ĐỂ VẼ HÌNH HỌA CƠ BẢN TỐT

Trong các trường nghệ thuật tạo hình, vẽ hình họa là môn học cơ bản nhằm rèn luyện nhận thức thẩm mỹ và kỹ năng thể hiện hình khối không gian. Hình họa trong tiếng Pháp được chỉ rõ là hình vẽ theo mẫu khỏa thân, tức là lấy cơ thể hoàn mỹ của con người làm đối tượng nghiên cứu.
Hình họa hay vẽ hình họa là bộ môn nghệ thuật tạo hình dựa trên cơ sở nghiên cứu về luật xa gần và giải phẫu tạo hình, nhằm phản ánh tính chất chân thực của sự vật hiện tượng dưới nhận thức thẩm mỹ của họa sĩ thông qua hoạt động nghiên cứu mẫu tự nhiên.

Làm thế nào để nhanh chóng nắm bắt và thể hiện được hình khối, không gian với tính chân thực của sự vật hiện tượng? Và sau đó là thể hiện nó thông qua nhận thức thẩm mỹ của họa sĩ?

Bài vẽ hình họa khi còn là sinh viên của tác giả bài viết

trên tinh thần kế thừa những giá trị sẵn có kết hợp với kinh nghiệm cá nhân, tôi mạnh dạn đưa ra một vài vấn đề kể như làm quà cho những bạn mới học vẽ (thực tình không dám “đánh trống qua cửa nhà sấm”).

Dạy nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng (dù chỉ dừng lại ở mức cơ bản) theo tôi có thể chia làm hai ranh giới:
Ranh giới thứ nhất là những vấn đề hữu ngôn, nghĩa là có thể phân tích, cắt nghĩa bằng ngôn ngữ nói hay viết; phần kia là cái phần mà người dạy cũng như người học khó lòng phát biểu bằng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Hay nói cách khác là cách vẽ bút chì ra sao để thể hiện được vật thể trong không gian 3 chiều đây?

Ở ranh giới thứ nhất tôi lại chia làm hai phần nữa:

Một là: những vấn đề cụ thể hóa bằng ngôn ngữ nói hay viết. Ở phần này tôi xin được kéo lui từ hình họa vẽ người trở về với một bậc học thấp hơn, nghĩa là bắt đầu từ những khối cơ bản – dù vậy theo tôi nó lại là bậc học có tính then chốt, nền tảng – ngàn dặm đường bắt đầu từ một bàn chân!

Hai là: ứng dụng những tiếp thu ở phần một, giải quyết những quan hệ phức tạp hơn tế nhị hơn… tiến gần tới tác phẩm. Ở phần này tôi hoàn toàn không có ý định lấy việc nghiên cứu cơ thể hoàn mỹ của con người làm căn bản. Trên thực tế nếu người học đã tích lũy sâu sắc những nhận thức thông qua việc nghiên cứu ở phần 1 thì trong nghiên cứu hình họa, mẫu người chỉ là một trong những đối tượng cụ thể được đưa vào chương trình chứ không nhất thiết chỉ có mẫu người là duy nhất. Tuy vậy ở bài viết này tôi vẫn lấy cơ thể hoàn mỹ của con người làm đối tượng để bàn, như vậy chúng ta sẽ tiện liên hệ so sánh với những bài học hình họa cơ bản trong nhà trường.

Phần 1: HÌNH – KHỐI CƠ BẢN

Ở phần này người học phải làm quen với việc đưa một không gian ba chiều lên một không gian hai chiều sao cho ở không gian hai chiều nó có vẻ giống như hay đồng dạng với không gian gốc (ba chiều).

Xin lưu ý các bạn ở phần này có một vài vấn đề mà tôi đưa ra có vẻ như ngược lại với những gì được xem là chuẩn mực lâu nay, tuy thế ý định của tôi không phải là phủ nhận nó, có chăng tôi chỉ muốn nó gần hơn, khoa học hơn đối với môn học có tiếng là rất khó dạy này.

Trước khi đi vào khảo sát khối cơ bản, xin hỏi bạn đã chuẩn bị que đo, dây dọi chưa? người học vẽ bao giờ cũng có xu hướng muốn sử dụng que đo, dây dọi, nghĩa là cần ít nhất một sự trợ giúp. Bạn hãy ném hộ tôi que đo, dây dọi của bạn! Đó không phải là que đo, dây dọi mà nó là cái cân, là gông cùm khổ sai của bạn, nó không tốt như bạn tưởng, nó giúp đỡ bạn đôi chút, nhưng nó sẽ lấy đi của bạn rất nhiều! Nếu bạn muốn tiến sâu vào vào con đường sáng tác nghệ thuật này, thì việc sử dụng que đo, dây dọi đã phần nào tước đi của bạn những khả năng phát triển cảm giác ngay từ những bài học nhập môn.

