Phụ bản báo xuân xưa ở Sài Gòn
Năm 1982, có một chàng thanh niên Sài Gòn gốc Bắc đi cùng vợ lên máy bay sang Pháp sinh sống. Khi hải quan kiểm tra hành lý, họ trố mắt nhìn một xấp giấy vụn, nhiều màu sắc, vẽ hình vài cô gái, trái cây, cảnh vật... cắt ra từ những trang bìa báo. Họ bảo nhau: “Hành lý anh này giống đồ... ve chai!”. Cuối cùng họ cho anh mang theo, trong tiếng thở nhẹ trút lo lắng của anh.
Hơn ba mươi năm trôi qua, tôi gặp anh thanh niên hồi xưa, nay đã là một họa sĩ trên sáu mươi tuổi và được nghe kể lại câu chuyện đó. Nhìn xấp giấy anh cho xem, là những bìa và phụ bản báo xuân, tôi không ngờ là suốt bao năm sống giữa Paris, thủ đô nghệ thuật thế giới, mà anh vẫn giữ những bức tranh xa xưa như vậy. Chúng chỉ là tranh in báo, không giá trị gì, nhưng với anh và với tôi, chắc là với nhiều người nữa, nó đủ sức gợi lại cả một thời trẻ tuổi sống ở Sài Gòn, miền Nam, ham thích hội họa nhưng chỉ xem tranh qua bìa nhạc, giai phẩm chứ mấy ai dám đến phòng tranh của giới chuyên nghiệp.
Nhớ hồi nhỏ, những ngày cận Tết, tôi thường bị la vì ham la cà ngó nghiêng các sạp báo nên đi học về trễ. Ngày thường, các sạp báo nhìn phát chán vì bán toàn nhật báo chữ đen, in trên giấy ngà ngà. Đến giáp Tết, sạp báo thay da đổi thịt, treo toàn báo in offset màu lộng lẫy. Đó là những tờ Giai phẩm, đa số in hình bìa là các giai nhân trong giới nghệ thuật. Một số tờ báo có thêm phụ bản màu có in lịch, có tranh của họa sĩ Lê Trung vẽ hình cô gái thắt đáy lưng ong, mắt mơ màng ướt rượt hoặc một bộ tranh liên hoàn in truyện tranh dân gian do họa sĩ Lê Minh vẽ lại, ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa như truyện Mục Liên Thanh Đề, Thoại Khanh Châu Tuấn...
Giai phẩm
lồng vào trong khung khoét sẵn của trang báo (dưới)
Tranh của họa sĩ Lê Trung
Sạp báo ngày giáp Tết mới có nhiều màu sắc rực rỡ nhờ bìa
các giai phẩm Xuân được trưng ra
Ảnh báo Sáng dội Miền
Cùng với báo Sài Gòn mới, báo Tiếng Chuông cạnh tranh nhau mạnh mẽ
trong việc làm phụ trương thu hút độc giả, nhất là những số báo Tết (trên)
Phụ bản báo Phụ nữ Diễn Đàn xuân 1967
với hình nghệ sĩ Thanh Nga (dưới)
Có báo có phụ bản là các bức tranh dân gian Hàng Trống hay tranh Đông Hồ khiến bà con gốc miền Bắc rất thích mua để đỡ nhớ quê hương. Nhà tôi thường mua vài tờ báo xuân thôi, nhưng thế nào tôi cũng năn nỉ ông anh mua thêm báo Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới là những tờ báo có phụ bản “hết xẩy” nhất, in màu rực rỡ nhất. Không cần xin, tôi sẽ có thêm tờ báo Thiếu Nhi số xuân với tranh bìa có vẽ hình gia đình đang sum họp ngày Tết, hình ông bà râu tóc bạc phơ đang nghe chúc Tết từ con cháu bên cành mai vàng, tràng pháo đỏ lủng lẳng. Báo để đọc ngày Tết và phụ trương thì sau Tết tôi xin cất riêng, gom lại thành một bộ sưu tầm nho nhỏ, thỉnh thoảng giở ra xem mà sung sướng như xem tranh mới.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy nhắc lại trên trang chủ của ông: “Tờ nhật báo Sài Gòn ra đời từ những năm 1925, 1926, sau năm 1945 đổi tên là báo Sàigòn Mới. Báo sống được nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản mầu đủ thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sàigòn Mới tăng vọt số báo bán. Nhiều người mua báo Sàigòn Mới lấy phụ bản dán lên vách ván trong nhà. Lúc đầu phụ bản là hình bản đồ Việt Nam, rồi hình bản đồ Nam Kỳ, bản đồ Sài Gòn, bản đồ thế giới, rồi hình chim cò cua cá”.
