Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2b)

III/ Lễ kỉ niệm kép

Annunciazione con sant’Emidio (The Annunciation, with Saint Emidius) (2.07 x 1.46 m) do họa sĩ người Ý Carlo Crivelli vẽ năm 1486.

Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).

ngamtranhp2b-1
en.wikipedia.org

Mới nhìn lướt qua ta dễ cho rằng bức họa này, tạm dịch “Truyền tin với thánh Emidius”, thật phức tạp vì khó có thể hiểu được mối liên hệ giữa các chi tiết. Quả thực vậy, người nghệ sĩ tài ba đã lồng ghép hai câu chuyện đặc biệt vào nhau và phần nào được hé lộ qua tên tranh. Tất cả đều liên quan đến tôn giáo.

Annunciation

Câu chuyện thứ nhất mà họa sĩ muốn kể là về nguồn gốc ra đời của ngày Lễ truyền tin trong Kinh thánh. Annunciation (Lễ truyền tin), là cách dùng từ khác thay cho “news” (tin tức) hoặc “announcement” (thông cáo). Theo đó, tổng lãnh thiên thần Gabriel đến gặp trinh nữ Mary (Maria), nói rằng cô được Chúa trời lựa chọn sẽ thụ thai của ngài và hạ sinh một người con trai, đặt tên Jesu. Trong nửa hình phía dưới, người mang đôi cánh là sứ thần Gabriel, mang dáng vẻ bận rộn và hướng về phía cô gái đang đọc kinh nguyện trong ngôi nhà, Đức mẹ đồng trinh Mary.
Tuy vậy, khung cảnh xung quanh dường như không mô tả Palestine, một quốc gia vùng Trung Đông, nơi Mary sinh sống. Thay vì nóng bức và đầy bụi, ở đây con đường lát đá sạch sẽ, những chậu hoa xanh tươi, những bộ quần áo lụa là, những chi tiết trang trí nhà cửa trông thật đắt tiền, cứ như thể sự việc đang diễn ra tại thời gian và ở địa điểm khác. Ngoài ra ai là nhân vật đứng kế bên và làm phiền một thiên thần đang làm nhiệm vụ cực kì quan trọng như vậy? Câu chuyện thứ hai được bắt đầu kể từ đây, liên quan đến phần còn lại của tên tranh, thánh Emidius.

Thánh Emidius và Ascoli

Năm 1482, dưới thời Giáo hội đóng vai trò quan trọng trong triều chính, Ascoli, một trị trấn nhỏ của Italy (Ý) đã được Giáo hoàng bấy giờ Sixtus IV trao cho quyền tự trị. Tin tức về tự chủ được truyền đến người dân vào 25/3, trùng với ngày Lễ truyền tin. Bốn năm sau, bức tranh này được vẽ và đặt vào nhà thờ SS. Annuziata ở Ascoli để kỉ niệm sự kiện độc lập đặc biệt đó. Bức ảnh mang tính chất kỉ niệm hơn là thờ nguyện. Màu sắc rực rỡ, tươi tắn cũng phần nào thể hiện niềm hân hoan, dù thực tế đây cũng là phong cách thường tìm thấy ở tranh của Carlo Crivelli. Tuy nhiên cũng thật tiếc cho Ascoli vì thời gian tự trị khá ngắn ngủi, Giáo hoàng đã sớm trở lại tiếp quản. Tiếp tục quan sát vào tranh để xem họa sĩ Carlo Crivelli đã liên kết hai câu chuyện đặc biệt như thế nào. Thánh Emidius, vị thánh bảo hộ cho thành phố Ascoli, theo kinh thánh chịu tử đạo ở 303 bởi người ngoại đạo những người phản đối ông đập thần tượng của họ. Hiện nay di tích của ông vẫn còn được lưu giữ ở Ascoli. Emidius vừa đi bên cạnh sứ thần Gabriel, vừa ôm mô hình thu nhỏ của Ascoli trong tay như thể muốn nói rằng “Hãy nhìn thị trấn này đi. Chúng tôi vô cùng tự hào về nó”.

