Vai trò của hình họa sơn dầu đối với sinh viên hội họa
Hình họa sơn dầu là môn học cơ bản trong trường Mỹ thuật. Vẽ hình họa là nghiên cứu hình thể bằng đường nét, đậm nhạt, màu sắc trong không gian cụ thể. Sơn dầu rất thích hợp để thâm diễn hình họa một cách hiệu quả và luôn là thử thách lớn đối với người vẽ. Do đó, hình họa sơn dầu là điều kiện thuận lợi để sinh viên hội họa rèn luyện tay nghề, khám phá cái đẹp, có cách nhìn thẩm mỹ tốt và lựa chọn hướng tạo hình riêng. Duy trì và phát triển môn hình họa sơn dầu trong nhà trường luôn đem lại lợi ích thiết thực cho sinh viên.
Sự khởi đầu của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại được đánh dấu bằng sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Vào thời điểm đó, các giáo sư người Pháp mà đại diện là họa sỹ Victor Tardier đã đưa sơn dầu trở thành chất liệu chính thức và quan trọng để sử dụng trong quá trình nghiên cứu hình họa cơ bản và trong các sáng tác của giảng viên và sinh viên trong trường. Kể từ đó, nghiên cứu hình họa bằng chất liệu sơn dầu được tiếp nối không gián đoạn và đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cũng như nhiều thành tựu đáng nhớ. Ngày nay, sơn dầu vẫn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Theo truyền thống, sơn dầu vừa là chất liệu được sử dụng để nghiên cứu hình họa màu trong toàn trường, vừa là một trong những chất liệu được sử dụng cho các bài sáng tác chuyên khoa hội họa. Có thể nói, về phương diện chất liệu thì sơn dầu, lụa và sơn mài đã tạo nên diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại thuở ban đầu và tạo tiền đề cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, trên cơ sở những đặc tính của chất liệu sơn đầu, người viết muốn làm rõ vai trò của sơn dầu trong nghiên cứu hình họa của sinh viên trong trường hiện nay, đồng thời có những đánh giá sơ bộ về hiệu quả đạt được cũng như một số điều cần phải khắc phục trong quá trình người học sử dụng chất liệu này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hình họa là nghiên cứu hình, cấu trúc, hình khối, không gian, thông qua đường nét, mảng miếng, sắc độ, hòa sắc…, nhằm kiến taoji ảo giác về không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Trong hình họa mầu, phẩm chất tự thân của sơn dầu hoàn toàn thích hợp trong việc sử dụng để đặc tả và thâm diễn đối tượng nghiên cứu một cách hiệu quả. Chúng ta có thể sơ lược điểm qua một số ưu thế cơ bản của sơn dầu để hình thành cơ sở chọn lựa chất liệu này cho hình họa nghiên cứu như sau:
- Khả năng nắm bắt tình cảm, diễn tả sự vật theo nhiều chiều kích tkhacs nhau gần như vô tận.
- Khả năng biểu cảm, diễn chất, tả chất cùng với bảng màu rất đa dạng.
- Khả năng đẩy sâu, tả kỹ đối tượng với thời gian linh hoạt.
- Khả năng tương thích linh hoạt với cảm xúc của người vẽ và tiềm năng bộc lộ cá tính luôn hiện diện trong chất liệu này.
- Hiệu quả tức thì, cho phép người vẽ kiểm soát được mức độ của công việc cũng như sửa chữa chi tiết khá nhanh tại nhiều thời điểm khác nhau.
- Quang độ của chất liệu này rất phong phú, cho phép người vẽ kiến tạo nhiều cung bậc sắc độ với nhiều sắc thái khác nhau, là cơ sở cho sự diễn tả chính xác sự thật.
- Màu sắc của sơn dầu gần như ít thay đổi trong và sau quá trình vẽ (tất nhiên còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng sơn, toan, phụ gia… và bao gồm cả kỹ thuật của người vẽ).
- Chất lượng của sơn dầu và những phụ phẩm được nhiều hãng sơn nổi tiếng trên thế giới sản xuất trên những dây chuyền chuyên nghiệp và hiện đại, vì vậy đa dạng, chuẩn mực và dễ kiếm.
Có thể nói, chất liệu sơn dầu có một vị trí khá quan trọng trong hệ thống đào tạo của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trừ khoa điêu khắc, các khoa khác trong trường đều đưa chất liệu sơn dầu vào giảng dạy ở hai môn là: hình họa màu và bài sáng tác.
