Ngắm tranh – Mỗi bức tranh, mỗi câu chuyện (Phần 2a)
Mỗi tác phẩm hội họa, dù theo trường phái nào, đều có những ý nghĩa nhất định và cả những câu chuyện liên quan, ẩn giấu phía sau. Khi thưởng thức một tác phẩm hội họa, để hiểu một cách thấu đáo và thêm nữa những rung động chân thực, tôi nghĩ bản thân chúng ta cũng nên tự tìm hiểu những câu chuyện, bối cảnh lịch sử đã tác động đến nội dung và phong cách mĩ thuật của họa sỹ ngay thời điểm ấy.
I/ Câu chuyện về đóa hồng chết chóc
The Physicians’ duel (31.5 x 19.8 cm), được vẽ bởi Aqa Mirak, 1539-1543.
Nhà vua là người mặc áo xanh lục đang ngồi trên ngai dưới bóng mát của lọng che, xung quanh ngài các quần thần. Bối cảnh đang diễn ra trong khuôn viên vườn thượng uyển. Mọi người có vẻ đang tập trung nhìn người đàn ông nằm co tay chết trên sàn. Ta hãy chú ý đến chi tiết tấm khăn rằn quấn đầu màu trắng rơi gần, bên cạnh đó là một bông hồng. Trong tình huống như vậy lại có hình ảnh người đàn ông đang đứng mặc đồ xanh nước biển nở nụ cười toe toét “một cách độc ác”. Những người còn lại trông thật sửng sốt, bàn tán xôn xao trước cảnh tượng này. Đó là những kết luận ta có thể rút ra khi quan sát tổng thể sự việc được mô tả trong bức họa, chứ chưa thể khẳng định đó là sự thật, dù có cố gắng đến cách mấy. Hay ở chỗ thực ra bức tiểu họa này được dùng làm hình ảnh minh họa cho một quyển sách và được vẽ cách đây 400 năm tại Ba Tư (Persia-hiện nay là Iran). Để hiểu rõ hơn tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện ẩn giấu đằng sau.
“Ngày xửa ngày xưa, cách đây vài trăm năm, vào thời các Sultan đang cai trị đế chế hùng mạnh, có hai y sĩ (doctor-ND) tranh tài xem ai là người giỏi hơn. Một người trong hai, người ta có khi gọi là thầy thuốc, đã bào chế từ rất nhiều thành phần khác nhau một viên thuốc gây chết người bằng cách gây ra cơn đau dạ dày khủng khiếp đủ để cướp đi sinh mạng. Hắn ta đã thách thức đối thủ của mình dùng nó. Y sĩ còn lại đã chấp nhận thử thách và nuốt viên thuốc không ngần ngại. Thực ra anh ta đã nuốt trước một viên thần dược khác và kết quả viên thuốc độc mất tác dụng, anh vẫn vô sự.
Nhà vua (vì thực ra tôi chẳng biết dùng danh xưng nào cho phù hợp, vua, đế, vương khác nhau, hiện nay vấn đề dịch từ Sultan vẫn còn tranh cãi nhưng vì đa phần mọi người đều đã dùng từ vua) và các quần thần háo hức chứng kiến tận mắt sự việc rằng người y sĩ sau khi nuốt viên thuốc đã tự đi hái bông hoa hồng ở trong vườn thượng uyển. Rồi anh hôn lên những cánh hoa, niệm chú vào lòng bông hoa và sau đó trao tặng lại cho đối thủ. Khi đưa đóa hoa hồng lên gần đôi môi mình, hắn ta ngay lập tức ngã lăn ra chết. Kết quả chàng y sĩ “láu cá” đã chiến thắng.”