Thị trấn trong lòng thị trấn

Mô hình trên tay Emidius đã lột tả được sự hùng cường của thị trấn Ascoli đến nhường nào. Hãy nhìn tháp phòng thủ cùng với cánh cổng thật mạnh mẽ được bao quanh bởi thành trì vững chắc (so với các ảnh chụp ngày nay thì cấu trúc nhà, mái ngói, gạch cũng có nhiều nét tương đồng). Crivelli còn tài tình thể hiện khả năng vẽ phối cảnh với cách lựa chọn đậm, nhạt, các đường xiên. Các chi tiết được chăm chút như cửa sổ, cửa ra vào, các đường dọc, màu sắc của gạch tường, đường kẻ, hoa văn trên mái ngói.

ngamtranhp2b-2
Annunciazione con sant’Emidio (hình cắt)

Học hỏi từ quá khứ

Bức họa của Crivelli so với hiện nay đã trở nên cổ và mang tính lịch sử, tuy nhiên nhờ nó ta biết thêm về trang phục, nội thất và những khu nhà Italy thế kỉ XV trông chúng như thế nào. Những người dân mặc thường phục ra đường nghe tin mừng. Trinh nữ Mary trông giống quý tộc của Escoli khi ở trong ngôi nhà có vẻ sang trọng, bận chiếc đầm dễ thương với các nếp gấp, đường nét uốn lượn uyển chuyển, khéo léo. Đứng ở góc phải dựa vào trang phục ta có thể đoán được đây là Pope và các giám mục (Bishop) của Ascoli. Những người lớn thì có vẻ tấp nập, còn đứa trẻ nhỏ ngay cạnh Pope, với con mắt ngây thơ có vẻ chán nản với cuộc trò chuyện của người lớn. Từ lúc máy ảnh còn chưa được phát minh cho đến 100 năm về trước thì vai trò của tranh vẽ sẽ giúp ta khám phá nhiều điều của quá khứ.

ngamtranhp2b-3a

ngamtranhp2b-3b

Thiết kế các chi tiết

Carlo Crivelli chắc hẳn rất thích vẽ các hoa văn. Trước khi chú ý đến con người, ta nên tập trung ngắm nhìn các tiểu tiết của những khu nhà. Hãy chú ý cách trang trí cây cột, tầng một ban công nhà Mary, rèm cửa, thảm lót sàn đang vắt ngang, trang phục, cách đổ bóng và cả cây cầu nằm xa xa kia nữa. Còn nhiều và nhiều nét đẹp tinh tế nho nhỏ khác.

ngamtranhp2b-4a

ngamtranhp2b-4b

ngamtranhp2b-4c

ngamtranhp2b-4d

ngamtranhp2b-4e

ngamtranhp2b-4g

Crivelli còn muốn chứng minh khả năng của ông vào việc điểm xuyết hình ảnh con công thật kiêu sa, con chim kim oanh trong lồng, mái tóc được chải chuốt thật kĩ và mềm mại của Mary. Riêng quả táo và dưa chuột nằm trên thềm nhà tôi không hiểu lắm, có ý kiến cho rằng táo đại diện cho Eve, còn dưa chuột thì… tôi không rõ?

Có một vấn đề trong bức họa, hình ảnh quầng sáng đang rọi một tia nắng (hay tia năng lượng) xuyên qua conchim trắng đang tỏa hào quang về phía đầu của Mary. Thật sự tôi không biết về hình tượng này, nhưng khi tìm hiểu thử qua Internet thì các nguồn ở Việt Nam (chắc dịch từ báo nước ngoài) chỉ đăng mỗi một tin cho rằng quầng sáng trên không trung đại diện cho UFO (vật thể bay không xác định) ???

