên lưng trâu xem chúng đang gặm cỏ, đứa thảnh thơi thổi sáo dưới bóng cây..v..v… Hoạt cảnh thật êm đềm  và vô tư, cho thấy nhịp sống bình thản không chút gì vội vã, gấp gáp. Những sinh hoạt của đám mục đồng chăn dắt cho trâu ăn cỏ đang diễn tiến trên cánh đồng rất xa với những mái ấm gia đình dưới ánh sáng rưc rỡ cuối trời. Đó chính là điều tác giả khẳng định cảnh trong tranh đang xảy ra vào buổi sáng. Vì nếu là buổi chiều thì đám trẻ mục đồng phải dắt trâu trên đường hướng về nhà, không thể nhởn nha như thế khi ráng chiều sắp tắt mà mái ấm gia đình còn rất xa như trong tác phẩm cho thấy. Đây cả là sự tinh tế của tác giả trong nghệ thuật ẩn dụ. Một sự biểu lộ ẩn ý bằng hình ảnh thông qua bút pháp hội họa không phải ai cũng nắm được để mà thực hiện và trong một số bộ môn người ta cũng thường hay chọn hình ảnh " quay về " để mô tả cho "Buổi chiều". 

Tóm lại với những hình ảnh đã diễn đạt trong  tác phẩm "Trên cánh đồng buổi sớm mùa thu" này, đã cho thấy rất  rõ là họa sĩ VanKy Ng. mô tả cảnh sắc sinh hoạt của buổi sáng. Không phải là buổi chiều và tựa đề "Trên cánh đồng buổi sớm mùa thu" do người viết áp đặt khi đọc những ẩn ngữ trong tác phẩm này của họa sĩ VanKy Ng. (5)

VI - KẾT LUẬN:   

Đây là một tác phẩm sơn mài có kỹ năng tốt, ẩn chứa tư tưởng hay. Với bút pháp rất già dặn, cực kỳ tinh tế cho thấy đây là tác phẩm được ra đời trong thời kỳ đỉnh cao trong cuộc đời làm nghệ thuật của họa sĩ VanKy Ng.. Những ý tưởng nảy sinh được thực hiện bằng thuật ngữ sơn mài truyền thống qua các phần: Tư tưởng, bút pháp, hình họa, phối cảnh, bố cục, màu sắc và kỹ thuật sơn mài rất hoàn hảo, chỉn chu đến từng tấc vuông trên mặt vóc đã lột tả được hết những ý đồ của tác giả. Bản thân tác phẩm tự khẳng định được đẳng cấp trong làng sơn mài một cách trung thực nhất, không qua sự tán tụng có ý thức. Nó đã gieo được ý niệm tốt đẹp vào tâm hồn người thưởng ngoạn và mãi mãi vẫn như thế với thời gian. Tóm lại không cần bày tỏ nhiều. Với những gì để lại, ta có thể xem đây là một trong số tác phẩm trác tuyệt, nền tảng tạo dựng tên tuổi cho họa sĩ VanKy Ng. trong làng hội họa Việt Nam nói chung và về mảng sơn mài nói riêng về họa sĩ VANKY NG. Ta cũng khẳng định được rằng. Bộ tranh sơn mài này là do họa sĩ VanKy Ng. thực hiện toàn bộ từ A đến Z. Không qua tay ai khác.   

VII - CHỮ KÝ VÀ LÝ LỊCH TÓM LƯỢC CỦA TÁC GIẢ

Chữ ký của họa sĩ VanKy Ng. trong tác phẩm “Cánh đồng buổi sớm mùa thu” được viết ở tấm thứ tư tính từ bên trái sang. Quan sát kỹ cho thấy chữ ký này được viết sớm trên nền vóc trước khi tác phẩm hoàn thành. Việc không thấy ông vẽ thêm con triện bên dưới chữ ký như cách ông đã thực hiện trên một vài tác phẩm khác cũng là điều bình thường. Bởi con dấu triện này được viết bằng tay lên mặt vóc chứ không phải dùng con dấu để đóng lên, do đó nó có độ sai biệt rất lớn cho mỗi lần viết. Không thể dùng nó cho việc truy xét. Vì vậy có hay không con dấu triện. Đó không phải là yếu tố quan trọng trong việc giám định tranh của họa sĩ VanKy Ng.. 