Bạn đã ném que đo, dây dọi đi rồi phải không? Bạn đã bước chân vào sa mạc rồi đấy! Bây giờ không ai khác chỉ duy nhất mỗi bạn phải trực diện với nó. Bình tĩnh! Bạn hãy bình tĩnh! Tôi biết bạn đang có trong tay rất nhiều phương tiện thừa đủ để xây dựng được một hình họa vững vàng – Kiến thức về hình cơ bản, hình đồng dạng, kiến thức về đường, điểm, hai đường thẳng song song, kiến thức về các góc vuông, tù, nhọn, góc 450, 300, 600, 150 v.v… mà bạn đã học ở trung học phổ thông bây giờ sẽ rất hữu ích cho bạn đấy… Giây phút lúng túng và sợ hãi ban đầu sẽ qua đi rất nhanh, bạn hãy mở rộng tất cả các giác quan của mình… bạn có thể thất bại, nhưng sau mỗi lần như vậy bạn đang nhích dần tới cảm thức tương quan của chính bạn (không nhờ vào ai khác, không nhờ vào que đo, dây dọi) cảm giác của bạn đang ngày trở nên chính xác hơn, hòa hợp hơn. Với bước khởi đầu như vậy bạn đã bắt đầu có được một cơ thể tráng kiện, một tinh thần kiên định, phấn chấn cho đường đua dài trước mặt! Có thể sẽ có ai đó hỏi: vậy sao lâu nay ở Châu Âu rồi cả ở Việt Nam nữa người ta đều sử dụng que đo, dây dọi mỗi khi vẽ hình họa, tại sao họ vẫn có những hình họa tốt và cũng chính họ đã sáng tác được những tác phẩm bất hủ? bạn cứ việc nghe và tùy bạn tin hay không vào điều đó, chỉ xin lưu ý bạn đừng quên áp dụng thử cách vẽ không dùng que đo, dây dọi mà tôi vừa nói với bạn, nếu có thời gian bạn hãy thử tìm hiểu cách học và sự chống đối của những tài năng nghệ thuật với việc sử dụng que đo, dây dọi xem sao!

1. Vẽ hình tròn như thế nào?

Lâu nay bạn vẫn vẽ hình tròn bằng cách bắt đầu từ một hình vuông phải không?

Đừng quên là bạn đang học vẽ hình tròn đấy nhé! Mục đích của bạn là rèn cảm thức tương quan về hình tròn phải không nào?

Cách vẽ hình tròn bắt đầu từ một hình vuông rất tiện lợi cho những người mới nhập môn và những người có rất ít hay không có năng khiếu mỹ thuật.
Tuy vậy nếu bạn muốn có hình tròn mà không cần đến hiệu quả thông qua rèn luyện nghiên cứu bản chất của nó thì sao bạn không vẽ hình tròn đó bằng compa có nhanh hơn không? Nói vậy có thể bạn sẽ tự ái và khó chịu rồi đấy, vì tôi biết bạn đang muốn trở thành họa sĩ cơ mà! Bạn có thể khó chịu nhưng cái cách mà bạn đang vẽ nghĩa là vẽ hình tròn bắt đầu từ một hình vuông cũng đang vô hình đánh mất mỹ cảm của bạn nếu không muốn nói là phản tác dụng.
Với cách vẽ ấy bạn chỉ cần chú ý phân chia sao cho các đoạn thật đều nhau – thay vì rèn luyện cảm nhận đường cong bạn chỉ học được mỗi việc phân phát đều đặn nhàm chán những đoạn thẳng mà thôi!

Bài hình họa khi còn là sinh viên của tác giả bài viết 

Trong khi đó, để vẽ hình tròn bắt đầu từ một điểm, người vẽ trước hết phải hình dung về một hình tròn trong tâm trí, từ đó hình tròn được vận lên cánh tay, các khớp tay, đầu ngón tay… và một cua tròn khép kín được thực hiện hiển thị nên hình tròn. Thông một đến hai vị trí và có dạng ô van hoặc quả trứng. Bây giờ bạn chỉ việc nắn sửa đôi chút, để nắn sửa cho nó sát thực buộc bạn phải bao quát tổng thể hình ô van hay quả trứng rồi so sánh vào trong với tâm của nó. Với cách làm việc như vậy, bạn đã làm quen với việc quan sát tổng thể, tránh được cách vẽ vụn vặt… Bốn phương, tám hướng, trái, phải, trong, ngoài đều được bạn suy xét - đó là thói quen tốt giúp cho năng lực bao quát của bạn phát triển. Ít nhiều bạn đã tiếp cận với khả năng truyền tình cảm trực tiếp từ tâm đến bề mặt bức vẽ. Ngoài ra hình tròn được vẽ theo cách trên bao giờ nét phác cũng có được vẻ đậm nhạt tự nhiên, liên tục, sung sức và trơn hoạt đúng như bản chất vốn có của nó. Chắc chắn một hình tròn như vậy sẽ giúp bạn tích lũy hoàn thiện những cảm thức thẩm mỹ đúng hướng.

