Nghiên cứu thiên nhiên
làm chất liệu, tư liệu sáng tạo nghệ thuật

Thiên nhiên quanh ta chính là sự sống tồn tại và phát triển của muôn loài, là hiện hữu của ánh sáng, khí quyển: ngày, đêm và những quy luật muôn đời của sự sinh trưởng và tàn lụi. Thiên nhiên hàm chứa trong nó những yếu tố về thời gian và không gian, muôn vàn hình ảnh của vật chất và của cả những linh hồn… Con người ngay từ khi sinh ra đã được thiên nhiên chở che, nuôi dưỡng, được thiên nhiên dìu dắt, truyền dạy những kinh nghiệm để tồn tại và phát triển – nhận thức và tiến hóa – hoàn thiện cuộc sống của mình. Thiên nhiên không chỉ là mái nhà chung của muôn loài, là nơi ta sinh sống, học tập mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta tình yêu và sức mạnh, ý chí và lòng can đảm, tinh thần sáng láng và cả những "giấc mộng thiên đường".

nghien cuu chat lieu 3

Không phải ngẫu nhiên mà con người từ thời tiền sử đến thời hiện đại luôn nương tựa vào thiên nhiên và học theo thiên nhiên, khám phá những quy luật tiềm ẩn của thiên nhiên. Thiên nhiên đã đi vào thơ ca, nhạc họa… và là máu thịt của ta, tâm hồn của ta, là người thầy vĩ đại của sự sống, là đối tượng nghiên cứu của tất cả các ngành khoa học, nghệ thuật, triết học. Từ những nét khắc họa của người tiền sử trong các hang động đến những đồ thức trang trí trên những công cụ, phương tiện lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trên gốm sứ, kim loại…; trên những công trình kiến trúc tôn giáo, cung điện… đều bắt nguồn từ thiên nhiên.

Nghiên cứu thiên nhiên (NCTN) làm cơ sở để sáng tạo nghệ thuật, không chỉ là đối tượng quan trọng của Mỹ thuật Công nghiệp mà của rất nhiều ngành nghệ thuật khác.

NCTN của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) nhằm mục đích khám phá về quy luật tự nhiên, về màu sắc và cấu trúc, về các trạng thái biểu hiện hình dáng, hình thể làm tư liệu sáng tạo nghệ thuật.

Đối tượng nghiên cứu là các loại hoa lá, động vật, con người, hình thức cấu trúc tự nhiên như núi sông và các đồ thức hay công trình do con người sáng tạo.

I. Khái niệm về hình tự nhiên

Hình tự nhiên là các loại hình bao gồm tất cả các dạng cấu trúc và hình dáng, hình thể có trong thiên nhiên (là sản phẩm của tự nhiên). Trong thiên nhiên ta bắt gặp không chỉ sự đa dạng về kết cấu, màu sắc mà còn gặp sự phong phú về các thể khối, tạo hình, địa hình khác nhau (đồi núi, sông suối…), thực vật, động vật, những quần thể kiến trúc, những xóm làng thân thuộc, những đụn rơm mái lá, những ngẫu thể tự nhiên gợi cho ta cảm hứng hội họa và nguồn tư liệu vô tận cho những tìm kiếm sáng tạo và truyền cảm hứng nghệ thuật.

NCTN thường áp dụng cho những nhiệm vụ khác nhau, nó cũng có những phương pháp thích hợp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thể loại tạo hình, do đó cần xác định cách thức, phương pháp nghiên cứu để đạt được hiệu quả phù hợp.

NCTN để làm các bài tập tổ hợp màu cần nghiên cứu kỹ về chi tiết, sâu sắc về đối tượng đồng thời diễn tả được hình thái và đặc trưng của các bộ phận chi tiết hợp thành – phải đặt mục tiêu nghiên cứu tỉ mỉ ở tất cả các chi tiết với một sự chăm chú và tình yêu đặc biệt với từng lá cây, bông hoa, ngọn cỏ… điều ấy giúp ta thấu hiểu được những tính chất cấu trúc, hình thái biểu hiện và cảm nhận màu sắc phong phú của tự nhiên.

II. Sử dụng các yếu tố hình tự nhiên vào hoạt động tạo hình như thế nào>

Để chuyển tiếp từ các dạng hình cấu trúc tự nhiên thành các yếu tố tạo hình trước hết phải căn cứ vào các quy luật thị giác – tức là phải căn cứ vào toàn bộ sự nhìn (khám phá, tuyển lựa) bởi vì quy luật của thị giác luôn tồn tại khách quan, độc lập đối với mọi sự hình thành phong cách. Thứ hai là căn cứ vào sự liên tưởng. Thứ ba là căn cứ vào nguyên liệu và phương tiện kỹ thuật tạo hình. Hình trong tạo hình là hình mang các yếu tố đặc trưng mới mẻ, bất ngờ hội tụ các yếu tố thẩm mỹ. Do đó con đường cơ bản dẫn đến hình là quan sát kỹ lưỡng, nắm bắt các đối tượng nổi trội mới mẻ, quy nạp, giản lược từ đối tượng tự nhiên, khuếch trương những hình dạng thẩm mỹ - đem cái nhìn thấy được và không nhìn thấy được liên kết với nhau để biểu hiện một hình dạng mới – tức là con đường đi từ cụ thể đến hình "mang tính trừu tượng", nhưng vẫn giữ được đặc điểm cấu trúc của chúng.

