Xu hướng tiếp biến trang phục truyền thống
của người Việt trên thế giới

Bản chất của Thời trang là mới mẻ, đầy sáng tạo, tuy nhiên có quy luật và chịu sự ảnh hưởng theo trào lưu chung của xã hội. Sự giao thoa văn hóa luôn xảy ra trong mọi thời đại. Một nhà thiết kế có thể lấy ý tưởng thiết kế từ trang phục truyền thống của bất cứ quốc gia, đất nước nào, tùy theo sự biến động về kinh tế, xã hội và dự báo xu hướng mốt toàn cầu mà mỗi giai đoạn có các trào lưu theo vùng miền hay chủng tộc khác nhau. Đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đều có điểm chung giống nhau đó là xu hướng tiếp biến văn hóa mặc các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…

trang phuc truyen thong 1
Hình 1 – Bộ sưu tập xuân 2011 của NTK Philosop Di Alberta – Ferretti

Hiện nay đã có sự giao thoa văn hóa của trang phục Việt với bè bạn năm châu trên thế giới thông qua các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. "Nói cách khác, giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn luôn đặt mỗi tộc người phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Hai yếu tố này luôn có khả năng chuyển hóa cho nhau và rất khó tách biệt trong một thực thể văn hóa". Nhà thiết kế đã thành công trong sự tương tác giữa "nội sinh" và "ngoại sinh" để sáng tạo bộ sưu tập hiện đại, chuyển hóa thành một xu hướng rất thời thượng hợp mốt.

Nhà thiết kế (NTK) thời trang Philosop Di Alberta – Ferretti đã sáng tạo bộ sưu tập thời trang RTW (Ready-to-wear) năm 2011 lấy ý tưởng từ nón lá, áo dài Việt, sườn xám Trung Quốc kết hợp với họa tiết trang trí phương Đông: nút cài áo bằng vải; hình thêu rồng và hoa lá sắc màu miền nhiệt đới, gợi cảm giác trong lành và thực tế. Phần còn lại của câu chuyện là bộ sưu tập trang phục với pajama-like, quần short đều được in họa tiết, tất cả đều phù hợp với nón lá và giày lụa nhỏ phủ đầy màu sắc và đính cườm tuyệt đẹp. Những chi tiết trang trí chính là những khoảnh khắc bất ngờ sẽ được chào đón tại ngay cả những kinh đô thời trang lớn nhất thế giới. Như vậy ý tưởng không phụ thuộc nhà thiết kế sinh ra ở đâu, nguồn gốc như thế nào, mà chính là cách cảm, cách nghĩ và sự xúc động đó đã thấm vào tư duy sáng tạo của họ từ đó cho ra những mẫu thiết kế sự mới mẻ, hợp thời đại và mang âm hưởng của một nền văn hóa khác.

trang phuc truyen thong 2
Bộ sưu tập xuân hè 2012 của NTK Ferragamo Salvatore

Trong bộ sưu tập xuân hè 2012 của nhà thiết kế Ferragamo Salvatore tại Milan, chúng ta nhận thấy cô đặc biệt chú trọng tới kết cấu của chiếc yếm. Điểm gây chú ý chính là sự hấp dẫn của phần trên cổ của những chiếc đầm, như dây yếm với bờ vai trần và đường cong quyến rũ của lưng cong thanh mảnh, trên sắc màu của họa tiết trang trí đậm chất phương Đông với cỏ hoa vùng nhiệt đới. Chúng ta thấy trong đó sự hòa âm giữa phương Đông ấm áp và phương Tây gợi cảm (Hình 2). Điều đặc biệt chính là sự quan tâm của NTK tới một nền văn hóa khác xa với văn hóa bản địa nơi họ sinh ra và lớn lên. Sự hấp dẫn từ châu Á đã tạo nên những ấn tượng nhất định để NTK thăng hoa cảm xúc và sáng tạo thời trang.