2. Chiều hướng và tỉ lệ

Cơ sở để xây dựng hình họa trên bề mặt bức vẽ – không gian hai chiều – là dựa vào sự ổn định của trục đứng và trục ngang (tung và hoành). Người mới học vẽ tuy khả năng rèn luyện chưa cao nhưng thường vẽ đúng tỉ lệ một đoạn thẳng khi nó trùng với phương của trục tung hay hoành. Nhưng hầu như đa phần các bạn đều lúng túng với những đoạn hút ngắn của vật mẫu, để khắc phục bạn có thể tham khảo hình vẽ minh họa sau:

Hình 1: Minh họa chiều hướng và tỉ lệ

Trong không gian ta thấy:
OA = OB = OC = R (bán kính)
Trên mặt phẳng có:
O’A’ > O’B’ > O’C’

Qua đó, bạn có thể tự rút cho mình những kinh nghiệm xác định chính xác tỉ lệ thực của một đoạn hút ngắn trong không gian. Chẳng hạn: giả thiết một người ngồi mẫu có hướng đùi trùng với hướng của OB và độ dài cũng bằng OB (OB = R) nhưng do bạn đã vẽ lệch hướng đùi đôi chút bây giờ hướng đùi của bạn không còn trùng với hướng OB mà là một hướng mới OB”, hãy quan sát trên mặt phẳng bạn sẽ thấy giá trị quy đổi của OB và OB” đều bằng O’B’. Giả thiết bạn dùng que đo và đo được O’B’ bằng một đầu và bạn vẫn tin tưởng vào sự chính xác nơi que đo của bạn mà để mất đi những khả năng bao quát khác, thì giá trị thực về chiều dài của đùi trên bức vẽ của bạn đã ngắn đi rất nhiều (ở đây que đo đã trở nên vô dụng). Và theo tôi đây cũng là lỗi cơ bản mà bạn vẫn thường mắc phải.
Ta có thể triển khai mô hình trên cho việc xây dựng những bộ phận khác nhạy cảm hơn; chẳng hạn từ cùi tay đến cổ tay, từ đầu xương đùi đến khớp gối v.v.. theo mô hình của khối chóp nón.

Hình 2: A, B, C, D là những vị trí tương đối của đầu gối khi thay đổi hướng đùi

Thực ra cấu trúc cơ thể con người hết sức tinh tế, một cử động nhỏ của đùi hay cánh tay đều kéo theo thay đổi vi tế của những bộ phận khác. Bởi vậy khi đưa ra những minh họa trên tôi chỉ mong cung cấp một khái niệm tương đối giúp bạn hình dung cụ thể hơn về không gian – Tuyệt nhiên cơ thể con người không thể đơn thuần xem như những mô hình hình học.

Để xây dựng được một hình họa vững vàng có người chỉ cần thuần túy cảm giác đã có thể có được bức vẽ sát thực đồng dạng với tỉ lệ vật mẫu. Dù vậy không phải ai cũng có được cảm giác tốt như vậy, hơn nữa việc học tập có một số vấn đề cũng cần được đúc kết như những quy luật.

Người học vẽ hay có thói quen xuất phát bằng việc vẽ một chi tiết, bộ phận riêng lẻ nào đó, rồi vẽ lan dần sang các bộ phận khác. Có bạn vẽ người mẫu bắt đầu bằng cách xây dựng riêng cái đầu sau đó từ tỉ lệ đầu vẽ lan dần tới thân người rồi chân tay… Tỉ lệ bảy hay tám đầu ở sách giải phẫu chỉ có tính chất gợi ý, định hướng để bạn có cái nhìn chung về cơ thể người chứ không dạy bạn lấy đầu làm chuẩn để vẽ lan sang các bộ phận khác của cơ thể

Bạn hãy quan sát không gian mẫu vẽ và tập trung cho nó một cái nhìn bao quát, vào lúc này không một chi tiết nào của mẫu được xem trọng hơn những chi tiết khác. Thường thì tổng thể mẫu bao giờ cũng có xu hướng muốn nội tiếp một hình cơ bản nào đó. Người có kinh nghiệm sẽ bao quát tổng thể mẫu và dù cho nét phác đầu tiên của anh (chị) ta có bắt đầu từ một điểm nào đó riêng lẻ thì anh ta cũng đang dụng công để bắt được phom chung của mẫu.

