Yếu tố không gian hội họa trong một trích đoạn
của bản dịch Chinh phụ ngâm khúc

Tóm tắt: Khái niệm không gian được nhìn từ nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nghệ thuật, khoa học hay triết học… Nội dung bài viết xem xét không gian từ góc độ nghệ thuật thơ và hội họa. Trên cơ sở khái quát đặc điểm yếu tố không gian của hội họa đã đi sâu nghiên cứu trường hợp cụ thể là một trích đoạn của bản dịch Chinh phụ ngâm khúc để chỉ ra hình thức biểu hiện của không gian nghệ thuật hội họa trong trích đoạn thơ.

yeu to hoi hoa trong tho 1

Không gian là một khái niệm được tiếp cận từ nhiều góc độ. Ở bài viết này, không gian được đề cập là không gian nghệ thuật, kiến tạo trong tác phẩm nghệ thuật, nhìn nhận theo quan điểm và ý nghĩa nghệ thuật, không phải là đối tượng nghiên cứu của các khoa học khác.

Trong nghệ thuật, dù có sự phân chia thành nghệ thuật không gian hay thời gian thì không có nghĩa những nghệ thuật không gian không có yếu tố thời gian và ngược lại. Các nghệ thuật bằng cách này hay cách khác đều biểu hiện yếu tố không gian nghệ thuật trong tác phẩm dù ít hay nhiều. Như âm nhạc, thuộc nghệ thuật thời gian, nhưng “các biểu hiện không gian lại được tạo nên bởi động thái của âm hưởng, bởi những âm cao và thấp, bởi những nét giai điệu, bởi nhiều bè hòa thanh”. Nếu hình thức tồn tại của vật chất trong hiện thực là sự vận động, là không gian và thời gian thì hình thức tồn taiij của hình tượng nghệ thuật là không gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không chỉ là môi trường tồn tại mà nó còn bộc lộ tính tư tưởng của hình tượng nghệ thuật. Việc chiếm lĩnh và biểu hiện không gian trong nghệ thuật không chỉ là hoạt động tái hiện thế giới mà còn là hoạt động biểu hiện, bộc lộ tình cảm của con người.

Yếu tố không gian trong thơ và hội họa

Hội họa là nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật mặt phẳng và còn gọi là nghệ thuật không gian bởi không gian là yếu tố không thể thiếu đối với hội họa. Không gian hiện hữu cả trong và ngoài họa phẩm. Từ bốn cạnh của khung tranh trở ra, là không gian tồn tại của tác phẩm, không gian vật lý. Từ bốn cạnh của khung tranh trở vào là không gian tồn tại của không gian nghệ thuật, thứ không gian mơ tưởng không cùng. Có nhiều hình thức khác nhau của không gian được trình bày trong tác phẩm hội họa, song chỉ có ba dạng cơ bản: không gian cảm giác, không gian ý niệm và không gian phối hợp. Dù có nhiều dạng không gian khác nhau nhưng ta thấy chỉ có hai dạng viễn cận chính. Loại thứ nhất là viễn cận hội tụ, các đường chiếu theo hình chop nốn và tụ về một điểm. Nếu trong thực tế những đường vốn là song song thì trong viễn cận này lại đồng quy tại một điểm gọi là điểm tụ. Đây là thứ viễn cận tĩnh, người quan sát đứng yên, vật thể đặt trong không gian viễn cận như hút dần về xa. Loại thứ hai gồm tất cả viễn cận nào đối lập với viễn viễn cận trên, không hút về xa, các đường chiếu không hội tụ tại một điểm và có hai hoặc nhiều hơn hai điểm trông. Với đặc điểm này, vật thể cho cảm giác không hút về xa trong không gian và dù chúng ở các lớp trước sau khác nhau nhưng ta vẫn cảm thấy rất gần mình.