Một trong những mẫu thiết kế hấp dẫn trong bộ sưu tập này đã được "siêu mẫu" Thanh Hằng lựa chọn trong một sự kiện văn hóa tại Việt Nam (đêm chung kết siêu mẫu Việt Nam 2012). Nhìn vào tổng thể cả màu sắc, chất liệu và cấu trúc chúng ta có thể liên tưởng ngay đến bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt thời xưa, bao gồm yếm và váy khi họ mặc ở nhà. Bộ trang phục mộc mạc dân dã đã tiếp thành những bộ trang phục hợp xu hướng đến mức ngay cả những ngôi sao nổi tiếng thế giới cũng muốn chưng diện. Bộ đầm này đã từng được một số ngôi sao màn bạc như: Jenifer Lopez, Zhang Xin Yi và Rosario Dawson mặc (Hình 3), cho thấy thời trang hiện nay đã lan tỏa và mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết.

trang phuc truyen thong 3

Hình 3. Một số minh tinh màn bạc: Jenifer Lopez, Zhang Xin Yi
và Rosario Dawson và người mẫu Thanh Hằng
trong trang phục của NTK Ferragamo Salvatore.

Trong bộ sưu tập xuân hè 2013 của thương hiệu thời trang Ý Emilio Pucci, chúng ta thấy rõ vẻ đẹp của yếm đào và tà áo dài Việt đã được giám đốc sáng tạo Peter Dundas thể hiện trong từng mẫu thiết kế hết sức độc đáo và sang trọng trong gam màu đen trắng hiện đại. Chủ đề của bộ sưu tập "sự sang trọng của Đông Dương" (the opulence of Indochina) lấy cảm hứng từ trang phục phụ nữ Việt truyền thống, sự khác thường chính là những hình thêu tay tinh tế trên lớp vải đen được phủ bởi organza và voan, đã hút hồn khiến cả các nhà báo và khán giả phải quay đầu nhìn theo. Bộ sưu tập là sự táo bạo và gợi cảm, như có chúng ta có thể thấy làn da gợi cảm quyến rũ của các người mẫu trong các chất liệu sang trọng, ren tinh tế, organza, chiffon trong như pha lê được thêu với kỹ thuật truyền thống phương Đông, hình ảnh của rồng, hổ, rắn và hoa đã được thêu tinh tế trên nền vải lụa lỏng lẻo và chiffons mềm mại. Những thiết kế chủ yếu là chiếc váy maxi tuyệt mỹ, hiển thị trong bộ sưu tập là trang phục với hai bên sườn cắt theo hình yếm "dân tộc" và chất liệu ren tuyệt đẹp, bây giờ những người phụ nữ quyến rũ sẽ không phải e ngại gì về xu hướng phủ kín mình trong các bộ trang phục nhàm chán như áo sơ mi và quần, mà họ có thể rất gợi cảm (Hình 4). Dundas nói với The Wall Street Journal vào năm 2010, sau khoảng một năm giữ vị trí lãnh đạo ở Emilio Pucci: "Tôi tin vào bản năng động vật. Tôi tin rằng quần áo nên kích động ham muốn". Tuy nhiên trong bộ sưu tập còn có các bộ trang phục "kín đáo" hơn như: áo khoác ngắn (blousons), áo liền quần, áo vét tông (jacket), trang trí với thêu ren rồng hoặc bản in hỗn hợp. Chúng ta biết nó tồn tại, và nó sẽ ở đó trong các cửa hàng, bằng cách nào đó, nó sẽ là xu hướng cần được xuất hiện trong trào lưu thời trang ngày nay. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn ở khu vực hậu trường sau đêm diễn, ông chia sẻ: "Tôi có một vài người bạn ở Việt Nam và trang phục của họ cuốn hút tôi. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và thật sự cảm thấy thích thú".

trang phuc truyen thong 4
Bộ sưu tập xuân hè 2013 của NTK Ý Emilio Pucci

Khởi nguồn ý tưởng trong thiết kế thời trang đôi khi chỉ là một chút xúc động nhỏ về một nét văn hóa nào đó, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà thiết kế và trở thành yếu tố quan trọng nhất xuyên suốt quá trình sáng tạo. NTK thời trang Coco Chanel nói: "Thời trang không chỉ tồn tại trên những chiếc váy bạc mặc. Nó ở trên bầu trời, đường phố, đi cùng những ý tưởng, tồn tại cùng cách ta sống và hiện thực". NTK nổi tiếng người Nhật Kosino Junko cho rằng: "Ý tưởng thiết kế rất quan trọng trong thời trang. Tôi là NTK người Nhật, tôi rất thích thiết kế liên quan đến kimono truyền thống, nó thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Nhật. Năm 1993, bà là nhà tạo mẫu thời trang người Nhật đầu tiên và cũng là NTK quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam với bộ sưu tập mang đậm phong cách Nhật, kết hợp với nền văn hóa Việt, vẻ đẹp tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam đã lôi cuốn trí tưởng tượng của bà cho bộ sưu tập thực sự rất ấn tượng (Hình 5). Sau hơn mười năm, vào tháng 9 năm 2004 bà đã trở lại Việt Nam, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo khá sôi nổi giữa NTK Kosino Junko với các giảng viên, sinh viên và các nhà thiết kế. Tác giả đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà thiết kế nổi tiếng, bà đã nói rằng:

