Sự ra đời của mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Victor Tardieu trước tác phẩm của mình tại Đại học Đông Dương
Tình cờ khi tôi và các bạn xem triển lãm bắt gặp bức tranh sơn dầu vẽ cảng Liverpool vào năm 1902 của họa sĩ Victor Tardieu tại bảo tàng thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Bức tranh được trưng bày trong một triển lãm mỹ thuật với quy mô rất lớn có tên là “Spring Paris” (Mùa xuân Paris). Triển lãm là tập hợp nhiều tác phẩm của các tác giả đại diện trường phái Paris như: Édouard Manet (1832–1883), Claude Monet (1840–1926), Berthe Morisot (1841–1895), Camille Pissarro (1830–1903), Pierre-Auguste Renoir (1841–1919) và Victor Tardieu (1870 – 1937).
Đứng trước bức tranh, tôi đã tự hào giới thiệu với các bạn đồng nghiệp quốc tế rằng: “Đây là tác phẩm của ông thầy đầu tiên dạy các họa sĩ Việt Nam chúng tôi.” Nhưng lúc đó tôi đã không lường trước được vô số các câu hỏi về ông và về nghệ thuật Việt Nam: "Tại sao ông ấy lại đến đất nước của các bạn...? Bạn biết những gì về ông ta...? Ông ấy dạy các bạn những gì...?", cô bạn da nâu người Brazil quay về phía tôi liên tiếp hỏi. “Nếu có cơ hội tôi cũng muốn tìm hiểu về nghệ thuật của các bạn...!” anh bạn ở cùng phòng với tôi ngước đôi mắt xanh biếc thêm vào...
Thú thực lúc đó quá lúng túng vì không biết gì nhiều về “ông thầy đầu tiên của các họa sĩ Việt Nam” bởi vậy tôi cứ ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng rồi, về đến nhà mới nghĩ đến việc phải trả lời những câu hỏi mà mình còn mắc nợ bạn bè và cũng là để bổ sung cho sự thiếu hụt về kiến thức của cá nhân. Thế là tôi bắt đầu vào các thư viện tra cứu tài liệu, lên Internet tìm kiếm thông tin... rồi ghi chép ra đây.
Thêm một tình tiết nữa, trong lúc đọc tìm tài liệu tôi có thấy trong cuốn Painters in Hanoi An ethnography of Vietnamese art (Họa sĩ Hà Nội - Nghệ thuật của người Việt) của tác giả Nora Taylor, một nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ được cho là am hiểu về nghệ thuật Việt Nam và Đông Nam Á có viết: “Mặc dù ông (Tardieu) đã học tập và nghiên cứu với họa sĩ tượng trưng Gustave Moreau ở Paris, nhưng ông ta không có tác phẩm quan trọng nào để lại trong các bộ sưu tập của Pháp”. Nguyên văn như sau: “Although he (Tardieu) studied with the symbolic painter Gustave Moreau in Paris, he left no important works in French collections”
Việc cho rằng hội họa Việt Nam được bắt đầu từ một nghệ sĩ không mấy quan trọng của nước Pháp mà tác giả Nora Taylor đưa ra đã càng thôi thúc tôi và đặt bút viết bài này.
Victor Tardieu là ai ?
Victor Tardieu sinh ngày 30 tháng 4 năm 1870 tại Orliénas, một thị trấn nhỏ phía tây nam của thành phố Lyons nước Pháp. Tardieu đã trở thành sinh viên trường mỹ thuật ở Lyon (1887-1889) trước khi chuyển đến Paris để học tập và nghiên cứu nghệ thuật.
Từ tháng 10 năm 1890, ông ghi danh theo học tại xưởng họa của nghệ sĩ nổi tiếng Léon Bonnat thuộc trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp tại Paris. (Không thấy có tài liệu nào cho thấy Tardieu đã theo học họa sĩ Gustave Moreau một cách chính thống. Vậy có thể ông chỉ gặp gỡ, giao lưu với Gustave Moreau và nếu có ảnh hưởng từ ông này sẽ là không quá nhiều. Luận điểm mà tác giả Nora Taylor đưa ra ở trên, không trực tiếp liên quan đến nghệ thuật của họa sĩ Victor Tardieu).
Chân dung Victor Tardieu. Tượng đồng của Georges Khanh. 1935. Nguồn albertoballetti.com (Hiện nay bức tượng đang được trang trọng đặt trong khuôn viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương).
Tardieu thi đỗ vào khoa hội họa tháng 6 năm 1891, chính thức được nhận vào trường tháng 7 năm 1891 và học đến năm 1894. Ông là học sinh chính thức của Trường Mỹ thuật Paris, một trung tâm đào tạo mỹ thuật danh giá bậc nhất của châu Âu và thế giới.