Một nhà văn khác cho biết trong lĩnh vực tặng phẩm, xổ số, phụ bản, báo Tiếng Chuông là đối thủ của báo Sài Gòn Mới. Riêng báo Tiếng Chuông, từ lâu đã có bìa báo đã in rất đẹp, bìa cứng và thích dùng tranh Lê Trung. Có sự cạnh tranh này, hai báo thi nhau làm đẹp. Như bìa báo Xuân Sài Gòn mới năm Canh Tý 1960, có tranh một cô gái xinh đẹp ngồi bên bức tranh. Người thiết kế khoét bìa ngay chỗ khung tranh. Một bức tranh thứ hai hình con nai bên suối mùa xuân sẽ được lồng vào bìa báo ngay chỗ khung tranh và đó chính là một phụ bản để sau này có thể lấy ra lồng khung kiếng treo trên vách. Đó là một cách làm phụ bản cầu kỳ, còn đa phần phụ bản chính là phần thêm vào có tính mỹ thuật hay tiện dụng, có khi là một bản đồ Sài Gòn hay bản đồ các tỉnh, tranh thắng cảnh nổi tiếng các vùng miền như cảnh lăng tẩm cố đô Huế, cảnh thác nước Đà Lạt, cảnh biển Nha Trang... mà thời đó, ít người có điều kiện đi thăm viếng, một phần do chiến tranh. Tuy nhiên, những bức tranh vẽ cô gái ngày xuân, cảnh chúc Tết, hoa trái... tuy không thiết thực nhưng lại rất cuốn hút.
Vua Quang Trung, tranh của cố họa sĩ Ngân Hà - phụ bản
báo Tin Sớm năm 1966 (trên)
Phụ bản tranh của họa sĩ Tạ Tỵ trên một tờ báo Xuân (dưới)
Xuân Thanh Bình, tranh họa sĩ Lê Trung, phụ bản
báo Phụ Nữ Ngày Mai (trên)
Tranh họa sĩ Lê Trung, phụ bản báo Saigon mới (dưới)
Tranh lụa Khai bút đầu Xuân của họa sĩ Ngô Văn Hòa
(Giải nhì triển lãm Hội họa Esso 1963)
trên bìa xuân báo Ánh Đèn Dầu 1964
Giai phẩm Xuân Tự Do không làm phụ trương nhưng rất cuốn hút
vì bìa báo do các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Phạm Tăng thể hiện.
Bên trái là bìa báo xuân do họa sĩ Phạm Tăng vẽ.
Tư liệu Kao Dũng
Bộ tranh trong cuốn sách này, do họa sĩ Kao Dũng sưu tầm và giữ gìn mấy chục năm nay ở Pháp cũng đủ cho ta thấy sự hấp dẫn của nó.
Bố của anh Dũng là họa sĩ Ngân Hà, cộng tác viên cho một số báo, trình bày báo và vẽ biếm họa. Ông chính là người vẽ lô gô chương trình truyền hình Sài Gòn cũ có chữ thvn9. Do công việc, bố anh thường sưu tầm và giữ cẩn thận tranh ảnh làm tư liệu. Từ nhỏ, lên bảy hay tám tuổi, anh thường phụ ông nội cắt dán những trang bìa báo, truyện vui và hí họa của bố anh vẽ trong các báo Chuông Mai, Sài Gòn Mới và Trắng Đen. Lớn lên anh vẫn giữ thói quen góp nhặt tài liệu, tranh ảnh trên báo chí, cắt dán vào vở. Chúng rất quý ở thời buổi không có internet, chỉ có cách đó để lưu trữ.