III. Giản lược hóa, cách điệu hóa

Giản lược hóa là nguyên tắc thị giác căn bản nhằm loại bỏ những phần rườm rà, thứ yếu để làm nổi trội những phần quan trọng, những thành tố đặc trưng, khuếch trương những phần chủ yếu làm cho hình thể dễ nhận biết, sáng sủa, dễ ghi nhớ, có những đặc tính cô đọng, giàu tính biểu cảm. Có thể có những hình thức giản lược, cách điệu khác nhau nhưng tựu chung là tạo ra một hình mới có ý đồ về thẩm mỹ và tính chất tạo hình phù hợp với ngôn ngữ tạo hình và biểu hiện. Có 4 yếu tố quan trọng cần tuân theo khi giản lược, cách điệu hóa:

1. Đặc tính thẩm mỹ của hình.

2. Cấu trúc đặc trưng của hình.

3. Quy luật, trạng thái vận động, phát triển của hình.

4. Ngôn ngữ tạo hình.

Nắm vững 4 yếu tố trên người vẽ có thể chủ động nghiên cứu từ khâu lấy tài liệu, ghi chép, ghi nhớ đến quá trình tuyển lựa, tìm kiếm giá trị sử dụng về tạo hình của chúng.

IV. Tổ hợp không gian

Một trong những yêu cầu quan trọng của bài tập tổ hợp hình tự nhiên là bố cục. Nhưng trước hết là tổ hợp hình, hình ở dạng đơn lẻ không nói lên tính chất vận động và thẩm mỹ của chúng. Tổ hợp hình là quan hệ liên kết giữa hình với hình, giữa hình với nền. Nền với hình và quy luật vận động của chúng, cho chúng những giá trị về mặt thị giác (tương phản) theo tổ chức có hệ thống, chính phụ và nhịp điệu, cấu trúc bề mặt thống nhất – từ đó tạo ra tổ hợp không gian.

Có hai loại tổ hợp không gian mặt phẳng:

1. Tổ hợp không gian mặt phẳng hai chiều.

2. Tổ hợp không gian mặt phẳng đa chiều.

Ở tổ hợp thứ hai, ngoài các quan hệ như phần trên cần chú ý tới yếu tố ánh sáng tạo ra các bề mặt, bóng và bóng đổ của các vật thể. Nhờ ánh sáng và tính chất của ánh sáng ta có thể tạo ra những ảo giác về hình thể và các mối quan hệ hình – nền, hình và những đường viền là những yêu cầu nghiên cứu về cấu trúc tự nhiên làm phương tiện để thực hiện những ý đồ sáng tạo của mình.

V. Những bài giảng quan trọng đối với sinh viên

1. Cần làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa cái đẹp trong thiên nhiên và sự sáng tạo của con người trong nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí, điêu khắc, kiến trúc…).

Về lý luận: sinh viên nhận thức được sự đa dạng, phong phú về hình thái, cấu trúc, màu sắc của đời sống tự nhiên. Thiên nhiên trong đời sống là nguồn cung cấp tư liệu vô tận để nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo nghệ thuật (bao gồm cả các ngành nghệ thuật, văn học, kiến trúc, điện ảnh, khoa học phỏng sinh học, nghệ thuật trang trí, tạo dáng công nghiệp và các ngành nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng khác…).

2. Phương pháp tiếp cận và lấy tư liệu nghiên cứu thiên nhiên:

- Quan sát

- Ghi nhớ

- Ký họa, diễn họa

- Chụp ảnh

nghien cuu thien nhien 1
Bài tập nghiên cứu thiên nhiên của SV Trường Đại học MTCN

nghien cuu thien nhien 2
Tác phẩm cây táo của họa sỹ Harry Holtzman

Về phương pháp: nhận thức được vẻ đẹp về hình dạng, cấu trúc, kết cấu, màu sắc, nhịp điệu, chuyển động và các hình thức thể hiện khác… biết phân loại, chọn lọc ghi chép… cho các mục đích khác nhau.

3. Phương pháp ký họa diễn họa

Các dạng thức cấu trúc tĩnh, động và các hình thái biểu hiện đặc trưng của đối tượng – đặc biệt chú ý đến cấu trúc, hình dạng, kết cấu của các thành phần, các tổ hợp chi tiết và đặc điểm hình học của chúng.

Nắm vững phương pháp và kỹ năng ký họa, diễn họa, thâm diễn để mô tả cấu trúc, tiết tấu, nhịp điệu và các đặc tính tự nhiên khác.

4. Phương pháp chọn lọc, ứng dụng vào hệ thống bài tập

Chọn lựa các cấu trúc, hình thức, hình thái biểu hiện đặc trưng nhất về:

- Cấu trúc hình ảnh

- Màu sắc

- Kết cấu

Có thể cách điệu hóa, biểu trưng hóa, tổ hợp bố cục cho các hình thức:

- Trang trí

- Bố cục mặt phẳng

- Bố cục khối

- Ứng dụng tạo hình

- Ứng dụng trong thiết kế, tạo dáng…

Tuy nhiên tất cả các phương pháp cũng chỉ là phương tiện để xác minh mục tiêu mà thôi. Quan trọng hơn là nhận thức thẩm mỹ và năng lực thẩm mỹ này được thể hiện ở tư duy và cái nhìn thị giác, ở sự sáng tạo cá nhân để chủ động vận dụng làm cho việc NCTN chính là sự cảm thụ tri giác và thẩm mỹ mới đem lại kết quả cho những ứng dụng sáng tạo nghệ thuật của mình./.

 

- Hs. Ngô Bá Thảo -

>>> Vẽ hình nét và chất liệu

>>> Bố cục chất liệu màu

0976984729