Bức tranh là một phân cảnh được họa sỹ Aqa Mirak chọn làm bìa minh họa cho một quyển sách kể về câu chuyện đó. Mirak muốn làm hài lòng đức vua của mình, Shah Tahmasp of Tabriz, nên đã vẽ vua đang ngồi trong tranh giống với hình ảnh Shah ngoài đời thật. Ở Ba Tư, người ta thường ngồi trên thảm thay vì dùng ghế (các bạn nhớ phim Aladdin và cây đèn thần chứ). Thực ra, Mirak còn muốn Shad Tahmasp vui thú ngắm nhìn hình ảnh bầy vịt bơi lội trong ao (phía dưới cùng của bức họa), chiêm ngưỡng những viên đá lát sàn tuyệt đẹp, những bông hoa trong vườn và con ngựa của người lữ hành ở đằng xa (góc trái trên cùng). Chúng ta không thể nào nhìn thấy các chi tiết đó bằng một lần, nếu chỉ tập trung nhìn vào nội dung chính đang diễn ra. Aqa Mirak quan tâm việc đưa hết tất cả những điều đó vào trong tranh hơn là lo lắng quá nhiều về quy luật phối cảnh. Hãy tưởng tượng khi nhà vua giở từng trang của quyển sách bìa da trang trí bằng vàng, ngài ấy sẽ mỉm cười hài lòng với vẻ đẹp của bức họa “The Physicians’s duel”. Về màu sắc các bạn thấy thế nào, đẹp và tươi không? Như thể ta đang ngắm một hộp trang sức vậy. Đúng vậy, sự rực rỡ của bức tranh được tạo từ các loại đá quý và kim loại đắt tiền. Màu xanh ngọc của hình ảnh chiếc áo vị vua có thể được tô bằng đá malachite sau khi được nghiền nhuyễn rồi đem trộn với keo dính. Ngoài ra, vàng, bạc được dát mỏng cũng dùng làm nguyên liệu trong tranh. Các kim loại ấy đã góp phần tạo nên món quà thật xứng đáng dâng lên vua Shad.
II/ Chiến tranh và nỗi đau
Mục này nội dung sẽ dài hơn các phần thông thường một chút vì tôi sẽ thông tin thêm về ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đã tác động như thế nào đến nghệ thuật và về những hàm ý ẩn sau từng chi tiết trong tranh.
Portrait of Spanish-born artist Pablo Picasso
(1881 – 1973) in a winter coat, scarf, and beret, 1950s.
(Photo by Hulton Archive/Getty Images)
Pablo Ruiz Picasso, thường gọi Pablo Picasso, là một họa sỹ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha (về tên thật và tiểu sử các bạn có thể tự tìm thêm trên mạng). Tên tuổi của ông chắc các bạn cũng đã từng nghe nhắc đến một lần trong đời. Ông là người mở đầu trường phái vẽ lập thể, khước từ các quy chuẩn của hội họa đương thời và cũng là người tiên phong trong điêu khắc ghép nối. Bên cạnh khả năng thiên phú, sự sáng tạo vô hạn và làm việc không ngơi nghỉ, cả thế giới còn biết đến ông như một chiến sĩ đấu tranh không mỏi cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Ông đã dùng hội họa một phần thể hiện sự thương xót, sự căm phẫn đối với sự tàn ác của chiến tranh, sự bạo tàn của chế độ phát xít.
Bối cảnh lịch sử
Trước đấy từ năm 1936, Tây Ban Nha bị dằn xé bởi nội chiến vì những cuộc đấu tranh nhằm chống lại sự tranh giành quyền lực giữa phe chính phủ Cộng hòa và lực lượng quân phiệt Quốc gia của tướng độc tài Francisco Franco. Chính quyền Cộng hòa cánh tả Tây Ban Nha trước đó đã yêu cầu Picasso vẽ một bức tranh tường để tham gia vào triển lãm quốc tế tại Paris năm 1937. Ngày 26/4/1937, Guernica, một trị trấn nhỏ bình yên thuộc vùng Basque, trở thành mục tiêu của đợt ném bom do quân đoàn Legion Condor (6) theo yêu cầu của Franco với lí do nhằm thử hiệu quả của loại vũ khí mới được sản xuất. Sau ba giờ oanh tạc, ước tính hơn 1000 người thiệt mạng. Thực chất khi đó thị trấn Guernica chỉ gồm người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, còn đàn ông thì đã gia nhập vào lực lượng kháng chiến chống lại sự đàn áp bạo tàn của Franco. Như vậy mục đích cuối cùng của cuộc thảm sát nhằm dập tắt niềm hi vọng và tinh thần đấu tranh của quân Cộng hòa. Đau đớn, căm phẫn trước nỗi đau mà người dân Tây Ban Nha phải gánh chịu, thay vì gò bó trong khuôn mẫu nghệ thuật thông thường theo phong cách phản chiến trước giờ, Pablo Picasso đã dành hết xúc cảm để bắt tay vào thể hiện một cách chân thực và mất hơn hai tháng cho ra đời tuyệt tác lịch sử này.