 

vanky 23

Hình 15. Chữ ký trên tác phẩm "Trên cánh đồng bưởi sớm mùa Thu", được tác giả ký rất sớm trên mặt vóc trước lúc hoàn thành tác phẩm. Không có viết thêm dấu triện.

vanky 24
Hình 16. Chữ ký có viết thêm dấu triện trên bộ tranh
"Làng quê bên sông buổi sớm mai"

vanky 25
Hình 16a. Làng quê bên sông buổi sớm mai.

 

vanky 26

17. Chữ ký có viết thêm dấu triện trên bộ tranh " Ngũ hổ "

vanky 27
Hình 17a. Ngũ hổ.

vanky 28
Hình 18. Tóm lược lý lịch tác giả VanKy Ng. trên catalogue
của cuộc triển lãm tranh năm 1994. Tại Saigon.

KẾT LUẬN:  Trong quá trình sáng tác trong đời một họa sĩ. Không phải lúc nào tác giả cũng thực hiện được tác phẩm chứa đựng được nhiều mỹ tính có đẳng cấp nghệ thuật và tư tưởng. Chính vậy mà nó xảy ra tình trạng... "Tranh hời hợt" và "tranh đẹp". Có nên phân biệt giữa thời kỳ đỉnh cao với thời bóng xế của một tác giả? Giữa tác phẩm nghệ thuật thâm thúy sâu lắng với tranh mô tả trạng thái hữu thể mới lạ? Sự phải gạn đục khơi trong cũng đã làm cho người sưu tập bị trăn trở và nhức nhối rất nhiều. Cho nên khi sở hữu được tác phẩm nó có hàm chứa giá trị nghệ thuật đích thực cũng là điều may mắn cho chủ nhân.   

(1) Giồng là thuật ngữ gốc Nam bộ dùng để chỉ vùng đất pha cát, nổi cao hơn mặt ruộng. Diện tích rộng hẹp tùy thuộc vào diện mạo địa dư của vùng. Vì đất mang tính chất xốp nên ngoài việc dựng nhà trú thân, con người thường dùng cho việc canh tác các loại cây ăn trái, hoa màu phụ, dưa, đậu hạt, khoai ..v..v...Vùng đất giồng cũng ít chủng loại có thân thụ mộc lớn, có lẽ vì đất xốp dễ bị gió mạnh làm bật gốc nên ít người trồng chứ không hẳn là không có.

(2) Trong hội họa của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng khi họa sĩ muốn vẽ tranh có khổ lớn nhưng vì vật tư không có được như ý nên đa phần là phải chọn các nguyên vật liệu có kích thước gốc như thế nào đó, rồi mới đem ghép chúng lại với nhau để cho ra một diện tích rộng. Trong lĩnh vực này không bắt buộc phải là bao nhiêu mà tùy theo nhu cầu của họa sĩ. Loại này được gọi là tranh "Bộ". Có thể là "bộ đôi", "bộ tam", bộ "tứ", bộ "lục"..v..v...Hoặc có thể chia ra để vẽ từng tấm riêng lẻ rồi ghép thành bộ. Sơn mài của Việt Nam cũng dựa theo tiêu chuẩn này mà thực hiện.

(3) Trong tác phẩm này. Trời và đất là hình dáng rõ nhất của tính âm dương. Cây lớn và nhỏ là biểu lộ hình tướng diễn tiến từng bước của đời sống. Cũng như xanh sậm, vàng nhạt trên cánh đồng đó là sắc thái của sự sống muôn loài chuyển biến qua từng giai đoạn theo chu kỳ tuần hoàn từ non trẻ đến trưởng thành. Bản chất đặc thù của âm dương không những chỉ có trạng thái dị biệt mà còn có sự hỗ tương và thúc đẩy quá trình chuyển biến trong đời sống vạn vật nữa. Có nghĩa là trong non trẻ có sự thúc đẩy để trưởng thành. Trong già cỗi đã có sự nảy mầm đơm hoa để duy trì sự sống và sự kiện này nó hiển lộ rất rõ trong đời sống vạn vật. Không đơn giản như sự đối lập giữa hai yếu tố tĩnh tướng của tương phản.   

