Cách sử dụng quy tắc 1/3 trong hội họa (phần 2)
Trong phần trước, chúng ta đã thấy nguyên tắc một phần ba được sử dụng như thế nào trong các tác phẩm nổi tiếng. Ở phần này, bạn sẽ học được cách sử dụng quy tắc một phần ba để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình trong ba chủ đề thường gặp là tĩnh vật, kiến trúc đô thị và chuyển động của cơ thể người.
Tĩnh vật
1. Sắp đặt mẫu vật theo quy tắc một phần ba
Bạn cần bắt đầu bằng cách sắp xếp các mẫu vật nằm ở vị trí các giao điểm và dọc theo các đường chia. Bạn có thể thấy quả cam được đặt ở giao điểm trên phải trong khi quả chuối được đặt dọc theo đường chia dưới với một đầu được đặt ở giao điểm dưới phải, tạo ra một điểm nhấn sinh động cho bức tranh.
2. Sử dụng các đường chia và giao điểm làm mốc
Bước tiếp theo bạn cần tạo ra một bản phác họa dựa theo những đường chia và điểm mốc đã xác định ở bước trước. Bạn cũng có thể dựa vào chúng để phân định các khu vực có mức độ sáng tối khác nhau như bạn có thể thấy ở trên đây.
3. Lên khối
Ở bước này, bạn cần xác định rõ ràng các khối hình bằng cách thêm nhiều màu bão hòa vào các khu vực bóng tối và khu vực chuyển tiếp. Bạn cũng nên thiết lập ranh giới các khu vực này song song với các đường chia ngang. Điều này cho phép bạn tăng cường cảm giác về sự liên kết giữa các khối hình với nhau.
4. Thêm màu
Ở bước trên, chúng ta đã sử dụng tông màu tối để tạo nên bộ khung cho bức tranh. Ở bước này, bạn cần dựa vào đó để bổ sung những màu còn thiếu. Bạn cũng cần chú ý những điểm nhấn và đường chia khu vực có mức độ sáng tối khác nhau.
5. Hoàn thiện bức tranh
Để hoàn thành bức tranh, bạn cần thêm một số tông màu nhẹ và tăng ánh sáng ở các điểm nhấn. Bạn có thể thấy trong bức tranh này, ánh sáng đang phủ ở khu vực 2/3 x 2/3 bức tranh và tăng dần đến vị trí giao điểm. Điều này thu hút sự chú ý của mắt đến điểm nhấn của bức hình.
Kiến trúc đô thị
1. Căn chỉnh lưới cho phù hợp với kiến trúc thực tế
Ở đây chúng ta sẽ hơi 'phá vỡ' quy tắc một phần ba bằng cách sử dụng nó theo chiều dọc thay vì chiều ngang. Như trong bức hình này, chúng ta phải đặt các cấu trúc ở phần đỉnh của ngọn tháp nằm ở một phần ba giữa trên để tạo ra sự cân bằng và bất đối xứng trong bức tranh.
2. Vẽ phác họa
Bạn sẽ bắt đầu bức tranh bằng vẽ phác họa. Lúc này, bạn nên dịch chuyển đối tượng trung tâm sang phải một chút làm tăng mức độ bất đối xứng và dễ dàng xác định được vị trí đối tượng trên đường chia phải. Tương tự, bạn cần sắp xếp các đối tượng ở khu vực chân tháp nằm ngang mức các đường chia.
3. Xác định các khu vực chính
Tiếp theo, bạn sẽ dùng màu cam để làm nền và thêm màu tối để thể hiện các khối hình. Bước này giúp bạn cố định vị trí của các đối tượng chính như ngọn tháp ở trung tâm và các tòa nhà ở 1/3 dưới. Điều này tạo ra sự tương phản với khu vực ánh sáng chiếm 2/3 bức tranh.
4. Thêm màu sắc và ánh sáng
Ở bước này, bạn sẽ cần thêm màu sắc và ánh sáng để làm bức tranh chân thực hơn. Hãy tập trung vào các khối hình đã được xác định ở trên. Đỉnh của ngọn tháp cần màu tối hơn để nhấn mạnh vai trò trung tâm của nó, trong khi phần chân tháp lại cần một chút ánh sáng để phân biệt với khu vực xung quanh. Ánh sáng trên bầu trời lúc này có vài trò làm tăng độ tương phản với những khu vực ở 1/3 dưới của bức tranh.
