Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 2)
Cách điệu hình thể:
Cách điệu hình thể là dựa trên cơ sở thực tế của hiện thực, họa sĩ chắt lọc, giữ lại đường nét, hình thể đặc trưng nhất, đồng thời sắp xếp lại, thay đổi, thêm bớt chi tiết, cường điệu, lạ hóa nhưng không mất đi tính đặc thù. Tranh “Phong cảnh Matsushima” của Sotatsu không diễn tả theo cách tái hiện không gian hình khối như thực của sự vật hiện tượng là những mỏm núi như bị chìm trong sóng biển cuộn trào dữ dội. Hiệu quả thẩm mỹ, ấn tượng thị giác về thiên nhiên hùng vĩ với sức mạnh vô biên được Sotatsu thể hiện thông qua hình thức cách điệu các hình tượng nghệ thuật có thể đạt đến mức tượng trưng. Sóng biển tung cao, trắng bạc đầu, núi đá sắc nhọn cố nhô lên mặt biển hiện trên tác phẩm hoàn toàn nương nhờ sự khái quát hóa, cách điệu hóa ở những mảng hình và đường nét. Cách nhìn quyết định cách vẽ, khi không thâm diễn mà vẫn muốn có hiệu quả như cảm giác thực thì hình và nét có sự biến đổi theo chủ ý là yếu tố chính được sử dụng thay vì diễn tả bằng không gian, ánh sáng, đậm nhạt. Điều này cũng thể hiện trong cách xây dựng bố cục, biểu hiện không gian, cấu trúc hình thể nhân vật trong tranh dân gian Việt Nam hay hội họa, đồ họa hiện đại sau này. Ở tranh “Đánh vật” người nghệ sĩ chỉ vẽ những hình ảnh còn đọng trong trí nhớ, với những nét khái quát nhất, nhằm gợi lại cả quá trình hoạt động đấu vật trong lễ hội mùa xuân chứ không chỉ hình các đô vật.
Tranh "Đánh vật"
Cảm nhận của người xem ở đây là không khí của trận đấu, không khí ấy có cái căng thẳng của người đang đấu, vận động nhẹ nhàng của người khởi động và co ro vì rét ở người đang xem. Bức “Gội đầu” của Trần Văn Cẩn để tạo cảm giác mềm mại, suôn chảy theo dòng nước của mái tóc, tác giả khai thác khả năng gợi tả của yếu tố trang trí thông qua hình thức cách điệu làn sóng tóc uốn mềm.
Tranh "Gội đầu". Trần Văn Cẩn
Tranh “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm hình tượng được xây dựng trên cơ sở cách điệu theo phong cách trang trí ở trống đồng với những đường kỷ hà, khúc chiết tạo cảm giác chắc khỏe, mạnh mẽ phù hợp với tính chất và nội dung tác phẩm. Ta còn thấy cách thể hiện yếu tố trang trí này trong nhiều tác phẩm như “Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Cùng nhau đi hồng binh” của Trần Văn Cẩn, “Ông nghè vinh quy” của Nguyễn Khang, “Chiến thắng mùa xuân” của Nguyễn Thụ, “Từ nhân dân mà ra” của Nguyễn Quang Thọ, “Anh bộ đội” của Lê Trọng Lân, “Bà cháu” của Mai Khanh, “Cổ tích đồng quê” của Nguyễn Đức Hòa, “Tháng giêng” của Vũ Đình Tuấn.
Tranh "Điệu múa cổ". Nguyễn Tư Nghiêm
Cách điệu là một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật trang trí. Cách điệu tạo thuận lợi trong sắp xếp bố cục, kiến tạo cấu trúc hình mảng, tạo ấn tượng hấp dẫn và vẫn đúng với đối tượng được phản ảnh từ hiện thực khách quan. Chính nhờ đặc trưng này của nghệ thuật trang trí, các họa sĩ vận dụng để sáng tạo hình tượng nghệ thuật, biểu hiện không gian, chuyển tải cảm xúc hay ý tưởng tạo hình.
- Lê Văn Sửu -
>>> Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 1)