+ Ở Việt Nam có chiếc áo dài truyền thống, là hình tượng đặc trưng cho đất nước Việt Nam. Chính vì thế mà tôi rất muốn phổ biến đến nhiều nước khác trên thế giới và tất nhiên khi nói đến áo dài người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người con gái Việt Nam.

- Khi đến với Việt Nam Bà có ý tưởng gì cho bộ sưu tập của mình? Ý tưởng đó có liên quan đến đất nước con người Việt Nam không?

+ Tôi đã xem các bức ảnh bạn chụp buổi diễn tại Hà Nội năm 1994, tôi đã nhớ lại kỷ niệm đó và tôi cũng xin nói luôn ý tưởng và đề tài cho bộ sưu tập đó tại Việt Nam. Tôi đặc biệt thích thú với nền văn hóa châu Á, đặc biệt là Việt Nam, vì thế tôi dành tình cảm đó cho bộ sưu tập tại  Việt Nam. Sau cuộc trình diễn đó bạn có thấy chút ấn tượng hay ảnh hưởng gì đó đối với thời trang Việt Nam không?

– Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một người nước ngoài đã thiết kế các bộ trang phục hiện đại lấy cảm hứng từ áo dài Việt Nam.

Tôi thấy thực sự ấn tượng, và xúc động bởi sự gần gũi, thân quen, giống như trong bộ sưu tập có một sự tương đồng của bà với nền văn hóa Việt Nam – Nhật Bản.

+ Tôi thích hình tượng áo dài Việt Nam, đặc biệt áo dài Việt Nam tôi cảm thấy rằng thực sự hơi sexy một chút, có thể thấy phần da thịt người phụ nữ ẩn hiện hai bên phía eo, đó thực sự là hình ảnh độc đáo mà tôi đã lấy ý tưởng để thiết kế bộ sưu tập này tại Việt Nam.

Kéo dài suốt show diễn là những bộ trang phục được cách tân hết sức duyên dáng từ áo dài, với chất liệu và màu sắc hiện đại, kết hợp với lưới cứng và lưới mềm, tượng trưng cho nền văn minh lúa nước của Việt Nam, hay một hình ảnh nào đó trên đất nước Nhật Bản của bà. Tuy nhiên bà đã vô cùng khôn khéo khi lựa chọn màu sắc và chất liệu mới, tạo nên sự mềm mại và vô cùng hấp dẫn, hiện đại: kín đáo, gợi cảm và trang nhã. Đó chính là sự hòa quyện văn hóa mặc trong các thiết kế của một nhà tạo mẫu hàng đầu Nhật Bản khi đến với Việt Nam. Sự tinh tế, hiện đại mà gần gũi với người Việt, giống như sự đồng cảm của tác giả đã thấm đậm trong từng mẫu thiết kế hoàn hảo đến tuyệt vời. Ở đây trong cách nhìn nhận và thiết kế của một người ngoại quốc, văn hóa dân tộc vẫn được bảo tồn, tôn tạo dưới một hình thức mới, đó là điều chúng ta cần trân trọng và học tập.

Xu hướng trở về với phương Đông đang là niềm cảm hứng của rất nhiều hãng thời trang nổi tiếng. Dự báo trong những năm tới thời trang thế giới vẫn tiếp tục thừa nhận sự ảnh hưởng ngày một gia tăng những truyền thống và văn hóa châu Á. Chúng tôi nhận thấy sự giao lưu tiếp biến những ảnh hưởng từ trang phục truyền thống Việt Nam và như vậy phần nào đưa những nét đặc sắc của văn hóa mặc Việt Nam vào thế giới của sự đa chiều giữa các luồng ảnh hưởng văn hóa hiện nay.

trang phuc truyen thong 5
Bộ sưu tập của NTK Kosino Junko (Nhật Bản)

- TS Nguyễn Kim Hương -

>>> Dáng mẫu thời trang

>>> Kiểu và cách phác thảo thời trang

>>> Thiết kế thời trang tuổi Teen

0976984729