Bắt đầu từ tổng thể bạn không nên xem trọng bộ phận nào hơn hết, tất cả các tín hiệu thị giác nơi mẫu vẽ đều có giá trị soi chiếu quy ước lẫn nhau. Để xây dựng một điểm hay một bộ phận nào đó bạn phải so sánh đối chiếu nó với quan hệ tổng thể theo trục ngang, trục dọc, hướng chéo, trong, ngoài, mảng đặc, khoảng trống, mảng sáng, bóng tối… và đừng quên hãy để cho cảm nhận về tính chất đúng đắn của cấu trúc hình mẫu mà bạn đang vẽ có dịp điều hòa với những quan sát duy lý khoa học.

3. Nặng và nhẹ

Nếu bạn chỉ gắng sức gia công máy móc về đối tượng vật mẫu mà không dành chỗ cho cảm giác của bạn phát huy chưa hẳn bạn đã nhận thức đúng đắn về quan hệ nặng nhẹ đúng như bản chất của vật mẫu. Khi bạn vẽ khối cầu và khối hộp là khi bạn đang đứng trước những vật mẫu có quan hệ nặng nhẹ rồi đấy.

4. Sáng, tối

Khối cầu thông thường cho ta quy luật ánh sáng theo các bước sau: sáng – trung gian – tối – phản quang, tính chất chuyển đổi sắc độ chậm của khối cầu cho bạn cảm giác êm nhẹ, mềm mại và tuần hoàn… Ngược lại khối hộp cho quan hệ sáng tối đối lập, dứt khoát, khỏe khoắn, mạnh mẽ và đột ngột. Tuy vậy bạn phải liên tục suy tư về nó, vận dụng nó cho những bài học nâng cao về sau thì mới mong qua nó diễn đạt được những cung bậc tình cảm đúng như cảm xúc của mình.

5. Động và tĩnh

Động tĩnh vốn chỉ là cấp độ trong quan hệ tương đối của tín hiệu thị giác đôi khi bạn có thể dựa vào động tĩnh mà xây dựng cho mình một hình họa vững vàng. Động tĩnh còn có tác dụng rất lớn trong việc biểu cảm cảm xúc thẩm mỹ.
Bạn hãy quan sát hình vẽ sau:

Hình 3: Cấp độ động tĩnh thay đổi từ 1 đến 3

Kết luận: Sự thay đổi quan hệ giữa hai hình ở những điểm chạm cụ thể tạo nên thay đổi động tĩnh khác nhau.
Tượng em bé cài lược của Vũ Cao Đàm sử dụng ba khối cơ bản: khối quả trứng ở đầu, khối trụ ở cổ, khối hộp ở bệ tượng. Sự thay đổi trục tự nhiên của ba khối này trong quan hệ tổng thể được khái quát như sau:
Hình vẽ 4: Minh họa nhịp điệu tượng em bé cài lược của Vũ Cao Đàm
Qua đó ta nhận thấy chiều hướng vận động cơ bản của ba khối dẫn tới nhịp điệu tổng thể và cũng qua đó khối tượng toát lên mỹ cảm.

6. Đơn lẻ và tổ hợp:

Khối cơ bản khi đứng đơn lẻ hầu như khó lòng dấy lên một kích thích mỹ cảm, nhưng chỉ cần hai hoặc ba khối hộp hay khối cầu đặt cạnh nhau, chúng đã có thể tương tác cho nhau tạo nên một kích thích mỹ cảm nhất định.

Broncuxi dựng “cột vô tận” cao trên 30m, với kết cấu duy nhất những khối quả trám đồng dạng cụt hai đầu, nối tiếp nhau trùng trùng, dâng lên vươn cao hòa vào trời xanh, thăng hoa vĩnh cửu, làm nên một tổng thể hoành tráng đúng như tên gọi của nó!

Kiến trúc sư người Mỹ PERTER ELSENMAN đã dựng đài tưởng niệm HOLOCAUST ở BERLIN (đài tưởng niệm các nạn nhân do thái bị giết hại trong cuộc diệt chủng HOLOCAUST của phát xít Đức) gồm 2711 khối bê tông cao thấp khác nhau trên diện tích 10.000m2. Đứng trước những khối bê tông hình hộp này, người xem bị lạc vào một mê cung mà ở đó chỉ có sự câm lặng bao phủ, cảm giác bất lực được dồn nén đến tận cùng im lặng và ghê rợn.

 

de ve tot hinh hoa co ban 1

de ve tot hinh hoa co ban 2

de ve tot hinh hoa co ban 3

de ve tot hinh hoa co ban 4

de ve tot hinh hoa co ban 5

de ve tot hinh hoa co ban 6

de ve tot hinh hoa co ban 7

de ve tot hinh hoa co ban 8

 

 

 

 

 

 

0976984729