Là thành viên của Hiệp hội nghệ sĩ Pháp, năm 1902.
Tardieu đã đoạt giải quốc gia (Prix National) với bức sơn dầu Travail (450 x 480cm). Giải thưởng này đã giúp ông sống và vẽ tại các thành phố lớn ở châu Âu trong khoảng hai năm. Ông đã sáng tác nhiều tranh sơn dầu thuộc khuynh hướng nghệ thuật ấn tượng (Impressionniste) của “Trường phái Paris” trong khoảng thời gian này. Đó là hàng loạt tác phẩm mô tả các hoạt động tại các hải cảng lớn của châu Âu như hải cảng Liverpool, hải cảng Londres, hải cảng Gènes...
Bức tranh vẽ hải cảng Liverpool (năm 1902) trong triển lãm “Mùa xuân Paris” tại bảo tàng thành phố Shanghai là minh chứng thực tế, hiện hữu đại diện cho những sáng tác của ông, đóng góp vào sự hình thành và phát triển của trường phái này.
Chiến tranh thế giới thứ Nhất nổ ra vào năm 1914, Tardieu tình nguyện tham gia vào cuộc chiến như một người lính tại chiến trường miền bắc nước Pháp, đồng thời cũng là để ghi lại cuộc sống chiến tranh một cách hiện thực và sinh động nhất. Chúng ta có thể thấy rất nhiều những tác phẩm của ông vẽ về thế chiến thứ nhất trong khoảng thời gian này. Hiện nay vẫn còn một bộ sưu tập 10 bức tranh sơn dầu vẽ về một bệnh viện dã chiến gần Dunkirk vào mùa hè năm 1915 đang được lưu giữ tại Bảo tàng Florence Nightingale ở London. Nhiều tác phẩm khác của ông hiện được trưng bày tại bảo tàng: Lyon of Fine Arts, Rennes và Bảo tàng Musée de l’Armée ở Paris.
Cuộc chiến kết thúc, Tardieu trở về và tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật của mình với hàng loại tác phẩm và được ghi nhận bằng giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) (*). Giải thưởng này là một chuyến du lịch các nước thuộc liên bang Đông Dương. Tardieu đã khởi hành tại Marseille với điểm đến là Hà Nội. Một hành trình viễn du phương đông đầy hứa hẹn có nhiều hứng thú mở ra với một họa sĩ yêu tự do và thích khám phá, nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng, mảnh đất nhỏ bé và xa xôi này lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ, đã níu chân ông ở lại đây cho đến tận cuối đời.
VICTOR TARDIEU - Cảng Livepool. 1902. Sơn dầu (Nguồn ảnh từ tác giả)
Victor Tardieu và trường mỹ thuật Đông Dương:
Tôi nghĩ, việc di trú và sáng tạo là cách mà cho đến nay vẫn là lựa chọn của nhiều nghệ sĩ. Có lẽ, Tardieu đã đến Đông Dương gần giống như cách mà Paul Gauguin tìm về đảo Tahiti. Một vùng đất xa lạ với những cảm thức mới về cuộc sống sẽ hứa hẹn đánh thức tâm hồn nghệ thuật trong con người nghệ sĩ Tardieu. Và giải thưởng Đông Dương là tấm vé đã đưa ông đến với phương Đông.
Victor Tardieu đã đến Đông Dương vào năm 1921, sau đó ông đã nhận được một hợp đồng vẽ hai bức tranh tường rất lớn, một cho Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) và một cho Thư viện trung ương (Bibliothèque Centrale), cả hai đều ở Hà Nội. Đây là một trong những lý do kéo dài thêm thời gian của Tardieu ở tại Đông Dương.
Ví thử đưa ra thêm vài giả định:
Có lẽ bị mê hoặc bởi phong cảnh, màu sắc của xứ bắc, hình ảnh những con người bản địa chất phác và giản dị. Hay là nhu cầu khai thác tâm lý nội tại của một nghệ sĩ phương tây ở phương đông. Phải chăng đó là những nguyên nhân chính đã giữ chân ông lại nơi này từ 1921cho đến 1937.
Một lý do nữa, khi ông đến thăm các ngôi làng ở Bắc Bộ, trực tiếp quan sát những nghệ nhân bản địa đan lát mây, tre, làm đồ gia dụng trong những lúc nông nhàn, tạc những pho tượng, những bức phù điêu trong các đình, chùa và làm đồ sơn mài cho việc thờ cúng... Ông nghĩ mình có thể đào tạo những nghệ nhân này trở thành nghệ sĩ đích thực... Điều này đã thành hiện thực khi có thêm sự động viên, khích lệ của một nghệ sĩ địa phương có tên là Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ 1890 – 1973).