Khác với hội họa, không gian nghệ thuật trong tác phẩm thơ có những nét đặc thù. Nếu hội họa tái hiện đồng thời tương quan của các vật trong không gian một cách dễ dàng thì điều này lại khó đối với thơ. Létxing đưa ra nhận xét nhược điểm này của thơ: “Những gì mà con mắt nắm bắt được tức khắc thì nhà thơ phải trình bày cho chúng ta chậm rãi, theo từng bộ phận, và thường kết quả là, khi cảm thụ bộ phận sau thì chúng ta đã quên mất bộ phận trước. Ở đây sự đối chiếu các vật thể trong không gian đã vấp phải tính liên tục của lời nói trong không gian. Do đặc điểm của chất liệu ngôn ngữ, thơ không thể diễn đạt đồng thời một cách trọn vẹn những chi tiết riêng lẻ như hội họa, thơ phải diễn tả lần lượt từng thứ, trình tự theo chiều không gian và thời gian. Nhưng thơ có thể biểu hiện không gian trong tính vận động, tính quan niệm của hình tượng và con người. Có thể kết nối hay chuyển đổi các mảng không gian khác nhau trong cùng một bài thơ. Có thể nói, những sự việc, những biến động trong thơ đều được “xây dựng trên một không gian – riêng cũng như chung, thực cũng như hư – nhất định. Biến cố có thể xây dựng trên một tinh cầu xa xôi, một địa phủ tăm tối, một đỉnh non lộng gió, một nguồn suối đầy hoa… Nói chung, biến cố trong thơ có thể xây dựng trên một không gian giả tưởng hay một không gian đích thực, một không gian vô biên hay một không gian hữu hạn, một không gian được quan niệm là một hình thức có khoảng trải (étendu) đồng đều, hình học có ba chiều, có thể phân thành những khoảng chiếu ứng với nhau”.

Việc tái niệm đồng thời tương quan các sự vật hiện tượng trong không gian cũng như khả năng miêu tả vật thể, thuộc tính của vật thể bị hạn chế nên trong thơ ta thường gặp các hình tượng nghệ thuật, mà những hình tượng nghệ thuật này gợi lên ở người thưởng thức những tưởng tượng, liên tưởng thị giác, và khi ở mức độ nào đó sự liên tưởng, tưởng tượng tương ứng với các hình tượng không gian khác nhau thì tác phẩm thơ được ví như bức tranh ngôn từ.

Yếu tố không gian hội họa trong trích đoạn thơ Trông bốn bề

Trông bốn bề là một trích đoạn trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch nôm na của Đoàn Thị Điểm. Trong khúc ngâm, tâm trạng sầu và nhớ của người thiếu phụ là tiếng nói ai oán đối với chiến tranh. Bởi chiến tranh mà người chinh phu bị đẩy ra chiến địa, người chinh phụ vò võ đợi chờ với bao nỗi buồn thương nhớ khôn nguôi:

Lòng này gửi gió đông có tiện,

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dầu chẳng tới miền,

Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Cảnh buồn người thiết tha lòng,

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.

Nỗi nhớ triền miên như luôn bám theo hình với bóng:

Bui có tấm lòng chẳng dứt,

Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi.

Lòng theo nhưng chửa thấy người.

Chửa thấy người nên nàng lên lầu cao với hy vọng dõi tầm mắt về chân trời bốn phía có thể thấy được dấu hình của người thương, Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe. Từ trên cao, nàng nhìn về phương Nam:

Trông bến Nam bãi chia mặt nước,

Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh.

Nhà thôn mấy xóm chông chênh,

Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.