Năm 1982, anh rời đất nước. Bố anh khuyên: “Con thích vẽ, mang theo những bức tranh in làm “bửu bối” tự học sẽ có ích!”. Lúc mới qua Pháp, ngôn ngữ xứ người chưa giỏi, anh mang ra xem, tự trau dồi đam mê của mình, làm tư liệu gợi ý để vẽ trong thời gian đầu mới qua. Và cũng là để nuôi dưỡng tâm hồn Việt trong anh.
Nhớ lúc đầu, anh có quen anh bạn người Bồ Đào Nha. Một lần ngồi trong quán uống bia với nhau, anh rảnh tay nguệch ngoạc trên mặt bàn một vài hình vẽ. Ông bạn bảo anh: “Anh vẽ như vậy sao không đi vào sáng tác tranh?”. Anh bảo: “Tôi lo làm lụng kiếm sống làm sao mà có thời gian và có tiền nhiều để vẽ. Vẽ tranh tốn lắm, bao nhiêu thứ nguyên liệu cần có!”. Rời quán, anh bạn rủ anh đi dạo một vòng thành phố. Trên đường, cả hai rẽ vào một trung tâm bán lẻ. Trong lúc anh Dũng thơ thẩn xem hàng, anh Bồ Đào Nha đẩy xe mua cả đống vật dụng nghề vẽ như giá, tole, màu, cọ...lẳng lặng tính tiền, với giá trị bằng hai ba tháng lương của người làm việc bình thường. Xong anh ta bảo tặng cho anh Dũng để vẽ tranh. Anh Dũng từ chối, bảo rằng không có gì để trả lại vì nó nhiều tiền. Anh ta nói sau này, nếu thành nghề thì tặng cho anh ấy một bức tranh là đủ.
Các phụ bản vẽ trái cây miền Nam của họa sĩ Lê Trung
Tranh trong bộ Lịch Đẹp Ngày Xuân năm Bính Ngọ 1966.
Nhà in Phong Phú ấn hành làm phụ bản cho một tờ báo Xuân
Là một người vẽ tranh tài tử, anh Dũng vẫn duy trì công việc để kiếm sống. Nhưng nhờ biết vẽ, anh có những cơ may đến khi được mời vẽ cảnh trí, thiết kế đạo cụ cho nhiều bộ phim cải lương, vẽ phông màn cho một số vở cải lương diễn trên sân khấu của cộng đồng người Việt ở đây và nhiều việc khác cần họa sĩ. Tuy bận rộn, anh không quên con đường sáng tác. Anh tham dự các cuộc thi vẽ tranh và đạt được một số giải thưởng hội họa ở Pháp. Có lần, anh cho anh bạn người Nhật xem những tập giấy tư liệu tranh cũ kỹ này và nói: “Nhờ những tờ giấy này mà tôi đi vào con đường hội họa !”. Anh bạn Nhật xem kỹ từng tấm rồi bảo bảo trong sáng tác, tìm ra cách thức thể hiện là điều khó khăn, Họ là những sinh viên gia đình khá giả mới chưa có đủ điều kiện đến Pháp học với bao tốn kém, trong khi đó anh Dũng vẽ tranh với các cách thức biểu hiện đa dạng. Họ nhớ đến cuộc triển lãm cá nhân của anh, 45 bức tranh với các cách thể hiện khác nhau và đề tài thì phong phú. Còn anh nghĩ về những tờ phụ bản báo xuân, những tấm thiệp, vài bức tranh anh được thầy là họa sĩ Vi Vi tặng sau những khóa học... chúng như là người bạn tâm giao của anh trong những ngày lạnh lẽo nơi xa xứ.
Những tờ phụ bản, những tấm thiệp, những bìa báo in những bức tranh đẹp xưa cũ ấy, được in hàng loạt, được xem qua loa với nhiều người và bị vứt bỏ, thành giấy bao tập, gói đồ... sau đó. May mắn hơn là được dán lên vách mấy mùa mưa nắng rồi bị lột bỏ. Nhưng đã có ít người góp nhặt, giữ gìn chúng cho đến tận trên dưới nửa thế kỷ sau. Chúng có tác dụng hành hạ ký ức, làm ngơ ngẩn con tim vì chứa đựng những phong cách, vẻ đẹp của một thời đã mai một dần.
- Phạm Công Luận -