Họa sĩ Victor Tardieu và các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương
(Nguồn: phannguyenartist.blogspot.com/2013/06/le-pho.html)
Victor Tardieu đã thỉnh cầu với chính quyền Đông Dương cho thành lập một trường học, nơi các sinh viên địa phương sẽ được đào tạo khoa học và bài bản để có thể trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng lúc đó, những chính trị gia mang tư tưởng thực dân người Pháp ở thuộc địa đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều. Họ cho rằng người An Nam không thể huấn luyện được về nghệ thuật, các nghệ nhân địa phương không thể đào tạo để trở thành nghệ sĩ. Thật là may mắn với sự ủng hộ của Toàn Quyền Đông Dương, lời thỉnh cầu của ông đã được chấp thuận. Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts d’Indochine) chính thức được thành lập tại Hà Nội theo Nghị định ngày 17 tháng 10 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương Merlin, đặt dưới sự kiểm soát của Nha Học chính Đông Dương và bổ nhiệm Họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên.
Ban đầu, trường chỉ có duy nhất khoa Hội họa với thời gian học là 3 năm. Năm thứ nhất có 12 học sinh. Năm 1926 thời gian học được nâng lên từ 3 năm thành 5 năm. Đến năm 1927 trường mở thêm khoa Kiến trúc do ông Roger phụ trách. Năm 1928, chất liệu sơn dầu đã được Victor Tardieu cho đưa vào nghiên cứu. Năm 1930 nhà trường đã xây dựng thêm một số Studio và ông Kruze đã được giao phụ trách khoa Kiến trúc. Năm 1932 trường Mỹ thuật Đông Dương mở thêm khoa Điêu khắc và giao cho ông Mercier phụ trách. Năm 1934, nhà trường cho tiến hành nghiên cứu sơn ta truyền thống do ông Inguimberty phụ trách...
Từ ngôi trường này các thế hệ sinh viên Việt Nam với danh xưng họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư... đã hình thành và phát triển. Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại bước đầu được đặt nền móng.
Lời kết:
Diện mạo mỹ thuật Việt Nam hôm nay được tạo nên bởi rất nhiều tên tuổi các nghệ sĩ, nhưng trên hết phải kể đến Victor Tardieu, một bậc thầy của những nghệ sĩ bậc thầy Việt Nam, người đặt nền móng đầu tiên cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tài năng, công sức và tình cảm của ông dành cho Việt Nam vẫn luôn được nhiều thế hệ sinh viên, họa sĩ… người yêu nghệ thuật Việt Nam trân trọng và ghi nhận.
Tôi nghĩ một nghệ sĩ chỉ được định danh bởi tác phẩm của mình hẳn là chưa đủ. Trong trường hợp họa sĩ Victor Tardieu, cái mà ông đã làm được không chỉ là sáng tạo ra một tác phẩm, nhiều tác phẩm mà là đào tạo ra được một thế hệ nghệ sĩ, đặt nền móng căn bản cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại với những tên tuổi các danh họa nổi tiếng như Lê Phổ, Nguyễn gia Trí, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ...
Để tỏ lòng biết ơn ông, sẽ không gì thực tế hơn chính những lời tri ân của sinh viên trường mỹ thuật đối với người thầy của mình. Các sinh viên của ông luôn nhớ đến ông với một tình cảm trân trọng, họ gọi ông một cách trìu mến là ông Thầy: “Le Maitre”, họ nói rằng ông luôn giữ các quan hệ tốt đẹp đối với sinh viên.
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn cho biết: “Ông Tardieu rất nghiêm nghị, ông bắt chúng tôi làm việc nhiều, nhưng chúng tôi biết rằng đó là vì quyền lợi của chính chúng tôi.”
Tác giả bài viết và đồng nghiệp ở Thượng Hải (Nguồn ảnh tác giả)
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc kể lại: “Chúng tôi trước tiên có lo sợ chút ít về ông nhưng chúng tôi dần thương mến ông như một người cha.” (Trong một triển lãm duy nhất của mình, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã bầy bức tượng chân dung thầy Victor Tardieu giống như cách bầy tượng thờ của người Việt, qua đó chúng ta có thể hiểu được tình cảm của cá nhân ông Ngọc cũng như sinh viên trường mỹ thuật đã dành cho thầy Tardieu).
Sau cùng để bày tỏ sự kính trọng, lòng ngưỡng mộ và tình cảm sâu sắc của nhiều thế hệ sinh viên Trường Mỹ thuật đối với thầy Tardieu, tôi xin phép được sử dụng bức tượng “chân dung họa sĩ Victor Tardieu” của nhà điêu khắc Georges Khánh một cách trân trọng.
- Nguyễn Minh Quang -
>>> Khoa Mỹ thuật truyền thống