Ở khổ thơ này, tác giả miêu tả khái quát một góc cảnh bến nước phía Nam. Cách tả phong cảnh ở đây không có gì đặc biệt nếu xét về cách tả, cách thức sử dụng các chi tiết hay hình tượng như bãi cỏ, ngàn dâu, nóc nhà, đàn cò, cảnh trời chiều là những hình tượng đã quen thuộc và màu sắc gắn với thuộc tính như màu biếc, màu xanh là màu có tính chất tượng trưng phổ biến. Nhưng điều đáng chú ý là, ngay từ đầu tác giả xác định một điểm nhìn của không gian; Trông bến Nam bãi chia mặt nước và qua đó chiều không gian viễn cận cũng được cảm nhận rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Sau câu thơ này, lần lượt các chi tiết trong bức tranh xuất hiện từ gần đến xa. Gần là bãi cỏ, xa dần là ngàn dâu xanh, xa nữa nhà thôn mấy xóm và điểm hút của không gian như tụ lại nơi đàn cò đậu bên ghềnh. Các chi tiết được thể hiện sinh động, miêu tả rất đúng, chính xác theo tỷ lệ gần to xa nhỏ của không gian ba chiều theo phối cảnh cổ điển châu Âu trong tác phẩm hội họa. Gần to là bãi cỏ, ngàn dâu, nhỏ dần là những ngôi nhà và nhỏ nhất là những con cò xa tít bên ghềnh. Các mảng hình thay đổi theo hướng nhỏ dần và được trình bày thứ tự trước sau như gợi tả không gian hút sâu vào vô tận. Qua trung gian là những hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong thơ, một bức tranh phong cảnh theo phong cách cổ điển đã hình thức nhờ liên tưởng thị giác.

Khổ thơ tiếp theo, nàng chinh phụ trông về phía Bắc:

Trông đường Bắc đôi chòm quán khách,

Rườm rà cây xanh ngắt núi non.

Lúa thành thoi thóp bên cồn,

Nghe thôi ngọc địch véo von trong lầu.

Nếu bức tranh Trông bến Nam … gợi cảm giác cô liêu, hiu quạnh thì bốn câu thơ liền đó lại là viễn cảnh về con đường phía Bắc xa xăm, tiêu xơ. Không gian được gợi mở từ con đường phía Bắc với những lớp trước sau, từ đôi chòm quán khách  đến xa hơn là những làn sóng lúa thoi thóp ngả nghiêng bên chân thành hoang vu và xa tít nơi chân trời là màu xanh của núi. Một bức tranh phong cảnh buồn tẻ đơn côi, dù cho tiếng sáo có véo von vút lên không trung từ lầu cao cũng không làm nguôi đi nỗi buồn nhớ của nàng chinh phụ.

Trông bến Nam, trông đường Bắc, rồi nàng nhìn về phía Đông:

Nom Đông thấy lá hầu chất đống,

Trĩ xập xòe mai cũng bẻ bai.

Khói mù nghi ngút ngàn khơi,

Con chim bạt gió lạc loài kêu sương.

Không gian hội họa theo phối cảnh xa gần được gợi lên từ khổ thơ này rất tinh tế. Hút tầm mắt nơi xa là cánh rừng trống (không sơn) lá rụng chất đống. Gần hơn, lớp khói và sương dày đặc, lan tỏa khắp nơi (nghi ngút). Con chim lạc đàn cuốn theo chiều gió xa dần và mờ trong làn sương. Nổi trên bề mặt phía trước của bức tranh chính là khóm mai đung đưa, chao đảo (bẻ bai) trước gió và đôi trĩ vỗ cánh (xập xòe) trong gió thu (Kim Phong thiên lạc). Không chỉ có lớp hình, mảng chi tiết được diễn tả từ gần (đôi trĩ, khóm mai) đến xa (con chim lạc đàn, làn khói sương và cánh rừng) theo chiều sâu của không gian mà hiệu quả không gian thị giác có được còn là nhờ khả năng diễn tả đậm nhạt tài ba của nữ sĩ. Có chỗ tỏ (đôi trĩ, khóm mai), chỗ mờ nhòe sinh động (làn khói sương). Gần đậm (trĩ xập xòe, mai bẻ mai), xa nhạt (khói mù nghi ngút ngàn khơi). Một phối cảnh đậm nhạt của nghệ thuật hội họa với tính chất gần đậm xa nhạt, gần rõ xa mờ; nhằm gây ấn tượng nổi của vật thể và chiều sâu của không gian.