Đôi điều về tác giả: Carlo Crivelli là một họa sĩ người Ý thời Phục hưng (Renaissance), ông chọn vẽ các đề tài tôn giáo và luôn chú trọng hình thức, thể hiện niềm đam mê hội họa vào sự hoàn hảo đến mức chi li vào từng tác phẩm. Theo encyclopedia britannica“Mặc dù những kiểu hình ông vẽ mang tính cổ điển, hiện thực và các thành phần có tính chất đối xứng theo quy ước của hội họa thời Phục hưng, nhưng cách xử lí tất cả chúng của ông theo hướng biến đổi những quy định đó đưa vào xúc cảm cá nhân sao cho vừa gợi cảm vừa mang tinh thần Gothic mạnh mẽ… Đôi khi có sự diễn đạt quá mức của xúc cảm trên khuôn mặt các nhân vật của ông, họ thường trầm ngâm và mơ mộng nhưng đôi khi bị bóp méo với nỗi sầu khổ. Đối với những cử chỉ lịch thiệp của bàn tay thon thả và hình ảnh ngón tay ngoằn ngoèo của họ; sự thể hiện này gần gũi với cường độ tôn giáo của nghệ thuật Gothic hơn là chủ nghĩa duy lí bình tĩnh của thời Phục hưng” (4).

IV/ Một ngày hè uể oải

Như trong phần 1 tôi có đề cập đến bức họa “Bathers at Asnières” của Georges Seurat. Ấn tượng đầu tiên đối với người sáng lập trường phái tân ấn tượng (Neo-impressionnism) là kích thước “đồ sộ” của Bathers at Asnières, một trong những tác phẩm đặc trưng cho kĩ thuật vẽ mới của ông.

ngamtranhp2b-5
https://fr.academic.ru/pictures/frwiki/66/Baigneurs_a_Asnieres.jpg

Mô tả nội dung

Bạn có thể tưởng tượng được sự oi bức của một ngày hè nóng nhất như thế nào không? Hãy nhìn vào tranh và cảm nhận nó. Hình ảnh mờ mịt, không rõ nét và bầu trời ngột ngạt càng nhấn mạnh vẻ mệt nhọc cả ngày. Gần nhất là bảy thanh niên (chưa kể thêm con chó màu nâu): người mặc đồ, người kia cởi trần, người nằm thư giãn, xải lai trên cỏ xanh còn kẻ nọ ngâm mình xuống dòng nước mát hay ngồi thẩn thơ. Xa xa vài người khác đang ra sức chèo thuyền, lướt thuyền buồm và đẩy thuyền. Cậu nhóc mang nón cam góc phải có thể đang thổi sáo (whistling) hoặc gọi bạn. Nhưng tất cả các hoạt động diễn biến thật chậm rãi. Ngoài ra, ta không thể nhìn thấy được chi tiết trên khuôn mặt hay trang phục của các nhân vật, họ có vẻ mệt mỏi và vẫn đang ngủ gà ngủ gật dưới nắng. Không hề có chi tiết nào rõ ràng trong tranh, mọi thứ trông thật mù mờ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý bóng vẫn đổ ra đường, những hạt nắng vẫn nhảy múa trên các cây và mặt nước long lanh những gợn nắng. Từ đằng xa, đám khói đen nghịt mang cảm giác khó thở tỏa ra từ các ống khói nhà máy. Bối cảnh diễn ra trông thật tĩnh mịch, bình yên.

Người nghệ sĩ trẻ táo bạo

Georges Seurat sáng tác “Bathers at Asnières” vào năm 24 tuổi. Thời ấy đa phần chủ đề của các tranh vẽ nổi tiếng đều xoay quanh lịch sử của chúa, nữ thần, hay nhiều cảnh tuyệt vời khác. Nhưng Seurat đã có một quyết định khác biệt: ông đã vẽ một bức họa rất lớn về những con người bình thường, mà kích cỡ họ trong tranh giống với ngoài đời thật.

Để lấy cảm giác về không khí của một ngày nóng bức, Seurat đã đến tận Asnières (vùng ngoại ô công nghiệp Paris), chọn vị trí cạnh dòng sông Seine rồi phác họa màu sắc cảnh trí. Khi quay trở về xưởng làm việc, ông vẽ chì những con người trong tranh. Cũng giống như đạo diễn một sân khấu lớn, đầu tiên ông vẽ khung cảnh, sau đó sắp đặt các nhân vật vào trong.