5. Hoàn thiện các chi tiết
Để hoàn thiện bức tranh, bạn cần bổ sung chi tiết lên nền đang có màu tối bằng cách sử dụng thêm màu sắc và kĩ thuật. Làm sạch các đường viền trong cấu trúc tháp trung tâm và sử dụng đường chia trên như một đường mốc để giúp bạn đặt các chi tiết nhỏ được chính xác. Chúng sẽ tăng cảm giác về chiều sâu và sự chuyển động, từ đó khiến bức tranh trở nên hấp dẫn hơn.
6. Sử dụng quy tắc một phần ba trong các phân khu
Bạn có thể tiếp tục sử dụng quy tắc 1/3 cho các phân khu như trong hình trên đây. Mái của tháp trùng với đường chia trên của phân khu giữa trên. Phần thân tháp chiếm 2/3 chiều ngang của phân khu trung tâm. Bạn cũng có thể nhận thấy nhiều chi tiết, khối màu sắc và đường nét ở các phân khu khác cũng sử dụng quy tắc này.
Chuyển động của người
Ví dụ cuối cùng này là hình ảnh của một võ sĩ đang đấm bốc bằng màu nước, nhấn mạnh lực tác động và chuyển động của cơ thể bằng cách sử dụng sự bất đối xứng được tạo ra bởi quy tắc một phần ba.
1. Dựng các trục chuyển động chính
Hãy bắt đầu bằng cách vẽ phác họa và tạo các khối màu sao cho những trục chuyển động chính trên cơ thể gần trùng với những giao điểm và đường chia của bức tranh. Như bạn có thể thấy, điểm nhấn chính của bức hình, bàn tay của người võ sĩ, trùng giao điểm trên trái còn điểm nhấn phụ, khuôn mặt của võ sĩ, gần giao điểm trên phải. Điều này khiến người xem dễ dàng nhận thấy chuyển động của cánh tay.
2. Tạo một sự cân bằng bất đối xứng
Tiếp theo, bạn cần tạo làm rõ các khối màu bằng cách sử dụng ánh sáng và các tông màu tối. Bạn nên sử dụng càng nhiều màu càng tốt và bắt đầu làm mềm các bờ của các khối màu tối cốt lõi. Ở đây, các khối màu tối đại diện cho cơ thể võ sĩ chiếm gần hết 1/3 bên phải của bức hình tạo nên sự bất đối xứng về giá trị, từ đó góp phần tạo nên sự cân bằng cho bức tranh.
3. Thêm điểm nổi bật
Các điểm nổi bật cần chú ý sẽ là mục tiêu của bước này. Đó là các khu vực được tăng độ sáng hơn so với khu vực xung quanh. Các điểm nhấn nằm ở đường chia trên đã giúp chúng ta củng cố bố cục bức tranh. Và thêm điểm nổi bật ở giao điểm cũng sẽ có vai trò tương tự. Một màu đỏ nhẹ đã được thêm vào dọc đường chia phải, làm cho vị trí khuỷu tay gần giao điểm dưới phải đột nhiên sáng hơn bình thường. Một cân bằng động đơn giản của màu sắc và sắc thái đã được tạo ra.
4. Hoàn thiện bức tranh
Để hoàn thành bức tranh, bạn cần thêm màu sắc cho điểm nhấn chính, đồng thời thay đổi kĩ thuật dùng màu để thu hút ánh mắt vào nắm đấm của võ sĩ. Bạn cũng cần thêm một chút màu đỏ bão hòa vào điểm nhấn phụ để làm tăng sự cân bằng cho bức tranh. Một chút màu nâu đỏ ở các cơ sẽ làm cho ấn tượng về sự chuyển động của cơ thể võ vĩ khi thực hiện cú đấm được tăng lên nhiều lần.
>>> Cách sử dụng quy tắc 1/3 trong hội họa (Phần 1)