Cuối cùng nàng chinh phụ quay nhìn về phía Tây:

Lũng Tây thấy nước dường uốn khúc,

Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu.

Ngàn thông chen chúc khóm lau,

Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về.

Đoạn thơ là một cận cảnh, không gian được gợi tả từ gần đến xa: con sông uốc khúc, sóng đưa đẩy chiếc thuyền câu từng đợt dập dờn (giục); chim nhạn liệng bay chấp chới trên không; khóm lau dày như chen lấn, vây lấy cánh rừng thông bạt ngàn; ở xa tít đường như một bóng người thấp thoáng, ẩn hiện (cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về). Không gian xa gần trải dài, sâu hút theo các chi tiết, hình tượng nghệ thuật và như tụ lại nơi có bóng người. Ở đây, các lớp chi tiết được miêu tả chính xác theo vị trí của người quan sát. Vì nàng chinh phụ đứng trên lầu cao nên tầm mắt bao quát được rộng và thấy được xa. Bởi thế, dù khóm lau, ngàn thông ở phía trước mà nàng vẫn thấy được người ở phía xa, đằng sau ngàn thông. Khung cảnh được miêu tả theo lối nhìn bao quát của thi sĩ cũng tương đồng với nhìn bao quát trong hội họa. Đó là cách nhìn có khả năng ghi nhận nhiều hình ảnh trong cùng một lúc, nhưng không phải từng thứ riêng lẻ, mà trong những quan hệ về vị trí, tỷ lệ, sáng tối, đạm nhạt, màu sắc…

Tóm lại, bốn khổ thơ nhìn về bốn phía là bốn bức tranh phong cảnh. Mỗi bức diễn tả một khoảng không gian nhất định với những đường nét, hình mảng, thể dáng, màu sắc gợi cảm. Theo mỗi hướng nhìn của nàng chinh phụ, một góc cảnh được xác định cụ thể, qua đó khung cảnh hiện lên theo đúng trật tự của tự nhiên. Ta không thấy sự gượng ép nào về thứ tự xa gần, trước sau cảu cảnh vật. Các chi tiết được dàn theo chiều sâu của không gian và thống nhất trong trường nhìn. Qua mỗi bức tranh, không gian hội họa hiện hữu với phối cảnh viễn cận gần to xa nhỏ, gần rõ xa mờ, gần đậm xa nhạt. Không gian ấy như hút sâu về một điểm nơi nhân vật hướng mắt dõi trông.

Không gian hội họa mà ta cảm nhận được từ bốn trích đoạn thơ trên nhờ những liên tưởng thị giác là không gian cảm giác. Không gian với phối cảnh xa gần có từ thời Phục Hưng ở châu Âu còn được gọi là không gian thấu thị. Đặc điểm của không gian này là cho cảm giác như không gian thật. Thực chất đây là không gian ba chiều được thể hiện trên mặt phẳng hai chiều mà hiệu quả của nó cho phép người vẽ có thể tạo chiều sâu, độ nổi để làm tái hiện hiện thực khách quan. Không gian cảm giác chỉ hiện hữu khi có đủ ba điều kiện: thế giới nghệ thuật trong tranh biểu thị nguyên tắc tam nhất của mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, đó là cùng một thời gian, cùng một địa điểm và theo một điểm nìn. Với cảm giác như không gian thật tái hiện trong tác phẩm, nên cảnh vật ta ghi nhận được như hút về xa, các đường thẳng song song cho cảm giác như hội tụ. Dựa trên nguyên tắc, quy định chặt chẽ và cũng có cơ sở khoa học nhất định của không gian cảm giác nên ảo ảnh của không gian ba chiều, thế giới hiện thực như hiện ra trước mắt ta một cách sinh động. Đây là dạng không gian người thưởng thức dễ cảm nhận được, bởi chúng ta dù là người như thế nào, bất kể trình độ ra sao khi đôi mắt vẫn mở rộng đón nhận không gian thiên nhiên thì đều có thể cảm nhận được như nhau về sự hút về xa của con sông hay dòng suối, sự thu nhỏ của cánh buồm trên biển cả, của cánh chim nơi cuối trời.