Những bước tiến mới của sắc màu

+ Bối cảnh lịch sử:

Tôi xin dịch sơ lược về hoàn cảnh lịch sử đã ảnh hưởng và tác động đến phong cách vẽ tranh của Georges Seurat. Theo encyclopedia britannica, Seurat sinh năm 1859 và chết rất trẻ, khi chưa tròn 31 tuổi.

[Năm 1878, ông chính thức nhập học trường École des Beaux-Arts và theo sự hướng dẫn của Henri Lehmann, một họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung và khỏa thân cổ điển. Trong thư viện trường, ông đã phát hiện ra một quyển sách đã truyền cảm hứng cho những ngày còn lại của cuộc sống: Essai sur les Signes inconditionnels de l’art (1827, “Tiểu luận về các dấu hiệu không nhầm lẫn của nghệ thuật”), viết bởi Humbert de Superville, một họa sĩ, nhà điêu khắc người Geneva (Genève, Thụy Sĩ), nó đã giúp ông giải quyết những khóa học về thẩm mĩ trong tương lai và mối liên hệ giữa đường nét (lines) với màu sắc hình ảnh. Seurat cũng bị ấn tượng bởi công việc/tác phẩm của David Shutter, “một chuyên gia thẩm mĩ khác của Geneva”, người kết hợp toán học và âm nhạc. Trong suốt sự nghiệp ngắn ngủi của mình, Seurat thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với những cơ sở tri thức và khoa học của nghệ thuật. Năm 1879, ở tuổi 20, Seurat đến Brest để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tại đó, ông đã vẽ thuyền, bãi cát, biển và những thủy thủ. Khi trở về Paris vào mùa thu năm sau, ông và Édmond-François Aman-Jean, bạn học cùng niên khóa đã mở một xưởng vẽ… Cả hai thường lui tới vũ trường, hộp đêm vào buổi tối, và vào mùa xuân họ cùng nhau đến đảo La Grande Jatte, nơi bắt đầu những bức vẽ mới của Seurat trong tương lai.

Năm 1883, Seurat thực hiện triển lãm đầu tiên tại Salon officiel-nơi nhà nước tài trợ hằng năm. Ông trưng bày các chân dung của mẹ mình và Aman-Jean. Trong cùng năm đó ông bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời những phác thảo, các tấm panels cho Bathers at Asnières (tên tiếng Pháp Une baignade, Asnières). Khi bức họa này bị từ chối bởi ban giám khảo của Salon năm 1884, Seurat đã quyết định tham gia vào “Nhóm những nghệ sĩ độc lập” (Groupe des Artistes Indépendants), một hội “nói không với giám khảo và giải thưởng”, cũng là nơi ông triển lãm tác phẩm Bathers at Asnières vào tháng 6 (Salon des Indépendants).

Trong thời gian này, ông đã nhìn thấy và bị ảnh hưởng mạnh bởi những tác phẩm đầy tính biểu tượng lớn lao của Puvis de Chavannes. Ông cũng đã gặp nhà hóa học 100 tuổi Michel-Eugène Chevreul, thử nghiệm với các lý thuyết của Chevreul về các vòng tròn màu sắc của ánh sáng; tiếp đó nghiên cứu những hiệu quả có thể thu được bằng ba màu cơ bản gồm vàng, đỏ, xanh dương và những bổ sung của chúng. Seurat chấp nhận Paul Signac, người sau này trở thành đệ tử của ông (disciple) và vẽ nhiều bản phác thảo thô trên bảng nhỏ để chuẩn bị cho kiệt tác của mình, A Sunday on La Grande Jatte-1884 (tên tiếng Pháp Un dimanche après-midi à la Grande Jatte). Tháng 12 năm 1884, ông triển lãm bức họa Bathers at Asnières một lần nữa, với Hiệp hội những nghệ sĩ độc lập (Société des Artistes Indépendents), nơi có những ảnh hưởng to lớn trong sự phát triển của nghệ thuật hiện đại (modern art)]. 