Theo Picasso, “tranh vẽ không dùng để trang trí các tòa nhà, đó là một công cụ của chiến tranh, chiến và phản chiến, để chống lại kẻ thù”. Các tác phẩm của Picasso có thể không đơn thuần tái hiện sự kiện, vật thể được mô tả mà còn hàm chứa rất nhiều tầng lớp ý nghĩa phức tạp. Nhưng đó là tùy cảm nhận của mỗi người, cũng có thể ví như mỗi đánh giá chủ quan đối với tác phẩm văn học. Tôi xin trích dẫn nguyên văn lời một bài viết: [Bản thân Picasso chưa bao giờ quả quyết đưa ra một lời giải thích cụ thể về những biểu tượng của ông: “… con bò này là một con bò mộng và con ngựa kia là một con ngựa … Nếu ta gán một ý nghĩa cho những đối tượng nhất định nào đó trong các tác phẩm của tôi, nó có thể đúng, những nó không phải là ý tưởng của tôi … Những ý tưởng và thông điệp nào bạn có tôi cũng có, nhưng có khi chỉ là vô tình, theo bản năng mà thôi. Tôi vẽ là vẽ cho tác phẩm đó. Thực tế các đối tượng thế nào tôi vẽ chúng đúng như thế.”]
Về bức họa Guernica
Sau đây tôi sẽ thông tin (sau khi đã tổng hợp) về những phân tích các chi tiết từ Guernica của Picasso.
gắn liền sự kiện lịch sử đau thương diễn ra tại thị trấn
cùng tên nằm ở tỉnh Basque, thuộc Tây Ban Nha.
Guernica là bức tranh sơn dầu, kích cỡ rất lớn 3,49 x 7,76 m. Sau khi được triển lãm lần đầu tiên tại Paris năm 1937, vì chiến tranh thế giới lần thứ hai và ảnh hưởng của nội chiến, tác phẩm này đã có thời gian lưu lạc tại nhiều nơi khác nhau như New York, Mỹ (bảo tàng nghệ thuật hiện đại), Brazil, Chicago, Philadelphia. Mãi đến 10/9/1981, sau ngần ấy năm khi đất nước Tây Ban Nha được giải phóng, trở thành quốc gia cộng hòa và chính trị ổn định hơn, Guernica chính thức được trao trả về Viện bảo tàng Padro tại Madrid.
+ Về màu sắc: gam xám, trắng và đen chiếm chủ đạo. Điều đó có thể tượng trưng cho cái chết và tang thương bao trùm lên Guernica lúc bấy giờ. Cũng có suy nghĩ cho rằng Picasso cảm thấy những màu sắc trên là đủ đẹp về mặt nghệ thuật, chí ít phù hợp với các chủ đề mang tính chất nghiêm trọng. Sự tương phản về quang độ (độ đậm-nhạt) được chú trọng và làm lu mờ đi ảnh hưởng của các khối và hình dạng trong bức họa, dụng ý đó đã góp phần sắp xếp bố cục của tác phẩm. Mặc dù ta dễ cảm thấy bức tranh thật lộn xộn, hỗn loạn khi mới nhìn lần đầu vì những khối hình chồng lẫn lên nhau, đôi khi ta còn có cảm giác âm thanh chết chóc: tiếng gào thét, la hét và rên rỉ, nhưng thực ra bức họa đã được chăm chút một cách tỉ mỉ và có bố cục hẳn hoi. Thật vậy, đầu tiên ta kẻ dọc bức tranh chia làm 3 phần từ trái sang phải. Tiếp đó là kẻ hai đường xiên tạo hình tam giác theo hai đường chéo dọc theo những hình khối mà Picasso đã thể hiện. Ở dưới đáy hình tam giác, cái chết được thể hiện qua hình ảnh người lính ngã xuống dưới chân con ngựa, còn ở trên đỉnh tháp ngọn đèn dầu leo lét như niềm hi vọng đang cháy lên trong bối cảnh tuyệt vọng, trong những u uất của chiến tranh.
