Hình thuyền trong nghệ thuật trang trí đồ Đồng Đông Sơn (Phần 2)

hinh thuyen 12

4. Một số biến thể trang trí hình thuyền trên đồ đồng Đông Sơn

Hình thuyền trên các hiện vật bằng đồng đều được mô tả theo dáng hình vòng cung (hình bán nguyệt). Căn cứ vào tài liệu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng loại thuyền dùng trong trang trí đó chính là loại thuyền độc mộc có trang trí đầu linh thú ở đầu mũi thuyền.

Mặc dù các hình thuyền đều được mô tả theo kiểu thuyền độc mộc nhưng về chi tiết chúng có nhiều điểm khác nhau. Thứ nhất là đáy thuyền được thể hiện theo hai dạng: đáy cong và đáy bằng. Thuyền đáy cong được thể hiện giống như hình thuyền trên thạp Đào Thịnh, thạp Hợp Minh hay trống Hoàng Hạ… Thuyền đáy bằng thường thấy trên một số thuyền đua và thuyền đi săn như trên trống Sông Đà, trống Đồi Ro… Điểm khác biệt tiếp theo là hình đầu linh thú trang trí ở phần mũi thuyền rất đa dạng và gần như không có hình nào hoàn toàn giống với hình nào. Nó có thể là hình đầu chim Lạc với mỏ dài tròn, nhọn hay mỏ vuông hoặc hình chim Lạc hai đầu, có thể lại là hình miệng thú mở to như miệng cá sấu, cũng có khi là những hình ảnh cách điệu kỳ lạ đến mức không còn hình dung được chính xác đó là hình gì.

Các hình thuyền nói riêng và đa số các dạng hoa văn thuộc đề tài sinh hoạt khác đều được mô tả theo lối nhìn trắc diện. Với phương pháp này, người nghệ nhân có thể đơn giản hóa các hình dáng của đối tượng một cách dễ dàng hơn. Trong cách thể hiện hình, họ ít đi sâu vào chi tiết mà thường chú trọng nhiều vào phần đường viền và các họa tiết trang trí.

Nhìn chung các mảng hình trong băng hoa văn hình thuyền đều là những hình được tạo lõm xuống so với bề mặt của hiện vật. Hầu hết các hoa văn này không được chạm khắc trực tiếp lên hiện vật bằng đồng sau khi đúc mà chúng được thực hiện bằng hai phương pháp chính: tạo hoa văn trên lõi sáp và chạm khắc hoa văn vào trong lòng khuôn áo bằng đất. Phong cách tạo hình của các hình thuyền theo đặc trưng của mỹ thuật Đông Sơn là sử dụng đa số các hình học đơn giản, hình kỉ hà, đường gấp khúc kết hợp với những đường cong lớn… tạo nên các dạng hoa văn mang tính trừu tượng và khái quát cao. Có thể thấy nguyên tắc tạo hình của người Đông Sơn đều dựa trên nguyên lí lấy điểm đặc trưng thay thế cho toàn thể, trừu tượng hóa một cách tiết kiệm nhất, qua đó họ có thể truyền đạt một lượng thông tin tối đa chỉ bằng lượng hình ảnh tối thiểu.

Sự khác biệt với hình thuyền chạm khắc trong các đình làng thế kỷ 16, 17 đầu tiên phải kể đến là cách mô tả nước dưới đáy thuyền. Các hình thuyền chạm khắc vào thế kỷ 16, 17 không chỉ sử dụng cá, rùa… để mô tả nước như thời Đông Sơn mà kết hợp thêm các hình sóng nước.

hinh thuyen 11

Về nội dung thể hiện thuyền không đa dạng như ở thời Đông Sơn mà thường thấy cảnh đua thuyền, bơi thuyền hay thuyền đi đánh cá. Thuyền được mô tả theo hai loại chính là thuyền buồm và thuyền rồng. Thuyền đã phát triển thêm phần mui và các khoang trên thân thuyền. Phần thân thuyền không trang trí hoa văn mà được thay thế bằng các chốt gỗ chạy song song với mép thuyền. Ở giai đoạn này, thay vì sử dụng hình kỉ hà hay đường gấp khúc, các nghệ nhân dùng chủ yếu là những mảng hình khỏe, khối nổi căng tròn, kết hợp với nhiều đường cong và hình ảnh mang tính chất hiện thực nhiều hơn.

5. Các giá trị của hình tượng thuyền trong mỹ thuật Đông Sơn

Thuyền là một trong số những hình tượng đẹp được các nghệ nhân Đông Sơn lựa chọn để dùng trong trang trí trên một số hiện vật bằng đồng. Giống như những hoa văn khác trang trí trên đồ đồng bản thân nó cũng mang trong mình những giá trị đặc trưng về văn hóa và thẩm mỹ của cư dân Đông Sơn.