Trở lại với trích đoạn thơ Trông bốn bề trong bản dịch Chinh phụ ngâm khúc. Qua cách miêu tả đối tượng của thi sĩ, cách thức tổ chức câu thơ, ta thấy yếu tố không gian hội họa được gợi lên bởi những liên tưởng thị giác thể hiện ở các mặt:

- Vị trí quan sát, điểm nhìn ở trên một độ cao nhất định. Do các chi tiết được miêu tả trong một khoảng không gian bao la, và bao quát rõ. Qua đó, bốn khung cảnh được thể hiện đều có đường chân trời cao.

- Không gian được miêu tả có chiều sâu như chiều thứ ba trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều của nghệ thuật hội họa. Các vật thể, chi tiết như thu nhỏ dần theo chiều hút về xa, nơi đường chân trời.

- Với bối cảnh được bao quát trên diện rộng, không gian trong thơ cũng giống như với phép thấu thị tiêu điểm trong nghệ thuật hội họa cổ Trung Hoa. Điểm đáng chú ý, phép phối cảnh này không hoàn toàn giống với phép phối cảnh viễn cận châu Âu cổ điển. Chẳng hạn, nếu phép viễn cận của phương Tây đòi hỏi hình ảnh thu nhỏ của thấu thị phải tập trung tuyến nhìn vào một điểm cố định thì trong phép thấu thị tiêu điểm của Trung Hoa lại không nhất thiết phải tập trung tuyến nhìn vào một điểm. Phép thấu thị tiêu điểm nhằm chỉ rõ quan hệ xa gần của vật thể và người họa sỹ phải thể hiện được không gian vũ trụ vô hạn trong khuôn khổ có hạn của bức tranh. Đây là cái ý “Trong gang tấc, có cái thế của ngàn dặm vạn dặm” hay “Dồn rừng cây nhà cửa vào trong gang tấc, gói núi non ở ngoài ngàn dặm”.

- Trong thơ, cảnh vật không chỉ được vẽ với chiều sâu và độ nổi, đậm nhạt, gần xa mà còn qua tả cảnh để gợi tình. Ở đây, chúng ta đứng trước một khung cảnh bao la nhìn từ trên lầu xuống, và nhìn theo màu sắc và hình thái của nỗi lòng tưởng nhớ. Không gian như chứa chất bao nỗi niềm, cảm xúc; cảnh thiên nhiên như gắn bó với tâm trạng của nhân vật, và qua đó thể hiện tình cảm của tác giả. Không gian trong hội họa cũng vậy, không chỉ tái hiện thế giới dù bằng phương thức nào, hình thức biểu hiện nào mà còn bộc lộ tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của người nghệ sĩ.

yeu to hoi hoa 2

Lời kết: Xét ở góc độ thơ ca, những khuôn sáo thời Trung đại vẫn quy chiếu trong lối tả cảnh ở trích đoạn thơ thể hiện qua nghệ thuật sử dụng chi tiết, hình tượng mang tính chất tượng trưng quen thuộc. Nhưng trên hết là nghệ thuật dùng từ ngữ phong phú, chính xác, gợi cảm, nhạc điệu, tiết tấu hài hòa, lời thơ tràn đầy cảm xúc. Do đó, bằng xúc cảm thẩm mỹ trong phương thức tạo hình, hiện thực trong thơ không còn chung chung, mơ hồ và đã trở thành một trong những đoạn thơ tiêu biểu về nghệ thuật tả cảnh gợi tình của văn học cổ Việt Nam. Một đoạn thơ điển hình Thi cảm ứng nơi nhã họa.

- Lê Văn Sửu -

>>> Hình khối không gian - Hình đa hướng

>>> Hình thể, không gian và cái nhìn (Phần 1)

>>> Hình thể, không gian và cái nhìn (Phần 2)

0976984729