Cách chia bố cục như hình trên được tham khảo qua tài liệu trên Internet
+ Về những hình tượng: tất cả những nhận định sau tôi nghĩ là hợp lí nhất khi đem ra phân tích
– Những con vật:
Hình ảnh con ngựa nằm ở trung tâm bức họa, như đại diện cho người dân, đang đau đớn cho đến chết vì ngọn giáo đâm xuyên cạnh sườn. Đầu ngoảnh lại, miệng như đang rống lên, răng, lưỡi sắc nhọn được mô tả rất chân thực, tư thế khụy chân như thể con ngựa chỉ còn những hơi thở cuối cùng. Qua đó ta có thể cảm nhận hình ảnh nhân dân đang gồng mình chống chọi sự tổn thương thể xác gây ra do bạo lực chiến tranh vô nghĩa. Còn có nhận định cho rằng đó là tiên đoán của Picasso về sự kết thúc của chủ nghĩa dân tộc, đại diện cho sự hung bạo, dũng mãnh, dưới sự dẫn dắt của tướng độc tài Francisco Franco.
Tôi xin lỗi vì đã cắt một cách xấu xí hình ảnh con bò ra khỏi bức tranh tổng thể, tự bản thân tôi cũng thấy khá thô tục. Hình ảnh Minotaur, một quái vật nửa người nửa bò mộng trong thần thoại Hy Lạp là một mô típ chính trong các tác phẩm của Picasso. Nổi bật giữa sự hỗn loạn, hình ảnh con bò, một loại gia súc với đôi mắt đầy “tính người” đứng một cách bất động, hàm đang hé mở biểu cảm dường như làm bất động người xem. Cho đến hiện nay, ý nghĩa của con bò trong Guernica vẫn còn mập mờ, một số ý kiến cho rằng đây là biểu tượng của thú tính và sự tàn ác, ngầm ý đại diện cho chế độ phát xít bạo tàn. Nhưng cũng có quan điểm thể hiện sự kháng cự yếu ớt của người dân khi đó. Cũng cần nhớ thêm hình ảnh đấu sĩ và bò tót được xem như một biểu tượng của nước Tây Ban Nha, là biểu tượng của dũng khí và những giá trị truyền thống lâu đời của quê hương Picasso.
Sử dụng súc vật làm trọng tâm, bò tót và ngựa vừa đại diện cho sự sung mãn, vừa cho tính thú hoang dã chưa thuần hóa ở bên trong mỗi người. Bởi vì những hành động man rợ diễn ra trong chiến tranh đã lấn át đi lí trí và phần người bên trong, dường như đó chỉ là cuộc đua, cuộc đấu giữa những con thú vật lao vào cắn xé lẫn nhau để tranh giành quyền lực.
Nói tin này các bạn có thể bất ngờ nhưng hình ảnh chim bồ câu trắng ngậm cành lá đại diện cho hòa bình, hi vọng được phổ biến như ngày nay do công thuộc về Pablo Picasso. Năm 1949, Louis Aragon đã chọn tranh thạch bản (lithograph) La Colombe (The Dove) của ông làm affiche biểu trưng tại Hội nghị Hòa Bình thế giới ở Paris. Xuất hiện một cách mờ nhạt trên nền tối sầm nằm giữa con ngựa và con bò, chim bồ câu Guernica há rộng mỏ, ngước lên trời như đang ai oán, khác hẳn với những hình ảnh bồ câu trong sáng, hiền dịu ta thường thấy trong các bức họa khác của Picasso.