(4) Kiểu thức chủ tớ trong tranh thủy mặc. Chủ bao giờ cũng vẽ to lớn, phận tôi tớ luôn luôn được vẽ nhỏ hơn, trông rất khó chịu so với luật viễn cận hiện đại. Hình ảnh này thấy rất rõ trong cách mô tả nhân vật trong tranh cổ Trung Quốc. Ở đây chủ đề cũng được đặc tả và vẽ to lớn hơn cả nhưng để triển khai ý muốn nói đến tính chất của mùa thu chứ không mang ý niệm chủ tớ.

(5)  Ở đây cũng cần nêu lên một vấn đề trong việc. Đọc, nhận định hay phê bình. Có chăng là chuyện áp đặt tư duy của người viết vào tác phẩm? Điều này không phải là chuyện bất khả! Bởi việc thưởng lãm nghệ thuật hay bình phẩm nó giống như thày bói mù sờ voi. Tất cả mang khuynh hướng chủ quan nên đôi khi nó cũng có chiều lệch khó tránh. Việc nhận xét, đọc hay phê bình muốn được xem là chân chính, phải là sự cảm nhận chủ quan trung thực vô tư, vị nghệ thuật. Là sự đào sâu phân tích, đọc được những ẩn ngữ chứa đựng nơi những mô thức hiện tồn trong tác phẩm một cách hợp lý lẽ, có khoa học. Còn như vị lợi mà cố tình áp đặt những điều vô thể, vô thức, vô căn nguyên trở thành hữu thể, hữu thức bằng lý luận thiếu vắng khoa học thì chuỵện này cũng không thể cấm cản một ai đó làm điều họ muốn "áp đặt"!  Vì vậy! Đây là chuyện luôn phải có tính vô tư từ mọi phía khi trực diện với chủ đề. Cần phải khách quan và sáng suốt mà quán thu, nhận định những gì đã được phơi bày trước mắt để đánh giá thực hư sự việc có chuyện "áp đặt" hay không. Nên hiểu cho! Trong hội họa hay bất kỳ loại hình nào khác, không phải lúc nào cũng có dịp đọc hay được nghe những lý giải bởi người tạo tác mà đa phần ta bắt gặp chuyện này ở những nhận xét, phê bình chủ - khách quan của tha nhân trên sách báo hoặc thông tin đại chúng. Ở những tác phẩm có thể tính vượt trội của các bậc thầy thường cho thấy. Ngoài chất mỹ thuật ra trong nó luôn hàm chứa thêm tính triết-văn cùng những ẩn ngữ bác học trong cách thể hiện. Họ sẽ không bao giờ muốn tự đóng khung tư tưởng của mình bằng những lý giải dưới bất cứ hình thức nào, mà luôn để cho người thưởng ngoạn tự chiêm nghiệm và bay bổng với tư duy của bản thân thông qua những hình tướng mang tính gợi ý được tác giả dàn trải trong tác phẩm. Làm như thế, việc thưởng ngoạn sẽ được đa dạng hóa, phong phú hóa không bị khô cứng, không bị đóng khung bởi những lời diễn giải trần trụi, đôi khi giết chết tác phẩm chỉ vì mọi chuyện đã quá rõ ràng, không còn gì để nói... 

- Sưu tầm -

>>> Tác phẩm "Trên cánh đồng buổi sớm mùa thu" (Phần 1)

>>> Tác phẩm "Tĩnh vật với ly bia" của Fernand Leger

>>> Tác phẩm "Mục tiêu bốn mặt" của Jasper Johns

0976984729