Như vậy, với quan điểm cho rằng nghệ thuật phải dựa trên một hệ thống những cơ sở tri thức và khoa học, ông áp dụng các quan niệm trường phái Ấn tượng (Impressionism) theo những công thức đặc biệt. Seurat đã sáng tạo một phương pháp, mà ông gọi là hội họa quang học (có người gọi là kĩ thuật điểm màu) với kĩ thuật vẽ đặt sát vô số chấm màu nhỏ cùng nhau sao cho mọi thứ thật hài hòa trong mắt người xem. Theo ông, việc sắp đặt một cách giản lược các chấm đó theo những hình thể rõ ràng có thể truyền tác dụng cộng hưởng của ánh sáng chính xác hơn cả những cách thức sử dụng trực giác. Phương pháp này dựa theo những lý thuyết mới về hiện tượng màu sắc ở thời đó (tiếp thu từ Chevreul). Bức tranh trở nên lung linh, sáng và mang vẻ tự nhiên, vì thế, kĩ thuật vẽ này có lẽ tạo thi vị nhiều hơn tập trung vào việc mô tả sát sao thực tại. Georges Seurat sử dụng phương pháp này rất có hệ thống và “khoa học”, sau này kĩ thuật vẽ này được phát triển thành Divisionism (trường phái phân điểm) và Pointillism (trường phái chấm điểm) (8), đã phân biệt nghệ thuật của ông với các cách tiếp cận trực quan với hội họa của những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Dù sao những tranh vẽ tuyệt đẹp như Bathers at Asnières và A Sunday on La Grande Jatte đã thể hiện phần nào thành công của trường phái tân ấn tượng này.

+ Pointillism trong tác phẩm của Georges Seurat: 

Về bức họa Bathers at Asnières, ta hãy nhìn thật kĩ vào đám cỏ và thấy rằng họa sĩ Seurat đã dùng các nét chéo (criss-cross) với nhiều màu sắc khác nhau, cạnh màu xanh còn điểm xuyết thêm sắc đỏ và hồng. Ông còn vẽ các đường dày và mịn mô tả mặt nước bờ sông, còn có những nét xanh dương thẫm đi kèm. Bên cạnh những sắc tối thì các cơ quan màu sáng sẽ sáng hơn. Dường như cả cỏ và nước đang phản chiếu màu vàng ấm nóng của ánh mặt trời.

ngamtranhp2b-6a

ngamtranhp2b-6b

Hình ảnh cậu bé cởi trần đội mũ đỏ là minh chứng rõ nhất cho trường phái và cách phối màu tài tình này. Seurat áp dụng lý thuyết màu (theo Chevreul), thực hiện chấm từng điểm (hay đốm) màu: xanh dương và cam trên lưng cậu bé. Ngoài ra, cái mũ cậu đội màu đỏ, nhưng họa sĩ ta đã điểm thêm chấm vàng, xanh dương và cam. Ta sẽ không nhận thấy màu xanh trừ khi nhìn thật kĩ (các bạn có thể tự phóng đại hết cỡ). Thực ra màu xanh dương chính là thành phần bổ sung của màu cam, còn màu cam là trung gian giữa đỏ và vàng.

ngamtranhp2b-7

“Bánh xe”/Vòng tròn màu sắc. Ở đây từng cặp màu nằm tương phản với nhau. Các sắc xanh dương, xanh da trời tương phản với sắc cam.

Mỗi cặp màu tương phản được thể hiện trên “bánh xe” màu. Do thói quen của mắt khi nhìn vào một màu sẽ tạo một dư ảnh màu bổ sung của nó. Seurat đã dùng kĩ thuật này để làm cho các màu đỏ và cam của cái mũ sinh động hơn bằng cách làm mờ các điểm màu xanh dương (chấm lưa thưa). Ngoài ra việc tạo thành các màu cảm giác trung gian, ví dụ màu cam từ chấm đỏ và chấm vàng nằm thật gần nhau làm cho ta cảm giác chiếc mũ trông có vẻ đỏ nghiêng về cam hơn, đó chính là hiệu quả đặc trưng của Pointillism.