– Những xúc cảm của nhân loại:
Trong Guernica, hình ảnh con người xuất hiện đầy yếu đuối và tang thương. Những gương mặt với miệng há toang ra như đang kêu gào về những ai oán, thảm thiết vì kinh khiếp, đau khổ và sợ hãi.
Người lính gục ngã dưới chân con ngựa với thân thể bị cắt rời. Một tay vẫn nắm thật chặt đoạn kiếm sứt mẻ như không bao giờ gục ngã, không từ bỏ ý chí. Đây chính là hình ảnh đại diện cho cuộc chiến, cho những người lính xông pha trận mạc, để rồi chết không nhắm mắt mà nhìn thẳng vào nội tâm của người xem tranh và thời cuộc. Tuy nhiên từ cánh tay chết chóc ấy lại nảy nở hi vọng, sự hồi sinh mong manh mà Picasso gửi gắm thông điệp qua hình ảnh bông hoa, nhỏ nhắn với đường viền và nét vẽ mờ nhạt.
https://www.italianrenaissance.org/michelangelos-pieta/
Khi nhìn lần đầu tiên hình ảnh người mẹ bồng đứa con đã chết, ta dễ liên tưởng đến Pietà của Michelangelo, một tuyệt tác điêu khắc mô tả cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác chúa Jesu với tất cả tình yêu thương bao la rộng lớn của người mẹ sẵn sàng che chở cho con. Khác với nỗi đau của Đức Mẹ là nỗi đau của thần thánh, không thể khóc thành lời mà phải kìm nén sâu thẳm trong lòng thì ở Picasso, ông đã lột tả chân thực nhất nỗi uất ức, mất mát của người mẹ bình thường trước sự ra đi oan ức của con mình. Đôi mắt, lỗ mũi có hình dạng của những giọt nước mắt, chiếc lưỡi nhọn cùng với tư thế ngửa mặt lên như muốn trút hết đến tận trời cao những thống khổ mà chiến tranh không bao giờ hiểu được.
Hình ảnh người phụ nữ kinh hãi giơ tay như xin hàng làm ta nghĩ ngay đến những phiến quân Tây Ban Nha trong bức họa El 3 de mayo en Madrid (ngày 03 tháng 05 tại Madrid). Họ bị bắt và bị tàn sát bởi lính Pháp để trả đũa cho các cuộc khởi nghĩa ngày 02/05/1808 chống lại sự xâm lược của Napoleon. Một tinh thần tử vì đạo.
Từ cửa sổ, người phụ nữ với cánh tay, đầu thon và tóp như thể đang vươn dài về phía trung tâm, còn trên tay cầm ngọn đèn dầu nhỏ mang biểu tượng của hi vọng. Hình ảnh gây cảm giác như người phụ nữ bằng mọi giá vượt khỏi khu nhà đổ nát, dù hốt hoảng nhưng vẫn cố gắng cứu ngọn đèn này, để thắp sáng cái tối tăm, đau đớn ở trung tâm.
Cuối cùng ở góc dưới bên phải, một phụ nữ có tư thế rướn người, khụy gối gần như sát mặt đất. Toàn bộ cơ thể, nhưng đặc biệt là khuôn mặt và cổ kéo dài cho ta cảm giác người này hoàn toàn muốn vươn người về phía ánh đèn, về nơi có ánh sáng heo hắt.
Ngựa hấp hối, nỗi ai oán và đau thương từ nỗi mất con, sự chết chóc của người lính, toàn thể bức họa đã lột tả được sự giận dữ, buồn bực của Picasso trước sự kiện Guernica. Nếu các bạn đã từng xem những thước phim về chiến tranh hay đọc thêm các tư liệu lịch sử thì các bạn dễ cảm nhận được Guernica đang muốn nói gì, và đó cũng là lí do Guernica được nhiều người biết đến. Là con người ai cũng có thể hiểu được những mất mát do các cuộc chiến tranh vô nghĩa gây ra, chứ không chỉ có tính chất anh hùng, quả cảm, thắng lợi như những thần thoại, sử thi đã kể.
- trinhhaithang biên dịch -
Theo “Looking at paintings” của Frances Kennet
>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 1)
>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2b)
>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 3)
>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 4)