Trong đó, số lượng bài hình họa màu là nhiều hơn cả. Cụ thể, sinh viên được trải nghiệm chất liệu này trong suốt thời gian 5 năm học (hệ đại học), chưa kể thêm 3 năm cao học. Tóm lại, xét về khách quan, người học có điều kiện rất thuận lợi về thời gian để học tập và trau dồi kỹ năng vẽ sơn dầu. Nhưng, theo tôi, giả sử mỗi học viên có tối đa 8 năm rèn luyện sơn dầu trong trường thì điều đó vẫn là chưa đủ. Bởi vì, đối với những người mới tiếp xúc với chất liệu này thì luôn có cảm giác dễ sử dụng, thậm chí là rất dễ. Điều đó dẫn tới sự dễ dãi trong cách xử lý chất liệu và những quan điểm không chính xác về sơn dầu. Ở đây chỉ xin nêu một ý kiến nhỏ mà tôi nhận thấy trong quá trình giảng dạy: có khá nhiều trường hợp sinh viên chưa tuân thủ những quy tắc, quy trình trong khi vẽ chất liệu này. Ví dụ như: quy tắc bố trí màu trên palet, một quy tắc hết sức đơn giản và phổ biến nhưng cũng ít người tuân thủ, thậm chí có người còn cười, nghĩ rằng điều đó là không cần thiết và cũng chẳng phải nói ra. Tôi cho rằng, nếu sinh viên chú ý hơn đến quy tắc nhỏ này thì họ sẽ dễ dàng hơn trong quá trình nghiên cứu hòa sắc và cũng như sẽ không xảy ra tình trạng "hết" chỗ pha mầu sau 5 đến 10 phút đầu tiên, và sau đó nguy hiểm nhất là quá trình tự làm bẩn mầu kéo dài. Ngoài ra, một số sinh viên cần tôn trọng bước vẽ lót ở lớp đầu tiên, cũng như ý thức về sự đặc, loãng, dày, mỏng của sơn dầu tương thích với độ đậm nhạt của sơn dầu. Tuy đơn giản, nhưng các bước này có ảnh hưởng khá nhiều đến những quy trình về sau. Chính vì vậy đã có câu nói khá thú vị về tình trạng này là: vẽ "bằng" sơn dầu thì dễ, nhưng vẽ sơn dầu thì khó. Về thực chất, muốn sử dụng sơn dầu một cách thành thục hoặc cao hơn nữa là điêu luyện mang tính chuyên nghiệp cao thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức.
Trong khi một số chất liệu có thể che dấu một phần nào đó những nhược điểm của người vẽ bằng bản thân tố chất của chất liệu đó, hoặc bằng "chất cảm", hoặc yếu tố ngẫu nhiên v.v… thì ở sơn dầu, việc này là không thể. Điều đó có nghĩa, khi một người sử dụng sơn dầu để vẽ là anh ta đã nghiễm nhiên phơi bày những ưu nhược điểm của mình không thể giấu diếm cho dù có muốn hay không. Để có được một tác phẩm sơn dầu tốt anh ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình, vào sự nhạy cảm về chất liệu và cuouois cùng là sự may mắn nếu anh ta có "tạng chất" phù hợp với chất liệu này.
Với ưu điểm có thể khẳng định hoặc phủ định liên tục, cho nên sinh viên có nhiều điều kiện để rèn luyện kỹ thuật, tay nghề vẽ và quan trọng hơn nữa là họ sẽ tạo ra được nhiều phương án thẩm mỹ khác nhau để từ đó xác định được những yếu tố thẩm mỹ mà một họa sỹ chuyên nghiệp cần phải có. Mặc dù yêu cầu về mức độ hình họa đối với từng năm học có khác nhau nhưng nhìn chung các tiêu chí về thẩm mỹ, kỹ thuật cơ bản, tính xác thực trong hình họa luôn được nhắc nhở và duy trì đối với người học.
Là một chất liệu đem đến hiệu quả tức thì về thị giác, đồng thời luôn là tấm gương phản ánh trung thực ưu, nhược điểm của người vẽ, nhờ vậy, thông qua hình họa sơn dầu giảng viên có thể phát hiện và chỉ ra cách giải quyết vấn đề hoặc gợi mở hướng đi cho từng sinh viên. Song, cũng từ thách thức của chất liệu sơn dầu mà nhiều thế hệ họa sĩ đã có cảm hứng để tìm tòi, dấn thân tìm ra cách "thuần phục" nó.