Nếu các bạn kiên nhẫn, ta có thể tự mình chấm thử vài nét lên một cái nón, nhớ là hãy chấm màu vàng và xanh dương thật gần nhau, màu xanh lá bỗng xuất hiện.

Về cảm quan cách thể hiện của Seurat với bối cảnh xảy ra vào thời kì cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỉ XIX tại Pháp, tác giả Anh Nguyễn trên Soi có nêu: “Bức tranh là sự tương phản theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – những người trong hai bức tranh nhìn về hai phía ngược nhau như phản chiếu qua gương vậy. Ngoài ra, sự thoải mái trong dáng điệu của những người lao động ở Asnieres cũng đối lập với sự cứng đờ của giới tiểu tư sản trên đảo La Grande Jatte. Trong bức Chiều chủ nhật (A Sunday on La Grande Jatte), Seurat còn kín đáo cài vào ngụ ý châm biếm – ví dụ người phụ nữ phục sức sang trọng, mặc váy độn mông, đi lại trịnh trọng ở góc phải bức tranh lại được vẽ cạnh một chú khỉ – từ lóng cho gái điếm trong tiếng Pháp. Ở bên trái, người phụ nữ mặc váy cam thả cần câu là một ẩn dụ cho việc “câu trai”. Bức tranh vẽ những người đi tắm không có những ẩn dụ như vậy, qua đó có thể thấy được sự cảm thông của Seurat với tầng lớp lao động và đối lập lại, sự coi thường của ông với giới trưởng giả”. 

ngamtranhp2b-8
A Sunday on La Grande Jatte (1884)-Georges Seurat
“Một ngày chủ nhật ở đảo la Grande Jatte”
www.wikiart.org

Tôi xin tiếp tục giai thoại của Georges Seurat để thay lời kết gửi đến người nghệ sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh.

ngamtranhp2b-9
Georges-Pierre Seurat (1859-1891) www.nationalgallery.org.uk

“Như thể linh cảm về cái chết sắp xảy ra, bức họa Le Cirque dở dang được Seurat cho trưng bày tại Salon des Indépendants lần thứ 8. Là một thành viên tổ chức triển lãm, ông kiệt sức trong việc trình bày và treo các tác phẩm. Ông bắt gặp một cơn ớn lạnh, phát triển thành đau thắt ngực  và, trước khi triển lãm đã kết thúc, ông qua đời vào ngày chủ nhật Lễ Phục sinh năm 1891. Ngày hôm sau Madeleine Knobloch tại hội trường thị trấn của huyện tự giới thiệu để xác định mình như là mẹ của Pierre-Georges Seurat. Seurat được chôn trong hầm gia đình tại nghĩa trang Père Lachaise (một nghĩa trang rất nổi tiếng ở Pháp). Ngoài bảy tác phẩm “to lớn” của mình, ông để lại 40 bức tranh kích thước nhỏ hơn kèm các phác thảo, khoảng 500 bản vẽ, và một số phác thảo. Mặc dù khiêm tốn về số lượng, nhưng chúng cho thấy ông là một trong những họa sĩ hàng đầu của một trong những thời kì vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật”.

V/ Sinbad ra biển khơi

ngamtranhp2b-10

Sinbad the Sailor (chàng thủy thủ Sinbad) (38.1 x 50.8 cm)
vẽ vào năm 1923 bởi họa sĩ người Thụy Sĩ gốc Đức Paul Klee. 

Bức họa mô tả cảnh một người đánh cá nhỏ bé và ba con cá lớn từ biển cả. Bạn có nghĩ thật buồn cười khi ba con cá trông to đến nỗi có thể nuốt chửng cả chàng thủy thủ và chiếc thuyền không? Đây là một nhân vật khá kì lạ? Hãy nhìn vào những chiếc lông gai nhọn trên đầu và các đường zig-zag trên trang phục của anh ta. Con thuyền cũng vậy, kích thước quá nhỏ so với bất kì thuyền đánh cá bình thường nào. Hãy ngắm tất cả chúng được đặt giữa lòng đại dương của những ô vuông sắc màu như thế nào. Chẳng có đại dương nào trông như thế cả. Thực vậy, chẳng có chi tiết nào trong tranh giống đời thực. Bạn có thể tưởng tượng tại sao Paul Klee (phát âm là Clay) chọn cách vẽ như vậy không?