- Giá trị văn hóa: Có thể giải thích văn hóa là các di vật (hiện vật) phản ánh được những truyền thống văn hóa tốt đẹp, đời sống của cộng đồng, di tích lịch sử, kỹ thuật chế tác còn lưu lại đến ngày nay. Nghĩa là bản thân các di vật còn sót lại từ các nền văn minh đều mang giá trị văn hóa nhất định và nó được phản ánh một phần thông qua các mảng hoa văn trang trí trên hiện vật đó. Do vậy, tất cả các loại hoa văn trang trí trên đồ đồng Đông Sơn nói riêng đều mang giá trị văn hóa. Đối với hoa văn hình thuyền, điều đầu tiên ta có thể khẳng định được chính là vào thời Đông Sơn, người dân đã biết cách chế tạo thuyền và sử dụng nó làm phương tiền để đi lại, vận chuyển trên sông. Qua cách thể hiện hình thuyền kết hợp cùng những di vật còn sót lại cho thấy đó là thuyền độc mộc. Ngoài ra, giá trị văn hóa còn được thể hiện thông qua phần nội dung trình diễn trên từng dạng thuyền bởi vì đa số các hoa văn được người Đông Sơn thể hiện trên nhiều vật dụng nhằm mục đích kể lại một câu chuyện, một sự kiện xã hội cụ thể. Đây cũng là một hình thức họ dùng để lưu giữ lại những bản sắc đặc trưng trong văn hóa Đông Sơn mà cụ thể ở đây là văn hóa gắn với thuyền. Qua những hình người mô tả trên thuyền, ta có thể hình dung được phần nào về trang phục mà cư dân Đông Sơn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lễ hội. Bên cạnh đó, trong việc nghiên cứu dạng hoa văn nói riêng này còn giúp chúng ta thấy được phần nào kỹ thuật chế tác hoa văn thời Đông Sơn.

- Giá trị thẩm mỹ: Giá trị thẩm mỹ thể hiện trong phong cách trang trí các loại hoa văn thời Đông Sơn nói chung và hoa văn hình thuyền nói riêng chính là nó phản ánh được trình độ tư duy thẩm mỹ của các nghệ nhân trong giai đoạn này. Có thể thấy nó đã đạt đến đỉnh cao trong tiến trình mỹ thuật tiền sử Việt Nam. Các nghệ nhân Đông Sơn sử dụng hoa văn hình thuyền chạm khắc lên các vật dụng bằng đồng với mục đích đầu tiên là để làm đẹp. Trước hết có thể thấy nhu cầu làm đẹp vào thời kỳ này rất lớn, bản thân những hoa văn được sang staoj ra đều phục vụ cho mục đích làm đẹp. Họ không chỉ trang trí hoa văn trên đồ trang sức mà tất cả các đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày đến những vật dụng cho ngày lễ… đều được trang trí. Vì mỹ thuật trong giai đoạn này là nền mỹ thuật ứng dụng do đó phần lớn những cái đẹp tồn tại đến ngày nay mà chúng ta còn nhận thấy được đều gắn với những đồ dùng có chức năng sử dụng cụ thể trong cuộc sống. Trong cách sắp xếp các hoa văn hình thuyền trang trí trên trống, thạp, rìu, tấm che ngực bằng đồng theo một hệ thống nhất định. Các hình thuyền trang trí trên đồ đồng đều được thể hiện dựa trên các yếu tố biểu tượng, ước lệ, cách điệu cao theo hướng sơ đồ hóa, đưa những hình phức tạp về dạng hình học đơn giản… tất cả đã làm nên nét đặc trưng riêng cho nghệ thuật Đông Sơn. Thông qua đó, ta có thể thấy được sự vượt bậc trong tư duy thẩm mỹ của cư dân Đông Sơn so với các giai đoạn trước.

Tóm lại hình tượng thuyền được biểu hiện trong mỹ thuật Đông Sơn thông qua các dạng hoa văn hình thuyền. Những hoa văn này chỉ được chạm khắc trên một số hiện vật bằng đồng như trống, thạp, rìu, tấm che ngực, ngoài ra các loại đồ đống khác không thấy trang trí dạng hoa văn này. Cũng như những dạng hoa văn khác, hoa văn hình thuyền chạm khắc trên đồ đồng với mục đích đầu tiên là để trang trí, làm đẹp. Những hình thuyền mô tả trên đồ đống trình diễn các nội dung chính như cảnh lễ hội và những cảnh sinh hoạt hàng ngày gắn với thuyền biểu hiện qua ba dạng thuyền là thuyền chiến, thuyền đua lễ hội, thuyền trong sinh hoạt thường ngày. Do đó, qua những hình ảnh này ta có thể phần nào thấy được nét đặc sắc trong văn hóa tinh thần mang đặc trưng từ điều kiện môi trường sống của cư dân Đông Sơn (môi trường có nhiều sông ngòi).

Đa số các hình thuyền đều được trang trí rất đa dạng, phong phú và hầu như không thấy sự trùng lặp kể cả với hình thuyền trong cùng một băng hoa văn. Tuy đa dạng trong trang trí nhưng lại thống nhất dựa trên nguyên tắc chung về cách tạo hình và bố cục khiến cho tổng thể luôn đạt được sự cân bằng, chỉnh chu, hài hòa. Đây cũng chính là những chuẩn mực trong tư duy thẩm mỹ của con người đương thời.

Thông qua cách thể hiện hoa văn hình thuyền có thể thấy được rằng mỹ thuật Đông Sơn mang bản sắc riêng biệt, một phong cách đậm chất bản địa không thể lẫn lộn với nền nghệ thuật nào khác. Đây chính là kết qyar từ sự tiếp thu những tinh hoa của các giai đoạn trước cùng với những sáng tạo độc đáo của người nghệ nhân Đông Sơn. Nó không chỉ phản ánh được nét đặc sắc trong văn hóa Đông Sơn mà đây còn là minh chứng về đỉnh cao của mỹ thuật trong giai đoạn sơ sử. Tất cả những thành tựu đó đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nền mỹ thuật Việt Nam.

- Nguyễn Phi Yến -

>>> Hình thuyền trong nghệ thuật trang trí (Phần 1)

>>> Nghệ thuật trang trí

>>> Họa tiết trang trí

>>> Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 1)

>>> Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 2)

0976984729