Quá trình rèn luyện kỹ năng thể hiện hình họa sơn dầu liên tục đã tạo cho nhiều sinh viên có một số thói quen tốt trong cách nhìn, cách xử lý, có khả năng tìm được tiếng nói chung và có khả năng tương tác hoặc có ảnh hưởng qua lại với một số chất liệu khác. Để cụ thể hóa vấn đề này, người viết muốn chia sẽ những nhận xét và cảm nhận của mình về quá trình học hỏi chất liệu này của sinh viên trong trường hiện này.
Đóng vai trò là một chất liệu cơ bản và được phổ biến trên diện rộng, sơn dầu đã được sinh viên tiếp cận và sử dụng trong các bài nghiên cứu hình họa mầu kể từ những năm tháng đầu tiên học trong trường. Ở năm thứ nhất, với yêu cầu làm quen và thích nghi với chất liệu thông qua các bài hình họa như: tĩnh vật, chân dung, toàn thân, người học một phần nào đã nắm được một số đặc điểm kỹ thuật cơ bản nhất trong sơn dầu, từng bước cảm nhận khí chất của chất liệu. Tuy nhiên, trong nhiều lý do khác nhau, việc thiếu kinh nghiệm trong bước đầu tiếp cận chất liệu là lý do phổ biến dẫn đến hiệu quả về thị giác còn nhiều hạn chế. Ở những năm học tiếp theo, với kinh nghiệm được đúc kết nhiều hơn, người vẽ đã am hiểu hơn, kỹ thuật vẽ tốt hơn trước, sử dụng sơn dầu nhuần nhuyễn hơn và đem lại kêt squar khả quan hơn. Vào giai đoạn những năm cuối khóa, xuất hiện sự chênh lệch giữa các sinh viên về chất lượng bài. Theo góc độ chuyên môn, lý do chính phát sinh hiện tượng trên là do trong giai đoạn này, khi họ ít nhiều đã làm chủ được kỹ thuật, chất liệu thì cá tính,c hủ quan của người vẽ được bộc lộ nhiều hơn. Đấy là chưa kể, sự thích thú đối với chất liệu cũng tỏ ra rõ nét hơn rất nhiều ở những sinh viên nổi trội. Điều này là hợp lý, bởi xét cho cùng, mỗi một họa sĩ sẽ chọn cho mình một chất liệu phù hợp với tạng chất của họ để có thể đi trên con đường nghệ thuật của mình một cách trọn vẹn.
Thông thường, thời gian dành cho một bài hình họa mầu là từ 1 đến 2 tuần. Thời lượng đó là không nhiều. Vì vậy, trong quá trình vẽ, các bạn sinh viên thường sử dụng lối vẽ được gọi là Alaprima (ướt trên ướt), đặt chồng tiếp các lớp màu lên nhau. Đó là lối vẽ nhanh, mạnh, trực tiếp, tôn trọng cảm xúc gần với trường phái Ấn tượng. Tôi cho rằng, đây là một kỹ thuật vẽ khó nhất trong sơn dầu bởi vì với sự khoáng hoạt và năng động như thế nó vẫn đòi hỏi sự chính xác trong miêu tả đối tượng, thậm chí chỉ sau một nhát bút. Mặt khác, lối vẽ này luôn tạo điều kiện cho cảm xúc được thăng hoa, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với những người nghệ sĩ nói chung và những họa sỹ nói riêng. Dựa trên lối vẽ này, sinh viên có điều kiện rèn luyện bút pháp và từng bước hoàn thiện kỹ thuật và cá tính của mình.
Hiện này, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên trên lớp, sinh viên có thể tìm kiếm rất nhiều thông tin tài liệu về hình họa có giá trị, phong phú và đa dạng để học hỏi, đối chiếu với tình hình học tập của mình. Thông qua đó, học tập kết cấu, hình thức, bút pháp trong hình họa của những họa sỹ tài năng và nổi tiếng cũng là cần thiết. Nhưng các sinh viên cũng cần hiểu rằng sự hấp dẫn tỏng các tác phẩm của họ được tạo nên bằng chính đời sống, bằng chính con người bên trong của các nghệ sỹ đó chứ không đơn giản và đơn thuần chỉ là vấn đề về bề mặt kỹ thuật. Chính vì thế, nếu bắt chước hoặc sao chép một cách máy móc và thụ động thần tượng thì kết quả về lâu dài sẽ rất hạn chế.