Một câu chuyện diệu kì 

Thủy thủ Sinbad là một nhân vật thần thoại và những truyện kể về anh mang đầy phép màu. Nhìn vào bức họa ta có thể nói Sinbad đang đâm con cá bằng lao móc, nhưng cả người và vật đều chẳng giống thật. Bởi vì Paul Klee đang mô tả một câu chuyện ngụ ngôn (10).

Tại sao họa sĩ cảm thấy vui vẻ?

Hãy nhìn vào ba con cá. Mặc dù kiểu khác nhau, nhưng những họa tiết của vảy phù hợp cho từng con. Còn hoa văn trên quần của chàng Sinbad lại xứng với những đường nét trên thân con tàu. Bạn có bao giờ nghe nói một người thủy thủ tự đi trang trí quần của mình sao cho hợp với con tàu chưa? (hài hước chỗ này)

Có lẽ Klee đơn giản muốn được vui vẻ khi tạo những thiết kế đầy màu sắc và hình dạng.

Những tấm bảng của sắc màu

Chú ý xem biển cả thay đổi màu sắc như thế nào khi ta dịch chuyển vị trí mắt nhìn từ ô vuông này sang ô khác. Klee đã đánh nhạt màu rất cẩn thận từ màu xanh thẳm (deep blues) và nâu cho đến màu xanh dương nhạt (light blues) và trắng ở trung tâm. Bằng cách này ông ấy đã gợi cảm giác sự dâng lên và hạ xuống của nước biển và màu sắc thay đổi theo như thế nào. Hãy nhìn theo các đường kẻ dọc những ô vuông để thấy chúng liên kết với họa tiết trên Sinbad, chiếc thuyền và các con cá làm sao. Giống như người họa sĩ đã chơi game với vải ca rô nhiều màu.

Người nghệ sĩ trầm tư

Đôi khi các bạn đánh giá bức họa của Paul Klee trông chẳng đứng đắn (kiểu nghiêm nghị), đúng không? Như thể vì ông vui thú khi vẽ các hoa văn đầy sắc màu. Tuy nhiên Klee cũng suy nghĩ một cách nghiêm túc về con người và tự nhiên. Ông tin rằng tất cả tạo hóa đều sinh sống cùng nhau trong một sự hài hòa cân bằng (harmony-ND trong âm nhạc còn có nghĩa là hòa âm). Đó là lí do giải thích tại sao ông xây dựng mọi thứ trong tranh theo một sự hài hòa nhất định về các đường kẻ/chi tiết hoa văn.

ngamtranhp2b-10b
Paul Klee (1879-1940)en.wikipedia.org

Sinh ra tại Thụy Sĩ nhưng lớn lên tại Đức trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, bản thân ông vừa người chơi vĩ cầm vừa đam mê vẽ tranh. Vừa cố gắng đưa sự đồng điệu của âm nhạc vào hội họa, vừa chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái lập thể, siêu thực,..

Điều đặc biệt có thể nhận thấy ở tranh của Klee là tính hài hước, sự lồng ghép màu sắc tài tình và các hình khối làm chủ đạo để thể hiện. Các tác phẩm về sau này mang hướng về trường phái siêu thực, nơi mỗi người xem mỗi cảm nhận. Ngoài ra ông cũng là một người yêu thi ca.

Theo sách, tác giả Frances Kennet còn hướng dẫn một trò chơi: đặt một tờ giấy can (tracing paper-tiếng Anh hay papier calque-tiếng Pháp, là loại giấy mờ có khả năng cho ánh sáng đi qua) đè lên một trong ba con cá, sau đó đồ theo các hoa văn trên thân nó, bạn sẽ thấy các họa tiết trông giống như một bộ xương cá nhỏ.

- trinhhaithang biên dịch -
Theo “Looking at paintings” của Frances Kennet 

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 1)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2a)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 3)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 4)

0976984729