Một họa sỹ nổi tiếng đã từng nói: "Hình họa là danh dự của người nghệ sỹ". Hình họa được ví như một công cụ đa năng và thông qua hình họa người vẽ có thể giải quyết được phần lớn những vấn đề đặt ra trong nghệ thuật của mình (trong khuôn khổ khái niệm của nghệ thuật truyền thống mang tinh thần cổ điển). Ý thức được điều đó, đa số sinh viên nghiêm túc trong quá trình vẽ hình họa. Tuy nhiên cần chú trọng đến vấn đề đẩy sâu trong quá trình nghiên cứu cấu trúc, hình thể, không gian, hòa sắc, diễn tả chất liệu v.v…, cần chú trọng bám sát đối tượng diễn tả để biểu đạt được hiện thực khách quan cũng như hiện thực chủ quan của người vẽ. Giai đoạn đầu, khi mới vào trường các bạn sinh viên thường dừng ở mức độ "sao chép" đối tượng, kể cả trong hòa sắc, điều này phần nào cũng là cần thiết nhưng chưa đủ. Vào giai đoạn ở những năm học sau, họ cần chủ động hơn trong việc vẽ nghiên cứu. Chủ động ở đây không phải là vẽ bịa, vô căn cứ, mà nó được hình thành từ quá trình quan sát mẫu kỹ càng, sâu sắc, sự thành thạo trong kỹ thuật cộng với quá trình học tập nghiêm túc mà nắm được bản chất của đối tượng nghiên cứu về đặc điểm, cấu trúc, trạng thái v.v… Qua đó, người vẽ sẽ cô đọng những thông tin diễn tả mà vẫn không xa rời đối tượng. Ngoài ra, không gian giữa người mẫu và những yếu tố xung quanh cần phải được quan tâm sâu sát hơn. Bên cạnh việc mô tả đặc điểm cơ thể con người, sinh viên cũng cần phải chú ý đến việc miêu tả những hình thể với những chất liệu khác nhau như: vải vóc, đồ gốm, thủy tinh, kim loại … Sẽ là rất phí phạm nếu như người vẽ không tận dụng tối đa ưu thế đặc thù của chất liệu sơn dầu để phục vụ cho diễn tả những đối tượng ấy. Để biến sự chủ động thành một kỹ năng, đòi hỏi các bạn sinh viện phải luôn chăm chỉ tìm tòi, chịu khó làm việc và khổ luyện thông qua các bài hình họa sơn dầu.
Kể từ năm học thứ ba, có một số bài tập hình họa mầu được thực hiện ở ngoài trời. Ta thấy ở đây tinh thần của trường phái Ấn tượng được hiện diện. Đây là một cơ hội thú vị và cũng là một thử thách mới với sinh viên. Nếu như ở trong nhà, các bạn sinh viên có điều kiện thực hiện bài tập trong điều kiện ánh sáng "tĩnh" (ánh sáng một chiều), thì ở ngoài trời, điều kiện đó gần như là trái ngược hoàn toán. Ánh sáng mặt trời không cố định về cường độ, luôn bị chi phối bởi sự thay đổi của môi trường tự nhiên. Vì thế, người vẽ cần có những kỹ năng khá linh hoạt và chủ động trong quá trình vẽ. Khi vẽ ở ngoài trời, một lần nữa, sơn dầu lại chứng tỏ những ưu điểm cũng như sự thích ứng của nó trong mọi hoàn cảnh. Người vẽ hoàn toàn thoải mái khi sử dụng sơn dầu để nắm bắt những khoảnh khắc ngắn ngủi, dưới sự thay đổi của ánh sáng, dưới sự ảnh hưởng tác động qua lại giữa các sự vật, v.v…
Dựa trên sự khoáng đạt của sơn dầu, sinh viên có điều kiện rèn luyện bút pháp, kỹ thuật để có một tay nghề vững vàng. Tuy nhiên, trên phương diện kỹ thuật, sơn dầu có thể nói là một chất liệu tương đối phức tạp, chính vì vậy người học nên tham khảo những kiến thức về nghệ thuật nói chung cũng như kiến thức về chất liệu này như: một số kỹ thuật vẽ sơn dầu gắn liền với lịch sử phát triển của nó (kỹ thuật cổ điển, hiện đại và những ứng dụng v.v…), những đặc điểm về lý hóa của sơn dầu, những chất phụ gia và cách dùng chúng với sơn dầu, tính chất và phẩm cấp chất lượng cũng như các thông tin được biểu tượng hóa trên các chủng loại vật liệu như sơn, toan, chất phụ gia pha sơn (các loại medium, các loại vecni, dầu pha sơn) các chủng loại bút, dao vẽ, chất đắp, v.v…
- Đào Quốc Huy -
>>> Hình họa Trung tâm Mỹ thuật MS